Bancassurance tại Việt Nam: Cơ hội, thách thức và xu hướng phát triển
15/12/2022 5.062 lượt xem
Tóm tắt: Phân phối bảo hiểm qua ngân hàng (Bancassurance) là mô hình liên kết kinh doanh phổ biến giữa ngân hàng và doanh nghiệp bảo hiểm, một kênh phân phối tiềm năng và đang tăng trưởng mạnh mẽ trong những năm gần đây bên cạnh các kênh phân phối bảo hiểm truyền thống khác. Bancassurance đã và đang đóng vai trò quan trọng trong hoạt động kinh doanh của nhiều doanh nghiệp bảo hiểm cũng như mang đến nguồn lợi nhuận mỗi năm cho các ngân hàng và được kỳ vọng sẽ tiếp tục bùng nổ doanh thu trong thời gian tới. Bài viết phân tích về cơ hội cũng như những thách thức trong việc phát triển hoạt động Bancassurance tại Việt Nam trong thời gian qua, từ đó đề xuất một số khuyến nghị nhằm phát triển hoạt động này trong thời gian tới.
 
Từ khóa: Bancassurance, bảo hiểm, ngân hàng, Việt Nam.
 
BANCASSURANCE IN VIETNAM: OPPORTUNITIES, CHALLENGES AND DEVELOPMENT TREND
 
Abstract: Bancassurance is a popular business association model between banks and insurance enterprises, a potential distribution channel and has been growing strongly in recent years alongside other traditional insurance distribution channels. Bancassurance has been playing an important role in the business activities of many insurance businesses as well as bringing profit per year for banks and the business model ia expected to continue to explode in revenue in the next time. This article analyzes opportunities, challenges in developing Bancassurance activities in Vietnam in recent years, thereby proposing some recommendations to develop this activity in the coming time.
 
Keywords: Bancassurance, insurance, banking, Vietnam.
 
1. Đặt vấn đề
 
Bancassurance là thuật ngữ đề cập đến việc bán các hợp đồng bảo hiểm thông qua một ngân hàng (Leepsa & Singh, 2017). Trong quá trình này, ngân hàng và công ty bảo hiểm hợp tác để cung cấp bảo hiểm trên thị trường thông qua mạng lưới phân phối của ngân hàng. Do sự gia tăng cạnh tranh sau khi tự do hóa, ngành tài chính đã sử dụng chiến lược tăng trưởng này để tận dụng tốt nhất các kênh tương tự của họ để bán nhiều sản phẩm tài chính. Bancassurance đã trở nên quan trọng trên toàn thế giới, đặc biệt là ở các nước châu Âu. Bancassurance xuất hiện đầu tiên ở Pháp và Tây Ban Nha vào những năm đầu của thập kỷ thứ VIII, thứ IX và thế kỷ XX. Trên toàn cầu, các thị trường Bancassurance hàng đầu là Pháp, Đức, Anh, Tây Ban Nha và Ý. Tại Bồ Đào Nha có đến 85% tổng số phí bảo hiểm thu được là thông qua các kênh Bancassurance (Trần Thị Yến Vinh, 2021). Các thị trường Bancassurance toàn cầu bị chi phối bởi các đại gia ngân hàng châu Âu như BNP Paribas, Credit Agricole, ING và ABN Amro. Theo nghiên cứu của Finaccord, BNP Paribas là tập đoàn bảo hiểm nắm giữ nhiều mối quan hệ đối tác Bancassurance nhất trong số 500 nhóm ngân hàng bán lẻ lớn nhất toàn cầu.
 
Thực tế cho thấy, Bancassurance ngày càng trở nên phổ biến và quan trọng trên thế giới, thậm chí ở nhiều nơi nó đã trở thành một trong những kênh phân phối sản phẩm bảo hiểm chính. Các sản phẩm của kênh phân phối này đã và đang phát triển mạnh tại các quốc gia trên thế giới. Do mức thu nhập của người dân ngày càng cao, việc triển khai trả lương qua thẻ, điều kiện hạ tầng công nghệ, trình độ nhận thức của cả người dân về ngân hàng và ngành bảo hiểm ngày càng được nâng lên. Theo đánh giá của các chuyên gia, Bancassurance được xem là kênh cung cấp dịch vụ bảo hiểm bổ sung cùng với kênh đại lý truyền thống và bán trực tiếp.
 
Về lý thuyết, hoạt động Bancassurance được thực hiện ở cả lĩnh vực bảo hiểm phi nhân thọ và bảo hiểm nhân thọ. Bảo hiểm nhân thọ là các sản phẩm bảo hiểm tính mạng hoặc tuổi thọ của con người nhằm bù đắp cho người được bảo hiểm một khoản tiền khi hết thời hạn bảo hiểm hoặc khi người được bảo hiểm bị chết hoặc bị thương tật toàn bộ vĩnh viễn. Bảo hiểm có thể chia thành nhiều loại như bảo hiểm trọn đời, bảo hiểm sinh kỳ, bảo hiểm tử kỳ, bảo hiểm hỗn hợp, bảo hiểm liên kết đầu tư... Trong khi đó, bảo hiểm phi nhân thọ là các sản phẩm bảo hiểm tài sản, trách nhiệm dân sự và các nghiệp vụ bảo hiểm khác không thuộc bảo hiểm nhân thọ. Sản phẩm này có thể chia thành nhiều loại như bảo hiểm tài sản, bảo hiểm thiệt hại, bảo hiểm hàng hóa vận chuyển, bảo hiểm xe cơ giới, bảo hiểm cháy nổ, bảo hiểm thân tàu và trách nhiệm dân sự của chủ tàu, bảo hiểm tín dụng và rủi ro tài chính, bảo hiểm thiệt hại kinh doanh… Tuy nhiên, trong thực tế hoạt động Bancassurance chủ yếu phát triển ở mảng bảo hiểm nhân thọ.
 
