Dân trí về tài chính với phát triển hệ thống ngân hàng bền vững – một số khuyến nghị chính sách cho Việt Nam
10/02/2017 04:16 5.307 lượt xem
TS. Ngô Chung  ThS. Lê Văn Hinh 
 
Theo lý thuyết về tài chính ngân hàng, hệ thống tài chính nói chung và trong đó hệ thống ngân hàng (phía cung) là kênh (gián tiếp) chuyển vốn đến người sử dụng hiệu quả nhất qua việc phân tích đánh giá người sử dụng vốn và dịch vụ ngân hàng (phía cầu). Như vậy, có thể suy ra rằng, hệ thống tài chính có hiệu quả, bền vững hay không  phụ thuộc đáng kể vào trình độ, năng lực của người sử dụng vốn, dịch vụ ngân hàng - hay còn gọi là trình độ dân trí về tài chính ngân hàng hoặc “dân trí về tài chính” (financial literacy). Nhiều nghiên cứu đã chỉ ra rằng, dân trí về tài chính có ảnh hưởng đáng kể đến phát triển bền vững hệ thống tài chính, ngân hàng và rộng hơn là nền kinh tế.
Tại Việt Nam, Chính phủ đã và đang chủ trương tăng cường và tiếp tục phát triển bền vững hệ thống ngân hàng. Các nỗ lực dường như chỉ tập trung vào phía cung mà ít chú trọng đến các giải pháp, chính sách hay chiến lược tác động đến phía cầu. Nhiều bằng chứng gần đây cho thấy, sự kém hiểu biết về tài chính ngân hàng là nguyên nhân của các vụ việc liên quan đến ngân hàng, tình trạng chấp nhận rủi ro quá mức (làm liều), hay hàng chục ngàn người đã sa vào bẫy của các hoạt động lừa đảo tài chính trong mấy năm qua (Thạch Lam, 2012)... Thời gian qua, xã hội thường nhìn nhận nợ xấu, thất thoát vốn ngân hàng và các vấn đề nổ ra ở khu vực ngân hàng là do lỗi duy nhất từ phía ngân hàng hay cán bộ ngân hàng… Việc học tập về tài chính ngân hàng cũng dường như được coi là trách nhiệm duy nhất của cán bộ ngân hàng... Cách tiếp cận này rõ ràng là chưa toàn diện và có thể ảnh hưởng, cản trở đến chiến lược phát triển một hệ thống ngân hàng hiệu quả, bền vững và thậm chí còn cản trở quá trình chuyển đổi mô hình tăng trưởng kinh tế theo hướng năng suất, chất lượng mà Việt Nam đang hướng đến trong những năm tiếp theo...
Trong bối cảnh trên, bài viết tổng hợp một số nghiên cứu nổi bật về “dân trí về tài chính”; bài học từ một số quốc gia và có một số khuyến nghị chính sách nhằm phát triển hệ thống tài chính bền vững ở Việt Nam.
 
1. Một số khái niệm, đo lường và nghiên cứu “dân trí về tài chính”
1.1- Khái niệm, đo lường dân trí về tài chính
 - Khái niệm dân trí về tài chính: Mặc dù dân trí về tài chính hay trình độ dân trí về tài chính ngân hàng đã được nhiều nhà nghiên cứu quan tâm (Delavande, Adeline, Susann Rohwedder, and Robert Willis, 2008); tuy nhiên, chưa có sự thống nhất cao về khái niệm mang tính nội hàm của nó. Một vài khái niệm dân trí về tài chính dường như được chấp nhận rộng rãi như “... khả năng đánh giá một cách có hiểu biết và đưa ra các hành động hiệu quả đối với việc sử dụng và quản lý tiền trong hiện tại và tương lai” (Basu. S, 2005); hay “khả năng đánh giá và đưa ra quyết định một cách có hiểu biết trong việc sử dụng và quản lý tiền” (Noctor, M, S Stoney, and R Stradling. 1992)...
Tổng quan cho thấy, dân trí về tài chính mô tả tình trạng có những kiến thức và kỹ năng thiết yếu để ra quyết định với nhận thức về các hệ quả tài chính có thể xảy ra, bao gồm: (i) Kỹ năng toán học cơ bản; (ii) Hiểu được lợi ích và rủi ro gắn với những quyết định tài chính cụ thể; (iii) Hiểu được những khái niệm tài chính cơ bản; (iv) Khả năng tìm đến chuyên gia và đặt câu hỏi chính xác, hiểu được tư vấn của chuyên gia về các vấn đề thiết yếu.
- Đo lường dân trí về tài chính
Hiện còn khá nhiều khác biệt trong đo lường dân trí về tài chính do 03 nguyên nhân: (i) chưa thống nhất về cấu phần nội dung của dân trí về tài chính; (ii) chưa có phương pháp tiếp cận toàn diện để đánh giá dân trí về tài chính và (iii) thiếu cách diễn giải các kết quả đánh giá thu được.
Một số nghiên cứu thực nghiệm sử dụng các biến số nhân khẩu học về trình độ đào tạo làm biến đại diện cho dân trí về tài chính. Phần lớn các nghiên cứu khác sử dụng phương pháp xã hội học để khảo sát với hệ thống bảng hỏi điều tra xã hội học. Một số phương pháp/cách thức cùng các chỉ tiêu đo lường được chấp nhận khá rộng rãi như: bộ bảng hỏi của Lusardi và Mitchell (xem trong: Agnew, Julie R., and Lisa Szykman. 2011) áp dụng trong nhiều nghiên cứu tại Hoa Kỳ1. Hilgert, Hogarth, và Beverly (Hilgert, Marianne A., Jeanne M. Hogarth, and Sandra G. Beverly. 2003, 2003) thiết kế bộ bảng hỏi (28 câu) trắc nghiệm kiến thức về tín dụng, tiết kiệm, vay thế chấp, và quản lý tài chính nói chung (Utkus, Stephen P., and Jean A. Young, 2011). Ngoài ra, còn có các khảo sát, điều tra sâu về dân trí về tài chính (Lusardi & Tufano. 2009a, 2009b)…
Tổ chức OECD phát triển một công cụ khảo sát đánh giá dân trí về tài chính ngân hàng đã được nhiều nghiên cứu sử dụng trên 14 quốc gia. Bộ công cụ của OECD (xem trong: Atkinson, A. and F. Messy, 2012) có dạng bảng hỏi, đánh giá 03 “thành tố” trong “dân trí về tài chính ngân hàng” gồm: kiến thức, thái độ và hành vi tài chính. Tổng hợp kết quả cả 03 mục theo thang 22 điểm (tương ứng 8 cho kiến thức, 9 cho hành động, và 5 cho thái độ) để có kết quả chung. (Bảng 1)
Bảng 1: Cấu trúc bộ chỉ tiêu đánh giá trình độ dân trí về tài chính
Đặc tính
 
