1. Đặt vấn đề
Chiến lược phát triển ngành Ngân hàng Việt Nam đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 đã khẳng định hệ thống tiền tệ, ngân hàng và hoạt động của các tổ chức tín dụng là huyết mạch của nền kinh tế, tiếp tục giữ vai trò trọng yếu trong tổng thể hệ thống tài chính Việt Nam. Ổn định hoạt động của hệ thống tổ chức tín dụng đóng vai trò chủ chốt trong ổn định tiền tệ và ổn định tài chính, là điều kiện tiên quyết để ổn định kinh tế vĩ mô, tăng trưởng bền vững và phải được bảo đảm bằng sự phối hợp đồng bộ, hiệu quả giữa chính sách tiền tệ với chính sách tài khóa và các chính sách kinh tế vĩ mô khác, cùng sự phát triển hài hòa, cân đối giữa khu vực ngân hàng, chứng khoán và bảo hiểm. Để đáp ứng yêu cầu này, các tổ chức tín dụng trong nước đóng vai trò chủ lực; hoạt động minh bạch, cạnh tranh, an toàn, hiệu quả, bền vững; cấu trúc đa dạng về sở hữu, quy mô, loại hình; dựa trên nền tảng công nghệ, quản trị ngân hàng tiên tiến, phù hợp với chuẩn mực hoạt động theo thông lệ quốc tế, hướng tới đạt trình độ phát triển của nhóm 4 nước dẫn đầu khu vực ASEAN vào năm 2025; năng động, sáng tạo để thích ứng với quá trình tự do hóa và toàn cầu hóa; đáp ứng nhu cầu về dịch vụ tài chính, ngân hàng ngày càng gia tăng của nền kinh tế, tiến tới tài chính toàn diện vào năm 2030, bảo đảm mọi người dân và doanh nghiệp có cơ hội tiếp cận đầy đủ, thuận tiện các dịch vụ tài chính, ngân hàng có chất lượng, đóng góp tích cực cho phát triển bền vững1.
Phát triển bền vững là một trong các trụ cột phát triển đất nước đã được Việt Nam lựa chọn, trong đó, chuyển đổi sang mô hình tăng trưởng xanh góp phần thúc đẩy cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, đồng thời là một phương thức quan trọng để thực hiện phát triển bền vững, đóng góp trực tiếp vào giảm phát thải khí nhà kính để hướng tới nền kinh tế trung hòa các-bon trong dài hạn. Với mục tiêu lấy con người làm trung tâm, việc chuyển sang mô hình tăng trưởng xanh sẽ giúp giảm thiểu tính dễ bị tổn thương của con người trước biến đổi khí hậu; khuyến khích lối sống có trách nhiệm của từng cá nhân đối với cộng đồng và xã hội, định hướng thế hệ tương lai về văn hóa sống xanh, hình thành xã hội văn minh, hiện đại, hài hòa với thiên nhiên và môi trường2.
Lý luận và thực tiễn chuyển đổi và vận hành mô hình tăng trưởng xanh, nguồn tài chính đáp ứng yêu cầu tăng trưởng xanh là rất quan trọng, trong đó, tín dụng xanh là chìa khóa để nguồn vốn tín dụng đi đến các dự án đáp ứng tăng trưởng xanh. Nhà nước, thông qua vai trò của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN), kiến tạo môi trường kinh doanh tiền tệ, ngân hàng ổn định, an toàn, khuyến khích cạnh tranh lành mạnh, bảo đảm kỷ luật, kỷ cương, thượng tôn pháp luật và tôn trọng các quy luật thị trường. Nhà nước can thiệp chủ yếu bằng công cụ thị trường, hoặc thông qua nguồn lực tài chính nhà nước; tạo mọi điều kiện thuận lợi để khu vực tư nhân phát triển trên cơ sở tuân thủ pháp luật, trong đó có bảo đảm nguồn tín dụng cho các dự án phát triển xanh3. Nói cách khác, NHNN đóng vai trò quan trọng trong xây dựng và triển khai thực thi khuôn khổ chính sách, pháp luật về tín dụng xanh phù hợp với mục tiêu tăng trưởng xanh trong mối tương quan với phát triển ngành Ngân hàng an toàn, bền vững. Điều đó có nghĩa là, cấp tín dụng xanh là điều kiện góp phần xanh hóa hoạt động ngân hàng, phát triển ngân hàng xanh tại Việt Nam với mục tiêu là tăng cường nhận thức và trách nhiệm xã hội của hệ thống ngân hàng đối với việc bảo vệ môi trường, chống biến đổi khí hậu, từng bước xanh hóa hoạt động ngân hàng, hướng dòng vốn tín dụng vào việc tài trợ dự án thân thiện với môi trường, thúc đẩy các ngành sản xuất, dịch vụ và tiêu dùng xanh, năng lượng sạch và năng lượng tái tạo; góp phần tích cực thúc đẩy tăng trưởng xanh và phát triển bền vững4.
