Tái cơ cấu hệ thống ngân hàng là một trong ba nhiệm vụ trọng tâm của tái cơ cấu kinh tế của Đảng và Nhà nước Việt Nam hiện nay. Ngoài việc tiến hành nhiều giải pháp đồng bộ, đẩy mạnh hoạt động mua bán và sáp nhập (M&A) ngân hàng là một trong những lựa chọn hàng đầu nhằm cơ cấu lại ngành ngân hàng Việt Nam.
Kể từ năm 2011 đến nay, hệ thống ngân hàng Việt Nam đã thực hiện được nhiều thương vụ M&A ngân hàng. Một số ngân hàng nhỏ, sức cạnh tranh yếu, rủi ro trong hoạt động kinh doanh, đứng bên bờ vực phá sản, đã được mua lại bởi các định chế tài chính có tiềm lực, mạnh về tài chính, trình độ quản lý; hoặc được sáp nhập lại để tăng cường sức mạnh về tài chính, nguồn nhân lực. Trên cơ sở kế thừa, tận dụng các lợi thế của các đối tác trong thương vụ, M&A góp phần hỗ trợ các ngân hàng thực hiện chiến lược đa dạng hóa sản phẩm dịch vụ, mở rộng thị trường, nâng cao năng lực tài chính, công nghệ, năng lực cạnh tranh, phát triển nguồn nhân lực... Theo đó, hệ thống ngân hàng dần được lành mạnh hóa hoạt động, giảm rủi ro trong kinh doanh hướng đến hoạt động an toàn và tuân thủ các quy định theo chuẩn quốc tế.
Bên cạnh những kết quả đã đạt được trong giai đoạn vừa qua, quá trình M&A của hệ thống NHTM tại Việt Nam bộc lộ rõ nhiều bất cập từ bên trong nội tại mỗi ngân hàng và từ môi trường chính sách, pháp luật...
Từ mục tiêu nghiên cứu, phân tích thực trạng hoạt động M&A để phát hiện những khó khăn mà các NHTM Việt Nam phải đối mặt, bài viết đưa ra một số giải pháp khắc phục nhằm hoàn thiện hơn hoạt động M&A tại Việt Nam.
1. Khái quát về huy động M&A
Thuật ngữ M&A ‑ Merger and Acquisitions được hiểu trong tiếng Việt theo nhiều nghĩa khác nhau như: Mua bán và sáp nhập, mua lại và sáp nhập, hợp nhất và mua lại... Khái niệm M&A ngân hàng được đề cập đến ở nhiều tài liệu khác nhau như: Luật Cạnh tranh số 23/2018/QH14 Điều 29, sáp nhập ngân hàng được hiểu là việc một hoặc một số ngân hàng chuyển toàn bộ tài sản, quyền, nghĩa vụ và lợi ích hợp pháp của mình sang một ngân hàng khác, đồng thời chấm dứt hoạt động kinh doanh hoặc sự tồn tại của ngân hàng bị sáp nhập; Mua lại ngân hàng là việc một ngân hàng trực tiếp hoặc gián tiếp mua toàn bộ hoặc một phần vốn góp, tài sản của ngân hàng khác đủ để kiểm soát, chi phối ngân hàng bị mua lại.
Theo Điều 91 Luật cạnh tranh Canada (bản sửa đổi năm 1985) M&A ngân hàng được hiểu là mua lại hoặc thiết lập, trực tiếp hay gián tiếp bởi một hay nhiều ngân hàng bằng cách mua hay thuê mua cổ phần, tài sản, kiểm soát toàn bộ hay một phần hoạt động kinh doanh của một ngân hàng bằng cách kết hợp, liên kết hoặc bằng hình thức khác...
Như vậy, có thể hiểu M&A ngân hàng là việc một ngân hàng nhận lại và dành quyền kiểm soát, chi phối một phần hay toàn bộ tài sản, quyền, nghĩa vụ của một hay nhiều ngân hàng khác thông qua việc đàm phán trao đổi hoặc mua lại.
