Nguồn lực đất đai của Việt Nam vào loại thấp nhất trên thế giới nếu tính theo đầu người. Với hơn 33,1 triệu ha đất tự nhiên, trong đó có gần 28 triệu ha đất nông nghiệp (bao gồm cả 13,2 triệu ha đất rừng phòng hộ và đất rừng có mục đích sử dụng đặc biệt), Việt Nam đứng thứ 156 trên thế giới và thứ 9 trong số các quốc gia ASEAN về diện tích đất theo đầu người. Ngày 31/10/2012, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI đã ban hành Nghị quyết số 19-NQ/TW về tiếp tục đổi mới chính sách, pháp luật về đất đai trong thời kỳ đẩy mạnh toàn diện công cuộc đổi mới, tạo nền tảng để đến năm 2020 nước ta trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại (gọi tắt là Nghị quyết 19-NQ/TW).
Ngân sách Nhà nước (NSNN) là công cụ tài chính của Nhà nước, phục vụ thực hiện các chức năng và nhiệm vụ cụ thể của Nhà nước trong từng thời kỳ, trong đó có thực hiện chính sách về đất đai. Nhằm hỗ trợ thực hiện chính sách đất đai, Nhà nước thực hiện các chính sách: Thu thuế, chi NSNN trong các hoạt động như bồi thường giải phóng mặt bằng và các chính sách khác nhằm hỗ trợ người dân, doanh nghiệp bị thu hồi đất. Trong bài viết này, tác giả xin đề cập đến khía cạnh chi hỗ trợ từ NSNN trong công tác giải phóng mặt bằng; tái định cư; hỗ trợ vốn tái sản xuất; chuyển đổi, đào tạo việc làm mới và các khoản chi khác trong chính sách đất đai ở Việt Nam, đánh giá kết quả đạt được và những bất cập, hạn chế cần hoàn thiện, trên cơ sở đó, đề xuất một số nhóm giải pháp nhằm sử dụng hiệu quả vốn NSNN chi hỗ trợ thực hiện chính sách đất đai hiện nay.
Cần kiểm soát chặt chẽ việc sử dụng vốn NSNN hỗ trợ ổn định đời sống và sản xuất khi Nhà nước thu hồi đất
1. Kết quả đạt được của việc sử dụng vốn NSNN chi hỗ trợ thực hiện chính sách đất đai tại Việt Nam
Sử dụng vốn NSNN chi hỗ trợ thực hiện chính sách đất đai là quá trình sử dụng vốn NSNN đã được dự toán để thực hiện chính sách đất đai một cách hiệu quả.
Thực tế, thời gian qua, việc sử dụng vốn NSNN chi hỗ trợ thực hiện chính sách đất đai đã đóng góp vai trò quan trọng trong tổ chức thực hiện công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, giải phóng mặt bằng có hiệu quả, đúng quy định pháp luật. Cụ thể:
Công tác đền bù, giải phóng mặt bằng được nhiều tỉnh, thành phố xác định là nhiệm vụ trọng tâm hàng đầu. Việc tổ chức thực hiện công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, giải phóng mặt bằng trên địa bàn các tỉnh, thành phố có hiệu quả, đúng quy định pháp luật. Các văn bản pháp luật, chính sách về đất đai và thị trường bất động sản được ban hành đã từng bước xây dựng, hình thành và quản lý được thị trường bất động sản, trong đó có quyền sử dụng đất. Cơ chế xây dựng và quản lý giá trị quyền sử dụng đất, giá trị bất động sản gắn liền với đất được ban hành đã tạo hành lang pháp lý, môi trường kinh tế cho chi giải phòng mặt bằng và hỗ trợ người dân sau thu hồi đất.
