Chống cạnh tranh không lành mạnh trong hoạt động ngân hàng dưới khía cạnh pháp lí - Thực trạng và một số khuyến nghị hoàn thiện
03/05/2023 1.553 lượt xem
Tóm tắt: Chống cạnh tranh không lành mạnh trong hoạt động ngân hàng là một trong những hoạt động cần thiết bởi điều này sẽ góp phần quan trọng vào việc đảm bảo sự bình đẳng, trung thực và lành mạnh trong hoạt động ngân hàng. Tuy nhiên, hiện nay, khung pháp lí điều chỉnh về vấn đề này chưa thật sự đầy đủ, thống nhất, do đó đã ảnh hưởng đến tính hiệu quả trong việc kiểm soát các hành vi cạnh tranh không lành mạnh trong hoạt động ngân hàng. Bài viết tập trung khái quát các vấn đề về cạnh tranh không lành mạnh trong lĩnh vực ngân hàng; phân tích, đánh giá, chỉ ra những điểm còn hạn chế, bất cập trong quy định pháp luật điều chỉnh về cạnh tranh không lành mạnh, từ đó đưa ra một số đề xuất, giải pháp, kiến nghị hoàn thiện về mặt pháp lí.

Từ khóa: Hoạt động ngân hàng, cạnh tranh không lành mạnh, chống cạnh tranh không lành mạnh, pháp lí, bất cập, hoàn thiện.
 
REGULATORY FRAMEWORK IN COMBATING UNFAIR COMPETITION IN BANKING ACTIVITIES: CURRENT STATUS AND RECOMMENDATIONS
 
Abstract: Combating unfair competition in banking activities is one of the necessary activities because this will make an important contribution to ensuring equality, honesty and health in banking activities. However, currently, the regulatory framework in this field is not really complete and unified, which has affected the effectiveness in controlling unfair competitive behaviors in banking activities. Starting from there, the article focuses on generalizing the problems of unfair competition in the field of banking, analyzing and evaluating then points out the limitations and inadequacies in the legal regulations governing this issue, thereby offering some proposals for legally complete solutions.
 
Keywords: Banking activities, unfair competition, anti-unfair competition, legal, inadequate, complete.
 
1. Đặt vấn đề
 
Trong tiến trình hình thành và phát triển của nền kinh tế thị trường, cạnh tranh có vai trò là động lực chủ yếu thúc đẩy nền kinh tế phát triển. Hay nói cách khác, cạnh tranh là quy luật tất yếu của nền kinh tế thị trường, cạnh tranh có thể tạo động lực và điều kiện cho các chủ thể kinh doanh phát triển. Tuy nhiên, nếu không tạo được hành lang pháp lí ổn định, chặt chẽ để kiểm soát thì rất dễ xảy ra tình trạng cạnh tranh không lành mạnh, tác động xấu đến thị trường. Đặc biệt, cạnh tranh trong hoạt động ngân hàng lại càng đóng vai trò vô cùng quan trọng đối với sự vận hành và phát triển bền vững của nền kinh tế. Có thể khẳng định rằng, đây là một lĩnh vực hết sức nhạy cảm và có tính chất dây chuyền khi xảy ra sự cố. Do vậy, cần thiết phải có sự điều chỉnh bởi các chế định pháp luật, sự can thiệp của Nhà nước vào hoạt động cạnh tranh trong hoạt động ngân hàng. Tuy nhiên, hiện nay, hệ thống pháp luật điều chỉnh về hoạt động kiểm soát các hành vi cạnh tranh không lành mạnh trong hoạt động ngân hàng vẫn chưa thật sự đầy đủ, thống nhất, điều này tạo ra nhiều khó khăn cho công tác áp dụng thực thi pháp luật trên thực tế, từ đó làm cho việc kiểm soát các hành vi này trong hoạt động ngân hàng gặp nhiều khó khăn. Chính vì vậy, việc nghiên cứu, phân tích, đánh giá và chỉ ra những điểm còn hạn chế, bất cập trong quy định pháp luật về chống hành vi cạnh tranh không lành mạnh trong hoạt động ngân hàng, từ đó đưa ra các kiến nghị khắc phục nhằm tạo ra khung pháp lí vững chắc để phục vụ hiệu quả cho việc kiểm soát các hành vi này là điều rất quan trọng và cấp thiết trong bối cảnh hiện nay.
 
2. Khái quát về cạnh tranh không lành mạnh trong hoạt động ngân hàng
 
Căn cứ theo quy định tại khoản 6 Điều 3 Luật Cạnh tranh năm 2018 thì “hành vi cạnh tranh không lành mạnh là hành vi của doanh nghiệp trái với nguyên tắc thiện chí, trung thực, tập quán thương mại và các chuẩn mực khác trong kinh doanh, gây thiệt hại hoặc có thể gây thiệt hại đến quyền và lợi ích hợp pháp của doanh nghiệp khác”. Theo đó, hành vi cạnh tranh không lành mạnh có thể hiểu là hành vi cạnh tranh của doanh nghiệp trong quá trình kinh doanh trái với các chuẩn mực thông thường về đạo đức kinh doanh, gây thiệt hại hoặc có thể gây thiệt hại đến lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của doanh nghiệp khác hoặc người tiêu dùng.
 
Hoạt động ngân hàng là một hoạt động kinh doanh, do vậy, hoạt động này tất yếu cũng mang những đặc điểm của hoạt động kinh doanh nói chung. Một hành vi được coi là hoạt động ngân hàng khi doanh nghiệp đó thực hiện hoạt động trên lĩnh vực ngân hàng một cách thường xuyên, liên tục và thu nhập có được từ hoạt động này là thu nhập cơ bản của doanh nghiệp đó. Theo quy định tại khoản 12 Điều 4 Luật Các tổ chức tín dụng năm 2010 sửa đổi, bổ sung năm 2017, hoạt động ngân hàng là việc kinh doanh, cung ứng thường xuyên một hoặc một số nghiệp vụ như nhận tiền gửi; cấp tín dụng; cung ứng dịch vụ thanh toán qua tài khoản. Giống như các lĩnh vực, ngành nghề kinh doanh khác, trong quá trình thực hiện kinh doanh, hoạt động ngân hàng cũng phát sinh các trường hợp cạnh tranh không lành mạnh, điều này không chỉ tác động tiêu cực đến quyền và lợi ích của các bên liên quan mà còn đi ngược lại với đạo đức kinh doanh, trái với tinh thần pháp luật cạnh tranh. 
 
