Ngày 9/11/2017 tại Hà Nội, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) tổ chức Tọa đàm “Hiệu quả của tín dụng chính sách với công tác xóa đói giảm nghèo bền vững”. Tọa đàm do Ông Bùi Sỹ Lợi - Đại biểu Quốc hội, Phó Chủ nhiệm Uỷ ban các vấn đề xã hội của Quốc hội; Ông Nguyễn Quốc Hùng - Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế; Ông Lê Xuân Nghĩa - Chuyên gia kinh tế và Ông Nguyễn Đức Hải - Phó Tổng Giám đốc Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) đồng chủ trì.
Tọa đàm “Hiệu quả của tín dụng chính sách với công tác xóa đói giảm nghèo bền vững”
Tham dự Tọa đàm có các đại biểu đến từ một số đơn vị thuộc NHNN, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Hội Nông dân Việt Nam, Hội Cựu chiến binh, Hội Phụ nữ Việt Nam, Đoàn TNCS Hồ Chí Minh; các nhà khoa học, chuyên gia kinh tế, một số hộ gia đình, học sinh, sinh viên;…
Phát biểu khai mạc buổi Tọa đàm, ông Bùi Sỹ Lợi - Đại biểu Quốc hội, Phó Chủ nhiệm Uỷ ban các vấn đề xã hội của Quốc hội nhấn mạnh, trong quá trình thực hiện công cuộc đổi mới và xây dựng đất nước, công tác giảm nghèo luôn được Đảng, Nhà nước ta xác định là một trong những mục tiêu quan trọng, là chủ trương lớn và nhất quán. Là một cấu phần quan trọng trong chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững của Việt Nam, hệ thống chính sách tín dụng ưu đãi không ngừng được hoàn thiện, tạo điều kiện cho người nghèo và các đối tượng chính sách tiếp cận nguồn vốn tín dụng ưu đãi của Nhà nước.
Đồng hành cùng người nghèo và đối tượng chính sách, hoạt động tín dụng chính sách của ngành Ngân hàng đã thu được những thành tựu nổi bật, tập trung huy động được các nguồn lực tài chính để tạo lập nguồn vốn và tổ chức thực hiện hiệu quả các chương trình tín dụng chính sách. Thành tựu này được các đại biểu Quốc hội nhận xét là một “điểm sáng” và là một trong những “trụ cột” trong hệ thống các chính sách giảm nghèo ở Việt Nam.
Ông Bùi Sỹ Lợi đề nghị, để làm rõ vai trò của tín dụng chính sách, các đại biểu dự Tọa đàm hôm nay cần tập trung trao đổi, thảo luận các nội dung liên quan đến những kết quả thực hiện hoạt động tín dụng chính sách của ngành Ngân hàng thời gian qua, đề xuất giải pháp và định hướng hoạt động thời gian tới.
Ngành Ngân hàng tích cực triển khai tín dụng chính sách
Trình bày các tham luận và phát biểu ý kiến tại Tọa đàm, các đại biểu cho rằng, thời gian qua, ngành Ngân hàng nói chung và NHCSXH nói riêng đã thực hiện tốt các chương trình tín dụng ưu đãi, giúp người nghèo và các đối tượng chính sách tiếp cận nguồn vốn tín dụng ưu đãi, góp phần thực hiện mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, đặc biệt là mục tiêu giảm nghèo bền vững, bảo đảm an sinh xã hội, xây dựng nông thôn mới, cải thiện và từng bước nâng cao điều kiện sống, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ, toàn diện ở các vùng nghèo, vùng đồng bào dân tộc thiểu số.
NHNN đã xây dựng và triển khai các giải pháp để hướng dòng vốn tín dụng thương mại cùng với dòng vốn tín dụng chính sách tại NHCSXH giúp người nghèo và các đối tượng chính sách tiếp cận nguồn vốn này, NHNN đã trình Chính phủ ban hành chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn; triển khai các chương trình chính sách tín dụng đối với người nuôi tôm và cá tra, hỗ trợ nhằm giảm tổn thất trong nông nghiệp, chính sách phát triển thủy sản, chương trình tái canh cà phê, chương trình cho vay nông nghiệpứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp sạch nhằm đáp ứng được yêu cầu về đầu tư tín dụng và phát triển bền vững ngành nông nghiệp.
Bên cạnh đó, NHNN cũng đã chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan tích cực thực hiện huy động nguồn lực từ các tổ chức tài chính quốc tế (WB, ADB) cho lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn, phát triển kinh tế - xã hội vùng sâu, vùng xa và vùng dân tộc thiểu số. Ngoài ra, NHNN cũng đã phối hợp chặt chẽ với các Bộ, ngành và đơn vị có liên quan thực hiện rà soát hệ thống chính sách giảm nghèo, hoàn thiện cơ chế chính sách và khung pháp lý cho hoạt động tín dụng chính sách nói chung và hoạt động của NHCSXH nói riêng; kịp thời xử lý các khó khăn, vướng mắc phát sinh...
Kết quả các chương trình tín dụng chính sách
Nhờ việc thực hiện đồng bộ các giải pháp, sự vào cuộc quyết liệt của cấp ủy, chính quyền các cấp, sự phối hợp chặt chẽ của các tổ chức chính trị - xã hội và sự nỗ lực của NHCSXH đã tạo nên sức mạnh tổng hợp, tạo sự đồng thuận và quyết tâm của cả hệ thống chính trị – xã hội trong việc thúc đẩy hoạt động tín dụng chính sách. Vốn tín dụng chính sách đã được đầu tư đến 100% xã, phường, thị trấn trên cả nước; trong đó, tập trung ưu tiên cho vay các xã vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng đặc biệt khó khăn, vùng sâu, vùng xa, biên giới.
Ông Nguyễn Đức Hải, Phó Tổng Giám đốc NHCSXH trình bày
Tổng dư nợ các chương trình tín dụng chính sách tại NHCSXH luôn có sự tăng trưởng qua các năm, với tốc độ tăng trưởng bình quân đạt khoảng 25,82%. Sau 15 năm hoạt động, nguồn vốn tín dụng chính sách đã giúp gần 4,5 triệu hộ vượt qua ngưỡng nghèo; giúp hơn 3,5 triệu lượt học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn được vay vốn học tập; xây dựng trên 9,9 triệu công trình nước sạch và vệ sinh môi trường ở nông thôn..., đóng góp quan trọng để thực hiện được các mục tiêu đặt ra tại Chương trình Mục tiêu quốc gia về giảm nghèo bền vững, Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo trong thời kỳ 2001-2005 từ 17% xuống 7%, thời kỳ 2005-2010 từ 22% xuống 9,45%, thời kỳ 2011-2015 từ 14,2% xuống còn 4,25%.
Cơ cấu nguồn vốn tín dụng chính sách xã hội đã chuyển biến theo hướng tăng nguồn vốn NHCSXH tự huy động được ngân sách nhà nước cấp bù lãi suất và nguồn lực tại địa phương, giảm dần nguồn vốn cấp trực tiếp từ ngân sách nhà nước cho các chương trình. Từ 3 chương trình tín dụng nhận bàn giao (Chương trình hộ nghèo, Học sinh sinh viên và Giải quyết việc làm), đến nay, tín dụng chính sách xã hội đã và đang triển khai thực hiện 20 chương trình tín dụng chính sách và một số chương trình, dự án do các địa phương, các tổ chức và cá nhân trong và ngoài nước uỷ thác cho NHCSXH thực hiện. Đến 30/9/2017, tổng dư nợ các chương trình tín dụng chính sách đạt 169.036 tỷ đồng, gấp hơn 24 lần so với thời điểm thành lập; tốc độ tăng trưởng bình quân hàng năm đạt 19,2%, với trên 6,7 triệu hộ nghèo và các đối tượng chính sách còn dư nợ. Dư nợ cho vay hộ nghèo và các đối tượng chính sách tại các huyện nghèo theo Nghị quyết số 30a/2008/NQ-CP của Chính phủ là 13.944 tỷ đồng, với gần 457 nghìn đối tượng đang dư nợ.
Tham dự Tọa đàm, các chuyên gia đều có chung nhận định rằng, cùng với việc tăng trưởng tín dụng, chất lượng tín dụng chính sách thời gian qua đã không ngừng được củng cố và nâng cao. Tỷ lệ nợ quá hạn và nợ khoanh của toàn hệ thống NHCSXH đã giảm từ 13,75% tại thời điểm nhận bàn giao (năm 2002) xuống còn 0,81% tại thời điểm 30/9/2017 (trong đó, nợ quá hạn 0,42%, nợ khoanh 0,39%).
Ông Ngô Trường Thi, Vụ trưởng, Chánh Văn phòng Quốc gia về giảm nghèo, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội
Đề xuất các giải pháp để nâng cao hiệu quả của các chương trình tín dụng chính sách
Ông Ngô Trường Thi, Vụ trưởng, Chánh văn phòng Quốc gia về giảm nghèo - Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội nhấn mạnh: “Trong giai đoạn tới, theo Nghị quyết của Quốc hội, chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về tiếp cận giảm nghèo đa chiều, hoàn thiện hệ thống chính sách giảm nghèo hiệu quả hơn theo hướng: giảm dần các chính sách hỗ trợ cho không, tăng cường chính sách hỗ trợ có điều kiện, có hoàn trả, mở rộng chính sách cho vay đối với hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo, vai trò tín dụng ưu đãi của NHCSXH ngày càng quan trọng, đòi hỏi hoạt động của cả hệ thống và chất lượng tín dụng phải được nâng lên, đáp ứng nhu cầu của thực tiễn, phù hợp với tiến trình giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016 – 2020”.
Để đẩy mạnh hơn nữa hoạt động tín dụng chính sách, bà Hà Thu Giang, Phó Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế, NHNN đề xuất, với chức năng là cơ quan quản lý Nhà nước về tiền tệ và hoạt động ngân hàng, NHNN tiếp tục đồng hành, hỗ trợ NHCSXH thông qua một số nhiệm vụ: (i) tiếp tục phối hợp chặt chẽ cùng với các đơn vị liên quan nghiêm túc thực hiện Quyết định 401/QĐ-TTg ngày 14/3/2016 về Kế hoạch triển khai Chỉ thị số 40-CT/TW ngày 22 tháng 11 năm 2014 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách xã hội; (ii) tiếp tục chỉ đạo, triển khai thực hiện có hiệu quả nhiệm vụ ngân hàng, bên cạnh đó tiếp tục đẩy mạnh thực hiện công tác an sinh xã hội; (iii) tiếp tục hỗ trợ và tạo điều kiện thuận lợi để NHCSXH thực hiện tốt các chương trình, chính sách tín dụng ưu đãi; thực hiện chức năng quản lý nhà nước theo thẩm quyền đối với hoạt động của NHCSXH...
Bà Hà Thu Giang, Phó Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế tham luận
PGS. TS. Đỗ Thị Kim Hảo, Phó Giám đốc Học viện Ngân hàng cho rằng, để giúp người nghèo có điều kiện phấn đấu vươn lên làm chủ cuộc sống, thoát nghèo bền vững, góp phần xây dựng nông thôn mới, NHCSXH cần phải tập trung nguồn lực thực hiện một số giải pháp: (i) Hoàn thiện bộ máy quản trị NHCSXH tại một số địa phương nói riêng và toàn hệ thống nói chung là việc làm cần thiết, hướng tới tăng cường hiệu quả công tác quản trị ngân hàng; (ii) Đa dạng và tăng trưởng các nguồn vốn tín dụng chính sách: Bên cạnh nguồn vốn tín dụng từ ngân sách nhà nước, NHCSXH phải đa dạng hóa các nguồn vốn thông qua nhiều phương thức huy động phù hợp với điều kiện thực tế như huy động nguồn vốn trên thị trường hay tìm kiếm các nguồn vốn từ nước ngoài. Các sản phẩm và dịch vụ huy động tiền gửi cần phải đa dạng với tất cả các khách hàng, hấp dẫn không chỉ về lãi suất, kỳ hạn mà còn có tính linh hoạt trong lãi suất, trong các dịch vụ khác mà khách hàng có thể sử dụng được. Bên cạnh đó, NHCSXH cần tích cực tuyên truyền, quảng bá, phân tích những ích lợi từ việc gửi tiền tiết kiệm để các cá nhân, tổ chức mạnh dạn mở tài khoản và gửi tiền vào ngân hàng; (iii) Hoàn thiện công tác thẩm định tín dụng: Để tạo thuận lợi cho công tác cấp tín dụng cho người nghèo, NHCSXH cần phải hoàn thiện công tác thẩm định tín dụng. Đối với các hộ nghèo, việc phân tách giữa hoạt động sản xuất kinh doanh với chi tiêu thường xuyên thường không rõ ràng. Nguồn tiền để chi trả cho hoạt động tiêu dùng hàng ngày có thể xuất phát từ hoạt động sản xuất kinh doanh mà người nghèo vay vốn ngân hàng. Do đó, việc thẩm định tín dụng của NHCSXH phải phân tích bao trùm cả hoạt động kinh doanh, các nguồn thu nhập và chi tiêu của hộ gia đình để có thể đánh giá năng lực trả nợ của người nghèo; (iv) Đa dạng phương thức cho vay: Trong một số trường hợp, người nghèo không có đất canh tác hoặc sản phẩm của họ không bán được trên thị trường, NHCSXH cần xây dựng cơ chế cho vay gián tiếp thông qua việc cho vay các chủ dự án đầu tư, chủ cơ sở sản xuất kinh doanh. Theo phương thức này, NHCSXH sẽ không cho vay trực tiếp đối với người nghèo và các đối tượng chính sách do họ không có khả năng sử dụng vốn vay một cách hiệu quả do thiếu các nguồn lực cần thiết. Bằng việc cấp vốn cho các dự án đầu tư, chủ cơ sở sản xuất kinh doanh có cam kết sử dụng lao động là người nghèo và các đối tượng chính sách hoặc sử dụng đầu vào là sản phẩm do người nghèo và các đối tượng chính sách làm ra. Như vậy, NHCSXH có thể gián tiếp cấp tín dụng cho hộ nghèo; (v) Nâng cao năng lực của Tổ Tiết kiệm và vay vốn; (vi) Tăng cường phối hợp với các Bộ, ngành trong công tác cấp tín dụng chính sách
PGS. TS. Đỗ Thị Kim Hảo, Phó Giám đốc Học viện Ngân hàng tại Tọa đàm
Đặc biệt, các đại biểu dự Tọa đàm là các hộ gia đình, học sinh, sinh viên đã tham luận chia sẻ những câu chuyện thực tế, những trải nghiệm khi được tiếp cận nguồn vốn chính sách để tạo việc làm, nâng cao thu nhập, tạo điều kiện cho con em đi học đại học, cao đẳng. Các tham luận này đã cho thấy ý nghĩa sâu sắc của đồng vốn tín dụng chính sách đối với công tác xóa đói giảm nghèo bền vững.
Kết thúc buổi Tọa đàm, ông Nguyễn Quốc Hùng, Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế khẳng định: “Với sự ủng hộ, tạo điều kiện của NHNN nói riêng, hệ thống chính trị nói chung và sự nỗ lực của NHCSXH thời gian tới, chắc chắn hoạt động tín dụng chính sách sẽ ngày càng đóng vai trò trụ cột góp phần thực hiện thành công mục tiêu giảm nghèo bền vững, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của đất nước”.
Theo sbv.gov.vn