Lâm Đồng được biết đến là tỉnh có thành phố Đà Lạt nổi tiếng thơ mộng, thành phố của ngàn hoa, nằm trên cao nguyên được thiên nhiên ưu đãi với khí hậu ôn hòa dịu mát quanh năm, thiên đường dành cho du lịch và nghỉ dưỡng. Nhưng ở xứ sở của các loài hoa chen nhau đua sắc thắm, của những cánh rừng thông bạt ngàn xanh mướt ấy có tới 43 dân tộc anh em sinh sống với trên 300.000 đồng bào dân tộc thiểu số, vẫn còn đó một huyện nghèo Đam Rông, 33 xã và 77 thôn đặc biệt khó khăn.
Theo chuẩn hộ nghèo đa chiều giai đoạn 2016-2020, số hộ nghèo toàn tỉnh là 20.094 hộ, chiếm 6,67% (trong đó hộ nghèo người dân tộc thiểu số là 12.487 hộ, chiếm 19,11%), hộ cận nghèo là 15.443 hộ, chiếm 5,12% (số hộ cận nghèo người dân tộc thiểu số là 7.160 hộ, chiếm tỷ lệ 10,96%).
Cách đây 5 năm, Chỉ thị số 40-CT/TW ngày 22/11/2014 của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách xã hội ra đời như dòng suối mát lành tưới nguồn sống thêm tươi mới tới tận những thôn, buôn xa xôi, làm chuyển biến tích cực cuộc sống của đồng bào các dân tộc nơi đây.
Hệ thống chính trị dồn lực cho công cuộc giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới
Xác định tín dụng chính sách xã hội là một trong những nguồn lực quan trọng trong thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững và xây dựng nông thôn mới, ngay khi có Chỉ thị 40-CT/TW, Tỉnh ủy Lâm Đồng đã ban hành văn bản số 4777-CV/TU ngày 23/01/2015 chỉ đạo các cấp ủy đảng và các sở, ban, ngành thuộc tỉnh căn cứ chức năng, nhiệm vụ được giao tổ chức thực hiện tốt Chỉ thị số 40-CT/TW. Ủy ban Nhân dân tỉnh cũng đã ban hành văn bản số 46/TB-UBND ngày 27/02/205 và Kế hoạch hành động số 2470/KH-UBND ngày 11/5/2016 cùng 14 văn bản khác trong 5 năm qua để tập trung triển khai thực hiện Chỉ thị số 40-CT/TW.
Theo đó, Tỉnh ủy chỉ đạo, giao Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy phối hợp các cơ quan truyền thông của tỉnh tăng cường công tác tuyên truyền về vai trò của tín dụng chính sách xã hội góp phần quan trọng trong thực hiện mục tiêu giảm nghèo, giải quyết việc làm, đảm bảo an sinh xã hội; quyền lợi, trách nhiệm của các đối tượng chính sách trong thực hiện chính sách tín dụng ưu đãi; hướng dẫn công tác khuyến nông, kỹ thuật sản xuất cho hộ nghèo, hộ cận nghèo; phổ biến các mô hình vay vốn làm ăn hiệu quả, vươn lên thoát nghèo.
Chỉ đạo Ủy ban Mặt trận Tổ quốc vận động các tổ chức doanh nghiệp trên địa bàn dành nguồn vốn ủy thác hoặc gửi NHCSXH để chung tay tạo lập nguồn vốn cho người nghèo và các đối tượng chính sách khác vay vốn ưu đãi phục vụ sản xuất kinh doanh, ổn định đời sống. Ủy ban Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội các cấp phối hợp với NHCSXH trong việc thực hiện các chương trình tín dụng chính sách; thực hiện công tác củng cố, nâng cao chất lượng tín dụng, chất lượng sinh hoạt tại các Tổ Tiết kiệm và vay vốn, tập trung hướng dẫn bình xét đối tượng đúng quy định; đôn đốc thu hồi nợ đến hạn, nợ quá hạn; tăng cường kiểm tra, giám sát, hướng dẫn người vay sử dụng vốn vay hiệu quả; tuyên truyền chủ trương, chính sách của Đảng, Chính phủ về tín dụng chính sách xã hội.
NHCSXH phối hợp với các Sở, ngành xây dựng đề án Tổ hợp tác Tiết kiệm và vay vốn để liên kết các hộ vay có cùng mục đích vay vốn đầu tư sản xuất kinh doanh, áp dụng khoa học kĩ thuật để có sản lượng, sản phẩm lớn tương đối đồng nhất về chủng loại và chất lượng, góp phần nâng cao cạnh tranh hàng nông, lâm, thủy sản, tiểu thủ công nghiệp truyền thống của tỉnh.
