1. Giới thiệu
Tự do hợp đồng là một trong các nguyên tắc cơ bản của pháp luật hợp đồng. Ở Việt Nam, nguyên tắc này được quy định tại khoản 2 Điều 3 Bộ luật Dân sự năm 2015 và được thể hiện trong các văn bản quy phạm pháp luật chuyên ngành khác. Tuy nhiên, tư duy này không phải được tuyệt đối hóa trong mọi hoàn cảnh bởi lẽ bản chất mỗi con người luôn muốn tối đa hóa lợi ích mà họ nhận được và chính nhu cầu này có thể làm ảnh hưởng đến lợi ích chính đáng, hợp pháp của người khác và của xã hội. Vị thế xã hội, khả năng thống lĩnh thị trường, tiềm lực kinh tế khác nhau,… có thể dẫn đến việc bất cân xứng giữa các bên trong quan hệ hợp đồng và việc xuất hiện các điều khoản tuy mang “vỏ bọc tự do thỏa thuận” nhưng lại không tự nguyện đúng nghĩa, các điều khoản này được gọi là các điều khoản không công bằng (unfair contract terms) bởi không cân bằng quyền, nghĩa vụ của các bên.
Hiện nay, hợp đồng tín dụng đa phần được soạn sẵn theo mẫu bởi các TCTD có phần bất cân xứng giữa bên vay và TCTD. Trong phạm vi bài viết, tác giả thực hiện nghiên cứu tập trung các vấn đề sau: (i) Làm rõ quy định pháp luật hiện hành bảo vệ quyền lợi của bên vay trong hợp đồng tín dụng theo mẫu; (ii) Khuyến nghị các giải pháp nhằm bảo vệ quyền lợi của bên vay trong hợp đồng tín dụng theo mẫu dựa trên sự phân tích các quy định pháp luật.
2. Quy định pháp luật hiện hành nhằm bảo vệ quyền lợi của bên vay trong hợp đồng tín dụng theo mẫu
2.1. Lẽ công bằng trong hợp đồng tín dụng theo mẫu và nghĩa vụ minh bạch thông tin
Lẽ công bằng trong hợp đồng tín dụng theo mẫu
Hợp đồng theo mẫu được định nghĩa là “hợp đồng gồm những điều khoản do một bên đưa ra theo mẫu để bên kia trả lời trong một thời gian hợp lý; nếu bên được đề nghị trả lời chấp nhận thì coi như chấp nhận toàn bộ nội dung hợp đồng theo mẫu mà bên đề nghị đã đưa ra”1. Điều này đồng nghĩa với việc hợp đồng mẫu được thực hiện theo phương thức giao kết “take it or leave it” - đồng ý hoặc không đồng ý, dẫn đến ít có cơ hội hơn khi thương lượng về các điều khoản theo hướng có lợi hơn cho người nhận được hợp đồng mà bên còn lại đưa ra.
“Đặc điểm chung của các hợp đồng mẫu là hàm chứa các điều khoản soạn sẵn, không được thương lượng giữa hai bên (non-negotiable) và được áp dụng cho nhiều lần giao dịch… Vì vậy nói đến pháp luật về hợp đồng mẫu là nói đến pháp luật về điều khoản hợp đồng soạn sẵn”2.
Đối với hoạt động cấp tín dụng, hợp đồng tín dụng theo mẫu được áp dụng vô cùng phổ biến và chính điều này làm nảy sinh vấn đề về tính cân bằng quyền lợi của các điều khoản trong loại hợp đồng này khi các TCTD soạn sẵn để áp dụng nhiều lần cho nhiều khách hàng vay vốn tại các tổ chức này.
Cùng với nguyên tắc tuân theo các thỏa thuận đã ký kết trong hợp đồng, nguyên tắc đảm bảo cân bằng lợi ích là xu hướng mà pháp luật hợp đồng hướng đến để đảm bảo tính công bằng trong loại hợp đồng theo mẫu nói chung và hợp đồng tín dụng theo mẫu nói riêng.
Khi áp dụng hợp đồng tín dụng theo mẫu, một điều chắc chắn rằng, TCTD luôn mong muốn tối đa hóa lợi ích của mình khi thực hiện hoạt động cấp tín dụng cho khách hàng. Khó có thể loại trừ khả năng TCTD - bên cho vay sẽ đưa ra các điều khoản nhằm tăng lợi ích, giảm nghĩa vụ cho mình và tăng trách nhiệm, giảm quyền lợi cho bên vay.
