Phó Thống đốc NHNN Đào Minh Tú trả lời phỏng vấn
PV: Thưa Phó Thống đốc, năm 2017 ngành Ngân hàng là đơn vị đứng đầu (cũng là đơn vị 3 năm liên tiếp xếp hạng cao nhất) về chỉ số CCHC. Xin Phó Thống đốc cho biết những kinh nghiệm và bài học rút ra trong quá trình đẩy mạnh triển khai CCHC trong ngành Ngân hàng.
Phó Thống đốc Đào Minh Tú: Sáng nay, Ban Chỉ đạo Cải cách hành chính của Chính phủ đã tổ chức Hội nghị công bố chỉ số CCHC năm 2017 của các Bộ, ngành và các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và Chỉ số hài lòng về sự phục vụ hành chính năm 2017. Tại Hội nghị này, NHNN Việt Nam vinh dự được công bố là đơn vị dẫn đầu trong số các Bộ, ngành năm 2017, là đơn vị đạt đểm số cao nhất trong toàn quốc (kể cả 63 tỉnh, thành phố). Đây cũng là lần thứ 3 liên tiếp ngành Ngân hàng đạt được ngôi vị quán quân về chỉ số này. Kết quả này là sự ghi nhận quá trình phấn đấu quyết liệt của người đứng đầu cho tới cán bộ, công chức và nhân viên trong toàn ngành Ngân hàng về công tác cải cách thủ tục hành chính (CCTTHC).
Cách đây gần 10 năm, Ngành Ngân hàng đã quyết liệt triển khai, đã hoàn thành và công bố Bộ thủ tục hành chính sau khi đã được cắt giảm, đã thông báo kết quả những thủ tục đã được loại bỏ và thực hiện tiết giảm chi phí thực hiện thủ tục hành chính. Ngành Ngân hàng cũng là Bộ ngành đầu tiên trong số các Bộ, ngành hoàn tành việc công bố sớm Bộ thủ tục hành chính. Kết quả này đã tạo điều kiện thuận lợi cho việc triển khai thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp về CCTTHC của ngành Ngân hàng trong thời gian sau.
Nhìn lại quá trình triển khai và kết quả đạt được về CCHC những năm vừa qua tại ngành Ngân hàng, có thể rút ra những kinh nghiệm và bài học sau:
Một là, việc triển khai CCHC phải hết sức nghiêm túc, trách nhiệm, bám sát chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và Ban Chỉ đạo Cải cách hành chính của Chính phủ. Ngành Ngân hàng đã thực hiện nghiêm túc chỉ đạo của Chinh phủ tại tại Nghị quyết 30c/NQ-CP ngày 08/11/2011 về Chương trỉnh tổng thể CCHC nhà nước giai đoạn 2011-2020; Nghị quyết 19/NQ-CP và Nghị quyết 35/NQ-CP về hỗ trợ doanh nghiệp, tạo môi trường kinh doanh, ngành Ngân hàng đã ban hành Kế hoạch để triển khai thực hiện trong 5 năm từ 2016 đến hết 2021. Đồng thời, ngành Ngân hàng luôn chú trọng triển khai thực hiện các chỉ đạo của Chính phủ, của Ban Chỉ đạo Cải cách hành chính của Chính phủ để đề ra nhiệm vụ, giải pháp cụ thể, phù hợp cho từng năm đối với từng đơn vị thuộc NHNN cũng như từng TCTD.
Hai là, xác định trách nhiệm, nguyên tắc, quan điểm của người đứng đầu trong công tác CCHC: Từ người cao nhất là Thống đốc NHNN cho đến thủ trưởng các Vụ, Cục, đơn vị trực thuộc, các NHTM đều phải xác định coi CCHC là một trong những nhiệm vụ trọng tâm, nhiệm vụ chính trị của đơn vị mình. Cùng với đó, gắn kết quả đạt được trong CCHC để đánh giá việc hoàn thành nhiệm vụ của các đơn vị cũng như người đứng đầu.
Ba là, gắn công tác CCHC với các hoạt động của ngành Ngân hàng: Để CCHC, CCTTHC triển khai đồng bộ, đạt kết quả cao thì phải gắn chặt công tác này với công tác cải cách công chức, công vụ, cải cách tổ chức bộ máy, cải cách tài chính công và đặc biệt là hiện đại hóa cơ sở vật chất, cũng như áp dụng công nghệ hiện đại một cách đồng bộ vào hoạt động ngân hàng.
Bốn là, tăng cường công tác kiểm tra, giám sát CCHC và CCTTHC: Vấn đề kiểm tra, giám sát và xây dựng trật tự, kỷ cương trong điều hành, gắn CCHC với cải cách công chức, công vụ, nâng cao chất lượng của đạo đức công chức, công vụ trong việc phục vụ người dân, kể cả cán bộ, công chức của NHNN, cũng như cán bộ, nhân viên của các TCTD để xây dựng cho được ý thức phục vụ tốt nhất, trách nhiệm nhất với người dân là rất quan trọng, qua đó tăng cường nâng cao chỉ số hài lòng của người dân và doanh nghiệp với các doạt động dịch vụ của ngành Ngân hàng.
