Hạn chế rủi ro tín dụng và nâng cao hiệu quả kinh doanh của các ngân hàng thương mại Việt Nam
14/04/2023 08:30 40.431 lượt xem
Tóm tắt: Hoạt động tín dụng là hoạt động tạo ra doanh thu chủ yếu trong các hoạt động truyền thống của ngân hàng thương mại (NHTM). Tuy nhiên, hoạt động này cũng tạo ra nhiều rủi ro, trong đó, rủi ro tín dụng tác động lớn đến hiệu quả kinh doanh và sự ổn định của ngân hàng. Dưới tác động của đại dịch Covid-19, kết quả hoạt động của các ngành nghề sản xuất nói chung và ngành Ngân hàng nói riêng bị ảnh hưởng khá nặng nề. Dựa trên số liệu giai đoạn 2018 - 2022 của 28 NHTM niêm yết trên thị trường chứng khoán (TTCK) Việt Nam, bài viết phân tích thực trạng rủi ro tín dụng trên các khía cạnh dư nợ tín dụng, tỉ lệ nợ xấu, dự phòng rủi ro tín dụng; phân tích hiệu quả kinh doanh theo các chỉ tiêu lợi nhuận sau thuế trên vốn chủ sở hữu (ROE), lợi nhuận sau thuế trên tổng tài sản (ROA). Kết quả phân tích báo cáo tài chính của các NHTM niêm yết trên TTCK Việt Nam cho thấy, trong giai đoạn 2020 - 2022, dưới tác động của dịch Covid-19, rủi ro tín dụng có xu hướng gia tăng, nhưng hiệu quả kinh doanh của các NHTM thông qua các hệ số ROA và ROE không có biến động nhiều so với giai đoạn 2018 - 2019. Vấn đề này bị chi phối bởi tính đặc thù kinh doanh trong ngành Ngân hàng.

Từ khóa: Hiệu quả kinh doanh, rủi ro tín dụng, NHTM.
 
CREDIT RISK AND BUSINESS PERFORMANCE OF COMMERCIAL BANKS LISTED ON THE VIETNAM’S STOCK MARKET: CURRENT SITUATION AND RECOMMENDATIONS 
 
Abstract: Credit activities are the main revenue generating activities in the traditional activities of commercial banks. However, these activities also create many risks, in which, credit risk has a great impact on the business performance and stability of the bank. Under the impact of the Covid-19 pandemic, the operating results of the manufacturing industries in general and the banking industry in particular were severely affected. Based on data for the period 2018 - 2022 of 28 commercial banks listed on the Vietnam’s stock market, the article analyzes the current situation (i) Credit risk in the following aspects: Credit balance; NPL ratio, provision for credit risk losses; (ii) Business efficiency: After-tax profit on equity (ROE); After-tax return on assets (ROA). The analyzed results of financial statements of commercial banks listed on the Vietnam stock market show that, in the period 2020 - 2022 under the impact of the Covid-19 epidemic, credit risk tended to increase. However, the business performance of commercial banks through ROA and ROE coefficients did not change much compared to the period of 2018 - 2019. This issue is governed by the specificity of business in the banking industry.
 
Keywords: Business performance, credit risk, commercial bank.
 
1. Giới thiệu
 
Rủi ro tín dụng xuất hiện một cách khách quan trong hoạt động kinh doanh của NHTM. Đây là vấn đề được các NHTM quan tâm hàng đầu, đặc biệt các NHTM niêm yết trên TTCK. Theo Đỗ Doãn (2022), tại Việt Nam vốn tín dụng ngân hàng chiếm 47% trong tổng vốn đầu tư trên thị trường tài chính. Hậu quả của rủi ro tín dụng là một trong những nguyên nhân dẫn đến lợi nhuận ngân hàng sụt giảm, gây bất ổn cho hệ thống NHTM và khủng hoảng nền kinh tế. Bên cạnh đó, thiên tai, dịch bệnh nói chung và đại dịch Covid-19 nói riêng cũng là những rủi ro gây ra tổn thất lớn cho kinh tế Việt Nam nói riêng và kinh tế thế giới nói chung. Tại Việt Nam, quý 3/2021, tỉ lệ tăng trưởng GDP xuống tới mức -6,17% (Ngân hàng Phát triển châu Á - ADB, 2021). Yếu tố này khiến rủi ro tín dụng có xu hướng gia tăng, gây ảnh hưởng đến hiệu quả kinh doanh của các NHTM. Do vậy, việc đánh giá thực trạng của rủi ro tín dụng và hiệu quả kinh doanh làm tiền đề phân tích và so sánh tác động của rủi ro tín dụng đến hiệu quả kinh doanh của các NHTM niêm yết trên TTCK Việt Nam cần thiết.
 
Trong nghiên cứu này, nhóm tác giả thực hiện nghiên cứu trên mẫu 28 NHTM cổ phần niêm yết trên sàn giao dịch chứng khoán Việt Nam (bao gồm Sở giao dịch chứng khoán Hà Nội - HSX, Sở giao dịch chứng khoán Thành phố Hồ Chí Minh - HNX và Sàn giao dịch chứng khoán của các công ty đại chúng chưa được niêm yết - Upcom). Nhóm tác giả sử dụng nguồn dữ liệu thứ cấp là báo cáo tài chính đã kiểm toán của các NHTM do FiinPro (Hệ thống cơ sở dữ liệu tài chính phong phú và chuyên sâu đầu tiên của Việt Nam) cung cấp; phương pháp nghiên cứu định tính và định lượng cùng được sử dụng trong bài viết để đánh giá thực trạng rủi ro tín dụng và hiệu quả kinh doanh của các NHTM niêm yết trên TTCK Việt Nam trong giai đoạn 2018 - 2022 nhằm phân tích và so sánh rủi ro tín dụng và hiệu quả kinh doanh của các NHTM niêm yết trên TTCK Việt Nam giai đoạn diễn ra đại dịch Covid-19. 
 
2. Cơ sở lí thuyết và phương pháp nghiên cứu
 
2.1. Rủi ro tín dụng của NHTM
 
Có nhiều quan điểm khác nhau về rủi ro tín dụng. Theo Thomas P. Fitch (1997), rủi ro tín dụng là loại rủi ro xảy ra khi người vay không thanh toán được nợ theo thỏa thuận hợp đồng dẫn đến sai hẹn trong nghĩa vụ trả nợ. Cùng với rủi ro lãi suất, rủi ro tín dụng là một trong những rủi ro chủ yếu trong hoạt động cho vay của ngân hàng. Ủy ban Giám sát Basel, Basel II (2004) cho rằng, rủi ro tín dụng là khả năng mà người đi vay hoặc đối tác của ngân hàng thất bại trong việc thực hiện theo các điều khoản trả nợ đã thỏa thuận. Rủi ro tín dụng có thể đo lường theo hai cách: Khả năng vỡ nợ của đối tác trong quan hệ tín dụng với ngân hàng; số tiền mà ngân hàng mất đi khi vỡ nợ xảy ra. Vỡ nợ thường xuyên xảy ra bởi đối tác thất bại trong kinh doanh dẫn đến thất thoát trong thu nhập, hoặc đối tác cố ý không trả nợ trong khi vẫn có thu nhập đầy đủ. Rủi ro tín dụng cũng có thể bắt nguồn từ sự suy giảm giá trị tài sản, sự suy thoái trong danh mục đầu tư hoặc chất lượng tín dụng cá nhân bị suy giảm. Thông tư số 41/2016/TT-NHNN ngày 30/12/2016 của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) quy định rủi ro tín dụng là rủi ro do khách hàng không thực hiện hoặc không có khả năng thực hiện một phần hoặc toàn bộ nghĩa vụ trả nợ theo hợp đồng hoặc thỏa thuận với ngân hàng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài.


