Ngày 06/5/1951, Chủ tịch Hồ Chí Minh ký Sắc lệnh số 15/SL thành lập Ngân hàng Quốc gia Việt Nam. Đây là một sự kiện pháp lý quan trọng để hình thành Ngân hàng Quốc gia Việt Nam trong một thể chế của Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.
Ngân hàng Quốc gia Việt Nam có nhiệm vụ phát hành giấy bạc, điều hòa sự lưu hành tiền tệ; huy động vốn của nhân dân, điều hành và mở rộng tín dụng để nâng cao sản xuất của nhân dân và phát triển kinh tế nhà nước; quản lý ngân quỹ quốc gia; quản lý ngoại tệ và thanh toán các khoản giao dịch với nước ngoài; quản lý kim dung bằng các thể lệ hành chính: thể lệ bằng vàng bạc, thể lệ về quỹ của các doanh nghiệp, quốc gia. Nói chung, Ngân hàng Quốc gia Việt Nam làm những công việc để thi hành chính sách tiền tệ, chính sách tín dụng và chính sách ngân hàng của Chính phủ. Ngân hàng Quốc gia Việt Nam tổ chức theo mô hình ở trung ương có Ngân hàng Quốc gia Trung ương. Ở mỗi liên khu, có một chi nhánh Ngân hàng Quốc gia Việt Nam. Mỗi tỉnh và thành phố có một chi nhánh Ngân hàng Quốc gia Việt Nam. Ngoài ra, Ngân hàng Quốc gia Việt Nam có thể mở chi nhánh ở trong nước hay ngoài nước. Tổng Giám đốc có quyền hạn và danh vị như một Bộ trưởng. Điều đó xác định rõ vị thế của Ngân hàng Quốc gia Việt Nam là cơ quan của Chính phủ, thực hiện chức năng quản lý nhà nước về tiền tệ, ngân quỹ quốc gia, vàng bạc. Nhiệm vụ, quyền hạn và mô hình tổ chức của Ngân hàng Quốc gia Việt Nam xác định rõ địa vị pháp lý của Ngân hàng Quốc gia Việt Nam là Ngân hàng Trung ương, đồng thời là một ngân hàng thương mại. Ngay từ khi ra đời, Ngân hàng Quốc gia Việt Nam đã thực hiện đồng thời cả ba chức năng của cơ quan quản lý nhà nước về tiền tệ, chức năng của Ngân hàng Trung ương và chức năng của ngân hàng thương mại. Ngân hàng Quốc gia Việt Nam thực hiện chức năng của Ngân hàng Trung ương là thực thi chính sách tiền tệ, phát hành tiền và điều hòa lưu thông tiền tệ theo Nghị quyết Hội nghị Trung ương Đảng lần thứ hai (tháng 10/1951) về ngân hàng là: “Nắm vững hai việc chính là phát hành giấy bạc và quản lý kho bạc, thực hiện chính sách tín dụng để phát triển sản xuất" [1]. Đồng thời, Ngân hàng Quốc gia Việt Nam còn thực hiện hoạt động của ngân hàng thương mại. Đó là, huy động vốn của nhân dân, điều hòa và mở rộng tín dụng để nâng cao sản xuất của nhân dân và phát triển kinh tế nhà nước.
Sắc lệnh 15-SL ngày 06/5/1951 là một sự kiện pháp lý trọng đại và một là bước ngoặt lịch sử hình thành Ngân hàng Quốc gia Việt Nam với một vị thế đặc biệt là cơ quan của Chính phủ, là Ngân hàng Trung ương, đồng thời là ngân hàng thương mại và là kho bạc của Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Quá trình hình thành và phát triển, dưới sự lãnh đạo của Đảng và Chính phủ, Ngân hàng Quốc gia Việt Nam đã hoàn thành sứ mệnh lịch sử của mình góp phần to lớn vào công cuộc kháng chiến cứu nước, thống nhất đất nước và phát triển kinh tế - xã hội.
Nhằm phát huy tốt hơn vai trò của ngân hàng trong bối cảnh thực tiễn của đất nước, ngày 26/10/1961, Hội đồng Chính phủ đã ban hành Nghị định 171/CP đổi tên Ngân hàng Quốc gia Việt Nam thành Ngân hàng Nhà nước Việt Nam. Đồng thời, quy định nhiệm vụ, quyền hạn của bộ máy tổ chức Ngân hàng Nhà nước Việt Nam.
