Các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Quảng Bình có quy mô nguồn vốn và lao động thấp, chủ yếu là các doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ. Tiềm năng phát triển của doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV) tại tỉnh Quảng Bình là lớn và hằng năm đóng góp đáng kể vào GDP toàn tỉnh, nhưng việc tiếp cận vốn ngân hàng của các doanh nghiệp này còn hạn chế. Nghiên cứu khảo sát 320 DNNVV trên địa bàn tỉnh Quảng Bình nhằm đánh giá khả năng tiếp cận các nguồn vốn vay của các DNNVV. Điều tra bằng bảng hỏi cho ban giám đốc hoặc kế toán của doanh nghiệp, số phiếu trả lời đầy đủ và hợp lệ các câu hỏi thu về là 320 phiếu. Các rào cản chủ yếu khi DNNVV tiếp cận vốn tại ngân hàng xuất phát từ cả hai phía, đối với doanh nghiệp là chưa đáp ứng các điều kiện của ngân hàng về tài sản đảm bảo, thiếu dự án sản xuất, kinh doanh khả thi, hệ thống báo cáo tài chính chưa đầy đủ, thiếu tính minh bạch. Trong thời gian tới, cần có thêm những biện pháp hỗ trợ các DNNVV tiếp cận nguồn vốn tín dụng ngân hàng như: Tăng cường mối quan hệ hợp tác, trao đổi thông tin giữa ngân hàng và doanh nghiệp, tư vấn cho doanh nghiệp trong khâu lập dự án sản xuất, kinh doanh, vận hành dự án hiệu quả, kiểm soát tốt rủi ro trong hoạt động kinh doanh.
1. Các chính sách hỗ trợ DNNVV tiếp cận nguồn vốn tín dụng ngân hàng
Trong thời gian qua, cơ quan quản lí các cấp đã có những chủ trương, giải pháp hỗ trợ phát triển các DNNVV. Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương đã triển khai hệ thống chính sách đồng bộ thông qua việc tạo lập môi trường kinh doanh thuận lợi cho doanh nghiệp về hành lang pháp lí, trợ giúp tiếp cận các nguồn lực để phát triển. Về phía Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) đã xây dựng các chương trình hành động của Ngành, triển khai quyết liệt nhiều giải pháp góp phần cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia tạo thuận lợi cho phát triển doanh nghiệp nói chung và DNNVV nói riêng.
Thời gian qua, NHNN điều hành chính sách tiền tệ - tín dụng chủ động, linh hoạt và đồng bộ nhằm tạo điều kiện thuận lợi trong việc tiếp cận vốn tín dụng phục vụ sản xuất, kinh doanh cho người dân, doanh nghiệp. NHNN xác định DNNVV là một trong năm lĩnh vực ưu tiên (các lĩnh vực: Nông nghiệp, nông thôn; xuất khẩu; công nghiệp hỗ trợ; DNNVV; doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao) và chỉ đạo các tổ chức tín dụng (TCTD) tập trung vốn cho vay, quy định trần lãi suất cho vay ngắn hạn bằng VND đối với lĩnh vực này luôn thấp hơn so với các lĩnh vực thông thường khác. Cụ thể, trong giai đoạn từ cuối năm 2019 đến nay, NHNN đã có 5 lần điều chỉnh trần lãi suất cho vay của các TCTD đối với các DNNVV, theo đó mức trần lãi suất dao động trong khoảng 4,5 - 6%/năm.
Bên cạnh đó, NHNN triển khai chính sách hỗ trợ lãi suất 2% thông qua hệ thống các ngân hàng thương mại cho một số ngành, lĩnh vực quan trọng, các doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh có khả năng trả nợ, có khả năng phục hồi; cho vay cải tạo chung cư cũ, xây dựng nhà ở xã hội, nhà cho công nhân mua, thuê và thuê mua. NHNN hoàn thiện khung khổ pháp lí về hoạt động cho vay của TCTD theo hướng tăng cường thẩm quyền quyết định và chịu trách nhiệm của TCTD trong việc cho vay đối với doanh nghiệp, người dân theo quy định của Luật Các TCTD; chỉ đạo các TCTD cải cách thủ tục hành chính, rút ngắn thời gian giải quyết cho vay song song với việc đảm bảo an toàn vốn vay.