Hoạt động quản trị doanh nghiệp đóng vai trò quyết định 
tới sự tồn tại và phát triển của NHTM
 
Từ các quan điểm nêu trên, trong nghiên cứu này, nhóm tác giả cho rằng, rủi ro tín dụng là loại rủi ro phát sinh khi ngân hàng cấp tín dụng cho khách hàng và khi khách hàng không trả được nợ hoặc trả nợ không đúng hạn cho ngân hàng. Đây là rủi ro chủ yếu trong hoạt động kinh doanh của ngân hàng. Do vậy, mọi hoạt động tín dụng và rủi ro tín dụng đều có thể gây ảnh hưởng đến lợi nhuận cũng như hiệu quả kinh doanh của ngân hàng. Đặc biệt là trong điều kiện khủng hoảng tài chính toàn cầu, khi rủi ro tín dụng có thể gây nên các rủi ro khác như rủi ro thanh toán (Markus Hertrich, 2015), gây nên hậu quả nghiêm trọng đến hoạt động kinh doanh và phát triển bền vững của ngân hàng.
 
Rủi ro tín dụng xảy ra từ nhiều nguyên nhân khác nhau. Theo Ghosh (2012), nếu căn cứ vào phạm vi của rủi ro, thì nguyên nhân của rủi ro tín dụng bao gồm nguyên nhân bên ngoài và bên trong ngân hàng. Các nguyên nhân phổ biến bên trong, từ phía NHTM có thể kể đến như: Quy trình thẩm định và quyết định tín dụng quá dễ dàng, quản trị tín dụng chưa hiệu quả, những sự kiện bất ngờ không lường trước được và ý thức trả nợ của khách hàng (khách hàng cố ý không trả nợ đủ và đúng hạn). Các yếu tố bên ngoài như từ sự suy yếu của kinh tế vĩ mô, tình trạng xấu đi của các điều kiện kinh tế làm suy giảm nguồn thu nhập dẫn tới tăng khả năng không trả được nợ của khách hàng. Bên cạnh đó, sự thay đổi của chính sách tài khóa, cung tiền, chính sách xuất nhập khẩu, chính sách hạn chế thương mại; hay sự biến đổi của thị trường tài chính cũng sẽ ảnh hưởng đến danh mục tín dụng của ngân hàng.
 
Các yếu tố bên trong và bên ngoài tác động đến rủi ro tín dụng đều có mối quan hệ tác động qua lại. Các yếu tố bên trong NHTM được kiểm soát tốt sẽ làm hạn chế rủi ro tín dụng và ngược lại. Khi nền kinh tế phục hồi, doanh nghiệp tăng trưởng, lợi nhuận được tạo ra được nhiều hơn, doanh nghiệp sẽ dễ dàng trả nợ khoản vay. Khi kinh tế suy thoái, doanh nghiệp gặp khó khăn trong hoàn thành nghĩa vụ đối khoản vay, dẫn đến xảy ra rủi ro tín dụng với các NHTM. 
 
Từ lập luận trên, trong bài viết này, nhóm tác giả đo lường rủi ro tín dụng thông qua chỉ tiêu tỉ lệ nợ xấu (nợ xấu có khả năng mất vốn/cho vay khách hàng) và tỉ lệ dự phòng rủi ro tín dụng (dự phòng rủi ro tín dụng/cho vay khách hàng) (theo Peter S. Rose, 1998).
 
2.2. Hiệu quả kinh doanh của NHTM
 
Perter S. Rose (1998) cho rằng, NHTM là một định chế tài chính trung gian quan trọng bậc nhất trong nền kinh tế thị trường, điều chuyển vốn từ nơi thừa sang nơi thiếu. Tuy nhiên, xét về bản chất NHTM là một doanh nghiệp, hoạt động kinh doanh với mục tiêu tối đa hóa lợi nhuận trong mức độ rủi ro cho phép. Vì vậy, việc đánh giá hiệu quả kinh doanh của NHTM cũng dựa trên những nền tảng lí thuyết như đánh giá hiệu quả kinh doanh của một doanh nghiệp, đồng thời cần xem xét đến tính chất đặc thù của NHTM.
 
Xét theo nghĩa hẹp, quan điểm về hiệu quả kinh doanh của NHTM chính là khả năng tạo ra lợi nhuận, đồng thời đảm bảo an toàn cho các hoạt động của ngân hàng theo quy định và hạn chế rủi ro. Xét theo nghĩa rộng, Chang và cộng sự (2010) trong nghiên cứu về hệ thống các NHTM tại Đài Loan cho rằng, hiệu quả kinh doanh không chỉ quan tâm đến lợi nhuận, mà lợi nhuận đạt được từ cấu trúc tài sản nợ và tài sản phải hợp lí, xu hướng tăng trưởng lợi nhuận ổn định. Hiệu quả hoạt động của các NHTM cũng thể hiện khả năng quản lí, kiểm soát chi phí, sử dụng nguồn lực để tạo ra đầu ra. NHTM sử dụng các nguồn lực như lao động, cơ sở vật chất, nguồn tài chính của các hoạt động nhận tiền gửi, cho vay, đầu tư để làm căn cứ xác định mức độ hiệu quả và yếu tố tác động đến hiệu quả của NHTM.
 
Benston (1965), Zenios và cộng sự (1999) đồng ý với quan điểm tiếp cận NHTM là đơn vị sản xuất, một số khác tiếp cận với quan điểm NHTM là trung gian tài chính như Casu và cộng sự  (2003). Song, cũng có một số tác giả như Frexias và Rochet (1997), Denizer và cộng sự (2000) cho rằng, trong bối cảnh hiện đại, ngân hàng đóng cả hai vai trò là đơn vị sản xuất và trung gian tài chính. Theo các cách tiếp cận này, hiệu quả của ngân hàng bao gồm hiệu quả hoạt động và hiệu quả trung gian tài chính.
 
