Phó Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng
Năm 2015 qua đi với bối cảnh kinh tế thế giới diễn biến phức tạp và khó lường, đặt ra nhiều thách thức đối với việc điều hành chính sách tiền tệ và hoạt động ngân hàng. Trên thị trường thế giới, kể từ sau khủng hoảng tài chính toàn cầu 2008 - 2009 đến nay, quá trình phục hồi của kinh tế toàn cầu vẫn đang diễn ra với tốc độ chậm và chưa bền vững; cùng với đó, thị trường tài chính quốc tế năm 2015 cũng đánh dấu những biến động mang tính đột biến trước động thái điều chỉnh giảm giá đồng Nhân dân tệ cộng hưởng với quyết định tăng lãi suất của Cục Dự trữ liên bang Mỹ đã tác động tâm lý, ảnh hưởng không thuận lợi đến việc ổn định thị trường tiền tệ, ngoại hối. Ở trong nước, năm 2015 là năm bản lề để đẩy nhanh quá trình hội nhập kinh tế quốc tế, có ý nghĩa quyết định đến việc hoàn thành Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2011 - 2015 cũng như tạo tiền đề vững chắc để tiếp tục xây dựng và triển khai kế hoạch 5 năm tiếp theo, Quốc hội và Chính phủ đặt mục tiêu tăng cường ổn định kinh tế vĩ mô, thực hiện mạnh mẽ các đột phá chiến lược tái cơ cấu nền kinh tế gắn với chuyển đổi mô hình tăng trưởng, nâng cao hiệu quả và năng lực cạnh tranh, phấn đấu tăng trưởng cao hơn năm 2014.
Nhận thức rõ những khó khăn, thách thức, trên cơ sở bám sát chủ trương, chỉ đạo của Quốc hội, Chính phủ cùng sự phối hợp chặt chẽ của các bộ, ngành liên quan, sự quyết liệt, bản lĩnh trong chỉ đạo điều hành của Ban lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước (NHNN) và thống nhất cao trong toàn hệ thống, năm 2015 tiếp tục là một năm thành công trong việc điều hành chính sách tiền tệ (CSTT) và hoạt động ngân hàng, được Đảng, Nhà nước, doanh nghiệp, người dân cũng như các tổ chức và các nhà đầu tư quốc tế ghi nhận. Kết quả điều hành chính sách tiền tệ không những góp phần đạt được các mục tiêu của Chính phủ đề ra cho năm 2015 trên các góc độ: kiểm soát lạm phát, ổn định giá trị đối ngoại của đồng tiền, hoạt động an toàn, hiệu quả của tổ chức tín dụng (TCTD) và góp phần hỗ trợ tăng trưởng kinh tế, mà còn tiếp tục đặt nền tảng quan trọng cho định hướng phát triển một hệ thống ngân hàng ổn định, lành mạnh, có sức cạnh tranh, là kênh dẫn vốn hiệu quả trong quá trình tái cơ cấu, chuyển đổi mô hình tăng trưởng kinh tế của đất nước trong giai đoạn tiếp theo. Cụ thể:
Thứ nhất, NHNN đã tổ chức, thực hiện điều hành chính sách tiền tệ một cách hiệu quả, kiểm soát các kênh cung ứng tiền theo mục tiêu hỗ trợ ổn định tỷ giá và thị trường ngoại hối, kiểm soát lạm phát nhưng vẫn đảm bảo hài hòa với các mục tiêu giảm lãi suất, tăng tín dụng hợp lý, hỗ trợ các TCTD đầu tư trái phiếu Chính phủ và xử lý quyết liệt tình trạng nợ xấu trong hệ thống các TCTD. Bằng cách thức điều hành linh hoạt bơm tiền ra/hút tiền về, trọng tâm là thị trường mở, lượng tiền cung ứng đã được kiểm soát tốt, góp phần ổn định lạm phát ở mức thấp (lạm phát tháng 12/2015 tăng 0,6% so với cuối năm 2014, lạm phát tính bình quân tăng 0,63% vàlàmức tăng thấp nhất kểtừnăm 2001 đến nay), đồng thời tạo điều kiện cho hệ thống TCTD đáp ứng nhu cầu vốn tín dụng cho nền kinh tế, hỗ trợ tăng trưởng đạt 6,68% vượt mục tiêu đề ra và là mức cao nhất trong 5 năm gần đây.
