Kinh tế Việt Nam năm 2024 và triển vọng năm 2025
16/12/2024 09:16 87 lượt xem
Tóm tắt: Năm 2024 có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong thực hiện thắng lợi Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2021 - 2025. Mặc dù bối cảnh quốc tế và trong nước vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức: Lạm phát tăng cao, xung đột địa chính trị kéo dài, sự tăng trưởng chậm lại của các nền kinh tế lớn, nhưng kinh tế Việt Nam đã vượt qua khó khăn để đạt được những thành tựu nổi bật. An ninh năng lượng, an ninh lương thực được bảo đảm; thị trường lao động phục hồi tích cực. Việt Nam vẫn nằm trong nhóm các nước có tăng trưởng kinh tế cao nhất khu vực. Thành công của Việt Nam chứng tỏ sự hiệu quả các chính sách kinh tế vĩ mô của Chính phủ.

Từ khóa: Kinh tế Việt Nam; tăng trưởng; triển vọng.


VIETNAM’S ECONOMY IN 2024 AND PROSPECTS FOR 2025

Abstract: The year 2024 has a particularly important meaning in the successful implementation of the socio-economic development Plan for the period 2021 - 2025. Although the international and domestic context still has many difficulties, challenges such as high inflation, prolonged geopolitical conflicts, and slowing growth of major economies, however, Vietnam’s economy has overcome difficulties to achieve these outstanding achievements. Energy security and food security are guaranteed; the labor market recovered positively. Vietnam is still in the group of countries with the highest economic growth in the region. Vietnam’s success proves the Government’s effective macroeconomic policies.

Keywords: Vietnam economy; growth; prospect.

1. Tình hình kinh tế Việt Nam năm 2024 và nhân tố thúc đẩy

Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, năm 2024, tăng trưởng kinh tế ước đạt trên 7% GDP (vượt mức mục tiêu đề ra là 6 - 6,5% GDP), thuộc nhóm số ít các nước có tốc độ tăng trưởng cao trong khu vực và thế giới. Kinh tế vĩ mô tiếp tục ổn định, lạm phát được kiểm soát dưới 4%, tăng trưởng kinh tế được thúc đẩy, các cân đối lớn của nền kinh tế được bảo đảm. Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân tăng 3,78% (tính đến tháng 10/2024). Xuất khẩu gạo đạt trên 8,5 triệu tấn, kim ngạch trên 5,3 tỉ USD (tính đến tháng 11/2024), tăng lần lượt 10,6% và 22,4% so với cùng kỳ năm 2023. Bội chi, nợ công, nợ Chính phủ, nợ nước ngoài thấp hơn chỉ tiêu cho phép. Thị trường tiền tệ, tỉ giá cơ bản ổn định, mặt bằng lãi suất tiếp tục có xu hướng giảm so với năm 2023. Giá trị thương hiệu quốc gia Việt Nam năm 2024 đạt 507 tỉ USD, xếp thứ 32/193, tăng 1 bậc so với năm 2023.



Ảnh : Nguồn Internet
 
Kinh tế số Việt Nam tiếp tục là một trong những điểm sáng của phát triển kinh tế - xã hội. Theo báo cáo "Kinh tế số Đông Nam Á năm 2024" do Google - Temasek công bố, năm 2024, quy mô nền kinh tế Internet Việt Nam đạt 36 tỉ USD, tăng 16% so với năm 2023. Thương mại điện tử bán lẻ tiếp tục là trụ cột với 22 tỉ USD, tăng 18% và chiếm 61% tổng quy mô nền kinh tế Internet. Thị trường thương mại điện tử và kinh tế số Việt Nam tiếp tục phát triển mạnh mẽ hơn và trở thành một trong những động lực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. 

Năm 2024, chi tiêu Chính phủ, chi tiêu ngân sách, trong đó chi đầu tư phát triển giảm 8,7% (trong khi chi thường xuyên tăng 9,5%, chi trả nợ tăng 8,1%) vẫn thấp hơn kế hoạch. Đòn bẩy là chi tiêu công, kích cầu nội địa kéo đầu tư nội địa và tiêu dùng tăng lên. Nhiều dự án hạ tầng đã được khởi động và đang đẩy nhanh tiến độ giải ngân đầu tư công. Đầu tư công có trọng tâm, trọng điểm, hiệu quả được nâng lên. Nhiều công trình giao thông quan trọng, quy mô lớn được đầu tư, nâng cấp, bảo đảm kết nối giữa các trung tâm kinh tế lớn, các vùng, miền trong cả nước và giao thương quốc tế.

Việt Nam có tốc độ tăng trưởng thương mại điện tử trong top 10 của thế giới. Dự kiến, thương mại điện tử sẽ đạt 45 tỉ USD năm 2025. Với thị trường 100 triệu dân, chiếm 1,23% dân số thế giới, Việt Nam nằm cạnh các thị trường lớn như Trung Quốc, Ấn Độ, ASEAN cho thấy tiềm năng phát triển thương mại điện tử của Việt Nam còn rất lớn. Năm 2024, theo xếp hạng của Liên hợp quốc, chỉ số hạnh phúc của Việt Nam tăng 11 bậc, xếp thứ 54/143. Mức tăng trưởng kinh tế của Việt Nam là nhờ sự phục hồi của hoạt động sản xuất, xuất khẩu, du lịch và đầu tư. Xuất nhập khẩu và đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đã trở thành điểm sáng nổi bật, phản ánh niềm tin của các nhà đầu tư quốc tế đối với môi trường đầu tư tại Việt Nam.

Năm 2024, hoạt động xuất khẩu đạt kết quả ấn tượng. Tổng kim ngạch xuất nhập khẩu đạt 715 tỉ USD (tháng 11/2024), tăng 15,3%, xuất siêu trên 23 tỉ USD; ước cả năm khoảng 807,7 tỉ USD, cao nhất từ trước đến nay. Việt Nam tiếp tục khai thác hiệu quả những thị trường quốc tế như Mỹ, Liên minh châu Âu, và các nước ASEAN.

Các Hiệp định thương mại như Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) và Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - Liên minh châu Âu (EVFTA) được kỳ vọng sẽ mang lại nhiều cơ hội phát triển cho nền kinh tế Việt Nam thông qua việc mở rộng xuất khẩu, đầu tư và ứng dụng khoa học, công nghệ.  Kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang EU đến năm 2030 dự kiến sẽ tăng thêm 44,4%; xuất khẩu sang các nước CPTPP tăng 14,3% năm 2035
1.

