Những năm qua, Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam (DIV) đã tích cực triển khai các nghiệp vụ bảo hiểm tiền gửi (BHTG) để bảo vệ hiệu quả quyền lợi hợp pháp của người gửi tiền, góp phần duy trì sự ổn định của hệ thống các tổ chức tín dụng (TCTD), bảo đảm sự phát triển an toàn, lành mạnh của hệ thống ngân hàng.
Hiện nay, DIV đang bảo vệ cho hơn 8,7 triệu tỉ đồng của gần 120 triệu lượt người gửi tiền tại 1.278 tổ chức tham gia BHTG, bao gồm 96 ngân hàng thương mại và chi nhánh ngân hàng nước ngoài, 1.177 quỹ tín dụng nhân dân (QTDND), 1 ngân hàng hợp tác xã và 4 tổ chức tài chính vi mô thông qua các nghiệp vụ BHTG.
DIV phát huy sứ mệnh bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của gửi tiền (Nguồn ảnh: Internet)
Giám sát 100% các tổ chức tham gia BHTG
Khoản 10 Điều 13 Luật BHTG năm 2012 quy định về một trong những quyền, nghĩa vụ của DIV: “Tổng hợp, phân tích và xử lý thông tin về tổ chức tham gia BHTG nhằm phát hiện và kiến nghị Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) xử lý kịp thời các vi phạm quy định về an toàn hoạt động ngân hàng, rủi ro gây mất an toàn trong hệ thống ngân hàng.”
Theo đó, DIV thực hiện giám sát liên tục, thường xuyên đối với 100% tổ chức tham gia BHTG thông qua quá trình theo dõi, phân tích, đánh giá việc thực hiện quy định về BHTG; tình hình hoạt động và mức độ rủi ro của tổ chức tham gia BHTG dựa trên nguồn thông tin của tổ chức tham gia BHTG, NHNN và các nguồn thông tin khác, từ đó, phát hiện, kiến nghị NHNN xử lý kịp thời những vi phạm quy định về BHTG hay rủi ro gây mất an toàn trong hệ thống các TCTD.
Trong quá trình triển khai công tác giám sát, DIV chủ động áp dụng linh hoạt các quy định của Luật BHTG năm 2012 và văn bản dưới Luật, thực hiện báo cáo giám sát được cải tiến nhằm rút ngắn thời gian, kịp thời đưa ra cảnh báo vi phạm, kiến nghị NHNN xử lý. Kết cấu, nội dung báo cáo giám sát được điều chỉnh phù hợp với chức năng, nhiệm vụ của DIV.
Kiểm tra định kỳ và theo chỉ đạo của NHNN
Đối với công tác kiểm tra, tại khoản 9, Điều 13, Luật BHTG năm 2012 quy định DIV: Theo dõi, kiểm tra việc chấp hành các quy định pháp luật về BHTG, kiến nghị NHNN xử lý các hành vi vi phạm pháp luật về BHTG. Nội dung kiểm tra bao gồm: Kiểm tra việc chấp hành quy định của pháp luật về đề nghị cấp, cấp lại; niêm yết Chứng nhận tham gia BHTG; tính và nộp phí BHTG; việc nhận tiền gửi được bảo hiểm; cung cấp thông tin về tiền gửi được bảo hiểm, các thông tin và báo cáo khác.
Đặc biệt, DIV chú trọng nội dung kiểm tra chuyên sâu về tiền gửi được bảo hiểm tại các QTDND xếp loại 4 và 5 theo kết quả phân loại của hoạt động giám sát từ xa từ năm 2015 và đối với tất cả các tổ chức tham gia BHTG từ năm 2017 trong bối cảnh số lượng QTDND yếu, kém gia tăng; từ đó, góp phần hạn chế các hành vi gian lận, trục lợi tiền bảo hiểm cũng như phát hiện những bất cập về cơ chế, chính sách để kiến nghị sửa đổi, bổ sung nhằm bảo vệ quyền lợi hợp pháp của người gửi tiền.
Tại Chỉ thị số 06/CT-TTg ngày 12/3/2019 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường giải pháp nhằm đảm bảo an toàn hoạt động, củng cố vững chắc hệ thống QTDND đã chỉ rõ: “Tăng cường vai trò và giao nhiệm vụ cho DIV trong việc phối hợp tham gia, hỗ trợ chức năng kiểm tra của NHNN đối với các QTDND”. Trên cơ sở đó, Thống đốc NHNN đã giao DIV thực hiện kiểm tra chuyên sâu một số QTDND về hoạt động huy động tiền gửi tiết kiệm; quản lý và sử dụng ấn chỉ quan trọng; chấp hành quy định về các tỉ lệ bảo đảm an toàn; hoạt động cho vay.
Triển khai nhiệm vụ được giao, DIV đã phát hiện kịp thời nhiều trường hợp QTDND vi phạm quy định liên quan đến huy động tiền gửi tiết kiệm của người gửi tiền cũng như những bất hợp lý về cơ chế, chính sách, kiến nghị cơ quan nhà nước có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung phù hợp với thực tiễn hoạt động của các QTDND. Trong quá trình kiểm tra, xử lý kết quả kiểm tra, việc phối hợp với chi nhánh NHNN tỉnh, thành phố được thực hiện thường xuyên và nhận được sự ủng hộ, phối hợp của các chi nhánh NHNN tỉnh, thành phố.
Tham gia tái cơ cấu các TCTD
Những năm gần đây, Chính phủ, NHNN đã ban hành nhiều chính sách để DIV tham gia sâu hơn vào quá trình cơ cấu lại TCTD. Điển hình là Luật Các TCTD năm 2024 với các quy định DIV tham gia vào quá trình tái cơ cấu các TCTD yếu, kém ngay từ giai đoạn can thiệp sớm.
