Doanh nghiệp nhỏ và vừa (SMEs) ở Việt Nam nói riêng, khu vực kinh tế tư nhân nói chung, được xác định là một động lực quan trọng thúc đẩy kinh tế Việt Nam tăng trưởng bền vững trong thời gian tới. Các SMEs còn được xác định là mảnh đất màu mỡ và giàu tiềm năng cho xu hướng khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo ở Việt Nam. Các SMEs đang có đóng góp quan trọng cho ngân sách nhà nước, tạo công ăn việc làm và góp phần xóa đói giảm nghèo bền vững cho Việt Nam.
Tuy đóng vai trò không hề nhỏ trong nền kinh tế và xã hội, nhưng các SMEs ở Việt Nam hiện đang phải đối mặt với nhiều thách thức và khó khăn trong hoạt động, trong đó có những khó khăn trong việc tiếp cận nguồn vốn tín dụng ngân hàng. Do đó, để tháo gỡ những khó khăn gây trở ngại cho quá trình tiếp cận nguồn vốn tín dụng ngân hàng của các SMEs thì bên cạnh những nỗ lực từ phía các SMEs, cũng cần có sự cởi mở và thông thoáng từ các tổ chức tín dụng, cũng như những hỗ trợ cần thiết từ phía Ngân hàng Nhà nước Việt Nam.
Tiêu chí xác định và vai trò của các SMEs
Các SMEs được định nghĩa là những doanh nghiệp có vốn mỏng, sử dụng ít lao động và có quy mô hoạt động nhỏ bé (thường được đo lường qua chỉ số doanh thu hàng năm). Các SMEs cũng có thể được chia thành các doanh nghiệp siêu nhỏ, doanh nghiệp nhỏ và doanh nghiệp vừa.
Để nhận dạng một doanh nghiệp có phải là một SME hay không, người ta phải căn cứ vào các tiêu chí do các tổ chức hoặc các chính phủ của các nước quy định. Chẳng hạn theo Nhóm Ngân hàng Thế giới (World Bank Group), một doanh nghiệp được coi là nhỏ và vừa nếu có ít hơn 300 lao động, tổng tài sản và doanh thu hàng năm dưới 15 triệu đô la Mỹ. Bên cạnh đó, Nhóm Ngân hàng Thế giới còn sử dụng thêm tiêu chí quy mô vay vốn để phân loại các doanh nghiệp. Ở các quốc gia đang phát triển, những doanh nghiệp có quy mô vay vốn ít hơn một triệu đô la Mỹ được coi là các SMEs.
Ở các nước châu Âu, SMEs có số lượng lao động dưới 250 người và doanh thu hàng năm nhỏ hơn 50 triệu Euro. Tại Mỹ, SMEs là doanh nghiệp có số lượng người lao động dưới 500 người và có doanh thu hàng năm dưới 7 triệu đô la đối với đa số các ngành không liên quan tới sản xuất và mức này tăng lên 35,5 triệu đô la đối với ngành sản xuất. Ở Canada, một doanh nghiệp được coi là SMEs nếu có số lao động từ 10 tới 250 và doanh thu hàng năm dưới 50 triệu đô la Canada. Các tiêu chí về SMEs tại Mexico, Nam Phi, Thái Lan và Thổ Nhĩ Kỳ cũng rất khác biệt. Tại Mexico, SMEs có số lao động ít hơn 500 người trong lĩnh vực hoạt động sản xuất và ít hơn 50 người trong hoạt động dịch vụ, trong khi tại Nam Phi là 10 - 20 tới 100 - 200, tùy thuộc vào từng ngành, Thái Lan áp dụng quy định 200 người trong các ngành sử dụng nhiều lao động và ít hơn 100 người trong các ngành sử dụng nhiều vốn và cuối cùng là Thổ Nhĩ Kỳ với số lao động từ 10 tới 250 cho SMEs (Trung tâm nghiên cứu kinh tế - tài chính UEL, 2017).
Ở Việt Nam, theo Điều 6 Nghị định số 39/2018/NĐ-CP ngày 11/03/2018 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật hỗ trợ SMEs thì tiêu chí xác định SMEs được quy định cụ thể như sau:
1. Doanh nghiệp siêu nhỏ trong lĩnh vực nông nghiệp, lâm nghiệp, thủy sản và lĩnh vực công nghiệp, xây dựng có số lao động tham gia bảo hiểm xã hội bình quân năm không quá 10 người và tổng doanh thu của năm không quá 3 tỷ đồng hoặc tổng nguồn vốn không quá 3 tỷ đồng.
Doanh nghiệp siêu nhỏ trong lĩnh vực thương mại, dịch vụ có số lao động tham gia bảo hiểm xã hội bình quân năm không quá 10 người và tổng doanh thu của năm không quá 10 tỷ đồng hoặc tổng nguồn vốn không quá 3 tỷ đồng.