Năm 2024, xuất khẩu của Việt Nam sang Mỹ tăng mạnh, xấp xỉ 330%. Việt Nam mở rộng quan hệ với nhiều đối tác lớn, trong đó có việc nâng cấp quan hệ đối tác chiến lược toàn diện với Mỹ (tháng 10/2023), với Australia (tháng 3/2024) và Pháp (tháng 10/2024). Thỏa thuận với các đối tác đã đem lại những lợi ích kinh tế to lớn, trong đó có việc phát triển thị trường xuất khẩu và thu hút các nhà đầu tư quốc tế. Apple - Hãng công nghệ lớn của Mỹ đã chọn Việt Nam làm địa điểm sản xuất quan trọng với khoản đầu tư hơn 15 tỉ USD.

Tăng trưởng của khu vực công nghiệp, nông nghiệp và dịch vụ duy trì xu hướng tích cực. Chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) tăng 7% (tính đến tháng 10/2024) so với cùng kỳ, trong đó ngành chế biến, chế tạo tăng 9,6%, là những ngành động lực dẫn dắt cho tăng trưởng kinh tế. Chỉ số nhà quản trị mua hàng (PMI) đạt 51,2 điểm
2, cho thấy sản xuất công nghiệp đã phục hồi nhanh.

Chỉ số sản xuất công nghiệp phục hồi mạnh và trở thành động lực quan trọng thúc đẩy tăng trưởng. Sản xuất công nghiệp tăng trưởng đáng kể nhờ sự phục hồi và mở rộng của các ngành chủ chốt như công nghiệp chế biến, chế tạo. Mức tăng trưởng của khu vực công nghiệp chế biến, chế tạo chiếm khoảng 24,1% tỉ trọng GDP cho thấy sự cải thiện tích cực về năng suất và sản lượng. Doanh nghiệp đã từng bước hồi phục sau đại dịch Covid-19 và thích ứng tốt với các biến động thị trường. Các tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước hoạt động sản xuất, kinh doanh hiệu quả hơn, phát huy vai trò nòng cốt, chủ lực, chủ đạo trong nhiều lĩnh vực, ngành kinh tế quan trọng và có khả năng cạnh tranh trong khu vực và quốc tế.

Mặc dù môi trường bên ngoài yếu kém, bao gồm cả sự phục hồi chậm chạp ở Trung Quốc đã cản trở hoạt động sản xuất để xuất khẩu, do đó làm thu hẹp sản xuất công nghiệp ở Việt Nam; tuy nhiên, kinh tế Việt Nam vẫn phục hồi nhờ được hỗ trợ bởi lạm phát vừa phải, đầu tư công tăng tốc và hoạt động thương mại được cải thiện. Nông nghiệp phát triển ổn định; tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tăng 8,5%.

Du lịch là một yếu tố quan trọng khác thúc đẩy nền kinh tế Việt Nam. Năm 2024, du lịch Việt Nam phục hồi mạnh mẽ, với lượng khách tăng trưởng nhanh ở cả thị trường quốc tế và nội địa. Sự gia tăng đáng kể về lượng khách đi kèm với các danh hiệu quốc tế không chỉ củng cố vị thế của Việt Nam trên bản đồ du lịch toàn cầu mà còn mở ra nhiều cơ hội phát triển. Các khu vực nghỉ dưỡng và du lịch sinh kế như Hạ Long, Phú Quốc và Đà Nẵng đã trở thành những điểm đến hấp dẫn cho du khách yêu thích hoạt động ngoài trời và thư giãn. Nhiều dự án cải thiện cơ sở hạ tầng như sân bay, đường sá và khách sạn được triển khai để phục vụ du khách tốt hơn.

Du lịch phát triển đã kích thích cầu tiêu dùng gia tăng, từ đó lan tỏa mạnh tới sản xuất của nhóm ngành dịch vụ khác như vận tải, lưu trú, ăn uống, lữ hành, hoạt động nghệ thuật, vui chơi giải trí - những yếu tố tích cực trong tăng trưởng kinh tế Việt Nam. Khách quốc tế đến Việt Nam đạt khoảng 14,1 triệu lượt người, tăng 41,3% (tính đến tháng 10/2024) so với cùng kỳ năm 2023. Năm 2025, phấn đấu đón 25 - 28 triệu lượt khách quốc tế và 130 triệu lượt khách nội địa. Năm 2030 phấn đấu đón 35 triệu lượt khách quốc tế và 160 triệu lượt khách nội địa. Du lịch sẽ đóng góp trực tiếp 8 - 9% GDP năm 2025 và 13 - 14% GDP năm 2030; tạo ra 6,3 - 10,5 triệu việc làm từ năm 2025 - 2030, trong đó khoảng 3,5 triệu việc làm trực tiếp
3. Tuy nhiên, để thúc đẩy thị trường du lịch nội địa cũng như quốc tế, cần tháo gỡ khó khăn của ngành hàng không trong nước, để các hãng hàng không có thể tăng cường, củng cố đội tàu bay, gia tăng các đường bay trong nước cũng như kết nối đường bay quốc tế, từ đó thúc đẩy mạnh ngành du lịch phát triển.

Thu hút FDI là điểm sáng của phát triển kinh tế Việt Nam. Năm 2024, Việt Nam nằm trong nhóm 15 nước đang phát triển thu hút FDI lớn nhất thế giới; thu hút FDI đạt 31 tỉ USD (tính đến tháng 11/2024), vốn FDI thực hiện đạt 20,4 tỉ USD, tăng 7%, cao nhất trong giai đoạn 5 năm (2020 - 2024). Có 15 công ty Mỹ đầu tư vào Việt Nam với tổng số tiền hơn 8 tỉ USD
4. Các tổ chức quốc tế uy tín đánh giá tích cực về triển vọng phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam nhờ sự cởi mở với đầu tư nước ngoài để tiếp tục “nổi bật hơn so với các đối thủ”. Các quốc gia có thể ưu đãi nhiều tiền, nhưng không có nghĩa họ sẽ chiến thắng trong cuộc đua thu hút FDI. Việt Nam có nhiều hiệp định thương mại tự do, trong đó có các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới, hấp dẫn FDI bằng lao động, kết nối điện và hạ tầng Logistics tốt hơn.