Tỉnh ủy chỉ đạo UBND tỉnh các huyện, thành phố ưu tiên vốn ngân sách địa phương chuyển sang NHCSXH để cho vay hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác.
UBND các cấp kiện toàn Ban chỉ đạo giảm nghèo các cấp, xây dựng kế hoạch giảm nghèo, ban hành các chính sách cụ thể của địa phương để hỗ trợ đối tượng hộ nghèo, hỗ trợ đội ngũ cán bộ làm công tác giảm nghèo trên địa bàn. Chỉ đạo thống kê, rà soát, điều chỉnh, bổ sung kịp thời danh sách hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo và đối tượng chính sách khác trên địa bàn mới phát sinh hàng năm làm cơ sở để những đối tượng này được vay vốn NHCSXH. Nâng cao trách nhiệm của lãnh đạo UBND cấp xã trong công tác điều tra, xác nhận đối tượng được vay vốn NHCSXH; thường xuyên chỉ đạo công tác bình xét cho vay kết hợp củng cố, nâng cao chất lượng tín dụng tại cơ sở.
Chỉ đạo các cấp ủy, chính quyền các cấp tạo điều kiện thuận lợi hỗ trợ phương tiện, trang thiết bị, trụ sở làm việc; phân công Chủ tịch UBND cấp xã tham gia Ban đại diện Hội đồng quản trị NHCSXH huyện, đặc biệt, quan tâm bố trí địa điểm làm việc, đảm bảo an ninh, an toàn đối với các buổi giao dịch của NHCSXH tại điểm giao dịch xã.
UBND tỉnh giao Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chỉ đạo và phối hợp với các tổ chức chính trị - xã hội, UBND cấp xã tăng cường công tác khuyến nông, khuyến lâm, hướng dẫn, chuyển giao khoa học kĩ thuật; lồng ghép các chương trình, dự án sản xuất kinh doanh, chuyển đổi cơ cấu, lựa chọn cây trồng, vật nuôi, ngành nghề, định hướng thị trường với việc triển khai tín dụng chính sách trên địa bàn để phát huy tối đa hiệu quả nguồn vốn vay. Làm tốt công tác tư vấn, hướng dẫn xây dựng và nhân rộng các mô hình sản xuất kinh doanh điển hình, giúp nhau vươn lên thoát nghèo và làm giàu.
Với sự vào cuộc mạnh mẽ và quyết liệt của cả hệ thống chính trị trong tỉnh, sau 5 năm thực hiện Chị thị 40 tại tỉnh Lâm Đồng đã có trên 220 nghìn lượt hộ nghèo, hộ cận nghèo và các đối tượng chính sách khác được vay vốn, doanh số cho vay trên 5.008 tỷ đồng, bình quân mỗi năm 835 tỷ đồng. Tổng dư nợ 14 chương trình tín dụng chính sách đến 30/6/2019 đạt 3.227 tỷ đồng với 95.385 hộ vay, trong đó dư nợ cho vay tại huyện nghèo Đam Rông là 259,1 tỷ đồng, dư nợ tại các xã nghèo của tỉnh là 166 tỷ đồng, dư nợ tại các xã nông thôn mới là 2.653 tỷ đồng.
Nguồn vốn tín dụng ưu đãi trong 5 năm qua đã giúp gần 11.000 hộ thoát nghèo, tạo việc làm và tăng thêm việc làm cho 10.500 lao động, tạo điều kiện cho trên 31.200 lượt học sinh, sinh viên vay vốn trang trải chi phí học tập, giúp 342 lao động đi làm việc ở nước ngoài, xây dựng 743 căn nhà và trên 119.000 công trình nước sạch và nhà vệ sinh hợp tiêu chuẩn tại vùng nông thôn góp phần cải tạo môi trường sống, đáp ứng tiêu chí xây dựng nông thôn mới.