Một điều có thể nhận thấy ở đa phần các hợp đồng tín dụng theo mẫu, khả năng tiếp cận để hiểu thấu đáo tất cả các điều khoản của hợp đồng tín dụng theo mẫu của bên vay còn hạn chế bởi ngôn ngữ sử dụng, từ ngữ chuyên ngành, số trang hợp đồng khá nhiều, cỡ chữ của các hợp đồng tín dụng đa phần khá nhỏ,… Bên cạnh đó, có thể có những trường hợp vì mục tiêu trước mắt của bên vay là cần vốn cho nhu cầu cấp bách nên quyết định ký kết hợp đồng nhưng thực chất không hiểu rõ nghĩa vụ mình bị ràng buộc đến đâu với các điều khoản của hợp đồng tín dụng theo mẫu đó.
Hợp đồng là sự tự do thỏa thuận giữa các bên nhưng điều đó không đồng nghĩa với việc pháp luật không có sự can thiệp, đặc biệt là đối với các trường hợp hợp đồng tín dụng theo mẫu. Hướng sự quan tâm đến bên yếu thế chịu sự ràng buộc của loại hợp đồng này, pháp luật hiện hành có các quy định về hợp đồng mẫu tại Điều 405 Bộ luật Dân sự năm 2015, Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng năm 2010 đối với trường hợp vay tiêu dùng của khách hàng vay theo hợp đồng tín dụng theo mẫu, các văn bản hướng dẫn của Luật Các TCTD năm 2010 như Thông tư số 39/2016/TT-NHNN ngày 30/12/2016 của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) quy định về hoạt động cho vay của TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài đối với khách hàng; Thông tư số 14/2017/TT-NHNN ngày 29/9/2017 của Thống đốc NHNN quy định về phương pháp tính lãi trong hoạt động nhận tiền gửi, cấp tín dụng giữa TCTD với khách hàng; Thông tư số 18/2019/TT-NHNN ngày 04/11/2019 của Thống đốc NHNN về sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 43/2016/TT-NHNN ngày 30/12/2016 của Thống đốc NHNN quy định cho vay tiêu dùng của công ty tài chính; Nghị định số 99/2011/NĐ-CP ngày 27/10/2011 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. Các văn bản này cơ bản thiết lập khung pháp lý để bảo vệ quyền lợi của bên vay trong hợp đồng tín dụng theo mẫu hiện nay.
Nghĩa vụ minh bạch thông tin của TCTD
Có thể nói, vấn đề được quan tâm hàng đầu trong việc đi đến ký kết hợp đồng chính là việc tiếp nhận thông tin đầy đủ để từ đó các bên cân nhắc, cẩn trọng quyền và nghĩa vụ khi chịu sự ràng buộc bởi hợp đồng. Một mặt, bên vay có thể là bên “thiếu” thông tin vì hợp đồng tín dụng theo mẫu được TCTD đưa ra, TCTD là người “cầm đằng cán”, như vậy, nhu cầu về thông tin là nhu cầu mà các khách hàng luôn mong muốn được tiếp nhận đầy đủ, chính xác trước khi ràng buộc vào quan hệ cấp tín dụng này với TCTD. Mặt khác, TCTD cũng là bên cần tìm kiếm thông tin từ bên có nhu cầu vay bởi trước khi giải ngân khoản vay, TCTD phải biết được “tài chính” của họ được “trao” cho chủ thể nào, khả năng thu hồi vốn có khả thi hay không, và thực hiện việc phương thức phù hợp để bảo đảm khoản vay.
Tuy nhiên, trong mối quan hệ này, pháp luật ngân hàng cũng như các quy định khác nhận thấy bên vay là bên cần được quan tâm hơn vì khả năng đàm phán đối với bên vay trong hợp đồng tín dụng theo mẫu ít hơn, đặc biệt đối với hợp đồng tín dụng tiêu dùng theo mẫu. Đó là lý do pháp luật ngân hàng có sự điều chỉnh đối với hợp đồng tín dụng theo mẫu phù hợp với quy định tại khoản 1 Điều 405 Bộ luật Dân sự năm 2015, cụ thể: Thông tư số 39/2016/TT-NHNN quy định TCTD sử dụng hợp đồng tín dụng theo mẫu phải niêm yết công khai hợp đồng theo mẫu, điều kiện giao dịch chung3, đồng thời, “cung cấp đầy đủ thông tin về hợp đồng theo mẫu, điều kiện giao dịch chung cho khách hàng biết trước khi ký kết thỏa thuận cho vay và có xác nhận của khách hàng4.
