Đắk Lắk là tỉnh nằm ở trung tâm của khu vực Tây Nguyên, có diện tích đất tự nhiên hơn 13.000 km2, lớn thứ tư so với cả nước; là nơi có diện tích và sản lượng cà phê xuất khẩu lớn nhất nước, với 182.343 ha cà phê cho sản lượng hằng năm đạt trên 400.000 tấn; Đắk Lắk còn là nơi phát triển mạnh về trồng bông, ca cao, cao su, điều và cây ăn trái như sầu riêng, xoài, bơ, chôm chôm,… Dân số Đắk Lắk gần 1,9 triệu người với 47 dân tộc anh em cùng sinh sống, trong đó, dân tộc thiểu số (DTTS) chiếm 33,5%, tập trung nhiều ở một số địa bàn có nhiều khó khăn như Ea Súp, Buôn Đôn, Lắk, Krông Bông, M’Đrắk, Ea Hleo… Theo chuẩn nghèo giai đoạn 2016 - 2020 đã được UBND tỉnh Đắk Lắk phê duyệt tại Quyết định số 1598/QĐ-UBND ngày 29/6/2017, toàn tỉnh có 428.665 hộ dân, trong đó, 76.432 hộ nghèo, chiếm 17,83%; 41.377 hộ cận nghèo, chiếm 9,65%.
Các mô hình phát triển kinh tế hiệu quả từ vốn vay của NHCSXH tỉnh Đắk Lắk
Mặc dù là vùng đất giàu tiềm năng phát triển kinh tế nông - lâm nghiệp, song tỷ lệ hộ nghèo, cận nghèo khá cao và là địa bàn có nhiều đồng bào DTTS sinh sống, nên từ nhiều năm nay, mục tiêu xóa đói, giảm nghèo và an sinh xã hội luôn được tỉnh Đắk Lắk quan tâm, chú trọng. Đặc biệt, khi Chỉ thị số 40-CT/TW ngày 22/11/2014 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng với tín dụng chính sách xã hội ra đời (Chỉ thị số 40), thể hiện sự quan tâm của Đảng đối với một chính sách thiết yếu, một kênh tín dụng giúp hộ nghèo, cận nghèo, đồng bào DTTS có điều kiện vươn lên phát triển sản xuất, tăng thu nhập, ổn định cuộc sống, giảm nghèo bền vững.
Các hoạt động triển khai thực hiện Chỉ thị 40
Ngay sau khi Chỉ thị số 40 được ban hành, Tỉnh ủy Đắk Lắk đã ban hành văn bản số 1905-CV/TU ngày 17/12/2014 về việc tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách trên địa bàn tỉnh, chỉ đạo các sở, ngành có liên quan khẩn trương tuyên truyền và nghiêm túc triển khai thực hiện các nội dung của Chỉ thị 40.
Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Đắk Lắk đã tổ chức học tập, phổ biến, quán triệt, tuyên truyền, triển khai thực hiện Chỉ thị đến toàn thể các cán bộ, đảng viên. Các cơ quan báo chí, truyền thông và các tổ chức hội, đoàn thể đã đẩy mạnh các chương trình tuyên truyền nội dung Chỉ thị và các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về tín dụng chính sách đến toàn thể nhân dân, nhất là người nghèo và các đối tượng chính sách khác nhằm nâng cao nhận thức về vai trò, ý nghĩa của tín dụng chính sách. UBND các huyện, thị xã, thành phố trên địa bàn đã phối hợp chặt chẽ với Phòng giao dịch NHCSXH tuyên truyền, phổ biến chính sách tín dụng ưu đãi cho nhân dân bằng nhiều hình thức, đảm bảo các đối tượng thụ hưởng sử dụng vốn đúng mục đích, có hiệu quả và thực hiện đầy đủ nghĩa vụ khi vay vốn; đồng thời đảm bảo tính công khai dân chủ của tín dụng chính sách, tăng cường sự giám sát nhằm ngăn chặn các vi phạm.
