Thanh tra Chính phủ ban hành Thông tư số 06/2021/TT-TTCP ngày 01/10/2021 quy định về tổ chức, hoạt động của Đoàn thanh tra và trình tự, thủ tục tiến hành một cuộc thanh tra (Thông tư số 06). Thông tư gồm có 07 chương và 52 điều và có hiệu lực kể từ ngày 15/11/2021. Các văn bản sau hết hiệu lực kể từ ngày Thông tư Thông tư số 06 có hiệu lực pháp luật: Thông tư số 05/2014/TT-TTCP ngày 16/10/2014 của Thanh tra Chính phủ quy định về tổ chức, hoạt động, quan hệ công tác của Đoàn thanh tra và trình tự, thủ tục tiến hành một cuộc thanh tra; Thông tư số 05/2015/TT-TTCP ngày 10/9/2015 của Thanh tra Chính phủ quy định về giám sát hoạt động của Đoàn thanh tra; Thông tư số 08/2015/TT-TTCP ngày 15/12/2015 của Thanh tra Chính phủ quy định về Sổ nhật ký Đoàn thanh tra; Quyết định số 2316/QĐ-TTCP ngày 10/10/2013 của Thanh tra Chính phủ ban hành Quy trình thẩm định dự thảo Kết luận thanh tra.
Thông tư số 06 thể hiện tính ưu việt thông qua việc đã tổng hợp nội dung của 4 văn bản trước đó mà Thanh tra Chính phủ đã ban hành, thể hiện tính tinh gọn, dễ hiểu, dễ thấy, dễ tìm để thực hiện nhiệm vụ thanh tra, quản lý công tác thanh tra nói chung, Đoàn thanh tra nói riêng: Từ công tác tổ chức, hoạt động, quan hệ công tác của Đoàn thanh tra và trình tự, thủ tục tiến hành một cuộc thanh tra, đến công tác giám sát hoạt động Đoàn thanh tra, việc ghi sổ nhật ký Đoàn thanh tra, việc thực hiện Quy trình thẩm định dự thảo Kết luận thanh tra.
Thông tư số 06 đã thể hiện tính ưu việt thông qua việc đã tổng hợp nội dung của 4 văn bản trước đó mà
Thanh tra Chính phủ đã ban hành
Thông tư số 06 nêu rõ, trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình, thủ trưởng cơ quan hành chính Nhà nước có trách nhiệm tổ chức, chỉ đạo, hướng dẫn, kiểm tra, đôn đốc cơ quan thanh tra và các cơ quan thuộc thẩm quyền quản lý của mình trong công tác thanh tra; giải quyết khó khăn, vướng mắc, xử lý kịp thời kiến nghị về thanh tra và chỉ đạo, tổ chức thực hiện kết luận thanh tra theo quy định của pháp luật.
Người ra quyết định thanh tra có trách nhiệm tổ chức, chỉ đạo đoàn thanh tra, bảo đảm nguyên tắc của hoạt động thanh tra, bảo đảm cuộc thanh tra được thực hiện đúng pháp luật, đúng mục đích, yêu cầu; giải quyết kịp thời các phản ánh, kiến nghị của Đoàn thanh tra; các khiếu nại, phản ánh, kiến nghị, tố cáo liên quan đến hoạt động của Đoàn thanh tra.
Đặc biệt, Thông tư số 06 bổ sung thêm nội dung quyền hạn của Đoàn thanh tra (Điều 48). Cụ thể: Từ việc kết thúc hoạt động của Đoàn thanh tra, quy định trong thời hạn 05 ngày làm việc kể từ ngày người ra quyết định thanh tra ký ban hành Kết luận thanh tra, Trưởng đoàn thanh tra có trách nhiệm tổ chức họp để kết thúc hoạt động của Đoàn thanh tra. Nội dung họp Đoàn thanh tra được lập thành biên bản và được lưu trong Hồ sơ thanh tra; Nội dung họp kết thúc hoạt động của Đoàn thanh tra bao gồm: Đánh giá kết quả thanh tra so với mục đích, yêu cầu của cuộc thanh tra; Đánh giá kết quả thực hiện chức trách, nhiệm vụ được giao và việc chấp hành pháp luật, chỉ đạo của Người ra quyết định thanh tra và tuân thủ chuẩn mực đạo đức, quy tắc ứng xử, chế độ thông tin, báo cáo trong hoạt động của Đoàn thanh tra; Những bài học kinh nghiệm rút ra qua cuộc thanh tra; Nội dung khác theo yêu cầu của Người ra quyết định thanh tra. Trưởng đoàn thanh tra có trách nhiệm báo cáo kết quả cuộc họp với Người ra quyết định thanh tra và Thủ trưởng cơ quan, đơn vị chủ trì cuộc thanh tra. Trưởng đoàn thanh tra kết thúc việc thực hiện nhiệm vụ sau khi Kết luận thanh tra được công khai. Việc quy định này đã tháo gỡ rất nhiều vấn đề vướng mắc từ trước đến nay.
