Thực hiện nhiệm vụ của ngành Ngân hàng cùng nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, hệ thống ngân hàng Thành phố Hồ Chí Minh đã nỗ lực nhằm nâng cao hiệu quả các lĩnh vực hoạt động ngân hàng, đảm bảo an toàn hoạt động của hệ thống, hướng tới sự tăng trưởng bền vững bên cạnh việc tổ chức thường xuyên các chương trình kết nối ngân hàng - doanh nghiệp, các chính sách hỗ trợ tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp theo quy định của Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN). Bài toán này được hệ thống ngân hàng Thành phố Hồ Chí Minh hóa giải hợp lý, trong đó đã tập trung thực hiện tích cực các giải pháp tín dụng, các giải pháp hỗ trợ và đồng hành cùng doanh nghiệp, góp phần vào sự phục hồi và phát triển sản xuất, kinh doanh, thúc đẩy các động lực tăng trưởng của nền kinh tế.
Các nhóm giải pháp trọng tâm hệ thống ngân hàng Thành phố Hồ Chí Minh đã triển khai thực hiện để hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi và phát triển kinh tế và một số kết quả đạt được
Đồng hành và chia sẻ khó khăn cùng doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp chịu ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 và các ngành nghề sản xuất, kinh doanh có khả năng phục hồi theo chủ trương, định hướng của NHNN và Ủy ban nhân dân (UBND) Thành phố Hồ Chí Minh - đây là một trong các nội dung được hệ thống ngân hàng Thành phố Hồ Chí Minh xác định là nhiệm vụ trọng tâm cần tổ chức thực hiện quyết liệt trong năm 2022. Theo đó, một số nhóm giải pháp trọng tâm đã triển khai thực hiện và đạt được những kết quả tích cực trong năm 2022 có thể kể đến bao gồm:
Thứ nhất, nhóm giải pháp về tín dụng và lãi suất. Đây là các chính sách hỗ trợ trực tiếp cho doanh nghiệp trong giai đoạn vừa qua, cung cấp nguồn vốn tín dụng đáp ứng nhu cầu sản xuất, kinh doanh, phục hồi, phát triển của doanh nghiệp và nền kinh tế của Thành phố Hồ Chí Minh. Từ đó, hiệu ứng từ nguồn vốn tín dụng ngân hàng đã tạo tác động lan tỏa đến các ngành sản xuất, kinh doanh của Thành phố, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội. Cụ thể, năm 2022, dư nợ tín dụng trên địa bàn tăng 14% so với cuối năm 2021. Trong đó, cơ cấu tín dụng trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh tập trung vốn đối với các lĩnh vực sản xuất, kinh doanh, dịch vụ; dư nợ đối với một số ngành, lĩnh vực sản xuất, kinh doanh và dịch vụ đạt tốc độ tăng trưởng tích cực so với cuối năm trước.
Các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp đã được hệ thống ngân hàng trên địa bàn cùng với hệ thống tổ chức tín dụng trên cả nước quan tâm thực hiện theo tinh thần chỉ đạo của NHNN như: (1) Thực hiện chủ trương giảm lãi suất, cơ cấu lại nợ và giữ nguyên nhóm nợ cho doanh nghiệp theo quy định của Thống đốc NHNN tại Thông tư số 01/2020/TT-NHNN ngày 13/3/2020, Thông tư số 03/2021/TT-NHNN ngày 02/4/2021 và Thông tư số 14/2021/TT-NHNN ngày 07/9/2021. Đến cuối tháng 11/2022, dư nợ đã cơ cấu lại thời hạn trả nợ đạt 59.161 tỷ đồng cho 316.703 khách hàng; dư nợ đã miễn, giảm lãi đạt 2.940 tỷ đồng cho 75.718 khách hàng; (2) Tổ chức triển khai thực hiện Nghị quyết số 11/NQ-CP ngày 30/01/2022 của Chính phủ và chương trình hỗ trợ lãi suất 2% theo quy định tại Nghị định số 31/2022/NĐ-CP ngày 20/5/2022 của Chính phủ và Thông tư số 03/2022/TT-NHNN ngày 20/5/2022 của Thống đốc NHNN. Đến ngày 30/11/2022, đã