Quy định này đảm bảo tính hợp lý. Đồng thời, cần chú ý rằng TCTD còn phải công khai “điều kiện giao dịch chung” về cho vay. Điều kiện giao dịch chung thường không nằm ngay trong hợp đồng mà có thể được quy định trong các văn bản riêng miễn là bên cung cấp dịch vụ công bố công khai.
Tuy nhiên, vấn đề cần lưu ý quy định tại khoản 4 Điều 23 Thông tư số 39/2016/TT-NHNN là việc dù có quy định về vấn đề niêm yết hợp đồng tín dụng theo mẫu nhưng qua khảo sát trang thông tin điện tử của TCTD, không phải mọi TCTD đều tuân thủ đúng quy định này. Vấn đề này đặt ra yêu cầu về cơ chế xử lý các TCTD chưa tuân thủ đúng quy định trên thực tiễn.
Bên cạnh đó, Thông tư số 39/2016/TT-NHNN đã xác định trách nhiệm cung cấp “đầy đủ” thông tin là điều kiện bắt buộc5 phải thực hiện “trước khi” khách hàng và TCTD ký kết hợp đồng tín dụng theo mẫu, việc chứng minh cho TCTD đã thực hiện đúng trách nhiệm này thể hiện bằng việc "có xác nhận" của khách hàng. Thông thường, cuối hợp đồng tín dụng theo mẫu, các TCTD sẽ thêm câu thể hiện khách hàng đã đọc, hiểu và được TCTD cung cấp đầy đủ thông tin. Liệu rằng, cách thức thực hiện như vậy có đảm bảo quyền được thông tin của bên vay hay không? Bởi lẽ, việc cung cấp thông tin cần được cụ thể hóa bằng việc TCTD minh chứng bởi các tài liệu đính kèm hoặc được liệt kê trong hợp đồng tín dụng theo mẫu. Như vậy sẽ khắc phục trường hợp các TCTD chỉ dùng một câu cam kết trong hợp đồng để xác minh hoàn thành trách nhiệm, dù thực tế có thể TCTD không thực hiện đúng quy định này.
Bên cạnh quy định chung về nghĩa vụ thông tin của TCTD, Thông tư số 14/2017/TT-NHNN cụ thể hóa việc minh bạch thông tin thông qua công bố lãi suất như phương pháp tính lãi và mức lãi suất tính lãi; nguyên tắc và các yếu tố để xác định lãi suất điều chỉnh và tại thời điểm điều chỉnh lãi suất, TCTD phải thông báo cho khách hàng về mức lãi suất cụ thể được điều chỉnh; phải có xác nhận của khách hàng về việc đã được TCTD cung cấp đầy đủ thông tin khi pháp luật có quy định6.
Lãi suất là vấn đề mà bất kỳ chủ thể nào khi tìm đến các TCTD để vay vốn đều mong muốn được biết rõ về lãi áp dụng, phương thức tính, việc điều chỉnh lãi suất bởi đây là yếu tố có thể giúp người có nhu cầu tài chính quyết định sử dụng dịch vụ ở TCTD đó hay không - là vấn đề then chốt mà bên vay phải cân nhắc vì có tác động lớn tới khả năng thanh toán khoản vay. Đó là lý do pháp luật ngân hàng quy định cụ thể việc minh bạch thông tin lãi suất đối với hợp đồng tín dụng theo mẫu, tránh trường hợp cán bộ tín dụng của TCTD vì “chạy chỉ tiêu” mà không giải thích rõ hoặc cố tình “lờ” đi các quy định về lãi suất, hoặc giải thích theo hướng “tung hỏa mù” khiến khách hàng không hiểu rõ nghĩa vụ thực chất mà họ phải thực hiện.
2.2. Giải thích hợp đồng có bên yếu thế trong hợp đồng tín dụng theo mẫu
Vấn đề giải thích hợp đồng chỉ đặt ra trong trường hợp có sự không thống nhất trong cách hiểu, vận dụng các điều khoản của hợp đồng. Do vậy, việc giải thích hợp đồng tín dụng theo mẫu chỉ xảy ra khi giải quyết tranh chấp, bên vay và TCTD không đồng ý với quan điểm của nhau về cách hiểu của các quy định trong hợp đồng tín dụng theo mẫu.