2. Tín dụng xanh trong chiến lược tăng trưởng xanh: Hài hòa lợi ích của tổ chức tín dụng, dự án xanh và các mục tiêu kinh tế vĩ mô của Chính phủ
Chuyển dịch xu hướng sản xuất, tiêu dùng theo tiêu chí xanh không chỉ là sự thể hiện bước tiến của xã hội trong bối cảnh nguồn tài nguyên ngày càng cạn kiệt, môi trường suy giảm nghiêm trọng mà còn thể hiện sự quyết tâm của Chính phủ trong hiện thực hóa các mục tiêu của phát triển kinh tế xanh. Khác với mô hình kinh tế nâu, mô hình kinh tế xanh là một nội dung quan trọng của phát triển bền vững, đảm bảo phát triển kinh tế nhanh, hiệu quả, bền vững, là mô hình tăng trưởng phải do con người và vì con người, góp phần tạo việc làm, xóa đói, giảm nghèo, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của người dân dựa trên tăng cường đầu tư vào bảo tồn, phát triển và sử dụng hiệu quả các nguồn vốn tự nhiên, giảm phát thải khí nhà kính, cải thiện nâng cao chất lượng môi trường, qua đó kích thích tăng trưởng kinh tế5. Tuy nhiên, ở Việt Nam, tiêu chí xanh chưa được đề cập đến trong khuôn khổ pháp luật điều chỉnh hoạt động cấp tín dụng, đồng thời pháp luật cấp tín dụng hiện hành chưa có quy định về sản phẩm tín dụng cho tăng trưởng xanh. Tăng trưởng tín dụng xanh mới chỉ dừng lại ở các biện pháp mang tính khuyến nghị chủ động triển khai xây dựng chương trình, chính sách tín dụng xanh để tăng dần tỷ trọng tín dụng xanh trong cơ cấu danh mục đầu tư tín dụng của tổ chức tín dụng nhằm thực hiện Kế hoạch hành động quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2014 - 2020 được ban hành theo Quyết định số 403/QĐ-TTg ngày 20/3/2014 của Thủ tướng Chính phủ6. Trong khi đó, Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn 2050 xác định nguồn lực thực hiện chiến lược tăng trưởng xanh bao gồm:
- Nguồn tài chính nhà nước được thực hiện thông qua việc ưu tiên và dành kinh phí thỏa đáng từ ngân sách Trung ương và ngân sách địa phương để thực hiện chiến lược tăng trưởng xanh, đặc biệt cho nâng cao hiệu quả sử dụng năng lượng và năng lượng tái tạo. Bên cạnh đó, ban hành cơ chế, chính sách khuyến khích các tổ chức tài chính, các doanh nghiệp, nhất là các doanh nghiệp nhỏ và vừa triển khai các hoạt động sản xuất kinh doanh theo tiêu chí tăng trưởng xanh cũng được xem là một giải pháp được áp dụng.
- Sử dụng hệ thống các công cụ tài chính, tín dụng, thị trường để khuyến khích và hỗ trợ phát triển kinh tế xanh, sản phẩm xanh. Tiến đến xây dựng hệ thống quản lý, giao dịch phát thải khí nhà kính, thuế, phí các-bon.
- Khuyến khích và chú trọng thu hút các nguồn vốn vay, vốn hợp tác phát triển chính thức (ODA), hỗ trợ kỹ thuật của các nước, các tổ chức quốc tế và đội ngũ trí thức Việt Nam sinh sống ở nước ngoài tham gia thực hiện chiến lược tăng trưởng xanh.