Cụ thể, Luật Các TCTD năm 2024 cho phép DIV cho vay đặc biệt đối với ngân hàng thương mại, ngân hàng hợp tác xã, QTDND, tổ chức tài chính vi mô bị rút tiền hàng loạt trong cả giai đoạn can thiệp sớm và kiểm soát đặc biệt; quyết định cho vay đặc biệt đối với TCTD được kiểm soát đặc biệt; mua trái phiếu dài hạn của TCTD nhận chuyển giao bắt buộc theo quyết định của NHNN; tham gia xây dựng phương án phá sản QTDND được kiểm soát đặc biệt; tham gia đề xuất NHNN trình Thủ tướng Chính phủ quyết định hạn mức chi trả BHTG cho người gửi tiền; vay đặc biệt từ NHNN trong trường hợp quỹ dự phòng nghiệp vụ không đủ chi trả cho người gửi tiền; xây dựng phương án tăng phí BHTG để bù đắp phần vay đặc biệt. Đây là cơ hội nhưng cũng là thách thức lớn để DIV thể hiện vai trò, trách nhiệm của mình đối với người gửi tiền cũng như tổ chức tham gia BHTG.
Chi trả kịp thời cho người gửi tiền
Trong việc bảo vệ người gửi tiền, quan điểm của Chính phủ, NHNN luôn nhất quán, đó là: Quyền lợi của người gửi tiền được ưu tiên bảo đảm cao nhất. Cùng với các nghiệp vụ BHTG, hạn mức trả tiền bảo hiểm được định kỳ điều chỉnh tăng phù hợp với quy mô tiền gửi, thu nhập bình quân của người dân, tình hình kinh tế - xã hội nước ta cũng như khả năng tài chính của DIV. Điều đó thể hiện cam kết mạnh mẽ của Chính phủ, NHNN về bảo vệ người gửi tiền, giúp củng cố niềm tin của người dân vào hệ thống ngân hàng và BHTG.
Trên cơ sở quy định của pháp luật về BHTG và pháp luật liên quan, DIV đã từng bước hoàn thiện quy chế, quy trình nghiệp vụ cụ thể về chi trả tiền bảo hiểm cả trong giai đoạn trước và sau khi phát sinh nghĩa vụ trả tiền bảo hiểm. Đến nay, DIV đã chi trả cho 1.793 người gửi tiền tại 39 QTDND trên địa bàn 11 tỉnh, thành phố với số tiền 26,78 tỉ đồng, kịp thời bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp cho người gửi tiền, góp phần quan trọng ổn định an ninh trật tự và an toàn xã hội tại các địa phương có QTDND bị đổ vỡ.
Nhiều năm gần đây, hệ thống các TCTD tại Việt Nam hoạt động tương đối ổn định, niềm tin thị trường được duy trì. DIV không phải chi trả cho người gửi tiền, nhưng tổ chức này vẫn thường xuyên nghiên cứu, tập dượt mô phỏng các kịch bản chi trả để sẵn sàng bảo vệ quyền lợi của người gửi tiền khi cần thiết.
Tích cực tuyên truyền chính sách BHTG
Bên cạnh triển khai các hoạt động nghiệp vụ, DIV cũng tích cực tuyên truyền chính sách, pháp luật về BHTG nhằm nâng cao niềm tin công chúng, góp phần đảm bảo an toàn hệ thống các TCTD. Đây được coi là một trong những nhiệm vụ quan trọng của DIV, được xác định trong Chiến lược phát triển BHTG đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 đã được Thủ tướng Chính phủ ban hành theo Quyết định số 1660/QĐ-TTg ngày 30/12/2022.
Xác định đối tượng mục tiêu trọng tâm là người gửi tiền, DIV luôn tích cực và chú trọng đa dạng hóa các hình thức truyền thông để lan tỏa chính sách BHTG đến công chúng. Với 2 kênh chính thức là trang thông tin điện tử tại địa chỉ www.div.gov.vn và Bản tin BHTG phát hành định kỳ hàng quý, DIV cũng phối hợp chặt chẽ với các báo, tạp chí, nghiên cứu mở rộng truyền thông trên các nền tảng mạng xã hội như facebook, zalo, tik tok..., từng bước xây dựng và phát triển các công cụ truyền thông mới để giúp người gửi tiền, người dân ngày càng nắm chắc, hiểu sâu về BHTG.
Với phương châm luôn bảo đảm tốt nhất quyền lợi người gửi tiền, DIV cho biết luôn theo sát diễn biến hoạt động của các TCTD thông qua việc chủ động triển khai có hiệu quả các nghiệp vụ BHTG. Kỳ vọng trong thời gian tới, với những thay đổi về cơ sở pháp lý của hoạt động BHTG, trong đó có việc Quốc hội, Chính phủ, NHNN xem xét sớm sửa đổi, bổ sung Luật BHTG năm 2012, DIV sẽ ngày càng phát huy vị thế, vai trò của mình để thực hiện tốt hơn sứ mệnh bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người gửi tiền.
Tài liệu tham khảo
1. Chỉ thị số 06/CT-TTg ngày 12/3/2019 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường giải pháp nhằm đảm bảo an toàn hoạt động, củng cố vững chắc hệ thống QTDND.
2. Luật BHTG năm 2012.
3. Quyết định số 1660/QĐ-TTg ngày 30/12/2022 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Chiến lược phát triển BHTG đến năm 2025, định hướng đến năm 2030.
Phương Hằng