Thực hiện Quyết định số 401/QĐ-TTg ngày 14/3/2016 của Thủ tướng Chính phủ về Kế hoạch triển khai Chỉ thị số 40; ngày 17/6/2016, UBND tỉnh Đắk Lắk cũng đã ban hành văn bản số 4751/UBND-KT triển khai Quyết định số 401/QĐ-TTg, nội dung chỉ đạo nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các Sở, ngành, tổ chức đoàn thể về vai trò, vị trí và tầm quan trọng của tín dụng chính sách xã hội trong việc thực hiện có hiệu quả Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững và nông thôn mới; nâng cao trách nhiệm của chính quyền các cấp trong việc củng cố, nâng cao chất lượng tín dụng chính sách xã hội; theo dõi, quản lý chặt chẽ hộ vay vốn NHCSXH tại địa phương, kịp thời điều tra, rà soát, bổ sung đối tượng theo quy định làm cơ sở để xem xét cho vay.
UBND tỉnh Đắk Lắk đã chỉ đạo các hoạt động tín dụng chính sách lồng ghép với chương trình phát triển nông nghiệp, nông thôn, giáo dục, dạy nghề, xuất khẩu lao động, tạo việc làm… nhằm giúp người vay sử dụng vốn vay có hiệu quả, cải thiện đời sống và trả được nợ ngân hàng. Mở rộng cuộc vận động vì người nghèo để huy động sự đóng góp của toàn xã hội bổ sung vốn cho tín dụng NHCSXH.
Bên cạnh đó, UBND tỉnh đã chỉ đạo Mặt trận Tổ quốc tỉnh và các tổ chức đoàn thể tăng cường tuyên truyền, phổ biến các chủ trương của Đảng, Nhà nước về tín dụng chính sách tới nhân dân; chỉ đạo các tổ chức chính trị - xã hội nhận ủy thác như Hội Phụ nữ, Hội Nông dân, Hội Cựu chiến binh, Đoàn Thanh niên thực hiện đầy đủ và có hiệu quả các nội dung được NHCSXH ủy thác, không ngừng củng cố, nâng cao chất lượng hoạt động tín dụng chính sách, đặc biệt là chất lượng của Tổ Tiết kiệm và vay vốn (TK&VV).
Các tổ chức nhận ủy thác đã chủ động tham mưu cho Đảng ủy, UBND xã xây dựng kế hoạch chỉ đạo Tổ đôn đốc thu hồi nợ khó đòi tại địa phương đi vào hoạt động đạt hiệu quả; từng bước nâng cao tỷ lệ thu lãi, giảm nợ quá hạn…, lồng ghép các nội dung được ủy thác với các chương trình, dự án và hoạt động thường xuyên của tổ chức chính trị - xã hội; làm tốt công tác tư vấn, hướng dẫn xây dựng và nhân rộng các mô hình sản xuất, kinh doanh điển hình, giúp người nghèo vươn lên thoát nghèo và ổn định cuộc sống.
UBND tỉnh Đắk Lắk đã chỉ đạo trích nguồn từ ngân sách tỉnh chuyển cho Chi nhánh NHCSXH để tăng thêm nguồn vốn cho vay người nghèo và các đối tượng chính sách khác, tập trung các nguồn vốn tín dụng chính sách xã hội có nguồn gốc từ ngân sách tỉnh vào đầu mối là NHCSXH để cho vay người nghèo và các đối tượng chính sách theo quy định.
Công tác triển khai Chỉ thị số 40 đã được thực hiện một cách nghiêm túc, toàn diện, nhờ đó, hoạt động tín dụng chính sách trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk đã có những chuyển biến tích cực. Nhận thức của cấp ủy đảng, chính quyền đối với việc thực hiện tín dụng chính sách xã hội được nâng lên rõ rệt. Các cấp ủy, chính quyền đã thực sự vào cuộc, coi công tác lãnh đạo, chỉ đạo đối với hoạt động tín dụng chính sách xã hội là một trong những nhiệm vụ trong chương trình, kế hoạch hoạt động thường xuyên.
