Lê Minh Hưng
Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng,
Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam
Bước vào năm 2016, kinh tế thế giới và trong nước vẫn phục hồi chậm và tiềm ẩn nhiều yếu tố khó lường, đặt ra nhiều thách thức trong điều hành chính sách tiền tệ (CSTT) và hoạt động ngân hàng. Trên thị trường thế giới, kinh tế các nước phục hồi chậm và không đều; thương mại toàn cầu suy giảm; giá dầu và lương thực tăng trở lại nhưng mức giá bình quân vẫn thấp hơn giai đoạn trước. Fed tiếp tục thắt chặt CSTT, trong khi hầu hết các NHTW khác duy trì nới lỏng tiền tệ nhằm hỗ trợ tăng trưởng kinh tế. Xu hướng này khiến đồng USD thế giới biến động khó lường, tăng mạnh từ đầu tháng 11/2016 sau khi Donald Trump đắc cử tổng thống Mỹ và kỳ vọng Fed tăng lãi suất gia tăng. Ở trong nước, nền kinh tế đối mặt với những thách thức, khó khăn của khu vực nông - lâm - thủy sản dưới tác động của hạn hán, xâm nhập mặn… và của ngành khai khoáng khi giá dầu thế giới vẫn ở mức thấp khiến tăng trưởng kinh tế đạt thấp hơn mức mục tiêu đề ra. Lạm phát có sức ép tăng từ giá thế giới, cân đối ngân sách và xuất khẩu gặp khó khăn, thị trường ngoại tệ chịu sức ép từ diễn biến khó lường trên thị trường quốc tế. Với những khó khăn, thách thức nêu trên, đòi hỏi hệ thống ngân hàng quyết liệt triển khai đồng bộ các giải pháp để đạt mục tiêu CSTT, đồng thời vừa phối hợp chặt chẽ với chính sách tài khóa để hỗ trợ phát hành trái phiếu Chính phủ (TPCP), cũng như hỗ trợ tăng trưởng kinh tế thông qua các giải pháp tiền tệ, tín dụng theo chỉ đạo của Chính phủ.
Nhận thức rõ những khó khăn, thách thức, trên cơ sở bám sát các Nghị quyết của Quốc hội, chỉ đạo của Chính phủ, diễn biến kinh tế vĩ mô, tiền tệ trong nước và quốc tế, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã tổ chức, triển khai hiệu quả CSTT và hoạt động ngân hàng, đạt được các chỉ tiêu định hướng cũng như mục tiêu đề ra từ đầu năm là kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, hỗ trợ tăng trưởng kinh tế ở mức hợp lý. Việc điều hành các công cụ được NHNN thực hiện đồng bộ, linh hoạt, phù hợp với bối cảnh kinh tế vĩ mô và điều kiện thị trường tiền tệ trong từng giai đoạn, đạt được các mục tiêu CSTT. Cụ thể:
Thứ nhất, NHNN đã điều hành đồng bộ các công cụ, giải pháp CSTT để điều tiết tiền tệ hợp lý, đảm bảo các chỉ tiêu tiền tệ, tín dụng tăng theo đúng định hướng đề ra. Lạm phát cả năm tăng 4,74%, đạt mục tiêu kiểm soát ở mức dưới 5% của Quốc hội, trong đó nhờ điều hành CSTT giữ mức lạm phát cơ bản ổn định 1,87%; kết hợp với việc điều chỉnh chủ động giá các mặt hàng Nhà nước quản lý và giá lương thực, thực phẩm. Đây là thành công trong bối cảnh lạm phát có xu hướng gia tăng từ cuối năm 2015, cầu trong nước phục hồi, giá hàng hóa thế giới tăng nhanh trở lại. Trong đó, NHNN đã chủ động cung ứng tiền chủ yếu qua kênh mua ngoại tệ, tăng dự trữ ngoại hối khi cung cầu ngoại tệ diễn biến thuận lợi; linh hoạt chào mua giấy tờ có giá trên thị trường mở để cung cấp thanh khoản dồi dào nhằm giảm lãi suất liên ngân hàng, tạo điều kiện giảm lãi suất thị trường 1 và hỗ trợ ngân sách Nhà nước phát hành thành công TPCP với kỳ hạn dài, khối lượng lớn nhất trong nhiều năm qua. Khi cần hỗ trợ ổn định tỷ giá và kiểm soát tiền tệ theo mục tiêu lạm phát, NHNN hút tiền về qua phát hành tín phiếu NHNN với khối lượng vừa phải không tạo sức ép tăng lãi suất, vẫn hỗ trợ ngân sách Nhà nước phát hành TPCP.