Việt Nam đang bước lên nấc thang công nghệ mới khi các dự án đầu tư nước ngoài được khuyến khích vào lãnh vực sản xuất chíp và công nghệ cao. Xuất khẩu công nghệ cao giúp thúc đẩy tăng trưởng kinh tế Việt Nam. Mặc dù các chính sách “Giảm thiểu lạm phát” của Mỹ có thể gây tổn hại phần nào cho kinh tế Việt Nam và các nền kinh tế Đông Nam Á khác, nhưng Việt Nam vẫn đang thu hút lượng lớn FDI từ các công ty mong muốn dịch chuyển, đa dạng hóa chuỗi cung ứng sản xuất. Những thành tựu kinh tế Việt Nam năm 2024 là kết quả của nhiều yếu tố: Thứ nhất, sự lãnh đạo quyết liệt của Chính phủ trong việc thực thi các biện pháp ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát và điều chỉnh chính sách kịp thời. Thứ hai, nhờ việc thúc đẩy đầu tư công và phát triển hạ tầng chiến lược đã tạo đà cho các hoạt động sản xuất, dịch vụ phục hồi mạnh mẽ, đặc biệt là trong các ngành nông nghiệp, công nghiệp và dịch vụ. Thứ ba, sự ổn định chính trị và niềm tin từ cộng đồng doanh nghiệp và người dân cũng như các nhà đầu tư quốc tế đã tạo ra môi trường thuận lợi cho kinh tế phát triển.

Bên cạnh những kết quả đạt được, kinh tế Việt Nam vẫn tồn tại những hạn chế, bất cập và tiếp tục gặp nhiều khó khăn, thách thức. Ổn định kinh tế vĩ mô còn tiềm ẩn rủi ro và chịu nhiều áp lực lớn; tăng trưởng tín dụng còn khó khăn, nợ xấu có nguy cơ gia tăng; giải ngân vốn đầu tư công thấp hơn so với cùng kỳ năm 2023. Thị trường bất động sản đã có chuyển biến nhưng chưa rõ nét; áp lực lớn trả nợ trái phiếu doanh nghiệp đến hạn. Sản xuất nông nghiệp, du lịch tại một số địa phương bị ảnh hưởng nặng nề do thiên tai, bão lũ. Hoạt động sản xuất, kinh doanh trong một số ngành, lĩnh vực còn khó khăn; sức ép cạnh tranh gia tăng. Xuất khẩu dự báo khó khăn hơn trong thời gian tới do yếu tố bên ngoài. Nhiều dự án gặp khó khăn, vướng mắc về pháp lý nhưng chưa được kịp thời tháo gỡ.

Tỉ giá hối đoái và áp lực lạm phát từ bên ngoài vẫn là những yếu tố tiềm ẩn, ảnh hưởng đến sự ổn định của nền kinh tế. Xuất siêu chủ yếu vẫn dựa vào khu vực đầu tư nước ngoài, cho thấy tính tự chủ của nền kinh tế còn thấp... Điều này tạo ra sự bất ổn trước những thay đổi trong chính sách thương mại toàn cầu.

Năm 2024, Việt Nam ghi nhận sự gia tăng đáng kể về số lượng doanh nghiệp rút khỏi thị trường, với khoảng 173 nghìn doanh nghiệp ngừng hoạt động hoặc giải thể (tính đến tháng 12/2024) tăng 21,5% so với cùng kỳ năm 2025. Điều này phản ánh một phần những khó khăn về chi phí hoạt động, nguồn vốn và sức ép cạnh tranh trên thị trường. Nhiều doanh nghiệp vừa và nhỏ bị ảnh hưởng bởi chi phí sản xuất gia tăng và áp lực cạnh tranh từ các doanh nghiệp lớn.

Tình trạng nợ đọng, chậm ban hành văn bản quy định, hướng dẫn thi hành luật chưa được khắc phục triệt để; còn những quy định pháp luật chồng chéo. Thủ tục hành chính, điều kiện kinh doanh, quy chuẩn trên một số lĩnh vực còn rườm rà. Thiên tai, bão lũ, sạt lở đất, sụt lún diễn biến phức tạp, gây thiệt hại về người và tài sản. Thị trường bất động sản mặc dù đã có chuyển biến nhưng còn nhiều khó khăn; nhiều vấn đề pháp lý tồn đọng của một số doanh nghiệp, dự án chưa được giải quyết dứt điểm dẫn đến nguồn lực chưa được khai thác hiệu quả. Bên cạnh đó, ổn định kinh tế vĩ mô còn tiềm ẩn rủi ro, nhất là do bên ngoài. Áp lực lạm phát tiếp tục cần được theo dõi sát, đặc biệt là biến động nguồn cung, giá dầu, hàng hóa thế giới. Tăng trưởng tín dụng tuy đã cải thiện nhưng chưa cao, khả năng hấp thụ vốn của nền kinh tế còn yếu.

2. Mục tiêu năm 2025 và giải pháp thực hiện

Năm 2025 có ý nghĩa đặc biệt quan trọng với nhiều dấu ấn kỷ niệm: 95 năm thành lập Đảng, 50 năm giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, 135 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh, 80 năm thành lập Nước và là năm tiến hành Đại hội Đảng các cấp, tiến tới Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIV với kỷ nguyên vươn mình của dân tộc, tạo thêm động lực để Việt Nam tăng tốc, bứt phá, tháo gỡ khó khăn, vượt qua thách thức.

Năm 2025, mục tiêu tăng trưởng đạt 7 - 7,5% GDP, phấn đấu tăng trưởng khoảng 8% GDP để tạo lực, tạo khí thế thực hiện kế hoạch năm 2026 và tạo đà phấn đấu mức 2 con số trong giai đoạn 2021 - 2030. Mục tiêu GDP bình quân đầu người 4.900 USD nhằm tăng cường sức cạnh tranh của nền kinh tế trên quy mô quốc tế. Phấn đấu Việt Nam xếp hạng 31 - 33 thế giới về quy mô GDP năm 2025. Tỉ trọng công nghiệp chế biến chế tạo trong GDP đạt khoảng 24,1%; tăng năng suất lao động xã hội bình quân từ 5,3 - 5,5%; đẩy mạnh chuyển đổi số, nâng tỉ trọng kinh tế số trong GDP lên khoảng 20%. Mặc dù tăng trưởng đạt trên 7% GDP năm 2024, nhưng nền tảng của sự phục hồi và tăng trưởng trong dài hạn chưa thực sự bền vững.