Mục
Nội dung đánh giá Số lượng
(câu hỏi)
Cách thực hiện Chuẩn đánh giá là cao
(điểm)
Kiến thức Kiến thức tài chính không chuyên ngành (sơ đẳng) 08 Câu hỏi trắc nghiệm 06/08
Thái độ Quan điểm và xu hướng ưu tiên giữa nhu cầu ngắn hạn và kế hoạch tài chính dài hạn 03 Câu hỏi về thái độ (mức độ đồng ý từ 1-5) Trung bình 03 điểm/câu
Hành vi Số lượng hành vi tài chính tích cực 09 Phỏng vấn thực tế 06/09
Nguồn: Atkinson, A. and F. Messy (2012), “Measuring Financial Literacy: Results of the OECD / International Network on Financial Education (INFE) Pilot Study”
 
1.2. Một số nghiên cứu dân trí về tài chính và hệ thống tài chính
Tổng quan nghiên cứu về mối quan hệ giữa “dân trí về tài chính” và thị trường tài chính cho thấy: (i) dân trí về tài chính giúp các hộ gia đình cân đối hoạt động tài chính, giảm rủi ro cho ngân hàng và các tổ chức tín dụng (TCTD); (ii) nâng cao dân trí về tài chính làm phong phú nhu cầu sử dụng sản phẩm tài chính, giúp hiện đại hóa, đa dạng hóa hệ thống tài chính, tăng sự linh động và hiệu quả; (iii) dân trí về tài chính cao hơn giúp thúc đẩy kỷ luật thị trường và khuyến khích quản lý rủi ro thận trọng cũng như nâng cao chuẩn mực dịch vụ; (iv) những quyết định đầu tư dựa trên dân trí về tài chính cao có khả năng giúp tăng cường hiệu quả phân bổ nguồn lực kinh tế...
Một số nghiên cứu (K. Gerardi., G. Lorenz., & S. Meier, 2010; cũng như Christine Caldwel, 2012) đã chỉ ra nhóm khách hàng có trình độ dân trí về tài chính thấp có tỷ lệ vỡ nợ cao hơn trong cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008.
Về khả năng tiếp cận các sản phẩm, dịch vụ tài chính, hàng loạt các nghiên cứu cho thấy, cá nhân có trình độ dân trí về tài chính cao có xu hướng tham gia nhiều hơn vào thị trường chứng khoán (Kimball & Shumway,2006; Christelis, Jappelli, & Padula, 2010; Van Rooij, Lusardi, & Alessie, 2011; Yoong Joanne, 2011; Almenberg & Dreber, 2011; Arrondel, Debbich, & Savignac, 2012). F. Elsa và C. Monticone (2011) chỉ ra rằng, nhà đầu tư có trình độ dân trí về tài chính cao tham vấn các nhà tư vấn tài chính nhiều hơn. Cohen (2010) cho thấy, năng lực tài chính giúp khách hàng tiếp cận với sản phẩm phù hợp trên thị trường...
Công trình của Grohmann, Antonia; Kouwenberg, Roy; Menkhoff, Lukas (2014) cho thấy tăng cường trình độ dân trí về tài chính cho tầng lớp trung lưu tại các nền kinh tế mới nổi làm tăng nhu cầu đối với các sản phẩm tài chính phức tạp.
Đối với vấn đề kỷ luật thị trường, Power (2013) chỉ ra rằng, một lượng lớn khách hàng không đọc báo cáo tài chính do trình độ dân trí về tài chính thấp và không có khả năng sử dụng những thông tin trong báo cáo để ra quyết định (Sovern, 2010). Theo quan sát của Battellino (2007), khó khăn lớn nhất của chế độ công bố thông tin là vấn đề trình độ dân trí về tài chính.
Về góc độ phân bổ nguồn lực trong nền kinh tế, cá nhân có trình độ dân trí về tài chính thấp thường sẽ ít có khả năng tham gia đầu tư cũng như đạt được mức lợi nhuận thấp (Campbell và cộng sự 2011), không phân tán rủi ro (Luigi Guiso 2009; và Christelis, Dimitris, Tullio Jappelli, and Mario Padula, 2010). Prete (2013) đã chỉ ra mối liên hệ giữa sự phát triển của thị trường tài chính và việc thu hẹp bất bình đẳng thu nhập thông qua các kỹ năng kinh tế. Đồng thời, các nghiên cứu của Clarke, Xu, & Zou (2006) và Beck, cùng các nhà nghiên cứu  (Beck, T., Demirguc - Kunt, A., & Levine, R. 20072007) cũng cho kết quả tương tự. Mối liên hệ giữa bình đẳng thu nhập và tăng trưởng kinh tế cũng được các nghiên cứu chỉ ra liên quan đến vẫn đề kiến thức, hiểu biết về tài chính (Aghion, P., Caroli, E., & Garcia - Penalosa, C, 1999; Banerjee, A. & Duflo. E, 2003;  Forbes, 2000; WB,2005). 
1.3. Giải pháp nâng cao dân trí về tài chính tại một số quốc gia phát triển
Việc nghiên cứu kinh nghiệm tại một số quốc gia phát triển sẽ rất có ý nghĩa cho bất kỳ quốc gia nào. Kinh nghiệm từ một số quốc gia như Vương quốc Anh, Hoa Kỳ và Úc có thể cho ta một số bài học hữu ích về tăng cường trình độ dân trí về tài chính.
Hầu hết các quốc gia như Anh, Hoa Kỳ và Úc đều có một cơ quan chuyên trách về thiết kế và thực thi chiến lược đào tạo tài chính quốc gia. Tại Hoa Kỳ, Ủy ban Đào tạo nâng cao trình độ dân trí về tài chính thành lập năm 2003 (United States Congress, 2003). Tại Vương quốc Anh, Cơ quan Dịch vụ Tài chính (FSA, 2003) ra đời năm 2000 (Parliament of the United Kingdom, 2000). Tại Úc, Hiệp hội dân trí về tài chính (FLF) ra đời năm 2005.
Dân trí về tài chính tại các nền kinh tế hàng đầu thế giới cũng còn nhiều vấn đề với những đặc thù riêng có của mỗi quốc gia. Tại Hoa Kỳ, mặc dù đã có chiến lược phát triển dân trí về tài chính với các tài liệu, chương trình đào tạo chất lượng và sẵn sàng nhưng người dân nước này vẫn chưa được khuyến khích, tạo điều kiện tham gia học tập một cách phổ biến. Tại Vương quốc Anh và Úc, chiến lược trọng tâm là xây dựng và hệ thống hóa chương trình, nội dung đào tạo, phổ cập tài chính ngân hàng cho toàn dân.
Chiến lược của Hoa Kỳ được đưa ra trong báo cáo “Taking Ownership of the Future: The National Strategy for Fianancial literacy” (Financial Literacy and Education Commission, 2006) với 2 giải pháp chính: tổ chức chiến dịch cộng đồng và hội thảo về tài chính ngân hàng. Các chiến dịch cộng đồng hướng tới các chủ đề như tiết kiệm, quỹ hưu trí, nhận thức về vay nợ và tránh các gian lận lừa đảo tài chính. Các hội thảo được tổ chức cho cả người sử dụng lao động về một số chủ đề đặc thù.
Chiến lược của Vương quốc Anh thể hiện trong tài liệu “Building Financial Capability in the UK” năm 2003 xác định 7 trọng tâm gồm những đối tượng, khu vực, nội dung trọng điểm, rất phổ thông như: trường học, nơi làm việc, vay mượn, người trưởng thành trẻ, gia đình, tư vấn và nghỉ hưu.
Trong khi tại Úc, Chính phủ không đưa ra một chiến lược chính thức mà là một dạng chiến lược ngầm định cho phát triển dân trí về tài chính ngân hàng (US, Treasury Department, 2004).