Nhà làm luật đã có sự dự liệu về tình huống này, theo khoản 2 Điều 405 Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định: “Trường hợp hợp đồng theo mẫu có điều khoản không rõ ràng thì bên đưa ra hợp đồng theo mẫu phải chịu bất lợi khi giải thích điều
khoản đó”.
Đối với hợp đồng tín dụng theo mẫu, không tìm thấy các văn bản chuyên ngành quy định trường hợp có “điều khoản không rõ ràng” này. Do đó, theo nguyên tắc áp dụng pháp luật, khi giải quyết tranh chấp, cơ quan có thẩm quyền áp dụng quy định về giải thích hợp đồng tại khoản 2 Điều 405 Bộ luật Dân sự năm 2015 để bảo vệ quyền lợi bên vay - bên không đưa ra hợp đồng tín dụng theo mẫu.
Cũng cần lưu ý, nếu hợp đồng tín dụng theo mẫu là hợp đồng tín dụng tiêu dùng, nghĩa là bên vay là “người tiêu dùng” theo quy định của khoản 1 Điều 3 Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng năm 2010. Theo Điều 15 của Luật này, “trong trường hợp hiểu khác nhau về nội dung hợp đồng thì tổ chức, cá nhân có thẩm quyền giải quyết tranh chấp giải thích theo hướng có lợi cho người tiêu dùng”.
Cách tiếp cận về việc giải thích hợp đồng của Bộ luật Dân sự năm 2015 và Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng năm 2010 không hoàn toàn thống nhất với nhau trong việc sử dụng cụm từ “không rõ ràng”7 và “hiểu khác nhau”8 nhưng có sự tương tự nhau về việc vận dụng quy định khi có sự không thống nhất trong cách hiểu của các bên.
Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng năm 2010 không được áp dụng trong trường hợp hợp đồng tín dụng theo mẫu với mục đích kinh doanh, mà chỉ có thể áp dụng Bộ luật Dân sự năm 2015 khi giải thích hợp đồng theo mẫu vì mục đích của bên vay là tìm kiếm lợi nhuận, không vì mục đích tiêu dùng như định nghĩa tại Điều 3 Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng năm 2010.
Dường như rằng, nhà làm luật đánh giá vị thế của bên vay trong hợp đồng tín dụng theo mẫu vì mục đích kinh doanh cân bằng với TCTD vì cả hai đều là pháp nhân, bên vay có nhân sự chuyên môn có thể tiếp cận thông tin về hợp đồng tín dụng theo mẫu, hiểu đầy đủ thông tin, điều kiện giao dịch chung, lãi suất,… mà hợp đồng theo mẫu TCTD quy định. Do đó, Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng năm 2010 không quy định đối tượng này và đây cũng là xu thế chung của pháp luật các nước khi mục đích giao dịch nhằm kinh doanh không chịu sự điều chỉnh của pháp luật bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.
2.3. Việc vô hiệu hóa các điều khoản miễn trừ trách nhiệm, điều khoản bất lợi cho bên vay trong hợp đồng tín dụng theo mẫu
Việc vô hiệu hóa điều khoản bất lợi được thực hiện theo quy định tại khoản 3 Điều 405 Bộ luật Dân sự năm 2015, “trường hợp hợp đồng theo mẫu có điều khoản miễn trách nhiệm của bên đưa ra hợp đồng theo mẫu, tăng trách nhiệm hoặc loại bỏ quyền lợi chính đáng của bên kia thì điều khoản này không có hiệu lực, trừ trường hợp có thỏa thuận khác”.
Quy định trên là quy phạm tùy nghi vì nhà làm luật thêm cụm “trừ trường hợp có thỏa thuận khác”9, chính cụm từ này khiến việc bảo vệ quyền lợi cho bên yếu thế bị “nới lỏng” vì TCTD có thể viện dẫn căn cứ “xác nhận của khách hàng” về việc đã đọc, hiểu, đồng ý với tất cả các điều khoản trong hợp đồng tín dụng theo mẫu. Chính việc quy định như vậy như “tấm khiên” che chắn TCTD khỏi trường hợp bị vô hiệu hóa các điều khoản tăng trách nhiệm hoặc loại bỏ quyền lợi chính đáng của bên vay.