Theo báo cáo công tác thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư của Bộ Tài nguyên và Môi trường tại 42 tỉnh (Hà Giang, Cao Bằng, Tuyên Quang, Yên Bái, Lạng Sơn, Quảng Ninh, Phú Thọ, Điện Biên, Lai Châu, Sơn La, Vĩnh Phúc, Hưng Yên, Hà Nam, Nam Định, Ninh Bình, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Khánh Hòa, Ninh Thuận, Kon Tum, Gia Lai, Đắk Lắk, Lâm Đồng, Tây Ninh, Bình Dương, Đồng Nai, Long An, Tiền Giang, Bến Tre, Vĩnh Long, Đồng Tháp, An Giang, Cần Thơ, Hậu Giang, Sóc Trăng, Bạc Liêu và Cà Mau), sau triển khai thi hành Luật Đất đai, tổng diện tích đất đã thu hồi thực hiện các dự án đầu tư là trên 2,1 triệu ha (trong đó, khoảng 1.594.485,38 ha đất nông nghiệp, 591.787,73 ha đất phi nông nghiệp và 2.304,11 ha đất chưa sử dụng); thực hiện bồi thường bằng đất với diện tích 13 nghìn ha (trong đó, bồi thường bằng đất ở là 250,50 ha, bằng đất nông nghiệp là 12.636,63 ha và bằng đất phi nông nghiệp là 135,71 ha).
Việc bồi thường tại các địa phương cho người có đất thu hồi chủ yếu được thực hiện theo hình thức chi trả bằng tiền. Đến nay, các tỉnh đã thực hiện chi trả bằng tiền với tổng số tiền hơn 46 nghìn tỷ đồng (trong đó, tiền bồi thường đất ở là 16.344,63 tỷ đồng, tiền bồi thường đất nông nghiệp là 25.282,70 tỷ đồng và tiền bồi thường đất phi nông nghiệp là 4.377,26 tỷ đồng). Đối với bồi thường tài sản gắn liền với đất có tổng số tiền gần 51,5 nghìn tỷ đồng (trong đó, tiền bồi thường nhà ở và công trình gắn liền với đất là 44.708,79 tỷ đồng), tiền hỗ trợ là 43.075,63 tỷ đồng (trong đó, hỗ trợ ổn định đời sống và sản xuất là 9.069,47 tỷ đồng; hỗ trợ đào tạo, chuyển đổi nghề và tìm kiếm việc làm gần 33.666 tỷ đồng; hỗ trợ tái định cư là 820,24,83 tỷ đồng và hỗ trợ khác là 3.279,64 tỷ đồng). Việc bố trí tái định cư tại các địa phương được thực hiện bằng việc giao đất ở hoặc nhà ở với tổng diện tích đất ở để bố trí tái định cư khoảng 567,40 ha cho 25.770 hộ gia đình, cá nhân (bình quân 220,18 m2/hộ) và diện tích nhà để bố trí tái định cư là 29.745 m2 cho 347 hộ gia đình, cá nhân. Đối với các hộ gia đình, cá nhân tự lo chỗ ở thì được Nhà nước hỗ trợ tiền để tự tìm chỗ ở tái định cư.
2. Những bất cập, hạn chế trong việc sử dụng vốn NSNN chi hỗ trợ thực hiện chính sách đất đai tại Việt Nam
Bên cạnh kết quả đạt được nêu trên, thực tế công tác chi hỗ trợ thực hiện chính sách đất đai cũng bộc lộ những bất cập, hạn chế cần hoàn thiện để đáp ứng được yêu cầu quản lý, đảm bảo quyền lợi và sự công bằng cho các đối tượng liên quan trong công tác quản lý đất đai, đặc biệt là công tác thu hồi đất, đền bù, giải phóng, mặt bằng,... thể hiện trên các khía cạnh sau:
Thứ nhất, mức bồi thường bằng tiền khi Nhà nước thu hồi đất chưa thực sự phù hợp.
Theo quy định của Luật Đất đai năm 2013, việc định giá đất cụ thể để tính bồi thường khi Nhà nước thu hồi đất được xác định trên cơ sở “giá đất phổ biến trên thị trường”, tuy nhiên, để xác định một cách đầy đủ giá đất phổ biến trên thị trường trong điều kiện bình thường là việc rất khó khăn khi thị trường bất động sản chưa thực sự hoạt động công khai, minh bạch; các cơ quan quản lý Nhà nước gặp nhiều khó khăn trong thực hiện việc theo dõi, giám sát và tổng hợp được đầy đủ, chính xác và kịp thời các thông tin giao dịch về quyền sử dụng đất trên từng địa bàn, nhất là đối với đất ở. Vấn đề thu hồi và đền bù giá đất không thỏa đáng cũng là nguyên nhân nảy sinh các “nhóm lợi ích” tiêu cực, khiến dư luận bức xúc. Dù việc xác định giá đất cụ thể được quy định do một tổ chức tư vấn độc lập đưa ra về giá đất thực hiện, nhưng hội đồng thẩm định giá lại do ủy ban nhân dân cấp tỉnh thành lập, là cơ quan có thẩm quyền xem xét và trình lên ủy ban nhân dân cấp tỉnh ra quyết định. Đây chính là tình trạng “vừa đá bóng, vừa thổi còi”, khi ủy ban nhân dân cấp tỉnh vừa có thẩm quyền ra quyết định thu hồi đất, lại quyết định về giá đất cụ thể làm căn cứ tính tiền bồi thường về đất, đồng thời vừa phê duyệt phương án bồi thường, hỗ trợ tái định cư cho người bị thu hồi đất; như thế, ở mức độ nhất định, không bảo đảm tính khách quan.