Một điều đáng chú ý rằng, các nước nêu trên đều lập các cổng thông tin điện tử (website) chính thức, là một kênh quan trọng cho thực hiện chính sách nâng cao trình độ dân trí về tài chính ngân hàng2. Hình thức trên các cổng thông tin điện tử này khá đa dạng: chương trình đào tạo, kiến thức, trò chơi (về tài chính), khảo sát, phần mềm tự đánh giá …
Hầu hết các quốc gia phát triển thường xuyên thực hiện điều tra, khảo sát riêng biệt để đánh giá trình độ dân trí về tài chính… Kết quả phân tích từ các cuộc điều tra này được coi là nền tảng, cơ sở quan trọng cho thiết kế và triển khai các chiến lược liên quan. Phương pháp, bộ công cụ điều tra, đánh giá mà nhiều nước (trong đó có Anh, Mỹ, Úc) áp dụng là theo chuẩn mực OECD (OECD, 2005).
Một điều cần lưu ý là nhiều quốc gia đã khẳng định cần tiến hành khảo sát để đảm bảo hiệu quả thực của các chương trình đào tạo nâng cao trình độ dân trí về tài chính (Bernanke, 2006; Braunstein & C.Welch, 2002; Dixon M., 2006;  Lyons, Angela C., et al. 2006; Coben, M. Dawes, & N. Lee, 2005; Staten, Michael E., &  John M. Barron. 2002 và 2006) chứng tỏ họ rất quan tâm đến sự thay đổi thực sự về trình độ dân trí về tài chính hơn là về các hoạt động phong trào rầm rộ.
 1.4. Các trở ngại đối với đào tạo nâng cao dân trí về tài chính tại các quốc gia thu nhập trung bình, thấp
Đào tạo nâng cao dân trí về tài chính ở các quốc gia thu nhập thấp và trung bình có một số đặc điểm đáng chú ý dưới đây (Robert Holzmann, 2010); và đây cũng là các trở ngại cho việc đào tạo nâng cao dân trí về tài chính ở các nền kinh tế này;
- Khả năng tiếp cận các dịch vụ tài chính thấp ở một phần hay phần lớn dân cư;
- Thu nhập đầu người thấp, việc ưu tiên mưu sinh ảnh hưởng đến hành vi tài chính mà hành vi này có thể thay đổi khi mức thu nhập thay đổi;
- Tỷ lệ khu vực nông thôn cao với đặc trưng về cộng đồng, lối sống, tài sản dẫn đến các hành vi tiết kiệm và lập kế hoạch đặc thù;
- Nền kinh tế phi chính thức: tỷ lệ các giao dịch chính thức thấp; nhiều cá nhân làm nghề tự do dẫn đến hình thức quản lý tài chính gần hơn với hình thức quản lý chi tiêu cá nhân hoặc quản lý hoạt động kinh doanh nhỏ lẻ;
- Vấn đề rủi ro: hình thức rủi ro phổ biến liên quan đến nông nghiệp và sức khỏe được quản lý bằng các hình thức phi chính thức như gia đình, cộng đồng.
Đặc tính riêng biệt này tạo ra một cách đánh giá khác về năng lực tài chính cũng như định hướng can thiệp hay các giải pháp chính sách để giúp thay đổi hành vi trong các cộng đồng này.
Nghiên cứu của Robert Holzmann (2010) cũng chỉ ra những khác biệt trong chính sách đối với các quốc gia thu nhập trung bình, thấp để nâng cao trình độ dân trí về tài chính:
- Bên cạnh các kỹ năng sử dụng công cụ tài chính, cần hướng đến đào tạo cơ bản về kinh doanh và quản lý nợ. Đối với các quốc gia có khuôn khổ luật pháp bảo vệ người tiêu dùng yếu, cần bổ sung thêm mục tiêu đào tạo để tránh lừa đảo;
- Cần phải chú ý đến các nhóm đối tượng khác nhau, không đồng nhất, phân biệt bằng các yếu tố nhân khẩu học khi tiến hành điều tra, khảo sát hay xây dựng chương trình đào tạo tài chính;
- Việc triển khai đào tạo tài chính tại các quốc gia này cần: (i) dựa vào các hoạt động tài chính quan trọng (ví dụ như ngoại hối); (ii) đi đôi với tăng cường phổ cập tài chính (đẩy mạnh chương trình tài chính vi mô); (iii) dựa vào hệ thống tổ chức cộng đồng sẵn có;
- Chú ý đến các quy ước xã hội đặc trưng.
2. Dân trí về tài chính tại Việt Nam và một số khuyến nghị chính sách
2.1. Dân trí về tài chính tại Việt Nam
Vấn đề dân trí về tài chính tại Việt Nam là khá mới mẻ và dường như các chính sách của Nhà nước mới ở điểm bắt đầu.
So với thế giới, dân trí về tài chính Việt Nam xếp 90/118 nước (Standard & Poor. 2014). Theo số liệu khảo sát cho thấy, chỉ 24% người trưởng thành ở Việt Nam được xếp vào hạng có trình độ dân trí về tài chính ở mức cao. So với các nước trong khu vực, Việt Nam được xếp vào hàng thứ 11/16 nước Đông Nam Á (MasterCard, 2014). Một nghiên cứu đánh giá trình độ dân trí về tài chính của phụ nữ thuộc nhiều quốc gia trong đó Việt Nam xếp thứ 25 trong tổng số 27 nước được khảo sát (Visa, 2013).
Về mức độ sử dụng sản phẩm tài chính, so với các nước trên thế giới, tỷ lệ người Việt Nam sử dụng sản phẩm tài chính ở mức khá thấp (chi tiết xem bảng 2) (WB, 2011). Mức chênh lệch lớn giữa tỷ lệ nợ chính thức và phi chính thức cũng như một số chỉ số khác (so với các nước khác trong bảng) gợi ý rằng một bộ phận dân cư chưa tiếp cận được các dịch vụ ngân hàng ở mức khá cao. (Bảng 2)
Bảng 2. Mức độ phổ cập tài chính tại Việt Nam
Quốc gia/ Khu vực Tài khoản tài các tổ chức tín dụng (% trên 15 tuổi) Tài khoản cho mục đích kinh doanh (% trên 15 tuổi) Có khoản tiết kiệm trong quá khứ (% trên 15 tuổi) Có tiền gửi tại các TCTD trong quá khứ (% trên 15 tuổi) Có khoản nợ trong quá khứ (% trên 15 tuổi) Có khoản nợ với các TCTD trong quá khứ (% trên 15 tuổi)
Cambodia 3.7% 0.2% 31% 0.8% 59.5% 19.5%
Bangladesh 39.6% 5.5% 26.8% 16.6% 37.3% 23.3%
Indonesia 19.6% 3.2% 40.5% 15.2% 49.1% 8.5%
Malaysia 66.2% 6.5% 51% 35.4% 32.5% 11.2%
Lào 26.8% 4.5% 54.5% 19.4% 32.5% 18.1%
Philippines 26.6% 5.6% 45.5% 14.7% 58.1% 10.5%
Sri Lanka 68.5% 4.6% 36.3% 28.1% 34.1% 17.7%
Taiwan 87.3% 10.2% 58.1% 45.7% 24% 9.6%
Thái Lan 72.7% 8.7% 60% 42.8% 27.2% 19.4%
Việt Nam 21.4% 3.8% 35.3% 7.7% 43.9% 16.2%
                                                       (Nguồn: Global Findex, 2011, WB, 2011)
Đã có nghiên cứu chỉ ra rằng, việc không hiểu rõ sản phẩm dịch vụ là nguyên nhân chủ yếu dẫn đến người dân không sử dụng thẻ tín dụng, bảo hiểm ở Việt Nam (Nielson, 2010). Điều này cho thấy mối liên hệ rõ nét giữa dân trí về tài chính và sự tiếp cận dịch vụ, công cụ tài chính ngân hàng hiện đại của dân chúng và do đó hạn chế quá trình phát triển các dịch vụ tài chính ngân hàng hiện đại ở
Việt  Nam.