Tương tự, đối với các điều kiện giao dịch chung, Bộ luật Dân sự năm 2015 cũng thêm cụm từ “trừ trường hợp có thỏa thuận khác” - chính quy phạm tùy nghi này khiến việc bảo vệ bên vay trong hợp đồng tín dụng theo mẫu bị hạn chế, bởi TCTD là bên có nhân sự chuyên môn về lĩnh vực tín dụng, bên vay hoàn toàn có thể bị đưa vào những thỏa thuận miễn trừ đã được định sẵn mà không thể đàm phán được. Đây có thể là “lỗ hổng” cho sự bất cân xứng quyền, nghĩa vụ các bên được pháp luật bảo vệ. Nói cách khác, chính việc thêm cụm từ “trừ trường hợp có thỏa thuận khác” đã tự vô hiệu hóa chính công cụ pháp luật đặt ra để bảo vệ bên yếu thế trong hợp đồng tín dụng theo mẫu nói riêng và các hợp đồng theo mẫu khác nói chung.
Bên cạnh đó, dưới góc độ bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng năm 2010 cũng có các quy định tương tự đối với hợp đồng với người tiêu dùng. Cụ thể, các điều khoản trong hợp đồng tín dụng tiêu dùng theo mẫu giao kết với bên vay không có hiệu lực khi vi phạm Điều 16 Luật này.
Quy định về điều khoản không có hiệu lực tại khoản 1 Điều 16 Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng năm 2010 chi tiết hơn và là quy phạm bắt buộc, quy định này tiến bộ hơn cách thức quy định điều khoản hợp đồng theo mẫu không có hiệu lực của Bộ luật Dân sự năm 2015 vì không quy định ngoại lệ “trong trường hợp các bên có thỏa thuận khác”. Vậy, nếu trong hợp đồng tín dụng tiêu dùng theo mẫu, TCTD có các điều khoản như trên sẽ có khả năng bị tuyên bố không có hiệu lực.
Khoản 2 Điều 16 Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng năm 2010 quy định: “Việc tuyên bố và xử lý điều khoản của hợp đồng giao kết với người tiêu dùng, điều kiện giao dịch chung không có hiệu lực được thực hiện theo quy định của pháp luật về dân sự”. Hiện nay, Bộ luật Dân sự năm 2015 không quy định như thế nào là hợp đồng “không có hiệu lực”. Có quan điểm cho rằng, theo Bộ luật Dân sự năm 2015, từ thời điểm có hiệu lực, các bên giao kết hợp đồng phải thực hiện quyền và nghĩa vụ đối với nhau theo cam kết (Điều 401.2 Bộ luật Dân sự năm 2015). Như vậy, nếu hợp đồng không có hiệu lực thì các bên không phải thực hiện quyền và nghĩa vụ đã cam kết đối với nhau, hay nói cách khác, hậu quả pháp lý của điều khoản hợp đồng “không có hiệu lực”, về cơ bản tương tự như đối với hợp đồng vô hiệu một phần10.
Tác giả đồng quan điểm với cách tiếp cận điều khoản hợp đồng “không có hiệu lực” và xử lý như cách thức hợp đồng vô hiệu, phù hợp với nguyên tắc áp dụng tương tự pháp luật11.
2.4. Nghĩa vụ bảo mật thông tin bên vay của TCTD
Trong giai đoạn tiền hợp đồng, TCTD có nghĩa vụ cung cấp đầy đủ thông tin để tránh trường hợp bên vay ký hợp đồng tín dụng theo mẫu nhưng không hiểu cụ thể các quyền, nghĩa vụ của các bên. Như đã phân tích, vấn đề cung cấp thông tin một cách chính xác và đầy đủ được quy định là trách nhiệm của TCTD vì bên vay là bên yếu thế trong quan hệ này.