Trang trại điện gió Trung Nam tại huyện Thuận Bắc, tỉnh Ninh Thuận
Nói cách khác, để bảo đảm nguồn lực cho phát triển kinh tế xanh, ngoài việc khuyến khích phát triển, tiêu dùng hàng hóa thân thiện với môi trường7 thì bảo đảm nguồn vốn triển khai là giải pháp được quan tâm hàng đầu. Điều này cũng hoàn toàn phù hợp với thực tiễn triển khai các dự án đầu tư phát triển theo tiêu chí xanh cần phải dựa trên nguồn tài chính đa dạng từ nguồn vốn của Nhà nước (thông qua chính sách hỗ trợ, ưu đãi), thu hút nguồn vốn từ thị trường tài chính thông qua phát triển sản phẩm tài chính xanh8 cũng như nguồn vốn tín dụng ngân hàng9.
Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 đã có quy định về tín dụng xanh, là tín dụng được cấp cho 07 dự án đầu tư sau đây: (i) Sử dụng hiệu quả tài nguyên thiên nhiên; (ii) Ứng phó với biến đổi khí hậu; (iii) Quản lý chất thải; (iv) Xử lý ô nhiễm, cải thiện chất lượng môi trường; (v) Phục hồi hệ sinh thái tự nhiên; (vi) Bảo tồn thiên nhiên và đa dạng sinh học; (vii) Tạo ra lợi ích khác về môi trường10.
Từ định hướng chính sách về chuyển đổi nền kinh tế theo định hướng tăng trưởng xanh thì nguồn tài chính phục vụ cho tăng trưởng xanh đóng vai trò trọng yếu11. Điều này được lý giải ở chỗ, các dự án tăng trưởng xanh đều cần nguồn vốn lớn và lâu dài do hiệu quả của các dự án kinh tế xanh cần thời gian đầu tư và thu hồi vốn lâu nên vẫn đang lệ thuộc vào nguồn tài chính nhà nước và các chính sách ưu đãi12. Nguồn vốn tín dụng vẫn đóng vai trò chính yếu, bởi lẽ, các quy định về tài chính xanh vẫn chưa được ban hành và hình thành thống nhất13. Để bảo đảm phát triển tín dụng xanh như một công cụ nhằm đạt được các mục tiêu tăng trưởng xanh, cần giải quyết hài hòa lợi ích của tổ chức tín dụng khi cung ứng tín dụng xanh cho các dự án tăng trưởng xanh, nhất là quy định về phòng ngừa rủi ro nếu dự án thất bại hoặc xảy ra rủi ro môi trường do không dự liệu hết trong quá trình đánh giá tác động môi trường hoặc đánh giá môi trường chiến lược. Thực chất đòi hỏi này là bảo đảm giảm thiểu các rủi ro khi tổ chức tín dụng tham gia cho vay các dự án tín dụng xanh, nghĩa là cần phân biệt một cách rạch ròi giữa tín dụng chính sách và tín dụng thương mại cho dự án tăng trưởng xanh.
3. Thực tiễn thực thi trách nhiệm thúc đẩy tăng trưởng tín dụng xanh của NHNN
Chuyển đổi mô hình tăng trưởng sang tăng trưởng xanh đáp ứng mục tiêu thúc đẩy cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, nhằm đạt được thịnh vượng về kinh tế, bền vững về môi trường và công bằng về xã hội; hướng tới nền kinh tế xanh, trung hòa các-bon và đóng góp vào mục tiêu hạn chế sự gia tăng nhiệt độ toàn cầu đã được Chính phủ ghi nhận trong Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn 205014. Để thực hiện thành công chiến lược này, Chính phủ đã giao cho các bộ, cơ quan ngang bộ những trách nhiệm cụ thể. Là cơ quan ngang bộ của Chính phủ, NHNN thực hiện chức năng quản lý nhà nước về tiền tệ, hoạt động ngân hàng và ngoại hối đáp ứng mục tiêu “ổn định giá trị đồng tiền; bảo đảm an toàn hoạt động ngân hàng và hệ thống các tổ chức tín dụng; bảo đảm sự an toàn, hiệu quả của hệ thống thanh toán quốc gia; góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội theo định hướng xã hội chủ nghĩa”15 và do đó, trong Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn 2050, NHNN thực hiện “rà soát, điều chỉnh và hoàn thiện thể chế về ngân hàng và tín dụng phù hợp với các mục tiêu tăng trưởng xanh; nghiên cứu, xây dựng mô hình phát triển ngân hàng xanh; ban hành các chính sách tín dụng ưu đãi cho các dự án đầu tư xanh”. Đây là nhiệm vụ rất quan trọng, bởi lẽ, nguồn vốn đầu tư vào các ngành, lĩnh vực mang lại lợi ích môi trường, nhất là lĩnh vực năng lượng tái tạo, tiết kiệm và hiệu quả năng lượng tại Việt Nam hiện nay thường đòi hỏi thời gian hoàn vốn dài, chi phí đầu tư lớn và chịu tác động rất lớn từ rủi ro thị trường. Trong khi đó, nguồn vốn huy động của các tổ chức tín dụng thường ngắn hạn, huy động theo quy luật thị trường, nghĩa là tổ chức tín dụng ngoài việc phải bảo đảm bù đắp chi phí huy động vốn còn phải đáp ứng yêu cầu sinh lợi cho cổ đông cũng như bảo đảm mục tiêu an toàn hoạt động ngân hàng và các mục tiêu của chính sách tiền tệ quốc gia. Do vậy, để có thể cung cấp các khoản tín dụng với thời hạn dài và lãi suất ưu đãi cho các ngành, lĩnh vực xanh, các tổ chức tín dụng cần phải được bảo đảm tiếp cận các nguồn vốn dài hạn, ưu đãi từ Chính phủ hoặc có cơ chế chia sẻ lãi suất cho vay giữa các tổ chức tín dụng. Nhận thức được vai trò của nguồn vốn tín dụng cho các hoạt động kinh tế xanh, ngay khi có Quyết định của Thủ tướng Chính phủ, Thống đốc NHNN đã ban hành các văn bản chỉ đạo để triển khai thực hiện nhiệm vụ được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao như:
- Quyết định số 1604/QĐ-NHNN ngày 07/8/2018 của Thống đốc NHNN về việc phê duyệt Đề án phát triển ngân hàng xanh tại Việt Nam, theo đó, NHNN ban hành hướng dẫn về hoạt động ngân hàng xanh, tín dụng xanh trong đó nêu rõ định nghĩa của hoạt động tín dụng xanh, ngân hàng xanh; các tiêu chí đánh giá ngân hàng xanh trong đó bao gồm: (i) Hệ thống các quy định nội bộ về quản lý rủi ro môi trường và xã hội; (ii) Mô hình tổ chức để triển khai các hoạt động quản lý rủi ro môi trường và xã hội trong quy trình cấp tín dụng; (iii) Tỷ trọng vốn tín dụng cho các ngành, lĩnh vực xanh cần ưu tiên hỗ trợ trong danh mục dự án xanh do NHNN ban hành; (iv) Chất lượng đào tạo, tuyên truyền, phổ biến nhằm nâng cao nhận thức và năng lực của cán bộ ngân hàng nói chung và cán bộ tín dụng nói riêng trong phát triển bền vững, tín dụng xanh, ngân hàng xanh.
- Quyết định số 34/QĐ-NHNN ngày 07/01/2019 của Thống đốc NHNN về việc ban hành Chương trình hành động của ngành Ngân hàng thực hiện Chiến lược phát triển ngành Ngân hàng Việt Nam đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, việc “triển khai hoạt động ngân hàng xanh thông qua việc gia tăng nhận thức và trách nhiệm đối với môi trường và xã hội của ngành Ngân hàng trong kinh doanh; tăng cường năng lực các tổ chức tín dụng để phát triển sản phẩm huy động và cho vay vốn tín dụng vào năng lượng tái tạo, năng lượng sạch, các ngành sản xuất và tiêu dùng ít các-bon để góp phần bảo vệ môi trường, nâng cao hiệu quả sử dụng tài nguyên, năng lượng”.
Kết quả thực thi trách nhiệm thúc đẩy tăng trưởng tín dụng xanh của NHNN được thể hiện trên các khía cạnh:
Thứ nhất, hình thành được hệ thống quan điểm chỉ đạo thống nhất về phát triển tín dụng xanh không chỉ là nhiệm vụ của NHNN Trung ương mà còn của các chi nhánh địa phương cũng như của từng tổ chức tín dụng. Theo đó, Vụ Tín dụng các ngành kinh tế chủ trì, phối hợp với các đơn vị thuộc NHNN triển khai xây dựng và thực hiện các giải pháp thúc đẩy tăng trưởng tín dụng xanh theo định hướng, mục tiêu Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh đã được phê duyệt; đầu mối tổ chức đào tạo, tập huấn nhằm tăng cường năng lực cho hoạt động tín dụng xanh và quản lý rủi ro môi trường và xã hội; hướng dẫn các tổ chức tín dụng xây dựng và triển khai hệ thống quản lý rủi ro môi trường và xã hội nhằm nâng cao nhận thức, vai trò và năng lực của ngành Ngân hàng trong thực hiện cấp tín dụng cho các ngành kinh tế xanh, phát triển các sản phẩm và dịch vụ nhằm hỗ trợ cho các doanh nghiệp thực hiện tăng trưởng xanh.
Đối với NHNN Chi nhánh các tỉnh, thành phố, bên cạnh việc chủ động nắm bắt tình hình kinh tế - xã hội và hoạt động ngân hàng trên địa bàn, đề xuất với Thống đốc NHNN về các giải pháp thực hiện công tác quản lý rủi ro môi trường và xã hội trong hoạt động cấp tín dụng và thúc đẩy tăng trưởng tín dụng xanh phù hợp với điều kiện thực tế trên địa bàn; cũng cần chủ động thực hiện tuyên truyền, nâng cao nhận thức của tổ chức tín dụng về tăng trưởng xanh trong hoạt động tín dụng, quản lý rủi ro môi trường và xã hội trong hoạt động tín dụng.
Đối với các tổ chức tín dụng, căn cứ Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh đã được phê duyệt và các chương trình, kế hoạch hành động của các bộ, ngành và Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố, chủ động triển khai xây dựng chương trình, chính sách tín dụng xanh nhằm tăng dần tỷ trọng tín dụng xanh trong cơ cấu danh mục đầu tư tín dụng của mình. Cụ thể:
- Xây dựng và triển khai thực hiện các giải pháp thúc đẩy tăng trưởng tín dụng xanh nhằm khuyến khích hoạt động kinh doanh thân thiện với môi trường và xã hội: Nghiên cứu và phát triển sản phẩm tín dụng xanh, triển khai các chương trình tín dụng có các chính sách khuyến khích đối với các dự án, phương án sản xuất kinh doanh có mục tiêu tăng trưởng xanh.
- Cải thiện chất lượng dịch vụ, tạo điều kiện thuận lợi cho việc tăng trưởng tín dụng xanh, quan tâm tài trợ các dự án, phương án sản xuất kinh doanh thực hiện tăng trưởng xanh.
- Tập trung ưu tiên cấp tín dụng xanh cho các ngành kinh tế thực hiện bảo tồn, phát triển và sử dụng hiệu quả tài nguyên thiên nhiên; sử dụng các thành tựu khoa học và công nghệ tiên tiến; sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả; phát triển năng lượng sạch, năng lượng tái tạo; sử dụng công nghệ, thiết bị thân thiện với môi trường, sản xuất những sản phẩm thân thiện với môi trường.
Thứ hai, ban hành được “Đề án phát triển ngân hàng xanh tại Việt Nam” dựa trên khung tham chiếu ngân hàng xanh năm cấp độ cũng như xây dựng và thiết lập hệ thống quản lý rủi ro môi trường và xã hội một cách toàn diện, trong đó đòi hỏi các tổ chức tín dụng phải xây dựng chính sách cho vay cụ thể đối với các lĩnh vực môi trường nhạy cảm như nông nghiệp, đồ da, năng lượng tái tạo, dệt may và theo dõi chặt chẽ, có biện pháp giảm dần việc cho vay đối với các hoạt động gây hại môi trường.
Thứ ba, xây dựng các giải pháp nhằm thúc đẩy các sản phẩm ngân hàng - tín dụng xanh, hỗ trợ các doanh nghiệp thực hiện tăng trưởng xanh với hai nội dung trọng tâm16:
Một là, khuyến khích, tập trung nguồn vốn tín dụng ngân hàng cho các dự án, phương án kinh doanh, đầu tư cho các ngành/lĩnh vực, giảm thiểu và thích ứng với biến đổi khí hậu bằng cách xây dựng và triển khai các chương trình tín dụng nhằm thúc đẩy các ngành kinh tế xanh phát triển (như các ngành công nghiệp xanh, nông nghiệp xanh, năng lượng xanh; sử dụng thiết bị, công nghệ thân thiện với môi trường và ngăn ngừa, xử lý ô nhiễm môi trường) cũng như thiết lập các giải pháp, chính sách hỗ trợ và khuyến khích các tổ chức tín dụng tài trợ cho các ngành kinh tế xanh.
Hai là, phát triển các dịch vụ ngân hàng hiện đại, sử dụng công nghệ cao, công nghệ thân thiện với môi trường góp phần phục vụ tăng trưởng xanh thông qua phát triển các hình thức, phương tiện thanh toán mới, hiện đại ứng dụng công nghệ cao, công nghệ thân thiện với môi trường nhằm tạo sự đồng bộ và điều kiện thuận lợi, khuyến khích phát triển thanh toán không dùng tiền mặt, hạn chế thanh toán dùng tiền mặt, giảm lưu thông tiền giấy trên thị trường và xây dựng kế hoạch lựa chọn một số địa bàn thí điểm ứng dụng các phương pháp, phương tiện thanh toán hiện đại nhưng dễ sử dụng và phù hợp với điều kiện ở nông thôn, vùng sâu, vùng xa góp phần xây dựng nông thôn mới với lối sống thân thiện với môi trường.
Tuy nhiên, Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 quy định hoạt động cho vay của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài tại Việt Nam đối với dự án đầu tư phải phù hợp với quy định về quản lý rủi ro môi trường trong hoạt động cho vay theo hướng dẫn của Thống đốc NHNN17. Có thể khẳng định, quản lý rủi ro môi trường trong hoạt động cho vay theo hướng dẫn của Thống đốc NHNN là “chìa khóa” để tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài tại Việt Nam ra quyết định cấp tín dụng xanh. Ban hành quy định về quản lý rủi ro môi trường trong hoạt động cho vay không chỉ là sự thể hiện trên thực tế chức năng quản lý nhà nước về tiền tệ, hoạt động ngân hàng và ngoại hối của NHNN mà còn đóng góp quan trọng vào việc hiện thực hóa các quy định về tín dụng xanh vào thực tiễn hoạt động ngân hàng của các tổ chức tín dụng. Để làm được điều này, NHNN cần tiếp tục rà soát, hoàn thiện khung khổ pháp lý về tín dụng xanh phù hợp với quy định tại Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 và nghiên cứu ban hành quy định về quản lý rủi ro môi trường và xã hội trong hoạt động cấp tín dụng của các tổ chức tín dụng để chi tiết hóa các thông tin về cấp tín dụng xanh, thể chế hóa việc quản lý rủi ro môi trường trong hoạt động cấp tín dụng tại các văn bản pháp lý chuyên ngành. Bên cạnh đó, NHNN cũng cần sớm nghiên cứu, xây dựng các hướng dẫn thực hiện nguyên tắc ngân hàng xanh của Việt Nam dựa trên cơ sở cam kết của Thống đốc NHNN tại Hội đồng Thống đốc và Bộ trưởng Bộ Tài chính các quốc gia ASEAN tháng 3/2021 khi ban hành “Nguyên tắc ngân hàng bền vững khu vực ASEAN”.
4. Kết luận
Tín dụng xanh là vấn đề mới và đã được quy định trong Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 nhưng chưa được quy định trong Luật Các tổ chức tín dụng năm 2010, sửa đổi năm 2017 cũng như các văn bản hướng dẫn các nghiệp vụ cấp tín dụng. Theo quy định của Luật Bảo vệ môi trường năm 2020, hướng dẫn quản lý rủi ro môi trường của NHNN là “chìa khóa” để đưa quy định về cấp tín dụng xanh vào cuộc sống thực tiễn. Với vai trò là cơ quan ngang bộ của Chính phủ, NHNN đã chủ động, tích cực trong chỉ đạo, điều hành và có những định hướng cho việc phát triển tín dụng xanh như là giải pháp cụ thể để hiện thực hóa mục tiêu tăng trưởng xanh của Chính phủ. Tuy nhiên, với Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn 2050 và trong bối cảnh ảnh hưởng của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, cũng như chiến lược số hóa nền kinh tế, trong đó có hoạt động ngân hàng đặt ra đòi hỏi các quy định pháp luật về cấp tín dụng phải được sửa đổi, bổ sung càng sớm càng tốt theo hướng tiêu chí xanh, tức là thân thiện hoặc ít gây hại tới môi trường trở thành một trong những điều kiện để được cấp tín dụng cho mục đích kinh doanh.
1 Quyết định số 986/QĐ-TTg ngày 08/8/2018 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược phát triển ngành Ngân hàng Việt Nam đến năm 2025, định hướng đến năm 2030.
2 Quyết định số 1658/QĐ-TTg ngày 01/10/2021 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn 2050.
3 Quyết định số 986/QĐ-TTg ngày 08/8/2018 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược phát triển ngành Ngân hàng Việt Nam đến năm 2025, định hướng đến năm 2030.
4 Quyết định số 1604/QĐ-NHNN ngày 07/8/2018 của Thống đốc NHNN về việc phê duyệt Đề án phát triển ngân hàng xanh tại Việt Nam.
5 Xem thêm:
- Trần Ngọc Ngoạn, Chính sách thúc đẩy tăng trưởng xanh - kinh nghiệm quốc tế và thực tiễn Việt Nam, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2016.
- Kim Ngọc, Nguyễn Thị Kim Thu, Xu hướng phát triển kinh tế xanh trên thế giới, Tạp chí Khoa học xã hội Việt Nam số 5(90)-2015, tr.9-17.
- Tran, T., Do, H., Vu, T & Do, N., The factors affecting green investment for sustainable development.Decision Science Letters, 9(3)/2020, 365-386.
6 Chỉ thị số 03/CT-NHNN ngày 24/3/2015 của Thống đốc NHNN về thúc đẩy tăng trưởng tín dụng xanh và quản lý rủi ro môi trường và xã hội trong hoạt động cấp tín dụng.
7 Viên Thế Giang, Chính sách tín dụng tiêu dùng xanh trong chiến lược tăng trưởng xanh ở Việt Nam, Tạp chí Ngân hàng số Chuyên đề đặc biệt 2019 “Tăng trưởng tín dụng xanh tại Việt Nam: Cơ hội, thách thức và giải pháp”, tr.76-80.
8 Volz Ulrich, Fostering Green Finance for Sustainable Development in Asia (March 2, 2018). ADBI Working Paper 814, March 2018, Available at: http://dx.doi.org/10.2139/ssrn.3198680.
9 Do Hoai Linh, Tran Duc Anh, Khuc The Anh, Lai Thi Thanh Loan, Empirical Research on Green Credit Policies in Vietnam, International Journal of Management Studies and Social Science Research, Vol. 3, Issue 5, p.163-171.
10 Khoản 1 Điều 149 Luật Bảo vệ môi trường năm 2020.
11 Xem cụ thể: Viên Thế Giang, Võ Thị Mỹ Hương, Chính sách phát triển tín dụng xanh và những vấn đề đặt ra trong các quy định pháp luật về cấp tín dụng, Tạp chí Ngân hàng số 23, tháng 12/2019, tr.19-23.
12 Viên Thế Giang, Tài chính cho phát triển kinh tế xanh ở Việt Nam: Khuôn khổ chính sách, pháp luật và thực tiễn thực thi, Tạp chí Phát triển Khoa học và Công nghệ (Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh), tập 20, Q.2, 2017, tr.55-69.
13 Viên Thế Giang, Thiết lập khuôn khổ chính sách, pháp luật thống nhất cho phát triển tài chính xanh ở Việt Nam, Tạp chí Khoa học Đại học Quốc gia Hà Nội: Kinh tế và kinh doanh, Tập. 36, Số. 1(2020) 1-10.
14 Xem cụ thể: Quyết định số 1658/QĐ-TTg ngày 01/10/2021 Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn 2050.
15 Khoản 1 Điều 4 Luật NHNN năm 2020.
16 Quyết định số 1552/QĐ-NHNN ngày 06/8/2015 của Thống đốc NHNN ban hành Kế hoạch hành động của ngành Ngân hàng thực hiện Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh đến năm 2020.
17 Khoản 2, khoản 4 Điều 149 Luật Bảo vệ môi trường năm 2020.
ThS. Võ Thị Mỹ Hương
Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật TP. Hồ Chí Minh