Thứ hai, NHNN đã nỗ lực ổn định lãi suất thị trường, trong bối cảnh lạm phát tăng trở lại, tín dụng tăng ngay từ đầu năm, nhu cầu phát hành TPCP lớn, kỳ hạn dài. NHNN đã chủ động điều tiết tiền tệ, cho phép thanh khoản của hệ thống dư thừa, lãi suất thị trường liên ngân hàng ở mức thấp, qua đó tạo điều kiện ổn định lãi suất huy động, giảm sức ép lên lãi suất cho vay nhưng không gây áp lực tăng lạm phát. Đồng thời, NHNN chỉ đạo các tổ chức tín dụng (TCTD) cân đối vốn để duy trì ổn định lãi suất huy động, tiết giảm chi phí, nâng cao hiệu quả kinh doanh để có điều kiện giảm lãi suất cho vay; điều chỉnh tỷ lệ nguồn vốn ngắn hạn để cho vay trung dài hạn giảm dần theo lộ trình đã góp phần giảm sức ép lên lãi suất đối với các TCTD. Nhờ các biện pháp đồng bộ như trên, mặt bằng lãi suất được giữ ổn định, một số TCTD trên cơ sở cân đối nguồn vốn đã giảm lãi suất cho vay hỗ trợ cho hoạt động sản xuất kinh doanh. Mặt bằng lãi suất sau khi tăng
0,2 - 0,3%/năm trong 3 tháng đầu năm đã ổn định, và từ cuối tháng 9/2016, một số TCTD lớn đã điều chỉnh giảm 0,3 - 0,5%/năm lãi suất huy động và khoảng 0,5 - 1%/năm lãi suất cho vay. Hiện lãi suất cho vay phổ biến 6 -
9%/năm đối với ngắn hạn; 9 - 11%/năm đối với trung và dài hạn; đối với nhóm khách hàng tốt,lãi suất cho vay ngắn hạn từ 4 - 5%/năm. Thị trường tiền tệ ổn định, lãi suất không còn là công cụ để cạnh tranh, lôi kéo khách hàng; mặc dù NHNN không còn áp dụng trần lãi suất huy động với kỳ hạn từ 6 tháng trở lên nhưng mặt bằng lãi suất vẫn ổn định, đường cong lãi suất hình thành rõ nét, tạo điều kiện cho các TCTD cải thiện cân đối vốn.
Thứ ba, tỷ giá và thị trường ngoại hối diễn biến tương đối ổn định là kết quả được ghi nhận trong bối cảnh thị trường tài chính thế giới biến động hết sức phức tạp, khó lường với một loạt sự kiện ngoài dự kiến như cuộc trưng cầu ý dân Brexit ở Anh và, sự kiện ông Donald Trump đắc cử Tổng thống Mỹ và cả việc Fed tiếp tục tăng lãi suất tháng 12/2016. Từ đầu năm 2016, NHNN chuyển sang điều hành theo tỷ giá trung tâm, theo đó, NHNN công bố tỷ giá trung tâm biến động linh hoạt hàng ngày theo sát diễn biến thị trường trong, ngoài nước qua đó đã hỗ trợ thị trường ngoại tệ diễn biến ổn định, tỷ giá giao dịch liên ngân hàng phù hợp với diễn biến tiền tệ, kinh tế vĩ mô, NHNN mua được lượng lớn ngoại tệ bổ sung cho dự trữ ngoại hối. Từ giữa tháng 11/2016, tỷ giá tăng nhanh do tác động tâm lý từ việc đồng USD tăng giá mạnh trên thị trường quốc tế sau khi ông Donald Trump đắc cử Tổng thống Mỹ, nhập siêu quay trở lại, các TCTD chuyển sang bán ròng ngoại tệ. Trước tình hình đó, NHNN đã triển khai đồng bộ các giải pháp điều hành như tăng cường truyền thông để ổn định tâm lý thị trường, tăng khối lượng phát hành tín phiếu NHNN, nâng lãi suất phát hành ở mức vừa phải, giữ kỳ hạn tín phiếu ngắn để không gây áp lực tăng lãi suất trên thị trường 1. Nhờ vậy, tỷ giá và thị trường ngoại tệ nhanh chóng ổn định trở lại, mức tăng của tỷ giá phù hợp với diễn biến trong nước và quốc tế, tính chung cả năm tỷ giá VND/USD tăng khoảng 1,1 - 1,2% so với đầu năm trong khi các đồng tiền châu Á khác biến động mạnh. Như vậy, với việc kiên định mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, phối hợp hài hòa, chặt chẽ trong điều hành giữa lãi suất, tỷ giá và được hỗ trợ từ cách thức điều hành tỷ giá mới, thông tin tuyên truyền đầy đủ, tỷ giá và thị trường ngoại tệ diễn biến ổn định, thanh khoản đảm bảo, các nhu cầu mua ngoại tệ hợp pháp, hợp lý được đáp ứng đầy đủ, tình trạng đô la hóa tiếp tục được đẩy lùi, dự trữ ngoại hối Nhà nước được củng cố.