Để hỗ trợ DNNVV tăng khả năng tiếp cận vốn tín dụng, thực hiện Luật Hỗ trợ DNNVV, Thống đốc NHNN đã ban hành Thông tư số 45/2018/TT-NHNN ngày 28/12/2018 hướng dẫn các TCTD phối hợp với Quỹ bảo lãnh tín dụng trong cho vay DNNVV có bảo lãnh của Quỹ bảo lãnh tín dụng tại các địa phương; chỉ đạo các TCTD phối hợp Quỹ Phát triển DNNVV để cho vay DNNVV từ nguồn vốn của Quỹ Phát triển DNNVV.
Ngoài ra, Ngân hàng Chính sách xã hội cũng đã triển khai nhiều chính sách cho vay ưu đãi lãi suất đối với DNNVV như: Hỗ trợ người sử dụng lao động vay vốn 0% để trả lương ngừng việc cho người lao động do ảnh hưởng dịch Covid-19; cho vay đối với doanh nghiệp tại vùng khó khăn (lãi suất 9%); cho vay lãi suất ưu đãi doanh nghiệp sử dụng lao động là người khuyết tật, người dân tộc thiểu số, cho vay hỗ trợ lãi suất 2% từ ngân sách nhà nước theo Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội theo Nghị định số 36/2022/NĐ-CP ngày 30/5/2022 của Chính phủ.
Hiện nay, hầu hết các TCTD đã tham gia cho vay đối với khu vực DNNVV, bình quân giai đoạn 2018 - 2022, dư nợ tín dụng đối với DNNVV tăng 14,17%, cao hơn bình quân chung toàn nền kinh tế. Đến cuối năm 2022, dư nợ tín dụng đối với DNNVV tăng 8,28% so với cuối năm 2021, chiếm khoảng gần 19% tổng dư nợ tín dụng chung toàn nền kinh tế.
2. Khả năng tiếp cận nguồn vốn tín dụng ngân hàng của các DNNVV trên địa bàn tỉnh Quảng Bình
Nhu cầu tín dụng của các DNNVV trên địa bàn tỉnh Quảng Bình
Các DNNVV trên địa bàn tỉnh Quảng Bình chủ yếu huy động vốn từ các nguồn tín dụng ngân hàng, tín dụng thương mại, tín dụng tài trợ dự án của Ngân hàng Phát triển Việt Nam (VDB) và nguồn vay từ bạn bè, người thân, trong số các DNNVV được phỏng vấn trên địa bàn tỉnh Quảng Bình thì không có doanh nghiệp nào huy động từ phát hành cổ phiếu, trái phiếu.
Trong các kênh huy động vốn của doanh nghiệp thì tín dụng ngân hàng là nguồn vốn ít rủi ro hơn cả và nguồn cung về vốn dồi dào hơn nhiều so với vay từ bạn bè và người thân hay tín dụng thương mại. Tuy nhiên, số lượng doanh nghiệp huy động vốn từ nguồn này rất khiêm tốn, chỉ có 32% số lượng doanh nghiệp khảo sát vay vốn từ ngân hàng thương mại, con số này thấp hơn nhiều so với tín dụng thương mại (đạt 48%), số lượng DNNVV vay vốn tài trợ dự án tại VDB cũng hạn chế (đạt 5%) và nguồn từ bạn bè người thân là 15%. (Hình 1)
Hình 1: Nguồn huy động vốn của các DNNVV tỉnh Quảng Bình
.JPG)
Nguồn: Tổng hợp từ kết quả kháo sát năm 2022
Nguồn vốn của doanh nghiệp được tài trợ vào tài sản ngắn hạn và dài hạn, các tài sản dài hạn doanh nghiệp sẽ tài trợ bằng nguồn vốn chủ sở hữu, vay dài hạn. Nguồn vốn tài trợ cho tài sản ngắn hạn có thể là nguồn vốn ngắn hạn hoặc dài hạn. Tuy nhiên, do nguồn vốn dài hạn được ưu tiên để tài trợ tài sản cố định, tài trợ dự án nên tài sản ngắn hạn thường được tài trợ bằng các nguồn vốn ngắn hạn mà doanh nghiệp huy động được như các khoản nợ phải trả cho người bán, khách hàng ứng trước tiền mua hàng và vay ngắn hạn từ ngân hàng. Nguồn tín dụng từ thương mại của các DNNVV chiếm tỉ lệ lớn, có đến 48% các doanh nghiệp cho nhau vay vì họ thường là đối tác của nhau nên dựa vào tín dụng thương mại của doanh nghiệp nhỏ khác, nguồn tín dụng ngắn hạn ngân hàng mặc dù ít rủi ro nhưng khó tiếp cận hơn, do vậy, các DNNVV thường dựa vào nguồn vốn của nhau, điều này làm cho dòng chảy vốn không được lành mạnh, dồi dào. Nguồn vốn tài trợ dự án cho DNNVV tại VDB bao quát trên tất cả các lĩnh vực, vốn được đầu tư vào lĩnh vực nông, lâm nghiệp, thủy sản chiếm tỉ trọng cao, trong đó tín dụng Nhà nước tập trung cho vay đối với các dự án thuộc lĩnh vực đánh bắt, nuôi trồng thủy sản (chiếm tỉ trọng hơn 41% tổng các dự án được hỗ trợ).
