Năm 2021, Trung Quốc có 23 thành phố gia nhập câu lạc bộ GDP 1.000 tỷ CNY, tương đương khoảng 150 tỷ USD và đang hướng tới nền kinh tế số.
Trung Quốc với lợi thế của thị trường quy mô lớn, dân số chiếm gần 1/5 dân số toàn cầu (1,44 tỷ người quý I/2021)1 đã chuyển đổi thành cường quốc về sản xuất và công nghệ, hệ thống công nghiệp hoàn chỉnh, cùng với hệ sinh thái Internet dẫn đầu về đổi mới, phát triển kinh tế số được xem là lựa chọn tất yếu của Trung Quốc và đã đạt được nhiều dấu ấn, thành tựu. Năm 2021, Trung Quốc có 23 thành phố gia nhập câu lạc bộ GDP 1.000 tỷ CNY, tương đương khoảng 150 tỷ USD và đang hướng tới nền kinh tế số.
1. Thành tựu trong phát triển kinh tế số Trung Quốc
Năm 2018, kinh tế số của Trung Quốc đứng thứ hai về quy mô, sau Mỹ, đóng góp hơn 4,7 nghìn tỷ USD (chiếm 1/3 GDP của Trung Quốc), trở thành động lực tăng trưởng kinh tế mới của Trung Quốc2. Năm 2019, kinh tế số của Trung Quốc đạt giá trị 35,8 nghìn tỷ CNY (5,5 nghìn tỷ USD), chiếm 36,2% GDP của Trung Quốc, đóng góp 67,7% vào tăng trưởng GDP, trong khi đó, kinh tế số chiếm 51,3% GDP ở các nước phát triển và chỉ 26,8% GDP ở các nước đang phát triển. Trung Quốc chấp nhận số hóa trước khi hoàn thành công nghiệp hóa, đô thị hóa và hiện đại hóa nông nghiệp.
Sự tăng trưởng vượt bậc về công nghệ di động, thanh toán di động giúp Trung Quốc nhanh chóng thu hẹp khoảng cách với các cường quốc kinh tế như Mỹ, Anh, Pháp. Tỷ lệ người dân nhận thức được các dịch vụ thanh toán di động tại Trung Quốc lên tới 77% (năm 2017), vượt xa nhiều nền kinh tế khác trong danh sách như Úc, Đức, Nhật Bản và Nga3. Kinh tế số tạo ra số lượng "đại gia" lớn trong các công ty khởi nghiệp tư nhân. Trong số hơn 200 công ty “kỳ lân” trên toàn thế giới có một phần ba đến từ Trung Quốc4. Thành tựu trong phát triển kinh tế số Trung Quốc được thể hiện trong các lĩnh vực sau:
Phát triển thương mại điện tử
Kinh tế số tăng nhanh của Trung Quốc thể hiện sự tăng đột biến các giao dịch thương mại điện tử. Giao dịch thương mại điện tử của Trung Quốc hiện lớn hơn 5 nền kinh tế hàng đầu thế giới gồm Pháp, Đức, Nhật Bản, Anh, Mỹ và sở hữu một lượng lớn người dùng trong lĩnh vực thanh toán di động với giá trị giao dịch lớn hơn 11 lần giá trị giao dịch của Mỹ5. Năm 2015, Trung Quốc đã vươn lên dẫn đầu thương mại điện tử trên toàn thế giới, với việc mua sắm trực tuyến chiếm 18% tổng doanh số bán lẻ, so với chỉ 8% ở Mỹ. Trung Quốc đã tích lũy được lượng dữ liệu khổng lồ trong thương mại điện tử, công nghệ 5G, đẩy nhanh việc ứng dụng công nghệ 5G dựa trên quy mô của nền kinh tế và nền công nghiệp hiện đại. Đây là những nền tảng quan trọng của kinh tế số - nội dung chiến lược của Kế hoạch 5 năm (2021 - 2025) của Trung Quốc. Sản lượng công nghiệp cốt lõi dự kiến sẽ chiếm 10% GDP của Trung Quốc năm 2025.