Đặc biệt, vốn tín dụng chính sách đã góp phần tích cực giảm tỷ lệ hộ nghèo toàn tỉnh giai đoạn 2011-2015 từ 2,75% năm 2014 xuống còn 1,75% cuối 2015 và giảm tỷ lệ hộ nghèo toàn tỉnh giai đoạn 2016-2020 từ 6,67% xuống còn 2,85% cuối năm 2018; nâng tỷ lệ hộ dân khu vực nông thôn được sử dụng nguồn nước hợp vệ sinh lên 86%, tỷ lệ hộ gia đình có nhà tiêu hợp vệ sinh 71,5%, tỷ lệ hộ gia đình có chuồng trại gia súc hợp vệ sinh 69%. Thông qua các chương trình tín dụng chính sách của NHCSXH đầu tư cho vay tại các xã xây dựng nông thôn mới trong tỉnh đã góp phần giúp 87 xã được công nhận đạt chuẩn xây dựng nông thôn mới, trong đó huyện Đơn Dương được công nhận huyện đạt chuẩn nông thôn mới.
Nguồn vốn ủy thác của địa phương chuyển sang NHCSXH trên địa bàn đến 30/6/2019 là 131 tỷ đồng, chiếm 3,9% tổng nguồn vốn tín dụng chính sách tại NHCSXH, tăng 2,81 lần so với trước khi có Chỉ thị 40. Ngoài việc cân đối ngân sách ủy thác qua NHCSXH để cho vay, trong 5 năm qua, UBND tỉnh đã trang bị 3 xe ô tô chuyên dùng phục vụ hoạt động giao dịch tại Điểm giao dịch xã từ nguồn ngân sách địa phương; hỗ trợ mua trang bị cặp đựng hồ sơ cho Tổ Tiết kiệm và vay vốn; cấp đất cho Phòng Giao dịch NHCSXH huyện xây dựng trụ sở làm việc, mua sắm trang thiết bị làm việc cho NHCSXH. Ngoài ra, cấp ủy, chính quyền các cấp đã bố trí phòng làm việc và tạo điều kiện cho NHCSXH giao dịch hàng tháng tại Điểm giao dịch xã.
Với sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp chính quyền, nguồn vốn tín dụng chính sách được tăng cường, khơi thông và đang được sử dụng có hiệu quả, giúp cho người nghèo và các đối tượng chính sách khác từng bước vượt qua khó khăn, vươn lên đảm bảo cuộc sống và thoát nghèo bền vững.
Hiệu quả rõ nét trên từng mô hình thoát nghèo
Đam Rông là huyện nghèo duy nhất hiện nay thuộc chương trình 30a của tỉnh Lâm Đồng. Tỷ lệ hộ nghèo ở Đam Rông theo chuẩn nghèo tiếp cận đa chiều tính đến cuối năm 2018 là 19,22%, trong đó, hộ nghèo người đồng bào dân tộc thiểu số còn 2.358 hộ, chiếm 31,83%, hộ cận nghèo đồng bào dân tộc thiếu số còn 2.441 hộ, chiếm 31,95%. Các xã như Đạ Rsal, Đạ K’nàng, Rô Men… tập trung tỷ lệ hộ nghèo khá cao. Chỉ thị 40-CT/TW như mang hơi thở mới đến với vùng đất nghèo; tín dụng chính sách đặc biệt có ý nghĩa, giúp bà con nơi đây có đồng vốn làm ăn, tạo lập kinh tế gia đình, từng bước ổn định cuộc sống góp phần giúp Đam Rông cán đích bước ra khỏi danh sách 62 huyện nghèo của cả nước vào năm 2020.
Nuôi tằm đem lại cho gia đình anh Tạ Nguyên Phong công việc ổn định, cuộc sống khấm khá
Từng bỏ quê hương đi làm ăn xa với hi vọng thoát khỏi đói nghèo nhưng cái nghèo cứ đeo bám gia đình anh Tạ Nguyên Phong ở thôn Pang Pế Nâm, xã Đạ Rsal, huyện Đam Rông, anh quyết định trở về quê hương với tâm ý “an cư mới lạc nghiệp”. Do tích lũy được kinh nghiệm trong thời gian dài đi làm thuê, anh Phong nhận thấy phát triển nghề trồng dâu nuôi tằm đang hồi sinh và vẫn là thế mạnh của tỉnh. Năm 2017, thông qua Hội Cựu chiến binh của xã Đạ Rsal, anh được xét vay 50 triệu đồng chương trình hộ cận nghèo từ NHCSXH đầu tư nuôi tằm. Mỗi tháng 2 vợ chồng anh nuôi được 4 hộp tằm, với giá tằm đang rớt như hiện nay là 110 ngàn đồng/1kg thì sau khi trừ hết chi phí như con giống, lưới chống ruồi… cho thu nhập hơn 5 triệu đồng/tháng. Ngoài thời gian nuôi tằm, vợ chồng anh Phong còn chăm sóc vườn dâu làm thức ăn cho tằm, hơn 100 gốc bơ, 5 ha cà phê, 2 ha hồ tiêu mang lại cho gia đình anh hiệu quả kinh tế cao, giúp gia đình có cuộc sống khấm khá hơn. Từ nguồn thu của gia đình, hàng tháng anh còn tham gia gửi tiền tiết kiệm thông qua Tổ tiết kiệm và vay vốn, đến nay số tiền anh tham gia gửi tiết kiệm đã gần 3 triệu đồng. Anh Phong tâm sự, “Nguồn vốn ưu đãi từ NHCSXH đã giúp gia đình tôi rất nhiều, lãi suất thấp, thời hạn trả nợ hợp lý, gia đình tôi yên tâm nuôi tằm, chăm sóc vườn cây, có việc làm ổn định quanh năm mà không phải đi xa, không lo không có việc làm”.