Thứ hai, trong bối cảnh thị trường tài chính tiền tệ quốc tế biến động, công cụ tỷ giá được NHNN điều hành chủ động, linh hoạt phù hợp với điều kiện tình hình mới, kịp thời ứng phó, trung hòa các tác động bất lợi từ thị trường tài chính quốc tế trên cơ sở bảo đảm lợi ích tổng thể của nền kinh tế. Nhờ đó, tỷ giá và thị trường ngoại tệ được giữ ổn định, niềm tin vào đồng tiền Việt Nam được củng cố, tình trạng đô la hóa trong nền kinh tế tiếp tục giảm, đây là thành công nổi bật của điều hành chính sách tiền tệ năm 2015. Kết quả tích cực của thị trường ngoại hối trong năm qua phản ánh sự điều hành chủ động các giải pháp điều hành CSTT, linh hoạt điều chỉnh tăng 3% tỷ giá bình quân liên ngân hàng và nới biên độ tỷ giá từ +1% lên + 3% nhằm ứng phó kịp thời với các tác động bất lợi từ thị trường tài chính quốc tế; kết hợp với điều chỉnh lãi suất tiền đồng trên thị trường liên ngân hàng hợp lý, đảm bảo duy trì chênh lệch hợp lý giữa lãi suất đồng Việt Nam (VND) và lãi suất đô la Mỹ (USD), mua bán ngoại tệ can thiệp thị trường và ban hành các quy định nhằm ngăn chặn tình trạng găm giữ, đầu cơ ngoại tệ. Nhờ sự chủ động, lường trước được tình hình, do đó trong khi diễn biến trên thị trường quốc tế biến động khiến nhiều nước phải giảm giá mạnh đồng tiền, thì tỷ giá USD/VND được điều chỉnh ở mức tương đối phù hợp để đảm bảo năng lực cạnh tranh của hàng hóa Việt Nam, đồng thời duy trì ổn định kinh tế vĩ mô, tiếp tục củng cố vị thế và lòng tin của người dân vào đồng Việt Nam. Các động thái điều hành tỷ giá đúng hướng của NHNN được Chính phủ và các tổ chức quốc tế, dư luận trong nước ủng hộ và đánh giá cao.
Thứ ba, NHNN đã nỗ lực điều hành để tiếp tục giảm mặt bằng lãi suất hỗ trợ sản xuất kinh doanh thông qua điều tiết thanh khoản hợp lý để duy trì lãi suất liên ngân hàng thấp hơn đáng kể so với lãi suất thị trường 1, qua đó một mặt hỗ trợ ổn định tỷ giá nhưng vẫn đảm bảo tạo điều kiện giảm mặt bằng lãi suất huy động và cho vay của các TCTD; đồng thời để tạo điều kiện giảm lãi suất, NHNN đã điều chỉnh giảm lãi suất cho vay của một số chương trình tín dụng ngành, lĩnh vực, duy trì ổn định các lãi suất điều hành, trần lãi suất cho vay, từ đó các TCTD trên cơ sở nhu cầu vốn của thị trường cân đối điều chỉnh giảm lãi suất cho vay so với trần quy định, tiếp tục yêu cầu các TCTD rà soát giảm lãi suất của các khoản cho vay cũ. Nhờ đó, mặt bằng lãi suất thị trường tiếp tục giảm khoảng 0,2 - 0,5%/năm, trong đó, lãi suất cho vay trung dài hạn giảm khoảng 0,3 - 0,5%/ năm, là rất tích cực trong bối cảnh áp lực tăng từ lãi suất trái phiếu Chính phủ và nhu cầu tín dụng trung, dài hạn cũng như hài hòa trong mối tương quan với mục tiêu đảm bảo ổn định thị trường ngoại tệ, củng cố vị thế của đồng Việt Nam. Kết quả của năm 2015 đã đưa lãi suất về chỉ bằng 50% mức lãi suất cuối năm 2011 và thấp hơn giai đoạn 2005 - 2006, hiện nay là tương đối phù hợp với điều kiện kinh tế vĩ mô cũng như khả năng tiếp cận về điều kiện vi mô của doanh nghiệp. Đồng thời, mặc dù m ặt bằng lãi suất tiếp tục giảm nhưng lòng tin vào đồng Việt Nam được củng cố nên huy động vốn vẫn tăng, tạo điều kiện cho các TCTD có nguồn vốn đáp ứng cho nền kinh tế.