Thứ hai, về các chính sách hỗ trợ khi Nhà nước thu hồi đất.
Luật Đất đai (Điều 83) đã quy định rõ về các chính sách hỗ trợ cho người sử dụng đất có đất bị thu hồi, nhưng trên thực tế, việc thực hiện được rất khó khăn, đặc biệt là trong chính sách hỗ trợ đào tạo, chuyển đổi nghề và tìm kiếm việc làm. Cụ thể, theo phản ánh của nhiều địa phương, trong quá trình triển khai thực hiện chính sách cho người dân có đất bị thu hồi còn phát sinh vướng mắc như về chính sách hỗ trợ cho người dân để xác định, lựa chọn việc làm, lựa chọn hướng chuyển đổi nghề nghiệp, việc tổ chức đào tạo nghề đối với người dân bị thu hồi đất là rất khó; trên thực tế, nhiều hộ gia đình, cá nhân bị thu hồi đất sản xuất không thực hiện được việc chuyển đổi ngành nghề, nhiều hộ gia đình, địa phương còn lúng túng trong việc xác định, lựa chọn ngành nghề để chuyển đổi.
Trong khi các cơ sở sản xuất kinh doanh nhiều địa bàn còn rất hạn chế trong việc tiếp nhận, tuyển dụng lao động của địa phương, nhất là các đối tượng bị thu hồi đất để thực hiện dự án khi dự án đi vào hoạt động. Bên cạnh đó, số người trong độ tuổi lao động bị thu hồi đất phần lớn là lao động phổ thông, trình độ kỹ thuật thấp, không đáp ứng được nhu cầu lao động trong môi trường công nghiệp hoặc lao động kỹ thuật cao.
Vấn đề tái định cư còn chậm, chưa được quan tâm. Khi thực hiện thu hồi đất ở, việc bố trí tái định cư còn nhiều hạn chế, chưa đảm bảo kịp thời chỗ ở cho người có đất bị thu hồi, các khu nhà ở tái định cư còn kém về chất lượng và hạn hẹp về diện tích.
Cơ chế hỗ trợ tiền thuê nhà ở (cho hộ kinh doanh, buôn bán), đơn giá bồi thường và cơ chế bồi thường, hỗ trợ khi thu hồi đất nông nghiệp vẫn còn thấp, nhất là khu vực đô thị; chưa có cơ chế hỗ trợ tích cực khi thu hồi đất nông nghiệp, đất ở của hộ gia đình có diện tích lớn, một bộ phận người dân chưa đồng thuận cao trong việc bồi thường, hỗ trợ, tái định cư.
Thứ ba, việc triển khai tổ chức chi đền bù giải phóng mặt bằng chưa có sự thống nhất, tạo sơ hở cho việc lợi dụng trong áp dụng chính sách giá đền bù giải phóng mặt bằng.
Mặc dù Luật Đất đai năm 2013 và các văn bản hướng dẫn thi hành đã quy định cụ thể về công tác thu hồi đất, bồi thường và giải phóng mặt bằng, tuy nhiên, trên thực tế, công tác này khi thực hiện vẫn chưa tuân thủ được hoàn toàn theo quy định. Có nơi, có lúc còn xảy ra tình trạng cơ quan chức năng mập mờ trong quy hoạch, kế hoạch và tổ chức thực hiện đã gây ra nhiều khó khăn trong công tác giải phóng mặt bằng, ảnh hưởng tới sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, đồng thời gây ra nhiều bức xúc trong dư luận nhân dân. Công tác giải phóng mặt bằng vẫn là công việc có rất nhiều khó khăn, phức tạp và còn bộc lộ một số hạn chế, yếu kém, trong đó có việc triển khai tổ chức chi đền bù giải phóng mặt bằng chưa có sự thống nhất, tạo sơ hở cho việc lợi dụng việc áp dụng chính sách giá đền bù giải phóng mặt bằng.
