“…Biển này là của ta, đảo này là của ta…”; “…Đảo là nhà, biển cả là quê hương…”; “…không xa đâu Trường Sa ơi…”. Đó là những câu thơ, là lời ca tiếng hát mộc mạc, bình dị nhưng đối với chúng tôi, những người lần đầu tiên được đến thăm quần đảo Trường Sa, lại cảm nhận nó thiêng liêng đến vô cùng.
Năm 2022, toàn Đảng, toàn quân, toàn dân ta tiếp tục đẩy mạnh triển khai Nghị quyết Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng. Đối với công tác tuyên truyền biển, đảo sẽ tập trung tuyên truyền, nâng cao nhận thức và đồng thuận của toàn Đảng, toàn quân và toàn dân về những định hướng chiến lược của Đảng, Nhà nước ta trong công cuộc đấu tranh bảo vệ chủ quyền biển, đảo; thực hiện tốt các chủ trương, quan điểm về bảo vệ chủ quyền biển, đảo trong Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng và Nghị quyết số 36-NQ/TW ngày 22/10/2018 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về “Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”. Với tinh thần hướng về quần đảo Trường Sa, vùng biển, vùng trời thân yêu của Tổ quốc, Đoàn công tác số 3 gồm các cán bộ của ngành Ngân hàng và một số cơ quan, đơn vị đã đi thăm, động viên quân và dân đang sinh sống, làm việc tại Huyện đảo Trường Sa, Nhà giàn DKI/20.
Đoàn công tác số 3 do đồng chí Chuẩn đô đốc Hoàng Hồng Hà - Phó Tư lệnh Quân chủng Hải quân làm Trưởng đoàn và đồng chí Nguyễn Văn Tân - Phó Chủ tịch Thường trực Công đoàn Ngân hàng Việt Nam làm Phó Trưởng đoàn, cùng với 232 đại biểu đến từ 13 cơ quan, đơn vị, địa phương, mang theo nhiều nhu yếu phẩm tặng bộ đội và nhân dân Huyện đảo Trường Sa. Tham gia Đoàn công tác còn có các nghệ sĩ của Nhà hát ca múa nhạc Việt Nam và tốp văn nghệ xung kích Đoàn văn công Hải quân, nhằm mang những món quà tinh thần bằng nghệ thuật đến quân và dân trên Huyện đảo Trường Sa.
Trước khi bước chân lên tàu đến với quần đảo Trường Sa, Đoàn công tác số 3 đã đến dâng hương tại Đài tưởng niệm liệt sĩ Gạc Ma; Đài tưởng niệm liệt sĩ tù chính trị Cam Ranh; Công viên tâm linh và chùa Linh Nguyên, tới thăm và động viên cán bộ, sĩ quan, chiến sĩ Lữ đoàn Tàu ngầm 189 và Lữ đoàn 162, Vùng 4 Hải quân.
Đồng chí Nguyễn Văn Tân - Phó Chủ tịch Thường trực Công đoàn Ngân hàng Việt Nam đại diện Đoàn công tác ngành Ngân hàng tặng quà Lữ đoàn Tàu ngầm 189
Sau khi thực hiện cách ly y tế cho tất cả thành viên đoàn công tác, sáng ngày 12/4/2022, tại Quân cảng Cam Ranh (tỉnh Khánh Hòa), Bộ tư lệnh Vùng 4 Hải quân (Quân chủng Hải quân) đã tổ chức Lễ tiễn Đoàn.
Dưới cái nắng tháng 4 tại vùng đất Cam Ranh nắng gió, những bàn tay vẫy chào tạm biệt của cán bộ, chiến sĩ Lữ đoàn 955, Vùng 4 Hải quân và cả những ngọn núi, ngôi nhà dần khuất tầm mắt. Ra khơi, con tàu trở nên nhỏ bé giữa trùng dương mênh mông, một hải trình dài ngày bắt đầu. Những người lần đầu ra biển lớn cùng chung cảm xúc mới lạ, háo hức nơi đầu sóng, ngọn gió của biển cả quê hương. Với những người đã đi nhiều lần thì đó là mệnh lệnh của trái tim. Nơi ấy có quần đảo Trường Sa - một phần lãnh thổ thiêng liêng không thể tách rời của Tổ quốc Việt Nam.