Việc bảo mật thông tin của bên vay cần được TCTD thực hiện bởi đây là một trong những quyền lợi chính đáng của khách hàng khi sử dụng dịch vụ của các TCTD. Quy định về giữ bí mật thông tin của bên vay được thực hiện theo Điều 14 Luật Các TCTD năm 2010, Nghị định số 117/2018/NĐ-CP ngày 11/9/2018 của Chính phủ về việc giữ bí mật, cung cấp thông tin khách hàng của TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài. Nghị định này quy định chi tiết các nguyên tắc giữ bí mật thông tin12, quyền của bên vay trong việc yêu cầu TCTD bảo mật thông tin, bên vay được quyền khiếu nại, khởi kiện, yêu cầu bồi thường thiệt hại trong trường hợp TCTD, cơ quan nhà nước, tổ chức, cá nhân khác sử dụng thông tin của bên vay không đúng quy định pháp luật13.
Việc ban hành Nghị định số 117/2018/NĐ-CP thể hiện sự quan tâm đối với các quy định bảo vệ thông tin khách hàng nói chung và của bên vay nói riêng trong hợp đồng tín dụng theo mẫu. Dù các mẫu hợp đồng tín dụng không quy định vấn đề này hoặc có thiếu sót trong khâu soạn thảo hợp đồng, chính Nghị định số 117/2018/NĐ-CP là cơ sở pháp lý cho việc TCTD phải tuân thủ, đảm bảo lợi ích chính đáng của bên vay.
2.5. Bảo vệ các quyền lợi chính đáng của bên vay khi thực hiện hợp đồng tín dụng theo mẫu
Ngoài các quy định điển hình về việc bảo vệ quyền lợi bên vay theo hợp đồng tín dụng theo mẫu như đề cập trên, khoản 13 Điều 1 Thông tư số 18/2019/TT-NHNN ngày 04/11/2019 của NHNN quy định các biện pháp này phải phù hợp với quy định tại điểm đ khoản 2 Điều 7 của Thông tư này, cụ thể: Biện pháp đôn đốc, thu hồi nợ phù hợp với đặc thù của khách hàng, quy định của pháp luật và không bao gồm biện pháp đe dọa, ngoài ra còn quy định số lần tối đa nhắc nợ, thời gian nhắc nợ không vào ban đêm sau 21 giờ…
Đối với chủ thể chịu sự điều chỉnh của Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng năm 2010 như bên vay trong hợp đồng tín dụng theo mẫu vì mục đích tiêu dùng được quyền yêu cầu cơ quan nhà nước về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng can thiệp, xử lý các phản ánh về vi phạm của TCTD14.
Đối với các điều khoản trọng tài trong hợp đồng tín dụng tiêu dùng theo mẫu, TCTD phải thông báo về điều khoản trọng tài trước khi giao kết và phải được bên vay chấp thuận15… Về nguyên tắc cung cấp chứng cứ, chứng minh trong vụ án dân sự để bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng khi có tranh chấp giữa bên vay và TCTD, bên vay không cần chứng minh lỗi của TCTD. Tuy nhiên, bên vay có nghĩa vụ cung cấp chứng cứ và chứng minh để bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của mình theo quy định của pháp luật về tố tụng dân sự.
Quy định này có điểm tiến bộ khi không áp đặt nghĩa vụ chứng minh lỗi của TCTD về phía bên vay, bởi lẽ bên vay là bên yếu thế. Do đó, quy định này đảm bảo tính hợp lý. Tuy nhiên, việc yêu cầu bên vay phải cung cấp chứng cứ và chứng minh trong vụ án theo quy định của pháp luật tố tụng dân sự khiến nghĩa vụ này trở thành “gánh nặng” khá lớn cho bên vay bởi thông thường, các văn bản, tài liệu giao dịch, thậm chí hợp đồng bên vay còn không nắm giữ vì trong hợp đồng vay tiêu dùng, thường TCTD sẽ có khi giao lại bên vay hợp đồng tín dụng nhưng đôi khi lại không thực hiện đúng quy định này.
Vậy nên, cần điều chỉnh lại quy định này theo hướng “tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ có nghĩa vụ cung cấp các tài liệu, chứng cứ phục vụ cho vụ án dân sự về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trong trường hợp người tiêu dùng không lưu giữ các tài liệu, chứng cứ đó”.
3. Khuyến nghị giải pháp nhằm bảo vệ quyền lợi của bên vay trong hợp đồng tín dụng theo mẫu
Theo các phân tích trên về quy định pháp luật hiện hành nhằm bảo vệ quyền lợi của bên vay trong hợp đồng tín dụng tiêu dùng, có thể nhận thấy về cơ bản, khung pháp lý có sự quan tâm thích đáng đối với bên vay - là bên yếu thế trong mối quan hệ vay với TCTD, đặc thù hơn chính là việc TCTD áp dụng hợp đồng tín dụng theo mẫu.