Thứ tư, trong triển khai tổ chức giải ngân đầu tư công còn chậm trễ gây bức xúc cho người dân trong quá trình thu hồi đất, giải phóng mặt bằng.
Về thu hồi đất, hiện nay, vướng mắc lớn nhất liên quan đến giải ngân đầu tư công. Thực tiễn cho thấy, nguyên nhân chủ yếu do khâu quản lý Nhà nước ở địa phương về đất đai; không có cơ sở dữ liệu; xác định giá trị đền bù giải phóng mặt bằng không hết; định giá không thống nhất… Theo quy định hiện nay, các doanh nghiệp đứng ra tự thỏa thuận đền bù là rất khó khăn; phải nghiên cứu vấn đề này nếu không sẽ rất vướng, kể cả trong đầu tư công, đầu tư tư nhân, đầu tư nước ngoài thì giải phóng mặt bằng, thu hồi đất rất khó.
Thứ năm, chưa quy định nguyên tắc thống nhất trong chi trả tiền bồi thường, hỗ trợ.
Điều 93 Luật Đất đai năm 2013 là một quy định mới, đảm bảo quyền lợi của người có đất thu hồi trong nhận tiền bồi thường, hỗ trợ: “Trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày quyết định thu hồi đất của cơ quan nhà nước có thẩm quyền có hiệu lực thi hành, cơ quan, tổ chức có trách nhiệm bồi thường phải chi trả tiền bồi thường, hỗ trợ cho người có đất thu hồi”. Tuy nhiên, quy định chưa xác định rõ trách nhiệm hoàn tất việc chi trả trong thời gian trên hay có thể chi trả tiền bồi thường, hỗ trợ thành nhiều đợt.
Thứ sáu, chi giải phóng mặt bằng chưa đảm bảo lợi ích của Nhà nước, người dân và chủ đầu tư
Luật Đất đai cho phép áp dụng hai cơ chế thu hồi đất: Một là, Nhà nước thu hồi đất (chuyển dịch đất đai bắt buộc); hai là, tự thỏa thuận giữa nhà đầu tư và người sử dụng đất (chuyển dịch đất đai tự nguyện).
Điều này tạo ra sự chênh lệch lớn về giá đất khi thu hồi và đền bù, tạo ra sự bất bình đẳng trong việc bồi thường cho người sử dụng đất, gây nên nhiều tranh chấp, khiếu kiện về đất đai. Đối với chuyển dịch đất đai bắt buộc, hệ quả tiêu cực là sự xung đột lợi ích dẫn đến tình trạng khiếu nại, khiếu kiện đông người ở mức độ cao (chiếm tới 70% tổng lượng khiếu nại, khiếu kiện).
Công khai và tuyên truyền sâu rộng cho người dân kế hoạch tổ chức triển khai thực hiện bồi thường, hỗ trợ tái định cư phù hợp với từng địa phương, từng khu vực nhằm tạo sự đồng thuận và phối hợp chặt chẽ của người dân trong tổ chức thực hiện bồi thường, đền bù, giải phóng mặt bằng.
|
3. Một số giải pháp nhằm sử dụng hiệu quả vốn NSNN chi hỗ trợ thực hiện chính sách đất đai tại Việt Nam
3.1. Nâng cao hiệu quả sử dụng vốn NSNN chi bồi thường giải phóng mặt bằng
Nâng cao hiệu quả quản lý chặt chẽ quy trình chi NSNN cho việc tổ chức thực hiện bồi thường, hỗ trợ, tái định cư và cưỡng chế kiểm đếm, cưỡng chế thu hồi đất, bao gồm:
Thứ nhất, chi tổ chức thực hiện bồi thường, hỗ trợ, tái định cư với khung giá đất phù hợp với nguyên tắc thị trường, đảm bảo quyền lợi và sinh kế của người dân sau thu hồi đất; áp dụng nguyên tắc đồng thuận theo đa số.
