TS. Nguyễn Minh Phong
Năm 2016, Việt Nam chịu nhiều tác động tiêu cực từ bối cảnh bên ngoài, nổi bật là hạn hán, thiên tai và kinh tế toàn cầu tăng trưởng chậm hơn so với dự báo; tăng trưởng thương mại đạt mức thấp; giá dầu thô thất thường; nhu cầu và giá nông sản giảm mạnh… Tuy vậy, về tổng thể, kinh tế cả nước vẫn tăng trưởng tích cực, các cân đối vĩ mô được bảo đảm, GDP năm 2016 tăng 6,21%, lạm phát thấp, chỉ số CPI tăng 4,74%, thấp hơn mục tiêu 5% của Quốc hội đề ra; xuất siêu trở lại (đạt 2,68 tỷ USD trong năm 2016). Công nghiệp chế biến, chế tạo và dịch vụ, tổng cầu tiêu dùng tăng khá, với doanh số bán lẻ hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng đạt 85,8% GDP so với 77,3% GDP của năm 2015. Tổng nguồn vốn cung ứng cho nền kinh tế tăng 15,1% so với năm 2015, tương đương 170% GDP. Thị trường chứng khoán tăng gần 20% và mức vốn hóa thị trường đạt 38% GDP so với 32,4% năm 2015; đầu tư gián tiếp tăng trên 20%; môi trường kinh doanh tiếp tục được cải thiện...
Đóng góp công sức vào các thành công đó, năm 2016, ngành Ngân hàng đã cơ bản hoàn thành các mục tiêu kế hoạch, kiểm soát lạm phát dưới 5%, ổn định kinh tế vĩ mô, hỗ trợ tăng trưởng kinh tế, đảm bảo an toàn hệ thống; tổng phương tiện thanh toán tăng 16,47%; huy động vốn của các TCTD tăng 16,88%; tăng trưởng tín dụng đạt 16,46%; nâng cao vị thế đồng Việt Nam, tiếp tục giảm tình trạng đô la hóa, vàng hóa trong nền kinh tế; đẩy mạnh việc xử lý nợ xấu theo cơ chế thị trường. Hệ thống các TCTD nói chung đạt tỷ lệ an toàn vốn 13% (mức tối thiểu theo quy định là 9%) và đáp ứng đầy đủ các tỷ lệ về khả năng chi trả và tỷ lệ nguồn vốn ngắn hạn cho vay trung, dài hạn theo quy định của pháp luật; giữ lãi suất cho vay trung dài hạn dưới 10% và nợ xấu còn dưới 3%...
Về tín dụng, các ngân hàng đã có nhiều nỗ lực cải thiện điều kiện tín dụng theo hướng thuận lợi về thủ tục, áp dụng lãi suất cả huy động và cho vay linh hoạt và giảm dần, phù hợp với mục tiêu điều hành chính sách tiền tệ, hướng mạnh và cân đối hơn vào các lĩnh vực sản xuất kinh doanh, nhất là các ngành, lĩnh vực ưu tiên của Chính phủ.
NHNN cũng đã kết thúc thành công và “có hậu” gói tín dụng ưu đãi 30000 tỷ đồng tiền hỗ trợ mua nhà xã hội, bảo đảm giải ngân những khoản vay đã ký theo đúng lãi suất ưu đãi mà người vay đã được hưởng và được cam kết trong hợp đồng vay vốn đã ký.
Đặc biệt, theo chỉ đạo trực tiếp của Thủ tướng Chính phủ tại Hội nghị Xây dựng nền công nghiệp nông nghiệp ngày 18/12 tại TP. Hồ Chí Minh, NHNN sẽ nhanh chóng nghiên cứu, hoàn thiện để sớm ban hành cơ chế thuận lợi về gói tín dụng trị giá 50.000 - 60.000 tỷ đồng và được bố trí tại ít nhất 5 ngân hàng dành cho phát triển nông nghiệp công nghệ cao.