WB đánh giá mức độ phổ cập, tiếp cận tài chính (financial inclusion) của Việt Nam vẫn ở mức thấp trong khu vực (WB, 2015). Về tình hình dịch vụ tài chính thuộc nhóm thu nhập thấp ở Việt Nam được đặc trưng bởi các giao dịch tài chính phi chính thức ở tỷ lệ cao; nhiều khách hàng không đọc hợp đồng tín dụng trước khi ký; người tiêu dùng ít dựa vào kênh pháp lý mà coi đây là biện pháp cuối cùng cho giải pháp tài chính của mình (WB, 2014).
Gần đây, có khá nhiều bằng chứng thực tế cho thấy dân trí về tài chính ngân hàng ở Việt Nam cần được quan tâm, cải thiện trên nhiều phương diện. Các vụ việc gần đây như hàng chục ngàn người dân Việt Nam bị cuốn vào các vụ như “Liên kết Việt” (Giang Chinh, 2016), “MB24” (Đặng Hậu, 2012); hay kinh doanh ngoại tệ hay kinh doanh vàng “trên mạng” hay “gian hàng ảo”3 (Ngọc Châu, 2008) và hậu quả của nó là dân chúng mất mát hàng ngàn tỷ đồng (Thúy Minh, 2016) và trong đó có cả một số tổ chức4... Có nhiều nguyên nhân dẫn đến các hiện tượng trên, trong đó không thể loại trừ vấn đề về trình độ dân trí còn hạn chế của nhiều tầng lớp dân cư...
Từ các vụ việc trên cho ta thấy, rõ ràng có các bằng chứng về tác động xã hội của vấn đề trình độ dân trí thấp về tài chính là gia tăng đói nghèo, làm chậm quá trình thoát nghèo... Một số vụ “vỡ hụi”, mất mát tiền do bị lừa đảo tài chính còn liên quan và tác động trực tiếp đến các NHTM (Thanh Du, 2016)... Thực tế, nhiều năm qua cho thấy, trình độ dân trí thấp về tài chính ngân hàng là môi trường tốt cho các loại bẫy tài chính dạng mô hình đa cấp, tháp ngược5 sinh sôi, nẩy nở; hoặc cụ thể như “Bỏ ra tối thiểu 8 triệu đồng, không làm gì cả, hưởng lãi suất… 360%” đã từng diễn ra tại Việt Nam (VTV24, 2016). Hậu quả của các vụ việc này chắc chắn không chỉ tác động đến hệ thống ngân hàng mà còn có tác động tiêu cực đến nhiều lĩnh vực đời sống xã hội khác...
Như vậy, rõ ràng từ các bằng chứng trên cho thấy, dân trí về tài chính với phát triển bền vững tài chính ở Việt Nam có mối quan hệ tác động. Do đó, nâng cao dân trí về tài chính không chỉ là công việc của hôm nay mà còn là công việc của tương lai khi Chính phủ chủ trương phát triển bền vững hệ thống tài chính gắn với tăng trưởng kinh tế hiệu quả, bền vững. Trong bối cảnh đó, chắc chắn rằng nâng cao dân trí về tài chính (theo các giải pháp, hình thức, các kênh đào tạo phù hợp) không chỉ có ý nghĩa đối với ngành Ngân hàng mà còn mang đầy ý nghĩa kinh tế, xã hội...
2.2. Thực trạng đào tạo cho tăng cường dân trí về tài chính ở Việt Nam
Dễ nhận thấy, tại Việt Nam, vấn đề dân trí về tài chính, ngân hàng chưa được quan tâm một cách đầy đủ. Về đào tạo tài chính tại Việt Nam nói chung còn nhiều hạn chế (Nguyễn Vĩnh Hưng, 2015). Sự hạn chế này thể hiện: (i) Nhỏ lẻ và chỉ hướng đến nhóm đối tượng nhất định; (ii) Một số chương trình được thiết kế nhằm phục vụ mục đích của tổ chức; (iii) Thiếu tính liên tục; (iv) Nội dung đào tạo chưa toàn diện.
Ngoài ra, có thể kết luận rằng đào tạo tài chính tại Việt Nam hiện đang lệ thuộc vào sự phối hợp giữa các tổ chức tài chính và các tổ chức phi chính phủ, đồng thời người dân thiếu cơ hội đào tạo không chính thức thông qua quan sát những người xung quanh (WB, 2015).
2.3. Một số khuyến nghị chính sách
Với định hướng phát triển hệ thống tài chính bền vững, tăng cường sự tiếp cận tài chính của dân chúng, với thực trạng mở rộng dịch vụ ngân hàng hiện đại đến đông đảo dân chúng ở Việt Nam, bảo vệ người dân trong sử dụng các nguồn/dịch vụ tài chính trước các tình trạng lừa đảo tài chính, bài viết có một số khuyến nghị chính sách sau:
Một là, tổ chức nghiên cứu khảo sát tổng thể cấp quốc gia về tình trạng dân trí về tài chính (ngân hàng) mang tính thường kỳ (5 năm/lần): đánh giá tình hình, nhu cầu đào tạo,..; và đánh giá tác động, ảnh hưởng hay vai trò của dân trí về tài chính (ngân hàng) trong phát triển bền vững tài chính quốc gia hay các chiến lược kinh tế xã hội khác; hoặc cho phát triển dịch vụ ngân hàng hiện đại đến các tầng lớp dân cư;
Hai là, trên cơ sở có dữ liệu quốc gia (thực trạng và tác động như trên...) cần có chương trình quốc gia và ngành (chủ trì là NHNN) về nâng cao dân trí về tài chính, ngân hàng ở các cấp độ khác nhau;
Ba là, đưa việc đào tạo tài chính trở thành một mối quan tâm chính sách, xây dựng thành chiến lược nâng cao năng lực tài chính quốc gia trong trung hạn. Tại NHNN, cho thành lập hoặc giao đơn vị cụ thể, có trách nhiệm phụ trách xây dựng và thực hiện chiến lược đào tạo phát triển dân trí về tài chính quốc gia;
Bốn là, xây dựng chương trình đào tạo, giải pháp đào tạo theo nhiều hình thức, nhiều kênh truyền tải khác nhau, phổ cập sâu rộng và có chất lượng hơn về tài chính ngân hàng cho các tầng lớp dân cư. Trong đó chú trọng và hướng tới các tầng lớp dân cư ở vùng sâu, vùng xa... bà con sản xuất nông nghiệp ở vùng
nông thôn...;