Chi bồi thường đền bù đất đai khi Nhà nước thu hồi đất cần đảm bảo và tuân thủ nguyên tắc khi Nhà nước lấy đất thì bồi thường bằng đất cùng loại, nếu không có đất cùng loại thì bồi thường bằng tiền với giá trị tương đương (coi đất đai là tài sản có thể được trả thay bằng tiền bồi thường để mua được một thửa đất tương đương) để đảm bảo quyền lợi và sự bình đẳng cho người có đất bị thu hồi; hài hòa lợi ích giữa Nhà nước, người có đất bị thu hồi, nhà đầu tư thực hiện các dự án; hạn chế khiếu nại, tố cáo trong công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất.
Thứ hai, xây dựng kế hoạch tổ chức triển khai thực hiện bồi thường, hỗ trợ tái định cư phù hợp với từng địa phương, từng khu vực, nâng cao hiệu quả chi tổ chức thực hiện bồi thường, đền bù, giải phóng mặt bằng.
Để công tác chi tổ chức thực hiện bồi thường, hỗ trợ, tái định cư đảm bảo quyền lợi của các bên liên quan, bao gồm Nhà nước, nhà đầu tư và người dân thì cần xây dựng kế hoạch tổ chức triển khai thực hiện bồi thường, hỗ trợ tái định cư phù hợp với từng địa phương, từng khu vực và tiếp cận quan điểm ngoài ý nghĩa là tài sản, đất đai còn là tài nguyên thiên nhiên, tư liệu sản xuất và nguồn sống của con người.
Bên cạnh đó, cần có một số cơ chế hỗ trợ tích cực khi thu hồi đất nông nghiệp, đất ở của hộ gia đình có diện tích lớn, một bộ phận người dân chưa đồng thuận cao trong việc bồi thường, hỗ trợ, tái định cư. Cần xây dựng giá đất tại khu tái định cư tương đối phù hợp so với giá đất bồi thường, nhất là khu vực nông thôn để đảm bảo công tác bố trí tái định cư, đảm bảo cho người dân ổn định cuộc sống. Đồng thời, có cơ chế hỗ trợ tiền thuê nhà ở (cho hộ kinh doanh, buôn bán), đơn giá bồi thường và cơ chế bồi thường, hỗ trợ khi thu hồi đất nông nghiệp phù hợp với giá thị trường, nhất là khu vực đô thị.
Thứ ba, đẩy mạnh việc triển khai, rút ngắn thời gian thực hiện quy trình chi tổ chức thực hiện bồi thường, hỗ trợ, tái định cư.
Chi tổ chức thực hiện bồi thường, hỗ trợ, tái định cư bao gồm ba giai đoạn: Lập dự toán, sử dụng và thanh quyết toán kinh phí tổ chức thực hiện bồi thường, hỗ trợ, tái định cư và cưỡng chế kiểm đếm, cưỡng chế thu hồi đất. Nhằm đẩy mạnh việc triển khai, rút ngắn thời gian thực hiện quy trình chi, tổ chức thực hiện bồi thường, hỗ trợ, tái định cư thì công tác lập dự toán kinh phí tổ chức thực hiện bồi thường, hỗ trợ, tái định cư; công tác cấp, phát, chi trả kinh phí tổ chức thực hiện bồi thường, hỗ trợ, tái định cư và quyết toán kinh phí tổ chức thực hiện bồi thường, hỗ trợ, tái định cư cần được triển khai nhanh.
Thứ tư, công khai và tuyên truyền sâu rộng cho người dân kế hoạch tổ chức triển khai thực hiện bồi thường, hỗ trợ tái định cư phù hợp với từng địa phương, từng khu vực nhằm tạo sự đồng thuận và phối hợp chặt chẽ của người dân trong tổ chức thực hiện bồi thường, đền bù, giải phóng mặt bằng.
Trong quá trình tham vấn lấy ý kiến của người bị thu hồi đất tại một số địa phương, Tổ chức Liên minh đất đai (LANDA) cho biết: Hầu hết ý kiến của người dân tại các địa phương tổ chức lấy ý kiến đều cho rằng, quá trình thực hiện thu hồi đất luôn thiếu minh bạch, người dân luôn bị đặt vào thế bị động, thậm chí là ép buộc di dời và mất chỗ ở. Số tiền mà có người được đền bù bồi thường, thậm chí không đủ để mua một suất ở tái định cư. Họ cũng mất cả sinh kế từ nông nghiệp mà gần như không có cơ hội tìm sinh kế mới. Do đó, cần công khai và tuyên truyền sâu rộng cho người dân kế hoạch tổ chức triển khai thực hiện bồi thường, hỗ trợ tái định cư phù hợp với từng địa phương, từng khu vực nhằm tạo sự đồng thuận và phối hợp chặt chẽ của người dân trong tổ chức thực hiện bồi thường, đền bù, giải phóng mặt bằng. Đồng thời, cần thực hiện khảo sát lấy ý kiến của toàn bộ cộng đồng dân cư địa phương, không chỉ lấy ý kiến của người bị thu hồi đất để đảm bảo quyền lợi cho tất cả mọi người dân trên địa bàn.