Ở Việt Nam, hiện nay không có điều khoản cụ thể quy định khái niệm cạnh tranh không lành mạnh trong hoạt động ngân hàng. Xét trong bối cảnh hoạt động ngân hàng, có thể tham khảo tại khoản 4 Điều 3 Dự thảo Nghị định lần 2 của Chính phủ quy định về hành vi cạnh tranh không lành mạnh trong hoạt động ngân hàng và hình thức xử lí các hành vi này. Theo đó, cạnh tranh không lành mạnh trong hoạt động ngân hàng là “hành vi cạnh tranh của tổ chức và cá nhân có liên quan đến hành vi cạnh tranh không lành mạnh trong hoạt động ngân hàng vì quá chạy theo mục tiêu lợi nhuận mà trái với các chuẩn mực thông thường về đạo đức kinh doanh, có nguy cơ gây tổn hại hoặc gây tổn hại đến việc thực hiện chính sách tiền tệ quốc gia, an toàn của hệ thống các tổ chức tín dụng, lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức và cá nhân khác”. Từ nội hàm cách hiểu này, có thể rút ra được hành vi cạnh tranh không lành mạnh trong lĩnh vực hoạt động ngân hàng có một số dấu hiệu nhận biết như sau:
 
Thứ nhất, đây là hành vi của các tổ chức tín dụng phát sinh trong hoạt động ngân hàng, trái với đạo đức kinh doanh thông thường; đi ngược lại các nguyên tắc thiện chí, trung thực trong kinh doanh1. Theo đó, đạo đức kinh doanh ngân hàng là những quy tắc, chuẩn mực quy định dành cho các tổ chức tín dụng trong hoạt động kinh doanh. Với tư cách là một chủ thể kinh doanh, các tổ chức tín dụng phải chịu sự điều chỉnh của nhiều quy tắc, chuẩn mực nhằm hướng đến môi trường cạnh tranh lành mạnh và bình đẳng. Còn nguyên tắc thiện chí, trung thực là nguyên tắc nền tảng cơ bản nhất trong kinh doanh, bởi lẽ hoạt động kinh doanh trong lĩnh vực nào, dù đơn giản hay phức tạp, lợi nhuận cao hay thấp thì khi thực hiện hoạt động kinh doanh, sự trung thực và thiện chí luôn được đặt lên hàng đầu. Một hành vi của tổ chức tín dụng đi ngược lại nguyên tắc này khi hành vi đó thể hiện sự bất bình đẳng, gian dối và vì mục tiêu lợi nhuận mà bất chấp sự an toàn của doanh nghiệp đối thủ cũng như của người tiêu dùng.
 
Thứ hai, gây thiệt hại hoặc có khả năng gây thiệt hại đến lợi ích của các tổ chức tín dụng, người tiêu dùng cũng như an toàn của hệ thống tín dụng quốc gia. Đầu tiên, thiệt hại ở đây được hiểu là những thiệt hại về vật chất, tức là ảnh hưởng tới doanh thu, khả năng sinh lợi trong hoạt động của đối thủ cạnh tranh và những tổn hại về uy tín của đối thủ cạnh tranh trên thị trường. Vấn đề có thể gây thiệt hại cần được xem xét một cách cẩn trọng, bởi lẽ hoạt động ngân hàng là một hoạt động hết sức nhạy cảm và có tính chất dây chuyền khi xảy ra sự cố, bất cứ thông tin gì dù là nhỏ nhất cũng có thể ảnh hưởng đến an toàn của các tổ chức tín dụng cũng như lợi ích của khách hàng. Do vậy, khi một hành vi cạnh tranh của tổ chức tín dụng có nguy cơ gây thiệt hại đến tổ chức tín dụng đối thủ thì tổ chức tín dụng đối thủ cần tìm đến công cụ hỗ trợ đắc lực đó là cơ quan nhà nước có thẩm quyền để hạn chế tối đa rủi ro cho cả hai bên cũng như cho cả nền kinh tế - xã hội. Tiếp theo, cần phải chứng minh mức độ thiệt hại gây ra cho đối thủ cạnh tranh. Hành vi xâm phạm đến quyền lợi của đối thủ cạnh tranh là khả năng gây thiệt hại cho đối thủ cạnh tranh như giảm lợi nhuận của doanh nghiệp đối thủ; giảm số lượng khách hàng; giảm uy tín của doanh nghiệp khác trên thị trường… dẫn tới khả năng ảnh hưởng đến các chỉ tiêu đảm bảo an toàn của tổ chức tín dụng đối thủ. Bên cạnh đó, cần xác định được thiệt hại gây ra cho người tiêu dùng trong hoạt động ngân hàng là gì. Người tiêu dùng trong hoạt động ngân hàng bao gồm: Người gửi tiền, người vay tiền và người sử dụng các dịch vụ ngân hàng khác. Một hành vi được xem là xâm hại đến quyền lợi của người tiêu dùng trong hoạt động ngân hàng là hành vi xâm phạm đến quyền lợi của người gửi tiền như hành vi sử dụng tiền huy động vào mục đích khác; không thực hiện cam kết với người gửi tiền; hành vi xâm phạm quyền lợi của người vay tiền như áp đặt các điều kiện đối với người đi vay như chỉ được vay ở tổ chức tín dụng này mà không được vay ở tổ chức tín dụng khác; hay là khi vay tiền ở tổ chức tín dụng này cần phải đáp ứng thêm các điều kiện khác mà pháp luật không quy định… Cuối cùng, cần xác định được thiệt hại khi xâm phạm đến lợi ích của xã hội. Trong đó, cần xác định xâm phạm tới lợi ích của xã hội là khả năng gây ra tác động xấu đến chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội, khả năng cung ứng nguồn vốn phục vụ cho các mục tiêu tăng trưởng kinh tế; giảm giá trị đồng tiền; hiệu quả thực hiện các chính sách tiền tệ quốc gia không đạt được do công cụ thực hiện chính sách tiền tệ quốc gia không phát huy được tác dụng2.
 
Thứ ba, thông thường, hành vi cạnh tranh không lành mạnh có mức độ ảnh hưởng tiêu cực trên thị trường hẹp, thường chỉ tác động lên một số chủ thể nhất định mà không ảnh hưởng đến một khu vực thị trường rộng như hành vi hạn chế cạnh tranh, ngay cả khi hành vi đó do tính chất, mức độ nguy hại của nó xâm phạm đến các đối tượng được Luật Hình sự bảo vệ3. Tuy nhiên, hoạt động ngân hàng không tồn tại trong cùng xu hướng chung đó. Xuất phát từ những đặc thù trong lĩnh vực ngân hàng, nhóm tác giả cho rằng, cần xác định mức độ ảnh hưởng của hành vi cạnh tranh không lành mạnh trong hoạt động ngân hàng ở trong phạm vi rộng lớn, có thể là trong toàn bộ hệ thống các tổ chức tín dụng. Sở dĩ nhóm tác giả khẳng định như vậy là vì:
 
Một là, khác với các hoạt động kinh doanh thông thường khác, sự hợp tác giữa các tổ chức tín dụng trong kinh doanh mang tính chất lâu dài, ổn định và có hệ thống chứ không chỉ là “cái bắt tay” một cách tạm thời và gián đoạn. Các nhà làm luật Việt Nam cũng đã cụ thể hóa sự hợp tác này trong các điều khoản cụ thể của văn bản pháp luật. Tuy nhiên, sự hợp tác giữa các tổ chức tín dụng chỉ thật sự bình đẳng, thân thiện và minh bạch nếu việc hợp tác diễn ra công khai, rõ ràng và có thể kiểm soát được.
 