Đa số các DNNVV trên địa bàn tỉnh Quảng Bình có nhu cầu vốn ngắn hạn cao hơn so với vốn trung và dài hạn, chủ yếu nhằm bù đắp thiếu hụt tạm thời và vốn lưu động tài trợ cho các dự án kinh doanh thời vụ. Có 36% số doanh nghiệp có nhu cầu vốn trung và dài hạn nhằm tài trợ cho tài sản cố định và tài trợ các dự án đầu tư mở rộng kinh doanh. (Hình 2)
Hình 2: Nhu cầu về kì hạn vay vốn của các DNNVV tỉnh Quảng Bình
.JPG)
Nguồn: Tổng hợp từ kết quả kháo sát năm 2022
Khả năng tiếp cận vốn vay của các DNNVV (Bảng 1)
Bảng 1: Một số rào cản tiếp cận vốn tín dụng ngân hàng của các DNNVV
.JPG)
Nguồn: Tổng hợp từ kết quả kháo sát năm 2022
Khả năng đáp ứng điều kiện về tài sản đảm bảo là rào cản lớn nhất khi doanh nghiệp tiếp cận vốn tín dụng với mức độ đồng ý trung bình là 4,02; có 74% số người khảo sát đồng ý cao với nhận định này. Các doanh nghiệp có quy mô nhỏ, tài sản chủ yếu là hàng tồn kho, luân chuyển trong kinh doanh, bất động sản chiếm tỉ trọng nhỏ, do vậy, các doanh nghiệp khó đáp ứng yêu cầu về tài sản bảo đảm của ngân hàng. Mặt khác, các ngân hàng thường định giá thấp tài sản bảo đảm và áp dụng tỉ lệ cấp tín dụng khá hạn chế trên tổng giá trị tài sản bảo đảm sau định giá.
Chi phí lãi suất và chi phí vay vốn không chính thức cao cũng là một rào cản tiếp cận vốn của các doanh nghiệp, mặc dù Nhà nước đã có những chính sách hỗ trợ lãi suất và điều chỉnh lãi suất cho vay tối đa đối với DNNVV, hỗ trợ kịp thời giúp doanh nghiệp duy trì kinh doanh trong bối cảnh nền kinh tế bị tác động bởi dịch Covid-19. Thời gian qua, một số ngân hàng đã triển khai hỗ trợ mức lãi suất cho vay hấp dẫn đối với DNNVV, dao động từ 4 - 7,5% tùy theo từng kì hạn vay, tuy nhiên mức hỗ trợ lãi suất này được một số ngân hàng quy định về mốc thời gian giải ngân, chỉ số lượng ít các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Quảng Bình vay được mức lãi suất hỗ trợ, do các doanh nghiệp có quy mô nhỏ, tài sản chủ yếu là ngắn hạn, khó đáp ứng điều kiện về tài sản bảo đảm.
