Tín dụng đầu tư của Nhà nước - Sự cần thiết cho đầu tư phát triển quốc gia
28/09/2023 08:09 12.007 lượt xem
Tóm tắt: Tín dụng đầu tư của Nhà nước là tín dụng do Nhà nước thực hiện để hỗ trợ các dự án đầu tư phát triển của các thành phần kinh tế thuộc một số ngành, lĩnh vực, chương trình kinh tế và các vùng khó khăn cần khuyến khích, nhằm thực hiện định hướng phát triển kinh tế - xã hội từng thời kì. Tại Việt Nam, Ngân hàng Phát triển Việt Nam (VDB) là ngân hàng chính sách của Nhà nước, công cụ của Chính phủ thực hiện chính sách tín dụng đầu tư của Nhà nước và đã có những thành công nhất định. Trong bài viết này, tác giả xin chia sẻ về tính thiết yếu của nguồn vốn tín dụng đầu tư của Nhà nước đối với đầu tư phát triển quốc gia và đề xuất một số giải pháp trong thời gian tới.

Từ khóa: Tín dụng đầu tư của Nhà nước, ngân hàng phát triển, ngân sách nhà nước.
 
STATE INVESTMENT CREDIT - THE NECESSITY FOR INVESTMENT IN NATIONAL DEVELOPMENT
 
Abstract: State investment credit is a credit made by the State to support development investment projects of all economic sectors in a number of economic sectors, fields, programs and difficult areas that need to be encouraged, in order to realize the orientation of socio-economic development in each period. In Vietnam, Vietnam Development Bank is a policy bank of the State, a tool of the Government to implement the State’s investment credit policy and has had certain successes. In this article, the author shares about the essentiality of the State’s investment credit in national development and suggests solutions in the 
coming time.
 
Keywords: Investment credit of the State, development bank, state budget.
 
1. Tổng quan về tín dụng đầu tư của Nhà nước
 
Tín dụng đầu tư của Nhà nước là sự hỗ trợ của Nhà nước thông qua các hình thức tín dụng để tài trợ đầu tư các dự án đầu tư phát triển thuộc lĩnh vực được Nhà nước khuyến khích. Thông qua các quan hệ vay - trả, hoạt động tín dụng đầu tư của Nhà nước nhằm đáp ứng các nhu cầu vốn cho đầu tư phát triển. Trên thế giới, Chính phủ các nước thường sử dụng tín dụng đầu tư của Nhà nước như một công cụ nhằm tài trợ cho các dự án phát triển để đáp ứng các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội từng thời kì. Tuy nhiên, tại các nước đang phát triển, khi thị trường vốn còn chưa hoàn thiện, việc huy động vốn dài hạn để tài trợ cho các dự án phát triển là điều không hề đơn giản. Do vậy, trong hoạt động tín dụng đầu tư của Nhà nước, vốn càng trở thành vấn đề đặc biệt quan trọng, việc có huy động được đủ vốn hay không trở thành một nội dung có quan hệ chặt chẽ mang tính sống còn. Nguồn vốn được huy động từ nhiều hình thức khác nhau như: Vay vốn, phát hành trái phiếu, huy động từ ngân sách nhà nước, Chính phủ bảo lãnh vay vốn... Để đáp ứng yêu cầu hỗ trợ các dự án phát triển, việc huy động chủ yếu tập trung vào các nguồn vốn lớn và dài hạn trên nguyên tắc tận dụng tối đa các nguồn vốn rẻ (lãi suất thấp) để giảm lãi suất cho vay nhằm hỗ trợ đắc lực hơn cho các dự án.
 

Trụ sở VDB (Nguồn ảnh: Internet) 
 
Tín dụng đầu tư của Nhà nước là hoạt động có nhiều điểm khác biệt so với tín dụng thương mại, được thực hiện bởi những chính sách riêng về huy động nguồn vốn và phương thức hỗ trợ (bao gồm đối tượng, mức độ và cách thức hỗ trợ, tổ chức triển khai...); nên khi xem xét và đánh giá hoạt động tín dụng đầu tư của Nhà nước, cần nhìn nhận và đánh giá một cách toàn diện các nội dung như huy động, quản lí và sử dụng vốn tín dụng đầu tư của Nhà nước. Việc thực hiện tài trợ có thể là trực tiếp hoặc gián tiếp: Đối với tài trợ trực tiếp, tổ chức thực thi sẽ trực tiếp thẩm định và cấp tín dụng cho các dự án; đối với tài trợ gián tiếp, tổ chức này sẽ cấp tín dụng hoặc ủy thác cho một tổ chức thứ ba trực tiếp thẩm định và cấp tín dụng cho các dự án với điều kiện theo yêu cầu của tổ chức thực thi tín dụng đầu tư của Nhà nước.
 
Tín dụng đầu tư của Nhà nước được thực hiện dưới các hình thức sau: (i) Cho vay đầu tư: Tổ chức thực hiện tín dụng đầu tư của Nhà nước cho các chủ đầu tư vay vốn tín dụng đầu tư của Nhà nước để thực hiện các dự án đầu tư phát triển; (ii) Bảo lãnh tín dụng đầu tư: Tổ chức thực hiện tín dụng đầu tư của Nhà nước cam kết với tổ chức tín dụng cho vay vốn về việc trả nợ đầy đủ, đúng hạn của bên đi vay; (iii) Hỗ trợ sau đầu tư: Tổ chức thực hiện tín dụng đầu tư của Nhà nước hỗ trợ một phần lãi suất cho chủ đầu tư vay vốn của các tổ chức tín dụng để đầu tư dự án, sau khi dự án đã hoàn thành đưa vào sử dụng và trả được nợ vay. Đây là hình thức trợ cấp bằng tiền cho các doanh nghiệp.
 
Tín dụng đầu tư của Nhà nước hàm chứa sự ưu đãi của Nhà nước đối với các thành phần kinh tế. Sự ưu đãi của Nhà nước được thể hiện trên phương diện khối lượng, thời hạn và lãi suất cho vay: Về khối lượng, các dự án đầu tư phát triển thuộc đối tượng vay vốn tín dụng đầu tư của Nhà nước có thể được Nhà nước cho vay một số lượng vốn rất lớn, các giới hạn về tỉ lệ an toàn như trong tín dụng ngân hàng được nới lỏng hơn. Về thời hạn, các dự án vay vốn tín dụng đầu tư của Nhà nước có thể được vay vốn với thời hạn rất dài, có thể lên đến 10 - 15 năm hoặc dài hơn; thời gian ân hạn đối với các dự án vay vốn tín dụng đầu tư của Nhà nước cũng thường dài hơn so với tín dụng ngân hàng. Đặc điểm này của tín dụng đầu tư của Nhà nước xuất phát từ đặc trưng của các dự án đầu tư phát triển là có thời gian thực hiện và thu hồi vốn kéo dài và cũng chính vì đặc điểm này nên hoạt động cho vay tín dụng đầu tư của Nhà nước có mức độ rủi ro cao. Về lãi suất vay vốn, lãi suất cho vay trong tín dụng đầu tư của Nhà nước thường thấp hơn so với tín dụng ngân hàng, xuất phát từ mục đích phi lợi nhuận của tín dụng đầu tư của Nhà nước, hơn nữa còn là do Nhà nước có thể huy động vốn của các chủ thể khác trong xã hội với lãi suất thấp nên có thể cho vay với lãi suất ưu đãi.
 
Đối tượng vay vốn tín dụng đầu tư của Nhà nước thường bị giới hạn trong phạm vi hẹp và có thể thay đổi qua các thời kì khác nhau tùy theo điều kiện thực tế của nền kinh tế, khả năng của Nhà nước và mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội trong từng thời kì. Thông thường, đối tượng vay vốn tín dụng đầu tư của Nhà nước chỉ là những ngành, vùng, thành phần kinh tế, hoặc thậm chí là loại hình doanh nghiệp mà Nhà nước khuyến khích phát triển. Đối tượng huy động vốn tín dụng cũng giới hạn trong phạm vi hẹp, chỉ có một số loại hình chủ thể nhất định được Nhà nước huy động vốn để thực hiện tín dụng đầu tư của Nhà nước.
 
2. Đánh giá hiệu quả hoạt động và sự cần thiết của tín dụng đầu tư của Nhà nước 
 
Hoạt động tín dụng đầu tư của Nhà nước nhằm đáp ứng vốn cho nhu cầu đầu tư phát triển của các doanh nghiệp nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội. Tuy nhiên, tăng trưởng và phát triển kinh tế - xã hội không chỉ phụ thuộc vào quy mô vốn dành cho đầu tư phát triển nhiều hay ít mà còn phụ thuộc vào hiệu quả sử dụng lượng vốn đầu tư này. Nếu dự án sử dụng vốn tín dụng đầu tư của Nhà nước có chất lượng kém, sản phẩm làm ra không tiêu thụ được, hoạt động thua lỗ... sẽ dẫn đến không có khả năng hoàn trả vốn vay, tức là hoạt động tín dụng đầu tư của Nhà nước không có hiệu quả và ngược lại. Do vậy, hiệu quả hoạt động tín dụng đầu tư của Nhà nước không thể tách rời hiệu quả đầu tư phát triển của doanh nghiệp cũng như hiệu quả sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp. Nói một cách khác, việc đánh giá hiệu quả hoạt động tín dụng đầu tư của Nhà nước không thể bỏ qua sự đánh giá về hiệu quả hoạt động sản xuất, kinh doanh của các dự án/doanh nghiệp có sử dụng vốn tín dụng đầu tư của Nhà nước.
 
Do đó, việc xem xét, hiệu quả hoạt động tín dụng đầu tư của Nhà nước phải được đánh giá một cách tổng thể về mọi phương diện. Ngoài hiệu quả của đồng vốn, xét trên phương diện chính sách vĩ mô của Nhà nước có thể đánh giá trên hai khía cạnh sau: (i) Hiệu quả kinh tế: Thể hiện ở mức độ thực hiện các mục tiêu kinh tế của vốn đầu tư nhằm chủ yếu thỏa mãn nhu cầu vật chất của xã hội; là tỉ số giữa kết quả thu được với chi phí đầu tư bỏ ra, được biểu hiện cụ thể ở sự thay đổi khối lượng, chất lượng và cơ cấu sản phẩm, ở sự thay đổi cán cân thương mại, mức lợi nhuận thu được, sự thay đổi chi phí sản xuất, chuyển dịch cơ cấu kinh tế; (ii) Hiệu quả xã hội: Thể hiện ở việc thực hiện các mục tiêu xã hội. Nhìn chung, các lợi ích xã hội do hoạt động tín dụng đầu tư của Nhà nước khó có thể lượng hóa mà chủ yếu được đánh giá một cách định tính, bao gồm các nội dung chủ yếu như tạo việc làm; đảm bảo về phát triển bền vững, bảo vệ môi trường; góp phần củng cố an ninh quốc phòng, bảo đảm trật tự an toàn xã hội; góp phần phát triển kinh tế - văn hóa đồng đều giữa các vùng, miền; góp phần đảm bảo quyền bình đẳng, quyền tự quyết về dân tộc, giới tính; góp phần xây dựng lối sống văn minh...
 
Thông qua hiệu quả đem lại từ hoạt động tín dụng đầu tư của Nhà nước cho thấy sự cần thiết của hoạt động này, được thể hiện như sau:
 
Thứ nhất, tín dụng đầu tư của Nhà nước xuất phát từ yêu cầu giải quyết mâu thuẫn giữa nhu cầu đầu tư phát triển ngày càng lớn của nền kinh tế quốc dân với sự giới hạn của nguồn lực tài chính công, nhất là của ngân sách nhà nước. Tại nhiều quốc gia trên thế giới, do nhu cầu chi của ngân sách nhà nước để duy trì hoạt động bình thường của bộ máy Nhà nước, chi đảm bảo quốc phòng, an ninh và phát triển kinh tế - xã hội không ngừng tăng, trong khi nguồn thu ngân sách nhà nước lại bị hạn chế và tăng chậm, nên xảy ra tình trạng thâm hụt ngân sách nhà nước, cho dù quốc gia đó là một nước giàu, có nền kinh tế phát triển hay là một nước nghèo chậm phát triển. Đối với các nước đang phát triển, thâm hụt ngân sách nhà nước càng trầm trọng và phổ biến hơn bởi ngân sách của các nước này luôn ở trong tình trạng thu không đủ chi do nền kinh tế kém phát triển, trong khi cơ sở vật chất kĩ thuật của nền kinh tế lại nhỏ bé, lạc hậu, cần phải có một lượng vốn tín dụng đầu tư của Nhà nước rất lớn. Để giải quyết nhu cầu về vốn còn thiếu hụt, hầu hết các quốc gia đều lựa con đường đi vay như là một cứu cánh cho ngân sách nhà nước. Điều này đã giải thích khía cạnh thứ nhất trong sự cần thiết của tín dụng đầu tư của Nhà nước.
 
Ở khía cạnh thứ hai, do nguồn lực của Nhà nước còn hạn chế trong khi nhu cầu chi đầu tư phát triển lại rất lớn, ngân sách nhà nước không thể trang trải hết toàn bộ các dự án đầu tư phát triển, nên Nhà nước buộc phải lựa chọn các dự án đầu tư phát triển không có khả năng thu hồi vốn trực tiếp để đầu tư (bằng cách cấp phát không hoàn lại); còn đối với những dự án đầu tư phát triển có khả năng thu hồi vốn trực tiếp, Nhà nước chỉ đầu tư thông qua kênh tín dụng đầu tư của Nhà nước, trong đó chủ đầu tư dự án được vay vốn của Nhà nước để đầu tư và phải sử dụng các nguồn thu từ dự án để hoàn trả toàn bộ số nợ đã vay Nhà nước.
 
Thứ hai, tín dụng đầu tư của Nhà nước nhằm thực hiện chức năng của Nhà nước trong việc khắc phục các khiếm khuyết của kinh tế thị trường. Mặc dù kinh tế thị trường là bước phát triển cao của nền kinh tế sản xuất hàng hóa với rất nhiều điểm ưu việt, nhưng nó cũng có khá nhiều khiếm khuyết mà bất cứ quốc gia nào trong quá trình xây dựng nền kinh tế thị trường đều phải đối mặt như nạn ô nhiễm môi trường, tình trạng phân hóa giàu nghèo, bất công xã hội, phát triển không cân đối giữa các vùng, miền... Để khắc phục những khiếm khuyết này, Nhà nước có thể sử dụng nhiều công cụ (thuế, chi ngân sách nhà nước, tín dụng đầu tư của Nhà nước…) trong việc điều tiết, phân bổ các nguồn lực, đảm bảo cho các vùng, các ngành hoặc thành phần kinh tế phát triển một cách đồng đều, trong đó tín dụng đầu tư của Nhà nước được sử dụng như là công cụ chủ yếu để tài trợ cho các dự án đầu tư phát triển có khả năng thu hồi vốn trực tiếp. Do đó, có thể coi tín dụng đầu tư của Nhà nước như một “bàn tay hữu hình” mà Nhà nước phải sử dụng trong quá trình thực hiện chức năng điều tiết vĩ mô của mình đối với nền kinh tế.
 
Thứ ba, tín dụng đầu tư của Nhà nước nhằm đáp ứng yêu cầu của việc nâng cao hiệu quả sử dụng vốn, khắc phục tình trạng thất thoát, lãng phí trong đầu tư xây dựng cơ bản. Mặc dù chi đầu tư xây dựng các công trình kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội là một nội dung chi rất lớn và quan trọng trong chi đầu tư phát triển của ngân sách nhà nước, Tuy nhiên, hiện nay ở hầu hết các quốc gia, những dự án sử dụng vốn ngân sách nhà nước thường đầu tư dàn trải, không tập trung, vốn đầu tư bị tham ô hoặc sử dụng lãng phí, hiệu quả thực tế của dự án chưa thực sự được quan tâm... mà nguyên nhân chủ yếu là do tâm lí ỷ lại vào sự bao cấp của ngân sách nhà nước.
 
Để khắc phục tình trạng này, các quốc gia đều có xu hướng giảm mạnh chi ngân sách nhà nước cho các dự án đầu tư phát triển có khả năng thu hồi vốn trực tiếp. Thay vì được cấp phát hoàn toàn từ ngân sách nhà nước như trước đây, các dự án này sẽ được Nhà nước đầu tư thông qua kênh tín dụng đầu tư của Nhà nước, qua đó góp phần hạn chế tình trạng thất thoát, lãng phí trong các dự án đầu tư sử dụng vốn Nhà nước. Việc chuyển kênh đầu tư đối với các dự án có khả năng thu hồi vốn trực tiếp từ sử dụng vốn ngân sách nhà nước sang sử dụng vốn tín dụng đầu tư của Nhà nước là việc tất yếu nhằm đáp ứng yêu cầu của quá trình đổi mới cơ chế quản lí và nâng cao hiệu quả sử dụng ngân sách nhà nước.
 
Thứ tư, tín dụng đầu tư của Nhà nước nhằm đáp ứng yêu cầu của hợp tác quốc tế. Trong điều kiện mở cửa và hội nhập kinh tế quốc tế và khu vực ngày càng sâu, rộng và mạnh mẽ, nguồn vốn đầu tư quốc tế có ý nghĩa quan trọng trong việc thúc đẩy quá trình phát triển, thu hẹp khoảng cách giàu nghèo giữa các quốc gia, thì nhu cầu vay vốn của các nước nghèo từ các nước giàu hơn đang được đặt ra một cách bức thiết và nghiêm túc. Trong bối cảnh đó, Chính phủ các nước không thể từ chối nghĩa vụ cho vay đối với quốc gia kém phát triển hơn. Các khoản cho vay này được thực hiện dưới nhiều hình thức khác nhau, trong đó phổ biến là các khoản cho vay ODA với thời hạn cho vay dài, lãi suất cho vay ưu đãi nhằm thực hiện các dự án đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng kinh tế - xã hội.
 
3. Vai trò của VDB trong việc thực hiện tín dụng đầu tư của Nhà nước 

Thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, tín dụng đầu tư của Nhà nước được giao cho một tổ chức cụ thể để triển khai nhằm đảm bảo sự quản lí, giám sát và thực thi một cách có hiệu quả để đạt được mục tiêu đề ra. Đa số các nước trên thế giới đều thành lập một tổ chức độc lập hoạt động như một trung gian tài chính để thực hiện nhiệm vụ này, đó là ngân hàng phát triển. Hoạt động của ngân hàng phát triển khác với các ngân hàng thương mại (NHTM) và ngân hàng đầu tư ở một số điểm cơ bản sau:
 
Các NHTM và ngân hàng đầu tư đều có thể dưới hình thức sở hữu tư nhân hoặc vốn cổ phần; còn đối với ngân hàng phát triển thì dù ở giai đoạn phát triển nào cũng có sự liên hệ chặt chẽ với chính phủ, do chính phủ thành lập và thuộc sở hữu nhà nước hoặc nhà nước nắm giữ lượng vốn chi phối rất mạnh nhằm đảm bảo hoạt động của Ngân hàng Phát triển theo đúng mục tiêu đề ra, đáp ứng yêu cầu đầu tư phát triển của đất nước. Ngân hàng Phát triển ở các nước thường được thành lập bởi một luật riêng biệt, hoàn toàn khác so với các NHTM hoạt động theo điều lệ như một doanh nghiệp dưới một khung luật chung về chuyên ngành tín dụng - ngân hàng.
 
Ngân hàng phát triển do chính phủ thành lập, có sự hậu thuẫn về vốn và nhằm góp phần thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, nên các hoạt động có gắn bó mật thiết dưới sự chỉ đạo, điều hành của chính phủ. Trong khi ngân hàng phát triển tập trung vào tín dụng trung và dài hạn thì  các NHTM chủ yếu cung cấp tín dụng ngắn hạn, hầu hết các khoản vay có thời hạn dưới một năm; còn các ngân hàng đầu tư thường tập trung vào huy động vốn trung - dài hạn thông qua việc bảo lãnh hoặc phát hành chứng khoán (cổ phiếu, trái phiếu) và các công cụ tài chính khác để đáp ứng các mục tiêu kinh doanh mang tính dài hạn. Các ngân hàng đầu tư cũng không tập trung ưu tiên/hướng tới tài trợ cho các dự án phát triển, không chú trọng đánh giá các lợi ích kinh tế - xã hội của các dự án phát triển như đối với ngân hàng phát triển.
 
Đặc biệt, chính sách hoạt động của ngân hàng phát triển nhằm tài trợ cho các dự án phát triển trên cơ sở: Thẩm định/phân tích dự án về cả lợi ích kinh tế và xã hội; thực hiện vai trò cho vay/tài trợ cuối cùng khi các dự án này không hoặc khó tìm kiếm được các nguồn tài trợ khác một cách phù hợp hoặc chưa tìm đủ nguồn vốn cần thiết. Điều đó có nghĩa là khi các tổ chức khác không muốn/không thể hoặc không đủ vốn thì ngân hàng phát triển sẽ sử dụng nguồn vốn dài hạn của mình cho vay phần còn thiếu để đầu tư dự án. Điều này mang ý nghĩa hỗ trợ cho các dự án có mức rủi ro cao hơn bình thường. Trong quá trình đó, hỗ trợ của chính phủ về vốn và huy động vốn có thể coi là biện pháp quan trọng để đạt mục tiêu về chính sách trong khuôn khổ gắn với thị trường.
 
Ở Việt Nam, trong những năm qua, các dự án sử dụng vốn tín dụng đầu tư của Nhà nước đã góp phần đáng kể đối với tăng trưởng kinh tế, tăng thu nhập quốc nội, tăng nguồn thu cho ngân sách nhà nước, tăng tích lũy cho các doanh nghiệp, tạo việc làm và ổn định việc làm cho người lao động; khẳng định vai trò quan trọng của nguồn vốn tín dụng đầu tư của Nhà nước đối với phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Trong đó, VDB chính là công cụ của Chính phủ thực hiện chính sách tín dụng đầu tư của Nhà nước. Hoạt động nghiệp vụ chủ yếu của VDB là cấp tín dụng (dưới hình thức cho vay, bảo lãnh vay vốn) đối với các dự án đầu tư phát triển theo quy định của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ trong từng thời kì. Tổng dư nợ cho vay của VDB tại thời điểm 30/6/2023 là hơn 182.000 tỉ đồng; trong đó, dư nợ tín dụng đầu tư của Nhà nước đạt gần 43.000 tỉ đồng, với hơn 559 dự án vay vốn1. Thông qua VDB, việc triển khai vốn tín dụng đầu tư của Nhà nước trong thời gian qua đã đem lại những kết quả tích cực, đóng góp cho nền kinh tế, có thể kể đến một số điểm sau:
 
Thứ nhất, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng công nghiệp hóa - hiện đại hóa. Thực hiện mục tiêu chiến lược chuyển dịch cơ cấu nền kinh tế theo hướng công nghiệp hóa - hiện đại hóa, vốn tín dụng đầu tư của Nhà nước ở nước ta đã có những bước chuyển biến hết sức căn bản và mạnh mẽ về cơ cấu vốn đầu tư theo lĩnh vực, ngành, nghề, theo hướng tăng nhanh tỉ trọng vốn dành cho đầu tư phát triển các dự án công nghiệp nặng, công nghiệp hóa nông nghiệp, nông thôn và hiện đại hóa công nghiệp nhẹ, trong đó chú trọng đến công nghiệp chế biến nông, lâm, thủy sản. Tỉ lệ vốn tín dụng của VDB đối với lĩnh vực công nghiệp, xây dựng luôn tăng nhanh, duy trì mức bình quân hơn 70% dư nợ vào lĩnh vực này, thu hút các nguồn vốn khác trên thị trường cùng cho vay đầu tư các dự án phát triển các ngành thuộc lĩnh vực công nghiệp, xây dựng. 
 
Đặc biệt, đối với các dự án nhóm A vay vốn của VDB trên phạm vi cả nước, hầu hết các dự án đều thuộc lĩnh vực công nghiệp cơ bản (xi măng, thép, điện, giấy, phân bón, chế biến cao su, cơ khí, vệ tinh viễn thông) với tổng số vốn vay chiếm khoảng 50% tổng mức đầu tư, có tác động tích cực đến tăng trưởng và chuyển dịch cơ cấu kinh tế của các vùng miền và cả nước. Nguồn vốn tín dụng đầu tư của Nhà nước qua VDB cũng góp phần quan trọng đáp ứng nhu cầu đầu tư mới, sửa chữa, thay thế, khôi phục tài sản cố định, cải tiến kĩ thuật, đổi mới quy trình công nghệ, xây dựng mới các công trình hạ tầng kinh tế kĩ thuật và xã hội có khả năng thu hồi vốn trực tiếp. Nhờ có nguồn vốn dài hạn với lãi suất ưu đãi, một số ngành như điện lực, hóa chất, kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội, chế biến nông, lâm, thủy sản... đã có những bước tiến vượt bậc, góp phần quan trọng vào tăng trưởng kinh tế đất nước.
 
Thứ hai, tăng cường cơ sở vật chất kĩ thuật, năng lực sản xuất của nền kinh tế, phát triển nông nghiệp nông thôn, bảo đảm an sinh xã hội. Thông qua việc đẩy mạnh cho vay đầu tư, đã góp phần tăng cường cơ sở vật chất kĩ thuật cho nền kinh tế. Cụ thể, đối với các chương trình/dự án trọng điểm nổi bật như: Thủy điện Sơn La, Thủy điện Lai Châu và các dự án về ngành điện (bao gồm cả sản xuất và phân phối điện), các nhà máy xi măng, luyện thép, cơ khí trọng điểm, vệ tinh Vinasat, phân bón DAP Hải Phòng, Đạm Ninh Bình, Đạm Hà Bắc, Apatit Lào Cai, Đạm Cà Mau, Điện gió Bạc Liêu... Quy mô tài trợ cho các dự án nhóm A tăng mạnh, góp phần không chỉ tạo động lực phát triển cho các ngành/lĩnh vực trọng điểm theo chủ trương của Chính phủ mà còn tạo hiệu ứng lan tỏa phát triển vùng, miền và các ngành thương mại, sản xuất vật liệu và hỗ trợ, qua đó cũng đã góp phần tăng cường cơ sở vật chất kinh tế cho nền kinh tế và bảo đảm an sinh xã hội...
 
Thứ ba, đóng góp cho hoạt động sản xuất hàng xuất khẩu, góp phần nâng cao sức cạnh tranh của nền kinh tế. Cho vay xuất khẩu qua VDB đã giúp các doanh nghiệp Việt Nam giảm chi phí đầu vào, tăng khả năng cạnh tranh, tranh thủ thời cơ mở rộng và đẩy mạnh hoạt động xuất khẩu hàng hóa Việt Nam trên thị trường quốc tế, tạo điều kiện giúp các doanh nghiệp giữ vững thị trường truyền thống, khai thác các thị trường mới và tiềm năng. Cho vay xuất khẩu ngày càng tăng, góp phần thúc đẩy xuất khẩu, hạn chế nhập siêu cho nền kinh tế.
 
Đối với một số thị trường như Iraq, Cuba, trong khi các NHTM e ngại cung cấp tín dụng vì đây là những thị trường có rủi ro về chính trị khá cao hoặc thời gian trả chậm kéo dài từ 2 - 5 năm, thì VDB vẫn thể hiện rõ vai trò công cụ chính sách khi vẫn tiếp tục hỗ trợ các doanh nghiệp thực hiện xuất khẩu sang các thị trường này và các thị trường mới ở châu Phi; tạo điều kiện hỗ trợ các doanh nghiệp thực hiện được các hợp đồng xuất khẩu, góp phần thực hiện các chủ trương của Đảng, Chính phủ trong hợp tác kinh tế và quan hệ giữa Việt Nam và các nước.
 
4. Một số tồn tại, hạn chế
 
Mục tiêu nguồn vốn tín dụng đầu tư của Nhà nước là nhằm phát triển kinh tế - xã hội của đất nước từng thời kì, đồng thời cũng phải đảm bảo an toàn, thu hồi vốn cho Nhà nước. Tuy nhiên, việc triển khai nguồn vốn này tại VDB trong thời gian qua đã bộc lộ một số tồn tại, hạn chế, cần có sự điều chỉnh thích hợp. Cụ thể: Lãi suất cho vay được xác định trên cơ sở mức lãi suất bình quân gia quyền của các mức lãi suất trúng thầu trái phiếu VDB được Chính phủ bảo lãnh kì hạn 05 năm và tỉ lệ chi phí quản lí ổn định trong thời kì 03 năm do Thủ tướng Chính phủ quy định đã không còn phù hợp với tình hình thực tế do sự biến động lớn của thị trường. Bên cạnh đó, việc điều chỉnh thu hẹp đối tượng cho vay như hiện nay đã hạn chế vai trò của VDB trong việc cung ứng vốn đầu tư cho nền kinh tế... Đây là một trong những nguyên nhân khiến tăng trưởng tín dụng của VDB trong thời gian dài bị giảm sút; đồng thời, khả năng mở rộng quy mô cho vay trở nên khó khăn hơn, đặc biệt trong điều kiện nền kinh tế Việt Nam vừa trải qua các cuộc khủng hoảng và ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 khiến nhiều cơ sở kinh tế, doanh nghiệp bị đóng cửa, khá nhiều doanh nghiệp bị phá sản, giải thể.
 
Về thời hạn cho vay, theo quy định chỉ cho phép được cho vay dài nhất 12 năm, dự án nhóm A đến 15 năm; đối với các dự án đặc biệt vượt thời hạn cho vay theo quy định, VDB sẽ thẩm định trình Thủ tướng Chính phủ quyết định. Trong khi đó, các NHTM đều đã có thể bố trí được nguồn vốn để cho vay các dự án đến 15 năm, thậm chí 20 năm hoặc dài hơn; đó là chưa kể khi thị trường trong nước phải mở cửa cho các ngân hàng nước ngoài khi thực hiện các cam kết hội nhập; do đó, quy định về thời hạn cho vay như hiện nay sẽ là một trở ngại trong triển khai chính sách tín dụng đầu tư của Nhà nước.
 
Việc quy định đồng tiền cho vay và thu nợ vốn tín dụng đầu tư là đồng Việt Nam cũng là một khó khăn, trở ngại cho chủ đầu tư và VDB khi hầu hết các doanh nghiệp vay vốn đều phải nhập khẩu máy móc, thiết bị của nước ngoài nên cần lượng ngoại tệ rất lớn. Nhiều dự án cho vay đầu tư sản xuất hàng xuất khẩu hoặc đầu tư ở nước ngoài có nguồn thu ngoại tệ lớn và ổn định nhưng việc không được vay và thu nợ bằng ngoại tệ đã làm tăng chi phí cho doanh nghiệp khi phải mua bán ngoại tệ ngoài thị trường.
 
5. Đề xuất một số kiến nghị về chính sách tín dụng đầu tư của Nhà nước trong thời gian tới
 
Thứ nhất, về lãi suất cho vay, cần nâng cao tính tự chủ, tự chịu trách nhiệm của VDB về việc quyết định mức lãi suất cho vay nhưng phải đảm bảo đủ bù đắp các chi phí quản lí hoạt động cũng như dự phòng rủi ro.
 
Thứ hai, về đối tượng cho vay, một danh mục đối tượng cho vay mới phù hợp với phát triển kinh tế và định hướng của Nhà nước sẽ là giải pháp tốt để nâng cao hơn nữa hiệu quả của nguồn vốn này. Việc bắt đầu trở lại chu trình tăng trưởng kinh tế mới sẽ đòi hỏi phải chú ý mở rộng tài trợ đầu tư cho các dự án hoặc doanh nghiệp quy mô nhỏ và vừa thuộc nhóm C, không chỉ tập trung vào nhóm A và B như trước.
 
Thứ ba, để góp phần giảm chi phí trong thanh toán cho doanh nghiệp xuất khẩu hoặc đầu tư ở nước ngoài khi phải mua bán ngoại tệ ngoài thị trường, các quy định liên quan đến ngoại tệ chỉ nên thực hiện theo các quy định về quản lí ngoại hối của Nhà nước để tạo sự tự chủ cho các doanh nghiệp vay vốn cũng như hoạt động của VDB trong thời gian tới.
 
Thứ tư, cần mở rộng và giao quyền tự chủ quyết định cho VDB cho vay theo đặc điểm sản xuất, kinh doanh và khả năng hoàn vốn của từng dự án và khả năng trả nợ của khách hàng để quyết định thời hạn cho vay đối với từng khoản vay. Việc hạn chế về thời gian cho vay sẽ bất cập so với quy định của Bộ Tài chính về thời gian khấu hao tài sản cố định hiện nay (hầu hết tài sản cố định là nhà xưởng, vật kiến trúc đều có thời gian khấu hao tối đa từ 20 đến 50 năm; máy móc, thiết bị có thời gian khấu hao tối đa từ 15 đến 20 năm) trong khi các dự án vay vốn tín dụng đầu tư thường có thời gian đầu tư dài (thường từ 2 đến 5 năm) làm thu hẹp thời gian trả nợ, không phù hợp vòng đời và khả năng thu hồi vốn của dự án, bị phát sinh nợ xấu. 
 
Thứ năm, cần sửa đổi việc áp dụng bảo đảm tiền vay theo thông lệ của các ngân hàng và Luật Các tổ chức tín dụng, góp phần giải quyết các tồn tại kéo dài vừa qua. Vì điểm hấp dẫn chủ đầu tư về tài sản bảo đảm tiền vay trong chính sách tín dụng ưu đãi của Nhà nước là cho phép bảo đảm tiền vay chủ yếu bằng tài sản hình thành từ vốn vay; thậm chí, có những trường hợp khách hàng được vay vốn mà không cần tài sản bảo đảm tiền vay (tín chấp). Tuy nhiên, tài sản hình thành từ vốn vay các dự án đầu tư là bất động sản, ở vùng sâu, vùng xa, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn và đặc biệt khó khăn có tính thanh khoản thấp, thậm chí không có tính thanh khoản, ảnh hưởng lớn đến khả năng thu hồi vốn tín dụng đầu tư đã cho vay các dự án đang thuộc nhóm nợ xấu. 
 
Thứ sáu, việc ban hành Quyết định về cơ chế xử lí rủi ro tín dụng đối với VDB là thực sự cần thiết nhằm tạo khuôn khổ pháp lí đầy đủ để VDB xử lí các khoản nợ xấu phát sinh trong quá trình hoạt động tín dụng. Hiện nay, dự thảo Quyết định về cơ chế xử lí rủi ro tín dụng đối với VDB đang được lấy ý kiến của các cơ quan, tổ chức, cá nhân. Việc ban hành cơ chế xử lí rủi ro tín dụng đối với VDB cần phù hợp với thông lệ đã quy định đối với các tổ chức tín dụng tại Việt Nam, đảm bảo đúng các quy định của pháp luật nhưng phải gắn được với trách nhiệm, cũng như nâng cao thẩm quyền quyết định của VDB, theo nguyên tắc đảm bảo thu hồi và xử lí được tốt nhất các khoản vay cho Nhà nước.
 
6. Kết luận
 
Vốn tín dụng đầu tư của Nhà nước đang ngày một phát huy vai trò quan trọng cho phát triển kinh tế quốc gia. Những năm qua, vốn tín dụng đầu tư của Nhà nước được giải ngân cho các dự án chiếm gần 3% tổng vốn đầu tư toàn xã hội, bằng khoảng 1,2% GDP và chiếm bình quân khoảng 37% tổng mức đầu tư các dự án; góp phần quan trọng thu hút các nguồn vốn dài hạn khác của tổ chức tín dụng trong và ngoài nước để tài trợ cho các dự án phát triển, trong đó có nhiều dự án trọng điểm, then chốt của đất nước; qua đó thực hiện tốt nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội từng thời kì theo đúng định hướng của Nhà nước, Chính phủ. Hơn nữa, tín dụng đầu tư của Nhà nước đã góp phần tập trung các nguồn vốn cần thiết cho đầu tư phát triển quốc gia, giúp nâng cao hiệu quả sử dụng, bảo toàn và phát triển được nguồn vốn của Nhà nước.
 
Tuy nhiên, do định hướng phát triển kinh tế - xã hội của đất nước trong giai đoạn tới có nhiều thay đổi, hệ lụy của khủng hoảng kinh tế và dịch bệnh Covid-19 kéo dài, các doanh nghiệp và ngân hàng đều gặp nhiều khó khăn nên việc điều chỉnh chính sách tín dụng đầu tư của Nhà nước tại Việt Nam là cần thiết và không thể phủ nhận vai trò to lớn của nguồn vốn này, sự tồn tại của tín dụng đầu tư của Nhà nước có tính tất yếu khách quan không thể thiếu trong giai đoạn hiện nay.
 
 
1 https://baochinhphu.vn/de-xuat-co-che-xu-ly-rui-ro-tin-dung-tai-ngan-hang-phat-trien-viet-nam-102230817142139815.htm
 

Tài liệu tham khảo:
 
1. Chính phủ (2017), Nghị định số 32/2017/NĐ-CP ngày 31/3/2017 về tín dụng đầu tư của Nhà nước.
2. Thủ tướng Chính phủ (2015), Quyết định số 1515/QĐ-TTg ngày 03/9/2015 về Điều lệ tổ chức và hoạt động của Ngân hàng Phát triển Việt Nam.
3. Đào Quang Trường (2021), “Ngân hàng Phát triển Việt Nam: 15 năm đồng hành cùng đất nước”, Tạp chí Hỗ trợ phát triển, số 172 (Tháng 5/2021).
4. http://www.sbv.gov.vn

TS. Đặng Vũ Hùng
Phó Trưởng ban - Ban Kế hoạch Nguồn vốn, Ngân hàng Phát triển Việt Nam

Bình luận Ý kiến của bạn sẽ được kiểm duyệt trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Đóng lại ok
Bình luận của bạn chờ kiểm duyệt từ Ban biên tập
Dòng chảy tín dụng hỗ trợ người dân, doanh nghiệp bứt tốc cuối năm
"Dòng chảy" tín dụng hỗ trợ người dân, doanh nghiệp bứt tốc cuối năm
18/11/2024 16:45 178 lượt xem
Những tháng cuối năm, doanh nghiệp tập trung tăng cường sản xuất, kinh doanh để đạt mục tiêu tăng trưởng nên nhu cầu tín dụng cũng sẽ tăng theo.
Điều hành chính sách tiền tệ tiếp tục hỗ trợ tăng trưởng kinh tế và kiểm soát lạm phát
Điều hành chính sách tiền tệ tiếp tục hỗ trợ tăng trưởng kinh tế và kiểm soát lạm phát
11/11/2024 07:30 1.233 lượt xem
Từ đầu năm 2024 đến nay, NHNN tiếp tục giữ nguyên các mức lãi suất điều hành trong bối cảnh lãi suất thế giới vẫn neo ở mức cao...
Tăng cường hiểu biết tài chính cho cộng đồng nhằm bảo vệ quyền lợi người gửi tiền
Tăng cường hiểu biết tài chính cho cộng đồng nhằm bảo vệ quyền lợi người gửi tiền
08/11/2024 08:00 629 lượt xem
Tầm quan trọng của hệ thống tiền gửi tại Việt Nam ngày càng được khẳng định thông qua sự an toàn và ổn định; từ đó, mang lại niềm tin đối với người gửi tiền.
Sửa đổi, bổ sung Luật Bảo hiểm tiền gửi nhằm hoàn thiện cơ sở pháp lý cho Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam phát huy vai trò đối với hệ thống ngân hàng
Sửa đổi, bổ sung Luật Bảo hiểm tiền gửi nhằm hoàn thiện cơ sở pháp lý cho Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam phát huy vai trò đối với hệ thống ngân hàng
05/11/2024 13:46 984 lượt xem
Bài viết làm rõ thêm cơ sở lý luận, cơ sở pháp lý và định hướng sửa đổi, bổ sung Luật Bảo hiểm tiền gửi
Xây dựng và thiết lập hạ tầng chung cho phát triển ngân hàng mở tại Việt Nam
Xây dựng và thiết lập hạ tầng chung cho phát triển ngân hàng mở tại Việt Nam
29/10/2024 10:00 1.250 lượt xem
Thời gian tới, để triển khai và thúc đẩy phát triển hệ sinh thái số, hướng đến ngân hàng mở (Open Banking) thành công, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) tiếp tục hoàn thiện khuôn khổ pháp lý, cơ chế chính sách tạo thuận lợi cho các hoạt động hợp tác, kết nối trong lĩnh vực ngân hàng
Để dòng vốn ngân hàng tiếp tục hỗ trợ sản xuất, kinh doanh, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế
Để dòng vốn ngân hàng tiếp tục hỗ trợ sản xuất, kinh doanh, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế
23/10/2024 08:25 1.515 lượt xem
Bám sát chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, thời gian qua, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) đã điều hành tăng trưởng tín dụng linh hoạt, hiệu quả, kịp thời, đáp ứng vốn cho nền kinh tế, góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.
Bảo hiểm nông nghiệp: Lá chắn tài chính trước rủi ro thiên tai
Bảo hiểm nông nghiệp: "Lá chắn" tài chính trước rủi ro thiên tai
24/09/2024 10:11 2.974 lượt xem
Nông nghiệp không chỉ là một ngành kinh tế đơn thuần mà còn là trụ cột quan trọng của nền kinh tế Việt Nam. Mặc dù Việt Nam là một quốc gia dễ bị tổn thương bởi biến đổi khí hậu, nhưng khái niệm bảo hiểm nông nghiệp vẫn còn khá xa lạ đối với người dân.
An ninh tài chính, tiền tệ của Việt Nam đến năm 2030 và khuyến nghị chính sách*
An ninh tài chính, tiền tệ của Việt Nam đến năm 2030 và khuyến nghị chính sách*
19/09/2024 08:36 3.995 lượt xem
An ninh tài chính, tiền tệ có vị trí, vai trò ngày càng quan trọng với sự phát triển bền vững của một quốc gia. Trong bối cảnh thế giới có nhiều biến động và căng thẳng như hiện nay, bảo đảm an ninh tài chính, tiền tệ không chỉ góp phần bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô mà còn góp phần bảo đảm an ninh về chính trị, quân sự.
Đề xuất sửa 7 luật, tháo gỡ vướng mắc, điểm nghẽn trong lĩnh vực tài chính
Đề xuất sửa 7 luật, tháo gỡ vướng mắc, điểm nghẽn trong lĩnh vực tài chính
23/08/2024 11:11 3.405 lượt xem
Ngày 22/8/2024, Bộ Tư pháp tổ chức phiên họp Hội đồng thẩm định đề nghị xây dựng dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Chứng khoán, Luật Kế toán, Luật Kiểm toán độc lập, Luật Ngân sách nhà nước, Luật Quản lý, sử dụng tài sản công, Luật Quản lý thuế, Luật Dự trữ quốc gia. Thứ trưởng Bộ Tư pháp Trần Tiến Dũng chủ trì phiên họp.
Khuôn khổ pháp lý triển khai ESG tại Agribank - Thực trạng và giải pháp
Khuôn khổ pháp lý triển khai ESG tại Agribank - Thực trạng và giải pháp
15/08/2024 07:00 4.252 lượt xem
Hoàn thiện khuôn khổ pháp lý nhằm áp dụng các tiêu chuẩn môi trường, xã hội và quản trị (ESG) trong tổ chức hoạt động kinh doanh đang là xu hướng của nhiều nước trên thế giới, góp phần thực hiện các mục tiêu Phát triển bền vững (SDGs)...
Sự tương thích trong quy định của Luật Các tổ chức tín dụng năm 2024 về Hội đồng quản trị với thông lệ quản trị ngân hàng trên thế giới
Sự tương thích trong quy định của Luật Các tổ chức tín dụng năm 2024 về Hội đồng quản trị với thông lệ quản trị ngân hàng trên thế giới
13/08/2024 08:02 3.730 lượt xem
Trong những năm gần đây, vấn đề quản trị công ty trong lĩnh vực ngân hàng đang trở thành một trong những trọng tâm nghiên cứu của những người làm chính sách, các học giả nghiên cứu cũng như các ngân hàng nhằm duy trì sự an toàn và lành mạnh của hệ thống ngân hàng và thúc đẩy niềm tin của công chúng.
Xử lý tài sản bảo đảm là quyền đòi nợ tại các tổ chức tín dụng - Từ quy định pháp luật đến thực tiễn
Xử lý tài sản bảo đảm là quyền đòi nợ tại các tổ chức tín dụng - Từ quy định pháp luật đến thực tiễn
07/08/2024 11:02 5.200 lượt xem
Bài viết tập trung phân tích vấn đề xử lý tài sản bảo đảm là quyền đòi nợ của TCTD trong phạm vi hợp đồng thế chấp cho nghĩa vụ vay tại ngân hàng nhằm đưa ra một số đề xuất hoàn thiện quy định pháp luật.
Sự cần thiết sửa đổi Luật Thuế giá trị gia tăng và một số góp ý hoàn thiện
Sự cần thiết sửa đổi Luật Thuế giá trị gia tăng và một số góp ý hoàn thiện
09/07/2024 14:31 3.436 lượt xem
Tại kỳ họp thứ 7 Quốc hội khóa XV, Chính phủ đã trình Quốc hội cho ý kiến về dự thảo Luật Thuế giá trị gia tăng (sửa đổi).
Hoạt động gỡ cảnh báo thẻ vàng IUU: Vấn đề đặt ra và giải pháp
Hoạt động gỡ cảnh báo thẻ vàng IUU: Vấn đề đặt ra và giải pháp
01/07/2024 14:47 7.437 lượt xem
Năm 2024, chống hoạt động IUU được xem là nhiệm vụ quan trọng, cấp bách, có ý nghĩa lâu dài đối với phát triển bền vững ngành thủy sản Việt Nam. Các quy định IUU được thiết lập thống nhất trên toàn EU để ngăn chặn và loại bỏ việc nhập khẩu các sản phẩm thủy sản bị đánh giá là có hoạt động IUU vào thị trường EU nhằm hướng tới ngành ngư nghiệp, ngành kinh tế thủy sản minh bạch, trách nhiệm, bền vững.
Chính sách tiền tệ xanh - Kinh nghiệm một số nước trên thế giới và bài học đối với Việt Nam
Chính sách tiền tệ xanh - Kinh nghiệm một số nước trên thế giới và bài học đối với Việt Nam
20/06/2024 14:47 3.007 lượt xem
Chính sách tiền tệ (CSTT) xanh của ngân hàng trung ương (NHTW) trong việc cho vay đối với các ngân hàng thương mại (NHTM) là một công cụ quan trọng để thúc đẩy sự phát triển bền vững và giảm thiểu tác động của biến đổi khí hậu.
Giá vàngXem chi tiết

Giá vàng - Xem theo ngày

Khu vực

Mua vào

Bán ra

HÀ NỘI

Vàng SJC 1L

83,700

86,200

TP.HỒ CHÍ MINH

Vàng SJC 1L

83,700

86,200

Vàng SJC 5c

83,700

86,220

Vàng nhẫn 9999

83,700

85,600

Vàng nữ trang 9999

83,600

85,200


Ngoại tệXem chi tiết
Tỷ giá - Xem theo ngày 
Ngân Hàng USD EUR GBP JPY
Mua vào Bán ra Mua vào Bán ra Mua vào Bán ra Mua vào Bán ra
Vietcombank 25,150 25,502 26,092 27,523 31,263 32,592 158.81 168.04
BIDV 25,190 25,502 26,295 27,448 31,648 32,522 160.63 167.55
VietinBank 25,198 25,502 26,307 27,507 31,676 32,686 160.27 168.02
Agribank 25,200 25,502 26,225 27,408 31,448 32,511 160.54 168.04
Eximbank 25,160 25,502 26,287 27,168 31,543 32,559 161.12 166.54
ACB 25,170 25,502 26,309 27,212 31,642 32,598 160.68 167.03
Sacombank 25,180 25,502 26,294 27,267 31,555 32,708 160.81 167.32
Techcombank 25,184 25,502 26,134 27,486 31,274 32,605 157.32 169.76
LPBank 25,190 25,502 26,591 27,484 31,928 32,590 162.28 169.38
DongA Bank 25,230 25,500 26,300 27,150 31,600 32,550 159.20 166.40
(Cập nhật trong ngày)
Lãi SuấtXem chi tiết
(Cập nhật trong ngày)
Ngân hàng
KKH
1 tuần
2 tuần
3 tuần
1 tháng
2 tháng
3 tháng
6 tháng
9 tháng
12 tháng
24 tháng
Vietcombank
0,10
0,20
0,20
-
1,60
1,60
1,90
2,90
2,90
4,60
4,70
BIDV
0,10
-
-
-
1,70
1,70
2,00
3,00
3,00
4,70
4,70
VietinBank
0,10
0,20
0,20
0,20
1,70
1,70
2,00
3,00
3,00
4,70
4,80
ACB
0,01
0,50
0,50
0,50
2,30
2,50
2,70
3,50
3,70
4,40
4,50
Sacombank
-
0,50
0,50
0,50
2,80
2,90
3,20
4,20
4,30
4,90
5,00
Techcombank
0,05
-
-
-
3,10
3,10
3,30
4,40
4,40
4,80
4,80
LPBank
0.20
0,20
0,20
0,20
3,00
3,00
3,20
4,20
4,20
5,30
5,60
DongA Bank
0,50
0,50
0,50
0,50
3,90
3,90
4,10
5,55
5,70
5,80
6,10
Agribank
0,20
-
-
-
1,70
1,70
2,00
3,00
3,00
4,70
4,80
Eximbank
0,10
0,50
0,50
0,50
3,10
3,30
3,40
4,70
4,30
5,00
5,80

Liên kết website
Bình chọn trực tuyến
Nội dung website có hữu ích với bạn không?