Theo số liệu tính đến 29/11/2024, tổng dư nợ nền kinh tế đạt khoảng 15.300.000 tỷ đồng, tăng 11,9%; đến 07/12/2024 mức tăng trưởng tín dụng đã đạt 12,5% - cao hơn mức 9% của cùng kỳ năm 2023; huy động vốn cũng đã đạt được khoảng 14.800.000 tỷ đồng và tốc độ tăng của dư nợ đang cao hơn huy động vốn; cơ cấu tín dụng tiếp tục tập trung vào lĩnh vực sản xuất, kinh doanh, nhất là các lĩnh vực ưu tiên, các động lực tăng trưởng theo chủ trương của Chính phủ.
Bám sát diễn biến phục hồi của nền kinh tế và tình hình tăng trưởng tín dụng toàn hệ thống, trong điều kiện lạm phát được kiểm soát tốt dưới mức mục tiêu mà Quốc hội, Chính phủ đề ra và thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về điều hành tăng trưởng tín dụng linh hoạt, hiệu quả, đảm bảo nguồn cung tín dụng, thời gian qua, NHNN và ngành Ngân hàng đã triển khai đồng bộ, quyết liệt nhiều giải pháp để đẩy mạnh mức tăng trưởng, đảm bảo cung ứng kịp thời nhu cầu vốn tín dụng cho nền kinh tế.
Phó Thống đốc cho biết thêm, việc bổ sung và điều chỉnh hạn mức này của NHNN dựa trên nguyên tắc cụ thể, đảm bảo công khai, minh bạch; các ngân hàng thương mại cũng đã triển khai thực hiện nhiệm vụ một cách tích cực và hoàn toàn chủ động. NHNN thời gian qua đã ban hành nhiều văn bản, tổ chức các Hội nghị chuyên đề liên quan để quyết liệt chỉ đạo các TCTD thực hiện tăng trưởng tín dụng hiệu quả, đúng, trúng mục tiêu, tăng cường rà soát, đơn giản hóa quy trình và các thủ tục cấp tín dụng, tối ưu hóa áp dụng chuyển đổi số vào quy trình cấp tín dụng, tạo điều kiện thuận lợi trong tiếp cận vốn tín dụng ngân hàng.
Ngành ngân hàng đã đẩy mạnh triển khai các chương trình, chính sách tín dụng theo chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, một số chương trình đạt hiệu quả đã nhiều lần được nâng quy mô như chương trình tín dụng đối với lĩnh vực lâm sản, thủy sản.. tới đây tiếp tục đẩy mạnh và tiến hành mở rộng thêm sang một số lĩnh vực quan trọng khác như thị trường chứng khoán, bất động sản. Ngoài ra, tăng cường triển khai các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho khách hàng như cơ cấu lại thời hạn trả nợ, giữ nguyên nhóm nợ, cơ cấu lại nợ phù hợp với dòng tiền (đặc biệt là những đối tượng chịu ảnh hưởng do cơn bão số 3) ... từ đó tạo điều kiện cho khách hàng được tiếp tục vay mới nhằm duy trì, phục hồi sản xuất kinh doanh.
So với các năm trước, nền kinh tế hiện nay đã có nhiều thuận lợi hơn, các doanh nghiệp nói chung và hệ thống TCTD nói riêng đã cho thấy dấu hiệu phục hồi và phát triển trở lại, “đây là một dấu hiệu đáng mừng”, Phó Thống đốc Đào Minh Tú nhận định. Tốc độ tăng trưởng đã đạt được là phù hợp với các giải pháp mà ngành ngân hàng đẩy mạnh triển khai từ đầu năm và khả năng hấp thụ vốn của người dân, doanh nghiệp. Kết quả này có được nhờ vào sự chỉ đạo, điều hành quyết liệt của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, cũng như công tác triển khai đồng bộ trong hệ thống từ Trung ương đến địa phương. Từ kinh tế ngành đến kinh tế vĩ mô, chính sách tài khoá, tiền tệ có sự hài hoà đã giúp cho doanh nghiệp mạnh dạn đầu tư, vay vốn, tăng khả năng hấp thụ vốn của nền kinh tế.
Theo sbv.gov.vn