2. Doanh nghiệp nhỏ trong lĩnh vực nông nghiệp, lâm nghiệp, thủy sản và lĩnh vực công nghiệp, xây dựng có số lao động tham gia bảo hiểm xã hội bình quân năm không quá 100 người và tổng doanh thu của năm không quá 50 tỷ đồng hoặc tổng nguồn vốn không quá 20 tỷ đồng, nhưng không phải là doanh nghiệp siêu nhỏ theo quy định tại khoản 1 Điều này.
Doanh nghiệp nhỏ trong lĩnh vực thương mại, dịch vụ có số lao động tham gia bảo hiểm xã hội bình quân năm không quá 50 người và tổng doanh thu của năm không quá 100 tỷ đồng hoặc tổng nguồn vốn không quá 50 tỷ đồng, nhưng không phải là doanh nghiệp siêu nhỏ theo quy định tại khoản 1 Điều này.
3. Doanh nghiệp vừa trong lĩnh vực nông nghiệp, lâm nghiệp, thủy sản và lĩnh vực công nghiệp, xây dựng có số lao động tham gia bảo hiểm xã hội bình quân năm không quá 200 người và tổng doanh thu của năm không quá 200 tỷ đồng hoặc tổng nguồn vốn không quá 100 tỷ đồng, nhưng không phải là doanh nghiệp nhỏ, doanh nghiệp siêu nhỏ theo quy định tại khoản 1, khoản 2 Điều này.
Doanh nghiệp vừa trong lĩnh vực thương mại, dịch vụ có số lao động tham gia bảo hiểm xã hội bình quân năm không quá 100 người và tổng doanh thu của năm không quá 300 tỷ đồng hoặc tổng nguồn vốn không quá 100 tỷ đồng, nhưng không phải là doanh nghiệp siêu nhỏ, doanh nghiệp nhỏ theo quy định tại khoản 1, khoản 2 Điều này. (Bảng 1).
So với các doanh nghiệp khác, các SMEs có được lợi thế là dễ dàng thành lập và rút lui khỏi thị trường, khá linh hoạt trong các quyết định kinh doanh. Những lợi thế này đã tạo điều kiện cho các SMEs hoạt động trên nhiều lĩnh vực và ngành nghề khác nhau. Các SMEs cũng giúp khai thác và tận dụng nguồn lao động, nguyên liệu và tài nguyên thiên nhiên của địa phương để giải quyết công ăn việc làm, đóng góp cho ngân sách và cho tăng trưởng kinh tế của địa phương.
Ở Việt Nam hiện nay, theo Tổng cục Thống kê, trong số gần 600.000 doanh nghiệp hiện đang hoạt động, có đến hơn 98% là các SMEs (trong đó số doanh nghiệp vừa chỉ chiếm 2,2%, doanh nghiệp nhỏ chiến 29,6% và còn lại 68,2% là siêu nhỏ). Tổng quy mô vốn của các SMEs chiếm khoảng 40,9% tổng nguồn vốn huy động vào sản xuất kinh doanh của toàn khu vực doanh nghiệp. Hàng năm, các SMEs cũng tạo ra gần 60% việc làm (chiếm 42,2% số lao động), 44,8% doanh thu, đóng góp khoảng 40% GDP, 33% giá trị sản lượng công nghiệp, 30% giá trị hàng hóa xuất khẩu và đóng góp 29,3% cho ngân sách nhà nước.
Thực trạng tiếp cận nguồn vốn tín dụng ngân hàng của các SMEs ở Việt Nam
Tuy đóng vai trò là động lực quan trọng cho tăng trưởng kinh tế của Việt Nam, nhưng các SMEs hiện đang gặp rất nhiều khó khăn trong hoạt động, đặc biệt là việc tiếp cận nguồn vốn tín dụng ngân hàng. Mặc dù Việt Nam xếp thứ 29/190 quốc gia về chỉ số tiếp cận tín dụng, nhưng hiện vẫn có đến 60% SMEs chưa tiếp cận được nguồn vốn tín dụng ngân hàng (Hồng Ánh, 2018).
Theo một Báo cáo kết quả hoạt động ngân hàng của Ngân hàng Nhà nước từ năm 2018 cho thấy, tỷ trọng vốn tín dụng cho các SMEs đến cuối năm 2018 đạt 1,307 triệu tỷ đồng, tăng 15,57% so với cuối năm 2017, chiếm 18% tổng dư nợ tín dụng của nền kinh tế. Trong khi đó, dư nợ tín dụng cho đối với các SMEs đến cuối năm 2017 đạt khoảng 1,13 triệu tỷ đồng, chiếm khoảng 17,37% tổng dư nợ tín dụng của nền kinh tế, tăng 11,53% so với thời điểm cuối năm 2016.