Về lãi suất, năm 2016, NHNN đã khá ráo riết thực hiện đồng bộ các giải pháp giảm lãi suất cho vay, hỗ trợ cho hoạt động sản xuất kinh doanh của nền kinh tế trên tinh thần: Cố gắng giữ nguyên mức lãi suất điều hành, hỗ trợ, giảm bớt áp lực về giới hạn an toàn (các chỉ tiêu an toàn được quy định với thời hạn, lộ trình cụ thể); chỉ đạo các TCTD rà soát, đảm bảo thanh khoản ở các kỳ hạn và tăng trưởng tín dụng một cách hợp lý, giảm bớt áp lực về chênh lệch kỳ hạn; chưa nâng mạnh ngay hệ số rủi ro cho vay bất động sản; giãn lộ trình nâng giới hạn tỷ lệ sử dụng vốn ngắn hạn cho vay trung dài hạn; mở lại tín dụng ngoại tệ. Hoạt động tái cấp vốn qua trái phiếu đặc biệt VAMC cũng góp phần tái tạo nguồn, hỗ trợ thanh khoản và góp phần hạ nhiệt lãi suất. Việc loại trừ được các hoạt động đầu cơ, găm giữ trên thị trường vàng, việc giữ tỷ giá ổn định trong phần lớn thời gian của năm cũng hạn chế được dòng vốn tác động bất lợi đến lãi suất VND. Nhờ vậy, trong 8 tháng đầu năm 2016, lãi suất huy động cơ bản ổn định, có xu hướng tăng nhẹ 0,2 - 0,3% trong giữa tháng 2 đến tháng 3. Từ cuối tháng 4/2016, các NHTM Nhà nước và một số NHTM cổ phần đã giảm 0,5%/năm lãi suất cho vay ngắn hạn, trong đó, đáng ghi nhận là quán triệt Nghị quyết số 35/NQ-CP của Chính phủ về hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp đến năm 2020, Vietcombank, VietinBank, BIDV và SHB... đã công bố áp trần lãi suất cho vay trung dài hạn ở mức 10%/năm; đặc biệt, VCB với lợi thế năng lực vốn và quản trị hiệu quả của mình, cũng như nghiêm túc quán triệt chỉ đạo của NHNN, nên luôn là NHTM có mức giảm và thực hiện lãi suất huy động và cho vay thấp nhất cả hệ thống trong thời gian qua. Lãi suất tiền gửi VND có xu hướng tăng nhẹ trong nửa cuối năm 2016 do các NHTM đẩy mạnh huy động vốn trung và dài hạn nhằm cân đối nguồn vốn trước các quy định sửa đổi của Thông tư 06/2016/TT-NHNN. Hơn nữa, năm 2016, tín dụng ngoại tệ bị hạn chế và tiền gửi doanh nghiệp và cá nhân bằng USD đều về 0%. Điều này đã trực tiếp làm tăng nhu cầu tín dụng quốc gia bằng VND (trong nửa đầu năm 2016, đã tăng 8,11% so với cuối năm 2015, tăng 22,95% so với cùng kỳ năm trước và chiếm 90,8% tổng tín dụng nền kinh tế).
Năm 2016, trước áp lực cân đối ngân sách, khoảng 280.000 tỷ đồng trái phiếu Chính phủ kỳ hạn phổ biến là 5 năm, đã được phát hành thành công với mức lãi suất chỉ khoảng hơn 5%/năm so với mức 6,5%/năm ngoái
Chính sách tỷ giá trung tâm lần đầu được áp dụng từ 4/1/2016 đến nay đang phát huy tác dụng tích cực trong ổn định tỷ giá, cho phép tỷ giá phản ứng linh hoạt, kịp thời hơn với diễn biến trong nước và quốc tế; giảm bớt áp lực bán ngoại tệ can thiệp thị trường và kỳ vọng đầu cơ khác. NHNN công bố tỷ giá trung tâm USD/VND áp dụng ngày 4/1 là 21.896. Đến 16/12, tỷ giá trung tâm là 22.758, với mức trần là 22.808 VND và giá USD bán ra của các NHTM đã tiến gần mức trần biên độ cho phép, phổ biến trong khoảng 22.775 - 22.790, tuy nhiên, chỉ tăng khoảng dưới 1% so với tỷ giá ngày 4/1, mức thấp nhất trong nhiều năm trở lại đây.
Chế độ tỷ giá linh hoạt mới được áp dụng tác động tích cực và cả thêm áp lực quản trị đối với các NHTM và doanh nghiệp. Thị trường tài chính phái sinh, nhất là thị trường quyền chọn, hợp đồng mua - bán ngoại tệ tương lai đang và sẽ phát triển. Một số ngân hàng và doanh nghiệp có thêm kỳ vọng kinh doanh ngoại hối dựa trên mặt bằng cung cầu và giá cả thị trường linh hoạt và biến động mau lẹ hơn; đồng thời, có thể chịu rủi ro tỷ giá cao hơn nếu năng lực phân tích chính sách và phản ứng thị trường chậm được cải thiện, coi nhẹ sử dụng các công cụ phòng ngừa rủi ro tỷ giá. Thậm chí, một số ngân hàng có thể chịu áp lực khó huy động USD mới, trong khi gia tăng áp lực rút tiền gửi USD của các khoản tiền gửi cũ đáo hạn đang được hưởng lãi suất cũ. Việc kiều hối năm 2016 giảm chỉ còn bằng 2/3 năm trước có thể là một tác động mặt trái của chính sách lãi suất tiền gửi USD bằng 0% trong bối cảnh FED đã tăng lãi suất USD thêm 0,25% vào 14/12/2016.
Giá vàng năm 2016, về cơ bản, đã biến động cùng chiều với xu hướng tăng giá vàng thế giới; với điểm mới tích cực là thu hẹp hơn giá vàng trong nước với giá vàng thế giới, thậm chí nhiều lúc thấp hơn giá vàng thế giới tới vài trăm ngàn đồng, so với mức chênh lệch có lúc tới trên 4 - 5 triệu đồng/lượng.
