Có thể nói, vốn điều lệ cao sẽ là “bộ đệm” giúp cho các ngân hàng thương mại (NHTM) có thêm nguồn lực để chống chọi với những khó khăn, thách thức, đặc biệt trong môi trường kinh tế có nhiều biến động như hiện nay, áp lực tăng vốn đè nặng lên các ngân hàng. Việc tăng vốn còn tạo cơ sở, điều kiện để các NHTM tiếp tục hỗ trợ doanh nghiệp nói riêng và nền kinh tế nói chung phục hồi hoạt động sản xuất, kinh doanh.
Tăng vốn cho các NHTM Nhà nước là cần thiết
Mới đây, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) đã có Báo cáo gửi đến Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, đánh giá tình hình thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2022 và tình hình triển khai Nghị quyết số 43/2022/QH15 ngày 11/01/2022 của Quốc hội về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội; Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2023.
Tại Báo cáo, NHNN cho biết, các NHTM Nhà nước tiếp tục đóng vai trò quan trọng trong hệ thống các tổ chức tín dụng (TCTD), tích cực tham gia hỗ trợ, xử lý các TCTD yếu kém và dành nguồn lực để hỗ trợ giảm lãi suất cho khách hàng vay gặp khó khăn do dịch Covid-19. Điển hình như đợt dịch Covid vừa qua, không chỉ tham gia cùng 12 NHTM lớn thực hiện giảm lãi suất cho vay theo cam kết với Hiệp hội Ngân hàng, 04 NHTM Nhà nước còn cắt giảm thêm 4.000 tỷ đồng giảm lãi, phí cho các doanh nghiệp ở phía Nam bị ảnh hưởng nặng nề bởi dịch bệnh cho thấy, các NHTM Nhà nước luôn đi đầu trong việc thực hiện chính sách tiền tệ, giảm lãi suất, thúc đẩy tăng trưởng tín dụng hỗ trợ tăng trưởng kinh tế.
Chiến lược phát triển ngành Ngân hàng đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 cũng nêu rõ: “Các NHTM Nhà nước đóng vai trò là lực lượng chủ lực, chủ đạo về quy mô, thị phần, khả năng điều tiết thị trường; đi đầu trong việc triển khai và áp dụng Basel II theo phương pháp nâng cao và hội nhập quốc tế…”.
Về tăng vốn điều lệ đối với các NHTM Nhà nước, NHNN cho biết, trong thời gian qua, NHNN đã chỉ đạo 04 NHTM Nhà nước triển khai các phương án bổ sung vốn điều lệ để nâng cao năng lực tài chính. Theo đó, Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam (Agribank) đã được Bộ Tài chính cấp bổ sung 3.500 tỷ đồng vốn điều lệ; NHTM cổ phần Công thương Việt Nam (VietinBank) đã chia cổ tức bằng cổ phiếu để tăng vốn điều lệ thêm 10.824 tỷ đồng sau khi được Thủ tướng.
Tăng vốn điều lệ tạo cơ sở, điều kiện để các NHTM tiếp tục hỗ trợ doanh nghiệp nói riêng và nền kinh tế nói chung phục hồi hoạt động sản xuất, kinh doanh (Nguồn: Internet)
Chính phủ phê duyệt phương án; NHTM cổ phần Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt phương án đầu tư bổ sung vốn nhà nước thông qua việc phát hành cổ phiếu để trả cổ tức từ phần lợi nhuận còn lại năm 2019, tổng vốn điều lệ tăng thêm là 10.237 tỷ đồng; NHTM cổ phần Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt phương án đầu tư bổ sung vốn nhà nước thông qua chi trả cổ tức từ nguồn lợi nhuận còn lại giai đoạn 2018 - 2020, tổng số vốn điều lệ tăng thêm là 10.365 tỷ đồng.
NHNN đang phối hợp các bộ, ngành liên quan xem xét, trình cấp thẩm quyền phê duyệt phương án tăng vốn điều lệ cho Agribank từ nguồn ngân sách Nhà nước. Đối với việc tăng vốn điều lệ của BIDV, Vietcombank, Vietinbank, NHNN đã có văn bản đề nghị Bộ Tài chính xem xét, có ý kiến về việc phân phối lợi nhuận năm 2021 để làm cơ sở trình cấp có thẩm quyền xem xét tăng vốn điều lệ cho các ngân hàng này.
Cũng theo NHNN, các NHTM cổ phần về cơ bản đều bám sát phương án được duyệt, tập trung củng cố, chấn chỉnh toàn diện các mặt tài chính, quản trị, xử lý nợ xấu, tăng cường các biện pháp kiểm soát nhằm nâng cao chất lượng tín dụng, hiệu quả kinh doanh và năng lực cạnh tranh, tăng cường tính minh bạch trong hoạt động.
Về tăng vốn đối với các NHTM cổ phần: Năm 2022, NHNN đã có văn bản chấp thuận tăng vốn điều lệ đối với 15 NHTM cổ phần; trong đó, việc tăng vốn điều lệ của các ngân hàng này chủ yếu là từ nguồn vốn chủ sở hữu của ngân hàng (lợi nhuận để lại và các quỹ dự trữ).
Đối với các ngân hàng yếu kém, các ngân hàng mua bắt buộc: Trên cơ sở phê duyệt của cấp có thẩm quyền, NHNN đã và đang chỉ đạo các ngân hàng này khẩn trương hoàn thiện phương án cơ cấu lại, đồng thời tiếp tục phối hợp với các bộ, cơ quan liên quan thực hiện trình tự, thủ tục theo quy định của pháp luật.
Nhiều NHTM được chấp thuận tăng vốn điều lệ
Gần đây, NHNN đã chấp thuận tăng vốn cho nhiều NHTM: Ngày 10/10/2022, NHNN đã có văn bản chấp thuận việc NHTM cổ phần Sài Gòn - Hà Nội (SHB) phát hành cổ phiếu để trả cổ tức năm 2021 với tỷ lệ 15%; chào bán cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu và phát hành cổ phiếu cho người lao động (ESOP). Sau khi thực hiện 03 phương án trên, vốn điều lệ của SHB sẽ tăng từ 26.674 tỷ đồng lên mức tối đa 36.459 tỷ đồng.
Trước đó, NHNN đã có văn bản chấp thuận việc tăng vốn điều lệ của NHTM cổ phần Hàng Hải Việt Nam (MSB). Theo đó, NHNN chấp thuận việc MSB tăng vốn điều lệ thêm tối đa 4.725 tỷ đồng thông qua phát hành cổ phiếu thưởng cho cổ đông hiện hữu với tỷ lệ 30% và phát hành tối đa 14,25 triệu cổ phiếu cho người lao động (ESOP) từ nguồn vốn chủ sở hữu. Việc tăng vốn sẽ giúp MSB nâng cao năng lực tài chính, mở rộng quy mô hoạt động và đáp ứng kế hoạch tăng trưởng đã được đặt ra.
Không riêng MSB, NHTM cổ phần Quốc dân (NCB) cũng đã công bố thông tin về việc NHNN chính thức chấp thuận NCB tăng vốn điều lệ lên hơn 5.600 tỷ đồng. Cuối tháng 3/2022, NCB đã chào bán thành công 150 triệu cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu với giá chào bán 10.000 đồng một cổ phiếu, thu về 1.500 tỷ đồng, bổ sung vào vốn điều lệ ngân hàng lên mức 5.600 tỷ đồng. Tăng vốn điều lệ thành công giúp NCB củng cố năng lực tài chính, tăng cường an toàn hoạt động, tạo tiền đề cho việc tái cấu trúc thành công và đạt được các mục tiêu chiến lược phát triển ngân hàng trong dài hạn.
Một ngân hàng khác cũng được NHNN chấp thuận tăng vốn điều lệ thông qua phương án phát hành cổ phiếu để trả cổ tức là NHTM cổ phần Xuất nhập khẩu Việt Nam (Eximbank). Đây là lần đầu tiên Eximbank thực hiện tăng vốn điều lệ sau hơn một thập kỷ. Trong kế hoạch tăng vốn lần này, Eximbank sẽ phát hành gần 245,9 triệu cổ phiếu để chi trả cổ tức theo tỷ lệ 20% từ nguồn lợi nhuận chưa phân phối. Vốn điều lệ của Eximbank sau phát hành dự kiến sẽ tăng thêm 2.459 tỷ đồng, từ 12.355 tỷ đồng lên hơn 14.814 tỷ đồng.
Cơ quan quản lý cũng đã chấp thuận cho NHTM cổ phần Phát triển Thành phố Hồ Chí Minh (HDBank) tăng vốn điều lệ thêm tối đa 5.030 tỷ đồng, nâng số vốn điều lệ của ngân hàng này từ 20.273 tỷ đồng lên 25.303 tỷ đồng, thông qua phát hành hơn 503 triệu cổ phiếu trả cổ tức năm 2021 với tỷ lệ 25%.
Từ đầu năm 2022 đến nay, danh sách các ngân hàng được chấp thuận tăng vốn điều lệ còn có: NHTM cổ phần Nam Á (Nam A Bank) thêm 1.900 tỷ đồng lên mức 8.464 tỷ đồng; NHTM cổ phần Kiên Long (Kienlongbank) tăng thêm hơn 578 tỷ đồng, nâng mức vốn điều lệ từ 3.652,8 tỷ đồng lên 4.231,2 tỷ đồng; NHTM cổ phần Kỹ thương Việt Nam (Techcombank) tăng thêm 63,2 tỷ đồng lên hơn 35.172 tỷ đồng; NHTM cổ phần Phương Đông (OCB) tăng vốn thêm 58,8 tỷ đồng lên mức 13.758 tỷ đồng; NHTM cổ phần Á Châu (ACB) tăng thêm 6.754 tỷ đồng lên mức 33.774 tỷ đồng; NHTM cổ phần Đông Nam Á (SeABank) tăng thêm 3.211 tỷ đồng lên gần 19.809 tỷ đồng; NHTM cổ phần Bản Việt (Viet Capital Bank) tăng thêm tối đa 1.618 tỷ đồng lên mức 5.289 tỷ đồng....