Tuy nhiên, để hoàn thiện quy định pháp luật dựa trên các vấn đề phát sinh trong thực tiễn khi áp dụng hợp đồng tín dụng theo mẫu, tác giả có những đề xuất sau đây:
Thứ nhất, việc minh bạch thông tin được quy định cơ bản đầy đủ về các vấn đề mà bên vay cần phải biết để đi đến quyết định ký kết và trong quá trình thực hiện hợp đồng. Việc quy định trách nhiệm minh bạch thông tin cần kèm theo đó là cơ chế giám sát chặt chẽ và chế tài để những quy định này không mang tính “khuyến khích” như hiện nay.
Thứ hai, TCTD sẽ được miễn trừ trách nhiệm trong trường hợp cung cấp đầy đủ thông tin và có xác nhận của bên vay về việc này. Thiết nghĩ, việc cung cấp thông tin cần được cụ thể hóa bằng việc TCTD minh chứng bởi các tài liệu đính kèm hoặc được liệt kê trong hợp đồng tín dụng theo mẫu. Như vậy, sẽ khắc phục trường hợp các TCTD chỉ dùng một câu cam kết trong hợp đồng mẫu để làm “tấm khiên” xác nhận hoàn thành trách nhiệm nếu TCTD không thực hiện đúng quy định này.
Thứ ba, theo điểm b (ii) khoản 2 Điều 5 Thông tư số 14/2017/TT-NHNN, TCTD được áp dụng mức lãi suất điều chỉnh với điều kiện “tại thời điểm điều chỉnh lãi suất, TCTD phải thông báo cho khách hàng về mức lãi suất cụ thể được điều chỉnh và mức lãi suất năm tương ứng” theo phương pháp tính lãi quy định tại khoản 1 Điều 5 của Thông tư này. Nếu điều khoản thay đổi lãi suất này được soạn thảo trong hợp đồng tín dụng theo mẫu, khi thực hiện sẽ có khả năng “không có hiệu lực” theo điểm c khoản 1 Điều 16 Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng năm 2010 vì việc điều chỉnh lãi suất cho phép TCTD đơn phương thay đổi điều khoản và điều kiện đã thỏa thuận với bên vay. Hiện nay, lãi suất giữa TCTD với khách hàng là “lãi suất thỏa thuận”, do đó cần quy định rõ lãi suất, cách tính, việc thay đổi theo thời gian với lãi suất cụ thể. Nếu thay đổi lãi suất theo hướng có lợi hơn cho bên vay, khi đó không cần phải chi tiết ngay trong hợp đồng tín dụng theo mẫu. Vì vậy, cần xem xét lại quy định tại điểm b (ii) khoản 2 Điều 5 Thông tư số 14/2017/TT-NHNN để tránh trường hợp TCTD không đảm bảo tính hợp lý, minh bạch, bảo vệ quyền lợi của bên yếu thế trong hợp đồng tín dụng theo mẫu.
Thứ tư, Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng năm 2010 không điều chỉnh đối với hợp đồng tín dụng theo mẫu vì mục đích kinh doanh. Do vậy, khi bên vay là các pháp nhân thương mại ký kết hợp đồng tín dụng theo mẫu với TCTD vì mục đích kinh doanh, trong hợp đồng do TCTD đưa ra có các điều khoản “miễn trách nhiệm của TCTD, tăng trách nhiệm hoặc loại bỏ quyền lợi chính đáng của bên vay” mà cả hai đã ký kết thì điều khoản này vẫn có hiệu lực dù xét về tính hợp lý là không thuyết phục và không bảo vệ quyền của bên vay - bên “thụ động” về thông tin cũng như không có khả năng đàm phán, thương lượng một cách cân bằng với TCTD - người cấp vốn. Do đó, đề xuất quy định tại khoản 3 Điều 405 Bộ luật Dân sự năm 2015 nên bỏ cụm từ “trừ trường hợp các bên có thỏa thuận khác”.