Ngày nay, Bancassurance cũng không còn mới tại các quốc gia châu Á nói chung và Việt Nam nói riêng. Ở nước ta, Bancassurance đã manh nha từ những năm 1990, song hoạt động này chỉ thực sự khởi động từ năm 2001. Từ đó đến nay, thị trường bảo hiểm Việt Nam đã chứng kiến nhiều sự thay đổi lớn. Một số trường hợp điển hình rất thành công đó là sự hợp tác giữa Ngân hàng Thương mại (NHTM) cổ phần Kỹ Thương Việt Nam (Techcombank) - Manulife, NHTM cổ phần Sài Gòn (SCB) - Manulife, NHTM cổ phần Việt Nam Thịnh Vượng  (VPBank) - AIA, NHTM cổ phần Quân đội (MB Bank) - MB Agreas Life, NHTM cổ phần Công thương Việt Nam (Vietinbank) - Aviva Việt Nam… Các doanh nghiệp bảo hiểm đã cố gắng đáp ứng xu hướng này bằng cách tiếp cận khách hàng thông qua việc mở rộng Bancassurance.
 
2. Thực trạng hoạt động Bancassurance tại Việt Nam trong những năm gần đây
 
2.1. Thực trạng hoạt động Bancassurance
 
Trên thế giới, sự tăng trưởng trong hoạt động Bancassurance khác nhau ở các khu vực dựa vào mức độ hoạt động kinh tế, quy định pháp luật, mô hình được áp dụng, sở thích của khách hàng và cả các sản phẩm được bán qua kênh ngân hàng. Tỷ trọng kinh doanh Bancassurance ở khu vực châu Âu, Trung Đông, châu Phi, châu Á và các khu vực châu Đại dương năm 2016 được thể hiện trong Biểu đồ 1. 
 
 Biểu đồ 1: Xu hướng toàn cầu trong hoạt động Bancassurance 
                                                                                                                                                                              Đơn vị: %

Nguồn: Reinsurance Group of America, Incorporated

 
Theo quan sát, các nước châu Âu thống trị thị trường Bancassurance. Trong đó, Bồ Đào Nha chiếm kỷ lục với thị phần cao nhất là 86% và Hoa Kỳ ở tỷ trọng thấp nhất là 3%. Tất cả các nước châu Âu ghi nhận mức tăng trưởng hơn 50%. Tỷ lệ này của Nam Phi và Vương quốc Anh ở mức là 20%, Úc là 11% và Ấn Độ là 10%.
 
Bancassurance đã và đang có ý nghĩa quan trọng ở hầu hết các quốc gia trên toàn thế giới. Quy mô thị trường toàn cầu của Bancassurance đạt khoảng 1.166 tỷ USD vào năm 2018, 1.268 tỷ USD vào năm 2021 và dự kiến đạt 1.665 tỷ USD vào năm 2024, tăng trưởng với tốc độ là 5,9% trong giai đoạn 2022 - 2027 (Bhakat và cộng sự, 2021).
 
Tại Việt Nam, đối với lĩnh vực nhân thọ, kênh phân phối bảo hiểm qua ngân hàng được coi là kênh phân phối chuyên nghiệp thứ hai sau kênh phân phối truyền thống là đại lý. Ngoài NHTM cổ phần Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) - Cardif và Vietinbank - Aviva là 02 doanh nghiệp nhân thọ có vốn góp của ngân hàng, một số doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ khác như AIA, Prudential, Bảo Việt nhân thọ, Dai-ichi, Generali, Hanwha… cũng bắt đầu thực hiện phân phối bảo hiểm qua ngân hàng và đạt được những kết quả nhất định. 
 
Trên thị trường bảo hiểm nhân thọ, hiện có 15/18 doanh nghiệp bảo hiểm đã triển khai Bancassurance. Điều này giúp doanh nghiệp tiết kiệm chi phí xây dựng mạng lưới riêng, có cơ hội tiếp cận với khách hàng của các ngân hàng, nhanh chóng gia tăng thị phần, doanh thu… Hiện Bancassurance trở thành kênh phân phối chiếm vị trí thứ hai trong tỷ trọng đóng góp vào doanh thu khai thác mới và tổng doanh thu phí của các doanh nghiệp bảo hiểm. Theo các chuyên gia trong ngành Bảo hiểm, Bancassurance được đẩy mạnh là vì nhiều ngân hàng đã ghi nhận mức tăng trưởng ấn tượng từ thu nhập phí bảo hiểm thuần. Đặc biệt, tại một số ngân hàng đã xây dựng các nền tảng bán bảo hiểm số, giúp giảm thời gian và tăng hiệu quả bán bảo hiểm.
 
Hiện nay, Việt Nam có 70 doanh nghiệp kinh doanh bảo hiểm, trong đó: 32 doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ; 18 doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ; 02 doanh nghiệp tái bảo hiểm; 18 doanh nghiệp môi giới bảo hiểm. Tốc độ tăng trưởng doanh thu phí bảo hiểm trung bình giai đoạn 2007 - 2020 là 18%/năm, trong đó: Lĩnh vực phi nhân thọ tăng trung bình 13%/năm;lĩnh vực nhân thọ tăng trung bình 22%/năm. Tỷ lệ doanh thu từ Bancassurance trên tổng doanh thu phí bảo hiểm toàn thị trường tăng mạnh qua các năm, cụ thể: Năm 2014 đạt 2,7%; năm 2015 đạt 4,27%; năm 2016 đạt 5,94%; năm 2017 đạt 7,58%; năm 2018 đạt 11,93% (Ngô Hải, 2021).
 
Vào năm 2016, tỷ lệ thâm nhập của Bancassurance chỉ chiếm hơn 5% thì tính đến năm 2019, con số này là hơn 17% và tiếp tục tăng mạnh gần 30% năm 2021 (Hồng Chi, 2022). Theo Cục Quản lý, Giám sát bảo hiểm (Bộ Tài chính), bảo hiểm nhân thọ chiếm tỷ trọng lớn trong ngành bảo hiểm Việt Nam, chiếm 73% tổng doanh thu phí bảo hiểm năm 2021. Xét về tổng doanh thu phí bảo hiểm nhân thọ, Bảo hiểm Bảo Việt và Manulife đồng hạng nhất với 19% thị phần. Theo sau đó là Prudential (18%), Dai-ichi Life (12%) và AIA với 10% thị phần (Tùng Thư, 2022).
 