Nền kinh tế số của Trung Quốc đặc trưng bởi sự phát triển mạnh mẽ của truyền thông số và thương mại điện tử với sự hiện diện của 3 nhà cung ứng nội địa khổng lồ bao gồm: (i) Thương mại điện tử (Alibaba); (ii) Game trực tuyến và mạng xã hội (Tencent); (iii) Công cụ tìm kiếm (Baidu). Mỗi năm, Tập đoàn thương mại điện tử Alibaba xử lý số giao dịch mua bán nhiều hơn cả Ebay (công ty của Mỹ, quản lý trang web eBay.com) và Amazon (công ty công nghệ đa quốc gia của Mỹ)6 cộng lại. Với thế mạnh về game trực tuyến và mạng xã hội, Tencent hiện là công ty có giá trị lớn thứ 10 toàn cầu (khoảng 275 tỷ USD). Baidu là công ty thống trị mảng công cụ tìm kiếm tại thị trường nội địa sau khi Google phải rút khỏi thị trường do bị kiểm duyệt.
Thị trường thương mại điện tử của Trung Quốc có sự phát triển vượt bậc. Doanh thu bán lẻ trực tuyến toàn cầu năm 2018 của Trung Quốc đạt khoảng 2.800 tỷ USD, tăng 23,3% so với năm 2017. Bán lẻ trực tuyến đã dần trở thành một kênh quan trọng cho tiêu dùng của Trung Quốc. Ba doanh nghiệp nền tảng công nghệ hàng đầu là Baidu, Alibaba và Tencent (BAT) của Trung Quốc đã phát triển đến trình độ có thể cạnh tranh với các ông lớn về công nghệ ở Mỹ là Amazon, Apple,Facebook, Google và Netflix.
Thành lập chính phủ điện tử
Năm 2004, Trung Quốc chủ trương thành lập chính phủ điện tử bằng việc phát triển chữ ký điện tử. Các cơ quan nhà nước ở trung ương, địa phương thiết lập trang web riêng, cung cấp nhiều dịch vụ trực tuyến tạo thuận lợi cho công việc của người dân. Trung Quốc phát triển mạnh ngân hàng điện tử, phương thức cho vay ngang hàng P2P (Peer-to-Peer) dựa trên Internet. Năm 2016, tổng khối lượng giao dịch P2P của Trung Quốc đạt 2,06 nghìn tỷ CNY, tăng hơn gấp đôi chỉ trong một năm và tương đương 12% tổng số khoản vay ngân hàng được gia hạn. Năm 2018, có khoảng 50 triệu người tham gia vào nền tảng cho vay P2P, với tổng dư nợ lên đến 1.300 tỷ CNY (tương đương 192 tỷ USD). Hiện Trung Quốc là quốc gia dẫn đầu thị trường cho vay P2P trên toàn cầu. Hình thức thanh toán tiền mặt ngày càng giảm và được thay thế bằng các phương thức thanh toán điện tử hiện đại như quét mã QR, thanh toán bằng ví điện tử. Rất nhiều sản phẩm tiêu dùng cơ bản đều cho phép thanh toán di động. Hai ứng dụng thanh toán điện tử phổ biến nhất tại Trung Quốc là Wechat Pay (Tenpay) của Tencent và Alipay của Alibaba. Quy mô thị trường thanh toán di động tại Trung Quốc đã tăng mạnh và đạt 1,2 nghìn tỷ USD năm 2018. Chính phủ điện tử giúp nâng cao hiệu quả của các dịch vụ công thông qua số hóa. Theo Chỉ số chính phủ điện tử của Liên hợp quốc, số hóa các dịch vụ công ở Trung Quốc đứng thứ 63 trong số 193 quốc gia được khảo sát.
Kế hoạch hành động Internet Cộng (Internet Plus)
Để thúc đẩy chuyển đổi số trong các doanh nghiệp, Trung Quốc xây dựng Kế hoạch hành động Internet Cộng - Internet Plus (năm 2015) nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp hội nhập Internet bằng cách sử dụng công nghệ của các công ty Baidu, Alibaba, Tencent. Theo kế hoạch, Trung Quốc sẽ phát triển mạnh các dịch vụ dựa trên Internet và thiết lập mối quan hệ chặt chẽ hơn giữa các dịch vụ này với doanh nghiệp. Trung Quốc cũng phát triển một hệ sinh thái công nghiệp mới trên nền tảng Internet bao gồm mạng lưới, dịch vụ và các ngành công nghiệp kết nối Internet.
Trung Quốc có 731 triệu người dùng Internet (năm 2016), nhiều hơn số lượng người dùng của cả EU và Mỹ cộng lại và tăng lên 940 triệu người vào nửa đầu năm 20207. Số thuế bao điện thoại di động của Trung Quốc đạt 95% số người dùng Internet (695 triệu), cao hơn tỷ lệ của EU 79% (342 triệu) và Mỹ 91% (262 triệu)8. Theo đánh giá của Viện Nghiên cứu toàn cầu McKinsey (MGI), Internet có tiềm năng đóng góp 1 điểm phần trăm bổ sung vào tốc độ tăng trưởng GDP của Trung Quốc giai đoạn (2013 - 2025), dẫn đến gia tăng 22% GDP trong cùng giai đoạn, tương đương với 14.000 tỷ CNY9.