Nghị định xác định rõ Ngân hàng Nhà nước Việt Nam là cơ quan của Hội đồng Chính phủ, có trách nhiệm quản lý tiền tệ và tín dụng theo đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước, đảm bảo hoàn thành tốt các nhiệm vụ như: kế hoạch hóa điều hòa lưu thông tiền tệ; thu chi tiền cho ngân sách nhà nước; huy động vốn và cho vay; thanh toán trong nước và nước ngoài; quản lý và kinh doanh ngoại hối, kiểm tra bằng đồng tiền hoạt động kinh tế và tài chính của các xí nghiệp và tổ chức kinh tế.
Đây là một cơ sở pháp lý quan trọng chuyển đổi tên gọi, chức năng, nhiệm vụ, cơ cấu tổ chức của Ngân hàng Quốc gia Việt Nam sang Ngân hàng Nhà nước Việt Nam. Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã kế thừa địa vị pháp lý của Ngân hàng Quốc gia Việt Nam. Nhưng vai trò quản lý nhà nước về tiền tệ và tín dụng được xác định rõ hơn. Ngân hàng Nhà nước Việt Nam là cơ quan của Hội đồng Chính phủ thực hiện chức năng quản lý nhà nước về tiền tệ, tín dụng, và ngoại hối; kiểm tra bằng đồng tiền hoạt động kinh tế và tài chính của các xí nghiệp và tổ chức kinh tế. Chức năng của Ngân hàng Trung ương quy định cụ thể: đó là kế hoạch hóa điều hành lưu thông tiền tệ, thu chi tiền cho ngân sách nhà nước và kinh doanh ngoại hối. Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cũng thực hiện chức năng của ngân hàng thương mại là huy động vốn và cho vay, thanh toán trong nước và ngoài nước. Như vậy, ngay từ khi hình thành, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam có địa vị pháp lý đặc biệt là cơ quan của Hội đồng Chính phủ và là Ngân hàng Trung ương, đồng thời, là ngân hàng thương mại, ngân hàng đầu tư phát triển và là Kho bạc của Nhà nước.
Sau khi giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước, Việt Nam thống nhất thể chế chính trị, kinh tế. Ngành Ngân hàng cũng tiến hành hợp nhất hai miền. Ngân hàng Quốc gia ở miền Nam được hợp nhất vào Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, thành một hệ thống ngân hàng duy nhất trên toàn đất nước Việt Nam. Ngày 16/6/1977, Hội đồng Chính phủ đã ban hành Nghị định 163/CP quy định cơ cấu tổ chức bộ máy của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam. Nghị định quy định Ngân hàng Nhà nước là cơ quan ngang Bộ của Hội đồng Chính phủ, có trách nhiệm thống nhất quản lý công tác phát hành tiền, quản lý tiền mặt và điều hòa lưu thông tiền tệ, quản lý tín dụng và thanh toán trong nước, ngoài nước, quản lý ngoại hối và quản lý quỹ ngân sách nhà nước; đồng thời, là một tổ chức kinh tế thống nhất quản lý kinh doanh tín dụng, tiết kiệm, vàng bạc, kim khí, đá quý, ngoại tệ. Ngân hàng Nhà nước có tư cách pháp nhân và hoạt động theo nguyên tắc hạch toán kinh tế toàn ngành. Ngân hàng Nhà nước quản lý tập trung thống nhất toàn ngành trong phạm vi cả nước về các mặt chính sách, pháp quy, kế hoạch và nghiệp vụ, tổ chức, biên chế, cán bộ, quỹ lương, các quỹ chuyên dùng và kinh phí hành chính, sự nghiệp. Cơ cấu tổ chức bộ máy của Ngân hàng Nhà nước gồm có: các tổ chức quản lý kinh doanh của Ngân hàng Nhà nước, các tổ chức của Ngân hàng Nhà nước Trung ương và hệ thống tổ chức Ngân hàng Nhà nước ở địa phương. Đây là cơ sở pháp lý để Ngân hàng Nhà nước thành lập năm ngân hàng chuyên doanh trực thuộc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam. Đó là Ngân hàng Nông nghiệp, Ngân hàng Công nghiệp, Ngân hàng Thương nghiệp, Ngân hàng Ngoại thương và Quỹ tiết kiệm xã hội chủ nghĩa. Như vậy, Ngân hàng Nhà nước đã có năm ngân hàng chuyên doanh để thực hiện nhiệm vụ của ngân hàng thương mại kinh doanh tiền tệ và dịch vụ ngân hàng.
