Với 445/450 đại biểu tán thành, đạt tỷ lệ 92,13% tổng số đại biểu Quốc hội, chiều ngày 26/11/2019, Quốc hội chính thức thông qua Luật Chứng khoán (sửa đổi).
Đại biểu bấm nút thông qua các Dự án Luật tại kỳ họp thứ 8 Quốc hội khóa XIV. Nguồn: internet
Luật Chứng khoán (sửa đổi) gồm 10 chương, 135 điều quy định các hoạt động về chứng khoán và thị trường chứng khoán; quyền và nghĩa vụ của tổ chức, cá nhân trong lĩnh vực chứng khoán; tổ chức thị trường chứng khoán; quản lý nhà nước về chứng khoán và thị trường chứng khoán.
Đối tượng áp dụng của Luật gồm: các tổ chức, cá nhân Việt Nam và tổ chức, cá nhân nước ngoài tham gia đầu tư chứng khoán và hoạt động trên thị trường chứng khoán Việt Nam; cơ quan quản lý nhà nước về chứng khoán và thị trường chứng khoán; cơ quan, tổ chức, cá nhân khác có liên quan đến hoạt động về chứng khoán và thị trường chứng khoán.
Luật quy định 4 nguyên tắc hoạt động về chứng khoán và thị trường chứng khoán, gồm: Tôn trọng quyền sở hữu, quyền khác đối với tài sản trong hoạt động về chứng khoán và thị trường chứng khoán, quyền tự do giao dịch, đầu tư, kinh doanh và cung cấp dịch vụ về chứng khoán của tổ chức, cá nhân; Công bằng, công khai, minh bạch; Bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của nhà đầu tư; Tự chịu trách nhiệm về rủi ro.
Luật Chứng khoán (sửa đổi) cũng đề ra 7 biện pháp bảo đảm an ninh, an toàn thị trường chứng khoán. Trong đó, có việc giám sát an ninh, an toàn thị trường chứng khoán; Ứng phó, khắc phục sự cố, sự kiện, biến động ảnh hưởng đến an toàn, ổn định và tính toàn vẹn của thị trường chứng khoán; Phong tỏa tài khoản chứng khoán, yêu cầu người có thẩm quyền phong tỏa tài khoản tiền có liên quan đến hành vi vi phạm pháp luật về chứng khoán và thị trường chứng khoán…
Theo Luật Chứng khoán (sửa đổi), trong trường hợp giá chứng khoán của tổ chức phát hành trên hệ thống giao dịch chứng khoán thấp hơn mệnh giá, tổ chức phát hành được chào bán chứng khoán với giá thấp hơn mệnh giá.
Quốc hội thống nhất chỉ có một Sở giao dịch chứng khoán (SGDCK) duy nhất làm đầu mối quản trị điều hành, quản trị rủi ro và trực tiếp tổ chức giao dịch chứng khoán. Tuy nhiên, trước mắt chưa thực hiện ngay việc cơ cấu lại, sáp nhập 02 SGDCK hiện nay thành một SGDCK duy nhất mà phân định lại chức năng, nhiệm vụ của SGDCK Hà Nội và SGDCK TP. Hồ Chí Minh để tổ chức, vận hành các TTCK riêng biệt nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động của các SGDCK.
Theo đó, toàn bộ giao dịch trái phiếu và chứng khoán phái sinh sẽ được thực hiện tại SGDCK Hà Nội, toàn bộ giao dịch cổ phiếu sẽ được thực hiện tại SGDCK TP. Hồ Chí Minh, trên cơ sở đó sẽ tiến tới thống nhất 01 hệ thống chỉ số giao dịch. Dưới SGDCK Việt Nam, Công ty mẹ sẽ tiếp tục duy trì 2 công ty con là 2 SGDCK sau khi đã được tổ chức, sắp xếp lại và có thể có công ty con khác.
Luật Chứng khoán (sửa đổi) có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2021, thay thế Luật Chứng khoán số 70/2006/QH11 và Luật số 62/2010/QH12 sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Chứng khoán.
T. Huyền (t/h)
Nguồn: http://tapchitaichinh.vn/su-kien-noi-bat/quoc-hoi-chinh-thuc-thong-qua-luat-chung-khoan-sua-doi-315811.html