Có thể thấy, hoạt động Bancassurance không ngừng phát triển và mang lại những lợi ích nhất định cho các doanh nghiệp bảo hiểm, NHTM và cả khách hàng mua bảo hiểm. Điều này đã giúp Bancassurance trở thành một trong những kênh phát triển nhanh nhất và đang dần trở thành kênh phân phối bảo hiểm chính, tạo nguồn thu nhập ổn định ngoài lãi cho các ngân hàng Việt Nam. Số liệu công bố tại báo cáo “Thị trường tài chính Việt Nam 2021 và triển vọng 2022” do NHTM cổ phần Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) cùng Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) phối hợp nghiên cứu cho thấy, hoạt động Bancassurance đã đóng góp hàng nghìn tỷ đồng vào lợi nhuận của nhiều ngân hàng trong năm 2021.
 
Năm 2021, Techcombank và Vietcombank là 02 hai ngân hàng đã ghi nhận kết quả lợi nhuận đạt 1 tỷ USD, đồng thời cũng là ngân hàng có doanh thu từ phí dịch vụ bảo hiểm tăng gần 90%, đóng góp lớn vào lợi nhuận năm 2021 (Huyền Anh, 2022). 
 
Bên cạnh đó, một số ngân hàng như NHTM cổ phần Tiên Phong (TPBank), NHTM cổ phần Á Châu (ACB), NHTM cổ phần Quốc tế (VIB), VPBank, NHTM cổ phần Việt Nam Thương Tín (VietBank), NHTM cổ phần Phát triển Thành phố Hồ Chí Minh (HDBank)... cũng ghi nhận doanh thu từ phí dịch vụ bảo hiểm tăng mạnh trong năm 2021. 
 
Lợi nhuận thu về từ mảng Bancassurance là động lực để các ngân hàng đẩy mạnh hợp tác với các công ty bảo hiểm nhân thọ. Năm 2021, mặc dù hoạt động ký hợp đồng hợp tác chiến lược, độc quyền phân phối giữa các hãng bảo hiểm và ngân hàng đã không còn sôi động như giai đoạn 2019 - 2020. Tuy nhiên cũng có nhiều thương vụ thành công như: Thỏa thuận hợp tác độc quyền kéo dài trong 15 năm giữa NHTM cổ phần Hàng Hải Việt Nam (MSB) và Prudential Việt Nam được ký vào ngày 18/3/2021, với mức phí trả trước mà MSB nhận được từ thương vụ trên có thể lên đến 3.500 tỷ đồng; ACB ký kết với Sun Life hợp đồng 15 năm vào cuối tháng 12/2021, khai thác chính thức bắt đầu từ 01/01/2022 và ước mang về cho ACB khoảng 370 triệu USD (hơn 8.500 tỷ đồng); ngày 29/12/2021, Manulife Việt Nam chính thức là nhà phân phối độc quyền các giải pháp bảo hiểm nhân thọ cho khách hàng của VietinBank trong vòng 16 năm.
 
Sang năm 2022, thị trường Bancassurance bắt đầu sôi nổi với sự kiện Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam (Agribank) và FWD Việt Nam chính thức bắt tay hợp tác sau một thời gian dài tìm hiểu vào ngày 12/01/2022. Theo đó, trong giai đoạn đầu triển khai, FWD Việt Nam sẽ phân phối các sản phẩm bảo hiểm qua Agribank, ngân hàng duy nhất có mặt tại 63 tỉnh, thành và 9/13 huyện đảo với hệ thống gần 2.300 chi nhánh, phòng giao dịch trên toàn quốc. Trước đó, FWD Việt Nam cũng có một thương vụ nổi bật nhất trên thị trường Bancassurance Việt Nam khi hợp tác với Vietcombank. Sau thời gian triển khai, hoạt động hợp tác này đã tạo ra nhiều giá trị tích cực cho khách hàng và đóng góp đáng kể vào sự phát triển chung của thị trường. 
 
Một tên tuổi mới tham gia thị trường bảo hiểm là Shinhan Life Việt Nam cũng công bố ký kết hợp tác chiến lược, triển khai mô hình kinh doanh bảo hiểm liên kết ngân hàng với Ngân hàng Shinhan Việt Nam vào ngày 24/5/2022. Theo đó, Ngân hàng Shinhan Việt Nam sẽ tư vấn và giới thiệu các sản phẩm bảo hiểm nhân thọ của Shinhan Life Việt Nam đến khách hàng của Ngân hàng Shinhan trên toàn quốc. Sản phẩm đầu tiên được phát triển thông qua kênh phân phối này là Shinhan - Tín dụng, sản phẩm bảo vệ cho khách hàng khi vay vốn.
 
Ngày 25/5/2022, Hanwha Life Việt Nam và Vietbank cũng ký kết hợp tác chiến lược phân phối sản phẩm bảo hiểm nhân thọ tại Việt Nam. Việc hợp tác giữa Hanwha Life Việt Nam và Vietbank là một phần trong chiến lược dài hạn của cả hai doanh nghiệp, nhằm phát huy tối đa thế mạnh của hai bên, mang đến cho khách hàng những dịch vụ tài chính ưu việt.
 
Với đà tăng tích cực từ đầu năm, thị trường Bancassurance được dự báo sẽ tăng trưởng hơn 30% trong năm nay và tại một số công ty bảo hiểm có đối tác ngân hàng lớn, kênh này có thể mang về mức tăng trưởng doanh thu phí mới cao hơn mức tăng trưởng 30% của thị trường (Hồng Chi, 2022).
 