Hai là, hoạt động ngân hàng là một lĩnh vực nhạy cảm và rủi ro cao. Bất kì yếu tố nào từ thị trường bên ngoài cũng đều có khả năng ảnh hưởng đến sự hoạt động và phát triển bình thường của lĩnh vực này; và ngược lại, bất kì sự biến động nào trong hoạt động ngân hàng cũng có thể ảnh hưởng đến sự vận hành và phát triển của nền kinh tế - xã hội. Bên cạnh đó, hoạt động ngân hàng không chỉ chịu rủi ro phát sinh từ tự thân của nó mà còn chịu rủi ro từ các yếu tố trong môi trường xung quanh.
 
Ba là, trong quá trình hội nhập và phát triển hiện nay, đặc biệt là sau khi Việt Nam gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) thì số lượng các ngân hàng ngày càng tăng. Điều này một mặt chứng tỏ sự phát triển mạnh mẽ của hệ thống tổ chức tín dụng, mặt khác thể hiện sự cạnh tranh giữa các tổ chức tín dụng ngày càng trở nên gay gắt và khốc liệt hơn.
 
Từ những phân tích trên, có thể rút ra kết luận rằng, cạnh tranh không lành mạnh trong hoạt động ngân hàng là hành vi của tổ chức tín dụng trái với nguyên tắc thiện chí, trung thực, tập quán thương mại và các chuẩn mực khác trong hoạt động ngân hàng, gây thiệt hại hoặc có thể gây thiệt hại đến quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức tín dụng khác, của người tiêu dùng cũng như lợi ích của Nhà nước.
 
3. Thực trạng pháp luật về chống cạnh tranh không lành mạnh trong hoạt động ngân hàng
 
Hiện nay, ở Việt Nam, chưa có một đạo luật riêng biệt chuyên ngành nào quy định riêng về bảo vệ cạnh tranh trong hoạt động ngân hàng, mà mới chỉ dừng lại ở việc đề cập, nhận diện thông qua các văn bản pháp luật có liên quan. Cụ thể, dưới góc độ Luật Cạnh tranh thì Luật Cạnh tranh năm 2018 ra đời chỉ quy định một cách bao quát về hành vi cạnh tranh không lành mạnh nói chung. Dưới góc độ pháp luật về ngân hàng, tại Điều 9 Luật Các tổ chức tín dụng năm 2010 quy định về Hợp tác và cạnh tranh trong hoạt động ngân hàng xác định: “Tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài được hợp tác và cạnh tranh trong hoạt động ngân hàng và hoạt động kinh doanh khác theo quy định của pháp luật. Nghiêm cấm hành vi hạn chế cạnh tranh hoặc hành vi cạnh tranh không lành mạnh có nguy cơ gây tổn hại hoặc gây tổn hại đến việc thực hiện chính sách tiền tệ quốc gia, an toàn của hệ thống các tổ chức tín dụng, lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân”. Bên cạnh đó, Dự thảo Nghị định lần 2 của Chính phủ quy định về hành vi cạnh tranh không lành mạnh trong hoạt động ngân hàng và hình thức xử lí các hành vi này cũng đưa ra khái niệm về hành vi cạnh tranh không lành mạnh trong hoạt động ngân hàng. Như vậy, có thể thấy rằng, hiện nay, khung pháp lí điều chỉnh về hoạt động chống cạnh tranh không lành mạnh trong hoạt động ngân hàng vẫn chưa đầy đủ, rõ ràng. Việc xác định, nhận diện các vấn đề cạnh tranh không lành mạnh trong hoạt động ngân hàng hiện nay phải dựa vào các văn bản pháp luật có liên quan như Luật Cạnh tranh, Luật Các tổ chức tín dụng... Tuy nhiên, các vấn đề pháp lí trong các văn bản này điều chỉnh về vấn đề cạnh tranh không lành mạnh trong lĩnh vực ngân hàng vẫn còn mang tính nguyên tắc, mơ hồ, khó xác định, điều này được thể hiện qua các khía cạnh sau:
 
Thứ nhất, đối với quy định của Luật Cạnh tranh năm 2018. Tại khoản 6 Điều 3 Luật Cạnh tranh năm 2018 đã đưa ra định nghĩa về thuật ngữ cạnh tranh không lành mạnh. Tuy nhiên, quy định này chưa thể hiện rõ được thế nào là nguyên tắc thiện chí, trung thực, tập quán thương mại và các chuẩn mực khác trong kinh doanh là gì. Đây là phạm trù mang tính định tính cao, việc xác định rõ nội hàm các thuật ngữ này còn phụ thuộc chặt chẽ vào bề dày lịch sử phát triển kinh tế, trình độ lập pháp quốc gia. Nếu không có các quy định cụ thể thì sẽ dẫn đến nhiều cách hiểu và áp dụng không thống nhất.
 
Thứ hai, đối với quy định trong pháp luật về lĩnh vực ngân hàng. Mặc dù Luật Các tổ chức tín dụng hiện hành đã có sự ghi nhận về hành vi cạnh tranh không lành mạnh trong hoạt động ngân hàng, tuy nhiên, Luật này mới chỉ dừng lại ở các quy định chung mà chưa có quy định cụ thể, chi tiết. Cho đến nay, chỉ có Dự thảo Nghị định lần 2 vào tháng 6/2011 quy định về hành vi cạnh tranh không lành mạnh trong hoạt động ngân hàng và hình thức xử lí các hành vi này. Vì ra đời vào năm 2011 nên Luật Cạnh tranh mà Dự thảo Nghị định này dẫn chiếu là Luật Cạnh tranh năm 2004 (đã hết hiệu lực), trong khi Luật Cạnh tranh hiện hành năm 2018 ra đời có nhiều điểm khác biệt so với Luật Cạnh tranh cũ. Do vậy, khi “vận dụng” quy định của Luật Cạnh tranh nói chung, của Dự thảo Nghị định lần 2 nói riêng sẽ dẫn đến sự không thống nhất, thậm chí là bất khả thi cho hoạt động ngân hàng. Đặc biệt, xét ở khía cạnh nội dung của Dự thảo Nghị định quy định về hành vi cạnh tranh không lành mạnh trong hoạt động ngân hàng và hình thức xử lí các hành vi này, nhóm tác giả nhận thấy một số bất cập sau:
 
Một là, chưa làm rõ được khái niệm “hợp tác” và “cạnh tranh” trong hoạt động ngân hàng. Khái niệm “hợp tác” và “cạnh tranh” này cũng được các nhà làm luật đề cập tại Điều 9 Luật Các tổ chức tín dụng hiện hành. Trong khi đó, lĩnh vực hoạt động ngân hàng đòi hỏi các tổ chức tín dụng phải có sự hợp tác cùng nhau để có thể tạo ra sự an toàn, ổn định và phát triển của toàn hệ thống các tổ chức tín dụng. Tuy nhiên, hiểu thế nào là hợp tác, cạnh tranh và mức độ hợp tác như thế nào là phù hợp thì hiện nay pháp luật chưa quy định cụ thể.
 