Đoàn công tác số 3 trước giờ xuất phát
Tự hào là người lính Lữ đoàn 955
Đại úy Lê Tiến Thông (thứ nhất trái sang) chỉ huy tổ trực hạ neo chuẩn bị vào đảo
Ước mơ được khoác màu áo hải quân từ thuở bé, trải bao con sóng, cơn bão, dặm hải trình xa, với các thủy thủ, đó là sự tôi luyện cho một tinh thần thép. Để tàu rẽ sóng bình yên bám biển, các anh thầm lặng, miệt mài công việc người dẫn đường tới Trường Sa.
Đoàn công tác số 3 chúng tôi dần quen với tiếng sóng vỗ, tiếng gió thổi rì rào và cả âm thanh của đàn hải âu gọi bầy. Thậm chí tiếng chuông reo thông báo của chỉ huy tàu cũng thân thương vô cùng: “Hết giờ nghỉ, toàn tàu báo thức. Hết giờ nghỉ, báo thức toàn tàu”. Đêm qua, ngày đến, bình yên giữa biển cả quê hương. Đứng ở buồng lái, chúng tôi gặp những thủy thủ, cán bộ, chiến sĩ của Tàu 571 với nhiệm vụ đảm bảo an toàn, thông suốt cho chuyến đi. Khuôn mặt các anh sạm đen, rắn rỏi, toát lên phẩm chất anh “Bộ đội Cụ Hồ”.
Tàu 571 hành trình ra khơi tới quần đảo Trường Sa và Nhà giàn DK1
Đại úy Lê Tiến Thông có nhiều kỷ niệm đáng nhớ với biển cả, anh cho biết: “Sinh ra ở tỉnh Thanh Hóa, đã 23 năm công tác và 7 năm làm nhiệm vụ trên Tàu 571, mỗi người mỗi quê nhưng chúng tôi như anh em ruột, còn Tàu 571 chính là ngôi nhà, biển là quê hương. Chúng tôi còn có điểm chung là ấp ủ ước mơ được khoác màu áo lính hải quân thuở học sinh”. Một trong những nhiệm vụ quan trọng của người lính Hải quân là phải đảm bảo một cách tốt nhất sự an toàn cho người và tài sản trên tàu. Công việc gắn với chiếc “vô lăng” của tàu rất bận rộn, vất vả, nhưng vượt lên tất cả là tình yêu, gắn bó với nghề và luôn nỗ lực hết mình để hoàn thành nhiệm vụ.
Đại úy Lê Tiến Thông cũng dành tình yêu đặc biệt với màu áo lính hải quân. Sau một năm nhập ngũ, anh có cơ hội lần đầu tiên được lái tàu. “Cảm xúc được lái tàu lúc còn là chiến sĩ khó diễn tả thành lời. Đó là điều thiêng liêng, hãnh diện và tự hào. Mình không chỉ được khoác màu áo cả tuổi thơ ước mơ mà còn được đứng ở buồng chỉ huy một con tàu rẽ sóng vươn khơi. Tôi đã hoàn thành xuất sắc các nhiệm vụ và được đơn vị cử đi học Trắc thủ Ra-đa. Trước khi về Tàu 571, tôi trải qua 4 tàu, trong đó có 3 năm lái tàu chiến đấu, 2 năm lái tàu vận tải chốt đảo”. Nói về kinh nghiệm lái tàu, Đại úy Thông cho biết: “Lái tàu cũng có khó, có dễ. Lúc đầu phải học hỏi kinh nghiệm, sóng to gió lớn phải nương theo con sóng, phải biết cách cắt sóng, gối sóng, hạn chế độ lắc cho con tàu”. Đời binh nghiệp của người lính hải quân là thế, nhưng đằng sau họ là hậu phương luôn hiểu và cảm thông.
Trong bất kỳ tình huống nào, cán bộ, chiến sĩ Lữ đoàn 955 cũng luôn tuyệt đối trung thành với Đảng, Tổ quốc và Nhân dân, đoàn kết khắc phục khó khăn, chấp hành nghiêm mệnh lệnh, sẵn sàng chấp nhận hy sinh để bảo vệ vững chắc chủ quyền quần đảo Trường Sa, góp phần bảo vệ vững chắc chủ quyền biển đảo, thềm lục địa thiêng liêng của Tổ quốc.