Hoàn tất một thương vụ M&A ngân hàng đòi hỏi thực hiện qua một quá trình với 07 bước như sau: (1) Xây dựng chiến lược M&A, theo đó, các nhà quản trị ngân hàng cần xác định mục tiêu, ý tưởng rõ ràng, những mong đợi nhận được từ việc M&A; (2) Xác định tiêu chí đối với đối tác M&A; (3) Lập kế hoạch: Thực hiện chi tiết, cụ thể từ khâu đầu là xác định các đối tác để tiếp cận, thu thập thông tin, số liệu, chuẩn bị các vấn đề pháp lý, con người thực hiện (thành lập các Tổ, Ban liên quan để thực hiện), thời gian, nội dung phân tích định giá, đàm phán, chuẩn bị nguồn vốn…; (4) Thẩm định; (5) Lập và ký kết hợp đồng; (6) Xuất vốn; (7) Kết thúc.
Mục tiêu của việc mua bán sáp nhập NHTM là hỗ trợ ngân hàng nâng cao nguồn lực thực hiện chiến lược đa dạng hóa, sản phẩm dịch vụ tài chính, mở rộng thị phần, nâng cao năng lực tài chính, công nghệ, năng lực cạnh tranh, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực đối với một số ngân hàng nhỏ, sức cạnh tranh yếu, rủi ro trong hoạt động kinh doanh được mua lại bởi các định chế tài chính có tiềm lực, mạnh về tài chính, trình độ quản lý; hoặc tăng cường sức mạnh về tài chính, nguồn nhân lực, thương hiệu…
2. Thực trạng hoạt động M&A tại Việt Nam
Với chính sách tiền tệ nới lỏng, từ năm 2005-2009 là giai đoạn phát triển bùng nổ các ngân hàng thương mại (NHTM) tại Việt Nam. Đến cuối giai đoạn này, tổng số NHTM Việt Nam lên đến 42 ngân hàng. Nhiều NHTM được thành lập với quy mô nhỏ, đã gặp khó khăn trong hoạt động huy động vốn, cho vay, dẫn đến tình trạng buộc phải nâng cao lãi suất huy động, tăng vốn huy động từ thị trường cho vay dưới chuẩn… dẫn đến hậu quả tất yếu là tỷ lệ nợ xấu của các TCTD tăng cao, thanh khoản của hệ thống bất ổn… Cùng vào thời điểm đó, cơn bão khủng hoảng tài chính ngân hàng thế giới năm 2010 tràn qua, làm những cây non trong hệ thống NHTM Việt Nam gãy cành, bật rễ. Làn sóng du nhập các ngân hàng ngoại trong xu thế hội nhập kinh tế quốc tế vừa là cơ hội, vừa là thách thức, tạo môi trường cạnh tranh khốc liệt đối với hệ thống ngân hàng Việt Nam. Thêm vào đó, nhu cầu về dịch vụ ngân hàng hiện đại ngày càng gia tăng đã làm hệ thống ngân hàng nội địa bộc lộ nhiều hạn chế. Đặc biệt, đối với những ngân hàng có vốn nhỏ lẻ, sức cạnh tranh yếu ớt; trình độ quản lý non kém; hoạt động kinh doanh manh mún; công nghệ nghèo nàn lạc hậu; chất lượng sản phẩm dịch vụ còn khoảng cách quá xa so với dịch vụ ngân hàng hiện đại trên thế giới… Hệ quả tất yếu là nhiều ngân hàng phải đối mặt với những rủi ro lớn, đứng bên bờ vực phá sản. Đây là nguyên nhân tiềm ẩn dẫn đến nguy cơ gây ra đổ vỡ hệ thống...
Sau hơn hai thập kỷ thực hiện M&A, hệ thống ngân hàng vẫn tiềm ẩn những vấn đề đáng lo ngại về sở hữu chéo, nợ xấu ở mức cao cũng như năng lực tài chính của một số NHTM vẫn ở mức kém. Làm thế nào để M&A thực sự là giải pháp giúp các NHTM đạt được mục tiêu đề ra trong bối cảnh hành lang pháp lý chưa hoàn thiện, nền kinh tế còn nhiều khó khăn? Câu trả lời vẫn còn để ngỏ.