Một số liệu thống kê khác vừa được Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cập nhật cho thấy, tính đến ngày 31/5/2019, dư nợ tín dụng đối với nền kinh tế tăng 5,74% so với cuối năm 2018. Trong đó, tín dụng đối với SMEs tăng 5,04%. Bảng 2 và Hình 1 dưới đây sẽ cho thấy rõ hơn diễn biến dư nợ tín dụng và tốc độ tăng trưởng dư nợ tín dụng đối với các SMEs, tỷ trọng dư nợ tín dụng của các SMEs so với tổng dư nợ của nền kinh tế từ cuối năm 2017 đến hết tháng 5/2019.
Từ Bảng 2 và Hình 1 cho thấy, mặc dù vẫn còn có khó khăn trong việc tiếp cận nguồn vốn tín dụng, tuy nhiên, dư nợ tín dụng SMEs cũng đã đạt được tốc độ tăng 11,53% trong năm 2017 và 15,57% trong năm 2018. Tỷ trọng dư nợ tín dụng đối với các SMEs chiếm được từ 17 -18% tổng dư nợ toàn bộ nền kinh tế.
Sở dĩ các SMEs ở Việt Nam còn khó khăn trong việc tiếp cận nguồn vốn tín dụng ngân hàng được nhiều chuyên gia chỉ ra là khả năng đáp ứng đủ điều kiện hồ sơ vay vốn ngân hàng còn hạn chế, năng lực tài chính yếu kém, không xây dựng được phương án/dự án sản xuất kinh doanh khả thi và có hiệu quả; nợ phải trả tồn đọng lớn chưa có biện pháp xử lý, thiếu công khai và minh bạch thông tin. Bên cạnh đó, tính hiệu quả trong hoạt động của SMEs chưa cao, thiếu tài sản để bảo đảm cho khoản vay theo quy định hoặc tài sản đảm bảo có giá trị thấp; chưa có sự hợp tác chặt chẽ với ngân hàng khi vay vốn hoặc cơ cấu lại khoản nợ đã vay...
Về phía các tổ chức tín dụng, mặc dù nguồn vốn luôn sẵn sàng nhưng các tổ chức tín dụng cũng gặp nhiều khó khăn trong việc thẩm định phương án/dự án sản xuất kinh doanh của SMEs, nhất là đối với các SMEs hoạt động trong các lĩnh vực mới, đặc thù; không kiểm soát được dòng tiền của các SMEs khi cho vay do không kiểm soát được quá trình mua bán và thanh toán của các SMEs,...
Hướng đi mới trong tiếp cận nguồn vốn tín dụng ngân hàng của các SMEs ở Việt Nam
Để tạo thuận lợi cho các SMEs trong việc tiếp cận các nguồn vốn tín dụng ngân hàng, bên cạnh những nỗ lực từ các SMEs, cũng cần có sự cởi mở và thông thoáng từ các tổ chức tín dụng, cũng như những hỗ trợ cần thiết từ phía Ngân hàng Nhà nước Việt Nam.
Trước hết, đối với các SMEs, phải tuyệt đối trung thực trong việc hợp tác và cung cấp thông tin cho các tổ chức tín dụng trong quá trình thẩm định hồ sơ vay vốn, cũng như quá trình kiểm tra mục đích sử dụng vốn vay và xử lý khoản vay một khi khoản vay đã trở thành nợ xấu. Việc làm này, trước hết, tạo thuận lợi cho quá trình thẩm định của các tổ chức tín dụng. Ngoài ra, nó còn tạo được lòng tin và sự tín nhiệm cũng như thiện cảm ban đầu từ các tổ chức tín dụng cho vay. Các chủ doanh nghiệp SMEs, bên cạnh kiến thức chuyên môn và kinh nghiệm có được, cũng cần trang bị cho mình những kiến thức cần thiết về quản trị tài chính, đặc biệt các chủ doanh nghiệp SMEs phải có kiến thức về kiểm soát chi phí và quản trị dòng tiền, phải đọc và hiểu được các báo cáo tài chính của doanh nghiệp. Các tổ chức tín dụng khi thẩm định để ra quyết định cấp tín dụng cũng cần lưu ý đến yêu cầu quan trọng này đối với các chủ doanh nghiệp SMEs, vì thực tế hiện nay, đa phần các chủ SMEs không phải là những người được đào tạo bài bản về lĩnh vực tài chính kế toán, nên việc chi tiêu và cân đối dòng tiền thường không hiệu quả và hợp lý.