3.2. Kiểm soát chặt chẽ việc sử dụng vốn NSNN hỗ trợ ổn định đời sống và sản xuất khi Nhà nước thu hồi đất
Cần kiểm soát chặt chẽ việc sử dụng vốn NSNN hỗ trợ ổn định đời sống và sản xuất khi Nhà nước thu hồi đất thực hiện việc chi trả tiền bồi thường, hỗ trợ đền bù giải phóng mặt bằng. Cần bố trí đủ nguồn vốn để khi thực hiện thu hồi đất ở, việc bố trí tái định cư đảm bảo kịp thời chỗ ở cho người có đất bị thu hồi, các khu nhà ở tái định cư đảm bảo điều kiện sống ổn định. Đối với hộ gia đình, cá nhân được bồi thường bằng đất nông nghiệp, cần chi hỗ trợ cây trồng, giống vật nuôi cho sản xuất nông nghiệp; các dịch vụ khuyến nông, khuyến lâm, dịch vụ bảo vệ thực vật, thú y, kỹ thuật trồng trọt, chăn nuôi và kỹ thuật nghiệp vụ đối với sản xuất, kinh doanh dịch vụ công thương nghiệp. Đối với tổ chức kinh tế, hộ gia đình, cá nhân sản xuất, kinh doanh thì chi hỗ trợ ổn định sản xuất bằng tiền với mức cao nhất bằng 30% một năm thu nhập sau thuế, theo mức thu nhập bình quân của 03 năm liền kề trước đó.
3.3. Sử dụng hiệu quả vốn NSNN hỗ trợ đào tạo nghề và chuyển đổi việc làm
Đất đai là tư liệu sản xuất quan trọng đối với người dân. Do đó, khi bị thu hồi đất thì việc hỗ trợ chuyển đổi việc làm là thực sự quan trọng. Giải quyết tốt được công tác này chính là ổn định tâm lý, xóa bỏ những bức xúc trong dư luận xã hội và tình trạng khiếu kiện kéo dài đối với công tác quản lý đất đai ở nhiều địa phương thời gian qua.
Để thực hiện được mục tiêu hỗ trợ đào tạo nghề và chuyển đổi việc làm cho người dân bị thu hồi đất thì nguồn vốn NSNN hỗ trợ cho hoạt động này cần được sử dụng hiệu quả, trong đó, cần chú trọng một số biện pháp
như sau:
- Cần có sự rà soát về trình độ tiếp cận nghề nghiệp mới, nhu cầu lao động của địa phương, lựa chọn và đưa ra yêu cầu đối với các đơn vị đào tạo, bồi dưỡng để thực sự gắn công tác đào tạo nghề sát đúng với nhu cầu, yêu cầu về lao động của các đơn vị tuyển dụng, đảm bảo hiệu quả chi của các khoản hỗ trợ từ NSNN cho hỗ trợ đào tạo nghề và chuyển đổi việc làm cho người dân bị thu hồi đất.
- Có cơ chế giám sát, đánh giá hiệu quả các khoản chi hỗ trợ đào tạo nghề và chuyển đổi việc làm, đảm bảo người dân bị thu hồi đất có được một nghề đảm bảo cuộc sống của mình.
