Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã hoàn thiện Dự thảo Nghị định quy định về thanh toán không dùng tiền mặt thay thế Nghị định số 101/2012/NĐ-CP ngày 22/11/2012 của Chính phủ (sau đây gọi tắt là Dự thảo Nghị định) trong bối cảnh Chính phủ đẩy mạnh chuyển đổi số và khuyến khích thanh toán không dùng tiền mặt. Một trong những chính sách được chờ đợi nhất tại Dự thảo Nghị định là chính sách về đại lý thanh toán (hay còn gọi là đại lý ngân hàng).
Chính sách này sẽ cho phép ngân hàng ủy thác cho các bên thứ ba thực hiện một số dịch vụ cơ bản như mở tài khoản, nạp - rút tiền mặt, chuyển tiền, thu hộ - chi hộ với hạn mức nhỏ.
Dự thảo Nghị định về thanh toán không dùng tiền mặt có quy định chính sách về đại lý thanh toán, nhằm thực hiện các giải pháp đề ra tại Quyết định số 149/QĐ-TTg ngày 22/01/2020 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Chiến lược tài chính toàn diện quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 và Quyết định số 1726/QĐ-TTg ngày 05/9/2016 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án nâng cao khả năng tiếp cận dịch vụ ngân hàng cho nền kinh tế.
Hướng tới phổ cập tài chính
Theo NHNN, các quy định về đại lý thanh toán là nhằm phổ cập tài chính đến người dân, đặc biệt vùng sâu, vùng xa, nông thôn để góp phần tăng cường khả năng tiếp cận, sử dụng các dịch vụ tài chính của người dân, đem lại những tiện ích trong thanh toán cho người dân như được tiếp cận dịch vụ thanh toán với chi phí thấp hơn (do không mất thời gian đi lại), có thời gian phục vụ dài hơn (không phụ thuộc giờ hành chính), không phải chờ đợi như ở chi nhánh ngân hàng...
Thực tế, ngay khi xây dựng nội dung Dự thảo Nghị định về thanh toán không dùng tiền mặt, Ban soạn thảo đã nhận thức rất rõ nhu cầu pháp lý đối với hoạt động đại lý thanh toán. Theo đó, NHNN cho biết, đến thời điểm hiện nay, các văn bản pháp lý chưa có quy định về việc các ngân hàng có thể giao đại lý cho các ngân hàng khác hoặc các tổ chức không phải là tổ chức tín dụng (TCTD) để thực hiện một phần công đoạn, quy trình của dịch vụ thanh toán.
Trên thế giới, tại các quốc gia như Malaysia, Kenya, Ấn Độ..., mô hình ngân hàng đại lý mang lại rất nhiều tiện ích cho các bên liên quan. Hoạt động của các đại lý có thể hỗ trợ các ngân hàng thương mại (NHTM) cung ứng các dịch vụ như: nhận tiền mặt, hỗ trợ khách hàng rút tiền mặt, chuyển khoản; nhận các khoản thanh toán nợ, thanh toán hóa đơn, tham gia vào một phần thu thập thông tin khách hàng phục vụ triển khai các sản phẩm dịch vụ tài chính.
Theo số liệu của Vụ Thanh toán - NHNN, mặc dù thời gian qua, ở Việt Nam, pháp lý về hoạt động đại lý thanh toán chưa được luật hóa, tuy nhiên NHNN cũng đã cho phép thí điểm 3 mô hình ngân hàng đại lý. Đó là các mô hình thí điểm giữa Vietcombank với Công ty cổ phần Dịch vụ Di động Trực tuyến (M_Sevice) - đơn vị chủ sở hữu ví điện tử MoMo; mô hình phối hợp giữa MB với Viettel và mô hình phối hợp giữa PG Bank phối hợp với Petrolimex. Những mô hình này đã mang lại kết quả rất tích cực, góp phần không nhỏ trong việc nâng cao khả năng tiếp cận dịch vụ tài chính cho thị trường Việt Nam.
Nếu được triển khai, hoạt động đại lý thanh toán trong thời điểm hiện nay sẽ giúp các NHTM tăng cường tiếp cận, gia tăng lượng khách hàng mà không cần phải mở rộng mạng lưới chi nhánh/phòng giao dịch. Các ngân hàng cũng sẽ cung ứng được các dịch vụ tài chính cơ bản cho khách hàng tại vùng sâu, vùng xa với chi phí thấp đồng thời giảm đáng kể thời gian đi lại của khách hàng.
Hiện nay, các ngân hàng gặp nhiều khó khăn trong việc cung cấp dịch vụ tại các địa bàn vùng sâu, vùng xa do số lượng khách hàng và giao dịch thấp trong khi chi phí mở chi nhánh, phòng giao dịch khá cao, thủ tục phức tạp, dẫn đến hoạt động kém hiệu quả. Nếu cho phép giao đại lý cho các bên thứ ba, các ngân hàng sẽ có cơ hội rất lớn để mở rộng thị trường và phục vụ nhiều khách hàng hơn. Thông qua hệ thống đại lý, các ngân hàng cũng có thể bán chéo sản phẩm, hỗ trợ dịch vụ của các đối tác khác như ví điện tử, phân phối bảo hiểm qua ngân hàng... Việc mở rộng hoạt động này cũng tạo tác động hai chiều, một là phát hành thẻ, hai là các điểm tiếp nhận thẻ, trong đó, các trung tâm, cửa hàng mua bán lớn cũng có thể trở thành “chân rết” của hệ thống ngân hàng để chấp nhận thanh toán không dùng tiền mặt. Khi đó, đại lý sẽ tạo điều kiện thuận lợi hơn cho sự bao trùm của ngân hàng, trên cơ sở đó cũng mở rộng hoạt động thanh toán không dùng tiền mặt, thúc đẩy tài chính toàn diện.
Chính vì vậy, để cụ thể hóa những quy định pháp lý cho mô hình đại lý thanh toán, NHNN đã đưa vào Dự thảo Nghị định các điều khoản rất cụ thể về nguyên tắc thực hiện mô hình đại lý thanh toán, nghiệp vụ đại lý thanh toán, hợp đồng và trách nhiệm của các bên khi triển khai mở rộng các mô hình này. Theo Ban soạn thảo, việc bổ sung các quy định về đại lý thanh toán trong Dự thảo Nghị định đã được tham khảo, căn cứ vào những văn bản pháp lý cụ thể, như Điều 19 Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật; Điều 106, Điều 107 Luật Các TCTD.
Tuy nhiên, theo các chuyên gia tài chính, quy định về đại lý thanh toán nếu được triển khai cần thận trọng và có biện pháp để đảm bảo an toàn cho hoạt động thanh toán cũng như quyền lợi hợp pháp của khách hàng, xa hơn là đảm bảo an ninh tiền tệ quốc gia. Bởi các dịch vụ của ngân hàng đều mang tính chất nhạy cảm và yêu cầu bảo mật cao. Nếu các ngân hàng ủy quyền cho một bên thứ ba như một tổ chức tài chính, một quỹ hoặc một công ty nào đó ở vùng xa xôi để thực hiện các chức năng thay ngân hàng, sẽ tiềm ẩn nhiều rủi ro. Trừ khi các hoạt động này không kết nối, thâm nhập vào hệ thống nội bộ mới không gây phá vỡ hệ thống bảo mật của ngân hàng. Còn nếu được thực hiện dưới danh nghĩa ngân hàng, truy cập vào hệ thống nội bộ thì hệ thống bảo mật sẽ khó được bảo toàn. Thực tế, hệ thống bảo mật ngân hàng tại Việt Nam cũng chưa đồng đều ở mức cao, trong khi quyền lợi của khách hàng cần phải được bảo đảm.
Hơn nữa, bên thứ ba làm đại lý cho ngân hàng thường không được đào tạo một cách bài bản, đầy đủ về các hoạt động, nghiệp vụ ngân hàng, bao gồm cả mở thẻ, tiếp nhận thẻ. Từ đó dễ xảy ra những rủi ro nhất định và ảnh hưởng đến uy tín của ngân hàng.
Ngoài ra, theo các NHTM, Dự thảo Nghị định lại không cho phép các cá nhân kinh doanh, hộ gia đình hoạt động đại lý. Việc này sẽ khiến cho các ngân hàng gặp khó khăn trong việc tìm kiếm đại lý phù hợp để cung cấp dịch vụ tại khu vực vùng sâu, vùng xa như định hướng chính sách. Bên cạnh đó, các ngân hàng cũng còn băn khoăn về giới hạn cứng 80% số đại lý phải hoạt động tại địa bàn cấp huyện.
Dự thảo Nghị định cũng đưa ra quy định là mỗi ngân hàng có số lượng đại lý là tổ chức khác không vượt quá số lượng chi nhánh hiện có. Theo đánh giá của các chuyên gia, quy định này sẽ khiến những ngân hàng nhỏ gặp nhiều khó khăn khi mở đại lý, trong khi chính họ mới là đối tượng có nhu cầu mở đại lý hơn các ngân hàng lớn có nhiều hệ thống chi nhánh. Theo đề xuất của NHNN, các ngân hàng nhỏ có thể giao đại lý cho các ngân hàng lớn có nhiều chi nhánh, phòng giao dịch để mở rộng phạm vi hoạt động. Tuy nhiên, điều này trên thực tế rất khó thực hiện vì sự cạnh tranh, nhận diện thương hiệu...
Đảm bảo an toàn và tăng khả năng tiếp cận dịch vụ tài chính cho người dân
Nếu chính sách trên đi vào thực hiện, NHNN cần quy định chặt chẽ những dịch vụ có thể được ủy quyền cho bên thứ ba. Đại lý được ủy quyền phải có trụ sở, vốn điều lệ tối thiểu và tuân thủ các quy định pháp luật về tiền tệ, ngân hàng, không có bất cứ sai phạm nào liên quan đến vấn đề tài chính, tiền tệ. Để đảm bảo an toàn, bảo mật, các thông tin cá nhân giao dịch phải được bảo mật tuyệt đối và ngân hàng phải bảo lãnh cho những đại lý này, trong trường hợp gây thiệt hại cho khách hàng hoặc xảy ra tranh chấp.