Xây dựng cơ sở hạ tầng số
Tốc độ số hóa của Trung Quốc được đánh giá nhanh nhất trong 62 quốc gia được khảo sát10. Xây dựng cơ sở hạ tầng số, phát triển mạng thông tin thế hệ mới, mở rộng ứng dụng 5G sẽ tạo tiền đề cho Trung Quốc phát triển nền kinh tế số. Đặc điểm nổi bật của công nghệ 5G là năng lực truyền tải dữ liệu mạnh hơn rất nhiều so với các công nghệ trước đây. Do đó, công nghệ 5G có vai trò nền tảng, mở ra khả năng ứng dụng ở quy mô lớn chưa từng có cho các công nghệ mới, như dữ liệu lớn (Big Data), trí tuệ nhân tạo (AI- Artificial Intelligence), Internet vạn vật (IoT)11. Trung Quốc rất mạnh trong ứng dụng và phát triển mở rộng 5G không chỉ trong nước mà còn trên toàn cầu. Dự kiến, quy mô đầu tư 5G của Trung Quốc có thể lên tới 441 tỷ USD12. Các ứng dụng của cơ sở hạ tầng số 5G, trí tuệ nhân tạo đã phát huy vai trò quan trọng trong chống dịch Covid-19, đồng thời, giúp Trung Quốc tạo thêm hơn 7 triệu việc làm trong ngành công nghệ thông tin (CNTT) cùng hàng chục triệu việc làm gián tiếp thuộc các ngành kinh tế số. Dự báo, công nghệ 5G sẽ đóng góp khoảng 1,3 nghìn tỷ USD vào GDP toàn cầu, trong đó đóng góp của Trung Quốc là 220 tỷ USD13. Năm 2020, Trung Quốc đầu tư cho cơ sở hạ tầng số lên đến 3.000 tỷ CNY (hơn 420 tỷ USD); kế hoạch trong 5 năm tới (2021 - 2025) riêng đầu tư trực tiếp cho xây dựng cơ sở hạ tầng số là 10.000 tỷ CNY (hơn 1.400 tỷ USD). Tối thiểu 80% các ứng dụng doanh nghiệp mới của Trung Quốc sẽ sử dụng các công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI) năm 2025.
Kinh tế số của Trung Quốc tăng nhanh thể hiện qua sự tăng đột biến các giao dịch thương mại điện tử
2. Nhân tố đóng góp vào phát triển kinh tế số Trung Quốc
Trung Quốc được đánh giá là quốc gia thành công và đạt được nhiều thành tựu trong việc chuyển đổi số và phát triển kinh tế số nhờ đóng góp của những nhân tố sau:
Thứ nhất, quy mô thị trường trong nước rộng lớn
Trung Quốc có được sự phát triển vượt bậc trong lĩnh vực công nghệ số do sở hữu thị trường dân số khổng lồ và trẻ trung, giúp thương mại hóa nhanh chóng các mô hình kinh doanh số. Quy mô thị trường rộng lớn được bảo hộ đối với bên ngoài, nhưng khuyến khích sử dụng sản phẩm kỹ thuật số trong nước. Trong định hướng chính sách phát triển kinh tế số, Trung Quốc thực hiện việc bảo hộ thị trường công nghệ số trong nước để tạo điều kiện cho các doanh nghiệp trong nước phát triển, khẳng định vị thế độc quyền. Các doanh nghiệp trong nước được hỗ trợ để chiếm lĩnh thị trường công nghệ số trong nước trước các đối thủ cạnh tranh nước ngoài. Lợi thế này được nhân lên khi quy mô dân số khổng lồ của thị trường nội địa giúp các doanh nghiệp nhanh chóng đạt được lợi ích kinh tế.