3.4. Xây dựng, quản lý, khai thác, vận hành hiệu quả cơ sở dữ liệu đất tại địa phương, cơ sở dữ liệu quản lý đất đai tổng thể của quốc gia, theo vùng và theo yêu cầu quản lý
Cùng với sự phát triển của công nghệ, trong thời đại công nghiệp 4.0 và kinh tế số, cũng như thực tiễn yêu cầu quản lý, hoàn thiện đối với công tác quản lý đất đai từ nâng cao hiệu quả sử dụng vốn NSNN đối với chi hỗ trợ thực hiện chính sách đất đai thì cơ sở dữ liệu đất tại địa phương, cơ sở dữ liệu quản lý đất đai có vai trò thực sự quan trọng. Đây có thể coi là yếu tố nền tảng để thực hiện nâng cao năng lực, hiệu quả quản lý đất đai nói chung và sử dụng hiệu quả vốn NSNN nói riêng. Để thực hiện được yêu cầu nêu trên, cần xây dựng, quản lý, khai thác, vận hành hiệu quả cơ sở dữ liệu đất tại địa phương, cơ sở dữ liệu quản lý đất đai tổng thể của quốc gia, theo vùng. Cụ thể:
- Các địa phương cần thực hiện thống kê, rà soát, đẩy nhanh tiến độ xây dựng cơ sở dữ liệu đất đai ở địa phương, sau khi hoàn thành phải đưa ngay vào vận hành khai thác để phục vụ công tác quản lý Nhà nước về đất đai; cung cấp dịch vụ thông tin, dữ liệu đất đai cho người dân, doanh nghiệp; sẵn sàng tích hợp, cập nhật vào cơ sở dữ liệu đất đai quốc gia, tránh lãng phí, đảm bảo hiệu quả đầu tư.
- Xây dựng cơ sở dữ liệu đất đai đã và đang triển khai tại địa phương, các loại tài liệu phải đảm bảo chính xác phù hợp với hiện trạng đang sử dụng để tránh chồng chéo, lãng phí. Đồng thời, tổ chức rà soát, đánh giá, đảm bảo tính đầy đủ, tính pháp lý, tính chính xác của thông tin, tài liệu, dữ liệu đầu vào, tuân thủ đúng quy trình thu thập, phân loại, lựa chọn loại tài liệu, dữ liệu có thời điểm lập mới nhất, có đầy đủ thông tin nhất, có giá trị pháp lý cao nhất để xây dựng cơ sở dữ liệu đất đai theo quy định tại sổ tay hướng dẫn thực hiện dự án, không vì khối lượng mà sử dụng các tài liệu không phù hợp với hiện trạng quản lý, sử dụng đất của các địa phương.
- Xây dựng hệ thống thông tin đất đai quốc gia đa mục tiêu trên cơ sở kiến trúc hệ thống, hạ tầng đồng bộ, phần mềm thống nhất trên toàn quốc. Hoàn thiện và vận hành cơ sở dữ liệu đất đai quốc gia (gồm dữ liệu địa chính, dữ liệu quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, dữ liệu giá đất, dữ liệu thống kê, kiểm kê đất đai) phục vụ công tác quản lý đất đai, cung cấp dịch vụ công về đất đai và chia sẻ thông tin đất đai với các ngành có liên quan như thuế, công chứng, ngân hàng,… đồng bộ việc xây dựng cơ sở dữ liệu đất đai, trang bị hệ thống thông tin đất đai đa mục tiêu cấp tỉnh, hiện đại hóa tổ chức cung cấp dịch vụ công về đất đai.
Đất đai là tư liệu sản xuất đặc biệt, giữ vai trò rất quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội và sự ổn định đời sống của người dân. Với cách tiếp cận và nhìn nhận từ góc độ chi NSNN hỗ trợ thực hiện các chính sách đất đai và đề xuất các giải pháp cụ thể nêu trên nhằm nâng cao hiệu quả sử dụng vốn NSNN chi hỗ trợ thực hiện chính sách đất đai, tác giả bài viết mong muốn được góp một phần nhỏ vào việc hoàn thiện các chính sách thực thi quản lý đất đai nói chung và chính sách tài chính đất đai nói riêng, góp phần đẩy mạnh toàn diện công cuộc đổi mới, phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam.
TÀI LIỆU THAM KHẢO:
1. Luật Đất đai năm 2013.
2. Nghị quyết số 19-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI về tiếp tục đổi mới chính sách, pháp luật về đất đai trong thời kỳ đẩy mạnh toàn diện công cuộc đổi mới, tạo nền tảng để đến năm 2020 nước ta trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại.
3. Bộ Tài nguyên và Môi trường, năm 2020, Báo cáo công tác thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư của 42 tỉnh, thành phố.
4. World Bank, B2013, Báo cáo Cải thiện quản trị đất đai tại Việt Nam.
PGS., TS. Phạm Ngọc Dũng
Học viện Tài chính