Một số khó khăn, vướng mắc và đề xuất kiến nghị
Mặc dù quy trình đã rất rõ ràng và thể hiện tính ưu việt như đã nêu ở trên, tuy nhiên, trong quá trình thực hiện vẫn còn những hạn chế, vướng mắc, tác giả xin nêu ra và có những kiến nghị, đề xuất như sau:
Khi Đoàn thanh tra hết thời gian thanh tra trực tiếp tại đơn vị, thì vẫn còn nhiều vấn đề phải xử lý, tuy nhiên, lại bị bó buộc về quyền hạn, như quyền yêu cầu giải trình theo nội dung kết luận tại biên bản thanh tra đã chốt, yêu cầu cung cấp thêm thông tin, copy, sao y tài liệu chứng cứ liên quan đến kết luận thanh tra, nhất là quyền xử phạt vi phạm hành chính cho thanh tra chuyên ngành. Đối với những việc này, đơn vị bị thanh tra thường chống đối không cung cấp vì cho Đoàn thanh tra. Vì vậy, Trưởng Đoàn thanh tra phải giải thích, thuyết phục nên phần đông được nhiều đơn vị chấp hành theo yêu cầu. Song, cá biệt có đơn vị bị thanh tra kiên quyết chống đối không cung cấp tài liệu, nhất là việc sao y, copy tài liệu, chứng cứ liên quan mật thiết đến nội dung thanh tra và hồ sơ xử lý vi phạm hành chính (lưu trữ chứng cứ)… vì đơn vị đó cho rằng Đoàn thanh tra đã hết thời gian thanh tra tại đơn vị họ.
Tại sao như vậy? Lý do thứ nhất là quá trình thanh tra rất ngắn, nội dung công việc quá nhiều, Đoàn thanh tra không còn thời gian sao lưu, copy hay yêu cầu đơn vị làm; lý do thứ hai là khi Đoàn thanh tra rút về để thực hiện tổng hợp nội dung thanh tra toàn đoàn, các thành viên Đoàn thanh tra báo cáo có nhiều nội dung cần làm rõ thêm hoặc thiếu thông tin quan trọng liên quan đến nội dung kết luận đó, nên Trưởng đoàn phải xác minh, bổ sung tài liệu, chứng cứ để làm rõ nội dung thanh tra, nên cần phải có văn bản hoặc xuống trực tiếp đơn vị yêu cầu cung cấp bổ sung. Vì vậy, tác giả xin nêu ra một vài đề xuất như sau:
Thứ nhất, cần quy định rõ hơn quyền hạn của Đoàn thanh tra trong thời gian thanh tra tại đơn vị và sau thời gian thực hiện thanh tra trực tiếp tại đơn vị, rút về tổng hợp, báo cáo.
Điều 28 Thông tư số 06 quy định: Trước khi kết thúc việc tiến hành thanh tra tại nơi được thanh tra, Trưởng đoàn thanh tra báo cáo người ra quyết định thanh tra và thông báo bằng văn bản cho đối tượng thanh tra về việc kết thúc thanh tra trực tiếp. Trong trường hợp cần thiết, Trưởng đoàn thanh tra tổ chức buổi làm việc với đối tượng thanh tra để thông báo việc kết thúc thanh tra trực tiếp. Văn bản thông báo kết thúc việc thanh tra tại nơi được thanh tra thực hiện theo Mẫu số 32 ban hành kèm theo Thông tư số 06.