Hai là, khái niệm “hoạt động ngân hàng” được quy định tại khoản 2 Điều 3 của Dự thảo Nghị định chưa có sự thống nhất với Luật Các tổ chức tín dụng và Luật Ngân hàng Nhà nước hiện hành. Theo đó, Luật Các tổ chức tín dụng (tại khoản 12 Điều 4) và Luật Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (tại khoản 1 Điều 6) hiện hành quy định hoạt động ngân hàng là việc kinh doanh, cung ứng thường xuyên một hoặc một số nghiệp vụ sau: Nhận tiền gửi; cấp tín dụng; cung ứng dịch vụ thanh toán qua tài khoản. Còn Dự thảo Nghị định này lại bổ sung thêm một trường hợp nữa là “hoạt động cung ứng dịch vụ ngoại hối”.
 
Ba là, khái niệm “cạnh tranh không lành mạnh trong hoạt động ngân hàng” mà Dự thảo Nghị định đưa ra còn tồn tại một số điểm bất cập. Cụ thể, Dự thảo Nghị định quy định như sau: Hành vi cạnh tranh không lành mạnh trong hoạt động ngân hàng là hành vi cạnh tranh của tổ chức và cá nhân có liên quan đến hành vi cạnh tranh không lành mạnh trong hoạt động ngân hàng vì quá chạy theo mục tiêu lợi nhuận mà trái với các chuẩn mực thông thường về đạo đức kinh doanh, có nguy cơ gây tổn hại hoặc gây tổn hại đến việc thực hiện chính sách tiền tệ quốc gia, an toàn của hệ thống các tổ chức tín dụng, lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức và cá nhân khác. Có thể nhận thấy hai vấn đề tồn đọng: 
 
(i) Cụm từ “vì quá chạy theo mục tiêu lợi nhuận” trong trường hợp này được sử dụng không hợp lí, bởi lẽ có những chủ thể khi thực hiện hành vi cạnh tranh không lành mạnh họ đã sẵn sàng bỏ qua mục tiêu lợi nhuận trước mắt, bỏ qua tính toán hiệu quả về mặt kinh tế để có thể giành được thị phần, khách hàng; (ii) Cụm từ “lợi ích của nhà nước”. Việc đề cập đến lợi ích của Nhà nước trong trường hợp này là bất hợp lí bởi lợi ích của Nhà nước, của xã hội đã được thể hiện trong việc thực hiện chính sách tiền tệ quốc gia, an toàn của hệ thống các tổ chức tín dụng.
 
Bốn là, khái niệm “bí mật kinh doanh” mà Dự thảo này đưa ra tại khoản 6 Điều 3 còn tồn tại bất cập. Theo đó, Dự thảo quy định “Bí mật kinh doanh trong hoạt động ngân hàng là thông tin thu được từ hoạt động đầu tư tài chính, trí tuệ, chưa được bộc lộ và có khả năng sử dụng trong kinh doanh”. Qua quy định này, có thể hiểu rằng để một thông tin trở thành bí mật kinh doanh và được pháp luật bảo vệ khi và chỉ khi thỏa mãn đầy đủ cả ba điều kiện: (i) Thông tin thu được từ hoạt động đầu tư tài chính, trí tuệ; (ii) Chưa được bộc lộ; (iii) Có khả năng sử dụng trong kinh doanh. Theo quan điểm của nhóm tác giả, cách quy định này chưa bao quát đầy đủ và chưa bảo vệ được tối đa thông tin bí mật kinh doanh cho các tổ chức tín dụng. Trong trường hợp có những thông tin mà tổ chức tín dụng có được từ hoạt động kinh doanh của mình và được tổ chức tín dụng đó bảo mật bằng những biện pháp cần thiết để thông tin đó không bị phát tán ra ngoài thì có được xem là thông tin bí mật kinh doanh và được pháp luật bảo vệ hay không.
 
Năm là, tiêu chí xác định hành vi cạnh tranh không lành mạnh khác trong hoạt động ngân hàng tại điểm b khoản 1 Điều 4 Dự thảo Nghị định không phù hợp với nội dung quy định tại khoản 1 Điều 3 mà Dự thảo dẫn chiếu. Trong khi điểm b khoản 1 Điều 4 quy định các hành vi cạnh tranh không lành mạnh khác trong hoạt động ngân hàng sẽ được dẫn chiếu qua khoản 1 Điều 3 Dự thảo của Nghị định, còn tại khoản 1 Điều 3 lại không đề cập đến tiêu chí xác định hành vi cạnh tranh không lành mạnh mà chỉ đề cập đến chủ thể có liên quan đến hành vi cạnh tranh không lành mạnh.
 
Xuất phát từ những bất cập trên, việc khắc phục những khó khăn và vướng mắc nhằm hoàn thiện hơn nữa quy định của pháp luật về chống cạnh tranh không lành mạnh trong hoạt động ngân hàng, để từ đó đảm bảo cho hoạt động ngân hàng được diễn ra một cách bình đẳng, lành mạnh, hiệu quả là một trong những nhiệm vụ, yêu cầu quan trọng, cấp thiết trong bối cảnh hiện nay.
 
4. Một số kiến nghị hoàn thiện
 
Để khắc phục các vấn đề còn hạn chế, bất cập như đã phân tích nêu trên, đòi hỏi cần phải tiếp tục nghiên cứu, đánh giá, sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện hệ thống pháp luật điều chỉnh về chống cạnh tranh không lành mạnh trong hoạt động ngân hàng theo hướng như sau:
 
Thứ nhất, sửa đổi một số bất cập, hạn chế trong quy định của pháp luật về hành vi cạnh tranh không lành mạnh. Theo đó, về nội dung liên quan đến hành vi cạnh tranh không lành mạnh, cần thiết phải làm rõ khái niệm cạnh tranh không lành mạnh trong Luật Cạnh tranh năm 2018, cụ thể là quy định rõ thế nào là “nguyên tắc thiện chí, trung thực, tập quán thương mại và các chuẩn mực khác trong kinh doanh” được đề cập tại khoản 6 Điều 3 của Luật này. Trong nền kinh tế thị trường hiện nay, những nguyên tắc thiện chí, trung thực hay tập quán thương mại đã được thừa nhận và sử dụng rộng rãi trong kinh doanh như những quy tắc xử sự mang tính bắt buộc. Những nguyên tắc này mang tính định tính cao, nó được hình thành và hoàn thiện cùng với bề dày của lịch sử phát triển kinh tế, xã hội. Vì vậy, việc quy định rõ nội dung này nhằm tạo được khung pháp lí thống nhất giúp định hướng hành vi xử sự của các chủ thể kinh doanh theo đúng chuẩn mực. Tiêu chí để xác định vấn đề này có thể dựa vào những nguyên tắc cơ bản của giao dịch dân sự, thương mại như nguyên tắc thiện chí, nguyên tắc trung thực, nguyên tắc cẩn trọng và các nguyên tắc khác phù hợp với quy định của pháp luật cũng như yêu cầu của thực tiễn.
 