Cách tiếp cận trung gian của Sealey C. và Lindley J.T (1977): Các lí thuyết kinh tế vĩ mô truyền thống cho rằng ngân hàng và công ty chỉ khác nhau ở đặc điểm hoạt động. Các NHTM được xem như trung gian chuyển vốn giữa người tiết kiệm và đầu tư. Các NHTM sản xuất dịch vụ trung gian tài chính thông qua việc huy động vốn từ nền kinh tế và các khoản huy động để đầu tư vào các tài sản sinh lãi như các khoản vay, chứng khoán và các khoản đầu tư khác. Cách tiếp cận này bao gồm cả chi phí hoạt động và lãi suất là yếu tố đầu vào, trong khi các khoản vay và tài sản lớn khác được tính là kết quả đầu ra. Tuy nhiên, có nhiều tranh luận về phương pháp này trong việc xác định tiền gửi phải được coi là đầu vào hay đầu ra.
 
Theo Elyasiani và Mehdian (1990a, 1990b) và Mester (1987), đầu ra trong hoạt động trung gian tài chính của ngân hàng là tài sản của các ngân hàng, trong khi các khoản tiền gửi, vốn, lao động được xem như là yếu tố đầu vào. Khoản mục quan trọng nhất trong cơ cấu lợi nhuận của ngân hàng là thu nhập lãi, nó phụ thuộc vào lượng cho vay. Do đó, khả năng phát triển tín dụng của ngân hàng là rất quan trọng. Nếu vốn cho vay của ngân hàng được xem như là một sản phẩm thì giá sản phẩm là lãi suất cho vay. Ngoài ra, nguồn vốn đi vay của ngân hàng là các khoản tiền gửi của các chủ sở hữu vốn. Do đó, tiền gửi có thể được xem như là đầu vào để tạo ra các khoản vay như một sản phẩm trong giai đoạn sản xuất.
 
Với nghiên cứu của Frexias và Rochet (1997), việc xác định các đầu ra trong hoạt động của NHTM đã hình thành nên một số phương pháp tiếp cận hiện đại như: Tiếp cận theo tài sản, tiếp cận theo chi phí sử dụng, tiếp cận theo giá trị gia tăng, tiếp cận theo phương diện hoạt động... Sealy và Lindley (1977) tiếp cận theo tài sản cho rằng, tiền gửi và các khoản nợ khác cùng với nguồn lực thực tế (lao động, vốn) được xác định là yếu tố đầu vào, trong khi các thiết lập đầu ra chỉ bao gồm các tài sản của ngân hàng như cho vay, cụ thể là các khoản cho vay. Berger, Hanweck và Humphrey (1987) tiếp cận theo giá trị gia tăng cho rằng, các hạng mục chính của các khoản tiền gửi và cho vay là kết quả đầu ra vì chúng thể hiện giá trị gia tăng của ngân hàng. Hancock (1985) tiếp cận theo chi phí sử dụng cho rằng, nếu lợi nhuận tài chính trên một tài sản lớn hơn chi phí cơ hội của vốn, hoặc nếu các chi phí tài chính của các khoản nợ phải trả ít hơn chi phí cơ hội thì được coi là kết quả đầu ra; ngược lại là yếu tố đầu vào. Leightner và Lovell (1998) tiếp cận theo hoạt động (hoặc tiếp cận dựa trên thu nhập) cho rằng, ngân hàng là đơn vị kinh doanh với mục tiêu cuối cùng là tạo thu nhập từ tổng chi phí phát sinh cho hoạt động kinh doanh. Khi đó, đầu ra của ngân hàng là tổng doanh thu (từ lãi vay trong hoạt động cấp tín dụng hoặc thu từ hoạt động dịch vụ phi tín dụng) và các đầu vào như tổng chi phí (lãi suất nhận tiền gửi, lãi suất huy động và chi phí hoạt động).
 
Như vậy, có nhiều quan điểm về hiệu quả kinh doanh của NHTM. Tùy theo mục đích nghiên cứu mà hiệu quả kinh doanh tại NHTM có thể được xét theo những khía cạnh khác nhau. Trong nghiên cứu này, quan điểm của các tác giả về hiệu quả kinh doanh của các NHTM được xem xét thông qua ROE và ROA (theo Perter S.Rose, 1998).
 
2.3. Phương pháp và dữ liệu nghiên cứu
 
- Phương pháp nghiên cứu diễn dịch quy nạp và thống kê mô tả, tổng hợp, so sánh, phân tích được sử dụng nhằm đánh giá tổng quan về rủi ro tín dụng của các NHTM, thực trạng rủi ro tín dụng, hiệu quả kinh doanh của NHTM Việt Nam.
 
- Thu thập nguồn dữ liệu thứ cấp: Các dữ liệu thu thập từ các báo cáo tài chính đã kiểm toán của 28 NHTM niêm yết trên TTCK Việt Nam từ nguồn FiinPro cung cấp, giai đoạn nghiên cứu từ năm 2018 - 2022.
 
3. Kết quả nghiên cứu
 
3.1. Thực trạng rủi ro tín dụng 
 
Dư nợ tín dụng chiếm tỉ trọng lớn trong danh mục tài sản của ngân hàng.
 
Quan sát dữ liệu báo cáo tài chính của 28 NHTM niêm yết trong giai đoạn nghiên cứu cho thấy, hoạt động tín dụng vẫn chiếm khoảng 60% - 80% tổng tài sản của NHTM, do vậy thu nhập từ hoạt động này cũng chiếm tỉ trọng lớn nhất trong tổng thu nhập của các NHTM. Mặc dù đại dịch Covid-19 tác động tiêu cực đến sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp và cuộc sống người dân, nhưng để tạo điều kiện, tăng cường hỗ trợ người dân, doanh nghiệp tháo gỡ khó khăn, nâng cao khả năng tiếp cận vốn tín dụng phục vụ sản xuất, kinh doanh, NHNN đã chỉ đạo các tổ chức tín dụng (TCTD) tiếp tục đơn giản hóa thủ tục cho vay, do vậy, dư nợ tín dụng vẫn tăng trưởng trong giai đoạn 2018 - 2019. Nhưng xét cho cả giai đoạn 2018 - 2022, tốc độ tăng trưởng tín dụng của các NHTM có chậm lại.
 
Bảng 1: Tỉ lệ dư nợ tín dụng trên tổng tài sản của NHTM niêm yết giai đoạn 2018 - 2022
 
                                                                                                        Đơn vị tính: %

Ghi chú: Mã chứng khoán SCB không công bố báo cáo tài chính năm 2022.
Nguồn: Tổng hợp từ báo cáo tài chính của 28 NHTM niêm yết trên TTCK Việt Nam
 
Bảng 1 cho thấy, trong giai đoạn 2018 - 2022, các NHTM niêm yết trên TTCK Việt Nam đều có tỉ lệ dư nợ cao, tỉ lệ này dao động trong khoảng từ 34,39% đến 78%. Trong số 28 NHTM niêm yết trên TTCK, NHTM cổ phần Đầu tư và Phát triển Việt Nam (mã chứng khoán BID) luôn duy trì tỉ lệ dư nợ cao nhất qua các năm, dao động ở mức 74 - 78%. NHTM cổ phần Hàng Hải Việt Nam (mã chứng khoán MSB) có dư nợ thấp nhất trong số các NHTM cổ phần niêm yết, tỉ lệ này từ năm 2018 - 2020 lần lượt là 34,39%; 39,95%; 44,43%. Tỉ lệ dư nợ tín dụng so với tổng tài sản thường phụ thuộc vào khả năng huy động, mức độ chuyên nghiệp trong thẩm định tín dụng và mức lãi suất cho vay của các NHTM. 
 