Sự phối hợp đồng bộ giữa chính sách tỷ giá với chính sách lãi suất và thanh tra, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm đối với hoạt động kinh doanh ngoại tệ, quản lý ngoại hối và công tác truyền thông đã góp phần trực tiếp và gián tiếp nâng cao niềm tin vào đồng Việt Nam và giữ ổn định tỷ giá và thị trường ngoại tệ trong năm 2016. Tình trạng đôla hoá và các cơn sốt nóng trên thị trường ngoại hối trong nền kinh tế đang được kiểm soát chặt chẽ hơn. Các nhu cầu ngoại tệ hợp pháp của tổ chức, cá nhân đều được đáp ứng đầy đủ, kịp thời. Dự trữ ngoại hối tăng, có thời điểm vượt 40 tỷ USD, cao nhất trong 30 năm qua.
Lộ trình tái cơ cấu các TCTD đang được tiếp tục triển khai theo kế hoạch, giảm số lượng các TCTD yếu kém và cải thiện từng bước chất lượng, sức cạnh tranh toàn hệ thống và từng tổ chức thành viên. Theo NHNN, tính đến 30/9/2016, tổng tài sản của hệ thống là 8.091.355 tỉ đồng, tăng 10,55% so với cuối năm 2015. Tổng vốn điều lệ là 478.399 tỉ đồng, tăng 2,96% so với cuối năm 2015. Vốn tự có tăng 6,84% so với cuối năm 2015. CAR toàn hệ thống 12,73%, trong đó CAR của nhóm ngân hàng cổ phần là 12,1% và nhóm NHTM Nhà nước là 9,48% (vốn tự có, tỷ lệ CAR đã loại bỏ các tổ chức tín dụng có vốn tự có âm). Tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung, dài hạn cả hệ thống là 34,48%, của nhóm ngân hàng cổ phần là 41,45%, nhóm NHTM Nhà nước là 36,13%, nhóm công ty tài chính và cho thuê tài chính là 52,79%.
Các TCTD từng bước áp dụng chuẩn mực quản trị theo thông lệ quốc tế, hiệu quả hoạt động được nâng lên, chất lượng tín dụng được cải thiện; ổn định tâm lý người gửi tiền, nhà đầu tư. Số liệu giám sát của NHNN và nợ xấu của các TCTD đã được minh bạch và cập nhật đầy đủ hơn. Các TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài đã nghiêm túc chấp hành các quy định về lãi suất huy động, đặc biệt là huy động USD; chủ động tăng dư nợ tín dụng và cung cấp các dịch vụ mới, mở rộng thị phần; đặc biệt, với mức độ tự do hóa dịch vụ tài chính - ngân hàng ngày càng cao theo nội dung AEC và các FTA đang và sẽ triển khai có sự tham gia của Việt Nam, các NHTM đang và sẽ có thêm cơ hội phát triển các dịch vụ ngân hàng và cả áp lực mở rộng và đa dạng hóa sản phẩm, lĩnh vực và quy mô kinh doanh, gia tăng các hoạt động M&A, tìm kiếm các đối tác mới, phù hợp trong và ngoài nước, khu vực, cũng như chủ động có kịch bản, chiến lược, bước đi cụ thể và xây dựng văn hóa kinh doanh dài hạn, chuyên nghiệp, chất lượng và hiệu quả cao hơn.
Sự cộng hưởng và tác động đa chiều của những cơ hội và thách thức trên, tạo xung lực mới cả về chính sách, yêu cầu và về xu hướng thị trường, cũng như cho phép kỳ vọng về những tập đoàn tài chính - ngân hàng Việt Nam có tầm vóc hơn, có tính quốc tế và năng lực cạnh tranh cao, cũng sẽ đậm dần hơn…
Các động thái điều hành của NHNN được Chính phủ và các tổ chức quốc tế ủng hộ và đánh giá cao. Các tổ chức xếp hạng tín nhiệm quốc tế đồng loạt nâng và đánh giá tốt hơn hạng mức của nhiều ngân hàng Việt Nam trong năm 2016. Theo Báo cáo đánh giá về triển vọng ngành Ngân hàng Việt Nam năm 2017 của tổ chức đánh giá xếp hạng quốc tế Fitch Ratings vừa công bố trung tuần tháng 12/2016: Các ngân hàng Việt Nam đã cải thiện hơn tình trạng sức khỏe của mình, đồng tiền ổn định và lạm phát trong ngưỡng an toàn. Cơ cấu tín dụng đã thay đổi theo hướng giảm cho vay đối với các DNNN kém hiệu quả và đẩy mạnh cho vay qua kênh bán lẻ, giúp giảm nhẹ áp lực lên chất lượng tài sản (tỷ lệ tín dụng với DNNN đã giảm xuống còn 15% trong tổng số các khoản vay của 8 ngân hàng lớn ở Việt Nam so với mức 19% vào cuối năm 2011; tỷ trọng tín dụng vào khu vực kinh doanh bán lẻ, hộ gia đình đã tăng lên 36%, so với mức 27% vào cuối năm 2015). Tỷ lệ cho vay/huy động bình quân toàn hệ thống vào cuối tháng 10/2016 là 86,35%. Đây là tỷ lệ hợp lý, và tạo kỳ vọng mức tốt hơn vào năm 2017…!
Bài đăng trên Tạp chí Ngân hàng số 1+2 tháng 1/2017