Thứ hai, sở hữu hệ sinh thái số phong phú đang mở rộng
Hệ sinh thái, được phát triển bởi những gã khổng lồ công nghệ “BAT” gồm Baidu, Alibaba và Tencent, tận dụng khả năng tiếp cận đa ngành và tích lũy nhanh chóng dữ liệu người tiêu dùng để cung cấp khả năng truy cập dễ dàng vào các sản phẩm và dịch vụ mới cho hàng triệu người dùng. Trung Quốc sở hữu hệ sinh thái Internet dẫn đầu về đổi mới và sở hữu một trong những hệ sinh thái đầu tư và khởi nghiệp kỹ thuật số tích cực nhất trên thế giới. Sản phẩm cốt lõi của bộ ba doanh nghiệp hàng đầu về công nghệ số của Trung Quốc (BAT) được ứng dụng rộng rãi trong cuộc sống. Người tiêu dùng dễ dàng chấp nhận công nghệ số mới. Các doanh nghiệp nhanh chóng mở rộng mô hình kinh doanh cả về chiều sâu với chi phí thấp. Hiệu ứng lan tỏa có ý nghĩa quan trọng, nhất là các doanh nghiệp đã tạo được hệ sinh thái toàn diện và kéo theo rất nhiều các doanh nghiệp khác gia nhập thị trường để đáp ứng nhu cầu ngày càng mở rộng của nhóm người tiêu dùng đã quen với công nghệ số.
Trung Quốc cũng là nơi quy tụ rất nhiều hoạt động đầu tư mạo hiểm (top 3 thế giới) trong những lĩnh vực như thực tế ảo, ô tô tự lái, in 3D, robot, thiết bị bay không người lái và AI. Khoảng 1/3 trong số 262 “unicorn” (các công ty khởi nghiệp được định giá trên 1 tỷ USD) trên thế giới hiện nay là của Trung Quốc, chiếm 43% tổng giá trị của các “unicorn” trên toàn cầu.
Thứ ba, sở hữu nhiều công ty công nghệ lớn
Lợi thế của Trung Quốc trong triển khai nền kinh tế số là có nhiều công ty công nghệ lớn. Trung Quốc hiện đã có 9 trong số 20 công ty công nghệ lớn nhất thế giới. Các công ty công nghệ lớn đang nỗ lực vượt qua nhiều khó khăn từ những lệnh cấm của Mỹ. Do lệnh cấm của các công ty Mỹ bán chip cho Huawei giúp cho các công ty công nghệ lớn của Trung Quốc nỗ lực gấp bội. Mặc dù chịu ảnh hưởng của dịch Covid-19, doanh số của Tập đoàn Huawei vẫn đạt hơn 139 tỷ USD (2020) nhờ vào các mảng hạ tầng công nghệ thông tin, AI đang bùng nổ tại Trung Quốc.
Công ty công nghệ Xiaomi của Trung Quốc (đứng thứ 14/20 công ty công nghệ lớn nhất thế giới) trở thành công ty điện tử đầu tiên công bố đầu tư 10 tỷ USD để phát triển xe ô tô điện. Huawei cũng có kế hoạch đẩy mạnh lĩnh vực xe ô tô điện nhờ vào hạ tầng công nghệ sẵn có. Các doanh nghiệp về công nghệ của Trung Quốc vươn lên đạt quy mô và cạnh tranh ngang hàng với các công ty hàng đầu thế giới.
Thứ tư, chính sách hỗ trợ và định hướng phát triển kinh tế số của Trung Quốc
Quyết định bảo hộ thị trường công nghệ số đã tạo cho doanh nghiệp trong nước của Trung Quốc vị thế độc quyền, mở ra một không gian lý tưởng cho các doanh nghiệp chiếm lĩnh thị trường công nghệ đầy tiềm năng trước các đối thủ cạnh tranh nước ngoài. Chính phủ Trung Quốc tạo điều kiện và không gian để các doanh nghiệp số thử nghiệm. Chính phủ vừa là nhà đầu tư, vừa là người tiêu dùng các công nghệ số. Trung Quốc cũng có chính sách hỗ trợ, đầu tư phát triển mạnh khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo trong lĩnh vực công nghệ số. Theo dự báo của Hãng nghiên cứu dữ liệu thị trường toàn cầu IDC (International Data Corporation), tối thiểu 80% các ứng dụng doanh nghiệp mới của Trung Quốc năm 2025 sẽ sử dụng các công nghệ AI. Định hướng của Chính phủ Trung Quốc tập trung vào những lĩnh vực công nghệ số đòi hỏi công nghệ vừa phải như thương mại điện tử, tiếp đến tiến tới phát triển những lĩnh vực công nghệ số khó hơn như AI, robot. Trung Quốc đang đầu tư hàng tỷ USD để hỗ trợ các nhà phát triển AI, trong đó có cả công viên phát triển AI trị giá 2 tỷ USD ở Bắc Kinh. Hãng IDC dự báo, khoảng 51,3% GDP của Trung Quốc năm 2030 sẽ liên quan tới xu hướng số hóa trong bối cảnh các doanh nghiệp Trung Quốc đang đẩy mạnh số hóa các hoạt động kinh doanh.