Nguồn vốn luôn sẵn sàng nhưng các TCTD cũng gặp nhiều khó khăn trong việc
thẩm định phương án kinh doanh của SMEs
Đối với các tổ chức tín dụng, cần có những gói tín dụng dành riêng để tài trợ cho các SMEs, vì đây vừa là đối tượng ưu tiên được Ngân hàng Nhà nước và Chính phủ khuyến khích cho vay, vừa là xu hướng thị phần tín dụng hứa hẹn nhiều tiềm năng tăng trưởng trong tương lai, một khi tín dụng đối với các doanh nghiệp lớn và các doanh nghiệp nhà nước đang có xu hướng tăng trưởng chậm lại, không theo kịp tốc độ tăng trưởng tín dụng của khu vực kinh tế tư nhân, các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài và tín dụng cá nhân. Các tổ chức tín dụng cũng cần ban hành quy định cấp tín dụng nội bộ dành riêng cho các SMEs. Quy định cho vay nội bộ cần thống nhất quan điểm không đòi hỏi thủ tục khi cho vay các SMEs siêu nhỏ phức tạp hơn cho vay các khách hàng cá nhân, vì trên thực tế, các khách hàng cá nhân và các chủ doanh nghiệp SMEs siêu nhỏ không khác nhau nhiều về hình thức sở hữu cá nhân. Quy chế cho vay nội bộ cũng cần quy định rõ những điều kiện mà các SMEs cần có để có thể được các tổ chức tín dụng cho vay không cần tài sản bảo đảm, và hạn mức cho vay không cần tài sản bảo đảm đối với từng trường hợp cụ thể. Các điều kiện để có thể được cho vay không cần tài sản bảo đảm có thể là số năm hoạt động có lãi dựa trên báo cáo thuế được duyệt, có bộ máy kế toán tài chính hoàn chỉnh và phải được ký hợp đồng lao động không xác định thời hạn, phải công khai và minh bạch thông tin trong quá trình hoạt động, chủ doanh nghiệp phải có kiến thức về quản trị tài chính, kiểm soát chi phí và quản trị dòng tiền, các SMEs đã tham gia được vào các chuỗi cung ứng trong nước, khu vực hay toàn cầu, các SMEs hiện không có nợ xấu, nợ thuế, nợ lương bị quá hạn hoặc các tranh chấp thương mại, tranh chấp hợp đồng, các SMEs đã khởi nghiệp thành công và đã xây dựng được uy tín, thương hiệu, có doanh số bán hàng tăng trưởng liên tục nhiều năm ở mức độ lớn, có các đơn vị bao tiêu sản phẩm có thương hiệu và uy tín lớn trên thị trường, sản phẩm của các SMEs đã được đăng ký độc quyền và không dễ bị thay thế, các SMEs đã được các tổ chức uy tín hoặc các Quỹ bảo lãnh tín dụng cam kết với các điều khoản bảo lãnh rõ ràng,... Bên cạnh đó, các tổ chức tín dụng cũng cần thành lập tổ hay bộ phận hỗ trợ các SMEs trong việc xây dựng dự án hay các phương án vay vốn. Quan trọng nhất là các tổ chức tín dụng cần hỗ trợ các SMEs xây dựng được các bảng dự toán dòng tiền chi tiết đến từng tháng để làm cơ sở cho việc xác định hạn mức tín dụng và đánh giá được khá chính xác khả năng trả nợ của các SMEs. Về phía Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, cũng cần hỗ trợ các tổ chức tín dụng trong việc tiếp cận các nguồn tài trợ từ các tổ chức tài chính quốc tế hay các khoản tái cấp vốn từ Ngân hàng Nhà nước có chi phí rẻ hơn để các tổ chức tín dụng có điều kiện giảm lãi suất cho vay các SMEs.
Tài liệu tham khảo:
- Chính phủ (2018), Nghị định số 39/2018/NĐ-CP ngày 11/3/2018 quy định chi tiết một số điều của luật hỗ trợ SMEs;
- Hồng Ánh (2018), 60% DNNVV chưa tiếp cận được với nguồn vốn tín dụng, Kinh tế và Dự Báo;
- Phương Linh (2019), Tiếp tục mở rộng tín dụng có hiệu quả cho doanh nghiệp nhỏ và vừa, truy cập ngày 23/7/2019;
- Nguyễn Thị Việt Nga (2019), Phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa trong bối cảnh mới, Tạp chí tài chính;
- Ngân hàng thế giới (2017), Việt Nam: Tăng Cường Năng lực Cạnh Tranh Và Liên Kết Của SMEs; truy cập ngày 23/7/2019;
- Quốc Hội (2017), Luật số 14/2017/QH14 về Hỗ trợ SMEs;
- Trung tâm nghiên cứu kinh tế - tài chính_UEL (2017), Tiếp cận tài chính của SMEs, Truy cập ngày 23/7/2019.
TS. Nguyễn Hoàng Vĩnh Lộc, Trần Nguyên Bình
Nguồn: TCNH Số CĐĐB 2019