Gia đình anh Lê Thanh Tùng thuộc diện hộ cận nghèo tại thôn Pang Pế Nâm, xã Đạ Rsal, huyện Đam Rông, được vay 50 triệu đồng vốn ưu đãi NHCSXH để khai hoang mở đất trồng cà phê, chôm chôm, cam, bưởi,...
3 năm nay, vườn cây trái cho gia đình anh thu nhập dao động từ 120 triệu đến 150 triệu đồng/năm. Hiện anh vừa vay thêm 12 triệu đồng chương trình nước sạch vệ sinh môi trường. Hàng tháng, anh Tùng tham gia trả lãi đầy đủ cho ngân hàng và còn gửi tiết kiệm được 2,8 triệu đồng. Cuộc sống gia đình anh ngày một ấm no hơn.
Hay như gia đình K Tăm thôn Păng Bá, xã Đạ K’nàng, thuộc Hội Nông dân xã Đạ K’nàng quản lý đã mạnh dạn vay vốn chương trình hộ nghèo 30 triệu đồng trồng 01 ha dâu nuôi tằm, cải tạo và chăm sóc 5 ha cà phê, nuôi 04 con dê. Đến nay, anh K Tăm cũng đã gửi tiết kiệm được gần 400 ngàn đồng phòng khi việc đột xuất xảy ra có tiền sử dụng.
Khác với huyện nghèo Đam Rông, huyện Đạ Huoai đang phấn đấu đạt chuẩn nông thôn mới vào năm 2020. Tuy nhiên, tại một số xã trên địa bàn huyện tập trung đông đồng bào dân tộc thiểu số thì cuộc sống của người dân vẫn còn gặp nhiều khó khăn, thiếu thốn.
Gần 20 năm trước, anh Nguyễn Văn Dũng ở ngoài bắc vào Lâm Đồng tìm kiếm cơ hội việc làm mong thoát nghèo. Anh gặp và kết hôn với chị Lâm Thị Thùy Dung ở thị trấn Đạ M’Ri, huyện Đạ Huoai, cuộc sống của hai vợ chồng nghèo chỉ biết đi làm thuê kiếm bữa ăn qua ngày. Đầu năm 2003, họ sinh con đầu lòng, khó khăn chồng chất khó khăn, cuộc sống vô cùng bấp bênh. Rồi vợ chồng anh chị được Hội Phụ nữ giới thiệu tiếp cận với nguồn vốn tín dụng chính sách. Năm 2017, được xét vay 50 triệu đồng từ chương trình hộ nghèo, anh chị bàn nhau đầu tư trồng sầu riêng, măng cụt là những cây trồng phù hợp với thổ nhưỡng nơi đây. Nhờ công sức lao động siêng năng của hai vợ chồng anh, hai năm nay vườn cây ăn quả cho anh chị lợi nhuận tạm tính sau khi trừ hết chi phí cũng thu về được 120 triệu đồng/năm. Cuộc sống gia đình anh đã đỡ vất vả và ổn định hơn trước rất nhiều. Nét xúc động hiện trên gương mặt người nông dân cần cù, chịu khó, anh Dũng chia sẻ, “nguồn vốn vay NHCSXH chính là bước khởi nghiệp quan trọng của gia đình tôi, nếu không có nguồn vốn ấy, gia đình tôi không được ổn định như ngày hôm nay. Cảm ơn Đảng, Nhà nước, Chính phủ đã có những chính sách quan tâm đến người nghèo, tạo điều kiện cho gia đình tôi cũng như nhân dân được tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi để phát triển sản xuất”.