Việc ủy quyền cho bên thứ ba là đại lý cần được khuyến khích thực hiện tại các địa phương ở nông thôn, vùng sâu, vùng xa, những nơi không có hoặc ít sự hiện diện của chi nhánh, phòng giao dịch, cơ sở của ngân hàng. Tuy nhiên, không nên cứng nhắc quy định một tỷ lệ cố định số lượng đại lý này phải hoạt động trên địa bàn nông thôn (đặc biệt đối với các đại lý là doanh nghiệp phi ngân hàng - không phải TCTD) mà cần căn cứ trên thực tế khả năng triển khai cũng như những yêu cầu về cơ sở vật chất, hạ tầng kỹ thuật, quản trị điều hành, tuân thủ luật pháp… của các NHTM và tổ chức được ủy thác làm đại lý. Trường hợp cần thiết, khi thực tế phát sinh nhu cầu, NHNN có thể đưa ra một khoảng thời gian thí điểm, sau đó, đánh giá, cân nhắc mở rộng các đối tượng như cá nhân kinh doanh, hộ kinh doanh được tham gia hoạt động đại lý, đặc biệt tại vùng sâu, vùng xa; bên cạnh đó, xem xét cho các ngân hàng nhỏ mở rộng số lượng đại lý là tổ chức khác tại các khu vực vùng sâu, vùng xa khi đáp ứng các yêu cầu về an ninh, an toàn và tuân thủ pháp luật, đảm bảo mục tiêu thúc đẩy tài chính toàn diện.
Về áp dụng mức phí, các đại lý áp dụng không được cao hơn so với phí của NHTM đưa ra, đảm bảo tất cả các đại lý đó thực hiện trong phạm vi chi phí, biểu phí mà NHTM quy định. Đồng thời, một mặt bằng phí cần được thiết lập, đảm bảo công bằng và đồng bộ; không để tình trạng mỗi nơi một giá sẽ gây nhiều bất cập, hạn chế khả năng tiếp cận dịch vụ tài chính - ngân hàng của người dân vùng nông thôn xa xôi. Thậm chí, để khuyến khích người dân vùng sâu, vùng xa sử dụng dịch vụ ngân hàng, đẩy mạnh thanh toán không tiền mặt, NHTM cần thực hiện các chính sách miễn, giảm phí, ưu đãi nhằm thu hút khách hàng. Về phía các đại lý, tỷ lệ hoa hồng sẽ tùy theo mức độ hợp tác, do hai bên thỏa thuận đảm bảo phù hợp, đúng quy định để tránh gây thiệt hại cho người dân.
Các ngân hàng cần nghiên cứu, phân tích và có chiến lược bài bản đối với hoạt động đại lý ủy quyền để có các cơ chế hoạt động phù hợp, song song với việc mở lớp bồi dưỡng, đào tạo chuyên nghiệp cho nhân viên các đơn vị được ủy thác làm đại lý, hay những yêu cầu ở mức tối thiểu cho một bên đại lý. Cùng với đó, khi ủy quyền đại lý cho các tổ chức, phía ngân hàng cần đảm bảo và có cơ chế thanh tra, giám sát nhằm đảm bảo các đại lý này hoạt động an toàn về mặt tài chính, cũng như thực hiện đúng các quy định pháp luật trong việc mở thẻ tín dụng, cho vay, hay thanh toán...
Các quy định tại Dự thảo Nghị định liên quan đến hoạt động đại lý thanh toán cho thấy sự thận trọng của cơ quan quản lý. Bởi lẽ, hoạt động đại lý thanh toán liên quan đến tiền, tài sản, hệ thống công nghệ thông tin, an toàn, an ninh tiền mặt… cho nên việc đảm bảo an toàn, an ninh hoạt động thanh toán phải được chú trọng nhằm tránh ảnh hưởng đến hệ thống tài chính, an ninh tiền tệ, chủ quyền quốc gia. Hiện nay, NHNN đang tiếp tục phối hợp với các bộ, ngành liên quan để nghiên cứu thêm nhằm xây dựng chính sách, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân vùng sâu, vùng xa tiếp cận dịch vụ ngân hàng trên nguyên tắc triển khai thận trọng, chặt chẽ, hạn chế rủi ro, đảm bảo an toàn theo chỉ đạo của Chính phủ.
Tài liệu tham khảo:
1. Dự thảo Nghị định thay thế Nghị định số 101/2012/NĐ-CP ngày 22/11/2012 của Chính phủ về thanh toán không dùng tiền mặt.
2. Cổng thông tin điện tử NHNN: sbv.gov.vn
Trần Linh Chi (NHNN)