Thứ tư, tín dụng tăng trưởng đúng định hướng đề ra từ đầu năm, cơ cấu tín dụng tích cực, đúng chủ trương mở rộng tín dụng đi đôi với an toàn, chất lượng. Để hỗ trợ cho tăng trưởng kinh tế và kiểm soát lạm phát theo mục tiêu của Quốc hội đề ra, NHNN đã đưa ra định hướng tăng trưởng tín dụng cả năm 2016 khoảng 18 - 20% và thông báo mức tăng trưởng tín dụng đến từng TCTD để thực hiện, đồng thời theo dõi sát diễn biến tín dụng của toàn hệ thống và của từng TCTD để có biện pháp xử lý phù hợp. Trong điều hành, NHNN hỗ trợ thanh khoản cho các TCTD để có điều kiện cung ứng vốn tín dụng kịp thời, đầy đủ cho nền kinh tế; cho phép các TCTD được tự xem xét, quyết định cho vay bằng ngoại tệ trở lại đối với nhu cầu vốn ngắn hạn trong nước nhằm thực hiện phương án sản xuất kinh doanh hàng hóa xuất khẩu đến hết năm 2016. Đồng thời, chỉ đạo các TCTD triển khai các chương trình cho vay với lãi suất ưu đãi, phối hợp chặt chẽ với chính quyền địa phương triển khai chương trình kết nối ngân hàng - doanh nghiệp, nâng cao khả năng tiếp cận vốn cho doanh nghiệp. Để đảm bảo chất lượng tín dụng, NHNN giám sát chặt chẽ và cảnh báo TCTD có quy mô và tốc độ tăng trưởng tín dụng cao nhất là tín dụng đối với một số ngành, lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro.
Nhờ vậy, tăng trưởng tín dụng đạt được chỉ tiêu định hướng đã đề ra từ đầu năm, phù hợp với tình hình thị trường và tập trung chủ yếu vào các lĩnh vực sản xuất, kinh doanh; tín dụng ngoại tệ tăng trưởng hợp lý, phù hợp với chủ trương chống đô la hóa của Chính phủ. Các chương trình, chính sách tín dụng ngành, lĩnh vực, người nghèo và các đối tượng chính sách khác theo chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ tiếp tục được hệ thống ngân hàng đẩy mạnh triển khai, đóng góp tích cực cho nền kinh tế.
Thứ năm, thị trường vàng tiếp tục được tổ chức, sắp xếp lại một cách căn bản theo đúng chủ trương của Đảng, Nhà nước và diễn biến tương đối ổn định, hạn chế tác động bất lợi của giá vàng trong nước đến tỷ giá, thị trường ngoại hối và kinh tế vĩ mô. Thị trường cơ bản ổn định và tự điều tiết tốt thể hiện qua giá vàng trong nước bám sát, nhiều thời điểm ngang bằng hoặc thấp hơn giá quốc tế, NHNN không phải bán vàng để bình ổn thị trường; tình trạng “vàng hóa” trong nền kinh tế đã được đẩy lùi, một phần nguồn vốn nhàn rỗi bằng vàng trong nền kinh tế đã được chuyển hóa thành tiền phục vụ phát triển kinh tế - xã hội. Trong giai đoạn cuối tháng 6, đầu tháng 7/2016, giá vàng trong nước có xu hướng tăng nhanh hơn giá vàng quốc tế do yếu tố tâm lý trước giá vàng thế giới tăng mạnh sau sự kiện Brexit. Tuy nhiên, sau khi NHNN kịp thời triển khai công tác truyền thông, đăng tải thông điệp sẵn sàng triển khai các giải pháp và có đủ nguồn lực để can thiệp bình ổn thị trường vàng khi cần thiết, giá vàng trong nước đã giảm nhanh và ổn định trở lại.
Như vậy, năm 2016, trong bối cảnh còn nhiều khó khăn, thách thức, CSTT đã có đóng góp quan trọng trong việc kiểm soát lạm phát cơ bản ở mức ổn định, ổn định kinh tế vĩ mô, hỗ trợ tăng trưởng kinh tế ở mức hợp lý; đồng thời việc điều hành các công cụ và giải pháp CSTT của NHNN là đồng bộ, phù hợp với bối cảnh và mục tiêu.