Năm là, nâng cao chất lượng bộ máy thường trực làm công tác CCHC: Công tác CCHC là nhiệm vụ quan trọng nên phải có đội ngũ cán bộ có trình độ chuyên môn nghiệp vụ cao làm công tác thường trực để theo dõi, đôn đốc, động viên, khen thưởng, kỷ luật kịp thời các đơn vị, cá nhân làm tốt hoặc không tốt. Những người cán bộ làm công tác này phải là các cán bộ có trách nhiệm, có năng lực để tổ chức, chỉ đạo triển khai các công việc có liên quan đạt hiệu quả cao.
Tất cả các nội dung trên được ngành Ngân hàng quan tâm và triển khai quyết liệt, đồng bộ, nhờ đó ngành Ngân hàng đạt được kết quả là 3 năm đứng đầu các Bộ, ngành về chỉ số này.
PV: Tạo thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp phát triển sản xuất, kinh doanh là nội dung quan trọng đã được Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các Bộ, ngành triển khai. Vậy CCHC có mối quan hệ như thế nào với việc tạo thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp trong quan hệ giao dịch với Ngân hàng?
Phó Thống đốc Đào Minh Tú: Một trong những mục tiêu của CCHC là sự tạo thuận lợi nhất cho doanh nghiệp và người dân trong quan hệ với ngành Ngân hàng. Các giao dịch của NHNN với người dân, doanh nghiệp là không nhiều, chủ yếu người dân, doanh nghiệp giao dịch với các NHTM thông qua các hoạt động về quan hệ tín dụng, dịch vụ tiền tệ, thanh toán… NHNN xác định các NHTM, các TCTD là các đơn vị hoạt động có tính chất dịch vụ. Do vậy, các dịch vụ của các NHTM phải được cải cách nhằm tạo thuận lợi hơn, thông tháng hơn, tạo điều kiện tốt nhất, hiệu quả nhất, giảm chi phí với mức cao nhất cho doanh nghiệp và người dân. Thời gian vừa qua NHNN đã chỉ đạo các TCTD thường xuyên kết nối, thực hiện các chương trình kết nối với doanh nghiệp, đối thoại với doanh nghiệp diễn ra trên tất các các tỉnh, thành phố. Tất các các NHTM, các TCTD đều phải tham gia các chương trình này để tháo gỡ ngay các khó khăn cho doanh nghiệp một cách cụ thể, kịp thời.
PV: Kết quả CCHC đạt được trong những năm vừa qua góp phần quan trọng vào việc hoàn thành nhiệm vụ của ngành Ngân hàng. Xin Phó Thống đốc cho biết những nhiệm vụ trọng tâm về CCHC và CCTTHC ngành Ngân hàng sẽ tiếp tục triển khai trong thời gian tới.
Phó Thống đốc Đào Minh Tú: Trong thời gian tới, NHNN xác định công tác CCHC, CCTTHC hành chính là nhiệm vụ hết sức quan trọng, cấp bách là giải pháp chủ yếu để cải thiện, nâng cao hiệu quả, chất lượng công việc của các đơn vị trong ngành Ngân hàng.
Trong năm 2018, NHNN sẽ vẫn tiếp tục phát huy cách thức, biện pháp, giải pháp thực hiện mục tiêu vừa qua. Trong đó, Ban Lãnh đạo NHNN đặt ra các lĩnh vực đặc biệt quan trọng cần phải triển khai quyết liệt hơn, đó là cải cách trong nội bộ, trong phương thức chỉ đạo điều hành, công vụ, công chức và đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động hành chính.
Về những định hướng lớn trong thời gian tới, CCHC tiếp tục được NHNN xác định là một trong những nội dung, giải pháp đổi mới hoạt động ngân hàng, nhằm đưa hệ thống ngân hàng Việt Nam phát triển nhanh, hiệu quả và bền vững, phát huy tối đa vai trò huyết mạch của nền kinh tế, đóng góp đắc lực vào quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Với mục tiêu tiếp tục triển khai tích cực các nhiệm vụ CCHC theo Nghị quyết 30c/NQ-CP của Chính phủ, NHNN sẽ tập trung vào các trọng tâm: Tiếp tục triển khai mạnh mẽ, toàn diện nhiệm vụ CCHC và chương trình, kế hoạch hành động của ngành Ngân hàng góp phần cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia và phát triển doanh nghiệp; Siết chặt kỷ luật, kỷ cương hành chính, tạo động lực và áp lực trách nhiệm trong thực thi công vụ đối với cán bộ, công chức, nhất là người đứng đầu đơn vị; hoàn thiện hệ thống pháp luật; kiện toàn tổ chức bộ máy; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin hiện đại hóa hoạt động ngân hàng, hoàn thiện Chính phủ điện tử; tăng cường chỉ đạo các TCTD cải tiến, đổi mới, các sản phẩm dịch vụ ngân hàng, tạo thuận lợi và đáp ứng kịp thời nhu cầu của người dân, doanh nghiệp.
Để đạt các mục tiêu đó, NHNN sẽ tổ chức thực hiện thông qua hàng loạt các chính sách, cơ chế và giải pháp sẽ được đặt ra phù hợp trong từng giai đoạn, trên nền tảng ý chí, quyết tâm chính trị thống nhất cao độ của toàn ngành, một sự tập trung đầu tư nguồn lực con người một cách thỏa đáng và hiệu quả.
PV: Xin cảm ơn Phó Thống đốc!
Theo sbv.gov.vn