Theo các chuyên gia, việc tăng vốn điều lệ là cần thiết, qua đó sẽ giúp các ngân hàng củng cố tiềm lực tài chính, gia tăng nguồn vốn trung và dài hạn để mở rộng hoạt động kinh doanh khi tỷ lệ sử dụng vốn ngắn hạn để cho vay trung - dài hạn đang dần bị siết lại theo lộ trình tại Thông tư số 08/2020/TT-NHNN ngày 14/8/2020 của NHNN sửa đổi, bổ sung Thông tư số 22/2019/TT-NHNN quy định các giới hạn, tỷ lệ đảm bảo an toàn trong hoạt động của ngân hàng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài.
Theo đó, lộ trình áp dụng tỷ lệ “tối đa nguồn vốn ngắn hạn được sử dụng để cho vay trung dài hạn” theo Thông tư số 22/2019/TT-NHNN được lùi lại một năm. Cụ thể, từ ngày 01/01/2020 đến hết ngày 30/9/2021, tỷ lệ này được áp dụng 40%. Từ ngày 01/10/2021 đến hết ngày 30/9/2022 giảm còn 37%. Từ ngày 01/10/2022 đến hết ngày 30/9/2023 giảm còn 34% và từ ngày 01/10/2023 là 30%.
Đồng thời, việc tăng vốn nhằm đảm bảo hệ số an toàn vốn (CAR) theo quy định của các cơ quan chức năng, hướng tới chuẩn mục đáp ứng kế hoạch tăng trưởng liên tục hàng năm. Đặc biệt, việc tăng vốn cũng là nhiệm vụ thực hiện Đề án cơ cấu lại hệ thống các TCTD gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2021 - 2025. Cụ thể, theo Quyết định số 689/QĐ-TTg ngày 08/6/2022 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án “Cơ cấu lại hệ thống các TCTD gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2021 - 2025” (Đề án), một trong những mục tiêu quan trọng là phấn đấu đến năm 2023, tỷ lệ CAR của các NHTM đạt tối thiểu 10 - 11%; đến năm 2025, đạt tối thiểu 11 - 12%. Cũng tại Đề án, TCTD phải có biện pháp bảo đảm có số vốn điều lệ đến năm 2025 như sau:
Đối với TCTD đang hoạt động (không bao gồm NHTM, công ty tài chính, công ty cho thuê tài chính yếu, yếu kém/được kiểm soát đặc biệt/thực hiện phương án cơ cấu lại do cấp có thẩm quyền phê duyệt): (i) Đối với các NHTM: Nhóm NHTM trong nước có tiềm lực tài chính, năng lực cạnh tranh, quy mô lớn: Vốn điều lệ tối thiểu đạt 15.000 tỷ đồng; nhóm NHTM trong nước có tiềm lực tài chính, năng lực cạnh tranh, quy mô nhỏ và trung bình và NHTM có vốn nước ngoài: Vốn điều lệ tối thiểu đạt 5.000 tỷ đồng; (ii) Đối với công ty tài chính: Vốn điều lệ tối thiểu đạt 750 tỷ đồng; (iii) Đối với công ty cho thuê tài chính: Vốn điều lệ tối thiểu đạt 450 tỷ đồng. Đối với NHTM, công ty tài chính, công ty cho thuê tài chính yếu, yếu kém/được kiểm soát đặc biệt/thực hiện phương án cơ cấu lại do cấp có thẩm quyền phê duyệt: phương án tăng vốn thực hiện theo phê duyệt của cấp có thẩm quyền.
Để đạt được mục tiêu tại Đề án, một trong nhóm giải pháp cơ cấu lại TCTD trong giai đoạn 2021 - 2025 được đưa ra là tăng vốn và cải thiện chất lượng nguồn vốn tự có của TCTD để bảo đảm mức vốn điều lệ không thấp hơn mức vốn pháp định theo quy định của pháp luật và nâng cao tỷ lệ an toàn vốn theo chuẩn mực quốc tế.
Tài liệu tham khảo:
1. https://chinhphu.vn
2. Nghị quyết số 43/2022/QH15 ngày 11/01/2022 của Quốc hội về chính sách tài khoá, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội.
3. Quyết định số 689/QĐ-TTg ngày 08/6/2022 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án “Cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2021 – 2025”.
4. Thông tư số 08/2020/TT-NHNN ngày 14/8/2020 của Thống đốc NHNN sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 22/2019/TT-NHNN ngày 15/11/2019 của Thống đốc NHNN quy định các giới hạn, tỷ lệ bảo đảm an toàn trong hoạt động của ngân hàng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài.
Hà Phan