Đại hội VI của Đảng năm 1986 đề ra đường lối đổi mới. Trước hết, đổi mới cơ cấu kinh tế, xây dựng và củng cố quan hệ xã hội chủ nghĩa, sử dụng và cải tạo đúng đắn các thành phần kinh tế. Về lĩnh vực ngân hàng, văn kiện Đại hội VI xác định rõ: “Bên cạnh nhiệm vụ quản lý lưu thông tiền tệ của Ngân hàng Nhà nước, cần xây dựng hệ thống ngân hàng chuyên nghiệp kinh doanh tín dụng và dịch vụ ngân hàng hoạt động theo chế độ hạch toán kinh tế”.
Thực hiện đường lối đổi mới của Đảng, ngày 28/5/1986, Hội đồng Bộ trưởng đã ban hành Nghị định số 65/HĐBT quy định chức năng nhiệm vụ và tổ chức bộ máy Ngân hàng Nhà nước Việt Nam. Nghị định quy định Ngân hàng Nhà nước là cơ quan của Hội đồng Bộ trưởng, thực hiện chức năng quản lý nhà nước và kinh doanh về tiền tệ, tín dụng, thanh toán, về ngoại hối, vàng bạc, kim khí quý và đá quý trong phạm vi cả nước. Hệ thống ngân hàng bao gồm Ngân hàng Nhà nước và các ngân hàng chuyên nghiệp trực thuộc Ngân hàng Nhà nước như Ngân hàng Ngoại thương, Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam, Ngân hàng phục vụ dân cư Việt Nam. Đây là cơ sở pháp lý để Ngân hàng Nhà nước chuyển giao nhiệm vụ kinh doanh tiền tệ, dịch vụ ngân hàng của Ngân hàng Nhà nước sang các ngân hàng chuyên nghiệp trực thuộc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam để tiến tới hình thành hệ thống ngân hàng hai cấp.
Tiếp tục thực hiện công cuộc đổi mới ngân hàng, ngày 26/3/1988, Hội đồng Bộ trưởng ban hành Nghị định số 53/HĐBT về tổ chức bộ máy Ngân hàng Nhà nước, trong đó, quy định: “Ngân hàng Nhà nước Việt Nam là cơ quan của Hội đồng Bộ trưởng, được tổ chức thành hệ thống thống nhất trong cả nước gồm hai cấp: Ngân hàng Nhà nước và các ngân hàng chuyên doanh trực thuộc”. Đây là một cơ sở pháp lý quan trọng để từng bước tách bạch chức năng kinh doanh tiền tệ và dịch vụ ngân hàng của Ngân hàng Nhà nước sang các ngân hàng chuyên doanh. Nhưng cơ cấu tổ chức của các ngân hàng chuyên doanh vẫn trực thuộc Ngân hàng Nhà nước.
Nghị quyết Hội nghị Ban chấp hành Trung ương 6 khóa VI năm 1989 đã xác định rõ: “Trong nền kinh tế hàng hóa nhiều thành phần, thị trường xã hội bao gồm cả thị trường tiêu dùng, thị trường vật tư, thị trường vốn và chứng khoán,… là một thể thống nhất với nhiều lực lượng tham gia lưu thông hàng hóa”. Thực hiện chủ trương của Đảng chuyển đổi nền kinh tế kế hoạch tập trung sang nền kinh tế hàng hóa nhiều thành phần, Hội đồng Bộ trưởng đã thực hiện đổi mới căn bản toàn diện hoạt động ngân hàng thông qua việc xây dựng một khuôn khổ pháp lý ngân hàng cao hơn.
