Đó là thông tin Phó Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng trả lời câu hỏi báo chí chiều ngày 3/5/2018 tại buổi họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 4/2018 để thông tin về tình hình kinh tế-xã hội tháng 4 và 4 tháng đầu năm 2018.
Quang cảnh buổi họp báo
Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ, Người phát ngôn của Chính phủ Mai Tiến Dũng đã chủ trì buổi họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 4/2018 để thông tin về tình hình kinh tế-xã hội tháng 4 và 4 tháng đầu năm 2018. Cùng dự buổi họp báo có đại diện lãnh đạo nhiều bộ, ngành, Phó Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng và đông đảo phóng viên các cơ quan thông tấn, báo chí.
Phó Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng tại buổi họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 4
Bộ trưởng Mai Tiến Dũng cho biết, trong ngày 3/5/2018, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã chủ trì phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 4/2018 trong bối cảnh chúng ta đã đi được 1/3 chặng đường của năm 2018 và trước khi Hội nghị lần thứ 7 Trung ương khóa XII, kỳ họp thứ 5 Quốc hội khóa XIV khai mạc. Tại phiên họp, Chính phủ đã bàn một số nội dung quan trọng: Đánh giá tình hình kinh tế - xã hội tháng 4 và 4 tháng đầu năm 2018; thảo luận một số vấn đề xây dựng, hoàn thiện thể chế như dự án Luật đầu tư theo hình thức đối tác công - tư (PPP); tình hình thực hiện Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2018, tình hình ban hành các văn bản quy định chi tiết thi hành luật, pháp lệnh 4 tháng đầu năm 2018; việc quản lý, sử dụng viên chức, hợp đồng lao động trong đơn vị sự nghiệp công lập ngành y tế, giáo dục và đào tạo, khoa học và công nghệ; công tác chuẩn bị phục vụ kỳ họp thứ 5 Quốc hội khóa XIV và một số nội dung khác.
Về tình hình kinh tế-xã hội tháng 4 và 4 tháng đầu năm 2018, ngay từ đầu năm, Chính phủ đã tổ chức thực hiện quyết liệt, đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp để triển khai các Nghị quyết của Đảng, Quốc hội. Các bộ, ngành, địa phương, cơ quan đã ban hành kế hoạch hành động cụ thể, thường xuyên tổ chức kiểm tra đôn đốc công việc được giao, tổ chức nhiều diễn đàn đầu tư, xúc tiến thương mại, đối thoại lắng nghe ý kiến của người dân và doanh nghiệp. Đồng thời với sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị, tình hình KT-XH nước ta tiếp tục chuyển biến tích cực trên nhiều lĩnh vực: Kinh tế vĩ mô ổn định, lạm phát được kiểm soát, chỉ số giá tiêu dùng tháng 4 tăng 0,08% so với tháng trước, bình quân 4 tháng tăng 2,8% so với cùng kỳ (cùng kỳ tăng 4,8%), lạm phát cơ bản bình quân tăng 1,34% so với bình quân cùng kỳ (cùng kỳ tăng 1,62%). Mặt bằng lãi suất, tỷ giá ổn định.
Chỉ số sản xuất công nghiệp IPP tính chung cả 4 tháng ước tăng 11,4%, cao hơn so với mức tăng của 4 tháng năm 2017 (6,6%), trong đó, riêng ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 14%. Sản xuất nông nghiệp tiếp tục tăng trưởng khá và phục hồi rõ nét, do điều kiện thời tiết thuận lợi (đàn bò tăng 2,9%, gia cầm tăng 6,8%, sản lượng thủy sản tăng 4,5%, trong đó nuôi trồng tăng 5,9%, khai thác tăng 3,2%). Tính tới thời điểm cuối tháng 4/2018, đã có 50 huyện và 3.069 xã đạt chuẩn nông thôn mới.
Xuất khẩu hàng hóa tiếp tục đà phát triển với nhiều tín hiệu tốt đẹp, ngay trong những tháng đầu năm, nhiều đơn hàng xuất khẩu lớn đã được ký kết, tổng kim ngạch xuất khẩu 4 tháng qua đạt 73,76 tỷ USD, tăng 19%. Xuất siêu tiếp tục duy trì ở mức 3,39 tỷ USD, góp phần quan trọng cải thiện cán cân thanh toán quốc tế. Ngoài việc tiếp tục tăng trưởng mạnh xuất khẩu, chúng ta đã có bước tiến quan trọng trong điều tiết nhập khẩu, đặc biệt nhập siêu từ Trung Quốc. Khách quốc tế đến Việt Nam tiếp tục tăng mạnh đạt trên 5,5 triệu lượt, tăng 29%. Chính phủ cũng bàn đến việc tiếp tục gia hạn thị thực cho công dân 5 nước Tây Âu và Thủ tướng kết luận đồng ý gia hạn thêm ba năm nữa, bắt đầu từ 1/7/2018.