Chị Đỗ Thị Bích Viên ở tổ dân phố 3, thị trấn Đạ M’Ri, huyện Đạ Huoai kể, gia đình chị thuộc diện hộ cận nghèo được NHCSXH huyện cho vay 50 triệu đồng. Sau khi được vay vốn, gia đình chị đầu tư trồng 4,5 ha cây ăn trái gồm chôm chôm, măng cụt và trồng xen cây chè. Nguồn thu từ cây chè và cây ăn quả đã giúp gia đình chị có thu nhập khá ổn định, đảm bảo được cuộc sống và dần vươn lên thoát nghèo bền vững. Ngoài ra, chị còn vay 15 triệu đồng vốn chương trình học sinh, sinh viên cho cậu út học Đại học tại Sài Gòn và vay 12 triệu đồng chương trình nước sạch vệ sinh môi trường, đến nay vốn vay từ hai chương trình này đã được chị trả hết cho NHCSXH. “Có được như ngày hôm nay là nhờ nguồn vốn từ NHCSXH, đây thật sự là một cứu cánh đối với gia đình tôi, giúp gia đình có vốn đầu tư sản xuất vươn lên phát triển kinh tế gia đình”, chị Viên chia sẻ.
Mô hình trồng các loại cây ăn quả xen chè
mang lại hiệu quả kinh tế cao cho gia đình chị Đỗ Thị Bích Viên
Giám đốc NHCSXH huyện Đạ Huoai Nguyễn Chí Thành cho biết, đến 30/6/2019, tổng nguồn vốn tín dụng chính sách của NHCSXH huyện Đạ Huoai đạt 198.019 triệu đồng, tăng 3,8% so với đầu năm, trong đó, nguồn vốn huy động đạt 26.121 triệu đồng, đạt 93% kế hoạch. Tổng dư nợ 13 chương trình tín dụng chính sách đạt 197.511 triệu đồng với 4.913 hộ vay thông qua 149 Tổ tiết kiệm và vay vốn. Trong quá trình triển khai, thực hiện tín dụng chính sách, NHCSXH huyện luôn phối hợp chặt chẽ với các tổ chức hội, đoàn thể làm tốt công tác tuyên truyền, tạo điều kiện thuận lợi cho người nghèo và các đối tượng chính sách khác tiếp cận được với chính sách tín dụng. Đối với những hộ đủ điều kiện và có nhu cầu vay vốn, NHCSXH sẽ giải quyết nhanh chóng, kịp thời. Đặc biệt, các khâu cho vay, thu nợ, thu lãi, thu tiết kiệm được NHCSXH huyện thực hiện ngay tại UBND các xã, thị trấn đã giúp hộ nghèo và các đối tượng chính sách thuận tiện trong giao dịch. Cán bộ NHCSXH huyện cũng thường xuyên tổ chức sinh hoạt, kiểm tra đánh giá để kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc nên hoạt động cho vay nhanh chóng đi vào nền nếp, nguồn vốn các chương trình tín dụng ưu đãi của Chính phủ đến đúng đối tượng thụ hưởng, giúp những người dân nghèo có vốn mở rộng SXKD.
Điểm qua một vài mô hình sản xuất kinh doanh vươn lên thoát nghèo đang được triển khai hiệu quả tại Lâm Đồng, có thể thấy, tín dụng chính sách đã giúp nhiều hộ nghèo và các đối tượng chính sách trên vùng cao nguyên này từng bước thoát nghèo, vươn lên có cuộc sống ấm no. Đặc biệt, từ khi có Chỉ thị số 40 của Ban Bí thư TW Đảng đã tạo được nhận thức cao trong toàn thể cán bộ, đảng viên trong tỉnh; công tác ủy thác tín dụng chính sách của NHCSXH qua 04 hội đoàn thể giúp chất lượng sinh hoạt của các tổ chức Hội được nâng lên; đời sống của người nghèo được cải thiện rõ nét, nhiều hộ nghèo và hộ đồng bào dân tộc thiểu số thoát nghèo bền vững, vươn lên làm giàu, nhiều mô hình làm ăn kinh tế vươn lên thoát nghèo đang được nhân rộng, nhiều thôn, xã đã ra khỏi danh sách vùng đặc biệt khó khăn và đang dần thay da đổi thịt… góp phần thực hiện mục tiêu giảm nghèo, giải quyết việc làm, xây dựng nông thôn mới và bảo đảm an sinh xã hội tại địa phương.
Mai Phương
Nguồn: TCNH Số 17/2019