Việc đẩy mạnh số hóa và tăng cường liên kết với các ngân hàng giúp doanh số bảo hiểm duy trì mức tăng trưởng cao. Tuy nhiên, thị trường bảo hiểm nhân thọ trong 4 tháng đầu năm 2022 có dấu hiệu tăng trưởng chậm lại. Tổng doanh thu phí bảo hiểm toàn thị trường ước đạt 51.782 tỷ đồng, tăng 14,5% so với cùng kỳ năm trước. Phí bảo hiểm khai thác mới trong 4 tháng năm 2022 giảm 8,2%, đạt 15.026 tỷ đồng.
 
2.2. Bancassurance tại Việt Nam: Cơ hội, thách thức
 
Cơ hội
 
Một là, về triển vọng thị trường, ông Gaurav Sharma, Tổng giám đốc BIDV MetLife dự đoán rất tích cực khi Việt Nam vẫn là thị trường không dễ thâm nhập và tỷ lệ những người được bảo hiểm vẫn chưa cao. Chỉ có 11% dân số Việt Nam tham gia mua bảo hiểm nhân thọ trong năm 2021, tỷ lệ này thấp hơn nhiều so với Malaysia (~50%), Singapore (~80%) và Mỹ (~90%). Mức độ thâm nhập của mảng bảo hiểm nhân thọ khá thấp - chỉ chiếm khoảng 2% tổng GDP năm 2020 - so với Thái Lan (3,1%), Singapore (9,8%), Đài Loan (13,7%) và Hồng Kông (19,7%). Mặc dù thị trường Việt Nam chưa thể so sánh với Singapore và các thị trường Đông Bắc Á, nhưng những con số này hàm ý rằng vẫn có cơ hội tăng trưởng đầy tiềm năng cho ngành Bảo hiểm nhân thọ Việt Nam. 
 
Hai là, tiềm năng phát triển của thị trường bảo hiểm nói chung và Bancassurance nói riêng tại Việt Nam vẫn còn rất lớn. Trong lĩnh vực nhân thọ, tốc độ tăng trưởng doanh thu phí trong những năm gần đây đều đạt bình quân 20%/năm. Hiện nay, doanh thu kênh Bancassurance mới chiếm 2% tổng doanh thu phí bảo hiểm toàn thị trường nhân thọ, một tỷ lệ rất khiêm tốn so với các nước trong khu vực.
 
Bên cạnh đó, báo cáo của Tổ chức Y tế AWorld đã chỉ ra rằng tỷ lệ dân số thế giới trên 60 tuổi sẽ tăng gần gấp đôi từ 12% lên 22% từ năm 2015 đến năm 2050. Riêng tại Việt Nam, dự báo dân số theo giả định mức sinh trung bình cho thấy tỷ lệ người 65 tuổi trở lên sẽ đạt 14,17% tổng dân số vào năm 2036. Khi đó Việt Nam sẽ bước vào giai đoạn dân số già. Dân số tăng sẽ có tác động đến nhu cầu về sức khỏe và các sản phẩm bảo hiểm nhân thọ cũng như sản phẩm hưu trí ngày càng tăng, từ đó dẫn đến động lực đáng kể cho kinh doanh Bancassurance, đặc biệt trong các nước đang phát triển (Bhakat và cộng sự, 2021).
 
Ba là, hoạt động ngân hàng bán lẻ trong những năm gần đây rất được các ngân hàng chú trọng phát triển và đẩy mạnh triển khai. Bancassurance cũng được xem như một mảng trong hoạt động bán lẻ, góp phần đa dạng hóa và tăng nguồn thu cho ngân hàng. Mặt khác, hoạt động kinh doanh tiền tệ của các NHTM cũng là lĩnh vực tiềm ẩn nhiều rủi ro, trong khi bản chất bảo hiểm là chia sẻ rủi ro. Bán bảo hiểm không những là nguồn thu nhiều hứa hẹn cho phía ngân hàng, mà thêm vào đó, đây cũng là kênh để ngân hàng giảm thiểu rủi ro trong hoạt động kinh doanh.
 
Thách thức
 
Thứ nhất, cơ sở pháp lý hướng dẫn hoạt động Bancassurance: Luật Kinh doanh bảo hiểm (sửa đổi) chính thức được Quốc hội thông qua và có hiệu lực từ ngày 01/01/2023 đã bổ sung một số quy định đối với hoạt động của đại lý bảo hiểm tổ chức (bao gồm các tổ chức tín dụng), Luật cũng đã sửa đổi và bổ sung những quy định về hoạt động Bancassurance dành cho doanh nghiệp bảo hiểm và ngân hàng. Tuy nhiên, để tạo hành lang pháp lý vững chắc bảo vệ lợi ích cho khách hàng lẫn doanh nghiệp, đảm bảo ngành Bảo hiểm phát triển an toàn và bền vững cần có các quy định chi tiết hoạt động Bancassurance về trách nhiệm của các NHTM và công ty bảo hiểm khi tham gia vào hoạt động phân phối này.
 
Thứ hai, khách hàng còn ít biết về các sản phẩm, dịch vụ bảo hiểm được bán bởi ngân hàng. Đến nay, phần đông khách hàng chưa quen hoặc không biết việc sản phẩm bảo hiểm có thể được bán tại ngân hàng. 
 
Thứ ba, chưa có nhiều sản phẩm chuyên biệt, đặc thù dành riêng cho kênh phân phối Bancassurance. Các sản phẩm bảo hiểm được bán qua ngân hàng hiện nay chủ yếu là các sản phẩm bảo hiểm nhân thọ, mà phần lớn các sản phẩm bảo hiểm nhân thọ của thị trường Việt Nam là các sản phẩm kết hợp giữa tiết kiệm và rủi ro hoặc tiết kiệm và đầu tư, điều này vô hình trung tạo ra sự cạnh tranh trực tiếp với sản phẩm tiết kiệm của các ngân hàng.
 
Thứ tư, vẫn tồn tại tình trạng một số nhân viên ngân hàng chạy theo KPI nên nhân viên ép khách hàng vay vốn phải mua bảo hiểm mới được giải ngân, hay việc chèo kéo khách hàng gửi tiết kiệm mua bảo hiểm. Điều này làm ảnh hưởng xấu đến hình ảnh ngân hàng và công ty bảo hiểm.
 