Nâng cao năng lực và hiệu quả hoạt động tín dụng chính sách của NHCSXH
Thực hiện tinh thần Chỉ thị số 40, NHCSXH chi nhánh tỉnh Đắk Lắk đã xây dựng Kế hoạch và Chương trình triển khai thực hiện tới toàn thể đảng viên, cán bộ, viên chức và người lao động trong đơn vị để nhận thức rõ tinh thần chỉ đạo của Đảng đưa Chỉ thị vào cuộc sống. Thường xuyên kiện toàn, củng cố, nâng cao chất lượng hoạt động của Ban đại diện Hội đồng quản trị (HĐQT) các cấp; tăng cường công tác kiểm tra, giám sát của Ban đại diện HĐQT cấp tỉnh, huyện, công tác kiểm soát nội bộ.
Chủ động thực hiện các giải pháp huy động vốn, quản lý và sử dụng vốn có hiệu quả. Chú trọng chất lượng tín dụng, chất lượng hoạt động của các Tổ TK&VV; nâng cao hiệu quả hoạt động của các điểm giao dịch tại các xã, phường, thị trấn; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin nhằm tạo điều kiện thuận lợi, kịp thời cho các hộ gia đình trong quá trình tìm hiểu thông tin cũng như thực hiện các quy trình, thủ tục vay vốn và trả nợ, trả lãi tiền vay.
Ban đại diện HĐQT NHCSXH cấp tỉnh, cấp huyện thực hiện xây dựng chương trình kiểm tra giám sát cùng cấp ngay từ đầu năm, đồng thời phân công địa bàn thực hiện công tác kiểm tra giám sát cho các thành viên. Kết quả kiểm tra được các thành viên báo cáo tại các phiên họp Ban đại diện HĐQT NHCSXH hàng quý.
NHCSXH tỉnh đã phối hợp chặt chẽ với hội, đoàn thể, xã, phường tổ chức tập huấn, bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ cho cán bộ NHCSXH, chủ tịch UBND và cán bộ ban giảm nghèo cấp xã, cán bộ hội, đoàn thể nhận ủy thác các cấp, trưởng thôn, tổ trưởng tổ dân phố và ban quản lý tổ TK&VV. Qua đó giúp cán bộ làm công tác chính sách nắm bắt được nội dung các chương trình tín dụng chính sách đang triển khai trên địa bàn.
Hiện nay, NHCSXH tỉnh Đắk Lắk đang triển khai cho vay 16 chương trình của Chính phủ thì tất cả các chương trình đều được cho vay ủy thác thông qua các tổ chức chính trị - xã hội. Hoạt động cho vay ủy thác đã huy động được sức mạnh tổng hợp của toàn xã hội hướng về người nghèo và các đối tượng chính sách khác, đóng góp tích cực vào chương trình giảm nghèo, an sinh xã hội trên địa bàn.
Thực hiện nguyên tắc giải ngân trực tiếp không qua cấp trung gian, NHCSXH chi nhánh tỉnh Đắk Lắk đã xây dựng hệ thống Điểm giao dịch tại xã với 183 Điểm giao dịch/184 xã, phường, tạo điều kiện thuận lợi cho hộ nghèo và các đối tượng chính sách tiếp cận được với nguồn vốn tín dụng ưu đãi của Chính phủ, tiết kiệm được rất nhiều thời gian cho người dân khi tới giao dịch với Ngân hàng.
Kết quả đạt được
Sau gần 5 năm triển khai thực hiện, Chỉ thị 40 đã tạo sự chuyển biến rõ nét về sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách xã hội, hoạt động của NHCSXH tỉnh Đắk Lắk đạt được nhiều kết quả tích cực. Cấp uỷ, chính quyền địa phương đã coi công tác lãnh đạo, chỉ đạo đối với hoạt động tín dụng chính sách xã hội là một trong những nhiệm vụ trong chương trình, kế hoạch hoạt động thường xuyên.