Thiếu các dự án, phương án sản xuất, kinh doanh khả thi là một trong những rào cản cho doanh nghiệp khi vay vốn tại ngân hàng. Mục đích của ngân hàng trong việc thẩm định phương án kinh doanh là nhằm đánh giá doanh nghiệp có khả năng thực hiện được phương án sản xuất, kinh doanh hay không, dự án có hiệu quả hay không. Bên cạnh đó, ngân hàng thẩm định các phương án, dự án kinh doanh nhằm đánh giá khả năng tạo ra nguồn tiền trong tương lai và khả năng trả nợ của doanh nghiệp. Các yêu cầu xây dựng phương án, dự án sản xuất, kinh doanh đòi hỏi doanh nghiệp phải chứng minh được tính khả thi và đo lường, xác minh được hiệu quả của dự án, điều này vượt quá khả năng của một số DNNVV. Ngoài ra, các doanh nghiệp có quy mô nhỏ và siêu nhỏ khó đáp ứng điều kiện hồ sơ báo cáo tài chính đầy đủ, minh bạch để xin vay vốn từ ngân hàng hoặc huy động vốn từ phát hành trái phiếu, cổ phiếu. Do vậy, các doanh nghiệp có xu hướng tăng nguồn vốn tự có, lợi nhuận giữ lại, giai đoạn 2011 - 2015 nguồn vốn chủ sở hữu của các DNNVV trên địa bàn tỉnh Quảng Bình chiếm khoảng 1/3, đến năm 2020 tỉ lệ này tăng mạnh đạt gần 1/2 tổng nguồn vốn. Bên cạnh đó, những hạn chế về khả năng quản trị, kiểm soát rủi ro của chủ doanh nghiệp, thủ tục vay vốn phức tạp được đánh giá là rào cản tiếp cận vốn tín dụng của các DNNVV trên địa bàn tỉnh Quảng Bình.
3. Một số khuyến nghị nâng cao khả năng tiếp cận vốn tín dụng cho các DNNVV tại Quảng Bình
Để tăng khả năng tiếp cận nguồn vốn tín dụng ngân hàng cho các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Quảng Bình cần có những nỗ lực từ bản thân doanh nghiệp nhằm đáp ứng tốt các điều kiện vay vốn của ngân hàng, kết hợp với những biện pháp hỗ trợ hơn nữa từ phía cơ quan quản lí, các ngân hàng thương mại, tạo điều kiện thuận lợi về điều kiện vay, thủ tục vay vốn đối với các DNNVV.
Về phía các doanh nghiệp, khi vay vốn tài trợ cho dự án cần xây dựng được các phương án sản xuất, kinh doanh khả thi, đảm bảo tính hợp pháp, hợp lí, hiệu quả về kinh tế - xã hội - môi trường, tính tối ưu, khả năng duy trì khi có rủi ro... Việc lập dự án, phương án sản xuất, kinh doanh mang tính chuyên nghiệp rất cao, do vậy, các chủ DNNVV trong quá trình lập báo cáo nên có sự hỗ trợ và tham khảo từ các cơ quan chuyên môn, các tổ chức và các chuyên gia từng tham gia lập và thẩm định dự án. Đặc biệt, các DNNVV cần tham khảo ý kiến và mời các nhà đầu tư vốn, nhân viên ngân hàng tham gia ngay từ khâu lập dự án để có thể lập phương án sản xuất, kinh doanh có hiệu quả cao.
Bên cạnh việc lập các phương án, dự án sản xuất, kinh doanh khả thi, DNNVV phải dựa trên tiềm lực của bản thân, ngành hàng mục tiêu, thị trường mục tiêu và tiềm năng, lợi thế sẵn có của địa phương và nhất là quy hoạch phát triển kinh tế của địa phương về ngành nghề, loại hình, lao động, nguồn nguyên liệu sẵn có... để có chiến lược phát triển phù hợp. Đồng thời, doanh nghiệp cần phải nâng cao năng lực quản trị, kiểm soát rủi ro ngắn hạn và dài hạn, nâng cao năng lực tài chính nhằm đáp ứng các điều kiện vay vốn của ngân hàng.