Trước thách thức đó, từ năm 2011, Chính phủ đã thực hiện Đề án tái cơ cấu hệ thống tổ chức tín dụng (TCTD) giai đoạn 2011-2015 (Đề án 254) và Chiến lược phát triển ngành Ngân hàng Việt Nam đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 theo Quyết định 986/QĐ-TTg ngày 08/8/2018. Theo đó, các NHTM tiếp tục được cơ cấu lại gắn với trọng tâm là xử lý căn bản, triệt để nợ xấu và các tổ chức tín dụng yếu kém bằng các hình thức phù hợp theo cơ chế thị trường…, giảm số lượng tổ chức tín dụng yếu kém để có số lượng các tổ chức tín dụng phù hợp, hoạt động lành mạnh. Một trong nhiều giải pháp đồng bộ đó là đẩy mạnh hoạt động mua lại và sáp nhập ngân hàng. Đây là một trong những lựa chọn hàng đầu nhằm cơ cấu lại ngành Ngân hàng Việt Nam.
Kể từ năm 1997 đến nay, hệ thống Ngân hàng Việt Nam đã thực hiện được các thương vụ M&A ngân hàng theo danh sách sau: (Bảng)
Sau 22 năm thực hiện M&A, đến 31/10/2019 hệ thống NHTM Việt Nam còn: 04 NHTM TNHH MTV do Nhà nước làm chủ sở hữu, 31 NHTM CP (giảm 20 ngân hàng so với năm 1997), 61 ngân hàng 100% vốn nước ngoài và chi nhánh, văn phòng đại diện ngân hàng nước ngoài, 02 ngân hàng liên doanh. Mặc dù gia tăng số lượng thương vụ M&A nhưng theo chuyên gia của WB nhận định mục tiêu giảm tổng số lượng ngân hàng thương mại Việt Nam xuống 15 - 17 ngân hàng vào năm 2017 thực sự là một thách thức.
Nhìn lại các thương vụ, mua bán, sáp nhập các NHTM tại Việt Nam trong thời gian qua còn khá khiêm tốn so với tiềm năng của thị trường. Bên cạnh đó, có tới 06/32 thương vụ nhà đầu tư thoái vốn. Đánh giá về nguyên nhân thị trường M&A Việt Nam trong thời gian qua còn kém sôi động, một số chuyên gia kinh tế cho rằng: Không phải vì thị trường M&A ngân hàng Việt Nam kém hấp dẫn mà do đa phần nhà đầu tư ngoại đến từ châu Âu khi đầu tư vào ngân hàng Việt đều nhằm mục đích kiếm lời trong ngắn hạn. Do đó, việc các đối tác này chốt lời hay tái cơ cấu danh mục đầu tư là dễ hiểu (Tác giả Thùy Liên - baodautu.vn); Theo TS. Lê Xuân Nghĩa, chuyên gia tài chính - ngân hàng cho rằng, nguyên nhân chính khiến thị trường M&A thời gian qua trầm lắng là do trong nước thiếu vắng những nhà đầu tư nội có tiềm lực tài chính. Ngoài ra, theo quy định tại Thông tư 39/2016/TT-NHNN của Ngân hàng Nhà nước, các ngân hàng thương mại không được vay tiền để mua cổ phần của ngân hàng khác như giai đoạn trước. Thêm vào đó, việc NHNN đưa ra những biện pháp mạnh nhằm xóa bỏ tình trạng sở hữu chéo cũng là một nguyên nhân dẫn đến hoạt động M&A im ắng trong thời gian qua.
Đứng trước yêu cầu giảm tỷ lệ sở hữu tại các ngân hàng quốc doanh theo Chiến lược Phát triển ngành Ngân hàng Việt Nam đến năm 2025, định hướng đến 2030; đứng trước xu thế áp lực cạnh tranh toàn cầu ngày càng trở nên gay gắt, áp lực buộc phải tuân thủ chuẩn mực vốn của Basel II từ nay đến năm 2020, các NHTM buộc phải tính đến bài toán M&A trong thời gian tới. Do vậy, thị trường M&A ngân hàng Việt Nam được dự đoán sẽ trở nên sôi động hơn.
