Ngày 28/10/2021, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 1813/QĐ-TTg về việc phê duyệt Đề án phát triển thanh toán không dùng tiền mặt (TTKDTM) tại Việt Nam giai đoạn 2021 - 2025 (Quyết định số 1813). Sau hơn 01 năm triển khai thực hiện Quyết định số 1813, hoạt động TTKDTM đã đạt được những kết quả tích cực. Thời gian tới, cần sự phối hợp đồng bộ của các bộ, ngành trong xây dựng hành lang pháp lí và đẩy nhanh quá trình kết nối, khai thác Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư vào hoạt động nghiệp vụ ngân hàng, qua đó tạo điều kiện thúc đẩy thanh toán số, chuyển đổi số ngành Ngân hàng.
Hành lang pháp lí và hạ tầng công nghệ tạo nền tảng cho TTKDTM
Thời gian qua, khuôn khổ pháp lí, cơ chế, chính sách cho hoạt động thanh toán tiếp tục được rà soát, bổ sung, hoàn thiện, tạo sự đồng bộ và điều kiện thuận lợi hơn nhằm khuyến khích phát triển TTKDTM, ứng dụng công nghệ mới và đảm bảo an ninh, an toàn trong hoạt động thanh toán, thúc đẩy chuyển đổi số trong hoạt động ngân hàng, cụ thể:
Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) đã trình Chính phủ bộ hồ sơ Nghị định thay thế Nghị định số 101/2012/NĐ-CP về TTKDTM, đồng thời nghiên cứu xây dựng các văn bản hướng dẫn nhằm tạo cơ sở pháp lí đồng bộ, thống nhất các quy định, cơ chế, chính sách mới. Ngoài ra, NHNN cũng làm đầu mối nghiên cứu, xây dựng, trình Chính phủ Dự thảo Nghị định về Cơ chế thử nghiệm có kiểm soát hoạt động công nghệ tài chính (Fintech) trong lĩnh vực ngân hàng nhằm thúc đẩy và tạo điều kiện cho các sản phẩm, dịch vụ, mô hình kinh doanh mới, ứng dụng khoa học công nghệ trên cơ sở tận dụng thành tựu của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư (CMCN 4.0).
Để đẩy mạnh chuyển đổi số và đảm bảo an ninh, an toàn thông tin trong hoạt động ngân hàng, Thống đốc NHNN có Chỉ thị số 02/CT-NHNN ngày 13/01/2022, đề ra các nhiệm vụ, giải pháp và yêu cầu các đơn vị liên quan tập trung triển khai có hiệu quả.
Đồng thời, NHNN đã ban hành và tổ chức triển khai các đề án, chương trình, kế hoạch nhằm thúc đẩy TTKDTM và chuyển đổi số trong hoạt động ngân hàng như: Kế hoạch triển khai Đề án phát triển TTKDTM giai đoạn 2021 - 2025; Kế hoạch Chuyển đổi số ngành Ngân hàng đến năm 2025, định hướng đến năm 2030; Kế hoạch Chuyển đổi số của NHNN năm 2022; Kế hoạch của ngành Ngân hàng triển khai Quyết định số 06/QĐ-TTg ngày 06/01/2022 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030 (Quyết định số 06); Kế hoạch của ngành Ngân hàng triển khai Đề án “Nâng cao nhận thức, phổ cập kĩ năng và phát triển nguồn nhân lực chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030”; Kế hoạch của ngành Ngân hàng triển khai Chiến lược quốc gia phát triển kinh tế số và xã hội số đến năm 2025, định hướng đến năm 2030…
Ảnh minh họa Nguồn: Internet
Để thúc đẩy TTKDTM, phổ cập tài chính, NHNN phối hợp các bộ, ngành liên quan trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 316/QĐ-TTg ngày 09/3/2021 về việc phê duyệt triển khai thí điểm dùng tài khoản viễn thông để thanh toán cho các hàng hóa, dịch vụ có giá trị nhỏ (Mobile-Money). Về lợi ích, có thể thấy, dịch vụ Mobile-Money đã góp phần phát triển hoạt động TTKDTM, tăng cường việc tiếp cận và sử dụng các dịch vụ tài chính, đặc biệt tại khu vực nông thôn, miền núi, vùng sâu, vùng xa; mở rộng thêm kênh TTKDTM trên thiết bị di động; mang lại tiện ích cho người sử dụng; tiết giảm chi phí; giáo dục, phổ cập kiến thức tài chính toàn diện cho toàn dân. Thông qua đó, người sử dụng sẽ dần quen với việc sử dụng các dịch vụ tài chính chính thức khác tại các ngân hàng và tổ chức trung gian thanh toán.
Thời gian qua, để thúc đẩy TTKDTM, NHNN không ngừng hoàn thiện cơ chế, chính sách và triển khai ứng dụng công nghệ vào hoạt động thanh toán như: Chỉ đạo các ngân hàng khẩn trương triển khai thực hiện lộ trình chuyển đổi thẻ ngân hàng từ công nghệ thẻ từ sang công nghệ thẻ chíp; yêu cầu các tổ chức tín dụng nghiêm túc triển khai ứng dụng giải pháp công nghệ xác thực mới trong thanh toán trực tuyến, giải pháp giảm thiểu rủi ro trong thanh toán thẻ và áp dụng các tiêu chuẩn quốc tế về an ninh, bảo mật như ISO 27001 cho hệ thống công nghệ thông tin, chuẩn PCI/DSS cho thanh toán thẻ và ứng dụng các công nghệ bảo mật đa nhân tố.
Để khuyến khích và chuẩn hóa việc sử dụng QR Code trong thanh toán, đảm bảo an toàn, bảo mật và tăng cường tiện ích cho khách hàng, NHNN đã nghiên cứu, xây dựng và ban hành Tiêu chuẩn cơ sở về đặc tả kĩ thuật QR Code trong thanh toán tại Việt Nam.
Về hạ tầng, để thúc đẩy mạnh mẽ thanh toán điện tử, NHNN tập trung triển khai nâng cấp, hoàn thiện hạ tầng thanh toán quốc gia quan trọng là Hệ thống thanh toán điện tử liên ngân hàng (TTĐTLNH) và hỗ trợ đẩy nhanh tiến độ xây dựng, đưa vào vận hành hạ tầng thanh toán bán lẻ quan trọng là Hệ thống thanh toán bù trừ điện tử.
Về thúc đẩy các giải pháp, dịch vụ thanh toán đổi mới, sáng tạo, NHNN tăng cường thúc đẩy hợp tác ngân hàng - Fintech, đặc biệt là với các tổ chức trung gian thanh toán, khuyến khích các ngân hàng tăng cường đầu tư, phát triển ngân hàng số, thanh toán số, tập trung vào một số hoạt động, ứng dụng công nghệ có tiềm năng như nhận biết, định danh khách hàng bằng phương thức điện tử (e-KYC/e-ID), xác thực sinh trắc học (biometrics), kết nối, chia sẻ dữ liệu qua giao diện lập trình ứng dụng mở (Open API).
Bên cạnh đó, NHNN cùng các ngân hàng thương mại tăng cường cảnh báo về những phương thức, thủ đoạn mới của tội phạm trong lĩnh vực thanh toán; phối hợp truyền thông về các biện pháp bảo vệ bí mật thông tin cá nhân, thực hiện giao dịch an toàn nhằm nâng cao nhận thức của người sử dụng dịch vụ về an toàn thông tin, góp phần giảm thiểu rủi ro trong giao dịch thanh toán và tạo sự tin tưởng của công chúng về các phương tiện thanh toán an toàn, tiện lợi.
Ngoài ra, NHNN tăng cường công tác quản lí, giám sát hoạt động thanh toán, nhấn mạnh khía cạnh tuân thủ của các tổ chức tín dụng, tổ chức trung gian thanh toán đối với các quy định về an toàn, bảo mật; tuân thủ quy định pháp luật về hoạt động thanh toán và pháp luật có liên quan khác.
Thực hiện Đề án số 06, ngành Ngân hàng đã tích cực phối hợp với Bộ Công an xây dựng các phương án triển khai, kết nối, khai thác thông tin dân cư, dữ liệu dân cư tại Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư; khai thác thẻ căn cước công dân gắn chíp, cũng như tài khoản định danh điện tử để phục vụ cho khách hàng.
Có thể nói, đến nay, nhiều ngân hàng đã phối hợp với Bộ Công an thử nghiệm thành công các giải pháp xác thực người dùng thông qua căn cước công dân gắn chíp; định danh khách hàng từ xa qua mạng Internet để mở tài khoản; xác thực định danh khách hàng giao dịch tại ATM. Đây là thay đổi, cải tiến rất đáng kể trong hoạt động ngân hàng. Trước đây, khách muốn rút tiền ở ATM thì phải có thẻ ATM, hiện nay, nhiều ngân hàng đã phối hợp với Bộ Công an triển khai thành công việc rút tiền tại ATM mà không cần thẻ ATM, chỉ cần sử dụng căn cước công dân gắn chíp để rút tiền tại ATM mà không cần đến ngân hàng. Việc này nâng độ an ninh, bảo mật cho người dùng cao hơn trước rất nhiều.
Nhiều chỉ tiêu về TTKDTM đã đạt và vượt mức đề ra
Theo Vụ Thanh toán, NHNN, sau hơn 01 năm triển khai Quyết định số 1813, kết quả TTKDTM đạt mức tăng trưởng cao, nhiều chỉ tiêu đã đạt và vượt mức đề ra trong Đề án phát triển TTKDTM tại Việt Nam giai đoạn 2021 - 2025, cụ thể: So với năm 2021, giao dịch TTKDTM năm 2022 tăng 89,05% về số lượng và 32% về giá trị; qua kênh điện thoại di động tăng 139,32% về số lượng và 106,54% về giá trị; qua kênh Internet tăng 98,54% về số lượng và 50,24% về giá trị; qua phương thức QR Code tăng 225,36% về số lượng và 243,92% về giá trị. Như vậy, các kết quả đã vượt mục tiêu đề ra đến cuối năm 2025 (tốc độ tăng trưởng bình quân về số lượng và giá trị giao dịch TTKDTM đạt 20 - 25%/năm; tốc độ tăng trưởng bình quân về số lượng giao dịch qua kênh điện thoại di động đạt 50 - 80%/năm và giá trị giao dịch đạt 80 - 100%/năm; tốc độ tăng trưởng bình quân số lượng và giá trị giao dịch qua kênh Internet đạt 35 - 40%/năm).
Trong tháng 01/2023 so với cùng kì năm 2022, giao dịch TTKDTM tăng 40,8% về số lượng; giao dịch qua kênh Internet tăng 76,3% về số lượng; qua kênh điện thoại di động tăng 48,1% về số lượng; qua kênh QR Code tăng 118,5% về số lượng và 40,4% về giá trị; giao dịch qua POS tăng 16,59% về số lượng và 10,44% về giá trị; giao dịch qua ATM giảm 11% về số lượng và giảm 10,1% về giá trị.
Hạ tầng thanh toán quốc gia, hạ tầng Hệ thống thanh toán bù trừ điện tử phục vụ các giao dịch bán lẻ vận hành ổn định, an toàn và thông suốt, phục vụ tốt nhu cầu thanh toán của nền kinh tế. Hạ tầng mạng lưới thanh toán tiếp tục được đầu tư, phát triển. So với năm 2021, trong năm 2022, giao dịch qua TTĐTLNH tăng 29,90% về giá trị; qua Hệ thống thanh toán bù trừ điện tử tăng 96,63% về số lượng và 87,30% về giá trị.
Nhìn chung, các chỉ số như số lượng và giá trị TTKDTM tăng cao, số lượng ATM tăng thấp cho thấy đây là dấu hiệu tích cực và người dân ngày càng chuộng TTKDTM.
Đến hết năm 2022 có khoảng 61% số người hưởng nhận các chế độ bảo hiểm xã hội (BHXH), trợ cấp thất nghiệp qua tài khoản cá nhân tại khu vực đô th1. Con số này cũng vượt mục tiêu đề ra đến cuối năm 2025 đối với dịch vụ công (60% số người hưởng lương hưu, trợ cấp BHXH, trợ cấp thất nghiệp trên địa bàn đô thị được chi trả thông qua các phương thức TTKDTM).
Thanh toán dịch vụ công tiếp tục được triển khai rộng rãi, NHNN đã chỉ đạo các ngân hàng thương mại, tổ chức cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán, doanh nghiệp thực hiện thí điểm dịch vụ Mobile-Money tích cực tham gia thúc đẩy thanh toán lệ phí, học phí không dùng tiền mặt, hỗ trợ triển khai thanh toán trực tuyến lệ phí đăng kí xét tuyển đại học. Ngoài ra, NHNN đã có văn bản chỉ đạo NHNN chi nhánh tỉnh, thành phố tham mưu cho Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương ban hành kế hoạch triển khai trên địa bàn, phối hợp triển khai giải pháp thúc đẩy thanh toán điện tử trong khu vực Chính phủ, dịch vụ hành chính công, TTKDTM trong các lĩnh vực y tế, giáo dục, điện, nước...
Đến nay, TTKDTM đã đạt những kết quả ấn tượng, tuy nhiên, vẫn còn nhiều thách thức đặt ra đối với các ngân hàng như việc đồng bộ, phù hợp của hành lang pháp lí, xu hướng gia tăng tội phạm công nghệ cao với các thủ đoạn ngày càng tinh vi, phức tạp. Hay là việc thiếu hụt nhân sự trình độ cao (nghiệp vụ, công nghệ thông tin…) và sự cân bằng về hiệu quả trong đầu tư nguồn lực cho chuyển đổi số, trong đó có thanh toán số. Bên cạnh đó là cơ sở hạ tầng, kĩ thuật, khả năng tích hợp, kết nối, liên thông với các hệ thống, các ngành, lĩnh vực khác để hình thành hệ sinh thái số, cung ứng dịch vụ đa tiện ích cho khách hàng… Chưa kể, thói quen sử dụng tiền mặt của một bộ phận người dân (đặc biệt khu vực nông thôn, miền núi, vùng sâu vùng xa, người cao tuổi...), tâm lí e ngại khi tiếp cận công nghệ mới, lo ngại về rủi ro an ninh, an toàn. Do đó, TTKDTM chưa thực sự lan tỏa tới các vùng quê, vùng sâu vùng xa, nơi hạ tầng công nghệ còn thiếu, chưa đồng bộ.
Ngành Ngân hàng không thể “đơn thương độc mã”
Để phát triển TTKDTM, bên cạnh sự quan tâm chỉ đạo quyết liệt từ Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, cấp có thẩm quyền, cần sự phối hợp chặt chẽ của các bộ, ngành, chính quyền địa phương, đơn vị liên quan trong việc chỉ đạo, thực hiện đồng bộ các giải pháp. Điều này không chỉ giúp đẩy mạnh hoạt động TTKDTM, mà trong dài hạn sẽ mang lại lợi ích to lớn hơn trong việc hỗ trợ, tạo điều kiện cho sự hình thành và phát triển các hệ sinh thái số phục vụ hoạt động mua, bán, tiêu dùng của người dân, giảm chi phí xã hội và vì nền tài chính vững mạnh.
Thời gian tới, NHNN tiếp tục phối hợp với các bộ, ngành liên quan triển khai thực hiện đồng bộ, có hiệu quả các giải pháp tại Đề án phát triển TTKDTM giai đoạn 2021 - 2025 và Kế hoạch chuyển đổi số ngành Ngân hàng, cụ thể:
- Tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện khung khổ pháp lí về TTKDTM, trong đó tập trung nghiên cứu, xây dựng các văn bản hướng dẫn và triển khai có hiệu quả Nghị định về TTKDTM và Nghị định về Cơ chế thử nghiệm có kiểm soát hoạt động Fintech trong lĩnh vực ngân hàng sau khi Chính phủ kí ban hành.
- Tiếp tục triển khai thực hiện các nội dung tại Kế hoạch chuyển đổi số ngành Ngân hàng đến năm 2025, đinh hướng đến năm 2030 nhằm thúc đẩy, tạo thuận lợi các ngân hàng thương mại, tổ chức trung gian thanh toán cung ứng các sản phẩm, dịch vụ thanh toán an toàn, bảo mật, tiện ích, đáp ứng được nhu cầu ngày càng cao của khách hàng trong kỉ nguyên số.
- Phối hợp với các bộ, ngành liên quan triển khai thực hiện đồng bộ các giải pháp nêu tại Đề án phát triển TTKDTM giai đoạn 2021 - 2025.
- Tổng kết, đánh giá thí điểm, báo cáo Thủ tướng Chính phủ kết quả thực hiện thí điểm dịch vụ Mobile-Money.
- Tiếp tục phối hợp chặt chẽ với Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Bộ Công an, Bộ Tài chính, Bộ Thông tin và Truyền thông, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố để triển khai hiệu quả các giải pháp đẩy mạnh TTKDTM trong lĩnh vực an sinh xã hội nêu tại Chỉ thị số 21/CT-TTg ngày 25/11/2022 của Thủ tướng Chính phủ về thúc đẩy chuyển đổi số trong chi trả an sinh xã hội không dùng tiền mặt.
- Tiếp tục chỉ đạo nâng cấp, hoàn thiện hệ thống TTĐTLNH, mở rộng phát triển Hệ thống thanh toán bù trừ điện tử cho các giao dịch thanh toán bán lẻ tại Việt Nam theo hướng mở rộng sản phẩm, dịch vụ và mở rộng kết nối các ngân hàng, trung gian thanh toán, các đơn vị cung cấp dịch vụ.
- Trước sự gia tăng của tội phạm công nghệ cao, ngành Ngân hàng cần tăng cường đảm bảo an ninh, an toàn hệ thống công nghệ thông tin; bảo vệ quyền lợi hợp pháp của khách hàng, lấy khách hàng làm trung tâm, lấy công nghệ 4.0 làm nền tảng. Các ngân hàng cần chú ý biện pháp nghiệp vụ phòng chống rủi ro, phát hiện nghi vấn và phối hợp trao đổi với cơ quan chức năng để xử lí kịp thời.
Đồng thời, các ngân hàng thương mại cần đẩy mạnh truyền thông, giáo dục tài chính nhằm nâng cao kiến thức, kĩ năng cho công chúng trong sử dụng sản phẩm, dịch vụ tài chính, ngân hàng trên nền tảng số.
- Để đẩy nhanh quá trình kết nối, khai thác Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư vào hoạt động nghiệp vụ ngân hàng, từ đó góp phần thúc đẩy TTKDTM, chuyển đổi số ngành Ngân hàng, thời gian tới, Bộ Công an cần sớm ban hành hướng dẫn cụ thể để các tổ chức tín dụng có thể kết nối với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và sử dụng dịch vụ xác thực, định danh điện tử phục vụ các hoạt động nghiệp vụ của tổ chức tín dụng.
- Tiếp tục chỉ đạo các tổ chức tín dụng phối hợp với Bộ Công an triển khai mở rộng giải pháp xác thực khách hàng qua thẻ căn cước công dân gắn chíp (Match on Card - MoC), ứng dụng phần mềm VNeID và triển khai kết nối, khai thác Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư để phục vụ các hoạt động nghiệp vụ của ngân hàng.
Ở tầm vĩ mô, Chính phủ cần tiếp tục hoàn thiện hành lang pháp lí, trong đó có một số văn bản pháp luật cần sớm được ban hành như Nghị định bảo vệ dữ liệu cá nhân, thông tư kết nối, chia sẻ dữ liệu dân cư với cơ sở dữ liệu chuyên ngành… để có cơ sở pháp lí đồng bộ, giúp quá trình khai thác, kết nối Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư không chỉ với ngành Ngân hàng mà các ngành, lĩnh vực khác đạt hiệu quả, an toàn.
1 Báo cáo thực hiện TTKDTM đối với chi trả các chế độ BHXH, trợ cấp thất nghiệp năm 2022 của BHXH Việt Nam
Tài liệu tham khảo:
1. https://www.sbv.gov.vn
2. Quyết định số 1813/QĐ-TTg ngày 28/10/2021 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Đề án phát triển TTKDTM tại Việt Nam giai đoạn 2021 - 2025.
Hạnh Nhung (NHNN)