Ngày 24/5/1990, Chủ tịch Hội đồng Nhà nước nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam đã ban hành Lệnh số 36-LCT-HĐNN8 công bố Pháp lệnh Ngân hàng Nhà nước Việt Nam và Lệnh số 38-LCT/HĐNN8 công bố Pháp lệnh Ngân hàng, Hợp tác xã tín dụng và Công ty tài chính. Đây là một sự kiện pháp lý trọng đại để chuyển đổi hệ thống ngân hàng Việt Nam từ một cấp sang hai cấp, tách bạch chức năng của Ngân hàng Trung ương và ngân hàng thương mại của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam.
Địa vị pháp lý của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam được xác định rõ là cơ quan của Hội đồng Bộ trưởng, có chức năng quản lý nhà nước về tiền tệ, tín dụng trong cả nước nhằm ổn định giá trị đồng tiền; là cơ quan duy nhất phát hành tiền của nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam. Như vậy, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam thực hiện đồng thời chức năng của cơ quan quản lý nhà nước và chức năng của Ngân hàng Trung ương. Ngân hàng Nhà nước có nhiệm vụ và quyền hạn: tham gia xây dựng chiến lược, kế hoạch phát triển kinh tế xã hội, các chính sách liên quan đến hoạt động tiền tệ; xây dựng dự án pháp luật về hoạt động tiền tệ, tín dụng, thanh toán, ngoại hối và ngân hàng; thực hiện vai trò ngân hàng đối với các tổ chức tín dụng. Áp dụng các biện pháp quản lý nhằm đảm bảo sự tôn trọng các nguyên tắc hoạt động của các tổ chức tín dụng; tổ chức in đúc, bảo quản tiền dự trữ phát hành, thực hiện nghiệp vụ phát hành tiền và quản lý lưu thông tiền tệ; nhận tiền gửi của Kho bạc Nhà nước, của các cơ quan nước ngoài và tổ chức quốc tế; cho ngân sách nhà nước vay khi cần thiết; quản lý nhà nước về ngoại tệ và vàng, lập cán cân thanh toán quốc tế, thực hiện các nghiệp vụ hối đoái, kinh doanh ngoại hối trên thị trường quốc tế; bảo quản dự trữ nhà nước về ngoại tệ và vàng; trực tiếp ký kết hoặc được ủy quyền ký kết các điều ước quốc tế về tiền tệ, tín dụng, ngoại hối và ngân hàng; đại diện cho Chính phủ tại các tổ chức tiền tệ, tín dụng, ngân hàng quốc tế; thanh tra các tổ chức tín dụng trong việc chấp hành pháp luật về tiền tệ, tín dụng, thanh toán, ngoại hối và ngân hàng; tổ chức đào tạo nghiệp vụ, kỹ thuật ngân hàng. Từ cơ sở pháp lý này, hoạt động của Ngân hàng Nhà nước đã từng bước tiếp cận và phù hợp với những thông lệ quốc tế về Ngân hàng Trung ương.
Pháp lệnh Ngân hàng, Hợp tác xã tín dụng, Công ty tài chính là cơ sở pháp lý quan trọng để hình thành hệ thống tổ chức tín dụng nhiều thành phần sở hữu, nhiều loại hình khác nhau trong một nền kinh tế hàng hóa nhiều thành phần bao gồm: ngân hàng thương mại quốc doanh, ngân hàng thương mại cổ phần, ngân hàng nước ngoài, ngân hàng liên doanh, ngân hàng đầu tư và phát triển, hợp tác xã tín dụng và công ty tài chính. Mọi tổ chức thực hiện các nghiệp vụ của tổ chức tín dụng tại Việt Nam phải được Ngân hàng Nhà nước cấp giấy phép hoạt động.
Pháp lệnh Ngân hàng, Hợp tác xã tín dụng và Công ty tài chính là cơ sở pháp lý quan trọng cho việc hình thành, quản trị và hoạt động của tổ chức tín dụng, đảm bảo khả năng cung ứng vốn và dịch vụ ngân hàng cho nền kinh tế góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế đất nước.
Hai pháp lệnh ngân hàng là cơ sở pháp lý quan trọng để chuyển đổi cơ bản hoạt động ngân hàng sang cơ chế mới. Hệ thống ngân hàng được đổi mới căn bản và toàn diện, chuyển đổi từ hệ thống ngân hàng một cấp thành hệ thống ngân hàng hai cấp, tách bạch chức năng của Ngân hàng Trung ương và chức năng kinh doanh tiền tệ. Ngân hàng Nhà nước là Ngân hàng Trung ương và là cơ quan của Hội đồng Bộ trưởng. Các tổ chức tín dụng là tổ chức kinh doanh tiền tệ và dịch vụ ngân hàng.