Tiếng ca trên boong tàu
Tàu rẽ sóng, bọt tung trắng xóa, ánh trăng rằm vằng vặc soi chiếu, biển cả trở nên lung linh, sâu thẳm, huyền bí. Để gắn kết các thành viên trong “Gia đình Tàu 571”, đồng chí Chuẩn đô đốc Hoàng Hồng Hà - Phó Tư lệnh Quân chủng Hải quân đã phê duyệt chương trình giao lưu văn nghệ trên tàu. Lãnh đạo Đoàn công tác đã họp và phân công các đồng chí Trưởng Ban hướng dẫn, chỉ đạo và triển khai các hoạt động chung của Đoàn công tác. Trong chuyến đi, Đoàn công tác đã phát động cuộc thi liên hoan văn nghệ với gần 20 tiết mục dự thi; cuộc thi sáng tác ảnh, thơ ca, hò, vè và viết cảm nghĩ về biển đảo quê hương. Các cuộc thi đã thu hút sự quan tâm của đông đảo đại biểu và thành viên trong đoàn tham gia; nhiều tiết mục dự thi có sự đầu tư về thời gian và công sức; tận dụng triệt để thời gian để luyện tập. Nhiều đại biểu tuy bị say sóng, chưa từng tham gia thi hát, làm thơ nhưng bằng cảm xúc của mình cũng đã nhiệt tình hát và sáng tác các bài thơ ca ngợi về biển đảo quê hương và bộ đội Hải quân, điều đó đã khẳng định tình yêu quê hương, đất nước và biển đảo Việt Nam. Ban tổ chức cũng đã nhận được gần 200 bài dự thi của các đại biểu, nhiều bài viết cảm nghĩ của cá nhân khi được đến với Trường Sa đã làm xúc động Ban giám khảo. Cuộc thi thực sự là hoạt động ý nghĩa, bổ ích đối với đại biểu tham gia Đoàn công tác.
Đại biểu cổ vũ nhiệt tình cho các tiết mục tham gia giao lưu văn nghệ
Dưới ánh đèn, tiếng nhạc rộn ràng, đoàn văn nghệ của Nhà hát ca múa nhạc Việt Nam và tốp văn nghệ xung kích của Đoàn văn công Hải quân cùng các đại biểu tham gia chương trình văn nghệ được nối dài với những bài hát về biển, đảo quê hương như: “Nơi đảo xa”, “Gần lắm Trường Sa ơi”; “Bâng khuâng Trường Sa”… ngân vang giữa muôn trùng con sóng. Giao lưu văn nghệ trở thành “món ăn tinh thần” không thể thiếu của Đoàn công tác số 3. Những giọng ca của các chiến sĩ Tàu 571 đã mang lại tình cảm ấm cúng, gần gũi, thân thương trong phần giao lưu với các chiến sĩ, phần giao lưu giúp những chiến sĩ trẻ vơi đi nỗi nhớ nhà, kéo Trường Sa gần hơn với đất liền.
Hành trình từ Sinh Tồn Đông đến Trường Sa lớn
Qua hai ngày đêm, Tàu 571 rẽ sóng vươn khơi, hành trình tới Quần đảo Trường Sa và Nhà giàn DK1/20 đang gần lại. Ðiểm đảo đầu tiên trong vùng “đất thiêng” của Tổ quốc trong hành trình dài ngày của Đoàn là Đảo Sinh Tồn Ðông, cách Cam Ranh (Khánh Hòa) 332 hải lý.
Đảo Sinh Tồn Đông là đảo tuyến đầu nên công tác trực canh, quan sát được đặt lên hàng đầu
Chúng tôi đến thăm Đảo Sinh Tồn Đông giữa lúc nắng gắt. Những cơn gió mang theo hơi mặn của biển phả thẳng vào từng khuôn mặt khiến ai nấy đều ướt sũng mồ hôi. Từ khoảng cách chừng 500m, nơi Tàu 571 thả neo để chuẩn bị đưa chúng tôi lên đảo, Đảo Sinh Tồn Đông như một mảng xanh lớn giữa biển, làm dịu đi cái nắng gay gắt giữa biển khơi.