Thứ hai, hoàn thiện và sớm ban hành Nghị định quy định về hành vi cạnh tranh không lành mạnh trong hoạt động ngân hàng. Theo đó, Chính phủ tiếp tục nhanh chóng hoàn thiện, thông qua và đưa vào áp dụng Nghị định quy định về hành vi cạnh tranh không lành mạnh trong hoạt động ngân hàng và hình thức xử lí các hành vi này. Đặc biệt, để Nghị định này thật sự phát huy được tính hiệu quả, khả thi khi đi vào áp dụng trên thực tế, đòi hỏi cần phải tiếp tục hoàn thiện thêm các vấn đề sau:
 
Một là, cần làm rõ quan niệm “hợp tác” và “cạnh tranh” trong hoạt động ngân hàng làm cơ sở cho việc xác định hành vi cạnh tranh không lành mạnh trong hoạt động ngân hàng. Theo từ điển tiếng Việt, cạnh tranh là “đua tranh với nhau giữa những người theo đuổi cùng một mục đích, nhằm đánh bại đối thủ và giành cho mình thế có lợi nhất”4, hợp tác là “cùng chung sức, giúp đỡ lẫn nhau trong một công việc, một lĩnh vực nào đó nhằm một mục đích chung”5. Vậy cạnh tranh như thế nào là lành mạnh và hợp tác ở mức độ nào là hợp pháp khi mà trong hoạt động ngân hàng, các tổ chức tín dụng có mối liên hệ rất chặt chẽ với nhau. Điều này không tránh khỏi trường hợp có những chủ thể lợi dụng việc hợp tác để trục lợi bất hợp pháp hoặc gây khó khăn cho đối tác. Do vậy, hành vi lợi dụng quy định về sự hợp tác trong hoạt động ngân hàng phải được coi là hành vi cạnh tranh không lành mạnh.
 
Hai là, về khái niệm “hoạt động ngân hàng” tại khoản 2 Điều 3 Dự thảo Nghị định quy định về hành vi cạnh tranh không lành mạnh trong hoạt động ngân hàng và hình thức xử lí các hành vi này không có sự thống nhất so với Luật Các tổ chức tín dụng và Luật Ngân hàng Nhà nước Việt Nam. Theo đó, tại khoản 12 Điều 4 Luật Các tổ chức tín dụng năm 2010 và khoản 1 Điều 6 Luật Ngân hàng Nhà nước Việt Nam năm 2010 quy định hoạt động ngân hàng là việc kinh doanh, cung ứng thường xuyên một hoặc một số nghiệp vụ sau: (i) Nhận tiền gửi; (ii) Cấp tín dụng; (iii) Cung ứng dịch vụ thanh toán qua tài khoản. Dự thảo Nghị định ra đời năm 2011, trên cơ sở Luật Các tổ chức tín dụng năm 2010 và Luật Ngân hàng Nhà nước Việt Nam năm 2010 nhưng lại có sự khác biệt khi quy định về khái niệm hoạt động ngân hàng. Ngoài ba trường hợp trên, Dự thảo Nghị định bổ sung thêm trường hợp “hoạt động cung ứng dịch vụ ngoại hối”. Theo quan điểm của nhóm tác giả, không nên bổ sung thêm trường hợp “hoạt động cung ứng dịch vụ ngoại hối” vào khái niệm “hoạt động ngân hàng”, bởi lẽ, đây là một nội dung kinh doanh trong lĩnh vực ngân hàng nếu tổ chức tín dụng đã đăng kí với cơ quan nhà nước có thẩm quyền.
 
Ba là, với khái niệm hành vi cạnh tranh không lành mạnh trong lĩnh vực ngân hàng tại khoản 4 Điều 3 Dự thảo Nghị định quy định về hành vi cạnh tranh không lành mạnh trong lĩnh vực ngân hàng và hình thức xử lí thì dấu hiệu quan trọng để xác định hành vi cạnh tranh không lành mạnh là “vì quá chạy theo mục tiêu lợi nhuận” mà thực hiện các hành vi vi phạm “chuẩn mực thông thường về đạo đức kinh doanh”. Thực tế cho thấy, việc thực hiện hành vi cạnh tranh không lành mạnh của các chủ thể trên thị trường không phải lúc nào cũng vì mục tiêu lợi nhuận, có những trường hợp chỉ vì muốn gây khó khăn cho đối thủ cạnh tranh, các chủ thể kinh doanh sẵn sàng bỏ qua mục tiêu lợi nhuận, chấp nhận thua lỗ trong một thời gian (điển hình là hành vi bán sản phẩm hàng hóa, cung ứng dịch vụ dưới toàn bộ giá thành) để tạo lợi thế cạnh tranh hơn so với các chủ thể kinh doanh khác. Khi đó, nếu xét theo nội hàm khái niệm trên thì hành vi này có được coi là cạnh tranh không lành mạnh không. Ngoài ra, cụm từ “lợi ích của Nhà nước” được đề cập trong khái niệm trên là không phù hợp bởi, lợi ích của Nhà nước, của xã hội đã được thể hiện trong việc thực hiện chính sách tiền tệ quốc gia, an toàn của hệ thống các tổ chức tín dụng. Do đó, nhóm tác giả kiến nghị nên sửa đổi khái niệm này theo hướng sau: Hành vi cạnh tranh không lành mạnh trong hoạt động ngân hàng là hành vi cạnh tranh của tổ chức và cá nhân có liên quan đến hành vi cạnh tranh không lành mạnh trong hoạt động ngân hàng trái với nguyên tắc thiện chí, trung thực, tập quán thương mại và các chuẩn mực khác trong kinh doanh; có nguy cơ gây tổn hại hoặc gây tổn hại đến việc thực hiện chính sách tiền tệ quốc gia, an toàn của hệ thống các tổ chức tín dụng, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức và cá nhân khác.
 