Biểu đồ 1: Tăng trưởng tín dụng của NHTM niêm yết giai đoạn 2018 - 2021

                                                                                                         Đơn vị: Tỉ đồng

Nguồn: Tổng hợp từ báo cáo tài chính của 28 NHTM niêm yết trên TTCK Việt Nam

 
Để phân tích tốc độ tăng trưởng dư nợ tín dụng, nhóm tác giả sử dụng số liệu dư nợ tín dụng quý 4 các năm trong giai đoạn 2018 - 2021 của các NHTM cổ phần. Biểu đồ 1 cho thấy, trong giai đoạn 2018 - 2019, dư nợ tín dụng của các NHTM niêm yết trên TTCK Việt Nam năm 2019 tăng mạnh so với năm 2018. Tuy nhiên, phân tích trong giai đoạn 2020 - 2021, dư nợ tín dụng năm 2020 của NHTM giảm sâu. Thực trạng này là do ảnh hưởng của việc thực hiện giãn cách xã hội nhằm hạn chế sự lây lan đại dịch Covid-19, nhiều doanh nghiệp buộc phải thu hẹp sản xuất vì thiếu hụt nguồn cung ứng nguyên liệu đầu vào bị đứt gãy, hàng hóa tiêu thụ chậm, lao động thiếu hụt… Hơn nữa, bản thân các doanh nghiệp bị hạn chế tiếp cận nguồn vốn do không đáp ứng được điều kiện ngân hàng đặt ra (Tuệ Minh, 2022), điều này dẫn đến giảm dư nợ tín dụng trong năm 2020. Ngoài ra, Thông tư số 41/2016/TT-NHNN quy định các tỉ lệ đảm bảo an toàn trong hoạt động của các TCTD, yêu cầu chặt chẽ hơn việc sử dụng các nguồn vốn trong hoạt động của các TCTD cũng khiến các NHTM phải giảm dư nợ tín dụng. Để giảm tác động tiêu cực của thực trạng trên, trong bối cảnh đại dịch Covid-19, Chính phủ, NHNN đã sử dụng các công cụ khác và nới lỏng tín dụng như giảm lãi suất cho vay, gia hạn nợ… nhằm hỗ trợ nền kinh tế, doanh nghiệp, người dân vượt qua khó khăn, ổn định sản xuất và đời sống, song xét cả giai đoạn 2018 - 2021 thì dư nợ tín dụng tăng.
 
Tỉ lệ nợ xấu và chi phí dự phòng rủi ro tín dụng gia tăng.
 
Số liệu trên báo cáo tài chính của 28 NHTM niêm yết cho thấy, hoạt động tín dụng của các NHTM Việt Nam phát triển theo hướng tăng quy mô gắn với nâng cao chất lượng tín dụng để ứng phó với những biến động bất lợi của nền kinh tế giai đoạn 2020 - 2021. Tuy vậy, chất lượng tín dụng chưa cải thiện được nhiều, cụ thể tỉ lệ nợ xấu mặc dù nằm trong ngưỡng cho phép (nhỏ hơn 3%) nhưng chưa đạt được các tiêu chuẩn về chất lượng tín dụng Basel II (2004) đưa ra.
 
Theo báo cáo thường niên của NHNN giai đoạn 2015 - 2020, dư nợ thuộc lĩnh vực cho vay đầu tư bất động sản và các tập đoàn Nhà nước trở thành mối quan tâm trong hoạt động kinh doanh của các NHTM Việt Nam. Các NHTM đã tích cực đưa ra các biện pháp nhằm giảm thiểu rủi ro tín dụng như thiết lập hạn mức tín dụng tương đương mức độ rủi ro của từng khách hàng vay vốn, thiết lập quy trình chặt chẽ kiểm soát chất lượng tín dụng. 
 
Biểu đồ 2: Tỉ lệ nợ xấu của NHTM Việt Nam

Đơn vị tính: %

 
Nguồn: Báo cáo thường niên của NHNN qua các năm

 
Biểu đồ 2 cho thấy, trong giai đoạn 2018 - 2019, mặc dù công bố tỉ lệ nợ xấu nội bảng của các NHTM khá thấp và khá an toàn so với mức khống chế là 3%, song nếu cộng cả nợ xấu bán cho VAMC và nợ tiềm ẩn trở thành nợ xấu, thì con số này của hệ thống ngân hàng dao động ở mức 3,69 - 4,43% trong giai đoạn 2018 - 2021. Năm 2018, tỉ lệ nợ xấu của các NHTM Việt Nam có xu hướng giảm so với giai đoạn trước, tỉ lệ nợ xấu năm 2018 là 3,69%, giảm mạnh so với mức 10,8% năm 2016. Nhưng đến năm 2019, tỉ lệ nợ xấu của hệ thống ngân hàng được NHNN công bố là 4,43%. Giai đoạn 2018 - 2019, với những nỗ lực nhằm kìm hãm nợ xấu qua cơ cấu lại các khoản nợ và bán nợ cho VAMC, cải thiện chất lượng tín dụng, từ quy trình đến đầu tư vào cơ sở vật chất của hệ thống NHTM Việt Nam nên tỉ lệ nợ xấu về cơ bản đã giảm xuống, tuy nhiên vẫn trên mức 3%.
 
3.2. Thực trạng hiệu quả kinh doanh của các NHTM Việt Nam 

Dữ liệu trên báo cáo tài chính 28 NHTM niêm yết cho thấy, năm 2018, 2019, lợi nhuận của các NHTM tăng với tốc độ khá ổn định, chủ yếu là do doanh thu từ hoạt động tín dụng vẫn ở mức cao. Năm 2020, mặc dù chịu ảnh hưởng nặng nề từ đại dịch Covid-19, nhưng lợi nhuận trước thuế của các NHTM vẫn có sự gia tăng so với năm 2019 (tăng 16,12%). Nguyên nhân chính của sự tăng trưởng lợi nhuận này là do với đặc thù của ngành Ngân hàng, trong bối cảnh dịch bệnh, người dân và các doanh nghiệp sử dụng các dịch vụ thanh toán không dùng tiền mặt tăng mạnh (NHNN, 2022). Hơn nữa, để kích cầu vốn vay và hỗ trợ nền kinh tế phát triển trong giai đoạn này, mặt bằng lãi suất cho vay của các NHTM có xu hướng giảm, tỉ lệ lãi suất điều chỉnh giảm cho một số đối tượng và một số lĩnh vực sản xuất kinh doanh vay vốn, do vậy, ROA và ROE tại đa số các NHTM cổ phần niêm yết trên TTCK. Theo báo cáo thường niên của NHNN giai đoạn 2018 - 2021, dịch bệnh cũng tạo ra cơ hội để ngành Ngân hàng tiên phong trong việc ứng dụng khoa học công nghệ, dẫn đến việc tinh giản biên chế có thể là nguyên nhân giúp lợi nhuận ngân hàng gia tăng (NHNN, 2022). 