Năm là, gắn đào tạo, truyền thông phổ cập dân trí về tài chính (ngân hàng) với các giải pháp công nghệ, kỹ thuật truyền thông hiện đại đa phương tiện như trên đài, hệ thông truyền hình quốc gia; mạng xã hội, cổng thông tin quốc gia hay các ngành… Gắn phát triển hệ thống dịch vụ ngân hàng hiện đại với nâng cao trình độ dân trí về tài chính ngân hàng cho mọi tầng lớp dân cư. Trong đó, các TCTD, phải có trách nhiệm xã hội về đào tạo, nâng cao trình độ dân trí về sử dụng các công cụ tài chính, sử dụng vốn cho nhân dân - theo chương trình đào tạo, bồi dưỡng hay theo kịch bản do cơ quan, tổ chức chuyên ngành và có kinh nghiệm thuộc NHNN Việt Nam xây dựng theo chuẩn phù hợp. Coi việc đào tạo, huấn luyện về tài chính, tín dụng cho nhân dân, cho khách hàng (người tiêu dùng) là giải pháp minh bạch về tài chính - tránh tình trạng người đi vay không đọc, không hiểu các nội dung, điều khoản trong hợp đồng tín dụng mà vẫn ký khi vay vốn. Những giải pháp này sẽ đảm bảo quyền, lợi ích cho người tiêu dùng...
Sáu là, trong trung và dài hạn, kiến thức tài chính cơ bản nên được đưa vào chương trình đào tạo, giáo dục ngay ở bậc phổ thông và liên tục theo nguyên tắc học tập suốt đời. Gắn đào tạo, bồi dưỡng kiến thức về tài chính ngân hàng (bao gồm các kiến thức cơ bản; các kỹ năng sử dụng tiền vốn...) với chương trình quốc gia khởi nghiệp; hoặc trong định hướng chuyển đổi mô hình tăng trưởng kinh tế từ tăng trưởng dựa vào tài nguyên, dựa vào tiền vốn sang một mô hình tăng trưởng mới dựa vào năng xuất, chất lượng, hiệu quả (tiêu tốn ít tài nguyên và tiền vốn hơn).
Bảy là, ngành Ngân hàng, mà trước tiên là NHNN cần được giao nhiệm vụ đi tiên phong, coi nâng cao dân trí về tài chính ngân hàng là một nhiệm vụ quan trọng không tách rời chiến lược phát triển bền vững hệ thống ngân hàng. Hiện nay, đào tạo tài chính ngân hàng ở Việt Nam mới chú trọng đào tạo hàn lâm (ở các trường đại học và cao đẳng); không phù hợp và chưa đủ cho học tập liên tục nhằm nâng cao dân trí về ngân hàng cho mọi tầng lớp nhân dân. Do đó, NHNN cần lựa chọn đơn vị phù hợp xây dựng các chương trình, hay kế hoạch tổng thể cho việc đào tạo, bồi dưỡng dân trí về tài chính ngân hàng cho một số đối tượng dân cư nhất định (đặc biệt là các tầng lớp nhân dân, lao động, không có điều kiện cắp cặp đến trường như sinh viên, hay cán bộ ngân hàng...). Với đối tượng có đặc tính riêng biệt như vậy, chương trình mà NHNN xây dựng cần bắt đầu đơn giản, qua một chuyên mục được định sẵn (tránh bị các chương trình khác chèn lấn) trên một số phương tiện thông tin quan trọng như truyền hình, đài tiếng nói quốc gia, báo ngành, báo địa phương... mà mọi người dân ở mọi vùng có thể tiếp cận.
 