Thứ năm, đóng góp của những tài năng kỹ thuật số
Tài năng kỹ thuật số là nền tảng cơ bản cho tương lai kinh tế số. Trong gần 40 triệu tài năng kỹ thuật số của tất cả người dùng LinkedIn ở 31 thành phố trên toàn thế giới năm 2020, tài năng kỹ thuật số trong lĩnh vực CNTT - truyền thông ở Trung Quốc cao hơn ở châu Âu và Mỹ, mặc dù tài năng kỹ thuật số ở các ngành công nghiệp truyền thống ở các nước phương Tây cao hơn ở Trung Quốc. Tuy nhiên, hầu hết các tài năng kỹ thuật số của Trung Quốc chỉ có kỹ năng kỹ thuật số, trong khi các đối tác ở phương Tây có kỹ năng và kinh nghiệm trong kinh doanh. Để khai thác tốt hơn tài năng kỹ thuật số và bù đắp cho sự thiếu hụt kỹ năng và kinh nghiệm trong kinh doanh, Trung Quốc cần thúc đẩy các cải cách từ phía cung đối với thị trường lao động với trọng tâm là tích hợp công nghệ kỹ thuật số trong các lĩnh vực khoa học và kỹ thuật khác, nuôi dưỡng nhiều tài năng kỹ thuật số tiên tiến hơn với các kỹ năng đột phá để đẩy nhanh quá trình chuyển đổi kỹ thuật số của Trung Quốc.
3. Hạn chế trong phát triển kinh tế số Trung Quốc
Thứ nhất, mức độ số hóa giữa các tỉnh, thành phố của Trung Quốc và giữa các ngành khác nhau, phản ánh sự phát triển không đồng đều
Tại Bắc Kinh và Thượng Hải, nền kinh tế số chiếm gần 45% GDP, tương tự như mức của Nhật Bản, trong khi ở tỉnh Hà Nam - miền Trung Trung Quốc, quy mô nền kinh tế số chỉ chiếm 15% GDP. Bắc Kinh và Thượng Hải là hai thành phố đứng đầu Trung Quốc triển khai quản lý đô thị thông minh và Sàn giao dịch Big Data quốc tế. Bắc Kinh thành lập Sàn giao dịch Big Data quốc tế (tháng 2/2021) nhằm thúc đẩy kinh tế số, tạo điều kiện thuận lợi hơn cho các giao dịch dữ liệu.
Thứ hai, mức độ số hóa cũng khác nhau giữa các lĩnh vực
Lĩnh vực dịch vụ là lĩnh vực được số hóa nhiều nhất, với CNTT - truyền thông đóng góp tới 33% giá trị gia tăng của lĩnh vực dịch vụ năm 2017. Các ngành sử dụng nhiều CNTT - truyền thông nhất là dịch vụ tài chính và giải trí; ngành công nghiệp có mức đóng góp thấp hơn, khoảng 17% giá trị gia tăng; ngành nông nghiệp là ngành ít được số hóa nhất, với 7% số hóa14. Tỷ lệ sử dụng Internet ở các vùng nông thôn Trung Quốc có nơi vẫn ở mức thấp, khoảng 19% dân số nông thôn (năm 2019).
Thứ ba, kinh tế số phát triển phần lớn ở mảng thương mại và thanh toán điện tử
Đối với những phân khúc sản phẩm cao cấp hơn như robot, AI, vẫn có một khoảng cách lớn giữa trình độ phát triển công nghệ của Trung Quốc với các nền kinh tế phát triển. Trung Quốc đã có sự lựa chọn đúng khi tập trung phát triển thương mại điện tử, là lĩnh vực đòi hỏi công nghệ vừa phải, rồi mới tiến đến các lĩnh vực khó hơn như trí tuệ nhân tạo AI, robot.
Thứ tư, tỷ lệ sử dụng robot trên tổng số lao động của Trung Quốc thấp
Mặc dù số lượng robot được ứng dụng trong sản xuất gia tăng rất nhanh ở Trung Quốc, lên tới 69.000 robot năm 2015, là quốc gia dẫn đầu về số lượng ứng dụng robot trong giai đoạn 10 năm (2005 - 2015), tuy nhiên, nếu loại trừ lợi thế quy mô kinh tế, mức độ sử dụng robot trên 10.000 lao động của Trung Quốc vẫn thấp hơn nhiều so với mức trung bình của thế giới15. Cường độ robot hiện tại của Trung Quốc trong lĩnh vực công nghiệp là 5%, trong khi ở Mỹ là 18% và ở Hàn Quốc là 60%16.
Thứ năm, hạn chế trong phát triển nguồn nhân lực
Đây là khó khăn lớn nhất đối với phát triển kinh tế số Trung Quốc. Số lượng các nhà khoa học tầm cỡ thế giới về AI ở Trung Quốc chỉ vào khoảng trên dưới 10 người (He 2017, tr. 12), trong khi nền giáo dục chưa chuyển đổi đủ nhanh để đáp ứng nhu cầu đào tạo hàng vạn lao động có kỹ năng cho phát triển kinh tế số. Tính cạnh tranh của nền kinh tế số ở Trung Quốc còn hạn chế do khoảng cách về năng lực sản xuất giữa các doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV) và doanh nghiệp quy mô lớn. Hầu hết các DNNVV không đầu tư cho các công nghệ tự động hóa và CNTT cho nên vẫn đứng ngoài các hoạt động đổi mới sáng tạo công nghệ.
4. Một số kinh nghiệm đối với Việt Nam
Việt Nam đứng vị trí 48/60 quốc gia có tốc độ chuyển đổi kinh tế số nhanh trên thế giới và đứng vị trí 22 về tốc độ số hóa. Sự dịch chuyển theo hướng số hóa ngày càng nhanh giúp Việt Nam bước vào nền kinh tế số ngày càng mạnh với nhiều doanh nghiệp kinh tế số ra đời. Việt Nam đã triển khai xây dựng Chính phủ điện tử (năm 2000) và đạt được một số kết quả nhất định, đứng thứ 88/193 quốc gia, vùng lãnh thổ và đứng thứ 6 trong khu vực Đông Nam Á (năm 2018). Tuy nhiên, so với khu vực và trên thế giới, thành tựu của Việt Nam vẫn còn khiêm tốn. Để đáp ứng được mục tiêu phát triển kinh tế số đạt 20% GDP năm 202517 và phát triển cộng đồng doanh nghiệp công nghệ số lớn mạnh thì hành trình chuyển dịch sang nền kinh tế số của Việt Nam còn gặp nhiều khó khăn bởi tồn tại những hạn chế cả về nguồn nhân lực, về cơ sở hạ tầng và về nhận thức của cộng đồng xã hội. Từ những thành tựu và hạn chế trong phát triển kinh tế số Trung Quốc, Việt Nam có thể rút ra một số kinh nghiệm để rút ngắn khoảng cách phát triển kinh tế số nhằm bắt kịp với xu thế khu vực và thế giới.
Thứ nhất, cần khuyến khích tận dụng tối đa sức mạnh của công nghệ số
Để phát triển kinh tế số, nhất thiết phải có sự hậu thuẫn từ Chính phủ với tư duy quản lý thông thoáng nhằm “cởi trói” cho các doanh nghiệp. Đặc biệt hỗ trợ các DNNVV thúc đẩy đổi mới sáng tạo. Các sáng kiến dựa vào công nghệ số mang lại nhiều lợi ích kinh tế - xã hội nếu được triển khai hợp lý.
Chính phủ cũng đã đề ra một số nhiệm vụ, giải pháp phát triển kinh tế số trong Chương trình chuyển đổi số Quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 phê duyệt bởi Quyết định số 749/QĐ-TTg ngày 03/6/2020 của Chính phủ, đó là, thúc đẩy phát triển kinh tế số với trọng tâm là phát triển công nghệ số, chuyển dịch từ lắp ráp, gia công về CNTT sang làm sản phẩm công nghệ số, công nghiệp 4.0; phát triển nội dung số, công nghiệp sáng tạo; kinh tế nền tảng, kinh tế chia sẻ, thương mại điện tử và sản xuất thông minh. Thúc đẩy chuyển đổi số trong các doanh nghiệp để nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp và cả nền kinh tế.
Thứ hai, đầu tư nâng cấp hạ tầng kỹ thuật số
Chính phủ và khu vực tư nhân đều cần phải nỗ lực đầu tư nâng cấp hệ thống hạ tầng kỹ thuật số cũng như công nghệ số hiện đại để triển khai ứng dụng số kết nối thông minh. Đặc biệt là các ứng dụng thanh toán không dùng tiền mặt, hiệu quả hóa chính phủ điện tử. Đây là nền tảng quan trọng cần triển khai để tạo điều kiện cho các hoạt động trực tuyến. Trên cơ sở nền tảng viễn thông mạnh, Việt Nam tập trung xây dựng các cơ sở dữ liệu quốc gia và các cơ sở dữ liệu khác, song song với phát triển các yếu tố công nghệ đảm bảo an toàn an ninh thông tin trên không gian mạng.
Để nâng cấp hạ tầng số, Chính phủ và các doanh nghiệp cần thực hiện các phương án triển khai dịch vụ 5G để theo kịp xu hướng thế giới. Công nghệ 5G sẽ tạo cơ sở hạ tầng tốt cho việc kết nối theo xu hướng Internet kết nối vạn vật, mở ra nhiều cơ hội kinh doanh lớn cho các doanh nghiệp Việt Nam, đặc biệt là các DNNVV.
Thứ ba, chú trọng đào tạo nguồn nhân lực CNTT phục vụ cho chuyển đổi kinh tế số
Bên cạnh việc nâng cấp hạ tầng kỹ thuật số, việc đào tạo nguồn nhân lực CNTT đóng vai trò hết sức quan trọng. Chương trình đào tạo nhân lực CNTT cần hướng đến đẩy nhanh xã hội hóa giáo dục CNTT. Cập nhật giáo trình đào tạo CNTT gắn với các xu thế công nghệ mới như Internet kết nối vạn vật IoT, AI, công nghệ robot. Đẩy mạnh liên kết đào tạo giữa các trường và khu vực doanh nghiệp trong ứng dụng CNTT.
Đào tạo nguồn nhân lực CNTT là yếu tố then chốt quyết định sự thành công của nền kinh tế số. Việt Nam có khoảng 900.000 nhân lực CNTT, trong đó có số lượng lớn kỹ sư về AI, IoT, khoa học dữ liệu. Tuy nhiên, dù có những cải thiện nhưng nguồn nhân lực CNTT của Việt Nam vẫn xếp hạng trung bình khá về chất lượng, về lao động chuyên môn cao và năng lực sáng tạo trong kinh tế số khi so với thế giới. Tỷ lệ lao động qua đào tạo tay nghề chỉ đạt 60%, vẫn còn khoảng cách xa so với yêu cầu chuyển đổi số. Sự thiếu hụt nguồn nhân lực CNTT về cả số lượng và chất lượng được xem là một trong những thách thức lớn đối với sự phát triển kinh tế số của Việt Nam.
Thứ tư, xây dựng, hoàn thiện thể chế, pháp luật nhằm tạo khuôn khổ cho phát triển kinh tế số
Xây dựng nền tảng, thể chế cho các mô hình kinh tế. Sửa đổi, bổ sung quy định pháp luật cho các ngành mới như thương mại điện tử, tài chính số, ngân hàng số... Cải cách thể chế để thu hút đầu tư vào công nghệ số trong các lĩnh vực đầu tư mạo hiểm theo hướng tạo thuận lợi cho các hoạt động góp vốn, mua cổ phần, mua bán sáp nhập doanh nghiệp công nghệ số.
Xây dựng các kế hoạch cụ thể về chuyển đổi số cho các doanh nghiệp, gắn liền với các nguồn tài chính, kinh phí để tạo sự thuận lợi cho doanh nghiệp tiếp cận với kinh tế số.
Thứ năm, tuyên truyền nâng cao nhận thức xã hội về kinh tế số
Tăng cường nhận thức của người dân và doanh nghiệp về kinh tế số thông qua các cơ quan, doanh nghiệp và trường học. Các cơ quan báo chí, thông tin truyền thông cần định hướng dư luận, giúp cho các doanh nghiệp, người dân và xã hội có nhận thức đúng về kinh tế số để có sự chuẩn bị tốt nhất, thích ứng xu hướng phát triển kinh tế số. Tăng cường trách nhiệm của Chính phủ, doanh nghiệp và người dân trong xây dựng kinh tế số.
Nhận thức thông tin đúng đắn, nhanh nhạy về bản chất, xu hướng phát triển kinh tế số giúp các doanh nghiệp tích cực nắm bắt các cơ hội cũng như bảo đảm tính cạnh tranh quốc tế trong kinh tế số toàn cầu và sẵn sàng đồng hành cùng Chính phủ hội nhập kinh tế số thế giới. Mỗi cá nhân cần tự trang bị và nâng cao kỹ năng sử dụng công nghệ số sẽ giúp phục vụ cho công việc trong tương lai và tự biết bảo vệ trước các nguy cơ bị đe dọa và lấy cắp thông tin cá nhân trực tuyến.
1 Theo số liệu tháng 4/2021 của Liên hợp quốc.
2 Đánh giá Học viện Công nghệ thông tin và Truyền thông Trung Quốc (CAICT - China Academy of Information and Communication Technology).
3 Theo đánh giá của tổ chức Forex Bonuses năm 2017.
4 Kỳ lân - Unicom - Thuật ngữ để mô tả một công ty khởi nghiệp có giá trị hơn 1 tỷ USD.
5 Theo Báo cáo của Viện Nghiên cứu toàn cầu McKinsey (MGI - McKinsey Global Institute, 2017).
6 Ebay và Amazone là những công ty lớn nhất của Mỹ, tập trung vào điện toán đám mây, truyền phát kỹ thuật số, AI và thương mại điện tử.
7 Chen Yubo (2021), Future of China's digital economy; Future of China's digital economy - Opinion - Chinadaily.com.cn.
8 Chính sách chuyển đổi sang nền kinh tế số kinh nghiệm Trung Quốc-converted.pdf (ciem.org.vn).
9 Mcklinsey Golbal Institute (MGI) 2017, China Digital Economy: A leading global force, Discussion Paper, August, McKinsey & Company.
10Longmei Zhang (2019), China’s Digital Economy: Opportunities and Ristks; China's Digital Economy: Opportunities and Risks in: IMF Working Papers Volume 2019 Issue 016 (2019).
11 Lịch sử phát triển công nghệ viễn thông cho thấy công nghệ 1G giúp tạo ra đàm thoại di động, 2G giúp gửi tin nhắn di động, 3G giúp truy cập Internet hiệu quả, 4G giúp truyền tải các video dễ dàng.
12 South China Morning Post: “Why China is set to spend US$411 billion on 5G mobile networks”, 2017, https://www.scmp.com/tech/china-tech/article/2098948/china-plans-28-trillion-yuan-capital-expenditure-create-worlds.
13 Theo Báo cáo của Công ty kiểm toán uy tín nhất thế giới PwC (PricewaterhouseCoopers) với tít đề “Tác động kinh tế toàn cầu của 5G”.
14 Longmei Zhang (2019), China’s Digital Economy: Opportunities and Ristks; China's Digital Economy: Opportunities and Risks in: IMF Working Papers Volume 2019 Issue 016 (2019).
15 Mức sử dụng robot trung bình của thế giới là 69 robot/10.000 lao động, trong khi của Trung Quốc chỉ là 35 robot/10.000 lao động; CĐ5 - Chính sách chuyển đổi sang nền kinh tế số kinh nghiệm TQ-converted.pdf (ciem.org.vn).
16 Longmei Zhang (2019), China’s Digital Economy: Opportunities and Ristks; China's Digital Economy: Opportunities and Risks in: IMF Working Papers Volume 2019 Issue 016 (2019).
17 Mục tiêu được đưa ra trong Nghị quyết số 52-NQ/TW ngày 27/9/2019 của Bộ Chính trị.
Tài liệu tham khảo:
1. Chen Yubo (2021), Future of China’s digital economy; Future of China’s digital economy - Opinion - Chinadaily.com.cn
2. Longmei Zhang (2019), China’s Digital Economy: Opportunities and Ristks; China’s Digital Economy: Opportunities and Risks in: IMF Working Papers Volume 2019 Issue 016 (2019).
3. Thanh Hà (2020), Trung Quốc trở thành nền kinh tế số 1 thế giới sớm hơn 5 năm so với dự kiến. Tin tức mới nhất 24h - Đọc Báo Lao Động online - Laodong.vn
4. Trường Duy (2019), Triển vọng nền kinh tế số của Trung Quốc (bnews.vn).
5. New pattern of China’s digital economy in 2021, New pattern of China’s digital economy in 2021 - Global Times.
6. Thế Lâm (2020), Việt Nam đang ở đâu trong xu thế kinh tế số?, <https://laodong.vn/lao-dong-cuoi-tuan/viet-nam-dang-o-dau-trong-xu-the-kinh-te-so-776086.ldo>, ngày 05/01/2020.
7. Phạm Việt Dũng (2020). Kinh tế số - Cơ hội “bứt phá” cho Việt Nam, <http://hdll.vn/vi/nghien-cuu---trao-doi/kinh-te-so---co-hoi-but-phacho-viet-nam.html>
PGS., TS. Phạm Thị Thanh Bình
Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam