Keywords: Green credit, green transition, enterprises, environment.
1. Đặt vấn đề
Bảo vệ môi trường hiện là vấn đề nóng mang tính toàn cầu. Biến đổi khí hậu diễn ra nhanh chóng đang gây ra thảm họa thiên nhiên, tổn thất về sinh mạng và làm mất cân bằng đa dạng sinh học. Những hậu quả này không chỉ ngắn hạn mà còn kéo dài và ngày càng khốc liệt. Trước thực trạng đó, nhiều quốc gia đã triển khai các mục tiêu bảo vệ môi trường, tối ưu hóa sản xuất, chuyển đổi kinh doanh và đạt được phát triển kinh tế bền vững (Horbach, 2008; Hojnik và Ruzzier, 2016; Cui và Jiang, 2018).
Tại Việt Nam, Đảng và Chính phủ đã đề ra Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội đến năm 2030, hướng đến trở thành quốc gia công nghiệp hóa, hiện đại hóa vào năm 2045. Để đạt được mục tiêu này, cần đổi mới mô hình tăng trưởng, cải cách kinh tế, thúc đẩy công nghiệp hóa, hiện đại hóa và nâng cao năng suất lao động. Sự phát triển kinh tế cần dựa trên chất lượng, hiệu quả và khả năng cạnh tranh cao của nền kinh tế.
Trong bối cảnh hiện nay, doanh nghiệp đóng vai trò nòng cốt trong quá trình chuyển đổi mô hình kinh doanh và sản xuất, áp dụng khoa học, công nghệ để thích nghi với môi trường kinh tế và xã hội mới. Trước nguy cơ cạn kiệt tài nguyên, việc tăng cường hiệu quả sử dụng tài nguyên thiên nhiên, giảm phương pháp sản xuất gây ô nhiễm và khai thác quá mức là yêu cầu cấp thiết. Đây không chỉ là một nhiệm vụ khẩn cấp mà còn là xu hướng tất yếu để chuyển đổi sang nền kinh tế xanh và kinh tế số, bảo đảm sự phát triển bền vững.
Tín dụng xanh, một hình thức quản lý môi trường trong lĩnh vực tài chính được xem là giải pháp đổi mới để giải quyết các vấn đề môi trường (Cui và Jiang, 2018). Chính sách tín dụng xanh cung cấp các nguồn tài chính ưu đãi cho doanh nghiệp thân thiện với môi trường, đồng thời hạn chế hoặc tăng lãi suất vay đối với doanh nghiệp gây ô nhiễm (Nandy và Lodh, 2012; He và cộng sự, 2019).
Hiểu đơn giản, tín dụng xanh là dịch vụ tín dụng hỗ trợ các dự án sản xuất, kinh doanh ít gây hại hoặc không gây rủi ro cho môi trường. Chính sách này giúp bảo vệ hệ sinh thái và hướng đến mục tiêu phát triển bền vững. Tuy nhiên, tín dụng xanh cũng đặt ra các yêu cầu khắt khe hơn đối với doanh nghiệp trong việc tiếp cận vốn. Điều này làm dấy lên câu hỏi liệu chính sách này có ảnh hưởng tích cực đến quá trình chuyển đổi xanh của doanh nghiệp hay không.
Việc thúc đẩy tín dụng xanh cần song hành với các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp chuyển đổi mô hình kinh doanh và sản xuất bền vững. Đặc biệt, cần nâng cao nhận thức và năng lực quản lý của doanh nghiệp, khuyến khích áp dụng khoa học, công nghệ hiện đại và xây dựng cơ chế tài chính minh bạch, hiệu quả.
Bài viết này nhằm làm rõ vai trò của tín dụng xanh trong việc thúc đẩy chuyển đổi xanh, từ đó đề xuất giải pháp phù hợp, góp phần xây dựng nền kinh tế bền vững. Đây không chỉ là trách nhiệm mà còn là cơ hội để doanh nghiệp và toàn xã hội hướng đến sự phát triển hài hòa giữa kinh tế và môi trường.
2. Lý thuyết về tín dụng xanh và chuyển đổi xanh của doanh nghiệp
Tín dụng xanh là những khoản vay phục vụ cho hoạt động sản xuất xanh được cấp bởi các tổ chức tín dụng để tài trợ hoặc tái tài trợ một phần hoặc toàn bộ các dự án xanh hướng đến bảo vệ môi trường và phát triển một nền kinh tế bền vững. Các khoản vay này có thể là các khoản vay có thời hạn hoặc quay vòng (Hamamoto, M, 2006). Có thể hiểu cách khác rằng, tín dụng xanh là dòng tiền tín dụng nhằm mục đích hạn chế các khoản vay mà hoạt động sản xuất, kinh doanh của nó gây ra ô nhiễm môi trường sinh thái, hướng đến mục tiêu tạo sự cân bằng của điều kiện tự nhiên và định hướng cuộc sống con người trở nên hòa hợp với thiên nhiên và môi trường (Fausto Cavalli và cộng sự, 2023).
Chính sách tín dụng xanh là một chính sách do chính phủ ban hành nhằm hỗ trợ doanh nghiệp hài hòa giữa quản lý môi trường và phát triển kinh tế. Mục tiêu của chính sách này là tối ưu hóa việc phân bổ nguồn vốn tín dụng, ưu tiên đầu tư vào các dự án thân thiện với môi trường, từ đó thúc đẩy tăng trưởng xanh và chuyển đổi kinh doanh bền vững trong doanh nghiệp, đồng thời nâng cao hiệu quả sản xuất. Dựa trên cơ chế thị trường, tín dụng xanh giải quyết các vấn đề môi trường thông qua việc định hướng dòng vốn đến hoạt động xanh, kết hợp với những ràng buộc chính sách của chính phủ. Đây không chỉ là công cụ quản lý môi trường mà còn là chiến lược phân bổ nguồn lực hợp lý, góp phần thúc đẩy sự chuyển đổi nền kinh tế theo hướng xanh và bền vững.
Các nghiên cứu trước đây đã phát hiện ra rằng, tín dụng xanh giúp ngân hàng điều chỉnh cấu trúc tín dụng bằng cách tăng hỗ trợ cho vay dự án xanh, giảm cho vay dự án gây ô nhiễm cao và tiếp tục giảm tỉ lệ nợ xấu (Cui và cộng sự, 2018). Trong khi đó, tín dụng xanh liên quan đến năng lực tài chính, mức đầu tư, đổi mới công nghệ và hiệu suất hoạt động của doanh nghiệp. Tối đa hóa nguồn lực bên ngoài như tín dụng và cải thiện hiệu suất sản xuất là chìa khóa để doanh nghiệp đạt được sự tăng trưởng và phát triển cũng như duy trì lợi thế cạnh tranh... Trong những năm gần đây, các công cụ tài chính, đặc biệt là tín dụng xanh, đã đóng vai trò quan trọng trong việc định hướng hành vi bảo vệ môi trường và kiềm chế sự phát triển của các ngành công nghiệp gây ô nhiễm (Chen và cộng sự, 2022).
Chuyển đổi xanh là thuật ngữ nhằm chỉ ra những nỗ lực mà các doanh nghiệp đạt được hướng đến một tương lai phát triển bền vững và thân thiện với môi trường (Fausto Cavalli và cộng sự, 2023). Khái niệm này thể hiện qua các chính sách, chiến lược và hoạt động quản lý thực tiễn nhằm hướng đến bảo đảm tính bền vững về mặt kinh tế, xã hội và môi trường. Chuyển đổi xanh trong nền kinh tế đang trở thành một xu hướng tất yếu khi vấn đề về môi trường và biến đổi khí hậu đang là vấn đề nóng trên toàn thế giới, chúng ta đang phải đối mặt với nhiều vấn đề về môi trường và biến đổi khí hậu. Xu hướng này không chỉ là cơ hội mà còn là một thách thức đáng kể đối với cộng đồng kinh doanh ở nước ta.
Tín dụng xanh có thể kích thích sự chuyển đổi xanh và đổi mới trong các doanh nghiệp thông qua sự ràng buộc về tài chính (Hu và cộng sự 2021). Chính sách tín dụng xanh thúc đẩy đầu tư nghiên cứu và phát triển cũng như hoạt động quản lý hiệu quả để khuyến khích quá trình chuyển đổi về công nghệ (Chen và cộng sự, 2022). Vì vậy, xác định chính xác vai trò của tín dụng xanh trong quá trình chuyển đổi xanh cho doanh nghiệp là nhiệm vụ rất quan trọng nhằm thúc đẩy phát triển một nền kinh tế đạt chất lượng cao, thân thiện với môi trường. Chính sách tín dụng xanh cũng giúp hiện đại hóa và nâng cấp các ngành công nghiệp gây ra ô nhiễm cho môi trường (Li và Chen, 2022). Tín dụng xanh tối ưu hóa và nâng cấp cơ cấu công nghiệp bằng cách thúc đẩy quá trình chuyển đổi và nâng cấp các doanh nghiệp gây ô nhiễm nặng cho môi trường thông qua việc điều tiết bởi các công cụ tài chính xanh và hỗ trợ doanh nghiệp hoạt động tiết kiệm năng lượng và bảo vệ môi trường (Anderson, 2016). Qua công cụ tài chính xanh, có thể thúc đẩy tiến bộ công nghệ và nâng cấp cơ cấu công nghiệp hiện đại hơn (Song và cộng sự, 2022).
Chính sách tín dụng xanh thúc đẩy chuyển đổi xanh trong doanh nghiệp thông qua cơ chế khuyến khích tài chính như ưu đãi lãi suất cho các hoạt động sản xuất thân thiện với môi trường (Nandy và Lodh, 2012). Cụ thể, chính sách này định hướng các tổ chức tài chính phân bổ nguồn lực vào những ngành công nghiệp tiêu thụ năng lượng thấp và ít gây ô nhiễm. Việc kiểm soát quyền truy cập tài chính buộc doanh nghiệp gây ô nhiễm phải chuyển đổi sang các hoạt động bảo vệ môi trường. Ngược lại, doanh nghiệp phát triển xanh được hưởng lợi từ lãi suất ưu đãi, giúp bổ sung vốn và khuyến khích phát triển những giải pháp tiết kiệm năng lượng. Tuy nhiên, chính sách này không chỉ tác động đến doanh nghiệp mà còn ảnh hưởng đến hiệu quả hoạt động của ngân hàng. Nghiên cứu của Luo và cộng sự (2022) chỉ ra rằng, tín dụng xanh có thể cải thiện danh tiếng ngân hàng, giảm rủi ro tín dụng và tăng hiệu quả chi phí (Scholtens và Dam, 2007; Chen và cộng sự, 2018). Các ngân hàng thường ưu tiên cấp vốn cho doanh nghiệp sử dụng công nghệ cao và phát thải thấp, đồng thời hạn chế tín dụng với các ngành tiêu thụ năng lượng lớn.
Nhờ vậy, chính sách tín dụng xanh không chỉ thúc đẩy sự phát triển của các ngành công nghiệp thân thiện với môi trường mà còn góp phần xây dựng nền kinh tế bền vững, giảm thiểu tác động tiêu cực đến môi trường.
3. Vai trò của chính sách tín dụng xanh trong quá trình chuyển đổi xanh của doanh nghiệp ở nước ta
Ở nước ta, nhiều chính sách quan trọng đã được ban hành nhằm thúc đẩy phát triển tín dụng xanh và ngân hàng xanh như: Quyết định số 403/QĐ-TTg ngày 20/3/2014 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Kế hoạch hành động quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2014 - 2020; Chỉ thị số 03/CT-NHNN ngày 24/3/2015 của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) về thúc đẩy tăng trưởng tín dụng xanh và quản lí rủi ro môi trường và xã hội trong hoạt động cấp tín dụng; Quyết định số 1604/QĐ-NHNN ngày 07/8/2018 của Thống đốc NHNN về việc phê duyệt đề án phát triển ngân hàng xanh tại Việt Nam; Quyết định số 986/QĐ-TTg ngày 08/8/2018 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược phát triển ngành Ngân hàng Việt Nam đến năm 2025, định hướng đến năm 2030; Quyết định số 1658/QĐ-TTg ngày 01/10/2021 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn 2050; Thông tư số 17/2022/TT-NHNN ngày 23/12/2022 của Thống đốc NHNN hướng dẫn thực hiện quản lý rủi ro về môi trường trong hoạt động cấp tín dụng của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài… Các chính sách này không chỉ định hướng chiến lược mà còn tạo nền tảng pháp lý vững chắc, góp phần tích hợp yếu tố môi trường và xã hội vào hệ thống tài chính, hướng tới một nền kinh tế bền vững.
Mặc dù khung pháp lý và các chính sách hỗ trợ đã được ban hành nhằm định hướng và thúc đẩy tín dụng xanh, tuy nhiên, việc triển khai vào thực tiễn của doanh nghiệp vẫn còn nhiều thách thức, đòi hỏi sự quan tâm và có giải pháp toàn diện.
Thứ nhất, về mặt tài chính, chi phí đầu tư cho quá trình chuyển đổi xanh vẫn là một thách thức lớn đối với các doanh nghiệp. Việc cân nhắc giữa khoản đầu tư ban đầu cao và lợi nhuận thu về khiến nhiều doanh nghiệp còn do dự trong việc thực hiện các thay đổi cần thiết. Mặc dù các chính sách tín dụng xanh đã mang lại lợi ích nhất định, đặc biệt là thông qua lãi suất ưu đãi, nhưng công cụ này vẫn chưa đủ để tạo động lực mạnh mẽ cho quá trình chuyển đổi. Để thúc đẩy doanh nghiệp chuyển đổi từ công nghệ truyền thống sang sản xuất xanh, cần có thêm các chính sách hỗ trợ toàn diện từ phía Chính phủ, bao gồm các biện pháp kích thích đầu tư và giảm thiểu rủi ro tài chính.
Thứ hai, về nhân lực, theo Báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư (2024), có tới 46,8% doanh nghiệp tại Việt Nam đang thiếu nhân viên có chuyên môn trong lĩnh vực giảm phát thải và chuyển đổi xanh. Thực trạng này diễn ra trong bối cảnh các quy định và tiêu chuẩn môi trường cả trong nước lẫn quốc tế liên tục thay đổi và ngày càng khắt khe. Điều này khiến việc đào tạo đội ngũ nhân lực phù hợp trở thành yếu tố sống còn đối với doanh nghiệp. Tuy nhiên, nguồn lực dành cho hoạt động đào tạo này vẫn còn hạn chế, gây khó khăn trong việc đáp ứng yêu cầu của quá trình chuyển đổi xanh.
Thứ ba, về công nghệ, 44,2% doanh nghiệp chưa tìm được giải pháp công nghệ phù hợp để thực hiện chuyển đổi (Bộ Kế hoạch và Đầu tư 2024). Nhiều doanh nghiệp vẫn sử dụng phương pháp đo lường thủ công, dẫn đến sai sót, thiếu minh bạch, thậm chí gian lận dữ liệu. Điều này không chỉ gây khó khăn cho doanh nghiệp trong việc tuân thủ các tiêu chuẩn môi trường mà còn ảnh hưởng đến lòng tin của thị trường.
Ngoài ra, còn nhiều thách thức khác như một số doanh nghiệp chưa nắm bắt đầy đủ các yêu cầu về môi trường, trách nhiệm xã hội và quản trị doanh nghiệp. Việc thay thế công nghệ sản xuất truyền thống bằng công nghệ hiện đại cũng gặp khó khăn do chi phí cao và yêu cầu kỹ thuật phức tạp. Bên cạnh đó, phát triển kinh tế xanh có thể đối mặt với rủi ro nếu không được quản lý tốt, như hạn chế về kinh nghiệm, trình độ kỹ thuật hoặc thiếu sự hỗ trợ từ Chính phủ. Dù đã có một số cơ chế, chính sách và chương trình hỗ trợ, nhiều sáng kiến chỉ dừng lại ở việc nâng cao nhận thức mà chưa đáp ứng được nhu cầu cụ thể của doanh nghiệp.
Các yếu tố khác cũng ảnh hưởng đến chuyển đổi xanh bao gồm sự cần thiết phải có kế hoạch cụ thể, tích hợp tính bền vững vào quy trình và văn hóa doanh nghiệp. Một số doanh nghiệp nhận thức rằng chuyển đổi xanh không chỉ là cơ hội mà còn là chiến lược đầu tư dài hạn nhằm tăng lợi thế cạnh tranh. Tuy nhiên, để khai thác giá trị này, doanh nghiệp cần vượt qua nhiều rào cản như thiếu cơ sở hạ tầng hiện đại, nguồn lực đào tạo lao động và tiêu chuẩn quản trị phù hợp.
Tóm lại, chuyển đổi xanh là một hành trình phức tạp nhưng cần thiết, đòi hỏi sự hỗ trợ từ nhiều phía, từ Chính phủ đến các tổ chức tài chính và doanh nghiệp. Đây không chỉ là trách nhiệm mà còn là cơ hội để doanh nghiệp xây dựng lợi thế cạnh tranh bền vững và góp phần vào sự phát triển kinh tế xanh của đất nước.
4. Một số đề xuất
Chuyển đổi xanh không chỉ là giải pháp thiết yếu để đạt được mục tiêu phát triển bền vững mà còn mở ra cơ hội giúp doanh nghiệp nâng cao khả năng cạnh tranh trên thị trường. Đây là xu hướng phát triển tất yếu, vừa đáp ứng các yêu cầu về môi trường, vừa tạo nền tảng cho doanh nghiệp xây dựng chiến lược kinh doanh hiệu quả. Để thực hiện chuyển đổi xanh một cách thành công, cần xem xét một số đề xuất sau:
Thứ nhất, doanh nghiệp cần hiểu rõ vai trò, trách nhiệm, thách thức, cơ hội và giải pháp khi thực hiện chuyển đổi xanh trong chiến lược phát triển bền vững. Đây không chỉ là yêu cầu tất yếu mà còn là cơ hội giúp doanh nghiệp đóng góp tích cực vào mục tiêu phát triển bền vững của địa phương và quốc gia. Để thành công, doanh nghiệp cần xây dựng chiến lược kinh doanh dài hạn, đặt trọng tâm vào bảo vệ môi trường. Các ưu tiên bao gồm đầu tư công nghệ sản xuất thân thiện với môi trường, nâng cao chất lượng sản phẩm và bồi dưỡng đội ngũ nhân sự với kỹ năng phân tích kinh tế và môi trường. Ban Lãnh đạo doanh nghiệp cần hiểu rõ mối quan hệ giữa lợi ích kinh tế và môi trường, từ đó đưa ra các quyết định phù hợp, cân đối giữa chi phí và lợi ích khi triển khai những quy định về bảo vệ môi trường.
Thứ hai, doanh nghiệp cần tích hợp chiến lược sản xuất, kinh doanh xanh với các giải pháp chuyển đổi số. Điều này không chỉ giúp nâng cao hiệu quả mà còn tăng tính cạnh tranh trong bối cảnh phát triển bền vững. Bên cạnh việc sử dụng các công cụ kỹ thuật số, văn hóa doanh nghiệp đóng vai trò quan trọng trong việc triển khai thành công các chương trình xanh. Khi tính bền vững được tích hợp vào quy trình làm việc, doanh nghiệp sẽ dễ dàng đạt được các mục tiêu chuyển đổi.
Thứ ba, để hỗ trợ doanh nghiệp chuyển đổi xanh, các cơ quan quản lý cần hoàn thiện khung pháp lý và cơ chế chính sách. Việc ban hành các hướng dẫn rõ ràng và hiệu quả sẽ giúp doanh nghiệp dễ dàng triển khai những giải pháp xanh. Đồng thời, cần học hỏi thực tiễn quốc tế để bảo đảm quá trình chuyển đổi vừa đáp ứng yêu cầu môi trường, vừa phù hợp với các mục tiêu phát triển kinh tế bền vững.
Thứ tư, chi phí chuyển đổi xanh vẫn là rào cản lớn đối với doanh nghiệp. Các chi phí liên quan như tư vấn, xếp hạng tín dụng và chứng nhận dự án cần được xem xét, đồng thời cần có những chính sách khuyến khích cụ thể. Ví dụ, giảm thuế hoặc hỗ trợ tài chính cho các doanh nghiệp áp dụng sản xuất xanh sẽ tạo động lực thúc đẩy sự tham gia tích cực vào quá trình này.
Thứ năm, Chính phủ cần phát triển thêm các chính sách tài chính xanh nhằm tạo môi trường đầu tư thuận lợi cho các doanh nghiệp. Các chính sách này cần bao gồm cơ chế huy động nguồn lực trong nước và quốc tế, giúp doanh nghiệp tiếp cận tài chính xanh dễ dàng hơn. Việc này không chỉ hỗ trợ doanh nghiệp chuyển đổi thành công mà còn giúp xây dựng các doanh nghiệp dẫn đầu trong sản xuất và tiêu dùng xanh.
Chuyển đổi xanh là một xu hướng tất yếu, nhưng để thực hiện thành công, cần sự phối hợp giữa doanh nghiệp, Chính phủ và các tổ chức liên quan. Sự hỗ trợ từ các chính sách tài chính, cơ chế khuyến khích và chiến lược phù hợp sẽ giúp doanh nghiệp không chỉ vượt qua các thách thức mà còn tận dụng cơ hội để phát triển bền vững.
Nguyễn Hồng Thu
Trường Đại học Thủ Dầu Một