1 Bộ câu hỏi gồm 3 câu: Câu hỏi đầu tiên yêu cầu người trả lời tính toán lãi suất cho một khoản tiết kiệm; Câu hỏi thứ 2 yêu cầu người được hỏi đánh giá tác động của lãi suất tiền gửi và lạm phát lên giá trị của một khoản tiền; cuối cùng là Câu hỏi đánh giá về đánh đổi rủi ro và lợi nhuận giữa 2 sản phẩm tài chính.
2Website của Hoa Kỳ: MyMoney.gov, Anh: Moneymadeclear.fsa.gov.uk và Úc: Understandingmoney.gov.au
3Các nhà chuyên môn gọi dạng này là “margin trading”...
4Trong đó không loại trừ ngân hàng - một cách trực tiếp hay gián tiếp.
5Các bẫy này có thể gọi là Ponzi , a pyramid scheme ... Trong đó, “ chủ trò” thường dùng yếu tố lãi suất cao, lợi ích lớn, kiếm tiền  nhanh không cần làm...
 
TÀI LIỆU THAM KHẢO:
1. Agnew, Julie R., and Lisa Szykman. 2011. “Annuities, Financial Literacy, and Information Overload.” In Financial Literacy: Implications for Retirement Security and the Financial Marketplace, edited by Olivia S. Mitchell and Annamaria Lusardi, 158-80. Oxford and New York: Oxford University Press.
2. Almenberg, Johan, and Anna Dreber, 2011. “Gender, Stock Market Participation and Financial Literacy.” Stockholm School of Economics Economic Research Institute Working Paper 737.
3. Coben, Diana, Maraget Dawes, and Nirmala Lee. 2005. “Financial Literacy Education and Skills for Life”. London: National Research and Development Centre for Adult Literacy and Numeracy.
4. Đặng Hậu. 2012 : “MB24 có dấu hiệu lừa đảo tinh vi!”, dantri.com, http://dantri.com.vn/dien-dan/mb24-co-dau-hieu-lua-dao-tinh-vi-1343918806.htm (Chủ nhật, 29/07/2012 - 10:16)
5. Delavande, Adeline, Susann Rohwedder, and Robert Willis, 2008. “Preparation for Retirement, Financial Literacy and Cognitive Resources.” University of Michigan Retirement Research Center Working Paper 2008-190.
6. Dixon, Mike. 2006. “Rethinking Financial Capability: Lessons from Economic Psychology and Behavioural Finance”. London: Institute for Public Policy Research
7. Financial Literacy and Education Commission, 2006. “Taking Ownership of the Future: The National Strategy for Financial Literacy, 2006.” Washington: Financial Literacy and Education Commission
8. Forbes. K, 2000. “A assessment of the relationship between inequality and growth. American Economic Review”.
9. Fornero, Elsa, and Chiara Monticone, 2011. “Financial Literacy and Pension Plan Participation in Italy.” Journal of Pension Economics and Finance 10 (4): 547-64
10. FSA (Financial Services Authority), 2003. “Building Financial Capability in the UK”. London: FSA.
11. Giang Chinh, 2016: “Vụ đa cấp Liên Kết Việt: Mua càng nhiều tiền sẽ được làm sếp”, Vnexpress.net, http://Vnexpress.net/tin-tuc/phap-luat/vu-da-cap-lien-ket-viet-mua-cang-nhieu-tien-se-duoc-lam-sep-3369700.html (Thứ ba, 15/3/2016 | 08:58 GMT+7)
12. K. Gerardi., G. Lorenz., & S. Meier,2010, “Financial Literacy and Subprime Mortgage Delinquency: Evidence from a Survey Matched to Administrative Data”, Federal Bank of Atlanta,
13. Kimball, Miles S., and Tyler Shumway. 2006. “Investor Sophistication and the Participation, Home Bias, Diversification, and Employer Stock Puzzles.”
14. Luigi Guiso and Tullio Jappelli. 2009. “Financial Literacy and Po rtfolio Diversification“. Center for Study in Economics and Finance. Working papper No.212
15. Lyons, Angela C., et al. 2006. “Are We Making the Grade? A National Overview of Financial Education and Program Evaluation.” Journal of Consumer Affairs
16. Ngọc Châu. 2008: “Buôn vàng, ngoại tệ online sẽ chỉ mất tiền”. Vnexpress.net. http://kinhdoanh.vnexpress.net/tin-tuc/vi-mo/buon-vang-ngoai-te-online-se-chi-mat-tien-2692368.html (Thứ năm, 8/5/2008 | 09:46 GMT+7)
17. Nguyễn Vĩnh Hưng. 2015. “Evaluation of financial literacy in VietNam and national fianancial education prỏgam”, Asian Development Bank Institute, High-Level Global Symposium: Promoting Better Lifetime Planning through Financial Education, 22-23thJanuary 2015
18. Nielson, 2010. “Personal Finance Monitor”
19. Noctor, M, S Stoney, and R Stradling. 1992, Financial literacy: a discussion of concepts and competences of financial literacy and opportunities for its introduction into young people’s learning, London: National Foundation for Educational Research
20. Thạch Lam, 2012 : “Dính bẫy lừa đảo đa cấp vì dân trí thấp”, Vnexpress.net, http://Vnexpress.net/tin-tuc/cong-dong/dinh-bay-lua-dao-da-cap-vi-dan-tri-thap-2236798.html (Thứ hai, 16/7/2012 | 08:26 GMT+7)
21. Thanh Du, 2016 : “Vỡ hụi trăm tỷ đồng ở Thanh Hóa: Vay ngân hàng góp hụi vì lãi suất cao”. Danviet.vn . http://danviet.vn/kinh-te/vo-hui-tram-ty-dong-o-thanh-hoa-vay-ngan-hang-gop-hui-vi-lai-suat-cao-676433.html (Thứ Ba, ngày 26/04/2016 | 20:50 GMT+7)
22. Thúy Minh. 2016: “Giả danh công ty đầu tư tài chính Mỹ lừa đảo hơn 17 tỷ đồng”. anninhthudo.vn . http://anninhthudo.vn/phap-luat/gia-danh-cong-ty-dau-tu-tai-chinh-my-lua-dao-hon-17-ty-dong/680165.antd (Thứ Hai, ngày 23/5/2016 | 06:12 GMT+7)
23. Visa. 2013.“Visa’s international Barometer of woman’s Financial literacy” Practical Money Skill for life
24. VTV.vn 2016: “Bỏ ra tối thiểu 8 triệu đồng, không làm gì cả, hưởng lãi suất… 360%” Trung tâm Tin tức VTV24, cập nhật 10:41 ngày 08/04/2016
25. WB (World Bank), 2015 “Diagnostic review of consumer protection and financial literacy: volume 1 - VIET NAM”, Financial and markets global practice
26. WB 2014. “Global financial development report 2014: Financial inclusion”, Washington, D.C,
27. WB, 2005. Doing business Report . Washington, D.C, 2005.
28. WB, 2014. ”Responsible finance in Vietnam”, International Finance Corporation.
Bài đăng trên Tạp chí Ngân hàng số 1+2 tháng 1/2017
 