3. Một số khó khăn trong M&A ngân hàng tại Việt Nam
3.1. Khó khăn từ phía các NHTM
Một là, các nhà quản trị NHTM, các cơ quan quản lý còn nhiều hạn chế trong lĩnh vực M&A.
Để thực hiện M&A, mỗi ngân hàng đều xây dựng chiến lược kinh doanh riêng nhằm phát triển phù hợp với đặc điểm, định hướng trọng hoạt động kinh doanh và đối tượng khách hàng, đây là bước đầu tiên trong quá trình M&A. Song chiến lược đó có đạt được hiệu quả hay không lại phụ thuộc vào nhiều yếu tố (bao gồm cả yếu tố chủ quan và khách quan). Trong khi đó, quản trị và điều hành hoạt động kinh doanh được coi là hạn chế của đa số NHTM Việt Nam trong bối cảnh hội nhập quốc tế, đặc biệt là các ngân hàng có quy mô nhỏ. Các NHTM thường lúng túng trong việc hoạch định chiến lược M&A, trong việc định hướng, xác định mục tiêu dẫn đến lúng túng trong việc lựa chọn đối tác phù hợp… Bên cạnh đó, việc xác định giá trị thương hiệu, giá trị hữu hình của ngân hàng cũng đòi hỏi việc am hiểu về thị trường, về quy luật cung cầu, về các yếu tố tác động đến việc định giá… đây là những điểm còn thiếu hụt của các nhiều nhà quản trị ngân hàng.
Hai là, tình trạng báo cáo tài chính và công bố thông tin chưa minh bạch.
Tình trạng vi phạm hành chính về công bố và minh bạch thông tin tại các doanh nghiệp nói chung và các NHTM nói riêng Việt Nam vẫn tồn tại khá phổ biến. Theo thống kê của UBCK NN, trong năm 2018, có 397 trường hợp vi phạm của 129 tổ chức và 268 cá nhân, trong đó, xử phạt 9 cá nhân có hành vi thao túng, tạo cung cầu giả, buộc cải chính thông tin đối với 3 trường hợp báo cáo không chính xác hoặc công bố thông tin sai lệch. Số lượng vi phạm về báo cáo và công bố thông tin luôn chiếm trên 50% tổng số vi phạm bị xử phạt. Đây là lý do làm cho các đối tác không yên tâm trong việc đưa ra quyết định M&A.
Bên cạnh đó, bản thân các ngân hàng cũng có nhiều giải pháp để tái cấu trúc, Do đứng giữa ngã ba đường, nên nhiều ngân hàng đã không thiện chí khi cung cấp thông tin tài chính cho đối tác. Hơn nữa, vì lợi ích của cổ đông ngân hàng mình mà các ngân hàng đôi khi đã cung cấp thông tin tài chính (nợ xấu thực tế) không chính xác cho đối tác. Điều này đôi khi làm cản trở quá trình sáp nhập và gây mất lòng tin giữa các ngân hàng đang dự định lựa chọn để thực hiện M&A.
Ba là, khó khăn trong việc tìm kiếm đối tác sáp nhập
Mặc dù Chính phủ khuyến khích các ngân hàng vừa và nhỏ tiến hành M&A, nhưng không phải ngân hàng nào cũng “may mắn” tìm kiếm được đối tác phù hợp. Bởi một số lý do sau: Chất lượng hoạt động của nhiều ngân hàng nhỏ còn yếu, trong khi các nhà đầu tư cả trong nước và nước ngoài quan tâm đến các ngân hàng có quy mô lớn, còn tiềm năng phát triển; sự chênh lệch khá lớn về tầm nhìn, năng lực quản trị, năng lực tài chính; những vướng mắc về thủ tục pháp lý cho nhà đầu tư nước ngoài tham gia thị trường nội; thiếu thông tin trong hoạt động quản trị...
Bốn là, khó khăn trong việc tích hợp công nghệ thông tin
Hệ thống ngân hàng Việt Nam hiện đang sử dụng rất nhiều hệ thống core banking khác nhau, như: T24, I-flex, TCBS… Khi các ngân hàng sáp nhập với nhau, ngoài việc kết hợp hệ thống cơ sở hạ tầng, nhân sự…, thì việc tích hợp hệ thống công nghệ là một vấn đề vô cùng quan trọng. Để vận hành một hệ thống core banking mới, các ngân hàng đều tốn khoảng thời gian nhất định. Do đó, trong khoảng thời gian đầu sáp nhập, hệ thống khách hàng hiện hữu của ngân hàng bị sáp nhập sẽ vẫn được quản lý dưới hệ thống core banking cũ. Việc này chắc chắn sẽ gây khó khăn cho các nhà quản lý trong việc quản trị và điều hành ngân hàng do cùng lúc quản lý, ứng dụng hai hệ thống công nghệ.
Năm là, những bất ổn về nhân sự
Việc sáp nhập các NHTM với nhau luôn có sự khấp khểnh về văn hóa quản trị, điều hành, văn hóa kinh doanh… Sự khác biệt này là căn nguyên của những mâu thuẫn về mục tiêu, tầm nhìn của các lãnh đạo. Bên cạnh đó, sự khác biệt về văn hóa cũng dẫn đến những mâu thuẫn không nhỏ từ đội ngũ làm công tác quản trị điều hành cho đến lãnh đạo các bộ phận và trong tác nghiệp của các nhân viên. Những xáo trộn và những bất ổn trong bản thân đội ngũ nhân sự trước, trong và sau khi sáp nhập có ảnh hưởng không nhỏ tới hiệu quả hoạt động kinh doanh của các ngân hàng.
3.2. Khó khăn từ phía môi trường M&A
Một là, chưa hoàn thiện hệ thống pháp lý cho hoạt động M&A
Quy định về hoạt động M&A ngân hàng được điều chỉnh tại nhiều văn bản quy phạm pháp luật khác nhau như: Xét ở góc độ quyền của doanh nghiệp, các quy định pháp luật của Việt Nam đã công nhận quyền thực hiện giao dịch M&A của nhà đầu tư, như: Luật Đầu tư, Luật Doanh nghiệp, Luật Chứng khoán, Bộ luật Dân sự, Luật Các Tổ chức tín dụng... Tuy nhiên, Việc quy định phân tán và không cụ thể trong nhiều văn bản quy phạm khác nhau đã làm các doanh nghiệp khó vận dụng vào hoạt động mua bán và sáp nhập trong lĩnh vực hoạt động của mình, đặc biệt là các ngân hàng thương mại.
Một trong những vấn đề gây nhiều vướng mắc cho hoạt động M&A ngân hàng tại Việt Nam là thiếu một khung pháp lý chuẩn là cơ sở xác lập giao dịch, địa vị của bên mua, bên bán, hậu quả pháp lý sau khi kết thúc giao dịch. Thêm vào đó, mục tiêu điều chỉnh hoạt động mua bán và sáp nhập doanh nghiệp trong các văn bản quy phạm pháp luật khác nhau cũng không giống nhau. Ví dụ: hoạt động sáp nhập, mua lại doanh nghiệp được đề cập đến như một hình thức tập trung kinh tế thông qua những quy định tại Khoản 1, 2 Ðiều 17 Luật Cạnh tranh 2004 và Khoản 1,2 Điều 29 Luật cạnh tranh 2018 tại; Luật Doanh nghiệp 2005 không đề cập đến hoạt động mua lại doanh nghiệp nói chung mà chỉ quy định việc bán doanh nghiệp tư nhân (Ðiều 145) và xem xét sáp nhập, hợp nhất doanh nghiệp như là hình thức tổ chức lại doanh nghiệp xuất phát từ nhu cầu tự nguyện của doanh nghiệp (Ðiều 152 và 153); Luật Ðầu tư 2005 coi việc sáp nhập và mua lại doanh nghiệp như một trong các hình thức đầu tư trực tiếp (Ðiều 21). Trong lĩnh vực ngân hàng, Ngân hàng Nhà nước đã ban hành Thông tư số 04/2010/TT-NHNN ngày 11/02/2010 hướng dẫn về hoạt động sáp nhập, hợp nhất, mua lại tổ chức tín dụng. Đến nay, Thông tư số 04 đã bộc lộ nhiều hạn chế, bất cập (theo LS. Nguyễn Văn Phương và Nguyễn Cao Khôi - Cần sớm hoàn thiện văn bản pháp luật về M&A ngân hàng). Đặc biệt, đến nay, chưa có quy định cụ thể nào hướng dẫn ngân hàng xử lý các giao dịch của người gửi và người vay sau khi sáp nhập được tiến hành, mà vẫn đảm bảo quyền lợi của các bên có liên quan.