Thứ năm, chiến lược phân phối bảo hiểm không còn là vấn đề độc quyền đối với ngân hàng. Hiện nay, với mức trưởng mạnh mẽ của thương mại điện tử, không chỉ có các hãng bảo hiểm nhân thọ mà cả phi nhân thọ cũng bắt đầu ký hợp đồng độc quyền phân phối, hợp tác chiến lược với nhiều đơn vị viễn thông nhằm đưa thông tin và những sản phẩm tốt nhất đến khách hàng. Cụ thể, năm 2021 đã ghi nhận thương vụ như Tổng Công ty cổ phần Bảo hiểm Bưu điện (PTI) và Công ty cổ phần Tập đoàn Mai Linh ký kết thỏa thuận hợp tác độc quyền và chiến lược toàn diện vào ngày 26/7/2021. Thời hạn hợp đồng hợp tác bảo hiểm độc quyền là 10 năm với kế hoạch doanh thu 3.000 tỷ đồng. Hay thương vụ của Tổng Công ty cổ phần Bảo hiểm Quân đội (MIC) và Tổng Công ty cổ phần Bưu chính Viettel (Viettel Post) đã ký kết hợp tác toàn diện vào ngày 23/12/2021, với kỳ vọng kênh bán bao gồm 813 cửa hàng cung cấp dịch vụ viễn thông, trên 30.000 điểm bán và 1.000 bưu cục của Viettel sẽ hỗ trợ đắc lực cho phân phối sản phẩm MIC. 
 
3. Một số khuyến nghị 
 
3.1. Về phía các cơ quan, ban ngành chức năng
 
Một là, tiếp tục hoàn thiện khung khổ pháp lý về Bancassurance. Theo đó, cần có quy định quản lý tổng thể toàn diện với một tập đoàn tài chính có sự hội tụ 02 mảng kinh doanh ngân hàng và kinh doanh bảo hiểm; Bộ Tài chính cần nghiên cứu ban hành Thông tư hướng dẫn triển khai hoạt động đại lý bảo hiểm của các tổ chức tín dụng cho doanh nghiệp bảo hiểm nói chung, bao gồm phi nhân thọ, nhân thọ và bảo hiểm sức khỏe... Bên cạnh đó, cần xem xét bổ sung quy định về các sản phẩm bảo hiểm được phân phối qua kênh Bancassurance; xem xét bổ sung quy định tổ chức tín dụng không được yêu cầu/ép buộc khách hàng vay vốn mua bảo hiểm; không được gộp phí bảo hiểm vào khoản vay nếu không được khách hàng chấp thuận… Đồng thời, bổ sung các quy định về việc bảo mật thông tin, đặc biệt là dữ liệu riêng tư của khách hàng; các quy định về quyền và nghĩa vụ của nhân viên ngân hàng trong hoạt động Bancassurance.
 
Hai là, Hiệp hội Bảo hiểm phối hợp với Hiệp hội Ngân hàng tăng cường tuyên truyền, phổ biến thông qua các hình thức khác nhau đến các doanh nghiệp bảo hiểm, tổ chức tín dụng về thông tư liên tịch, khuyến khích các doanh nghiệp bảo hiểm, ngân hàng đẩy mạnh hoạt động Bancassurance. Đồng thời tăng cường đẩy mạnh việc tuyên truyền, phổ biến về vai trò, ý nghĩa, sự cần thiết của bảo hiểm cũng như pháp luật về kinh doanh bảo hiểm để đến năm 2025, Việt Nam đạt mục tiêu 15% dân số tham gia bảo hiểm nhân thọ (năm 2021 chỉ đạt 11%) và tỷ lệ thâm nhập của tổng doanh thu phí bảo hiểm nhân thọ và phi nhân thọ được kỳ vọng sẽ đạt 3,5% GDP vào năm 2025 (năm 2020 chỉ đạt 2,7% và năm 2021 đạt khoảng 3,3%) theo kế hoạch tái cơ cấu kinh tế của chính phủ giai đoạn 2021 - 2025 đã đề ra.
 
3.2. Về phía các công ty bảo hiểm và NHTM
 
Một là, các NHTM và công ty bảo hiểm cần phải phối hợp chặt chẽ hơn bằng cách tận dụng tối đa cơ sở dữ liệu khách hàng sẵn có kết hợp thông tin thu thập bên ngoài, sử dụng kỹ thuật hiện đại để phân tích nhu cầu khách hàng và tìm kiếm khách hàng phù hợp cho Bancassurance; thiết kế sản phẩm bảo hiểm gắn với xu hướng cá nhân hóa sản phẩm tài chính và cần có bước đi thích hợp để chuyển đổi số, tiến đến số hóa đối với hoạt động Bancassurance, một xu hướng phát triển mới.
 
Hai là, các NHTM và doanh nghiệp bảo hiểm phải tuân thủ các nguyên tắc hoạt động đại lý bảo hiểm, các quy định về hoa hồng, chi quản lý đại lý, về cung cấp và bảo mật thông tin... Thực hiện báo cáo định kỳ hằng quý, hằng năm về tình hình triển khai hoạt động Bancassurance. Đồng thời, các NHTM có hoạt động đại lý bảo hiểm phải chấp hành nghiêm các quy định của pháp luật về kinh doanh bảo hiểm; tăng cường kiểm tra, kiểm soát nội bộ đối với hoạt động đại lý bảo hiểm trên toàn hệ thống. Xử lý nghiêm những trường hợp vi phạm, chèo kéo khách hàng như yêu cầu khách hàng phải mua các loại bảo hiểm khi cấp tín dụng cho khách hàng…
 
Ba là, các ngân hàng cần phải xây dựng chiến lược phân phối sản phẩm Bancassurance trên cơ sở nghiên cứu và đánh giá xu thế thị trường, phân loại đối tượng khách hàng để cung cấp dịch vụ bảo hiểm cho phù hợp với nhu cầu, sở trường và thói quen của khách hàng, tạo điều kiện thuận lợi cho khách hàng vừa tiếp cận được các sản phẩm, dịch vụ ngân hàng vừa tiếp cận được các sản phẩm bảo hiểm. 
 