Tuy nhiên, tại Điều này, không quy định rõ quyền hạn của Đoàn thanh tra khi rút về, được thực hiện những quyền gì? Vì vậy, cần sửa đổi, bổ sung quy định rõ ràng, chi tiết hơn để Đoàn thanh tra thực hiện nhiệm vụ trong thi hành công vụ. Trong Luật Thanh tra, cũng như cụ thể tại Thông tư số 06, đều quy định quyền hạn “trong thời hạn thanh tra”, không có quy định “quyền hạn khi Đoàn thanh tra đã rút về trong quá trình tổng hợp báo cáo, dự thảo kết luận thanh tra, không còn làm trực tiếp tại đơn vị”; mặc dù Mẫu số 32 của Thông tư số 06 có đề cập nội dung nhưng vẫn chưa đầy đủ và có tính pháp lý cao, mà phải quy định rõ ràng và sửa đổi, bổ sung Điều 28 Thông tư số 06 nhằm tránh sự chống đối, cản trở, gây khó khăn cho Đoàn thanh tra khi thi hành công vụ.
Thứ hai, về nhiệm vụ, quyền hạn của Trưởng đoàn thanh tra (Điều 53 Luật Thanh tra 2010) có quy định: “Tổ chức, chỉ đạo các thành viên Đoàn thanh tra thực hiện đúng nội dung quyết định thanh tra”.
Cụ thể hơn nữa, Thông tư số 06 quy định cụ thể kết thúc hoạt động của Đoàn thanh tra (Điều 48). Trong thời hạn 05 ngày làm việc kể từ ngày người ra quyết định thanh tra ký ban hành kết luận thanh tra, Trưởng đoàn thanh tra có trách nhiệm tổ chức họp để kết thúc hoạt động của Đoàn thanh tra. Nội dung họp Đoàn thanh tra được lập thành biên bản và được lưu trong hồ sơ thanh tra. Nội dung họp kết thúc hoạt động của Đoàn thanh tra bao gồm: Đánh giá kết quả thanh tra so với mục đích, yêu cầu của cuộc thanh tra; Đánh giá kết quả thực hiện chức trách, nhiệm vụ được giao và việc chấp hành pháp luật, chỉ đạo của người ra quyết định thanh tra và tuân thủ chuẩn mực đạo đức, quy tắc ứng xử, chế độ thông tin, báo cáo trong hoạt động của Đoàn thanh tra; Những bài học kinh nghiệm rút ra qua cuộc thanh tra; Nội dung khác theo yêu cầu của người ra quyết định thanh tra. Trưởng đoàn thanh tra có trách nhiệm báo cáo kết quả cuộc họp với người ra quyết định thanh tra và thủ trưởng cơ quan, đơn vị chủ trì cuộc thanh tra. Trưởng đoàn thanh tra kết thúc việc thực hiện nhiệm vụ sau khi Kết luận thanh tra được công khai.
Từ căn cứ quy định “Trưởng đoàn tổ chức họp đánh giá kết quả thanh tra so với mục đích, yêu cầu của cuộc thanh tra; đánh giá kết quả thực hiện chức trách, nhiệm vụ được giao và việc chấp hành pháp luật, chỉ đạo của người ra quyết định thanh tra và tuân thủ chuẩn mực đạo đức, quy tắc ứng xử, chế độ thông tin, báo cáo trong hoạt động của Đoàn thanh tra”; căn cứ Điều 54 Luật Thanh tra về nhiệm vụ quyền hạn của thành viên đoàn thanh tra, thanh tra viên là “Báo cáo kết quả thực hiện nhiệm vụ được giao với Trưởng đoàn thanh tra, chịu trách nhiệm trước pháp luật và Trưởng đoàn thanh tra về tính chính xác, trung thực, khách quan của nội dung đã báo cáo”, thực tế phát sinh khi Trưởng đoàn đánh giá do trong Đoàn thanh tra có từ 02 thành viên đoàn báo cáo chưa trung thực, khách quan, chưa đầy đủ nội dung theo kế hoạch thanh tra đã đề ra, còn để nhiều tồn tại, sai phạm tại đơn vị được thanh tra, bỏ qua nhiều sai sót; Trưởng đoàn phê bình, nhắc nhở và đương nhiên theo quy định phải báo cáo rõ cho Thủ trưởng là người ra quyết định thanh tra được biết và đề nghị xử lý kỷ luật nếu thành viên đoàn thanh tra đó không tiếp thu. Tuy nhiên, khi Thủ trưởng là người ra quyết định thanh tra nhận được báo cáo của Trưởng đoàn về các hành vi trên, thay vì xử lý kỷ luật, thì người ra quyết định thanh tra lại cho rằng, việc thành viên Đoàn thanh tra báo cáo chưa trung thực, khách quan, chưa đầy đủ nội dung theo kế hoạch thanh tra đã đề ra, còn để rất nhiều tồn tại, sai phạm thì Trưởng đoàn cũng phải chịu trách nhiệm và bị xử lý kỷ luật theo đoàn viên Đoàn thanh tra. Như vậy, có đúng không? Vì Thông tư 06 quy định chưa rõ ràng vấn đề này.