Nguồn vốn ngân sách địa phương được ưu tiên để bổ sung vốn cho vay hộ nghèo và đối tượng chính sách trên địa bàn. NHCSXH và tổ chức hội, đoàn thể các cấp đã thường xuyên phối hợp chặt chẽ trong quản lý vốn tín dụng chính sách; thường xuyên trao đổi, hướng dẫn các quy trình nghiệp vụ cho cán bộ làm công tác ủy thác; phân tích đánh giá những hạn chế trong công tác ủy thác để tập trung vào hướng dẫn những khâu còn yếu, kém. Đảng ủy, UBND các phường, xã, thị trấn hàng tháng đã xây dựng chương trình công tác tín dụng chính sách, xem hoạt động cho vay tín dụng chính sách là nòng cốt để thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững và xây dựng nông thôn mới trên địa bàn.
Đến thời điểm 30/6/2019, tổng nguồn vốn ủy thác từ ngân sách chuyển sang đạt 217,4 tỷ đồng. Kể từ khi Chỉ thị số 40 ra đời, nguồn vốn ngân sách địa phương chuyển sang NHCSXH chi nhánh để cho vay tăng 98 tỷ đồng; trong đó vốn từ ngân sách tỉnh tăng 48 tỷ đồng; 15 đơn vị cấp huyện đã chuyển vốn sang NHCSXH với số tiền 42 tỷ đồng; chi nhánh NHCSXH tỉnh trích bổ sung từ nguồn thu lãi 8 tỷ đồng.
Dư nợ tín dụng chính sách hàng năm tăng trưởng cao, năm 2015 tăng 9,2%, năm 2016 tăng 11,67%, năm 2017 tăng 8,49%, năm 2018 tăng 10,02%, đến 30/6/2019 tổng dư nợ đạt 4.656 tỷ đồng, phấn đấu đến cuối năm tăng trưởng đạt từ 8 - 10%. Chất lượng tín dụng được nâng lên rõ rệt, nợ quá hạn liên tục giảm, cuối năm 2014 tỷ lệ nợ quá hạn 0,45%, đến 30/6/2019 tỷ lệ nợ quá hạn giảm xuống còn 0,13%. Đến thời điểm cuối tháng 6/2019 đã có 60 xã không có nợ quá hạn, chiếm tỷ lệ 32,6%, tăng 53 xã so với trước khi có Chỉ thị 40; 424 hội đoàn thể cấp xã không có nợ quá hạn, chiếm tỷ lệ 62,35%, tăng 286 hội, đoàn thể; 6 hội, đoàn thể cấp huyện không có nợ quá hạn, chiếm tỷ lệ 10%.
Đối với nguồn vốn cấp huyện, kể từ khi có Chỉ thị số 40 đã có 100% huyện, thị xã, thành phố chuyển vốn từ ngân sách sang NHCSXH trên địa bàn để cho vay; Từ năm 2015-2019, đơn vị chuyển nhiều nhất là thành phố Buôn Ma Thuột 6,5 tỷ đồng; Krông Năng 5 tỷ đồng; Ea Kar 3,3 tỷ đồng; Krông Pắk 3,1 tỷ đồng…; huyện chuyển ít nhất là 1 tỷ đồng.
Đặc biệt, năm 2019, tỉnh Đắk Lắk đã bổ sung nguồn vốn từ ngân sách chuyển sang NHCSXH từ 12 tỷ đồng lên 20 tỷ đồng. Từ năm 2020 trở đi mỗi năm ngân sách tỉnh sẽ chuyển sang NHCSXH tỉnh tối thiểu 20 tỷ đồng bổ sung nguồn vốn cho vay các chương trình tín dụng chính sách.
Về cho vay ủy thác, đến 30/6/2019 dư nợ cho vay ủy thác thông qua các tổ chức chính trị - xã hội đạt 4.651 tỷ đồng, số hộ vay dư nợ 160.902 hộ; Kết quả huy động tiền gửi tiết kiệm Tổ TK&VV đạt 214 tỷ đồng; Trong đó dư nợ ủy thác thông qua Hội Nông dân 1,489 tỷ đồng, số hộ vay 51.379 hộ; huy động tiết kiệm 68 tỷ đồng; Hội Phụ nữ 1.537 tỷ đồng, số hộ vay 52.641 hộ, huy động tiết kiệm 76 tỷ đồng; Hội Cựu chiến binh 834 tỷ đồng, số hộ vay 28.885 hộ, huy động tiết kiệm 37 tỷ đồng; Đoàn Thanh niên 792 tỷ đồng, số hộ vay 27.997 hộ, huy động tiết kiệm 33 tỷ đồng.