Giao lưu văn nghệ giữa cán bộ, chiến sĩ và đoàn công tác dưới tán bàng vuôngtại Đảo Sinh Tồn Đông
Cũng giống như cái tên của Đảo - Sinh Tồn Đông, cỏ cây nơi đây có sức sống mãnh liệt. Từ cầu tàu, con đường bê tông dẫn về nhà trung tâm đảo rợp bóng của những hàng phi lao xanh tốt, những tán bàng vuông, phong ba, phi lao, muống biển và đủ loại rau xanh có sức sống mãnh liệt, phát triển xanh tốt đúng như tên gọi của Đảo. Tất cả đều được vun trồng bằng công sức, mồ hôi của những người lính đảo. Đảo Sinh Tồn Đông là một trong số những đảo nổi mà đoàn chúng tôi ghé thăm trong hành trình đến với Trường Sa lần này. Theo cán bộ, chiến sĩ nơi đây, Đảo Sinh Tồn Đông có thời tiết rất khắc nghiệt, thổ nhưỡng trên đảo chỉ có cát và san hô, chỉ phù hợp với một số ít loại cây trồng, nhưng đến nay, đảo đã được phủ một màu xanh mướt, trong nhiều năm trở lại đây, được sự quan tâm của Đảng, Nhà nước cũng như sự ủng hộ của Nhân dân, nhiều công trình trên đảo được xây dựng, nhà ở, nơi làm việc được xây dựng khang trang, vững chắc hơn, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới.
Hơn 200 đại biểu trên Tàu 571 chuẩn bị thả hoa và hạc giấy tri ân các anh hùng liệt sĩ đã hy sinh tại Gạc Ma năm 1988
Chia tay Đảo Sinh Tồn Đông, chúng tôi lại tiếp tục cuộc hành trình. Có lẽ ấn tượng sâu sắc nhất trong chuyến đi là những phút giây lắng đọng, thiêng liêng, nghẹn ngào đầy cảm xúc trong Lễ tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ hy sinh trên Quần đảo Trường Sa. Lễ tưởng niệm được tổ chức trang trọng trên vùng biển giữa các Đảo Cô Lin, Len Ðao và Gạc Ma - nơi cách đây hơn 34 năm, 64 cán bộ, chiến sĩ Hải quân Nhân dân Việt Nam đã anh dũng hy sinh để bảo vệ chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc. Lễ tưởng niệm được tổ chức ngay trên boong Tàu 571. Để tưởng nhớ hương hồn các Anh hùng, Liệt sĩ, Đoàn công tác số 3 đã dành một phút mặc niệm. Sau đó, Đoàn công tác đã dâng hương, thả vòng hoa, lễ vật tưởng niệm những người anh hùng của Hải quân Nhân dân Việt Nam, những cán bộ, chiến sĩ đã anh dũng hy sinh ở Trường Sa, bảo vệ chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc. Trong nghi thức cuối cùng, từ trên boong tàu, chúng tôi thả những bông hoa tươi và những cánh hạc được gấp đủ màu sắc xuống biển và thầm cầu mong cho linh hồn các liệt sĩ đã hy sinh luôn thanh thản, tự hào ở lại với Trường Sa để cùng các chiến sĩ Hải quân canh giữ biển trời thiêng liêng của Tổ quốc.
Tàu 571 đưa chúng tôi theo hải trình từ Đảo Sinh Tồn Đông, đến các điểm đảo: Len Đao, Núi Le A, Tốc Tan C, An Bang, Đá Đông B, Trường Sa Đông, Đá Tây C và Đảo Trường Sa. Sáng sớm ngày 18/4/2022, khi tàu còn cách xa đảo Trường Sa lớn, chúng tôi đã lên mạn tàu để nhìn ngắm hòn đảo thiêng liêng của Tổ quốc, tâm trạng ai cũng háo hức, mặt trời dần lên cao cũng là lúc Tàu 571 tiến dần đến cầu tàu. Các chiến sĩ trên Đảo Trường Sa đang chờ đón chúng tôi. Hoạt động đầu tiên của Đoàn là chào cờ, duyệt đội ngũ diễu binh. Ngay dưới chân cột cờ và cột mốc chủ quyền Đảo Trường Sa, đoàn công tác xếp thành các khối chỉnh tề cùng với quân và dân trên đảo nghiêm trang dưới Quốc kỳ và Cột mốc chủ quyền thiêng liêng. Sau lời hô chào cờ của đồng chí Đảo trưởng, tất cả mọi người hát vang bài Tiến quân ca hùng tráng. Điều làm cảm xúc dâng trào nhất là khi đồng chí Trưởng phân khu chiến đấu của Đảo lên đọc 10 lời thề của người chiến sĩ hải quân nhân dân Việt Nam với Đảng, với Tổ quốc và đến thắp hương tưởng nhớ các liệt sĩ tại Đài tưởng niệm liệt sĩ trên Đảo.
Những ngày tháng 4 là thời kỳ sóng yên, biển lặng, rất thuận lợi cho các đoàn từ đất liền ra thăm hỏi, động viên bộ đội và nhân dân trên đảo. Vì thế, tuy có nắng nóng và thiếu nước ngọt nhưng đây là những tháng mà mọi hoạt động của cán bộ, chiến sĩ và nhân dân trên đảo trở nên sôi động hơn. Trên Đảo Trường Sa hiện đã có các công trình như: Trung tâm Y tế thị trấn Trường Sa, chùa, nhà đèn, nhà dân, trạm khí tượng thủy văn, nhà tưởng niệm Bác Hồ, tượng đài liệt sĩ... Nằm ở trung tâm quần đảo Trường Sa, Đảo Trường Sa là nơi thuận tiện cho ngư dân tránh trú gió, bão. Vì vậy, nhiều năm qua ngư dân các tỉnh Khánh Hòa, Ninh Thuận, Bình Thuận, Phú Yên, Quảng Ngãi, Quảng Nam và một số địa phương ven biển Nam Bộ mỗi khi xa bờ, ra khơi sản xuất, bất ngờ có bão, giông, đau ốm, phần nhiều đều đến Đảo Trường Sa tạm lánh, cấp cứu, điều trị, tiếp nhận nước ngọt, lương thực, thực phẩm, tạo nên sự gắn kết bền chặt, thắm đượm tình quân dân, trở thành cột mốc chủ quyền bất tử giữa biển khơi...
Trường Sa không chỉ có cán bộ, chiến sĩ ngày đêm canh giữ, bảo vệ biển đảo, mà ở đó còn có những tổ ấm tiền phương thực sự tràn đầy niềm vui và lạc quan. Như bao gia đình Việt Nam khác, dù sống ở nơi đầu sóng, ngọn gió, họ vẫn vun đắp cuộc sống hạnh phúc rất đỗi bình dị. Và không chỉ xây dựng hạnh phúc của riêng mình, thẳm sâu trong lòng mỗi người còn là tình yêu biển đảo quê hương sâu sắc.
Đồng chí Nguyễn Thị Hồng - Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (ngồi thứ 2 từ phải qua) và các đồng chí lãnh đạo trong Đoàn công tác đến thăm, tặng quà và động viên các hộ gia đình hiện đang sinh sống tại Đảo Trường Sa
Bước vào lối đi dọc dãy nhà dân của Đảo Trường Sa (Thị trấn Trường Sa) được xây dựng kiên cố, rộng rãi, Đoàn công tác gặp gỡ các hộ dân sinh sống trên Đảo, họ rất vui vì đã từ lâu rồi mới lại có đoàn ra thăm Đảo do tình hình dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp. Một phụ nữ nơi đây cho biết: “Hằng ngày, khi các anh nam giới đi làm nhiệm vụ dân quân tự vệ, bọn trẻ đến trường học, chị em phụ nữ chúng tôi ở nhà nấu ăn, tham gia vệ sinh quét dọn, chăm sóc hoa, cây cảnh trên Đảo. Chị em chúng tôi ở đây thương yêu, đùm bọc, động viên nhau làm tốt vai trò của người vợ, người mẹ, xây dựng hạnh phúc nơi hải đảo. Chúng tôi thấy tự hào khi được sống ở Trường Sa, vì vậy, anh em nam giới đều rất hăng hái tham gia đội dân quân tự vệ, cùng chung sức giữ gìn biển đảo quê hương”.
Những gia đình nhỏ trên huyện đảo, tuy vẫn còn không ít khó khăn, nhưng với tình đoàn kết, mỗi gia đình không chỉ chăm sóc cho hạnh phúc tổ ấm của riêng mình, họ còn cùng nhau xây dựng nên một cộng đồng cư dân thắm đượm tình làng, nghĩa xóm nơi hải đảo xa xôi.
Tiếp nối hải trình đi thăm các điểm đảo, điểm đến cuối cùng chở đoàn công tác đến khu vực nhà giàn DK1/20 Ba Kè. Do thời tiết không thuận lợi, sóng to, gió lớn nên Đoàn công tác số 3 từ đất liền ra thăm nhà giàn KD1/20 không tới được với các chiến sĩ đang làm nhiệm vụ tại đây. Vì thế, 232 đại biểu và cán bộ, chiến sĩ trên Tàu 571 đã đứng trên boong tàu vẫy tay chào các chiến sĩ đang làm nhiệm vụ trên Nhà giàn. Sau lời thăm hỏi, dặn dò các chiến sĩ qua sóng radio của Chuẩn đô đốc Hoàng Hồng Hà, đội văn nghệ đã giao lưu với các chiến sĩ qua những bài ca về biển đảo quê hương.
Vậy là sau 9 ngày lênh đênh trên biển, chúng tôi trở về đất liền, tạm biệt Trường Sa, tạm biệt quần đảo hiên ngang, kiên trung nơi tuyến đầu của Tổ quốc. Mỗi người một tâm trạng, một cảm xúc riêng khi chia tay Trường Sa, nhưng có một điều đã trở thành ký ức chung của cả Đoàn công tác, đó là tình yêu Trường Sa mãi trong tim mọi người. Với những điều mắt thấy tai nghe, chúng ta hoàn toàn tin tưởng và hy vọng vào sức mạnh của quân đội ta, vào ý chí quyết tâm của từng cán bộ, chiến sĩ và Nhân dân ta nơi đầu sóng, ngọn gió. Thông qua hình ảnh tư liệu thu thập từ chuyến đi, bằng tất cả tình cảm của mình, mỗi thành viên trong Đoàn sẽ tích cực tuyên truyền về Trường Sa thông qua các bài viết, phóng sự sinh động, những tác phẩm, sáng tác chan chứa tình cảm, tích cực kêu gọi, vận động các đoàn thể, Nhân dân ra sức thi đua sáng tạo thực hiện thắng lợi nhiệm vụ xây dựng, bảo vệ Tổ quốc trong giai đoạn mới, tham gia đóng góp cho Quỹ “Vì biển đảo quê hương - Vì tuyến đầu Tổ quốc”.
Dưới đây là một số hình ảnh hoạt động của Đoàn công tác số 3 năm 2022 tại Huyện đảo Trường Sa, tỉnh Khánh Hòa:
Duyệt binh trong nghi lễ chào cờ trên Đảo Trường Sa
Đoàn công tác xếp thành các khối chỉnh tề cùng với quân và dân trên Đảo Trường Sa nghiêm trang dưới Quốc kỳ và Cột mốc chủ quyền thiêng liêng
Đoàn công tác thắp hương tưởng nhớ các anh hùng liệt sĩ tại Đảo Trường Sa
Theo hải trình, Đoàn đã đến thăm 9 đảo thuộc quần đảo Trường Sa và Nhà giàn DK1/20. Tại các điểm đảo, Đoàn công tác số 3 đã thăm hỏi, động viên, tặng những món quà ý nghĩa, thiết thực cho cán bộ, chiến sĩ nơi đây, tổng trị giá hàng chục tỷ đồng. Những món quà chứa đựng tình cảm, trách nhiệm của cán bộ, quân, dân đất liền đối với cán bộ, chiến sĩ nơi đảo xa.
Chuẩn Đô đốc Trần Thanh Nghiêm - Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Uỷ viên Quân ủy Trung ương, Tư lệnh Quân chủng Hải quân và đồng chí Nguyễn Thị Hồng - Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Thống đốc NHNN Việt Nam, thăm và tặng quà cho các ngư dân trên đảo Trường Sa
Sự cần mẫn lao động của các chiến sĩ hải quân đã tạo ra màu xanh hút mắt của những vườn rau trên đảo, bất chấp điều kiện khắc nghiệt nơi đảo xa
Những người “thắp lửa” với nhiệm vụ không để Hải đăng bị tắt trong bất kỳ hoàn cảnh nào, các kỹ sư, cán bộ, nhân viên của Hải đảo phải làm việc ngày đêm. Môi trường khắc nghiệt nhưng các anh luôn hoàn thành nhiệm vụ cao cả của mình. Họ được xem là những người “thắp lửa” cần mẫn, để ngọn lửa tình yêu quê hương, đất nước luôn bừng sáng, công việc bình dị của các anh chính là sự hy sinh thầm lặng để Hải đăng sáng mãi với thời gian, bởi Hải đăng không chỉ là mốc chỉ dẫn cho tàu thuyền hoạt động trong khu vực mà còn là ánh sáng của chủ quyền quốc gia trên biển.
Các đại biểu Đoàn công tác số 3 chụp ảnh lưu niệm tại cột mốc chủ quyền trên Đảo Trường Sa
Trạm dịch vụ kinh tế - khoa học kỹ thuật Ba Kè KD1/20 vững vàng trên vùng biển thiêng liêng của Tổ quốc
Các chiến sĩ trên Nhà giàn DK1/20 vẫy cờ chào đại biểu và cán bộ, chiến sĩ trên Tàu 571 từ xa