Xuất phát từ thực tế như vậy, Thông tư số 06 cần quy định rõ hơn việc Trưởng Đoàn thanh tra có phải chịu trách nhiệm không? Khi thành viên Đoàn thanh tra yếu về chuyên môn, không phát hiện ra thì theo Điều 42 Luật Thanh tra quy định rõ “Thanh tra viên, người được giao thực hiện nhiệm vụ thanh tra chuyên ngành, mà không hoàn thành nhiệm vụ thanh tra hoặc cố ý không phát hiện hoặc phát hiện hành vi vi phạm pháp luật đến mức phải xử lý mà không xử lý, không kiến nghị việc xử lý hoặc có hành vi khác vi phạm pháp luật về thanh tra thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử lý kỷ luật hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự; nếu gây thiệt hại thì phải bồi thường theo quy định của pháp luật”.
Thực tế quyền hạn của Trưởng đoàn còn rất hạn chế theo quy định, nên việc chỉ đạo, điều hành của Trưởng đoàn thanh tra có thể gặp khó khăn, vướng mắc khi có thành viên không hoàn thành nhiệm vụ thanh tra hoặc cố ý không phát hiện hoặc phát hiện hành vi vi phạm pháp luật đến mức phải xử lý mà không xử lý, không kiến nghị việc xử lý hoặc có hành vi khác vi phạm pháp luật về thanh tra, mà không có chế tài xử lý, chỉ có quyền báo cáo đề xuất… Nếu người ra quyết định thanh tra ủng hộ thì thuận lợi; trái lại, nếu không ủng hộ và quy trách nhiệm thì rất khó khăn cho Trưởng đoàn thanh tra.
Do vậy, tác giả đề nghị Thông tư số 06 cần quy định rõ Trưởng đoàn chịu trách nhiệm về lĩnh vực nào, về chuyên môn của thành viên Đoàn thanh tra yếu không đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ hoặc do đạo đức của họ cố ý không phát hiện hoặc phát hiện hành vi vi phạm pháp luật đến mức phải xử lý mà không xử lý, không kiến nghị việc xử lý.
Thứ ba, trong thanh tra chuyên ngành thì lĩnh vực rất rộng, hầu như phải thanh tra tất cả hoạt động của một pháp nhân trong hoạt động tiền tệ, tín dụng, ngân hàng. Việc quy định phân công nhiệm vụ thành viên Đoàn thanh tra vào kế hoạch thanh tra là không hợp lý, kế hoạch này do Thủ trưởng - “người ra quyết định thanh tra phê duyệt”, nên bị đóng cứng, khi xuống thanh tra, Trưởng đoàn căn cứ nhiệm vụ phát sinh và năng lực sở trưởng từng thành viên Đoàn thanh tra phân công lại thì không thể, vì đã được Thủ trưởng phê duyệt; vì vậy, rất khó khăn để điều chỉnh cho phù hợp.
Tác giả đề xuất, việc này nên để Trưởng đoàn họp phân công sẽ sát và thực tế; sau đó, báo cáo lại cho người ra quyết định thanh tra thì phù hợp hơn. Bởi vì nếu phân công vào kế hoạch thanh tra ngay từ khi chưa xuống công bố quyết định thanh tra sẽ bị đóng cứng, nhiều nội dung do khảo sát chưa đầy đủ, mà khi xuống thanh tra mới phát sinh vụ việc. Lúc này Trưởng đoàn có thể tiên lượng được đầy đủ công việc và căn cứ sở trường, chuyên môn của từng thành viên để phân công nhiệm vụ phù hợp.
Thứ tư, Thông tư số 06 cần bổ sung thêm nội dung bảo quản tài liệu mật trong thanh tra, là những tài liệu gì, ai được quyền tiếp cận, ngoài Đoàn thanh tra, thủ trưởng cấp trên của người ra quyết định thanh tra? Bảo quản như thế nào? Ai được tiếp cận, xem, đọc, giữ, quản lý, để quản lý tốt hơn, không lộ thông tin cho người khác can thiệp, hoặc tham mưu cho lãnh đạo can thiệp trái pháp luật, làm cho Đoàn thanh tra rất khó xử lý vi phạm.
Cao Sỹ Thuân
Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh tỉnh Hải Dương