Để đạt các mục tiêu năm 2025, Chính phủ đề ra một loạt nhiệm vụ trọng tâm là ổn định kinh tế vĩ mô và kiểm soát lạm phát: Tập trung kiểm soát lạm phát ở mức khoảng dưới 4% (khoảng 3,87% năm 2025 và 3,83% năm 2026
5. Bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô. Hai kịch bản tăng trưởng GDP của Việt Nam năm 2025: Kịch bản thứ nhất, dự báo tích cực: Tăng trưởng đạt 6,8% GDP nhờ xuất khẩu tăng (khoảng 11,7% cao hơn 9,8% năm 2024); Kịch bản thứ hai, dự báo tiêu cực hơn: Mức tăng trưởng chỉ còn 5,6% GDP do cả xuất khẩu và đầu tư (FDI) đều suy giảm do lo ngại tác động của chính sách hạn chế thương mại của Mỹ đến hàng hóa toàn cầu, trong đó có Việt Nam. 

Dự toán thu ngân sách nhà nước khoảng 1.966,8 nghìn tỉ đồng, tăng 15,6% so với năm 2024. Chi ngân sách nhà nước khoảng 2.527,8 nghìn tỉ đồng, tăng khoảng 408.400 tỉ đồng so với năm 2024, bảo đảm nhu cầu đầu tư các dự án hạ tầng quan trọng quốc gia, các công trình trọng điểm, chi tiền lương khu vực công và các chế độ, chính sách đã ban hành. Bội chi ngân sách nhà nước năm 2025 khoảng 471.500 tỉ đồng (chiếm 3,8% GDP), bảo đảm các chỉ tiêu về nợ công, nợ chính phủ, nợ nước ngoài trong phạm vi cho phép. Hoàn thành ít nhất 3.000 km đường bộ cao tốc, cơ bản hoàn thành sân bay Long Thành, các công trình lớn, xóa nhà tạm, nhà dột nát trên phạm vi cả nước.

Để hoàn thành mục tiêu, nhiệm vụ kế hoạch đưa ra cho năm 2025 cần tập trung vào những giải pháp sau:

Thứ nhất, tiếp tục hoàn thiện và đẩy mạnh cải cách thể chế. Thể chế, pháp luật mặc dù đã được quan tâm, chỉ đạo nhưng vẫn còn một số vướng mắc, bất cập, chưa được kịp thời sửa đổi, bổ sung cho phù hợp với thực tiễn và yêu cầu phát triển. Tình trạng nợ đọng, chậm ban hành văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành luật chưa được khắc phục triệt để. Việc phân cấp, phân quyền, cắt giảm một số quy định, thủ tục hành chính, tiêu chuẩn, quy chuẩn, điều kiện kinh doanh chưa triệt để; công tác thực thi có lúc, có nơi còn chưa thống nhất.

Vì vậy, giải pháp đầu tiên và quan trọng nhất là tiếp tục hoàn thiện thể chế. Đây là giải pháp đột phá của đột phá. Thể chế đang là điểm nghẽn của điểm nghẽn nhưng tháo gỡ được thì sẽ trở thành đột phá của đột phá. Đột phá mạnh mẽ hơn về thể chế phát triển với tư duy đổi mới “vừa quản lý chặt chẽ, vừa kiến tạo phát triển, huy động tối đa các nguồn lực phát triển, tạo không gian phát triển mới” tạo khung khổ pháp lý để huy động, sử dụng hiệu quả mọi nguồn lực cho phát triển. Rà soát, hoàn thiện các quy định pháp luật, tháo gỡ chồng chéo, bất cập. Hoàn thiện hệ thống pháp luật, đặc biệt là các luật liên quan đến đầu tư công, quy hoạch, đấu thầu và quản lý tài sản công nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư và tăng cường hiệu quả quản lý nhà nước. Để giữ vững đà tăng trưởng, Việt Nam cần tiếp tục nỗ lực cải cách, hoàn thiện thể chế và phát huy sức mạnh tổng hợp từ cộng đồng doanh nghiệp và người dân. Các doanh nghiệp tiếp tục được kỳ vọng sẽ có sự phục hồi rõ nét hơn cả về doanh số và lợi nhuận. Đây là những nền tảng vững chắc để đạt mục tiêu trở thành quốc gia phát triển năm 2045.

Ưu tiên cải cách thể chế, không chỉ là nền tảng về thể chế kinh tế thị trường, mà còn là thể chế về văn hóa, khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo. Tăng cường phân cấp và phân quyền, nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho các địa phương phát triển và giảm thiểu những hạn chế về thủ tục hành chính. Động lực tăng trưởng kinh tế năm 2025 chính là quyết tâm của Chính phủ về hoàn thiện thể chế, đưa ra những quyết sách tháo gỡ pháp lý để khơi thông nguồn lực kinh tế. Hoàn thiện thể chế theo hai hướng với trọng tâm là cắt bỏ những điều kiện kinh doanh, thủ tục hành chính không cần thiết. Bên cạnh đó là định vị lại mục tiêu từ năm 2030 - 2040 để hoàn thiện thể chế một cách tốt nhất, hạn chế việc phải sửa đổi nhiều lần. Thêm nữa, cần có thêm các chính sách hỗ trợ cho người dân, doanh nghiệp.

Thứ hai, tập trung làm mới các động lực tăng trưởng truyền thống (đầu tư, xuất khẩu, tiêu dùng) và thúc đẩy mạnh mẽ các động lực tăng trưởng mới. Ưu tiên thúc đẩy tăng trưởng, tiếp tục làm mới các động lực tăng trưởng truyền thống, thúc đẩy mạnh mẽ các động lực tăng trưởng mới là nhiệm vụ đầu tiên. Để đạt được mục tiêu thì cần có thêm động lực tăng trưởng mới. Động lực tăng trưởng mới cho năm 2025 cần bổ sung tăng tiêu dùng nội địa. Tranh thủ tối đa cơ hội, xu hướng phục hồi của các thị trường để đẩy mạnh xuất khẩu, tận dụng tốt và tiếp tục thúc đẩy các hiệp định thương mại song phương và đa phương để mở rộng thị trường đầu ra cho các sản phẩm của Việt Nam. Chủ động kích hoạt các động lực tăng trưởng trong nước thay vì phụ thuộc xuất khẩu. Tập trung thực hiện các giải pháp tăng năng suất lao động nhanh, cao và bền vững.