Bốn là, hiện nay, người dân và doanh nghiệp ở Việt Nam chưa có thói quen mua bảo hiểm tại ngân hàng, ít người biết đến kênh phân phối Bancassurance. Đây là trở ngại lớn cho các công ty bảo hiểm khi triển khai Bancassurance ở nước ta, vì vậy đòi hỏi các doanh nghiệp bảo hiểm cần chú trọng đến công tác tuyên truyền, quảng bá về công ty và sản phẩm của mình tại các ngân hàng và trên các phương tiện truyền thông. 
 
Năm là, nâng cao chất lượng của đội ngũ nhân viên ngân hàng về lĩnh vực bảo hiểm. Doanh nghiệp bảo hiểm và ngân hàng cần tổ chức các khóa tập huấn, bồi dưỡng nhằm đảm bảo nhân viên ngân hàng có đủ kiến thức, kinh nghiệm và kỹ năng cần thiết để bán các sản phẩm bảo hiểm phù hợp nhất theo nhu cầu của khách hàng; đồng thời có các biện pháp chấn chỉnh, xử lý kịp thời các trường hợp vi phạm.

Tài liệu tham khảo: 
 
1. Bhakat, R. S., Goel, S., Kumar, R., Reddy, I. L., & Sreelatha, P. 2. (2021). Is Bancassurance Alive? The Global Trends and Opportunities.
2. Huyền Anh (2022). Ngân hàng “trúng đậm” từ dịch vụ bảo hiểm, truy cập từ https://vnbusiness.vn/ngan-hang/ngan-hang-trung-dam-tu-dich-vu-bao-hiem-1083467.html
3. Hồng Chi (2022). Năm 2022, Bancassurance tiếp tục bùng nổ doanh thu, truy cập từ https://thoibaotaichinhvietnam.vn/nam-2022-bancassurance-tiep-tuc-bung-no-doanh-thu-106297-106297.html
4. Leepsa, N. M., & Singh, R. (2017). Contribution of bancassurance on the performance of bank: a case study of acquisition of shares in max new york life insurance by axis bank. Journal of Business and Financial Affairs, 6(283), 2167-0234.
5. Trần Thị Yến Vinh (2021). Phân tích tính hai mặt của Bancassurance tại Việt Nam. Tạp chí Công Thương, Số 13, tháng 6/2021.
6. Tùng Thư (2022). Tăng trưởng doanh thu bảo hiểm nhân thọ có thể đạt 15% trong 5 năm tới, truy cập từ https://vneconomy.vn/tang-truong-doanh-thu-bao-hiem-nhan-tho-co-the-dat-15-trong-5-nam-toi.html 

ThS. Nguyễn Thị Ánh Ngọc, ThS Nguyễn Thị Diễm
Đại học Kinh tế Thành phố Hồ Chí Minh - Phân hiệu Vĩnh Long