Bộ trưởng Mai Tiến Dũng cho biết, dự trữ ngoại hối đã đạt gần 63 tỷ USD, như vậy trong hơn 2 năm qua chúng ta đã mua thêm 32 tỷ USD. Thu ngân sách đạt hơn 33% dự toán. Cùng với đó, các vụ việc tiêu cực, tham nhũng được xử lý nghiêm, củng cố niềm tin cho cán bộ, đảng viên và nhân dân.
Tại phiên họp báo Chính phủ chiều 3/5/2018, báo điện tử Dân trí đã đặt câu hỏi về việc khách hàng của Agribank mất tiền thời gian vừa qua, xin hỏi Ngân hàng Nhà nước có quan điểm như thế nào về vấn đề này? Hiện tại mức độ an toàn thẻ của Việt Nam so với các nước trong ASEAN như thế nào?
Phát biểu tại buổi họp báo, Phó Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng thông tin, ngay sau khi khách hàng phản ánh, Agribank cũng đã rà soát và thực hiện khóa 53 thẻ. Sau quá trình rà soát, theo báo cáo của Agribank, có 12 khách hàng bị mất tiền. Cập nhật đến ngày hôm nay, Agribank đã thực hiện trả tiền cho 8 khách hàng, số khách hàng còn lại Agribank tiếp tục tra soát để sớm trả tiền cho các chủ thẻ.
Khẳng định NHNN Việt Nam đã ban hành những văn bản quy định liên quan đến việc phát hành sử dụng thẻ, hay những quy trình xử lý khi xảy ra những việc như mất thẻ hay lộ thông tin…, Phó Thống đốc cho biết, trong chỉ đạo điều hành hằng năm, Thống đốc NHNN cũng luôn đặt trọng tâm việc tăng cường đảm bảo an ninh an toàn trong thanh toán điện tử nói chung và thanh toán thẻ nói riêng, thường xuyên có chỉ đạo để cảnh báo các TCTD quan tâm đến việc bảo đảm an toàn.
“Khi có những vụ việc xảy ra, NHNN đều chỉ đạo các tổ chức tín dụng phải chủ động phối hợp với khách hàng cũng như các đơn vị liên quan để sớm giải quyết, bảo đảm quyền lợi hợp pháp của khách hàng”, Phó Thống đốc Nguyễn Thị Hồng nhấn mạnh.
Tuy nhiên, đối với Việt Nam hay bất kỳ nước nào trên thế giới khi thực hiện thanh toán thẻ đều có rủi ro. Theo số liệu thống kê của tổ chức thẻ quốc tế Visa và Mastercard, tỷ lệ rủi ro trong thanh toán thẻ của Việt Nam bằng khoảng 1/3 mức rủi ro trung bình của các nước trong khu vực và thế giới, số liệu được báo cáo tại tháng 9/2016.
Mặc dù vậy, “NHNN vẫn thấy nội dung chỉ đạo các TCTD cũng như các đơn vị chức năng của NHNN cần chú trọng thực hiện các giải pháp nâng cao an toàn bảo mật trong thanh toán vẫn là trọng tâm của NHNN trong chỉ đạo điều hành”, Phó Thống đốc khẳng định.
Bộ trưởng Mai Tiến Dũng cho biết, trên cơ sở kết quả thảo luận, thống nhất tại phiên họp, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các thành viên Chính phủ, Bộ trưởng, Trưởng ngành tập trung chỉ đạo thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp về kiểm soát lạm phát, ổn định vĩ mô; giải ngân vốn đầu tư công; tài chính - ngân sách; nông nghiệp, nông thôn; công nghiệp và xây dựng; dịch vụ và du lịch; giao thông vận tải; môi trường đầu tư kinh doanh, cải cách hành chính; văn hóa, xã hội, môi trường; quốc phòng, an ninh và đối ngoại; thông tin và truyền thông.
Theo sbv.gov.vn