Bảng 2: Lợi nhuận trước thuế của NHTM Việt Nam giai đoạn 2018 - 2022


Nguồn: Báo cáo thường niên của NHNN qua các năm và thống kê của nhóm tác giả
 
Bảng 2 cho biết, riêng năm 2020, ROE bị giảm so với các năm trước, còn nhìn chung vẫn duy trì mức tăng ổn định. Hơn nữa, lợi nhuận tăng với tốc độ cao qua các năm, điều này cho thấy, trong khi dịch Covid-19 xảy ra, tỉ lệ lợi nhuận ngành Ngân hàng khá tốt. Như vậy, khác biệt với các ngành bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19 như du lịch, dệt may… ngành Ngân hàng, đặc biệt là các NHTM niêm yết trên TTCK Việt Nam có chỉ số tăng trưởng lợi nhuận khá ấn tượng. Tuy vậy, trong bối cảnh ảnh hưởng bởi các biện pháp phòng, chống dịch bệnh, đa số các ngành nghề sản xuất, kinh doanh đều có hiệu quả kinh doanh giảm sút, dẫn đến việc thực hiện nghĩa vụ trả nợ NHTM không đúng hạn. Một điều đáng bàn thêm là năm 2022, khả năng sinh lời của tài sản tại các NHTM bị giảm sút nghiêm trọng song nhờ hiệu ứng đòn bẩy tài chính trong Ngành nên ROE tăng khá mạnh, cụ thể năm 2022, ROE đạt 20,2%. Điều này được lí giải bởi lí thuyết về mối quan hệ đánh đổi giữa rủi ro - lợi nhuận kì vọng theo lí thuyết danh mục đầu. Khi NHTM nâng cao tỉ lệ vốn chủ sở hữu, rủi ro tổng thể của NHTM được giảm thiểu, qua đó mức sinh lời kì vọng cũng không cao bằng trường hợp tỉ lệ vốn chủ sở hữu thấp hơn hay nói cách khác trường hợp sử dụng đòn bẩy tài chính lớn hơn. 
 
Hiệu ứng mang lại kết quả hoạt động ngành Ngân hàng, năm 2022 phải kể đến, NHNN đã định hướng tăng trưởng tín dụng cả năm khoảng 14%, có điều chỉnh phù hợp với diễn biến, tình hình thực tế nhằm hỗ trợ phục hồi kinh tế. Trong tình hình thanh khoản khó khăn, NHNN đã tập trung ưu tiên hỗ trợ hệ thống TCTD giải quyết vấn đề quản trị thanh khoản, giải tỏa tâm lí thị trường và các vấn đề còn tồn tại để đảm bảo an toàn hệ thống trước những rủi ro hiện hữu. Cuối năm 2022, trước hiệu ứng tích cực từ bên ngoài, thanh khoản của TCTD cải thiện hơn, NHNN đã quyết định điều chỉnh chỉ tiêu tín dụng định hướng năm 2022 thêm khoảng 1,5 - 2% cho toàn hệ thống các TCTD với nguyên tắc các TCTD có thanh khoản tốt hơn, lãi suất thấp hơn sẽ được tăng trưởng tín dụng cao hơn. NHNN cũng yêu cầu các TCTD cân đối vốn phù hợp để cấp tín dụng, tập trung vốn vào các lĩnh vực ưu tiên như lĩnh vực sản xuất, kinh doanh; đồng thời, kiểm soát rủi ro kì hạn để đảm bảo thanh khoản, an toàn hoạt động, đảm bảo khả năng chi trả cho doanh nghiệp và người dân, trong giai đoạn lễ, tết. Đến ngày 30/12/2022, tín dụng toàn nền kinh tế tăng 14,08% so với cuối năm 2021; dư nợ tín dụng đối với 23 chương trình tín dụng chính sách của Ngân hàng Chính sách xã hội đến ngày 30/11/2022 tăng 12,81% so với năm 2021 với hơn 6,4 triệu khách hàng còn dư nợ. 
 
Song như trên đã phân tích các NHTM sử dụng đòn bảy tài chính khá lớn, khiến dự phòng rủi ro tín dụng của các NHTM có xu hướng gia tăng. Cụ thể, cuối năm 2018, tổng dự phòng rủi ro tín dụng của các NHTM niêm yết chỉ 68.746 tỉ đồng, nhưng đến cuối năm 2021, con số này đã lên đến 150.300 tỉ đồng, ảnh hưởng phần nào đến lợi nhuận của các ngân hàng.
 
4. Giải pháp của vấn đề nghiên cứu 
 
Bài viết đã đạt được mục tiêu cơ bản của nghiên cứu đề ra, và dừng lại ở nội dung mô tả thống kê về rủi ro tín dụng và hiệu quả kinh doanh của các NHTM niêm yết trên TTCK Việt Nam. Việc phân tích thực trạng rủi ro tín dụng  và hiệu quả kinh doanh là cần thiết trong việc đánh giá mức độ tác động của rủi ro tín dụng đến hiệu quả kinh doanh của các NHTM niêm yết. Bài viết chỉ ra rằng, giai đoạn 2018 - 2020, tỉ lệ nợ xấu trên tổng dư nợ có xu hướng gia tăng, tỉ lệ trích lập dự phòng rủi ro tín dụng của các NHTM thấp hơn so với giai đoạn 2021 - 2022, điều này do ảnh hưởng của yếu tố dịch Covid-19 xảy ra; tỉ suất sinh lời bị giảm sút (ROE năm 2020 bị giảm mạnh trong giai đoạn nghiên cứu). Tuy nhiên, năm 2022 là năm có tỉ suất sinh lời khá ấn tượng, các nghiên cứu tiếp theo của tác giả sẽ kiểm định cho việc tác động của rủi ro tín dụng đến hiệu quả hiệu quả kinh doanh của NHTM, trên cơ sở đó có những kết luận xác đáng.
 
4.1. Giải pháp hạn chế rủi ro tín dụng của NHTM
 
Thông qua việc đánh giá thực trạng rủi ro tín dụng và hiệu quả kinh doanh của các NHTM, nhóm tác giả xin đề xuất một số giải pháp như sau:
 
Đối với NHTM
 
- Cần thực hiện đúng quy định của NHNN về các tiêu chuẩn đối với khoản vay, hạn mức tín dụng. Luật Các TCTD năm 2010 và Luật Các TCTD sửa đổi năm 2017 làm kim chỉ nam đối với các NHTM trong hoạt động kinh doanh, tiếp đó là các thông tư, hướng dẫn cụ thể.
 