Bình luận Ý kiến của bạn sẽ được kiểm duyệt trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Đóng lại ok
Bình luận của bạn chờ kiểm duyệt từ Ban biên tập
Tín dụng xanh tại Việt Nam: Thực trạng và một số khuyến nghị
Tín dụng xanh tại Việt Nam: Thực trạng và một số khuyến nghị
30/03/2023 113 lượt xem
Là một trong những trụ cột chính của hệ thống tài chính xanh, tín dụng xanh đang là chủ đề được rất nhiều quốc gia trên thế giới quan tâm. Mô hình tín dụng xanh đóng vai trò quan trọng trong việc cung cấp nguồn vốn cần thiết nhằm đạt được các mục tiêu phát triển bền vững của Liên hợp quốc, đặc biệt là các vấn đề liên quan đến môi trường và khí hậu. Tại Việt Nam, hoạt động tín dụng xanh cũng đã được triển khai thực hiện trong những năm gần đây và đạt được nhiều kết quả đáng khích lệ trong nhiều lĩnh vực, bao gồm tiết kiệm năng lượng, năng lượng tái tạo, nông nghiệp sạch và nông nghiệp công nghệ cao.
Tiếp tục triển khai đồng bộ các giải pháp thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt
Tiếp tục triển khai đồng bộ các giải pháp thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt
30/03/2023 100 lượt xem
Ngày 28/10/2021, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 1813/QĐ-TTg về việc phê duyệt Đề án phát triển thanh toán không dùng tiền mặt (TTKDTM) tại Việt Nam giai đoạn 2021 - 2025 (Quyết định số 1813). Sau hơn 01 năm triển khai thực hiện Quyết định số 1813, hoạt động TTKDTM đã đạt được những kết quả tích cực. Thời gian tới, cần sự phối hợp đồng bộ của các bộ, ngành trong xây dựng hành lang pháp lí và đẩy nhanh quá trình kết nối, khai thác Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư vào hoạt động nghiệp vụ ngân hàng, qua đó tạo điều kiện thúc đẩy thanh toán số, chuyển đổi số ngành Ngân hàng.
Quản lí nhà nước đối với mô hình kinh tế hợp tác xã tại Việt Nam hiện nay và một số khuyến nghị
Quản lí nhà nước đối với mô hình kinh tế hợp tác xã tại Việt Nam hiện nay và một số khuyến nghị
29/03/2023 140 lượt xem
Phát triển kinh tế tập thể được xem là xu thế tất yếu trong bối cảnh hội nhập quốc tế sâu, rộng như hiện nay và đây cũng chính là thành phần kinh tế quan trọng bên cạnh kinh tế nhà nước của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam. Tuy nhiên, khu vực kinh tế tập thể hay mô hình hợp tác xã của nước ta ở thời điểm hiện tại chưa thực sự phát huy hiệu quả theo đúng mục tiêu, chính sách của Nhà nước.
Basel III: Quá trình thực hiện tại Việt Nam và một số khuyến nghị
Basel III: Quá trình thực hiện tại Việt Nam và một số khuyến nghị
27/03/2023 365 lượt xem
Hiện nay, bên cạnh Basel II, nhiều ngân hàng Việt Nam cũng đã áp dụng Basel III, IFRS 9. Đây là chuẩn mực quốc tế giúp các ngân hàng nâng cao quản trị rủi ro và cạnh tranh hơn so với các đối thủ cùng Ngành. Bên cạnh đó, điều này cũng góp phần giúp hệ thống tổ chức tín dụng nói chung phát triển hiệu quả và bền vững. Tuy nhiên, tại Việt Nam, việc ứng dụng Basel III vẫn còn nhiều vướng mắc bởi Hiệp ước này có những yêu cầu cao hơn và khắt khe hơn.
Bảo vệ quyền và lợi ích của người mua nợ trong giao dịch mua, bán nợ với các tổ chức tín dụng tại Việt Nam
Bảo vệ quyền và lợi ích của người mua nợ trong giao dịch mua, bán nợ với các tổ chức tín dụng tại Việt Nam
22/03/2023 461 lượt xem
Xử lí nợ nhanh chóng và hiệu quả luôn được coi là một trong những mục tiêu cơ bản, quan trọng nhằm đảm bảo an toàn cho các tổ chức tín dụng (TCTD). Có nhiều phương thức khác nhau để TCTD xử lí nợ và trong những năm gần đây, TCTD có xu hướng lựa chọn nhiều hơn việc xử lí nợ thông qua mua, bán nợ với các chủ thể có nhu cầu trên thị trường.
Tác động của quy định mới về đăng kí biện pháp bảo đảm đến các tổ chức tín dụng
Tác động của quy định mới về đăng kí biện pháp bảo đảm đến các tổ chức tín dụng
22/03/2023 469 lượt xem
Nghị định số 99/2022/NĐ-CP ngày 30/11/2022 của Chính phủ về đăng kí biện pháp bảo đảm (Nghị định số 99), có hiệu lực thi hành từ ngày 15/01/2023 được cho rằng sẽ đồng bộ hành lang pháp lí với Nghị định số 21/2021/NĐ-CP ngày 19/3/2021 của Chính phủ quy định thi hành Bộ luật Dân sự về bảo đảm thực hiện nghĩa vụ (Nghị định số 21) và sẽ khắc phục được các tồn tại, hạn chế trong 05 năm triển khai Nghị định số 102/2017/NĐ-CP ngày 01/9/2017 của Chính phủ về đăng kí biện pháp bảo đảm...
Tài chính bất động sản nhà ở và một số hàm ý chính sách tại Việt Nam
Tài chính bất động sản nhà ở và một số hàm ý chính sách tại Việt Nam
21/03/2023 532 lượt xem
Hiện tại, thị trường bất động sản nhà ở tại Việt Nam được đánh giá là có vai trò quan trọng. Bất động sản nhà ở là ngành đang đóng góp 11% GDP, có quan hệ mật thiết với nhiều ngành nghề, tạo ra nhiều việc làm (A. Minh, 2023). Lịch sử ở Việt Nam cho thấy, khu vực bất động sản nhà ở sau một số năm bùng nổ, nhiều doanh nghiệp gia tăng huy động vốn cho đầu tư bất động sản, làm ăn rất có lãi (Anh, 2023).
Thu hút FDI của Việt Nam năm 2022 và triển vọng
Thu hút FDI của Việt Nam năm 2022 và triển vọng
15/03/2023 3.354 lượt xem
Trong gần bốn thập kỉ (1986 - 2022), Việt Nam được xem là hình mẫu thành công trong thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) nhờ môi trường đầu tư hấp dẫn, nền tảng chính trị ổn định và tiềm năng tăng trưởng kinh tế khá cao. Năm 2022, các nhà đầu tư nước ngoài tiếp tục rót vốn mạnh vào Việt Nam, vẫn xem Việt Nam là điểm đến hấp dẫn với những lợi thế về địa lý, thể chế và môi trường đầu tư ngày càng được hoàn thiện.
Một số đánh giá và góp ý hoàn thiện Dự thảo Luật Hợp tác xã sửa đổi
Một số đánh giá và góp ý hoàn thiện Dự thảo Luật Hợp tác xã sửa đổi
09/03/2023 1.281 lượt xem
Tóm tắt: Luật Hợp tác xã (HTX) 2012 được Quốc hội thông qua ngày 20/11/2012 thay thế Luật HTX 2003 đã thể chế hóa các chủ trương của Đảng và Nhà nước về tiếp tục đổi mới, nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể, tiếp cận gần hơn với bản chất, giá trị, nguyên tắc của HTX trên thế giới.
Tác động của Hiệp định Thương mại tự do thế hệ mới đến mô hình kinh tế tập thể, hợp tác xã ở Việt Nam và một số kiến nghị
Tác động của Hiệp định Thương mại tự do thế hệ mới đến mô hình kinh tế tập thể, hợp tác xã ở Việt Nam và một số kiến nghị
06/03/2023 1.145 lượt xem
Trong bối cảnh hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng, Việt Nam đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng về phát triển kinh tế, trong đó, nổi bật là việc đẩy mạnh hợp tác với các quốc gia trên thế giới cùng sự tích cực khi tham gia vào các Hiệp định Thương mại tự do (FTA) thế hệ mới.
Khẩn trương hoàn thiện dự án Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi)
Khẩn trương hoàn thiện dự án Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi)
03/03/2023 1.232 lượt xem
Ngày 02/3/2023, tại trụ sở Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN), Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng đã chủ trì cuộc họp Ban soạn thảo và Tổ biên tập Dự án Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi).
Những điểm mới trong Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) và một số điểm cần điều chỉnh
Những điểm mới trong Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) và một số điểm cần điều chỉnh
03/03/2023 3.574 lượt xem
Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) gồm 16 Chương, 236 Điều đang được Bộ Tài nguyên và Môi trường tổ chức lấy ý kiến Nhân dân đã đưa ra nhiều chính sách mới; sửa đổi, bổ sung nhiều nội dung quan trọng, đặc biệt là các nội dung liên quan đến việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất; thu hồi đất và chính sách bồi thường, hỗ trợ, tái định cư; cơ chế, chính sách tài chính, giá đất.
Bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất theo Luật Đất đai năm 2013 và một số góp ý hoàn thiện
Bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất theo Luật Đất đai năm 2013 và một số góp ý hoàn thiện
17/02/2023 2.316 lượt xem
Bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất là một trong những vấn đề quan trọng trong quản lý nhà nước về đất đai, có ảnh hưởng trực tiếp đến quyền và lợi ích hợp pháp của người sử dụng đất có đất bị thu hồi.
Nguồn vốn đầu tư xanh từ khu vực nước ngoài tại Việt Nam: Thực trạng và định hướng chính sách
Nguồn vốn đầu tư xanh từ khu vực nước ngoài tại Việt Nam: Thực trạng và định hướng chính sách
17/02/2023 1.901 lượt xem
Việt Nam được đánh giá là một trong những quốc gia dễ bị tác động bởi các hiện tượng thời tiết cực đoan và đặc biệt nhạy cảm với tình trạng thiên tai, bão lũ, áp thấp nhiệt đới… và gây ra những hậu quả lớn tới nền kinh tế, đời sống người dân. Vì vậy, Chính phủ Việt Nam đã ban hành nhiều chính sách quan trọng cũng như xây dựng các chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh và biến đổi khí hậu (BĐKH), thể hiện cam kết mạnh mẽ và tầm nhìn chiến lược của Chính phủ Việt Nam.
Khung pháp lý về bảo vệ người tiêu dùng tài chính tại Việt Nam - Thực trạng và một số khuyến nghị chính sách
Khung pháp lý về bảo vệ người tiêu dùng tài chính tại Việt Nam - Thực trạng và một số khuyến nghị chính sách
14/02/2023 1.714 lượt xem
Bảo vệ người tiêu dùng tài chính được coi là một trong những cấu phần quan trọng để thúc đẩy tài chính toàn diện, qua đó phát triển hệ thống tài chính. Ở Việt Nam, cùng với sự phát triển của lĩnh vực dịch vụ tài chính, bảo vệ người tiêu dùng tài chính ngày càng được quan tâm, nhưng vẫn chưa nhận được nhiều sự chú ý, đặc biệt là liên quan đến việc hoàn thiện khung pháp lý. Bài nghiên cứu nhằm đánh giá khung pháp lý trong lĩnh vực bảo vệ người tiêu dùng tài chính dựa trên tổng quan nghiên cứu cũng như các văn bản pháp luật hiện hành.
Giá vàngXem chi tiết