Các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Quảng Bình có quy mô nhỏ và siêu nhỏ chiếm tỉ lệ lên tới 73%. Với đặc thù quy mô nhỏ, các doanh nghiệp gặp khó khăn trong việc xây dựng đầy đủ hệ thống báo cáo tài chính, cũng như khó đáp ứng về tính minh bạch trong báo cáo, do vậy đây là rào cản làm cho doanh nghiệp khó được duyệt hồ sơ vay vốn. Trong thời gian tới, các DNNVV cần xây dựng được bộ máy kế toán có trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, kiến thức chuyên sâu về kế toán, am hiểu các quy định về hệ thống kế toán doanh nghiệp vừa có khả năng lập dự án, phương án sản xuất, kinh doanh đảm bảo tính khoa học, hợp lí, chính xác. Các doanh nghiệp nên tăng cường sử dụng các phương thức thanh toán không dùng tiền mặt qua hệ thống ngân hàng nhằm tăng cường tính minh bạch, pháp lí của hệ thống sổ sách kế toán. Các báo cáo tài chính cần phải lập một cách rõ ràng, đủ độ tin cậy, loại bỏ các báo cáo tài chính mang tính đối phó với cơ quan thuế, ngân hàng, không phản ánh đúng tình trạng thực tế của doanh nghiệp. Hệ thống sổ sách ghi chép và theo dõi hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp phải đầy đủ, rõ ràng, tuân thủ các quy định của pháp luật.
Đáp ứng điều kiện về tài sản bảo đảm là một trong những khó khăn của hầu hết các DNNVV trên địa bàn tỉnh Quảng Bình. Đa số các khoản vay của doanh nghiệp cần phải có tài sản bảo đảm, đặc biệt là các khoản vay trung và dài hạn, các doanh nghiệp có quy mô nhỏ và siêu nhỏ thường không đủ tài sản thế chấp để vay vốn thường xuyên tại ngân hàng vì tài sản của doanh nghiệp chủ yếu là hàng tồn kho và tài sản ngắn hạn. Để khắc phục hạn chế này, các ngân hàng có thể xem xét mở rộng danh mục tài sản bảo đảm của DNNVV chẳng hạn như hàng tồn kho, song song với đó là cải thiện các điều kiện vay vốn như đối với doanh nghiệp có dự án, phương án sản xuất, kinh doanh hiệu quả, khả thi nên nới lỏng các điều khoản về tài sản bảo đảm như định giá tài sản bảo đảm theo giá trị trường và xét duyệt vốn vay với tỉ lệ tối đa bằng giá trị tài sản bảo đảm. Mở rộng cho vay tín chấp đối với các doanh nghiệp có uy tín cao, năng lực quản trị tốt, kiểm soát rủi ro và hoạt động hiệu quả. Tăng cường mối quan hệ hợp tác trao đổi thông tin giữa ngân hàng và doanh nghiệp, ngân hàng tiếp tục nắm bắt thông tin về phương án sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp, kịp thời tư vấn về giải ngân vốn, tư vấn cho doanh nghiệp kiểm soát rủi ro tài chính, rủi ro về môi trường và xã hội của dự án. Doanh nghiệp kiểm soát rủi ro tốt, hoạt động hiệu quả không chỉ đem lại lợi ích cho doanh nghiệp mà còn giúp ngân hàng thu hồi nợ đúng hạn, tránh những rủi ro liên quan đến tín dụng và rủi ro danh tiếng cho ngân hàng.
Tài liệu tham khảo:
1. Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Sách trắng doanh nghiệp Việt Nam năm 2022, Nhà xuất bản Thống kê, năm 2022.
2. Nguyễn Quốc Nghi, Nhân tố ảnh hưởng đến khả năng tiếp cận nguồn vốn tín dụng hỗ trợ của DNNVV ở thành phố Cần Thơ, Tạp chí Công nghệ Ngân hàng số 57 tháng 12/2010.
3. Nguyễn Minh Phục (2011), Phân tích các yếu tố ảnh hưởng đến khả năng vay vốn ngân hàng của các DNNVV trên địa bàn thành phố Cần Thơ, Luận văn Thạc sĩ, Đại học Cần Thơ.
4. Học viện Tài chính (2008), Quản lí tài chính DNNVV Việt Nam hiện nay, đề tài nghiên cứu khoa học cấp bộ.
5. Nghị định số 34/2018/NĐ-CP ngày 08/3/2018 của Chính phủ về việc thành lập, tổ chức và hoạt động của quỹ bảo lãnh tín dụng cho DNNVV.
TS. Bùi Khắc Hoài Phương
Khoa Kinh tế - Du lịch, Trường Đại học Quảng Bình