Năm 2017, trên cơ sở đánh giá tình hình kinh tế vĩ mô thế giới và trong nước, Quốc hội đã xác định mục tiêu trong năm 2017 là kiểm soát lạm phát bình quân ở mức khoảng 4%, tăng trưởng kinh tế khoảng 6,7%. Đây là nhiệm vụ không dễ thực hiện trong bối cảnh kinh tế thế giới dự báo tiếp tục diễn biến phức tạp, những biến động khó lường của thị trường quốc tế với việc Fed tăng lãi suất, thay đổi chính sách kinh tế của Mỹ có thể tác động không thuận lợi đến kinh tế các nước, đồng CNY diễn biến phức tạp gây áp lực đến thị trường tiền tệ, ngoại hối. Kinh tế trong nước cũng còn nhiều khó khăn trong việc thực hiện mục tiêu tăng trưởng 6,7%, lạm phát chịu sức ép tăng từ giá thế giới và tiếp tục lộ trình điều chỉnh giá Nhà nước quản lý, với áp lực về lạm phát và kỳ vọng lạm phát, cầu vốn cho tăng trưởng kinh tế thì việc điều hành CSTT để giữ ổn định lãi suất trong năm 2017 là rất khó khăn. Điều này cho thấy áp lực sẽ dồn nhiều hơn lên chính sách tiền tệ trong năm 2017 để đạt được mục tiêu vĩ mô.
Với quyết tâm thực hiện thành công mục tiêu đặt ra cho cả giai đoạn 2016 - 2020, NHNN khẳng định sẽ tiếp tục kiên định với mục tiêu kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, hỗ trợ tăng trưởng kinh tế ở mức hợp lý. Các trọng tâm lớn trong điều hành CSTT và hoạt động ngân hàng năm 2017 là:
- Thứ nhất, tiếp tục thực hiện linh hoạt các công cụ CSTT nhằm ổn định thị trường tiền tệ, bảo đảm thanh khoản hệ thống, cung ứng vốn có hiệu quả cho nền kinh tế, hỗ trợ ổn định tỷ giá, tạo điều kiện tăng dự trữ ngoại hối Nhà nước phù hợp với điều kiện thực tế và kiểm soát lạm phát.
- Thứ hai, toàn hệ thống ngân hàng sẽ tiếp tục thực hiện các giải pháp về tín dụng, lãi suất để tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh. Trong năm 2017, mặt bằng lãi suất chịu áp lực tăng do lạm phát kỳ vọng cao và nhu cầu vốn của nền kinh tế tăng, lãi suất quốc tế gia tăng, do đó NHNN tiếp tục thực hiện các giải pháp điều hành nhằm phấn đấu ổn định lãi suất để hỗ trợ sản xuất kinh doanh.
- Thứ ba, tập trung tín dụng vào lĩnh vực ưu tiên theo chủ trương của Chính phủ; kiểm soát tín dụng ở một số ngành, lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro. Triển khai có hiệu quả các chương trình tín dụng đối với ngành, lĩnh vực, tín dụng chính sách theo chủ trương của Chính phủ, kịp thời xử lý khó khăn, vướng mắc trong hoạt động tín dụng. Trên cơ sở rà soát đánh giá tình hình tín dụng năm 2016, NHNN sẽ định hướng tăng trưởng tín dụng trong cả năm 2017 ở mức khoảng 18% và NHNN sẽ thực hiện các biện pháp kiểm soát tăng trưởng tín dụng theo chỉ tiêu định hướng, phù hợp với mục tiêu điều hành CSTT, đảm bảo tăng trưởng tín dụng an toàn, hiệu quả, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp tiếp cận tín dụng.
- NHNN tiếp tục bám sát diễn biến thị trường trong nước và quốc tế, các cân đối vĩ mô, tiền tệ và mục tiêu CSTT, triển khai đồng bộ các giải pháp nhằm ổn định tỷ giá và thị trường ngoại tệ; tiếp tục thực hiện quản lý thị trường vàng, đảm bảo thị trường vàng diễn biến ổn định.
Những khó khăn, thách thức đặt ra cho ngành Ngân hàng trong năm 2017 cũng như những năm tiếp theo còn rất lớn, song với kết quả đạt được trong năm qua và niềm tin mà Đảng, Nhà nước và nhân dân đã dành cho ngành Ngân hàng, NHNN vững tin sẽ phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành, địa phương hoàn thành tốt nhiệm vụ Đảng, Nhà nước, Chính phủ giao trong năm 2017.
Nguồn: Tạp chí Ngân hàng số 1+2 năm 2017