Bình luận Ý kiến của bạn sẽ được kiểm duyệt trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Đóng lại ok
Bình luận của bạn chờ kiểm duyệt từ Ban biên tập
Vai trò của chính sách tín dụng xanh đối với chuyển đổi xanh của các doanh nghiệp tại Việt Nam
Vai trò của chính sách tín dụng xanh đối với chuyển đổi xanh của các doanh nghiệp tại Việt Nam
19/12/2024 08:46 186 lượt xem
Bài viết cung cấp thêm những luận điểm khoa học về vai trò của tín dụng xanh trong sự chuyển đổi xanh của doanh nghiệp; phân tích những tồn tại và rào cản mà doanh nghiệp gặp phải khi thực hiện chuyển đổi xanh; từ đó, đưa ra các khuyến nghị.
Dòng chảy tín dụng hỗ trợ người dân, doanh nghiệp bứt tốc cuối năm
"Dòng chảy" tín dụng hỗ trợ người dân, doanh nghiệp bứt tốc cuối năm
18/11/2024 16:45 1.337 lượt xem
Những tháng cuối năm, doanh nghiệp tập trung tăng cường sản xuất, kinh doanh để đạt mục tiêu tăng trưởng nên nhu cầu tín dụng cũng sẽ tăng theo.
Điều hành chính sách tiền tệ tiếp tục hỗ trợ tăng trưởng kinh tế và kiểm soát lạm phát
Điều hành chính sách tiền tệ tiếp tục hỗ trợ tăng trưởng kinh tế và kiểm soát lạm phát
11/11/2024 07:30 4.244 lượt xem
Từ đầu năm 2024 đến nay, NHNN tiếp tục giữ nguyên các mức lãi suất điều hành trong bối cảnh lãi suất thế giới vẫn neo ở mức cao...
Tăng cường hiểu biết tài chính cho cộng đồng nhằm bảo vệ quyền lợi người gửi tiền
Tăng cường hiểu biết tài chính cho cộng đồng nhằm bảo vệ quyền lợi người gửi tiền
08/11/2024 08:00 1.698 lượt xem
Tầm quan trọng của hệ thống tiền gửi tại Việt Nam ngày càng được khẳng định thông qua sự an toàn và ổn định; từ đó, mang lại niềm tin đối với người gửi tiền.
Sửa đổi, bổ sung Luật Bảo hiểm tiền gửi nhằm hoàn thiện cơ sở pháp lý cho Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam phát huy vai trò đối với hệ thống ngân hàng
Sửa đổi, bổ sung Luật Bảo hiểm tiền gửi nhằm hoàn thiện cơ sở pháp lý cho Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam phát huy vai trò đối với hệ thống ngân hàng
05/11/2024 13:46 2.299 lượt xem
Bài viết làm rõ thêm cơ sở lý luận, cơ sở pháp lý và định hướng sửa đổi, bổ sung Luật Bảo hiểm tiền gửi
Xây dựng và thiết lập hạ tầng chung cho phát triển ngân hàng mở tại Việt Nam
Xây dựng và thiết lập hạ tầng chung cho phát triển ngân hàng mở tại Việt Nam
29/10/2024 10:00 2.643 lượt xem
Thời gian tới, để triển khai và thúc đẩy phát triển hệ sinh thái số, hướng đến ngân hàng mở (Open Banking) thành công, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) tiếp tục hoàn thiện khuôn khổ pháp lý, cơ chế chính sách tạo thuận lợi cho các hoạt động hợp tác, kết nối trong lĩnh vực ngân hàng
Để dòng vốn ngân hàng tiếp tục hỗ trợ sản xuất, kinh doanh, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế
Để dòng vốn ngân hàng tiếp tục hỗ trợ sản xuất, kinh doanh, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế
23/10/2024 08:25 1.937 lượt xem
Bám sát chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, thời gian qua, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) đã điều hành tăng trưởng tín dụng linh hoạt, hiệu quả, kịp thời, đáp ứng vốn cho nền kinh tế, góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.
Bảo hiểm nông nghiệp: Lá chắn tài chính trước rủi ro thiên tai
Bảo hiểm nông nghiệp: "Lá chắn" tài chính trước rủi ro thiên tai
24/09/2024 10:11 3.571 lượt xem
Nông nghiệp không chỉ là một ngành kinh tế đơn thuần mà còn là trụ cột quan trọng của nền kinh tế Việt Nam. Mặc dù Việt Nam là một quốc gia dễ bị tổn thương bởi biến đổi khí hậu, nhưng khái niệm bảo hiểm nông nghiệp vẫn còn khá xa lạ đối với người dân.
An ninh tài chính, tiền tệ của Việt Nam đến năm 2030 và khuyến nghị chính sách*
An ninh tài chính, tiền tệ của Việt Nam đến năm 2030 và khuyến nghị chính sách*
19/09/2024 08:36 4.916 lượt xem
An ninh tài chính, tiền tệ có vị trí, vai trò ngày càng quan trọng với sự phát triển bền vững của một quốc gia. Trong bối cảnh thế giới có nhiều biến động và căng thẳng như hiện nay, bảo đảm an ninh tài chính, tiền tệ không chỉ góp phần bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô mà còn góp phần bảo đảm an ninh về chính trị, quân sự.
Đề xuất sửa 7 luật, tháo gỡ vướng mắc, điểm nghẽn trong lĩnh vực tài chính
Đề xuất sửa 7 luật, tháo gỡ vướng mắc, điểm nghẽn trong lĩnh vực tài chính
23/08/2024 11:11 3.467 lượt xem
Ngày 22/8/2024, Bộ Tư pháp tổ chức phiên họp Hội đồng thẩm định đề nghị xây dựng dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Chứng khoán, Luật Kế toán, Luật Kiểm toán độc lập, Luật Ngân sách nhà nước, Luật Quản lý, sử dụng tài sản công, Luật Quản lý thuế, Luật Dự trữ quốc gia. Thứ trưởng Bộ Tư pháp Trần Tiến Dũng chủ trì phiên họp.
Khuôn khổ pháp lý triển khai ESG tại Agribank - Thực trạng và giải pháp
Khuôn khổ pháp lý triển khai ESG tại Agribank - Thực trạng và giải pháp
15/08/2024 07:00 4.434 lượt xem
Hoàn thiện khuôn khổ pháp lý nhằm áp dụng các tiêu chuẩn môi trường, xã hội và quản trị (ESG) trong tổ chức hoạt động kinh doanh đang là xu hướng của nhiều nước trên thế giới, góp phần thực hiện các mục tiêu Phát triển bền vững (SDGs)...
Sự tương thích trong quy định của Luật Các tổ chức tín dụng năm 2024 về Hội đồng quản trị với thông lệ quản trị ngân hàng trên thế giới
Sự tương thích trong quy định của Luật Các tổ chức tín dụng năm 2024 về Hội đồng quản trị với thông lệ quản trị ngân hàng trên thế giới
13/08/2024 08:02 4.053 lượt xem
Trong những năm gần đây, vấn đề quản trị công ty trong lĩnh vực ngân hàng đang trở thành một trong những trọng tâm nghiên cứu của những người làm chính sách, các học giả nghiên cứu cũng như các ngân hàng nhằm duy trì sự an toàn và lành mạnh của hệ thống ngân hàng và thúc đẩy niềm tin của công chúng.
Xử lý tài sản bảo đảm là quyền đòi nợ tại các tổ chức tín dụng - Từ quy định pháp luật đến thực tiễn
Xử lý tài sản bảo đảm là quyền đòi nợ tại các tổ chức tín dụng - Từ quy định pháp luật đến thực tiễn
07/08/2024 11:02 7.154 lượt xem
Bài viết tập trung phân tích vấn đề xử lý tài sản bảo đảm là quyền đòi nợ của TCTD trong phạm vi hợp đồng thế chấp cho nghĩa vụ vay tại ngân hàng nhằm đưa ra một số đề xuất hoàn thiện quy định pháp luật.
Sự cần thiết sửa đổi Luật Thuế giá trị gia tăng và một số góp ý hoàn thiện
Sự cần thiết sửa đổi Luật Thuế giá trị gia tăng và một số góp ý hoàn thiện
09/07/2024 14:31 3.618 lượt xem
Tại kỳ họp thứ 7 Quốc hội khóa XV, Chính phủ đã trình Quốc hội cho ý kiến về dự thảo Luật Thuế giá trị gia tăng (sửa đổi).
Hoạt động gỡ cảnh báo thẻ vàng IUU: Vấn đề đặt ra và giải pháp
Hoạt động gỡ cảnh báo thẻ vàng IUU: Vấn đề đặt ra và giải pháp
01/07/2024 14:47 8.633 lượt xem
Năm 2024, chống hoạt động IUU được xem là nhiệm vụ quan trọng, cấp bách, có ý nghĩa lâu dài đối với phát triển bền vững ngành thủy sản Việt Nam. Các quy định IUU được thiết lập thống nhất trên toàn EU để ngăn chặn và loại bỏ việc nhập khẩu các sản phẩm thủy sản bị đánh giá là có hoạt động IUU vào thị trường EU nhằm hướng tới ngành ngư nghiệp, ngành kinh tế thủy sản minh bạch, trách nhiệm, bền vững.
Giá vàngXem chi tiết