Mặt khác, với hệ thống văn bản pháp luật hiện có cũng gây khó khăn rất lớn cho các cơ quan quản lý nhà nước trong việc kiểm soát hoạt động M&A ngân hàng.
Hai là, công tác truyền thông trong hoạt động M&A còn hạn chế
Công tác truyền thông có vai trò “chiếc cầu nối” của các ngân hàng thực hiện M&A. Truyền thông là một kênh gọi vốn, tìm kiếm, trao đổi thông tin liên quan đến các thương vụ, các đối tác… Tuy nhiên, hoạt động truyền thông hiện nay chưa thực sự hỗ trợ cho các bên tham gia mua bán, sáp nhập trong việc cung cấp thông tin, hướng dẫn, trao đổi, chia sẻ thông tin… Ở một góc nhìn khác - định vị thương hiệu sau M&A ngân hàng là một quá trình tìm ra điểm đặc trưng/ khác biệt của thương hiệu so với đối thủ cạnh tranh. Vậy sau khi M&A, khi các thương hiệu sẽ/ đã sáp nhập, sẽ phải định vị như thế nào trong tâm trí khách hàng? Câu trả lời dành cho truyền thông. Tuy nhiên, đến nay, hoạt động này còn yếu ớt trong việc hỗ trợ cho các ngân hàng cũng như cộng đồng nhận biết về hoạt động M&A...
Ba là, khó khăn khi các nhà đầu tư muốn nắm tỷ lệ chi phối để có thể chủ động trong các hoạt động kinh doanh
Đối với một số NHTM, Nhà nước còn nắm giữ tỷ lệ cổ phần ở mức cao. Điều này sẽ là rào cản để các nhà đâu tư muốn năm tỷ lệ chi phối để có thể chủ động trong các hoạt động kinh doanh.
Bốn là, về niềm tin của khách hàng
Hoạt động kinh doanh chủ yếu của ngân hàng dựa vào uy tín và niềm tin. Mọi biến động đều có thể ảnh hưởng trực tiếp đến niềm tin của khách hàng. Vì thế, ngân hàng mới sau M&A sẽ có sự gia tăng về số lượng khách hàng. Song, điều đó chỉ đúng trên sổ sách tại thời điểm sáp nhập. Sau thời gian đó, ngân hàng có duy trì được cơ sở khách hàng này hay không còn phụ thuộc vào việc xử lý các vấn đề lợi ích liên quan đến khách hàng hiện hữu. Bởi lẽ, quy mô khách hàng phụ thuộc rất nhiều vào hình ảnh, thương hiệu mà ngân hàng mới tạo dựng. Đối với một ngân hàng mới thì đây là một rào cản không nhỏ khi tiến hành hợp nhất, sáp nhập.
4. Một số giải pháp phát triển hoạt động M&A ngân hàng
Thứ nhất, cần tăng cường nâng cao kiến thức, kỹ năng xây dựng chiến lược, tầm nhìn trong hoạt động quản trị, điều hành của các ngân hàng hiện đại cho đội ngũ lãnh đạo cấp cao tại các NHTM Việt Nam. Bên cạnh đó, cần trang bị những kiến thức pháp luật, những quy ước quốc tế trong hoạt động M&A; trang bị những kỹ năng phân tích, đánh giá hiệu quả hoạt động M&A qua mỗi thương vụ để rút ra kinh nghiệm, bài học cho ngân hàng như: Quy trình thực hiện; những vướng mắc cần tháo gỡ; những thách thức; nhận thức được điểm mạnh, điểm yếu của ngân hàng mình trong thời kỳ hội nhập; xây dựng các kịch bản hợp tác phát triển và cùng có lợi khi đàm phán, thương thảo các thương vụ M&A ngân hàng...