Thứ tư, với việc triển khai quyết liệt và có hiệu quả các giải pháp tín dụng, tạo điều kiện cho các TCTD mở rộng tín dụng đi đôi với an toàn, chất lượng, gắn kết với các chương trình tín dụng ngành, lĩnh vực, tín dụng tăng trưởng rất tích cực. Khác với các năm trước, tín dụng tăng trưởng tốt ngay từ những tháng đầu năm và cả năm 2015 tín dụng ước đạt khoảng 18%, cao hơn năm 2014, hỗ trợ cho việc đạt tăng trưởng kinh tế vượt mục tiêu của cả năm 2015 - là năm then chốt trong thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2011 - 2015, nhưng vẫn đảm bảo phù hợp với sức hấp thụ vốn của nền kinh tế. Các TCTD tiếp tục nỗ lực thực hiện các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh như cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn giảm lãi vốn vay, xem xét cho vay mới đối với các nhu cầu vốn vay có hiệu quả và đảm bảo khả năng trả nợ để doanh nghiệp tiếp tục sản xuất, đổi mới quy trình cho vay theo hướng đơn giản hóa thủ tục vay vốn, do đó các doanh nghiệp rất thuận lợi tiếp cận nguồn vốn vay để kích cầu sản xuất, kinh doanh. Các chương trình, chính sách tín dụng ngành, lĩnh vực, người nghèo và các đối tượng chính sách khác theo chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ tiếp tục được hệ thống ngân hàng đẩy mạnh triển khai, mang lại hiệu quả thiết thực cho nền kinh tế và xã hội; tập trung vào một số lĩnh vực ưu tiên, đặc biệt là nông nghiệp, nông thôn, góp phần vào công cuộc phát triển, xây dựng nông thôn mới.
Thứ năm, thị trường vàng trong nước diễn biến ổn định, giá vàng trong nước không còn bị tác động bởi các nhân tố như sự biến động của giá vàng thế giới và sự biến động tăng của tỷ giá USD/VND. Trong năm 2015, tại nhiều thời điểm thị trường thế giới biến động đột biến nhưng thị trường vàng trong nước vẫn cơ bản ổn định, cung - cầu trên thị trường tương đối cân bằng. Thị trường tự điều tiết theo quy luật cung cầu, NHNN không phải sử dụng ngoại tệ để nhập khẩu vàng can thiệp, bình ổn thị trường vàng miếng, tình trạng vàng hóa tiếp tục được ngăn chặn, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô. Kết quả này tiếp tục khẳng định các giải pháp đúng hướng của NHNN và củng cố các kết quả đạt được về thị trường vàng đã được tổ chức, sắp xếp lại một cách căn bản theo đúng chủ trương của Đảng, Nhà nước.
Như vậy, trong năm qua, mặc dù phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức nhưng điều hành CSTT của NHNN tiếp tục đạt được những thành công, đó là: mặt bằng lãi suất tiếp tục giảm, thị trường tiền tệ ổn định; tín dụng sau một thời gian tăng chậm đã được khơi thông và tăng ngay từ đầu năm, hỗ trợ đắc lực cho tăng trưởng kinh tế; tỷ giá, thị trường ngoại tệ và thị trường vàng tiếp tục được giữ ổn định, niềm tin vào đồng tiền Việt Nam tiếp tục tăng cao; an toàn hoạt động của hệ thống các TCTD được đảm bảo. Từ đó, CSTT đã có đóng góp quan trọng trong việc duy trì ổn định kinh tế vĩ mô, lạm phát cả năm ở mức thấp, khẳng định thời kỳ ổn định lạm phát dài nhất trong một thập kỷ qua, đồng thời hỗ trợ tăng trưởng kinh tế đạt mức cao nhất trong 5 năm gần đây, thực hiện thành công Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2011 - 2015 của đất nước. Những thành tựu nổi bật nêu trên, không những là kết quả của năm 2015 nói riêng, mà còn là kết quả tiếp nối của cả một giai đoạn, từ năm 2011 đến nay. Điều đó đã mang lại dấu ấn sức mạnh của sự đổi mới trong chỉ đạo điều hành cũng như trong tổ chức, thực hiện hiệu quả CSTT và hoạt động ngân hàng trong một giai đoạn đầy khó khăn, thách thức.
Năm 2016 là năm bản lề bước vào thực hiện kế hoạch 5 năm 2016 - 2020, nên nhiệm vụ tiên quyết đặt ra cho cả hệ thống chính trị là giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, phấn đấu tăng trưởng kinh tế cao hơn năm 2015, tạo dựng đà phát triển tốt. Trên cơ sở đánh giá tình hình kinh tế vĩ mô thế giới và trong nước, Quốc hội, Chính phủ đã xác định mục tiêu trong năm 2016 là kiểm soát lạm phát dưới 5%, tăng trưởng kinh tế khoảng 6,7%. Đây là nhiệm vụ không dễ thực hiện trong bối cảnh kinh tế thế giới dự kiến tiếp tục diễn biến khó lường, phức tạp hơn. Điều kiện, tình hình thị trường tài chính quốc tế có những thay đổi mang tính căn bản với việc Mỹ bắt đầu chu kỳ thắt chặt chính sách tiền tệ dự kiến sẽ kéo dài 2 - 3 năm, mục tiêu đạt đỉnh trên 3%/năm vào cuối năm 2018, Trung Quốc thực thi chính sách đồng Nhân dân tệ yếu để hỗ trợ tăng trưởng đồng thời đẩy nhanh tự do hóa tỷ giá sau khi Nhân dân tệ trở thành đồng tiền dự trữ quốc tế, đòi hỏi các NHTW phải có sự thay đổi chiến lược, cơ chế điều hành tỷ giá linh hoạt hơn để đảm bảo giảm thiểu tác động của các cú sốc từ bên ngoài. Kinh tế trong nước dự báo tăng trưởng cao hơn năm 2015, nhiều thời cơ mang lại từ Hiệp định TPP và các FTAs, nhưng những diễn biến phức tạp của thị trường tài chính quốc tế, việc điều chỉnh tăng giá do Nhà nước quản lý bước vào lộ trình mới và có thể được điều chỉnh tăng mạnh sẽ có những tác động không thuận lợi đến điều hành CSTT, tỷ giá, lãi suất của NHNN.
Trên cơ sở đánh giá, dự báo về kinh tế vĩ mô, tiền tệ trong nước và quốc tế, những thách thức đang và sẽ phải đối mặt và bám sát Nghị quyết của Quốc hội, của Chính phủ, trong năm 2016, NHNN sẽ tiếp tục kiên định với mục tiêu kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, hỗ trợ tăng trưởng kinh tế, đảm bảo an toàn hệ thống, đây là điểm vô cùng quan trọng đã mang lại thành công trong điều hành CSTT những năm vừa qua. Để thực hiện tốt các nhiệm vụ được giao, NHNN xác định các trọng tâm lớn trong điều hành CSTT và hoạt động ngân hàng năm 2016 là:
Một là, theo dõi sát diễn biến kinh tế vĩ mô, thị trường tiền tệ trong và ngoài nước, tăng cường công tác phân tích, thống kê, dự báo để kịp thời tham mưu, chủ động đề xuất các giải pháp điều hành phù hợp, hạn chế tác động tiêu cực của hội nhập kinh tế quốc tế đến thị trường tiền tệ, ngoại hối trong nước. Phối hợp chặt chẽ chính sách tiền tệ với các chính sách vĩ mô khác theo đúng tinh thần tại Quy chế phối hợp về quản lý và điều hành kinh tế vĩ mô giữa NHNN với Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Công thương, Bộ Tài chính.
Hai là, chủ động điều hành linh hoạt, phối hợp đồng bộ các công cụ CSTT theo phương châm nâng cao vị thế đồng Việt Nam; thực hiện các giải pháp quản lý thị trường ngoại tệ, thị trường vàng để tiếp tục giảm tình trạng đô la hóa, vàng hóa trong nền kinh tế. Tập trung vào điều hành lãi suất chủ động, linh hoạt để điều tiết lãi suất thị trường ở mức hợp lý, góp phần ổn định thị trường tiền tệ và hoạt động ngân hàng; Triển khai thực hiện cách thức điều hành tỷ giá mới theo hướng linh hoạt hơn nhằm thích ứng với diễn biến kinh tế trong nước và quốc tế, đồng thời thực hiện đồng bộ các biện pháp và công cụ chính sách tiền tệ để ổn định thị trường ngoại tệ và tỷ giá, hạn chế tình trạng găm giữ ngoại tệ, chuyển dần quan hệ huy động - cho vay bằng ngoại tệ sang quan hệ mua - bán ngoại tệ.
Ba là, toàn hệ thống ngân hàng sẽ tiếp tục thực hiện các giải pháp về tín dụng nhằm kiểm soát quy mô tín dụng phù hợp với chỉ tiêu định hướng, tiếp tục theo phương châm mở rộng tín dụng đi đôi với an toàn, nâng cao chất lượng, hiệu quả, đảm bảo an toàn hệ thống và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế hợp lý, gắn với chính sách tín dụng ngành, lĩnh vực để đáp ứng vốn cho sản xuất kinh doanh. Tiếp tục tập trung nguồn vốn tín dụng vào các lĩnh vực sản xuất kinh doanh, nhất là các lĩnh vực ưu tiên theo chủ trương của Chính phủ; thực hiện các giải pháp hiệu quả, thiết thực nhằm tháo gỡ khó khăn trong quan hệ tín dụng giữa TCTD với khách hàng, tạo điều kiện thuận lợi cho khách hàng tiếp cận nguồn vốn tín dụng ngân hàng để thúc đẩy sản xuất, kinh doanh có hiệu quả, áp dụng đổi mới công nghệ, đầu tư vào các ngành có tiềm năng phát triển tốt.
Bốn là, tăng cường phối hợp với các chính sách vĩ mô khác, đặc biệt là chính sách tài khóa, theo dõi sát diễn biến thị trường, vốn khả dụng của các TCTD, kế hoạch phát hành, giải ngân trái phiếu Chính phủ để chủđộng, kịp thời trong điều hành chính sách tiền tệ, góp phần thực hiện vĩ mô tổng thể của Chính phủ.
Tuy nhiên cần phải nhìn nhận rằng, chính sách tiền tệ chỉ là một trong số các chính sách kinh tế vĩ mô, hệ thống ngân hàng là trung gian tài chính trong nền kinh tế, chịu tác động bởi nhiều chính sách. Bởi vậy, để đạt được mục tiêu của chính sách kinh tế vĩ mô nói chung và chính sách tiền tệ nói riêng, đòi hỏi tiếp tục có sự phối hợp chặt chẽ của các bộ, ngành trong việc thực hiện mục tiêu vĩ mô tổng thể của Quốc hội, Chính phủ; sự phối hợp của các cơ quan truyền thông để định hướng tâm lý thị trường, hạn chế tâm lý bất lợi không đáng có, ảnh hưởng đến niềm tin của thị trường vào điều hành chính sách vĩ mô nói chung và điều hành CSTT nói riêng.
Những khó khăn, thách thức đặt ra cho ngành Ngân hàng trong năm 2016 cũng như những năm tiếp theo còn rất lớn, song với kết quả đạt được trong những năm vừa qua và niềm tin mà Đảng, Nhà nước và nhân dân đã dành cho ngành Ngân hàng, NHNN vững tin sẽ phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành, địa phương bước vào giai đoạn mới thực hiện nhiệm vụ theo kế hoạch phát triển kinh tế xã hội 2016 - 2020.
Bài đăng trên Tạp chí Ngân hàng số 3+4 tháng 2/2016