Những năm gần đây, số lượng người sử dụng ví điện tử và các ứng dụng thanh toán không dùng tiền mặt (TTKDTM) tăng mạnh, nhất là từ khi đại dịch Covid-19 bùng phát...
Việc ngày càng nhiều ví điện tử có mặt trên thị trường với những ưu đãi để thu hút khách hàng làm cuộc đua ví điện tử trở nên sôi động. Thay vì thu hút càng nhiều người dùng càng tốt, thị trường ví điện tử Việt Nam thời gian tới sẽ là cuộc cạnh tranh thông qua tiện ích, trải nghiệm thanh toán của người dùng và ưu thế sẽ thuộc về ví điện tử nào giữ chân được nhiều người dùng. Do đó, thị trường cần những yếu tố hỗ trợ như nền tảng pháp lý, các giải pháp tổng thể khác để phát triển ổn định, an toàn và bền vững.
Hơn 16 triệu ví điện tử đang hoạt động
Bên cạnh các ví điện tử phổ biến đang được người dùng sử dụng nhiều như MoMo, Moca, ZaloPay, ViettelPay, Payoo, ShopeePay (trước đây là Airpay)... mới đây, thị trường lại xuất hiện “tân binh” ví điện tử MobiFonePay. Việc ngày càng nhiều ví điện tử có mặt trên thị trường với những ưu đãi để thu hút khách hàng làm cuộc đua ví điện tử trở nên sôi động. Trong bối cảnh hạn chế đi lại do dịch bệnh Covid-19 đã khiến nhiều người dùng chuyển từ hình thức mua sắm trực tiếp qua các kênh online. Các cổng thanh toán, ví điện tử cũng nắm bắt cơ hội đưa ra nhiều chương trình ưu đãi khi thanh toán online khiến cho tỷ lệ thanh toán hình thức này tăng cao.
Hiện nay, các ví điện tử đang hoạt động đều cung cấp đầy đủ các tiện ích cơ bản như thanh toán điện thoại, điện, nước, internet, thanh toán các khoản vay, phí bảo hiểm, phí dịch vụ chung cư, dịch vụ công, học phí, mua vé (tàu, xe, máy bay)... Ngoài việc xây dựng cho mình các trò chơi, chương trình ưu đãi riêng, các ví còn liên kết với ngân hàng, công ty tài chính, các sàn thương mại điện tử như Lazada, Tiki, Shopee, Sendo, Zalora... để gia tăng trải nghiệm, tiện ích cho khách hàng. Ví điện tử nào có nhiều tiện ích, phù hợp với tập khách hàng của mình sẽ có được lợi thế trong cuộc đua thu hút khách hàng.
Theo số liệu của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN), tính đến ngày 30/6/2021, tại Việt Nam, có 43 tổ chức không phải là ngân hàng đã được NHNN cấp Giấy phép hoạt động cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán; trong đó có 37 tổ chức đã cung ứng dịch vụ ví điện tử ra thị trường, với tổng số ví điện tử đang hoạt động là khoảng 16,39 triệu ví (tăng khoảng 2,75 triệu ví so với thời điểm cuối năm 2020). Ví điện tử đang hoạt động là ví có ít nhất một giao dịch phát sinh giá trị tiền tệ trong vòng 12 tháng tính đến ngày báo cáo.
Theo báo cáo của các tổ chức cung ứng dịch vụ ví điện tử, trong 6 tháng đầu năm 2021, tổng số lượng giao dịch bằng ví điện tử được xử lý thành công đạt xấp xỉ 802,56 triệu món, với tổng giá trị giao dịch đạt khoảng 302,16 nghìn tỷ đồng (tăng lần lượt là 85,38% về số lượng giao dịch và 91,57% về giá trị giao dịch so với cùng kỳ năm 2020).
Theo khảo sát của Visa, trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19, người tiêu dùng Việt Nam đang dần ưu tiên lựa chọn sử dụng ví điện tử cũng như thanh toán không tiếp xúc và thanh toán bằng mã QR. Khảo sát cũng cho thấy, 57% người tiêu dùng có tới ba ứng dụng ví điện tử trên điện thoại, 55% người tiêu dùng ưa thích ứng dụng có thể thực hiện tất cả các giao dịch.
Ví điện tử mở rộng liên kết ngân hàng: Tăng tiện ích cho khách hàng
Thực tế, Fintech (công nghệ tài chính) là một mảng hoạt động trải rộng trên nhiều ngành, lĩnh vực thuộc dịch vụ tài chính như thanh toán, chứng khoán, bảo hiểm, quản lý tài sản, chấm điểm tín dụng (credit scoring)... Ở một chừng mực nào đó, có thể coi các tổ chức trung gian thanh toán cung ứng dịch vụ ví điện tử được cấp phép chính là hiện thân sinh động của Fintech trong lĩnh vực thanh toán ở Việt Nam.
Để đẩy nhanh chuyển đổi số trong lĩnh vực ngân hàng, các tổ chức tín dụng tại Việt Nam thời gian qua cũng đã chủ động lựa chọn hợp tác, sử dụng sản phẩm, giải pháp công nghệ, mạng lưới phân phối của nhiều công ty Fintech nói chung và tổ chức trung gian thanh toán nói riêng để thực hiện số hóa quy trình nghiệp vụ, tích hợp sâu vào hệ sinh thái số, cung ứng sản phẩm, dịch vụ qua kênh số an toàn, thuận tiện, phù hợp, mọi lúc, mọi nơi cho khách hàng. Việc hợp tác này mang đến sức mạnh cộng hưởng, đem lại nhiều lợi ích thiết thực cho nhiều bên như nâng cao hiệu quả hoạt động (giảm chi phí, tăng doanh thu), mở rộng cơ sở khách hàng, tiếp cận được tập khách hàng mới, gia tăng tương tác, mức độ sử dụng dịch vụ, tăng cường cơ hội bán chéo sản phẩm, dịch vụ, nâng cao trải nghiệm giao dịch và sự hài lòng của khách hàng, góp phần thúc đẩy TTKDTM và phổ cập tài chính.
Hiện nay, các đơn vị vận hành ví điện tử tăng cường liên kết với các ngân hàng để mở rộng phạm vi chuyển tiền thanh toán cho người dùng. Ngược lại, các ngân hàng cũng có lợi thế mở rộng khách hàng và tận dụng được một hệ sinh thái thanh toán sẵn có kết nối với các sàn thương mại điện tử, cửa hàng tiện lợi…, nhất là trong bối cảnh dịch bệnh diễn biến phức tạp, thanh toán không tiếp xúc lên ngôi.
Chẳng hạn, MoMo đang kết nối trực tiếp với 28 ngân hàng trong nước và quốc tế lớn nhất tại Việt Nam, cùng với hệ thống điểm nạp/rút tiền phủ khắp toàn quốc, nổi bật là Circle K, Ministop, FPT Shop... giúp việc nạp và rút tiền trở nên đơn giản, nhanh chóng.
Nhằm đưa lại nhiều dịch vụ tiện ích cho khách hàng, mới đây, MoMo là Fintech đầu tiên phối hợp cùng ngân hàng TPBank cho ra mắt sản phẩm Ví trả sau MoMo. Với MoMo, người dùng có thể đăng ký Ví trả sau MoMo chỉ trong vòng 1 phút với hạn mức lên tới 5 triệu đồng. Khi thanh toán đúng hạn, khoản tiền chi tiêu trước sẽ không bị tính lãi suất. Sử dụng Ví trả sau MoMo, người dùng MoMo thanh toán được hàng trăm dịch vụ trên MoMo, đó là những dịch vụ thiết yếu hàng ngày như: Nạp tiền, mua mã thẻ điện thoại, ăn uống tại nhà hàng, thức ăn nhanh, cà phê, thanh toán tất cả hóa đơn điện, nước, internet, điện thoại trả sau, tiền đi siêu thị, cửa hàng tiện lợi, mua sắm các dịch vụ giải trí, thời trang, sức khỏe, thanh toán mua sắm thương mại điện tử, vé máy bay, tàu, xe... và cả thanh toán tại các cửa hàng điện tử.
Không chỉ bắt tay với ngân hàng, các ví điện tử còn hợp tác với công ty tài chính để cung cấp dịch vụ ví trả sau. Từ đầu tháng 8/2021, Công ty tài chính FeCredit và Ví điện tử ViettelPay triển khai hình thức ví trả sau, lãi suất 0%, cho phép người dùng nhận ngay hạn mức 2 triệu đồng để chi tiêu, miễn lãi 45 ngày khi tải ứng dụng ViettelPay...
Bên cạnh việc liên tục phát triển tính năng, hợp tác với các đối tác thanh toán thì liên kết ngân hàng cũng là một trong những chiến lược của Ví điện tử ZaloPay. Hiện nay, ví điện tử này đã liên kết trực tiếp với 19 ngân hàng để nạp, rút tiền, liên kết với 20 ngân hàng hỗ trợ nạp tiền thông qua cổng Napas. Như vậy, hàng triệu người dùng ngân hàng có thể tiếp cận nền tảng thanh toán toàn diện, khép kín và liền mạch, bao gồm: Chuyển tiền liên ngân hàng, chuyển tiền qua Zalo chat, thanh toán tất cả nhu cầu hàng ngày từ di chuyển, mua sắm, ăn uống đến hoạt động du lịch, giải trí...
Trong khi đó, Moca đang có liên kết trực tiếp với 25 ngân hàng và một ngân hàng số tại Việt Nam. Ví điện tử Moca mang đến cho người dùng những trải nghiệm liền mạch và thuận tiện, qua việc cho phép người dùng thanh toán cho các dịch vụ di chuyển, đặt đồ ăn, đi chợ hộ... trên ứng dụng Grab. Bên cạnh đó, người dùng còn có thể thanh toán cho các dịch vụ ngoài ứng dụng Grab như thanh toán hóa đơn, nạp tiền điện thoại, thanh toán tại cửa hàng, mua sắm trực tuyến...
Có thể nói, việc doanh nghiệp Fintech (trong đó có các ví điện tử) liên kết với ngân hàng sẽ tạo ra nhiều giá trị hơn cho nền tảng thanh toán số và nâng cao trải nghiệm người dùng. Liên kết này không làm thay đổi mô hình kinh doanh của ngân hàng, mà thay vào đó cùng với ngân hàng đưa ra một cách tiếp cận khách hàng mới. Mặt khác, ví điện tử sẽ trở thành “cánh tay nối dài” của ngân hàng, mang dịch vụ tài chính đến với người dân trên khắp mọi miền đất nước, nhất là ở những vùng sâu, vùng xa.
Sự sôi động trên thị trường ví điện tử và sự lên ngôi của thanh toán không tiếp xúc đang tạo đà cho phát triển TTKDTM tại Việt Nam. Tuy nhiên, một bộ phận không nhỏ người dân vẫn còn e ngại về tính an toàn, bảo mật khi tiếp cận các hình thức thanh toán hiện đại, thói quen dùng tiền mặt vẫn phổ biến. Một số người dùng có thể sở hữu cùng lúc nhiều ví điện tử chủ yếu để “săn” ưu đãi, khuyến mại, sau một thời gian thì rời bỏ. Đa số khách hàng lựa chọn ví vì sự tiện ích, thực hiện được nhiều giao dịch, dịch vụ trên hệ sinh thái số đa dạng.
Tương lai không xa, nhiều hình thức và phương tiện thanh toán mới sẽ ra đời, thêm nhiều lựa chọn cho khách hàng. Trong đó, phải kể đến Mobile Money (thanh toán hàng hóa, dịch vụ có giá trị nhỏ), với sự khác biệt và lợi thế là không yêu cầu phải có tài khoản ngân hàng mới được sử dụng và thanh toán như ví điện tử. Tiền dùng để giao dịch thanh toán của Mobile Money chính là số tiền trong tài khoản di động của người sử dụng. Dù hạn mức giao dịch hàng tháng bằng tiền di động chỉ 10 triệu đồng (trong khi hạn mức của ví điện tử gấp 10 lần con số này - 100 triệu đồng một tháng), nhưng Mobile Money sẽ rất phù hợp với người dân ở những khu vực nông thôn, vùng sâu, vùng xa, đặc biệt là những nơi hệ thống tài chính ngân hàng chưa phát triển, người dân chưa hoặc không có khả năng tiếp cận dịch vụ ngân hàng.
Vậy, đâu là giải pháp để các ví điện tử có thể cạnh tranh lành mạnh, “giữ chân” khách hàng, mở rộng thị trường và phát triển bền vững trong tương lai?
Đảm bảo cho thị trường ví điện tử phát triển ổn định, bền vững
Thực tế, thói quen sử dụng tiền mặt của người dân đã được hình thành từ rất lâu. Để thay đổi thói quen đó, cần có thời gian, nguồn lực về công nghệ, tài chính, pháp lý. Khuyến mãi giảm giá cũng là một cách khá hiệu quả để hấp dẫn người dùng, theo tâm lý tự nhiên giúp họ có mong muốn trải nghiệm, từ đó dần dần thay đổi thói quen. Tuy nhiên, việc giữ được khách hàng lâu dài, thường xuyên không phụ thuộc quá nhiều vào điều này mà còn là sự trải nghiệm, tính ổn định và vấn đề an toàn, bảo mật.
Để thị trường ví điện tử tại Việt Nam phát triển bền vững, xa hơn là thúc đẩy TTKDTM cũng như phổ cập tài chính tại Việt Nam, cần những giải pháp tổng thể sau:
Thứ nhất, về cơ chế chính sách và hành lang pháp lý, thời gian qua, nhằm hiện thực hóa các mục tiêu của Chính phủ trong thúc đẩy TTKDTM và tài chính toàn diện, NHNN đã không ngừng hoàn thiện hành lang pháp lý cho hoạt động cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán nói chung và dịch vụ ví điện tử nói riêng. Đặc biệt, ngày 22/11/2019, Thống đốc NHNN đã ban hành Thông tư số 23/2019/TT-NHNN sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 39/2014/TT-NHNN ngày 11/12/2014 của Thống đốc NHNN hướng dẫn về dịch vụ trung gian thanh toán, với nhiều điểm mới tạo thuận lợi cho các tổ chức cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán ví điện tử, tăng cường an ninh, an toàn và bảo vệ quyền lợi khách hàng sử dụng ví.
Theo đó, Thông tư cho phép khách hàng được kết nối ví đã xác minh danh tính với nhiều tài khoản thanh toán, thẻ ghi nợ của khách hàng, cho phép khách hàng duy trì nhiều tài khoản ví... Về đảm bảo hoạt động ví điện tử an toàn, lành mạnh, phòng, chống rửa tiền, phòng ngừa gian lận và bảo vệ quyền lợi khách hàng, Thông tư đã có những quy định đối với tổ chức ví điện tử về mở và duy trì số dư tài khoản đảm bảo cho các ví điện tử tại ngân hàng thương mại; về cung cấp công cụ để phục vụ việc giám sát của NHNN, Thông tư có các quy định về định danh khách hàng mở ví, những hành vi không được phép, bị cấm khi cung ứng, sử dụng dịch vụ ví điện tử, quy định mục đích sử dụng ví chỉ cho các hàng hóa, dịch vụ hợp pháp, giới hạn phạm vi nạp, rút tiền vào/ra ví đã liên kết tài khoản...
Thời gian tới, NHNN cần tiếp tục phối hợp các bộ, ngành liên quan xây dựng, hoàn thiện hành lang pháp lý trong lĩnh vực TTKDTM nói chung và Fintech nói riêng trên cơ sở đảm bảo hài hòa lợi ích giữa các công ty Fintech, ngân hàng và quyền lợi hợp pháp của khách hàng, đồng thời đảm bảo các mục tiêu vĩ mô khác như an toàn tài chính tiền tệ quốc gia. Đích đến cuối cùng là đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của người sử dụng dịch vụ, thúc đẩy TTKDTM và tài chính toàn diện tại Việt Nam.
Theo đó, cơ quan ban hành chính sách cần tiếp tục nắm bắt thực tiễn, tổng hợp khó khăn, vướng mắc từ thị trường và nghiên cứu các xu hướng phát triển, thông lệ quốc tế phù hợp về hoạt động ví điện tử để hoàn thiện hành lang pháp lý thuận lợi, an toàn, lành mạnh cho hoạt động trung gian thanh toán nói chung và hoạt động cung ứng ví điện tử nói riêng tại Việt Nam.
Bên cạnh đó, các chính sách cần tập trung cho phát triển cơ sở hạ tầng, xây dựng hệ sinh thái thanh toán số như nâng cấp hệ thống thanh toán điện tử liên ngân hàng, phát triển hệ thống chuyển mạch, tích hợp và đồng bộ hạ tầng kỹ thuật thanh toán, ứng dụng ngân hàng với các ngành, lĩnh vực dịch vụ khác. Ngoài ra, các bộ, ngành liên quan cần nghiên cứu thêm quy định về quản lý cạnh tranh trong lĩnh vực ví điện tử, thương mại điện tử để đảm bảo chính sách lành mạnh, công bằng trên thị trường giữa các doanh nghiệp.
Đồng thời, các cơ quan Nhà nước cần phối hợp đẩy mạnh TTKDTM trong lĩnh vực công và hành chính công cả ở thành thị, nông thôn và gắn với triển khai thực hiện Chiến lược tài chính toàn diện quốc gia.
Thứ hai, về phía các tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán, tổ chức cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán: Thời gian tới, khi Đề án phát triển thanh toán không dùng tiền mặt giai đoạn 2021 - 2025 và Nghị định về cơ chế thử nghiệm có kiểm soát (Sandbox Regulatory) đối với Fintech trong lĩnh vực ngân hàng được ban hành, các ngân hàng và công ty Fintech cần tập trung triển khai quy định mới về TTKDTM và sẵn sàng các điều kiện, hạ tầng công nghệ, sản phẩm và nhân lực cho việc triển khai Sandbox Regulatory.
Để có hướng phát triển ổn định, bền vững, các công ty cung ứng dịch vụ ví điện tử cần xác định phát triển đáp ứng hai tiêu chí vừa tạo ra lợi ích cho xã hội nhưng cũng cần đảm bảo về tài chính cho doanh nghiệp; tránh tình trạng “đốt tiền lấy người dùng” nhưng không có được sự trung thành của khách hàng, hết khuyến mại khách hàng không tiếp tục sử dụng dịch vụ để doanh nghiệp có thể tạo ra lợi nhuận.
Ví điện tử có cơ hội để phát triển, bứt phá hay không phụ thuộc vào những lợi ích mang đến cho người dùng, đó là những tiện ích đa dạng, sử dụng nhanh chóng, an toàn... Trước nhu cầu cao của người dùng về tính tiện ích trong bối cảnh xã hội ngày càng phát triển nhanh và mạnh như hiện nay, các công ty Fintech cần tiếp tục xây dựng một hệ sinh thái thanh toán qua ví điện tử. Ví điện tử nào sở hữu hệ sinh thái “hoàn hảo”, phục vụ đầy đủ các nhu cầu hàng ngày thì càng ghi điểm từ phía người dùng.
Do đó, không chỉ thu hút khách hàng từ các chương trình khuyến mại hấp dẫn, các tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán, tổ chức cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán (trong đó có các ví điện tử) cần nghiên cứu phát triển sản phẩm, dịch vụ, tăng cường hợp tác, hoàn thiện hệ sinh thái số, song song với việc tăng cường công nghệ bảo mật nhằm mang lại giá trị hữu ích, thuận tiện và tạo được sự tin cậy cho khách hàng. Bên cạnh hệ sinh thái đa dạng, mỗi ví điện tử cần có “điểm nhấn riêng” mang tính chiến lược, tạo ra xu thế trên thị trường. Đơn cử như ví VnPay đang tập trung vào phát triển tính năng ví của gia đình.
Cùng với đó, các công ty Fintech cần phối hợp với các ngân hàng đẩy mạnh công tác truyền thông để người dân (đặc biệt ở vùng sâu, vùng xa, vùng nông thôn) hiểu lợi ích của việc TTKDTM, tiện ích của các ví điện tử mang lại, nâng cao kỹ năng sử dụng dịch vụ tài chính, từ đó thay đổi thói quen dùng tiền mặt và khắc phục tâm lý e ngại khi tiếp cận với công nghệ thanh toán mới.
Thứ ba, về phía người sử dụng dịch vụ, đảm bảo an toàn trong giao dịch ví điện tử, giao dịch ngân hàng trực tuyến, khách hàng/người sử dụng cần tuân thủ các nguyên tắc về bảo mật theo đúng các hướng dẫn của ngân hàng, tổ chức cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán (ví điện tử) nhằm đảm bảo thực hiện các giao dịch thanh toán chuyển tiền, các dịch vụ liên quan một cách an toàn, bảo mật. Khi gặp sự cố, khách hàng cần bình tĩnh phối hợp với các ngân hàng, tổ chức cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán ví điện tử để giải quyết. Khách hàng/người sử dụng cần chủ động giữ kín các thông tin cá nhân/thông tin tài khoản, không tiết lộ cho bên thứ ba dưới mọi hình thức để tránh các trường hợp bị sơ hở, chủ quan bị lợi dụng gây mất tiền, tài sản; đặc biệt là, cần nâng cao cảnh giác với những thủ đoạn của tội phạm trên mạng, đối với các giao dịch thanh toán, chuyển tiền trực tuyến nên thực hiện giao dịch với các doanh nghiệp cung ứng dịch vụ có uy tín trên thị trường.
Tài liệu tham khảo:
1. Cổng thông tin điện tử NHNN: sbv.gov.vn
2. Dự thảo Nghị định về cơ chế thử nghiệm có kiểm soát đối với Fintech trong lĩnh vực ngân hàng.
3. Thông tư số 23/2019/TT-NHNN ngày 22/11/2019 của Thống đốc NHNN sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 39/2014/TT-NHNN ngày 11/12/2014 của Thống đốc NHNN hướng dẫn về dịch vụ trung gian thanh toán.
4. www.moca.vn
5. ww.zalopay.vn
6. www.momo.vn
Trần Phương Chi (NHNN)