Giá vàng - Xem theo ngày

Khu vực

Mua vào

Bán ra

HÀ NỘI

Vàng SJC 1L

81,600

83,600

TP.HỒ CHÍ MINH

Vàng SJC 1L

81,600

83,600

Vàng SJC 5c

81,600

83,620

Vàng nhẫn 9999

81,600

83,400

Vàng nữ trang 9999

81,500

83,000


Ngoại tệXem chi tiết
Tỷ giá - Xem theo ngày 
Ngân Hàng USD EUR GBP JPY
Mua vào Bán ra Mua vào Bán ra Mua vào Bán ra Mua vào Bán ra
Vietcombank 25,153 25,483 26,041 27,469 31,401 32,736 158.95 168.19
BIDV 25,183 25,483 26,192 27,397 31,737 32,670 160.03 167.75
VietinBank 25,180 25,483 26,272 27,472 31,695 33,705 161.47 169.22
Agribank 25,210 25,483 26,181 27,385 31,604 32,695 160.79 168.44
Eximbank 25,170 25,483 26,272 27,228 31,706 32,816 161.8 167.71
ACB 25,190 25,483 26,288 27,190 31,818 32,778 161.82 168.21
Sacombank 25,210 25,483 26,231 27,206 31,686 32,853 161.86 168.91
Techcombank 25,222 25,483 26,070 27,413 31,464 32,808 158.16 170.62
LPBank 25,190 25,485 26,543 27,441 32,072 32,600 162.71 169.79
DongA Bank 25,220 25,483 26,310 27,150 31,740 32,770 160.10 167.80
(Cập nhật trong ngày)
Lãi SuấtXem chi tiết
(Cập nhật trong ngày)
Ngân hàng
KKH
1 tuần
2 tuần
3 tuần
1 tháng
2 tháng
3 tháng
6 tháng
9 tháng
12 tháng
24 tháng
Vietcombank
0,10
0,20
0,20
-
1,60
1,60
1,90
2,90
2,90
4,60
4,70
BIDV
0,10
-
-
-
1,70
1,70
2,00
3,00
3,00
4,70
4,70
VietinBank
0,10
0,20
0,20
0,20
1,70
1,70
2,00
3,00
3,00
4,70
4,80
ACB
0,01
0,50
0,50
0,50
2,30
2,50
2,70
3,50
3,70
4,40
4,50
Sacombank
-
0,50
0,50
0,50
2,80
2,90
3,20
4,20
4,30
4,90
5,00
Techcombank
0,05
-
-
-
3,10
3,10
3,30
4,40
4,40
4,80
4,80
LPBank
0.20
0,20
0,20
0,20
3,00
3,00
3,20
4,20
4,20
5,30
5,60
DongA Bank
0,50
0,50
0,50
0,50
3,90
3,90
4,10
5,55
5,70
5,80
6,10
Agribank
0,20
-
-
-
1,70
1,70
2,00
3,00
3,00
4,70
4,80
Eximbank
0,10
0,50
0,50
0,50
3,10
3,30
3,40
4,70
4,30
5,00
5,80

Liên kết website
Bình chọn trực tuyến
Nội dung website có hữu ích với bạn không?