Xu hướng chung của thế giới và khu vực đang giảm đầu tư vào Trung Quốc và tìm kiếm nền kinh tế thứ ba. Ở khu vực Đông Nam Á, Việt Nam là nhóm được hưởng lợi từ xu hướng này. Thúc đẩy các nguồn lực đầu tư của nền kinh tế, trong đó xác định đầu tư công dẫn dắt đầu tư tư nhân. Thực hiện chiến lược thu hút FDI, Việt Nam tiếp tục xu hướng chuyển từ thu hút bằng mọi giá sang thu hút có chọn lọc (chú trọng các dự án lớn, dự án công nghệ cao, thu hút các nhà đầu tư chiến lược) nhằm tăng năng lực sản xuất quốc gia, tính lan tỏa giữa khu vực có FDI với khu vực kinh tế trong nước, đặc biệt là đầu tư trong lĩnh vực mới như năng lượng tái tạo, chíp bán dẫn, ngành, nghề khác phục vụ cho nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, phát triển kinh tế xanh, kinh tế bền vững.

Thúc đẩy các động lực tăng trưởng mới như công nghệ số, sự phát triển của công nghệ cao (chíp bán dẫn, AI, điện toán đám mây…), phát triển năng lượng tái tạo, chú trọng năng lượng mặt trời, năng lượng gió và nước. Khuyến khích đầu tư vào công nghệ xanh, chuyển đổi số, kinh tế tuần hoàn, kinh tế chia sẻ, kinh tế tri thức và các ngành. Chuyển đổi xanh cần đầu tư nhiều vào công nghệ, máy móc, vì vậy, việc lựa chọn công nghệ rất quan trọng. Thậm chí, chuyển đổi xanh còn phải chấp nhận lỗ hoặc giảm lãi trong ngắn hạn để có được kết quả trong tương lai. Thay đổi trong thói quen của người tiêu dùng, tăng cường sự quan tâm đến sức khỏe, bền vững và các sản phẩm thân thiện với môi trường. Đầu tư vào các công nghệ mới giúp giảm thiểu tác động của biến đổi khí hậu và xây dựng nền kinh tế bền vững.

Thứ ba, thúc đẩy đầu tư công và cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh tại Việt Nam. Đầu tư công vẫn luôn là động lực quan trọng thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, vì vậy, Việt Nam cần tiếp tục đẩy mạnh đầu tư công, bởi giải ngân 1 đồng vốn đầu tư công kéo theo 1,61 đồng vốn đầu tư ngoài nhà nước. Ưu tiên các dự án sắp hoàn thành, sớm đưa vào sử dụng các dự án quan trọng quốc gia, các công trình trọng điểm mang tính đột phá giúp thúc đẩy tăng trưởng GDP, tạo công ăn việc làm, thúc đẩy tiêu dùng, gia tăng sự thuận tiện trong lưu thông, đẩy mạnh liên kết vùng, nâng cao năng lực cạnh tranh, giảm thời gian và chi phí lưu thông hàng hóa, dịch vụ. Tập trung tháo gỡ khó khăn vướng mắc cho các dự án về đất đai; thúc đẩy phát triển thị trường bất động sản; đẩy mạnh các động lực tăng trưởng mới như đổi mới sáng tạo, kinh tế số, kinh tế xanh, những ngành công nghiệp mới. Xóa bỏ những điều kiện kinh doanh, thủ tục hành chính không cần thiết, gỡ rào cản cho doanh nghiệp. Tạo điều kiện thuận lợi hơn cho doanh nghiệp tiếp cận nguồn vốn, đặc biệt là vốn tín dụng. Tăng khả năng tiếp cận vốn tín dụng; phấn đấu tăng trưởng tín dụng trên 15%. Tập trung cơ cấu lại các tổ chức tín dụng gắn với xử lý nợ xấu. Đẩy mạnh các chính sách ưu đãi cho doanh nghiệp nhỏ và vừa để loại hình doanh nghiệp này có khả năng vươn lên và phát triển. Có chính sách hỗ trợ doanh nghiệp quay lại thị trường, doanh nghiệp mới và doanh nghiệp ưu tiên đầu tư vào những ngành tạo ra hàng hóa thay thế hàng nhập khẩu. Đồng thời, khuyến khích cơ chế doanh nghiệp lớn hỗ trợ, thúc đẩy doanh nghiệp nhỏ và vừa để tạo ra chuỗi giá trị nội địa và phát triển ngành công nghiệp phụ trợ trong nước. Các chính sách hỗ trợ cần thiết thực, hiệu quả để doanh nghiệp cạnh tranh lành mạnh, hiệu quả giữa các khu vực; hỗ trợ giảm chi phí cho doanh nghiệp để nâng cao năng lực cạnh tranh.

Tập trung đẩy mạnh, tạo đột phá giải ngân vốn đầu tư công, phấn đấu đạt tỉ lệ giải ngân ít nhất 95%, thúc đẩy mạnh mẽ ba Chương trình mục tiêu quốc gia (gồm chương trình mục tiêu 5 năm, 10 năm và 30 năm đã được Quốc hội thông qua). Đẩy nhanh tiến độ các công trình, dự án quan trọng, trọng điểm quốc gia; hệ thống đường bộ cao tốc; chuẩn bị đầu tư các dự án đường sắt quan trọng. Tăng cường phát triển các khu vực kinh tế trọng điểm, đồng thời đẩy mạnh liên kết vùng để phát huy tối đa lợi thế kinh tế địa phương. Điều này không chỉ giúp giảm thiểu sự phụ thuộc vào các thị trường quốc tế mà còn tăng cường tính tự chủ của nền kinh tế Việt Nam.

Thứ tư, tập trung phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao. Vấn đề cốt lõi cho nền kinh tế Việt Nam đó là đầu tư cho nguồn nhân lực chất lượng cao. Hệ thống đại học và trường dạy nghề phải được cải cách hơn nữa để đáp ứng nhu cầu tăng trưởng cao của nền kinh tế. Chú trọng phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao gắn với đẩy mạnh nghiên cứu khoa học, phát triển và ứng dụng công nghệ, thúc đẩy đổi mới sáng tạo, phong trào khởi nghiệp, sáng tạo. Việt Nam phấn đấu thuộc nhóm 3 nước dẫn đầu ASEAN về chỉ số đổi mới sáng tạo toàn cầu năm 2025. Triển khai hiệu quả các đề án đào tạo 50 nghìn kỹ sư bán dẫn và nguồn nhân lực phục vụ phát triển công nghệ cao. Tỉ lệ lao động qua đào tạo khoảng 70%, trong đó có bằng cấp, chứng chỉ đạt 29 - 29,5%. Hiện Chính phủ đã ban hành và đang tích cực triển khai Đề án phát triển nguồn nhân lực bán dẫn đến năm 2030.