có 194 doanh nghiệp thuộc các ngành công nghiệp chế biến, chế tạo; hàng không, vận tải, kho bãi; du lịch, dịch vụ lưu trú, ăn uống; giáo dục và đào tạo; nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản được các ngân hàng thương mại hỗ trợ lãi suất với số tiền đạt 19,5 tỷ đồng; Ngân hàng Chính sách xã hội Thành phố Hồ Chí Minh đã giải ngân tổng cộng 119,571 tỷ đồng đối với 1.899 khách hàng, cho vay các chương trình theo quy định tại Nghị quyết số 11/NQ-CP như cho vay nhà ở xã hội; cho vay đối với học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn để mua máy vi tính, thiết bị phục vụ học tập trực tuyến; cho vay giải quyết việc làm; cho vay các cơ sở giáo dục mầm non và tiểu học ngoài công lập. Nhiều chương trình đã hoàn thành 100% kế hoạch; (3) Các tổ chức tín dụng tiếp tục thực hiện chính sách trần lãi suất cho vay ngắn hạn bằng VND. Đến ngày 30/11/2022, dư nợ cho vay ngắn hạn bằng VND đối với 05 nhóm ngành, lĩnh vực đạt 194.851 tỷ đồng, với 33.049 khách hàng vay vốn, tăng 5,35% so với cuối năm 2021; (4) Tổ chức thực hiện các chương trình tín dụng của Thành phố Hồ Chí Minh như chương trình bình ổn thị trường; cho vay đối với các doanh nghiệp trong khu chế xuất - khu công nghiệp. Đây là các chương trình tín dụng theo chủ trương, chính sách chung của Chính phủ, NHNN và UBND Thành phố Hồ Chí Minh đã được hệ thống ngân hàng tích cực triển khai thực hiện trong nhiều năm qua, đáp ứng được nguồn vốn tín dụng cho sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp, góp phần vào tăng trưởng kinh tế của Thành phố.
Đồng thời, trong năm 2022, hệ thống ngân hàng trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh tiếp tục quan tâm và tổ chức triển khai thực hiện chương trình kết nối ngân hàng - doanh nghiệp. Đây là chương trình mang dấu ấn của hệ thống ngân hàng Thành phố Hồ Chí Minh với cách tổ chức thực hiện theo hướng ngày càng tập trung, tổ chức trọng tâm, trọng điểm. Đến nay, chương trình thực hiện được với số tiền là 568.339,8 tỷ đồng cho vay 32.500 khách hàng, tăng 30,87% so với năm 2021. Trong đó, NHNN Chi nhánh Thành phố Hồ Chí Minh đã phối hợp với UBND quận, huyện, các sở và Ban Quản lý Khu chế xuất - Khu công nghiệp tổ chức các hội nghị kết nối ngân hàng - doanh nghiệp cấp thành phố và phối hợp với UBND các quận, huyện và thành phố Thủ Đức tổ chức lễ ký kết phối hợp với hội nghị đối thoại doanh nghiệp tại các địa bàn này.
Thứ hai, nhóm giải pháp về nắm bắt và hỗ trợ trực tiếp cho doanh nghiệp trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh, nắm bắt và tháo gỡ khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp trong quá trình vay vốn cũng như giao dịch với ngân hàng thương mại. NHNN Chi nhánh Thành phố Hồ Chí Minh luôn kịp thời nắm bắt các khó khăn, vướng mắc do doanh nghiệp phản ánh, có giải pháp làm việc với các tổ chức tín dụng để có hướng giải quyết, xử lý các khó khăn, vướng mắc được nêu trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ của NHNN Chi nhánh Thành phố Hồ Chí Minh. Trong quá trình này, “tăng cường công tác đối thoại trực tiếp” là nội dung trọng tâm đã được hệ thống ngân hàng xác định là cần được tổ chức thực hiện quyết liệt, bài bản để lắng nghe những phản ứng chính sách từ phía đối tượng thụ hưởng, từ đó có những giải pháp tháo gỡ kịp thời hoặc tham mưu, kiến nghị, góp ý với NHNN trong quá trình xây dựng chính sách.