Nguồn vốn cho vay tín dụng chính sách từ NHCSXH đã đến được với từng hộ dân vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn, góp phần ngăn chặn tệ cho vay nặng lãi ở khu vực nông thôn, tạo niềm tin cho người dân về sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, yên tâm lao động, sản xuất, tăng thu nhập, cải thiện cuộc sống, an cư lạc nghiệp, an ninh chính trị trên địa bàn tỉnh được đảm bảo, góp phần tích cực vào công cuộc xóa đói, giảm nghèo, an sinh xã hội, xây dựng nông thôn mới trên địa bàn.
Một số khó khăn, vướng mắc
Bên cạnh những kết quả đạt được, Công tác triển khai Chị thị 40 vẫn tồn tại một số khó khăn, hạn chế:
Một số địa phương còn chưa quan tâm đúng mức đến công tác quản lý nguồn vốn tín dụng chính sách trên địa bàn; công tác triển khai thực hiện Chỉ thị 40 còn chậm; công tác tuyên truyền về các chủ trương, chính sách tín dụng ưu đãi của Chính phủ, quy định của NHCSXH ở một số nơi còn chưa kịp thời.
Một số tổ chức ủy thác còn thiếu sâu sát, chưa thực sự chủ động thực hiện đầy đủ các nội dung công việc được ủy thác, không kiểm tra hoạt động của tổ TK&VV, lưu giữ hồ sơ chưa đầy đủ. Nợ quá hạn tiềm ẩn nguy cơ tăng, nhất là việc hộ vay bỏ đi khỏi nơi cư trú khó kiểm soát.
Thời hạn cho vay tối đa của chương trình hộ mới thoát nghèo còn thấp, chưa phù hợp với chu kỳ sản xuất kinh doanh để phát triển ngành nghề, hoạt động sản xuất chăn nuôi đại gia súc, trồng rừng, cây ăn quả, cây công nghiệp lâu năm.
Đối tượng thụ hưởng tại một số chương trình tín dụng như cho vay phát triển kinh tế - xã hội vùng dân tộc thiểu số và miền núi theo Quyết định số 2085/QĐ-TTg mới chỉ giới hạn cho hộ DTTS nghèo, các hộ DTTS có mức sống trung bình chưa được tiếp cận.
Giải pháp thực hiện hiệu quả Chỉ thị 40 trong thời gian tới
Hoạt động tín dụng chính sách sẽ tiếp tục là công cụ kinh tế hữu hiệu trong việc thực hiện mục tiêu giảm nghèo đa chiều, nhanh và bền vững của Đảng bộ và chính quyền các cấp tỉnh Đắk Lắk trong thời gian tới. Để nâng cao chất lượng hoạt động tín dụng chính sách xã hội, tỉnh Đắk Lắk đã xây dựng các giải pháp tiếp tục thực hiện có hiệu quả Chỉ thị số 40. Cụ thể:
- Tỉnh ủy Đắk Lắk tiếp tục chỉ đạo thực hiện hiệu quả Chỉ thị số 40 đến cấp ủy đảng các cấp trên địa bàn tỉnh, đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục bằng các hình thức phù hợp với điều kiện thực tế của từng địa phương, đơn vị, làm cho cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân nhận thức đúng đắn về vai trò, tầm quan trọng của tín dụng chính sách xã hội. Các cơ quan báo chí, truyền thông tăng cường công tác tuyên truyền về chính sách tín dụng ưu đãi của nhà nước, hướng dẫn công tác khuyến nông, kỹ thuật sản xuất cho hộ nghèo, hộ cận nghèo; phổ biến các mô hình vay vốn làm ăn hiệu quả, vươn lên thoát nghèo.