Tập trung phát triển nguồn nhân lực trong các ngành công nghệ cao, kinh tế số và kinh tế xanh, Chính phủ đã phê duyệt Chương trình phát triển nguồn nhân lực ngành công nghiệp bán dẫn và trí tuệ nhân tạo, tạo nền tảng cho sự phát triển các ngành công nghệ cao trong tương lai. Phát triển đồng bộ nguồn nhân lực trong các ngành kinh tế mới nổi và công nghệ cao, là yếu tố then chốt giúp nâng cao năng suất lao động và sức cạnh tranh của nền kinh tế.

Ngoài ra, Chính phủ sẽ tăng cường quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường, triển khai các giải pháp phát triển bền vững nhằm đạt mục tiêu phát thải ròng bằng "0" vào năm 2050. Đồng thời, đẩy mạnh phát triển kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn để bảo vệ môi trường.

Tóm lại, là nước có nền kinh tế hội nhập sâu rộng với nền kinh tế toàn cầu, vì vậy, diễn biến của kinh tế thế giới sẽ ảnh hưởng rất nhiều đến kinh tế Việt Nam năm 2025. Mặc dù, tình hình địa chính trị trên thế giới bất ổn, nhiều diễn biến khó lường, tuy nhiên tăng trưởng kinh tế Việt Nam được đánh giá sẽ khởi sắc hơn nhờ phục hồi của tăng trưởng thương mại và kiểm soát lạm phát tốt. Để ứng phó với sự bất ổn địa chính trị toàn cầu và xu hướng gia tăng phòng vệ thương mại cũng như chi phí vận tải tăng cao, Việt Nam cần hỗ trợ doanh nghiệp tận dụng các hiệp định thương mại tự do, đồng thời cắt giảm chi phí sản xuất và chống lãng phí để tăng khả năng cạnh tranh.

Năm 2025, triển vọng kinh tế Việt Nam được dự báo rất tích cực, mức tăng trưởng khoảng 6,5 - 7% GDP. FDI vào Việt Nam sẽ vẫn tăng mạnh nhờ vào vị trí chiến lược của Việt Nam, lực lượng lao động trẻ và môi trường kinh doanh ngày càng hoàn thiện. Hoạt động thương mại xuất, nhập khẩu tiếp tục cải thiện, đặc biệt trong các ngành hàng điện tử, dệt may và nông sản. Phát triển kinh tế số được mở rộng với sự gia tăng ứng dụng các công nghệ số và thương mại điện tử.


1 NFSC (2024). Kinh tế Việt Nam giai đoạn 2021 - 2025: Triển vọng sáng.
2 PMI là chỉ số đo lường tình trạng hoạt động kinh tế của ngành sản xuất. PMI>50 chứng tỏ mức tăng tổng thể của ngành sản xuất, là tín hiệu tốt.
3 Phạm Dự (2024), Đón 25 - 28 triệu lượt khách quốc tế vào năm 2025.  https://vnexpress.net/viet-nam-lieu-don-duoc-25-28-trieu-luot-khach-nam-2025-4760341.html
4 Trần N. Châu (2024), Kinh tế Việt Nam 2024: Cánh cửa vẫn mở rộng. https://www.vietnam.vn/kinh-te-viet-nam-2024-canh-cua-van-mo-rong/
5 Chí Tín (2024), Lạm phát năm 2025 dự báo có thể sẽ thấp hơn so với 2024. Thời báo Tài chính Việt Nam.

Tài liệu tham khảo:

1. Châu Anh (2024), Kinh tế Việt Nam tiếp tục được dự báo tăng trưởng cao trong 2024 và 2025. https://vov.vn/kinh-te/kinh-te-viet-nam-tiep-tuc-duoc-du-bao-tang-truong-cao-trong-2024-va-2025-post1129880.vov
2. Quỳnh Anh (2024), Kinh tế Việt Nam 2025: Nắm bắt các cơ hội để chuyển đổi. Tạp chí Kinh tế và Dự báo. 
3. Lê Đỗ (2024), Chính phủ đặt quyết tâm tăng trưởng GDP quý IV từ 7,5 - 8%. https://thoibaonganhang.vn/chinh-phu-dat-quyet-tam-tang-truong-gdp-quy-iv-tu-75-8-156429.html
4. Trần N. Châu (2024), Kinh tế Việt Nam 2024: Cánh cửa vẫn mở rộng. https://baochinhphu.vn/kinh-te-viet-nam-2024-muc-tieu-trong-tam-tay-102240129013822625.htm
5. Đỗ Kiều (2024), Chuyên gia dự báo ra sao về kinh tế Việt Nam năm 2025? https://vnbusiness.vn/viet-nam/chuyen-gia-du-bao-ra-sao-ve-kinh-te-viet-nam-nam-2025-1103391.html
6. Ngọc Mai (2024), Năm 2025 mang ý nghĩa đặc biệt quan trọng với kinh tế Việt Nam. https://www.vietnam.vn/nam-2025-mang-y-nghia-dac-biet-quan-trong-voi-kinh-te-viet-nam/
7. Dũng Nguyễn (2024), ‘Biến động’: từ khóa tăng trưởng GDP Việt Nam năm 2025 - Tạp chí Kinh tế Sài Gòn.
8. Thanh Hoa (2024), Nhiều tổ chức quốc tế nâng dự báo tăng trưởng GDP của Việt Nam, liệu mục tiêu 7% có thể đạt được? https://vnbusiness.vn/viet-nam/nhieu-to-chuc-quoc-te-nang-du-bao-tang-truong-gdp-cua-viet-nam-lieu-muc-tieu-7-co-the-dat-duoc-1103126.html
9. Trần Hương (2024), Kinh tế Việt Nam 2024: Kết quả tích cực nhưng vẫn nhiều thách thức. https://thoibaonganhang.vn/kinh-te-viet-nam-2024-ket-qua-tich-cuc-nhung-van-nhieu-thach-thuc-156496.html
 10. Chí Tín (2024), Lạm phát năm 2025 dự báo có thể sẽ thấp hơn so với 2024. Thời báo Tài chính Việt Nam.
 11. Ý Yên (2024), Du lịch Việt Nam phục hồi và vượt đỉnh. https://laodong.vn/van-hoa-giai-tri/du-lich-viet-nam-phuc-hoi-va-vuot-dinh-1405673.ldo

 
Vũ Nhật Quang 
PGS., TS. Phạm Thị Thanh Bình 
Bình luận Ý kiến của bạn sẽ được kiểm duyệt trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Đóng lại ok
Bình luận của bạn chờ kiểm duyệt từ Ban biên tập
Thực trạng và đề xuất phát triển thị trường trái phiếu xanh tại Việt Nam
Thực trạng và đề xuất phát triển thị trường trái phiếu xanh tại Việt Nam
12/12/2024 09:54 307 lượt xem
Thị trường trái phiếu xanh tại Việt Nam đã có những bước phát triển đáng kể trong những năm gần đây, tuy nhiên vẫn còn đối mặt với nhiều thách thức.
Xếp hạng tín dụng khách hàng cá nhân với khai phá dữ liệu, thuật  toán C4.5
Xếp hạng tín dụng khách hàng cá nhân với khai phá dữ liệu, thuật toán C4.5
10/12/2024 11:07 275 lượt xem
Khai phá dữ liệu (Data Mining - DM) là khái niệm rộng và có thể gây khó khăn cho các nhà nghiên cứu không chuyên sâu về công nghệ thông tin. Điều quan trọng là phải nắm được nguyên lý, khái niệm liên quan đến DM, từ đó, định hướng mục tiêu và ứng dụng DM trong từng lĩnh vực, đặc biệt là trong lĩnh vực tài chính, ngân hàng.
Thực trạng công bố thông tin môi trường, xã hội và quản trị của các ngân hàng thương mại Việt Nam
Thực trạng công bố thông tin môi trường, xã hội và quản trị của các ngân hàng thương mại Việt Nam
09/12/2024 15:59 355 lượt xem
Dựa trên cơ sở bộ tiêu chuẩn về Báo cáo phát triển bền vững (GRI) và các nghiên cứu tiền nhiệm, tác giả đã xây dựng bảng tham chiếu để đánh giá mức độ công bố thông tin ESG của ngân hàng thương mại.
Mối quan hệ giữa mức độ thực hiện quy định thanh khoản ngân hàng theo Basel III với một số giải pháp và khuyến nghị
Mối quan hệ giữa mức độ thực hiện quy định thanh khoản ngân hàng theo Basel III với một số giải pháp và khuyến nghị
04/12/2024 08:38 727 lượt xem
Mục tiêu nghiên cứu trong bài viết này về mối quan hệ giữa mức độ thực hiện quy định thanh khoản ngân hàng theo Basel III với một số giải pháp theo phương pháp tiếp cận định lượng, trên cơ sở kết quả thu được, bài viết đưa ra một số khuyến nghị.
Hạch toán quyền rút vốn đặc biệt: Khuôn khổ, các yếu tố chính và một số biện pháp giải quyết vướng mắc hiện nay
Hạch toán quyền rút vốn đặc biệt: Khuôn khổ, các yếu tố chính và một số biện pháp giải quyết vướng mắc hiện nay
03/12/2024 08:26 505 lượt xem
Quyền rút vốn đặc biệt (SDR) là tài sản dự trữ quốc tế được Quỹ Tiền tệ quốc tế (International Monetary Fund - IMF) tạo ra nhằm bổ sung dự trữ chính thức của các quốc gia thành viên...
Tác động của quy mô hoạt động đến lợi nhuận của các ngân hàng thương mại Việt Nam
Tác động của quy mô hoạt động đến lợi nhuận của các ngân hàng thương mại Việt Nam
28/11/2024 08:54 943 lượt xem
Quy mô ngân hàng là một trong những yếu tố quan trọng để nâng cao năng lực cạnh tranh, cải thiện hiệu quả tài chính, đồng thời phản ánh năng lực, sức mạnh và vị thế của ngân hàng trên thị trường.
Hoán đổi nợ xanh: Cầu nối mới cho tài chính khí hậu và phát triển bền vững
Hoán đổi nợ xanh: Cầu nối mới cho tài chính khí hậu và phát triển bền vững
27/11/2024 11:42 635 lượt xem
Bài viết tập trung phân tích cơ chế hoạt động, lợi ích của hoán đổi nợ xanh, những thách thức và giải pháp để triển khai mô hình hoán đổi nợ lấy dự án xanh tại Việt Nam.
Cải thiện tín nhiệm doanh nghiệp nông nghiệp, hợp tác xã, trang trại và hộ nông dân trong thu hút vốn tín dụng chính sách, phát triển sản xuất, kinh doanh
Cải thiện tín nhiệm doanh nghiệp nông nghiệp, hợp tác xã, trang trại và hộ nông dân trong thu hút vốn tín dụng chính sách, phát triển sản xuất, kinh doanh
25/11/2024 09:52 635 lượt xem
Cải thiện tín nhiệm là một giải pháp căn cơ, dài hạn, không chỉ giúp doanh nghiệp nông nghiệp, hợp tác xã (HTX), trang trại và hộ nông dân tăng khả năng tiếp cận nguồn vốn tín dụng chính sách, mà còn nâng cao vị thế, uy tín của các tổ chức này với đối tác kinh doanh và những bên liên quan, góp phần phát triển sản xuất, kinh doanh bền vững.
Sự hài lòng trực tuyến trong ý định tiếp tục sử dụng ngân hàng điện tử tại Việt Nam
Sự hài lòng trực tuyến trong ý định tiếp tục sử dụng ngân hàng điện tử tại Việt Nam
19/11/2024 09:44 790 lượt xem
Sự phát triển nhanh chóng của các hệ thống điện tử và Internet đã tạo nên những thay đổi đáng kể trong việc cung ứng hàng hóa, dịch vụ nói chung, dịch vụ tài chính, ngân hàng nói riêng...
Đánh giá sức khỏe tài chính các ngân hàng Việt Nam theo phương pháp phân tích cụm
Đánh giá sức khỏe tài chính các ngân hàng Việt Nam theo phương pháp phân tích cụm
18/11/2024 11:30 1.156 lượt xem
Sức khỏe tài chính của các ngân hàng rất quan trọng đối với nền kinh tế. Cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu năm 2008 xảy ra do sự phá sản hàng loạt của các ngân hàng.
Tăng trưởng tín dụng đối với ngành nông nghiệp và những vấn đề đặt ra
Tăng trưởng tín dụng đối với ngành nông nghiệp và những vấn đề đặt ra
11/11/2024 08:25 1.050 lượt xem
Thông qua phân tích quy mô và biến động dư nợ tín dụng nông nghiệp giai đoạn 2014 - 2023, bài viết chỉ ra những kết quả tích cực và một số hạn chế trong tăng trưởng tín dụng của hệ thống ngân hàng đối với ngành sản xuất quan trọng này.
Bảo đảm chất lượng nguồn nhân lực tại ngân hàng thương mại: Thực trạng và một số giải pháp nâng cao hiệu quả
Bảo đảm chất lượng nguồn nhân lực tại ngân hàng thương mại: Thực trạng và một số giải pháp nâng cao hiệu quả
05/11/2024 08:10 1.303 lượt xem
Hiện nay, công tác bảo đảm chất lượng nguồn nhân lực được các NHTM chú trọng đầu tư phát triển, tuy nhiên, nguồn nhân lực của nhiều ngân hàng vẫn chưa thực sự đáp ứng yêu cầu về chất lượng, ảnh hưởng đến quá trình hoạt động của các ngân hàng.
Đánh giá khả năng huy động tiền gửi từ khách hàng của NHTM Việt Nam bằng mô hình định lượng
Đánh giá khả năng huy động tiền gửi từ khách hàng của NHTM Việt Nam bằng mô hình định lượng
04/11/2024 08:23 1.705 lượt xem
Nghiên cứu này nhằm chỉ ra mức độ tác động của các nhân tố ảnh hưởng đến khả năng huy động tiền gửi từ khách hàng thông qua phương pháp khảo sát và phân tích hồi quy dữ liệu của 37 NHTM Việt Nam.
Thúc đẩy chuyển đổi sang mô hình kinh tế tuần hoàn: Rào cản và gợi ý cho Việt Nam
Thúc đẩy chuyển đổi sang mô hình kinh tế tuần hoàn: Rào cản và gợi ý cho Việt Nam
31/10/2024 08:07 1.375 lượt xem
Biến đổi khí hậu trở thành rủi ro lớn nhất mà loài người đang phải gánh chịu (WEF, 2024). Trong bối cảnh đó, phát triển bền vững không còn là sự lựa chọn, mà gần như bắt buộc ở hầu hết các quốc gia trên toàn cầu. Để đạt được mục tiêu này, mô hình kinh tế tuần hoàn nổi lên như một công cụ quan trọng.
Việt Nam sau gần 30 năm hội nhập kinh tế quốc tế
Việt Nam sau gần 30 năm hội nhập kinh tế quốc tế
29/10/2024 15:02 8.317 lượt xem
Trong những năm qua, hội nhập kinh tế quốc tế đã trở thành động lực quan trọng thúc đẩy sự phát triển kinh tế đất nước. Vị thế và uy tín quốc tế của Việt Nam không ngừng được nâng lên, khẳng định vai trò tích cực và trách nhiệm trong việc duy trì hòa bình, hợp tác phát triển và thúc đẩy tiến bộ toàn cầu.
Giá vàngXem chi tiết

Giá vàng - Xem theo ngày

Khu vực

Mua vào

Bán ra

HÀ NỘI

Vàng SJC 1L

82,600

85,100

TP.HỒ CHÍ MINH

Vàng SJC 1L

82,600

85,100

Vàng SJC 5c

82,600

85,120

Vàng nhẫn 9999

82,600

84,300

Vàng nữ trang 9999

82,500

83,900


Ngoại tệXem chi tiết
Tỷ giá - Xem theo ngày 
Ngân Hàng USD EUR GBP JPY
Mua vào Bán ra Mua vào Bán ra Mua vào Bán ra Mua vào Bán ra
Vietcombank 25,135 25,465 26,027 27,454 31,577 32,919 161.35 170.73
BIDV 25,165 25,465 26,263 27,474 31,985 32,928 162.63 170.43
VietinBank 25,163 25,465 26,289 27,489 32,040 33,050 163.49 171.24
Agribank 25,200 25,465 26,164 27,368 31,768 32,862 163.10 170.96
Eximbank 25,130 25,465 26,230 27,209 31,854 32,999 164.16 170.29
ACB 25,140 25,465 26,261 27,163 31,980 32,946 163.95 170.43
Sacombank 25,180 25,465 26,264 27,237 31,900 33,063 164.14 171.19
Techcombank 25,171 25,465 26,090 27,433 31,604 32,944 160.58 173.08
LPBank 25,170 25,465 26,530 27,422 32,250 32,919 165.14 172.23
DongA Bank 25,210 25,465 26,270 27,140 31,920 32,860 162.30 169.60
(Cập nhật trong ngày)
Lãi SuấtXem chi tiết
(Cập nhật trong ngày)
Ngân hàng
KKH
1 tuần
2 tuần
3 tuần
1 tháng
2 tháng
3 tháng
6 tháng
9 tháng
12 tháng
24 tháng
Vietcombank
0,10
0,20
0,20
-
1,60
1,60
1,90
2,90
2,90
4,60
4,70
BIDV
0,10
-
-
-
1,70
1,70
2,00
3,00
3,00
4,70
4,70
VietinBank
0,10
0,20
0,20
0,20
1,70
1,70
2,00
3,00
3,00
4,70
4,80
ACB
0,01
0,50
0,50
0,50
2,30
2,50
2,70
3,50
3,70
4,40
4,50
Sacombank
-
0,50
0,50
0,50
2,80
2,90
3,20
4,20
4,30
4,90
5,00
Techcombank
0,05
-
-
-
3,10
3,10
3,30
4,40
4,40
4,80
4,80
LPBank
0.20
0,20
0,20
0,20
3,00
3,00
3,20
4,20
4,20
5,30
5,60
DongA Bank
0,50
0,50
0,50
0,50
3,90
3,90
4,10
5,55
5,70
5,80
6,10
Agribank
0,20
-
-
-
1,70
1,70
2,00
3,00
3,00
4,70
4,80
Eximbank
0,10
0,50
0,50
0,50
3,10
3,30
3,40
4,70
4,30
5,00
5,80

Liên kết website
Bình chọn trực tuyến
Nội dung website có hữu ích với bạn không?