Chính nhóm giải pháp này cũng tạo điều kiện để NHNN Chi nhánh Thành phố Hồ Chí Minh thực hiện hiệu quả công tác truyền thông về hoạt động ngân hàng, các quy định trong lĩnh vực ngân hàng đến doanh nghiệp và người dân, đồng thời, thực hiện tốt nhiệm vụ của ngành Ngân hàng đồng hành, chia sẻ khó khăn với doanh nghiệp, hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi và phát triển kinh doanh. Một số hoạt động đã được hệ thống ngân hàng trên địa bàn tổ chức thực hiện như: (1) Tăng cường phối hợp với các sở, ban, ngành trên địa bàn, trực tiếp tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp cụ thể từng trường hợp theo danh sách doanh nghiệp phản ánh qua các sở, ngành, quận, huyện và Hiệp hội Doanh nghiệp Thành phố Hồ Chí Minh. Chủ trương của NHNN Chi nhánh Thành phố Hồ Chí Minh là hỗ trợ tích cực cho doanh nghiệp, đảm bảo doanh nghiệp có thể tiếp cận nguồn vốn tín dụng để sản xuất, kinh doanh, tuân thủ đúng quy định của ngành Ngân hàng về tín dụng, các quy định của pháp luật. Trong đó, NHNN Chi nhánh Thành phố Hồ Chí Minh đã tiếp nhận và xử lý 953 trường hợp được gửi về từ các sở, ngành (Sở Công Thương, Sở Du lịch và UBND 21 quận, huyện và thành phố Thủ Đức); (2) Duy trì kênh trao đổi thông tin định kỳ giữa NHNN Chi nhánh Thành phố Hồ Chí Minh và Hiệp hội Doanh nghiệp Thành phố Hồ Chí Minh từ khi Nghị định số 31/2022/NĐ-CP và Thông tư số 03/2022/TT-NHNN được ban hành. Qua kênh tiếp xúc, làm việc này, NHNN Chi nhánh Thành phố Hồ Chí Minh nhận được phản ánh từ phía doanh nghiệp, góc nhìn của doanh nghiệp đối với Chương trình hỗ trợ lãi suất 2%, qua đó NHNN Chi nhánh Thành phố Hồ Chí Minh cũng kịp thời phối hợp xử lý các vướng mắc được nêu trong thẩm quyền, cũng như tuyên truyền chính sách để Hiệp hội nắm rõ hơn và thông tin đến cộng đồng doanh nghiệp; (3) Tham gia giải đáp các vấn đề, câu hỏi của doanh nghiệp về lĩnh vực ngân hàng thông qua đường dây nóng, thư điện tử, mạng đối thoại doanh nghiệp của chính quyền Thành phố Hồ Chí Minh với doanh nghiệp; tham gia các hội nghị đối thoại do quận, huyện, thành phố Thủ Đức và Hiệp hội Doanh nghiệp Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức; tham gia đối thoại với các doanh nghiệp tại các hội nghị kết nối ngân hàng - doanh nghiệp do Ban Quản lý các khu chế xuất và công nghiệp Thành phố Hồ Chí Minh (Hepza), các sở, ban, ngành tổ chức. Trong năm 2022, NHNN Chi nhánh Thành phố Hồ Chí Minh đã tham gia 32 lượt đối thoại doanh nghiệp tại các quận, huyện, thành phố Thủ Đức trên địa bàn; (4) Tổ chức các buổi họp để nắm bắt và trao đổi, tháo gỡ khó khăn với các hội ngành nghề, hội doanh nghiệp quận, huyện và thành phố Thủ Đức. Thông qua các kênh đối thoại này, NHNN Chi nhánh Thành phố Hồ Chí Minh đã kịp thời tổng hợp các khó khăn, vướng mắc của các doanh nghiệp theo từng lĩnh vực, ngành nghề, đồng thời trao đổi, đề xuất các giải pháp tháo gỡ, giải quyết kịp thời.
Thứ ba, nhóm giải pháp về cải cách hành chính, chuyển đổi số và thực hiện công tác thanh tra, kiểm tra. NHNN Chi nhánh Thành phố Hồ Chí Minh đã tiếp nhận phản ánh, giải quyết vướng mắc và nâng cao hiệu quả hoạt động phục vụ người dân, doanh nghiệp thông qua công tác thanh tra, giám sát, tiếp công dân và giải quyết đơn thư với 279 đơn thư phản ánh, khiếu nại do các cá nhân, tổ chức chuyển đến được tiếp nhận và giải quyết kịp thời, đúng thời gian quy định và không có tồn đọng đơn thư cần giải quyết; đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính với trên 98% hồ sơ thủ tục hành chính được giải quyết kịp thời, đúng quy định và tổ chức bộ phận một cửa góp phần giảm chi phí, thời gian của tổ chức và cá nhân khi có giao dịch với NHNN Chi nhánh Thành phố Hồ Chí Minh; ứng dụng chuyển đổi số trong hoạt động quản lý, điều hành của NHNN Chi nhánh Thành phố Hồ Chí Minh thông qua các hoạt động như tăng cường khai thác, sử dụng Hệ thống thông tin quản lý văn bản và điều hành của NHNN (Edoc), ứng dụng gửi thư điện tử các văn bản chỉ đạo, triển khai chính sách, thư mời họp… đến tất cả các tổ chức tín dụng trên địa bàn nhanh chóng, kịp thời, tiết kiệm chi phí và thời gian.