Tuy nhiên, hai pháp lệnh ngân hàng được ban hành trong thời kỳ đầu thực hiện chủ trương của Đảng chuyển đổi nền kinh tế kế hoạch tập trung sang nền kinh tế hàng hóa nhiều thành phần. Do đó, trong quá trình thực hiện, còn một số hạn chế và bất cập, chưa phù hợp với thực tiễn khách quan và không phù hợp với thể chế Hiến pháp Việt Nam năm 1992. Do vậy, để khắc phục những tồn tại, hạn chế, bất cập, ngày 12/12/1997, Quốc hội đã thông qua Luật Ngân hàng Nhà nước Việt Nam số 06/1997/QHX và Luật các Tổ chức tín dụng số 07/1997/QHX.
Luật Ngân hàng Nhà nước Việt Nam xác định rõ địa vị pháp lý của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam là cơ quan của Chính phủ và là Ngân hàng Trung ương của nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam. Ngân hàng Nhà nước thực hiện chức năng quản lý nhà nước về tiền tệ và hoạt động ngân hàng; là ngân hàng phát hành tiền, ngân hàng của các tổ chức tín dụng và ngân hàng làm dịch vụ tiền tệ cho Chính phủ. Mục tiêu hoạt động của Ngân hàng Nhà nước nhằm ổn định giá trị đồng tiền, góp phần đảm bảo an toàn hoạt động ngân hàng và hệ thống các tổ chức tín dụng, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội theo định hướng xã hội chủ nghĩa. Ngân hàng Nhà nước là một pháp nhân, có vốn pháp định thuộc sở hữu nhà nước. Trên cơ sở địa vị pháp lý của Ngân hàng Nhà nước, Luật Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã quy định rõ những nhiệm vụ, quyền hạn cụ thể của Ngân hàng Nhà nước.
Luật các Tổ chức tín dụng là khuôn khổ pháp lý cơ bản cho việc thành lập, tổ chức, hoạt động của các tổ chức tín dụng và hoạt động ngân hàng của các tổ chức khác tại nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam. Luật các Tổ chức tín dụng quy định Ngân hàng Nhà nước cấp giấy phép thành lập và hoạt động cho các tổ chức tín dụng và xác định các tổ chức tín dụng là doanh nghiệp được thành lập theo quy định của Luật các Tổ chức tín dụng và các quy định khác của pháp luật để hoạt động kinh doanh tiền tệ, làm dịch vụ ngân hàng với nội dung nhận tiền gửi và sử dụng tiền gửi để cấp tín dụng, cung ứng các dịch vụ thanh toán. Các loại hình tổ chức tín dụng là các tổ chức tín dụng Việt Nam gồm: tổ chức tín dụng nhà nước, tổ chức tín dụng cổ phần của Nhà nước và nhân dân, tổ chức tín dụng hợp tác; tổ chức tín dụng liên doanh, tổ chức tín dụng phi ngân hàng 100% vốn nước ngoài hoạt động tại Việt Nam, chi nhánh của ngân hàng nước ngoài. Các loại hình tổ chức tín dụng chính là những thành phần kinh tế tham gia trong nền kinh tế hàng hóa nhiều thành phần và thực hiện các chức năng cơ bản của ngân hàng thương mại.
Luật Ngân hàng Nhà nước Việt Nam và Luật các Tổ chức tín dụng năm 1997 đã tạo lập một khuôn khổ pháp lý cơ bản cho Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cũng như các tổ chức tín dụng và thể chế hóa chủ trương của Đảng về đổi mới toàn diện hoạt động ngân hàng.