- Trích lập dự phòng cho các khoản vay đầy đủ. Để hạn chế rủi ro một cách tốt nhất, hoặc nếu rủi ro tín dụng  xảy ra các NHTM có khả năng chống chọi với nguy cơ tiềm ẩn về vấn đề phá sản thì bản thân các NHTM cần tuân thủ việc trích lập dự phòng rủi ro tín dụng một cách đầy đủ.
 
- Tuân thủ và nâng cao chất lượng thẩm định tín dụng. Để có thể kiểm soát tốt khách hàng cho vay trong điều kiện hậu dịch Covid-19, NHTM cần nâng cao rõ rệt khâu thẩm định, không chỉ dừng lại ở khâu thẩm định xét duyệt cho vay, mà trong quá trình cấp tín dụng, việc giám sát tốt các khoản vay sẽ có những cảnh báo cho khách hàng và hạn chế việc mất vốn cho NHTM. Nâng cao chất lượng thẩm định và nâng cấp hoạt động này thành dịch vụ tư vấn thẩm định để một mặt đảm bảo an toàn vốn vay, mặt khác hỗ trợ tốt khách hàng thực hiện sản xuất, kinh doanh tốt và qua đó nâng cao thương hiệu, uy tín trong kinh doanh của NHTM.
 
- Thiết kế khung rủi ro theo ngành: Các NHTM cần xây dựng các hạn mức ngành, trong đó chú trọng cho vay các ngành sản xuất và tiêu dùng xanh,  lĩnh vực thiết yếu, lĩnh vực phát triển và ứng dụng công nghệ.
 
- Nâng cao trình độ chuyên môn đối với đội ngũ nhân viên và quản lí NHTM. Trước sự bùng nổ của công nghệ thông tin, số lượng khách hàng vay vốn là người hiểu biết và ứng dụng công nghệ ngày càng tăng. Nếu nhân viên NHTM và hệ thống quản lí chưa có kiến thức vừa đủ để giám sát và hạn chế rủi ro nói chung thì rủi ro tín dụng sẽ bị tăng lên rất nhiều. Do vậy, trong thời đại kỉ nguyên số, đội ngũ cán bộ quản lí và nhân viên NHTM cần có kiến thức chuyên sâu về nghiệp vụ NHTM và cần tăng cường kiến thức về công nghệ.
 
- NHTM cần đầu tư máy móc trang thiết bị. Một mặt việc đầu tư nâng cấp hạ tầng để chuẩn bị cho việc triển khai và áp dụng Basel III (Basel III, 2010), với những chuẩn mực quản trị rủi ro, mặt khác, cần xây dựng và ứng dụng các phần mềm kết nối với người vay, phần mềm cảnh báo về việc nợ quá hạn, phần mềm giám sát, định kì báo cáo kết quả dự án được thực hiện.
 
Đối với NHNN
 
- Hoàn thiện hệ thống văn bản pháp luật trong việc hỗ trợ hoạt động kinh doanh của các NHTM.
 
- Tăng cường hệ thống giám sát của NHNN. Mặc dù NHNN đã đưa ra hành lang pháp lí để duy trì và phát triển hệ thống tài chính nói chung, hệ thống NHTM nói riêng, song trước những sự bùng nổ của trí tuệ nhân tạo, NHNN cũng cần thiết lập hệ thống phần mềm để cảnh báo sớm tình hình hoạt động của NHTM.
 
- Sớm đưa ra yêu cầu bắt buộc đối với các NHTM về việc áp dụng chuẩn Basel III.
 
4.2. Giải pháp nâng cao hiệu quả hoạt động kinh doanh của NHTM
 
- Tập trung nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, nhân viên trong toàn ngành Ngân hàng. Các NHTM cần phải có một bộ quy tắc chuẩn về chức danh các công việc ngân hàng, tiêu chuẩn nghề nghiệp ngân hàng tương đương với tiêu chuẩn của các quốc gia tiên tiến trong khu vực và toàn cầu. Trên cơ sở đó, cần có bản mô tả cho từng vị trí công việc trong ngành Ngân hàng. Đây chính là những thông lệ tốt và phổ biến của các NHTM trên thế giới, để nâng cao vị thế của các NHTM Việt Nam trước bối cảnh hội nhập. Tăng cường hợp tác nhân lực quốc tế và đa dạng hóa các phương thức đào tạo nhằm tạo ra sự linh hoạt trong các hoạt động bồi dưỡng nhân sự của Ngành.
 
- Tăng cường công tác quản trị của ngành Ngân hàng. Hoạt động quản trị doanh nghiệp đóng vai trò quyết định tới sự tồn tại và phát triển của NHTM, công tác quản trị cần linh hoạt để phù hợp với sự phát triển của nền kinh tế thị trường nhằm tạo ra bước đột phát trong tăng tỉ suất lợi nhuận ngân hàng, là một trong những yếu tố để tăng giá cổ phiếu và thu hút đầu tư nước ngoài.
 
Tài liệu tham khảo:
 