Định hướng thực hiện các giải pháp phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội trong năm 2023 của hệ thống ngân hàng trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh
Thông qua các nhóm giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp, hệ thống ngân hàng Thành phố Hồ Chí Minh trong năm 2022 đã đảm bảo cung ứng tốt nhất nguồn vốn tín dụng cho hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp góp phần thực hiện chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội của Thành phố đạt được hiệu quả tích cực. Hệ thống ngân hàng Thành phố Hồ Chí Minh đã đồng hành cùng doanh nghiệp vượt qua giai đoạn khó khăn sau dịch Covid-19, thúc đẩy sản xuất, kinh doanh, đóng góp vào tăng trưởng kinh tế. Định hướng trong năm 2023, hệ thống ngân hàng trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh tiếp tục thực hiện các chủ trương, chính sách của NHNN, UBND Thành phố Hồ Chí Minh, theo một số định hướng trọng tâm như sau:
Một là, thực hiện các chỉ đạo của NHNN nhằm đảm bảo thị trường tiền tệ và hoạt động ngân hàng trên địa bàn tăng trưởng và phát triển theo định hướng điều hành của NHNN, góp phần quan trọng trong việc thực hiện mục tiêu chính sách tiền tệ năm 2023; gắn liền với các nhiệm vụ cơ bản về tiếp tục thực hiện và đảm bảo thị trường tiền tệ và hoạt động ngân hàng trên địa bàn ổn định, hoạt động an toàn, hiệu quả, đáp ứng nhu cầu vốn, dịch vụ ngân hàng cho nền kinh tế tăng trưởng và phát triển theo mục tiêu đã đề ra.
Hai là, hệ thống ngân hàng Thành phố Hồ Chí Minh tiếp tục đồng hành và hỗ trợ doanh nghiệp phát triển. Đây là nội dung trọng tâm, được tổ chức thực hiện xuyên suốt, quyết liệt, hỗ trợ doanh nghiệp phát triển sẽ góp phần quan trọng trong việc mở rộng và tăng trưởng tín dụng, tăng trưởng dịch vụ ngân hàng an toàn, hiệu quả; quá trình này, ngành tiếp tục thực hiện hiệu quả các chương trình tín dụng của Chính phủ, của NHNN; chương trình kết nối ngân hàng - doanh nghiệp và các hoạt động hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp; trong đó, chương trình kết nối ngân hàng - doanh nghiệp thực hiện xử lý, giải quyết theo từng nhóm đối tượng khách hàng.
Ba là, tăng cường công tác thông tin, truyền thông về chính sách của lĩnh vực ngân hàng, trong đó tập trung tuyên truyền về các chính sách hỗ trợ của ngành đối với doanh nghiệp; đảm bảo doanh nghiệp và người dân nắm bắt thông tin và thuận lợi trong tiếp cận các chính sách hỗ trợ của ngành Ngân hàng.
Bốn là, tiếp tục tăng cường công tác cải cách hành chính, tổ chức thực hiện nhiệm vụ gắn với thực hiện chủ đề năm 2023 của Thành phố Hồ Chí Minh; tiếp tục triển khai thực hiện công tác về chuyển đổi số ngành Ngân hàng trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh; thực hiện đề án phát triển thanh toán không dùng tiền mặt gắn với quá trình đổi mới và ứng dụng công nghệ ngân hàng hiện đại; thực hiện các biện pháp thuộc nội hàm công tác cải cách hành chính ngành Ngân hàng: Xử lý hồ sơ thủ tục nhanh hơn, dịch vụ tiện ích hơn; điều chỉnh giảm phí… để giảm chi phí giao dịch cho doanh nghiệp, qua đó tiếp tục hỗ trợ cho doanh nghiệp.
Năm là, tiếp tục tổ chức thực hiện nghiêm túc công tác quản lý nhà nước về thị trường tiền tệ và hoạt động ngân hàng trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh nhằm đảm bảo các tổ chức tín dụng tăng cường thực hiện kỷ cương, kỷ luật thị trường, tăng trưởng hoạt động an toàn, bền vững, từ đó tiếp tục đóng góp tích cực cho sự phát triển kinh tế của Thành phố Hồ Chí Minh với vai trò là chủ thể của ngành dịch vụ cũng như đồng hành, hỗ trợ doanh nghiệp trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh tăng trưởng và phát triển.
NHNN Chi nhánh Thành phố Hồ Chí Minh