- Các cấp ủy đảng, chính quyền tổ chức thực hiện tốt chủ trương huy động các nguồn lực cho tín dụng chính sách xã hội gắn với phát triển nông nghiệp, nông thôn, phát triển giáo dục, dạy nghề, tạo việc làm, đảm bảo an sinh xã hội và giảm nghèo bền vững.
- Các tổ chức chính trị - xã hội nhận ủy thác phối hợp chặt chẽ với NHCSXH củng cố, nâng cao chất lượng hoạt động tín dụng chính sách xã hội; hướng dẫn bình xét đối tượng vay vốn; nâng cao chất lượng của Tổ TK&VV.
- Tập trung nguồn lực và hoàn thiện cơ chế, chính sách nhằm thực hiện hiệu quả tín dụng chính sách xã hội. Hàng năm, UBND tỉnh, UBND huyện chuyển vốn sang NHCSXH để cho vay hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác trên địa bàn.
- Cấp ủy, chính quyền địa phương tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động NHCSXH trên địa bàn; thực hiện chặt chẽ công tác điều tra, rà soát, bổ sung và xác nhận đúng đối tượng hộ nghèo, hộ cận nghèo để triển khai cho vay.
- Ban đại diện Hội đồng quản trị NHCSXH cấp tỉnh, cấp huyện tăng cường công tác kiểm tra, giám sát việc tổ chức thực hiện chủ trương chính sách của Đảng, Nhà nước về chính sách tín dụng ưu đãi đối với hộ nghèo, hộ cận nghèo và các đối tượng chính sách khác. Hạn chế thấp nhất các rủi ro trong hoạt động tín dụng chính sách xã hội.
Một số đề xuất, kiến nghị
- Đối với Chính phủ: Đề nghị Chính phủ xem xét, điều chỉnh tăng mức cho vay HSSV phù hợp với mức tăng học phí và giá cả thị trường trong từng thời kỳ; Nâng mức cho vay tối đa chương trình NS&VSMTNT đối với mỗi loại công trình từ 10 triệu đồng lên 20 triệu đồng/công trình/hộ.
Chương trình cho vay hộ sản xuất kinh doanh tại vùng khó khăn theo Quyết định 31/2007/QĐ-TTg: Đề nghị nâng mức cho vay tối đa từ 50 triệu đồng/hộ lên 100 triệu đồng/hộ và không phải thực hiện bảo đảm tiền vay; Với mức cho vay trên 100 triệu đồng đến 500 triệu đồng có bảo đảm tài sản.
Đề nghị cho phép tiếp tục thực hiện chương trình cho vay hộ mới thoát nghèo khi hết thời hạn quy định (31/12/2020); đồng thời cho phép kéo dài thời gian hộ gia đình được thụ hưởng chính sách tín dụng đối với hộ mới thoát nghèo kể từ khi ra khỏi danh sách hộ nghèo, hộ cận nghèo lên tối đa là 5 năm. Nâng thời hạn cho vay tối đa của chương trình cho vay hộ mới thoát nghèo lên 10 năm để phù hợp với chu kỳ sản xuất kinh doanh của các loại cây trồng, vật nuôi có thời gian sinh trưởng dài như trồng cây ăn quả, trồng cây công nghiệp.
- Đối với Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội: Đề nghị nghiên cứu, tham mưu trình Chính phủ xem xét, điều chỉnh lãi suất vay vốn từ Quỹ quốc gia về việc làm lên bằng lãi suất vay vốn đối với hộ cận nghèo theo từng thời kỳ do Thủ tướng Chính phủ quy định; nâng mức cho vay và thời hạn cho vay tối đa từ Quỹ quốc gia về việc làm cho phù hợp với nhu cầu vốn để phát triển sản xuất kinh doanh, tạo việc làm trong giai đoạn hiện nay.
TÀI LIỆU THAM KHẢO:
Báo cáo sơ kết tình hình thực hiện Chỉ thị số 40 của Tỉnh ủy Đăk Lăk
Báo cáo kết quả hoạt động 6 tháng đầu năm 2019 NHCSXH Đắk Lắk
Daklak.gov.vn
Baodansinh.vn
Phương Linh
Nguồn: TCNH Số 16/2019