Các tổ chức nhà nước cần xây dựng các chương trình đào tạo, mời chuyên gia giàu kinh nghiệm trên thế giới hỗ trợ các NHTM trong việc xây dựng hình ảnh, thương hiệu, truyền thông nhằm tìm kiếm, lựa chọn đối tác và quảng bá giá trị doanh nghiệp trên thị trường M&A; xử lý các xung đột phát sinh hậu M&A.
Thứ hai, cần hoàn thiện hệ thống pháp luật trong hoạt động M&A.
Trước mắt, Chính phủ cần xây dựng những qui định hướng dẫn chi tiết như một bộ khung kết nối giữa các văn bản pháp quy để điều chỉnh các phương diện liên quan đến quy trình thực hiện M&A: Các thủ tục, nguyên tắc, phương pháp định giá, quyền và nghĩa vụ của các bên tham gia; các tình huống xử lý tài chính, nhân lực và các vấn đề phát sinh sau khi thực hiện các thương vụ M&A ngân hàng. Về lâu dài, cần xây dựng hệ văn bản quy phạm pháp luật, quy định riêng cho hoạt động M&A. Các qui định này cần xem xét đến các nhân tố ảnh hưởng của các quy ước quốc tế trong hoạt động M&A.
Bên cạnh đó, cần xây dựng chế tài buộc các bên tham gia M&A phải công bố các nguồn thông tin minh bạch, chính xác cho khách hàng và đối tác; các hình thức M&A bị cấm. Qua đó, hỗ trợ các bên đánh giá, phân tích chính xác khả năng tài chính và cơ hội hợp tác trong việc ra quyết định M&A.
Thứ ba, xây dựng thị trường M&A chuyên nghiệp: Các cơ quan quản lý nhà nước cần xây dựng được hệ thống dữ liệu và công bố thông tin của các đối tượng thực hiện M&A nói chung, đồng thời quy định rõ các loại thông tin và hình thức công bố mà các NHTM có nghĩa vụ thực hiện.
Thứ tư, nâng cao trình độ đội ngũ các nhà quản lý thị trường. thông qua việc phát triển các công ty tư vấn chuyên nghiệp cho hoạt động M&A. Sự tham gia của bên thứ ba sẽ giúp giảm rủi ro cho cả hai phía và tăng sự chuyên nghiệp cho mỗi thương vụ.
Tài liệu tham khảo:
1. Chiến lược phát triển ngành Ngân hàng việt nam đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 theo Quyết định 986/QĐ-TTg ngày 08/8/2018;
2. Đề án cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng giai đoạn 2011 - 2015 ban hành kèm theo Quyết định số 254/QĐ-TTg ngày 01/03/2012 của Thủ tướng Chính phủ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa
Việt Nam;
3. Đỗ Linh (2019), Rào cản M&A ngân hàng;
4. Luật Cạnh tranh (2004);
5. Luật Chứng khoán (2006), sửa đổi bổ sung 2010;
6. Luật các Tổ chức tín dụng năm 2010;
7. Luật Doanh nghiệp 1999, 2005, 2014;
8. Nghị định số 69/2007/NĐ-CP ngày 20/04/2007 về việc nhà đầu tư nước ngoài mua cổ phần của ngân hàng thương mại Việt Nam;
9. Phạm, T. T. P. (2013), Nghiên cứu hoạt động mua, bán, hợp nhất, sáp nhập trong lĩnh vực ngân hàng tại Việt Nam;
10. Roberts, A., Wallace, W., & Moles, P. (2003), Mergers and Acquisitions: Pearson Education;
11. Các trang web:
- https://tapchitaichinh.vn
- https://www.sbv.gov.vn/
- https://baodautu.vn/
TS. Nguyễn Thị Thanh Hương
Theo TCNH số 5/2020