Thực hiện mở cửa hội nhập quốc tế, nền kinh tế Việt Nam đã mở cửa và hội nhập quốc tế vào nền thế giới. Đặc biệt là khi Việt Nam chính thức trở thành thành viên Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), nền kinh tế Việt Nam đã hội nhập sâu sắc và toàn diện với nền kinh tế thế giới. Điều đó, đòi hỏi tiếp tục hoàn thiện pháp luật kinh tế nói chung và pháp luật ngân hàng nói riêng theo cơ chế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và thực hiện công khai, minh bạch các thiết chế quản lý theo quy định của WTO. Đồng thời, việc chuyển đổi nền kinh tế hàng hóa nhiều thành phần sang nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa cũng đòi hỏi phải tiếp tục hoàn thiện khuôn khổ pháp luật ngân hàng cho phù hợp với nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa .Vì vậy, ngày 16/6/2010, Quốc hội đã thông qua Luật Ngân hàng Nhà nước Việt Nam số 46/2010/QH12 và Luật các Tổ chức tín dụng số 47/2010/QH12. Luật Ngân hàng Nhà nước Việt Nam tiếp tục xác định rõ địa vị pháp lý của Ngân hàng Nhà nước là cơ quan ngang Bộ của Chính phủ, là Ngân hàng Trung ương của nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam. Ngân hàng Nhà nước thực hiện chức năng quản lý nhà nước về tiền tệ, hoạt động ngân hàng và ngoại hối; thực hiện chức năng của Ngân hàng Trung ương về phát hành tiền, ngân hàng của các tổ chức tín dụng và cung ứng dịch vụ tiền tệ cho Chính phủ.
Luật các Tổ chức tín dụng quy định về việc thành lập, tổ chức, hoạt động, kiểm soát đặc biệt, tổ chức lại, giải thể tổ chức tín dụng; việc thành lập tổ chức hoạt động của chi nhánh ngân hàng nước ngoài, văn phòng đại diện của tổ chức tín dụng nước ngoài, tổ chức nước ngoài khác có hoạt động ngân hàng. Tổ chức tín dụng là doanh nghiệp thực hiện một, một số hoặc tất cả các hoạt động ngân hàng. Tổ chức tín dụng bao gồm ngân hàng, tổ chức tín dụng phi ngân hàng, tổ chức tài chính vi mô và quỹ tín dụng nhân dân. Như vậy, Luật các Tổ chức tín dụng không chỉ quy định về việc thành lập, hoạt động của tổ chức tín dụng mà còn quy định việc tái cơ cấu tổ chức tín dụng. Điều đó cũng phù hợp với các cam kết của Việt Nam với WTO và phù hợp với cơ chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa.
Luật Ngân hàng Nhà nước Việt Nam và Luật các Tổ chức tín dụng là khuôn khổ pháp lý cơ bản về tổ chức và hoạt động ngân hàng Việt Nam. Sự phát triển của đất nước và hội nhập quốc tế đòi hỏi phải tiếp tục hoàn thiện khuôn khổ pháp lý ngân hàng cho phù hợp thực tiễn khách quan. Xây dựng và hoàn thiện khuôn khổ pháp luật Việt Nam gắn liền với việc hoàn thiện thể chế kinh tế xã hội của Nhà nước. Những chủ trương, chính sách của Đảng, quy luật kinh tế khách quan và công cuộc mở cửa hội nhập quốc tế là định hướng quan trọng cho quá trình hoàn thiện khuôn khổ pháp luật ngân hàng. Thực hiện công cuộc đổi mới, mở cửa và hội nhập quốc tế đòi hỏi chúng ta phải tiếp tục hoàn thiện khuôn khổ thể chế ngân hàng, tạo lập cơ sở pháp lý cho ngân hàng Việt Nam phát triển vững chắc, hoạt động ngân hàng phù hợp hơn với những thông lệ và chuẩn mực quốc tế và phù hợp điều kiện riêng của Việt Nam. Pháp luật ngân hàng luôn xác định rõ vị thế của Ngân hàng Nhà nước là cơ quan quản lý nhà nước về tiền tệ và ngân hàng, đồng thời là Ngân hàng Trung ương của Việt Nam kể từ khi thành lập và phát triển ngân hàng. Khuôn khổ pháp luật ngân hàng ngày càng được hoàn thiện cho phù hợp với điều kiện thực tiễn của Việt Nam và từng bước tiếp cận đến những thông lệ và chuẩn mực ngân hàng quốc tế.
__________
[1] Văn kiện Đảng toàn tập.
Vũ Thế Vậc
(Nguyên Vụ trưởng Vụ Pháp chế NHNN)
TCNH số 16/2020