GIÁ VÀNG - XEM THEO NGÀY

Khu vực

Mua vào

Bán ra

HÀ NỘI

Vàng SJC 1L

66.450

67.170

TP.HỒ CHÍ MINH

Vàng SJC 1L

66.450

67.150

Vàng SJC 5c

66.450

67.170

Vàng nhẫn 9999

54.950

55.950

Vàng nữ trang 9999

54.850

55.550


Ngoại tệXem chi tiết
TỶ GIÁ - XEM THEO NGÀY 
Ngân Hàng USD EUR GBP JPY
Mua vào Bán ra Mua vào Bán ra Mua vào Bán ra Mua vào Bán ra
Vietcombank 23.280 23.650 24.662 26.042 27.702 28.883 175,33 185,62
BIDV 23.335 23.635 24.859 26.062 27.830 28.912 173.60 182.70
VietinBank 23.290 23.650 24.488 26.123 28.168 29.178 176,97 184,92
Agribank 23.310 23.670 24.910 26.057 27.948 28.857 177,53 185,26
Eximbank 23.250 23.630 24.970 25.647 28.029 28.789 177,36 182,17
ACB 23.350 23.800 25.009 25.606 28.028 28.765 177,51 181,93
Sacombank 23.280 23.785 25.080 25.687 28.247 28.862 177,80 183,35
Techcombank 23.315 23.660 24.760 26.090 27.766 29.067 173,38 185,81
LienVietPostBank 23.310 23.910 24.880 26.235 28.154 29.108 176,00 187,77
DongA Bank 23.350 23.680 24.980 25.620 28.050 28.760 176,5 182,10
(Cập nhật trong ngày)
Lãi SuấtXem chi tiết
(Cập nhật trong ngày)
Ngân hàng
KKH
1 tuần
2 tuần
3 tuần
1 tháng
2 tháng
3 tháng
6 tháng
9 tháng
12 tháng
24 tháng
Vietcombank
0,10
0,20
0,20
-
4,90
4,90
5,40
5,80
5,80
7,20
7,20
BIDV
0,10
-
-
-
4,90
4,90
5,40
5,80
5,90
7,20
7,20
VietinBank
0,10
0,20
0,20
0,20
4,90
4,90
5,40
5,80
5,80
7,20
7,20
Cake by VPBank
1,00
-
-
-
6,00
-
6,00
8,90
-
9,00
9,00
ACB
-
1,00
1,00
1,00
5,00
5,10
5,10
6,70
6,90
7,10
7,80
Sacombank
-
-
-
-
5,40
5,50
5,60
7,40
7,50
7,70
7,90
Techcombank
0,30
-
-
-
5,90
5,90
5,90
7,30
7,30
7,30
7,30
LienVietPostBank
-
0,10
0,10
0,10
6,00
6,00
6,00
7,60
7,60
8,00
8,30
DongA Bank
1,00
1,00
1,00
1,00
5,50
5,50
5,50
7,90
7,95
8,00
8,30
Agribank
0,50
-
-
-
4,90
4,90
5,40
5,80
5,80
7,20
7,20
Eximbank
0,20
1,00
1,00
1,00
5,60
5,70
5,80
6,30
6,60
7,10
7,50

Liên kết website
Bình chọn trực tuyến
Nội dung website có hữu ích với bạn không?