Bốn là, tại khoản 6 Điều 3 Dự thảo Nghị định có quy định “Bí mật kinh doanh trong hoạt động ngân hàng là thông tin thu được từ hoạt động đầu tư tài chính, trí tuệ, chưa được bộc lộ và có khả năng sử dụng trong kinh doanh”. Quy định này được ra đời vào năm 2011 (tức thời điểm Luật Cạnh tranh năm 2004 đang có hiệu lực) là phù hợp với quy định tại khoản 10 Điều 3 của Luật Cạnh tranh năm 2004. Theo đó, một thông tin trở thành bí mật kinh doanh thì phải đáp ứng những điều kiện Luật định. Tuy nhiên, cho đến nay, quy định này đã không còn phù hợp. Luật Cạnh tranh năm 2018 ra đời đã sửa đổi theo hướng quy định tất cả các thông tin mà doanh nghiệp có được từ hoạt động kinh doanh của mình và được doanh nghiệp khác bảo mật bằng cách áp dụng các biện pháp cần thiết để thông tin đó không bị tiết lộ và không dễ dàng tiếp cận được đều được xem là bí mật kinh doanh. Hay nói cách khác, theo Luật Cạnh tranh năm 2018, bất kì thông tin nào cũng có thể trở thành bí mật trong kinh doanh khi doanh nghiệp áp dụng các biện pháp cần thiết để bảo vệ chúng. Do đó, nhóm tác giả kiến nghị nên sửa đổi theo hướng sau: Bí mật kinh doanh trong hoạt động ngân hàng là bất kì thông tin nào mà tổ chức tín dụng thu được từ hoạt động đầu tư tài chính, trí tuệ và được tổ chức tín dụng đó bảo mật bằng cách áp dụng các biện pháp cần thiết để thông tin đó không bị tiết lộ và không dễ dàng tiếp cận được.
 
Năm là, điểm b khoản 1 Điều 4 không phù hợp với nội dung quy định tại khoản 1 Điều 3 Dự thảo Nghị định, cụ thể: Tại điểm b khoản 1 Điều 4 quy định “các hành vi cạnh tranh không lành mạnh khác trong hoạt động ngân hàng căn cứ theo tiêu chí xác định tại khoản 1 Điều 3 của Nghị định này”, trong khi đó tại khoản 1 Điều 3 không đề cập đến tiêu chí xác định hành vi cạnh tranh không lành mạnh mà chỉ đề cập đến chủ thể có liên quan đến hành vi cạnh tranh không lành mạnh. Do vậy, cần quy định cụ thể về tiêu chí xác định các hành vi cạnh tranh không lành mạnh khác là gì để tránh sự khó hiểu hoặc nhiều cách hiểu khác nhau, dẫn đến việc thực thi pháp luật trên thực tế không hiệu quả.
 
5. Kết luận
 
Trong xu thế toàn cầu hóa với nền kinh tế phát triển như hiện nay, các hành vi cạnh tranh không lành mạnh ngày càng phức tạp và tinh vi, điều này dẫn đến việc quản lí và kiểm soát hành vi này trên thực tế ngày càng khó khăn. Từ những kết quả phân tích và nghiên cứu trên, có thể thấy, chống cạnh tranh không lành mạnh trong hoạt động ngân hàng có ý nghĩa vô cùng quan trọng và cấp thiết, ảnh hưởng đến chính sách tiền tệ quốc gia và niềm tin của công chúng vào chính sách, pháp luật của Nhà nước. Vì vậy, việc tiếp tục nghiên cứu, đánh giá, làm rõ các vấn đề còn hạn chế, bất cập trong quy định pháp luật điều chỉnh về hoạt động kiểm soát các hành vi cạnh tranh không lành mạnh trong hoạt động ngân hàng; từ đó, đưa ra các giải pháp để khắc phục, hoàn thiện nhằm tạo ra hành lang pháp lí vững chắc để phục vụ cho việc điều chỉnh vấn đề này là rất quan trọng, cấp thiết trong bối cảnh hiện nay. 
 

1 Xem thêm, Jérôme Ballet, Francoise De Bry (2005), Doanh nghiệp và đạo đức, Nxb Thế giới, Hà Nội.
2 Viên Thế Giang (2014), Pháp luật chống cạnh tranh không lành mạnh trong hoạt động ngân hàng của các ngân hàng thương mại Việt Nam, Luận án tiến sĩ Luật học, Viện Hàn lâm khoa học xã hội Việt Nam - Học viện Khoa học xã hội - Hà Nội; tr. 38.
3 Tăng Văn Nghĩa (2009), Giáo trình Luật Cạnh tranh, Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam, tr.136.
4 Viện Ngôn ngữ học (1989), Từ điển Tiếng Việt, Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội, tr. 129.
5 Viện Ngôn ngữ học (1989), Từ điển Tiếng Việt, Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội, tr. 489. 
 
Tài liệu tham khảo:
 
1. Luật Ngân hàng Nhà nước Việt Nam năm 2010.
2. Luật Các tổ chức tín dụng năm 2010, sửa đổi bổ sung năm 2017.
3. Luật Cạnh tranh năm 2018.
4. Dự thảo Nghị định lần 2 của Chính phủ quy định về hành vi cạnh tranh không lành mạnh trong hoạt động ngân hàng và hình thức xử lí các hành vi này.
5. Jérôme Ballet, Francoise De Bry (2005), Doanh nghiệp và đạo đức, Nxb Thế giới, Hà Nội.
6. Tăng Văn Nghĩa (2009), Giáo trình Luật Cạnh tranh, Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam.
7. Viên Thế Giang (2014), Pháp luật chống cạnh tranh không lành mạnh trong hoạt động ngân hàng của các ngân hàng thương mại Việt Nam, Luận án tiến sĩ Luật học, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam - Học viện Khoa học xã hội - Hà Nội.
8. Viện Ngôn ngữ học (1989), Từ điển Tiếng Việt, Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội.

ThS. Phạm Thị Hồng Tâm (Trường Đại học Phan Thiết)
ThS. Trần Linh Huân, Trần Thị Thảo (Trường Đại học Luật Thành phố Hồ Chí Minh)
 
 
 
 
Bình luận Ý kiến của bạn sẽ được kiểm duyệt trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Đóng lại ok
Bình luận của bạn chờ kiểm duyệt từ Ban biên tập
Ổn định tài chính trong bối cảnh lạm phát và rủi ro địa chính trị tăng cao
Ổn định tài chính trong bối cảnh lạm phát và rủi ro địa chính trị tăng cao
23/05/2023 640 lượt xem
Báo cáo cập nhật về ổn định tài chính toàn cầu, Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) đã đánh giá tình hình tài chính hiện nay trong bối cảnh lạm phát và rủi ro địa chính trị leo thang.
Khó khăn và thách thức trong công tác điều hành chính sách tiền tệ hiện nay
Khó khăn và thách thức trong công tác điều hành chính sách tiền tệ hiện nay
22/05/2023 749 lượt xem
Có thể nói, công tác điều hành chính sách tiền tệ (CSTT) hiện nay của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) đối diện với rất nhiều khó khăn và thách thức; đòi hỏi các nhà hoạch định chính sách phải rất linh hoạt, chủ động thích ứng, kịp thời tham mưu để đề xuất các giải pháp điều hành nhằm hỗ trợ phục hồi nền kinh tế sau khi chịu tác động nghiêm trọng và nặng nề từ đại dịch Covid-19 nhưng vẫn phải đảm bảo mục tiêu ưu tiên hàng đầu đã được luật hóa trong Luật NHNN là kiểm soát lạm phát.
Ngân hàng Nhà nước Việt Nam: Tiếp lửa cho đà cải thiện môi trường kinh doanh
Ngân hàng Nhà nước Việt Nam: "Tiếp lửa" cho đà cải thiện môi trường kinh doanh
16/05/2023 887 lượt xem
Với vai trò huyết mạch tiền tệ và thanh toán của nền kinh tế, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) luôn đi đầu trong công tác cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực canh tranh quốc gia theo định hướng của Chính phủ với 3 trọng tâm đột phá: (i) Triển khai đồng bộ các giải pháp hỗ trợ người dân, doanh nghiệp phục hồi sản xuất, kinh doanh, khắc phục các tác động tiêu cực của đại dịch Covid-19; (ii) Đẩy mạnh công tác cải cách hành chính và tiếp tục triển khai các giải pháp nhằm duy trì chỉ số chiều sâu thông tin tín dụng, nâng cao độ phủ thông tin tín dụng; (iii) Tập trung đẩy mạnh chuyển đổi số trong hoạt động ngân hàng và hoạt động thanh toán không dùng tiền mặt.
Điều hành chính sách tiền tệ hỗ trợ tích cực cho doanh nghiệp và người dân phục hồi sản xuất, kinh doanh
Điều hành chính sách tiền tệ hỗ trợ tích cực cho doanh nghiệp và người dân phục hồi sản xuất, kinh doanh
11/05/2023 1.126 lượt xem
Thời gian qua, kinh tế thế giới tiếp tục có những diễn biến kém tích cực do hậu quả của đại dịch Covid-19, căng thẳng địa chính trị, rủi ro bất ổn gia tăng, xung đột Nga - Ukraine chưa thể kết thúc. Lạm phát vẫn duy trì ở mức cao tại nhiều quốc gia khiến ngân hàng trung ương (NHTW) các nước giữ lãi suất điều hành ở mức cao và tiếp tục có xu hướng tăng.
Kinh tế Việt Nam khi gia nhập các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới và một số định hướng hoàn thiện
Kinh tế Việt Nam khi gia nhập các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới và một số định hướng hoàn thiện
02/05/2023 2.217 lượt xem
Trong bối cảnh nước ta đang hội nhập kinh tế thế giới, việc tích cực đẩy mạnh tham gia vào các hiệp định thương mại tự do (FTA) thế hệ mới đã góp phần thúc đẩy nền kinh tế phát triển mạnh mẽ, tạo ra nhiều cơ hội lớn cho các doanh nghiệp Việt Nam tham gia vào “sân chơi” mới, đưa những sản phẩm của Việt Nam đến gần hơn với thị trường thế giới.
Dự báo lạm phát Việt Nam và một số kiến nghị
Dự báo lạm phát Việt Nam và một số kiến nghị
28/04/2023 2.340 lượt xem
Năm 2022, lạm phát Việt Nam tăng 3,15% so với bình quân năm 2021, đảm bảo mục tiêu kiểm soát lạm phát do Quốc hội đề ra, nhưng vẫn cao hơn mức lạm phát bình quân 5 năm giai đoạn 2017 - 2021 (2,98%). Trong đó, một số nhóm hàng có mức tăng rất cao so với mức tăng bình quân 5 năm như giao thông, đồ uống, thiết bị đồ dùng gia đình, văn hóa giải trí; một số nhóm hàng giảm giá mạnh, chủ yếu là nhóm hàng thuộc quản lí của Nhà nước như y tế, giáo dục
Tiếp tục hỗ trợ doanh nghiệp vượt khó
Tiếp tục hỗ trợ doanh nghiệp vượt khó
18/04/2023 1.758 lượt xem
Năm 2023, Việt Nam có được những thuận lợi cơ bản từ đà phục hồi kinh tế ấn tượng của năm 2022. Đến nay, Việt Nam có nền kinh tế lớn thứ tư ASEAN và thứ 40 của thế giới, quy mô thương mại quốc tế nằm trong Top 20 của thế giới (đạt gần 740 tỉ USD), là một trong những nền kinh tế được đánh giá là năng động và có độ mở cao nhất thế giới.
Phát hành cam kết bảo lãnh ngân hàng theo ISP98
Phát hành cam kết bảo lãnh ngân hàng theo ISP98
11/04/2023 2.195 lượt xem
Bảo lãnh ngân hàng là một sản phẩm tài chính có vai trò quan trọng trong thương mại quốc tế. Cùng với bảo lãnh độc lập (demand guarantee), thư tín dụng dự phòng (standby letter of credit) là một hình thức bảo lãnh ngân hàng được sử dụng tại nhiều nước, trong đó có Việt Nam, đặc biệt khi có đối tác đến từ Hoa Kì.
Tín dụng xanh tại Việt Nam: Thực trạng và một số khuyến nghị
Tín dụng xanh tại Việt Nam: Thực trạng và một số khuyến nghị
30/03/2023 4.885 lượt xem
Là một trong những trụ cột chính của hệ thống tài chính xanh, tín dụng xanh đang là chủ đề được rất nhiều quốc gia trên thế giới quan tâm. Mô hình tín dụng xanh đóng vai trò quan trọng trong việc cung cấp nguồn vốn cần thiết nhằm đạt được các mục tiêu phát triển bền vững của Liên hợp quốc, đặc biệt là các vấn đề liên quan đến môi trường và khí hậu. Tại Việt Nam, hoạt động tín dụng xanh cũng đã được triển khai thực hiện trong những năm gần đây và đạt được nhiều kết quả đáng khích lệ trong nhiều lĩnh vực, bao gồm tiết kiệm năng lượng, năng lượng tái tạo, nông nghiệp sạch và nông nghiệp công nghệ cao.
Tiếp tục triển khai đồng bộ các giải pháp thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt
Tiếp tục triển khai đồng bộ các giải pháp thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt
30/03/2023 2.769 lượt xem
Ngày 28/10/2021, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 1813/QĐ-TTg về việc phê duyệt Đề án phát triển thanh toán không dùng tiền mặt (TTKDTM) tại Việt Nam giai đoạn 2021 - 2025 (Quyết định số 1813). Sau hơn 01 năm triển khai thực hiện Quyết định số 1813, hoạt động TTKDTM đã đạt được những kết quả tích cực. Thời gian tới, cần sự phối hợp đồng bộ của các bộ, ngành trong xây dựng hành lang pháp lí và đẩy nhanh quá trình kết nối, khai thác Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư vào hoạt động nghiệp vụ ngân hàng, qua đó tạo điều kiện thúc đẩy thanh toán số, chuyển đổi số ngành Ngân hàng.
Quản lí nhà nước đối với mô hình kinh tế hợp tác xã tại Việt Nam hiện nay và một số khuyến nghị
Quản lí nhà nước đối với mô hình kinh tế hợp tác xã tại Việt Nam hiện nay và một số khuyến nghị
29/03/2023 2.622 lượt xem
Phát triển kinh tế tập thể được xem là xu thế tất yếu trong bối cảnh hội nhập quốc tế sâu, rộng như hiện nay và đây cũng chính là thành phần kinh tế quan trọng bên cạnh kinh tế nhà nước của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam. Tuy nhiên, khu vực kinh tế tập thể hay mô hình hợp tác xã của nước ta ở thời điểm hiện tại chưa thực sự phát huy hiệu quả theo đúng mục tiêu, chính sách của Nhà nước.
Basel III: Quá trình thực hiện tại Việt Nam và một số khuyến nghị
Basel III: Quá trình thực hiện tại Việt Nam và một số khuyến nghị
27/03/2023 6.186 lượt xem
Hiện nay, bên cạnh Basel II, nhiều ngân hàng Việt Nam cũng đã áp dụng Basel III, IFRS 9. Đây là chuẩn mực quốc tế giúp các ngân hàng nâng cao quản trị rủi ro và cạnh tranh hơn so với các đối thủ cùng Ngành. Bên cạnh đó, điều này cũng góp phần giúp hệ thống tổ chức tín dụng nói chung phát triển hiệu quả và bền vững. Tuy nhiên, tại Việt Nam, việc ứng dụng Basel III vẫn còn nhiều vướng mắc bởi Hiệp ước này có những yêu cầu cao hơn và khắt khe hơn.
Bảo vệ quyền và lợi ích của người mua nợ trong giao dịch mua, bán nợ với các tổ chức tín dụng tại Việt Nam
Bảo vệ quyền và lợi ích của người mua nợ trong giao dịch mua, bán nợ với các tổ chức tín dụng tại Việt Nam
22/03/2023 2.978 lượt xem
Xử lí nợ nhanh chóng và hiệu quả luôn được coi là một trong những mục tiêu cơ bản, quan trọng nhằm đảm bảo an toàn cho các tổ chức tín dụng (TCTD). Có nhiều phương thức khác nhau để TCTD xử lí nợ và trong những năm gần đây, TCTD có xu hướng lựa chọn nhiều hơn việc xử lí nợ thông qua mua, bán nợ với các chủ thể có nhu cầu trên thị trường.
Tác động của quy định mới về đăng kí biện pháp bảo đảm đến các tổ chức tín dụng
Tác động của quy định mới về đăng kí biện pháp bảo đảm đến các tổ chức tín dụng
22/03/2023 2.471 lượt xem
Nghị định số 99/2022/NĐ-CP ngày 30/11/2022 của Chính phủ về đăng kí biện pháp bảo đảm (Nghị định số 99), có hiệu lực thi hành từ ngày 15/01/2023 được cho rằng sẽ đồng bộ hành lang pháp lí với Nghị định số 21/2021/NĐ-CP ngày 19/3/2021 của Chính phủ quy định thi hành Bộ luật Dân sự về bảo đảm thực hiện nghĩa vụ (Nghị định số 21) và sẽ khắc phục được các tồn tại, hạn chế trong 05 năm triển khai Nghị định số 102/2017/NĐ-CP ngày 01/9/2017 của Chính phủ về đăng kí biện pháp bảo đảm...
Giá vàngXem chi tiết

GIÁ VÀNG - XEM THEO NGÀY

Khu vực

Mua vào

Bán ra

HÀ NỘI

Vàng SJC 1L

66.450

67.050

TP.HỒ CHÍ MINH

Vàng SJC 1L

66.450

67.050

Vàng SJC 5c

66.450

67.070

Vàng nhẫn 9999

55.600

56.550

Vàng nữ trang 9999

55.600

56.650


Ngoại tệXem chi tiết
TỶ GIÁ - XEM THEO NGÀY 
Ngân Hàng USD EUR GBP JPY
Mua vào Bán ra Mua vào Bán ra Mua vào Bán ra Mua vào Bán ra
Vietcombank 23,290 23,660 24,463 25,833 28,475 29,689 164.04 173.66
BIDV 23,345 23,645 24,640 25,823 28,589 29,852 164.82 173.61
VietinBank 23,232 23,652 24,706 25,841 28,825 29,835 165.1 173.05
Agribank 23,285 23,645 24,701 25,701 28,715 29,544 166.24 173.05
Eximbank 23,270 23,650 24,760 25,434 28,812 29,596 166.31 170.84
ACB 23,200 23,700 24,766 25,391 28,946 29,558 165.95 170.31
Sacombank 23,280 23,683 24,902 25,415 29,011 29,518 166.42 171.98
Techcombank 23,312 23,656 24,501 25,826 28,441 29,726 161.77 174.06
LPBank 23,290 23,890 24,739 26,073 28,836 29,778 163.78 175.23
DongA Bank 23,350 23,680 24,750 25,440 28,810 29,600 163.9 171.2
(Cập nhật trong ngày)
Lãi SuấtXem chi tiết
(Cập nhật trong ngày)
Ngân hàng
KKH
1 tuần
2 tuần
3 tuần
1 tháng
2 tháng
3 tháng
6 tháng
9 tháng
12 tháng
24 tháng
Vietcombank
0,10
0,20
0,20
-
4,60
4,60
5,10
5,80
5,80
7,20
7,20
BIDV
0,10
-
-
-
4,90
4,90
5,40
5,80
5,90
7,20
7,20
VietinBank
0,10
0,20
0,20
0,20
4,60
4,60
5,10
5,80
5,80
7,20
7,20
Cake by VPBank
1,00
-
-
-
6,00
-
6,00
8,90
-
9,00
9,00
ACB
-
0,50
0,50
0,50
4,60
4,70
4,80
6,40
6,60
6,80
6,90
Sacombank
-
-
-
-
5,30
5,40
5,50
7,30
7,40
7,60
7,90
Techcombank
0,10
-
-
-
5,40
5,40
5,40
7,10
7,10
7,10
7,10
LPBank
-
0,20
0,20
0,20
5,00
5,00
5,00
7,30
7,30
7,70
8,00
DongA Bank
1,00
1,00
1,00
1,00
5,50
5,50
5,50
7,90
7,95
8,00
8,30
Agribank
0,30
-
-
-
4,60
4,60
5,10
5,80
5,80
7,20
7,00
Eximbank
0,20
0,50
0,50
0,50
5,50
5,50
5,50
6,30
6,60
7,10
7,50

Liên kết website
Bình chọn trực tuyến
Nội dung website có hữu ích với bạn không?