1. Benston, G. J, (1965), Branch banking and economies of scale. Journal of Finance, 20, pages 312-331.
2. Berger, A., DeYoung, R., (1997), Problem loans and cost efficiency in commercial banks. J. Bank. Finance 21, pages 849-870.
3. Chang et al., (2010) Land subsidence, production efficiency, and the decision of aquacultural firms in Taiwan to discontinue production. Ecol. Econ., 69 (2010), pp. pages 2448-2456.
4. Casu B., Girardone C., (2003), Financial conglomeration: efficiency, productivity and strategic drive, Applied Financial Economics, 14, pages 687-696
5. Denizer, C., Gultekin, B. and Gultekin, M., (2000), Distorted Incentives and Financial Structure in Turkey, paper presented at the Financial Structure And Economic Development Conference, in February 10-11, 2000 at the World Bank, Washington, D.C
6. Đỗ Doãn (2022), Giúp doanh nghiệp huy động vốn hiệu quả trong bối cảnh mới, truy cập ngày 10/11/2022 từ < https://bom.so/xYoTCV >
7. Elyasiani, E., and S. M. Mehdian, (1990b), Efficiency in the Commercial Banking Industry: A Production Frontier Approach, Applied Economics, 2, pages 539-551.
8. Farrell, M.J., (1957) The Measurement of Productive Efficiency. Journal of the Royal Statistical Society. SeriesA (General), Vol 120, No. 3 (1957): pages 253-290.
9. Frexias, X., & Rochet, J.C., (1997), Microeconomics of banking. Cambridge7 MIT Press.
10. Goddard, J., Molyneux, P. & J.O.S. Wilson (2004). Dynamics of Growth and Profitability in Banking, Journal of Money, Credit and Banking 36, pages 1069-1090.
11. Leightner, E. J., and Lovell, C. A. K. , 1998. The Impact of financial liberalization on the performance of Thai banks. Journal of Economics and Business, 50, pages 115-132.
12. Mark Swinburne, Srobona Mitra, and DeLisle Worrell., (2007), Decomposing Financial Risks and Vulnerabilities in Eastern Europe. International Monetary Fund WP/07/248. (Washington: International Monetary Fund).
13. Markus Hertrich, (2015), Does Credit Risk Impact Liquidity Risk? Evidence from Credit Default Swap Markets, International Journal of Applied Economics, 12(2), September 2015, 1-46, truy cập ngày 05/10/2022 từ https://www2.southeastern.edu/orgs
14. NHNN (2022), Đại dịch Covid-19 làm thay đổi hành vi thanh toán của người tiêu dùng, truy cập ngày 10/11/2022 từ < https://bom.so/QsKywV> 
15. NHNN (2018, 2019, 2020, 2021), Báo cáo thường niên của NHNN, truy cập ngày 28/10/2022 từ <https://www.sbv.gov.vn>. 
16. Perter S. Rose (1998), Quản trị NHTM, Nhà xuất bản Đại học Kinh tế quốc dân. 
17. Njanike, K., (2009), The Impact of Effective Credit Risk Management on Bank Survival. Annals of the University of Petrosani, Economics, Vol. 9, issue 2, pages 173-184.
18. Sealey, C., and Lindley, J.T., 1977. Inputs, outputs and a theory of production and cost at depository financial institution, J Financ, 32: pages 1251-1266.
19. Thomas P. Fitch, (1997). Dictionary of Banking Terms, Barron’s Edutional Series, Inc.
20. Tuệ Minh (2022), Những khó khăn khi doanh nghiệp tiếp cận vốn, truy cập ngày 12/10/2022 từ <https://vnexpress.net/nhung-kho-khan-khi-doanh-nghiep-tiep-can-von-4528600.html>
21. Zenios, C.V., S.A. Zenios, K. Agathocleous, & A. Soteriou. (1999). Benchmarks of the efficiency of bank branches. Interfaces, 29(3), pages 37-51. http://dx.doi.org/10.1287/inte.29.3.37

Vũ Thị Thanh Thủy (Trường Đại học Lao động - Xã hội)
Vũ Thị Ánh Tuyết  (Học viện Ngân hàng)
 

Bình luận Ý kiến của bạn sẽ được kiểm duyệt trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Đóng lại ok
Bình luận của bạn chờ kiểm duyệt từ Ban biên tập
Niêm yết cổ phiếu trên thị trường quốc tế đối với các ngân hàng thương mại nhà nước - Mục tiêu nhiều thách thức
Niêm yết cổ phiếu trên thị trường quốc tế đối với các ngân hàng thương mại nhà nước - Mục tiêu nhiều thách thức
21/11/2024 11:20 1.251 lượt xem
Niêm yết cổ phiếu (niêm yết) trên thị trường quốc tế là lựa chọn cho nhiều doanh nghiệp khi muốn tiếp cận thị trường vốn quốc tế.
Cưỡng chế, kê biên, phong tỏa chứng khoán đang niêm yết hoặc đang đăng ký giao dịch
Cưỡng chế, kê biên, phong tỏa chứng khoán đang niêm yết hoặc đang đăng ký giao dịch
19/11/2024 09:12 1.138 lượt xem
Việc cưỡng chế, kê biên, phong tỏa chứng khoán đang niêm yết hoặc đang đăng ký giao dịch tại các sở giao dịch chứng khoán và Tổng công ty Lưu ký và Bù trừ chứng khoán (VSDC) thực hiện theo quy định tại Nghị định số 152/2024/NĐ-CP của Chính phủ.
Nhà đầu tư chứng khoán phải cập nhật thông tin tài khoản trước ngày 01/01/2025
Nhà đầu tư chứng khoán phải cập nhật thông tin tài khoản trước ngày 01/01/2025
03/10/2024 08:28 3.225 lượt xem
Sau ngày 01/01/2025, các công ty chứng khoán sẽ dừng cung cấp dịch vụ cho những khách hàng không cập nhật căn cước công dân, chuẩn hóa thông tin tài khoản.
Xác định giá trái phiếu bằng phương pháp không cơ hội mua bán song hành
Xác định giá trái phiếu bằng phương pháp không cơ hội mua bán song hành
25/09/2024 08:28 4.538 lượt xem
Định giá là quá trình xác định giá trị hợp lý của một tài sản tài chính. Quá trình này còn được gọi là “xác định giá trị” hoặc “định giá” tài sản tài chính.
Quy định về xử phạt vi phạm hành chính đối với hoạt động chào bán chứng khoán ra công chúng: Bất cập và kiến nghị hoàn thiện
Quy định về xử phạt vi phạm hành chính đối với hoạt động chào bán chứng khoán ra công chúng: Bất cập và kiến nghị hoàn thiện
07/09/2024 13:26 4.598 lượt xem
Bài viết nghiên cứu về các bất cập và đưa ra kiến nghị nhằm hoàn thiện những quy định pháp luật về xử phạt vi phạm hành chính đối với hoạt động chào bán chứng khoán ra công chúng.
Tỷ giá hạ nhiệt là điểm tựa cho thị trường chứng khoán hồi phục
Tỷ giá hạ nhiệt là điểm tựa cho thị trường chứng khoán hồi phục
05/09/2024 08:04 3.320 lượt xem
Tỷ giá hạ nhiệt là một trong những yếu tố quan trọng hỗ trợ thị trường chứng khoán trong thời gian tới, thu hút dòng vốn ngoại quay trở lại.
Thực trạng pháp luật về bảo vệ quyền lợi của nhà đầu tư trong hoạt động môi giới chứng khoán và một số kiến nghị hoàn thiện
Thực trạng pháp luật về bảo vệ quyền lợi của nhà đầu tư trong hoạt động môi giới chứng khoán và một số kiến nghị hoàn thiện
01/08/2024 10:06 6.908 lượt xem
Bảo vệ quyền lợi của nhà đầu tư trong hoạt động môi giới chứng khoán là vấn đề quan trọng và cấp thiết bởi điều này giúp đảm bảo quyền lợi chính đáng của nhà đầu tư chứng khoán khi sử dụng dịch vụ môi giới.
Dư nợ cho vay ký quỹ của các công ty chứng khoán tăng kỷ lục
Dư nợ cho vay ký quỹ của các công ty chứng khoán tăng kỷ lục
26/07/2024 08:10 4.609 lượt xem
Tính đến 30/6/2024, dư nợ cho vay giao dịch ký quỹ (margin) của các công ty chứng khoán đạt gần 219 nghìn tỷ đồng, tăng 53,4% so với cùng kỳ năm 2023.
Chứng khoán hóa: Kinh nghiệm triển khai trên thế giới và một số khuyến nghị đối với Việt Nam
Chứng khoán hóa: Kinh nghiệm triển khai trên thế giới và một số khuyến nghị đối với Việt Nam
02/07/2024 09:11 3.899 lượt xem
Trong bối cảnh hội nhập tài chính, Việt Nam cũng cần có những phương thức tài trợ mới nhằm nâng cao hiệu quả phân bổ vốn. Chứng khoán hóa có thể sẽ trở thành một giải pháp tiềm năng nhằm tạo ra kênh dẫn vốn mới cho nền kinh tế, đồng thời góp phần hỗ trợ quản lý rủi ro cho hệ thống ngân hàng.
Yêu cầu các công ty chứng khoán, các công ty quản lý quỹ bảo đảm an toàn thông tin
Yêu cầu các công ty chứng khoán, các công ty quản lý quỹ bảo đảm an toàn thông tin
03/06/2024 08:00 3.544 lượt xem
Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN) vừa ban hành Công văn số 3351/UBCK-CNTT yêu cầu các công ty chứng khoán, công ty quản lý quỹ tăng cường bảo đảm an toàn thông tin mạng phục vụ các hoạt động giao dịch chứng khoán.
Dư địa tăng trưởng trái phiếu xanh Việt Nam còn rất lớn
Dư địa tăng trưởng trái phiếu xanh Việt Nam còn rất lớn
12/04/2024 10:05 5.780 lượt xem
Nhu cầu huy động vốn từ phát hành trái phiếu xanh phục vụ dự án bảo vệ môi trường là rất lớn, tuy nhiên mới chỉ có 19 trái phiếu xanh được phát hành giai đoạn 2018-2023.
Thị trường chứng khoán Việt Nam năm 2024: Triển vọng tích cực
Thị trường chứng khoán Việt Nam năm 2024: Triển vọng tích cực
26/03/2024 16:41 40.908 lượt xem
Thị trường chứng khoán Việt Nam đã trải qua năm 2023 đầy biến động, tuy nhiên, vẫn kết thúc với những dấu hiệu tích cực. Năm 2024 được dự đoán sẽ tiếp tục là một năm đầy triển vọng với sự phục hồi kinh tế toàn cầu và những chính sách hỗ trợ mạnh mẽ từ phía Chính phủ.
Chuyển đổi số để cải cách hiệu quả các thủ tục hành chính lĩnh vực chứng khoán
Chuyển đổi số để cải cách hiệu quả các thủ tục hành chính lĩnh vực chứng khoán
12/03/2024 08:01 5.856 lượt xem
Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN) vừa ban hành Quyết định số 67/QĐ-UBCK về kế hoạch cải cách thủ tục hành chính năm 2024, trong đó phấn đấu có tối thiểu 70% thủ tục hành chính có yêu cầu nghĩa vụ tài chính được triển khai thanh toán trực tuyến.
Nâng hạng thị trường chứng khoán, hút vốn đầu tư gián tiếp nước ngoài
Nâng hạng thị trường chứng khoán, hút vốn đầu tư gián tiếp nước ngoài
06/03/2024 08:28 7.007 lượt xem
Có 2 vấn đề cần được tháo gỡ để thị trường chứng khoán được FTSE Russell nâng hạng, đó là yêu cầu ký quỹ trước giao dịch và giới hạn sở hữu nước ngoài.
Chứng khoán vận hành Hệ thống công bố thông tin một đầu mối kể từ 8/3
Chứng khoán vận hành Hệ thống công bố thông tin một đầu mối kể từ 8/3
05/03/2024 09:56 5.303 lượt xem
Ủy ban Chứng khoán Nhà nước cho biết, từ 8/3/2024 sẽ vận hành Hệ thống công bố thông tin một đầu mối áp dụng đối với tổ chức niêm yết, đăng ký giao dịch trên sở giao dịch chứng khoán. Trước mắt, sẽ áp dụng đối với các tổ chức niêm yết, đăng ký giao dịch trên Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX).
Giá vàngXem chi tiết

Giá vàng - Xem theo ngày

Khu vực

Mua vào

Bán ra

HÀ NỘI

Vàng SJC 1L

81,600

83,600

TP.HỒ CHÍ MINH

Vàng SJC 1L

81,600

83,600

Vàng SJC 5c

81,600

83,620

Vàng nhẫn 9999

81,600

83,400

Vàng nữ trang 9999

81,500

83,000


Ngoại tệXem chi tiết
Tỷ giá - Xem theo ngày 
Ngân Hàng USD EUR GBP JPY
Mua vào Bán ra Mua vào Bán ra Mua vào Bán ra Mua vào Bán ra
Vietcombank 25,153 25,483 26,041 27,469 31,401 32,736 158.95 168.19
BIDV 25,183 25,483 26,192 27,397 31,737 32,670 160.03 167.75
VietinBank 25,180 25,483 26,272 27,472 31,695 33,705 161.47 169.22
Agribank 25,210 25,483 26,181 27,385 31,604 32,695 160.79 168.44
Eximbank 25,170 25,483 26,272 27,228 31,706 32,816 161.8 167.71
ACB 25,190 25,483 26,288 27,190 31,818 32,778 161.82 168.21
Sacombank 25,210 25,483 26,231 27,206 31,686 32,853 161.86 168.91
Techcombank 25,222 25,483 26,070 27,413 31,464 32,808 158.16 170.62
LPBank 25,190 25,485 26,543 27,441 32,072 32,600 162.71 169.79
DongA Bank 25,220 25,483 26,310 27,150 31,740 32,770 160.10 167.80
(Cập nhật trong ngày)
Lãi SuấtXem chi tiết
(Cập nhật trong ngày)
Ngân hàng
KKH
1 tuần
2 tuần
3 tuần
1 tháng
2 tháng
3 tháng
6 tháng
9 tháng
12 tháng
24 tháng
Vietcombank
0,10
0,20
0,20
-
1,60
1,60
1,90
2,90
2,90
4,60
4,70
BIDV
0,10
-
-
-
1,70
1,70
2,00
3,00
3,00
4,70
4,70
VietinBank
0,10
0,20
0,20
0,20
1,70
1,70
2,00
3,00
3,00
4,70
4,80
ACB
0,01
0,50
0,50
0,50
2,30
2,50
2,70
3,50
3,70
4,40
4,50
Sacombank
-
0,50
0,50
0,50
2,80
2,90
3,20
4,20
4,30
4,90
5,00
Techcombank
0,05
-
-
-
3,10
3,10
3,30
4,40
4,40
4,80
4,80
LPBank
0.20
0,20
0,20
0,20
3,00
3,00
3,20
4,20
4,20
5,30
5,60
DongA Bank
0,50
0,50
0,50
0,50
3,90
3,90
4,10
5,55
5,70
5,80
6,10
Agribank
0,20
-
-
-
1,70
1,70
2,00
3,00
3,00
4,70
4,80
Eximbank
0,10
0,50
0,50
0,50
3,10
3,30
3,40
4,70
4,30
5,00
5,80

Liên kết website
Bình chọn trực tuyến
Nội dung website có hữu ích với bạn không?