Thứ năm, khoản 2 Điều 16 Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng năm 2010 và khoản 3 Điều 405 Bộ luật Dân sự năm 2015 sử dụng cụm từ để chỉ hậu quả các điều khoản nhằm tăng lợi ích của bên soạn thảo hợp đồng mẫu và giảm quyền lợi của bên yếu thế bằng từ hợp đồng “không có hiệu lực”. Cần chi tiết quy định này hoặc có án lệ/bản án giải thích như thế nào là điều khoản hợp đồng “không có hiệu lực” để đảm bảo tính minh bạch của quy định pháp luật.
Thứ sáu, khi có tranh chấp phát sinh trong hợp đồng tín dụng theo mẫu, vai trò của các cơ quan Nhà nước hiện nay để bảo vệ người tiêu dùng chưa thực sự phát huy hiệu quả. Đối với bên vay nhằm mục đích kinh doanh, tranh chấp phát sinh thường lựa chọn con đường tố tụng tại các cơ quan tài phán vì hiện tại chủ thể này không là đối tượng điều chỉnh của Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng năm 2010.
Quy định pháp luật hiện hành nhằm bảo vệ quyền lợi của bên vay trong hợp đồng tín dụng theo mẫu không là đề tài mới được bàn luận hiện nay. Tuy nhiên, trong phạm vi bài viết, tác giả mong muốn mang đến góc nhìn bao quát nhất với những đề xuất nhằm mục đích bảo vệ quyền và lợi ích của bên yếu thế - bên vay trong hợp đồng tín dụng theo mẫu. Từ đó, với hy vọng có thể dần “kéo” vị thế của bên vay tương xứng với bên cho vay. Một điều không thể phủ nhận, với thực tiễn pháp luật hiện hành đã cho thấy sự nỗ lực của nhà làm luật trong việc tạo lập hành lang pháp lý để bảo vệ cho quyền và lợi ích hợp pháp của bên vay trong hợp đồng tín dụng theo mẫu. Tuy nhiên, qua thực tiễn áp dụng đã nổi lên các vấn đề cần được quan tâm để sửa đổi, bổ sung dần hoàn thiện pháp luật bảo vệ quyền lợi của bên vay trong hợp đồng tín dụng theo mẫu như tác giả đã phân tích trong bài viết này.
1 Khoản 1 Điều 405 Bộ luật Dân sự 2015.
2 Nguyễn Thị Hằng Nga, “Chế định hợp đồng dân sự theo mẫu và một số đề xuất sửa đổi Bộ luật Dân sự năm 2005,” Tạp chí Nghiên cứu Lập pháp, 2015.
3 Điểm a khoản 4 Điều 23 Thông tư số 39/2016/TT-NHNN.
4 Điểm b khoản 4 Điều 23 Thông tư số 39/2016/TT-NHNN.
5 Điều 16 Thông tư số 39/2016/TT-NHNN quy định trách nhiệm đối với việc cung cấp thông tin của cả TCTD và bên vay. Cả hai bên đều phải chịu trách nhiệm về tính chính xác và đầy đủ mà các bên cung cấp cho nhau.
6 Điểm (ii) khoản 2 Điều 5 Thông tư số 14/2017/TT-NHNN.
7 Khoản 2 Điều 405 Bộ luật Dân sự năm 2015.
8 Khoản 1 Điều 3 Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng năm 2010.
9 Quy định này thì tương tự như cách thức tiếp cận tại Điều 2.1.20 của Bộ nguyên tắc UNIDROIT năm 2010: điều khoản mẫu được soạn thảo một cách bất thường sẽ không có hiệu lực, trừ khi bên còn lại chấp nhận các điều khoản mẫu một cách rõ ràng.
10 Trương Nhật Quang, Pháp luật về hợp đồng (Hà Nội: Nhà xuất bản Dân trí, 2020), 265.
11 Điều 6 Bộ luật Dân sự năm 2015.
12 Điều 4 Nghị định số 117/2018/NĐ-CP.
13 Điều 13 Nghị định số 117/2018/NĐ-CP.
14 Điều 26 Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng năm 2010.
15 Điều 38 Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng năm 2010.
Tài liệu tham khảo:
1. Nguyễn Thị Hằng Nga, “Chế định hợp đồng dân sự theo mẫu và một số đề xuất sửa đổi Bộ Luật Dân sự năm 2005”, Tạp chí Nghiên cứu Lập pháp, 2015.
2. Trương Nhật Quang, Pháp luật về hợp đồng, Hà Nội, Nhà xuất bản Dân trí, 2020.
Lê Thị Khánh Linh
Đại học Bách Khoa - Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh