Những phát triển về lượng và chất của cộng đồng doanh nhân, doanh nghiệp Việt Nam
Đồng hành với công cuộc đổi mới của đất nước, cộng đồng doanh nhân và doanh nghiệp tư nhân Việt Nam ngày càng gia tăng về số lượng, lớn mạnh về chất lượng, mở rộng về phạm vi địa bàn, lĩnh vực và quy mô hoạt động, trưởng thành về bản lĩnh thị trường và nâng cao về vị thế trong nền kinh tế quốc gia, từng bước vươn xa, khẳng định tầm vóc và sức cạnh tranh của Việt Nam trên thị trường quốc tế.
Theo Tổng cục Thống kê, năm 2020, khu vực kinh tế tư nhân đã đóng góp khoảng 42% GDP, 30% thu ngân sách Nhà nước, 53% tổng vốn đầu tư của nền kinh tế Việt Nam và chiếm 83,3% vị trí việc làm xã hội, tức khoảng 45,2 triệu người.
Cộng đồng doanh nghiệp tư nhân Việt Nam hiện có khoảng hơn 800 nghìn doanh nghiệp đang hoạt động; dù đa số doanh nghiệp là vừa và nhỏ, song số lượng doanh nghiệp ngày càng tăng, đạt tổng tài sản đến hàng trăm nghìn tỷ đồng và sử dụng hàng chục nghìn lao động. Khu vực tư nhân ngày càng tham gia nhiều hơn, sâu hơn vào hầu hết lĩnh vực của nền kinh tế, từ công nghiệp chế tạo cho đến du lịch, dịch vụ. Nhiều doanh nghiệp Việt Nam đã hướng tới đột phá trong sản xuất công nghiệp và công nghệ với những dự án đầy tham vọng với hy vọng vươn ra thị trường quốc tế. Bên cạnh đó, xuất hiện một số tập đoàn kinh tế, doanh nghiệp của tư nhân có quy mô, tiềm lực tài chính lớn và quản trị, công nghệ hiện đại, đi tiên phong trong một số ngành, lĩnh vực quan trọng như sản xuất ô tô, hàng không, công nghệ thông tin, viễn thông, dịch vụ, bất động sản, nông nghiệp...; nhiều doanh nghiệp tư nhân như Vingroup, Masan, Vietjet, Techcombank, Thế giới di động, Novaland, Hòa Phát... đang có giá trị vốn hóa khoảng 1,2 triệu tỷ đồng, chiếm 44% tổng giá trị của 29 doanh nghiệp lớn nhất trên sàn chứng khoán có giá trị vốn hóa trên 1 tỷ USD. Trong danh sách 200 công ty có doanh thu trên 1 tỷ USD tốt nhất tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương do Forbes Asia 2019 công bố, có 07 doanh nghiệp của Việt Nam. Theo Tạp chí Forbes (Mỹ), tính đến ngày 24/12/2021, Việt Nam có 06 tỷ phú (tổng cộng họ đang nắm giữ tổng tài sản khoảng 19,5 tỷ USD) nằm trong bảng xếp hạng tỷ phú USD của thế giới.
Đặc biệt, bản lĩnh và tầm nhìn kinh doanh của doanh nhân Việt Nam ngày càng được khẳng định, nói như ông Nguyễn Việt Quang, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc Tập đoàn Vingroup (thành lập năm 1993, là tập đoàn đa ngành tư nhân có vốn hóa lớn trên thị trường chứng khoán Việt Nam hiện nay, khoảng 17 tỷ USD), những gì các doanh nghiệp nước ngoài làm được thì người Việt chúng ta cũng sẽ làm được; nhiều doanh nhân cũng tự tin cho rằng doanh nhân Việt không hề thua kém các doanh nhân nước ngoài nếu trong cùng môi trường đầu tư như nhau. Bên cạnh đó, tính tiên phong của doanh nhân, doanh nghiệp Việt Nam cũng được khẳng định trong cả những lĩnh vực công nghệ thời thượng nhất.
Trong năm 2021, dù cộng đồng doanh nhân và doanh nghiệp Việt Nam gặp khó khăn lớn bởi đại dịch Covid-19, song theo Tổng cục Thống kê, cả nước bình quân một tháng có 13,3 nghìn doanh nghiệp thành lập mới và quay trở lại hoạt động, trong khi có gần 10 nghìn doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường; hơn nữa, dịch bệnh Covid-19 đã và đang tạo áp lực và cả động lực thúc đẩy quá trình chuyển đổi số mạnh mẽ và bùng nổ kinh tế số ở Việt Nam cả về tốc độ và phạm vi, tạo cơ hội cho doanh nghiệp tìm những hướng đi mới và hoạt động hiệu quả hơn… Các chỉ số xếp hạng trong nhiều lĩnh vực thuộc ngành Thông tin và Truyền thông đều được các tổ chức quốc tế đánh giá cao. Năm 2021, Việt Nam có 64.000 doanh nghiệp công nghệ số, tăng 5.600 doanh nghiệp so với năm 2020 và so với chỉ có 45.600 doanh nghiệp công nghệ số năm 2019. Nhiều doanh nghiệp công nghệ số đã chuyển sang sản xuất các sản phẩm công nghệ 4.0... Bộ Thông tin và Truyền thông đã công bố 34 nền tảng số Make in Viet Nam. Các doanh nghiệp công nghệ số như VNPT, Viettel, CMC, FPT… có tiềm lực, có đóng góp lớn trong phát triển chính phủ số, kinh tế số với việc xây dựng các nền tảng số quốc gia. Các doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam hiện nay không chỉ gia công, lắp ráp cho nước ngoài mà với tinh thần Make in Viet Nam, các doanh nghiệp đã vươn lên, sản xuất và làm chủ những sản phẩm, nền tảng công nghệ chuyển đổi số trong nước. Doanh thu ngành Thông tin và Truyền thông năm 2021 đạt 3.462.170 tỷ đồng, tăng 9% so với năm 2020 và cơ bản hoàn thành 100% kế hoạch đặt ra. Công nghiệp ICT, với doanh thu năm 2021 đạt hơn 136 tỷ USD, tăng hơn 11,4 tỷ USD so với năm 2020. Trong đó, doanh thu của các doanh nghiệp Việt Nam đạt 18,779 tỷ USD, chiếm 13,8% tổng doanh thu. Bên cạnh đó, giá trị của Việt Nam tạo ra trong doanh thu của các doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) chiếm khoảng 15% (hơn 17,6 tỷ USD). Giá trị Việt Nam trong tổng doanh thu công nghiệp ICT khoảng 33,568 tỷ USD (chiếm 24,65%).
Năm 2021, bất chấp dịch bệnh nặng nề, lần đầu tiên Việt Nam lọt vào Top 20 nền kinh tế có quy mô thương mại lớn nhất thế giới: Tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa đạt 668,5 tỷ USD, tăng 22,6% so với năm 2020, trong đó xuất khẩu tăng 19%; nhập khẩu tăng 26,5%; khu vực kinh tế trong nước đạt 88,71 tỷ USD, tăng 13,4%, chiếm 26,4% tổng kim ngạch xuất khẩu; khu vực FDI (kể cả dầu thô) đạt 247,54 tỷ USD, tăng 21,1%, chiếm 73,6%.
Đặc biệt, đầu tư từ khu vực ngoài Nhà nước của Việt Nam năm 2021 đạt 1.720,2 nghìn tỷ đồng, chiếm 59,5% tổng vốn đầu tư toàn xã hội thực hiện theo giá hiện hành và tăng 7,2% so với năm trước, trong khi vốn khu vực Nhà nước giảm 2,9% và chiếm 24,7%; còn khu vực FDI giảm 1,1% và chỉ chiếm 15,8%.
Đội ngũ doanh nhân Việt Nam cũng ngày càng thấm nhuần tinh thần yêu nước, cộng đồng, tuân thủ pháp luật và tăng cường trách nhiệm xã hội; đóng góp ngày càng tích cực vào các hoạt động thiện nguyện và hỗ trợ bảo đảm an sinh xã hội… Một triết lý sống và truyền thống quý báu của doanh nhân Việt Nam là tư tưởng “Lá lành đùm lá rách”; gần như 100% các doanh nhân Việt Nam đều làm từ thiện và có kế hoạch từ thiện hằng năm; tỷ lệ doanh nghiệp làm từ thiện ở Việt Nam đứng hàng đầu thế giới. Chỉ riêng đợt dịch Covid-19, các doanh nghiệp Việt Nam đã đóng góp cho từ thiện khoảng 3 tỷ USD, trong đó có những doanh nghiệp đóng góp hàng trăm triệu USD. Một tinh thần, một trách nhiệm rất Việt Nam!
Những thành công và trưởng thành cả về lượng và chất của đội ngũ doanh nhân, doanh nghiệp trong khu vực kinh tế tư nhân là rất to lớn và không phải là ngẫu nhiên. Đó là kết quả tổng hợp và thước đo hiệu quả khả năng tự chủ, tự cường, phản ứng chính sách và phản ứng thị trường đồng bộ cùng một quá trình phấn đấu lâu dài, không ngừng nghỉ của Đảng, Chính phủ và Nhà nước, cũng như toàn thể cộng đồng doanh nghiệp tư nhân và doanh nhân Việt Nam.
Theo Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021 - 2030, phấn đấu đến năm 2025, Việt Nam có hơn 1,5 triệu doanh nghiệp và có ít nhất 2 triệu doanh nghiệp vào năm 2030. Tốc độ tăng trưởng của kinh tế tư nhân cao hơn tốc độ tăng trưởng chung của nền kinh tế; phấn đấu tăng tỷ trọng đóng góp của khu vực kinh tế tư nhân đạt khoảng 55% GDP (năm 2025); 60 - 65% GDP (năm 2030) và 65 - 70% GDP (năm 2040).
Năm 2022 và thời gian tới, kinh tế tư nhân trong nước là động lực mạnh mẽ nhất, giúp phát triển và nâng cao tính tự chủ của nền kinh tế. Điều này phù hợp với xu thế chung của thế giới.
Nhận diện và xử lý hành vi bôi nhọ, xuyên tạc, xúc phạm uy tín các doanh nhân, doanh nghiệp Việt Nam
Cùng với việc tôn vinh các doanh nhân, doanh nghiệp Việt Nam, thì một vấn đề nóng đang đặt ra là cần đề cao cảnh giác, tăng cường phê phán các quan điểm và hành vi cố tình xuyên tạc và bôi nhọ, xúc phạm uy tín các doanh nhân, doanh nghiệp Việt Nam trong đời sống kinh tế - xã hội quốc gia và quốc tế.
Trong số các hành vi đó, có lẽ phổ biến hơn cả là hiện tượng dùng mạng xã hội để đăng thông tin xuyên tạc, bôi nhọ uy tín, thương hiệu của doanh nhân và doanh nghiệp trên thương trường. Với sự phát triển mạnh và tốc độ lan truyền như vũ bão của mạng xã hội hiện nay, việc tung tin thất thiệt, thông tin chưa được kiểm chứng, sai sự thật, thậm chí cố ý bôi nhọ, xúc phạm đã và đang gây ra những hậu quả nghiêm trọng cho nhiều doanh nhân, doanh nghiệp.
Qua quan sát, có thể nhận thấy, có nhiều thành phần và động cơ tham gia vào các hoạt động cố tình bôi nhọ, xuyên tạc, nói xấu đội ngũ doanh nhân và cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam.
Trước hết, đó là các lực lượng chống đối Nhà nước xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong và ngoài nước. Những người này thường sử dụng các thông tin một chiều, thiếu chính xác rồi nâng cấp và quy chụp cho hệ thống doanh nhân Việt Nam là thành công chủ yếu nhờ hối lộ, móc ngoặc, ăn cắp của nhà nước, của dân…
Thứ hai, sự cạnh tranh không lành mạnh dẫn đến sự thù địch và cản phá nhau giữa các đối thủ là các doanh nhân và doanh nghiệp, người nhà và người thân của họ cũng là một nguồn bổ sung vào danh mục các hành vi và lực lượng tham gia nói xấu, xuyên tạc, bôi nhọ đội ngũ doanh nhân, doanh nghiệp Việt Nam… Thường là sau khi không đạt được nguyện vọng trong cạnh tranh, giành giật hợp đồng và thị trường thì “bên thua cuộc” sẽ triển khai kịch bản hạ bệ “kẻ thắng cuộc” thông qua hình thức viết đơn, thư, bài hoặc tung thông tin lên mạng xã hội để bôi nhọ đối thủ và nói xấu chính sách của Đảng và Nhà nước.
Thứ ba, một bộ phận khác bao gồm những người thiếu ý thức chính trị, thiếu thông tin và tinh thần xây dựng, manh động, cực đoan, thường vì lý do và lợi ích cá nhân, hễ thấy một thông tin tiêu cực cá biệt nào liên quan tới doanh nhân, doanh nghiệp và chính quyền, đất nước là lên mạng xã hội kích động, trách móc doanh nhân, doanh nghiệp và hệ thống chính quyền… để thể hiện cái tôi và câu view, like, ăn tiền quảng cáo cho trang cá nhân.
Thậm chí, một số cư dân mạng nấp sau bàn phím và nghĩ rằng mạng xã hội không bộc lộ rõ danh tính cá nhân, lại mang nặng tâm lý đám đông, bầy đàn, hễ thấy thông tin mới, giật gân, không rõ đầu đuôi tranh luận thế nào, người trong cuộc với câu chuyện ai sai, ai đúng… nhưng sẵn sàng trở thành “quan tòa tự phong” hay “anh hùng bàn phím” thể hiện thái độ và sự phản đối gay gắt bằng nhiều ngôn từ, hành vi cực đoan, kể cả lập nhóm tẩy chay, ghép hình “dìm hàng”, spam tin nhắn hàng loạt với nội dung đe dọa. Họ có thể thóa mạ bất kỳ ai để thỏa mãn cơn nóng giận nhất thời và bức xúc cá nhân về một chuyện hoàn toàn khác, bất chấp hình ảnh người Việt xấu xí, đố kỵ đã, đang và sẽ in hằn trong tâm thức cộng đồng quốc tế và bị kẻ xấu, kẻ thù địch lấy làm hả hê và lợi dụng để tạo hình ảnh xấu về dân tộc Việt Nam.
Hành vi cố ý đưa thông tin không đúng sự thật và bôi nhọ về doanh nhân và doanh nghiệp trên mạng xã hội có tính chất kết nối, truyền thông tin rộng rãi trên khắp thế giới, gây thiệt hại đến quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội Vu khống theo Điều 122 Bộ luật Hình sự, theo đó “Người nào bịa đặt, loan truyền những điều biết rõ là bịa đặt nhằm xúc phạm danh dự hoặc gây thiệt hại đến quyền, lợi ích hợp pháp của người khác hoặc bịa đặt là người khác phạm tội và tố cáo họ trước cơ quan có thẩm quyền, thì bị phạt cảnh cáo, cải tạo không giam giữ đến 2 năm hoặc phạt tù từ 3 tháng đến 2 năm”. Ngoài ra, cá nhân và doanh nghiệp bị đưa tin sai sự thật có quyền yêu cầu người đưa thông tin chấm dứt hành vi đăng tin sai sự thật, yêu cầu xin lỗi, cải chính thông tin, bồi thường thiệt hại theo quy định của Bộ luật Dân sự.
Bên cạnh đó, hành vi đưa thông tin sai sự thật về doanh nhân và doanh nghiệp còn vi phạm Nghị định số 174/NĐ-CP ngày 13/11/2013 của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bưu chính, viễn thông, công nghệ thông tin và tần số vô tuyến điện. Doanh nhân và doanh nghiệp bị đưa thông tin sai sự thật có thể trình báo với cơ quan Công an để tiến hành điều tra, xác minh sự việc và nếu có dấu hiệu tội phạm thì khởi tố vụ án hình sự; đồng thời, cũng có thể yêu cầu cơ quan, tổ chức có thẩm quyền buộc người đăng thông tin sai sự thật chấm dứt hành vi đăng tin sai sự thật, bồi thường thiệt hại, cải chính thông tin. Theo Thông tư số 09/2014/TT-BTTTT ngày 19/8/2014 của Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông quy định chi tiết về hoạt động quản lý, cung cấp, sử dụng thông tin trên trang thông tin điện tử và mạng xã hội, doanh nhân và doanh nghiệp bị đưa thông tin sai sự thật còn có quyền yêu cầu đơn vị chủ quản các mạng xã hội loại bỏ thông tin sai phạm.
Khi lập trang web giả mạo, bôi nhọ, xuyên tạc, vu khống, xúc phạm uy tín doanh nhân và doanh nghiệp mà dùng những lời lẽ thô tục, mang tính chất lăng mạ, miệt thị, hăm dọa giết người thì hành vi này có thể bị xem xét xử lý nghiêm khắc hơn về dấu hiệu của tội Đe dọa giết người theo quy định của Điều 103 Bộ luật Hình sự.
Tấn công, bắt nạt, thông tin giả (fake news) trên mạng xã hội nói chung, các hành vi nói xấu, xuyên tạc và bôi nhọ doanh nhân và doanh nghiệp Việt nói riêng… có xu hướng phát triển song song với sự lớn mạnh của Internet. Không chỉ có ở Việt Nam, bất cứ quốc gia nào cũng xảy ra hành vi kém văn minh này. Thực tế cũng cho thấy, trước sự bùng nổ của cộng đồng mạng với quy mô rất lớn, lực lượng tuyên giáo, thanh tra và an ninh mạng chưa có đủ nhân lực, phương tiện và công nghệ để xử lý, triệt phá tận gốc. Hơn nữa, nhiều trang mạng, máy chủ của các blogger được đặt ở nước ngoài nên khó kiểm soát và khó can thiệp.
Trong bối cảnh đó, cần coi trọng công tác giáo dục tư tưởng và đề cao trách nhiệm công dân trong các chương trình giáo dục đào tạo và tuyên truyền báo chí, truyền thông xã hội. Bộ Quy tắc ứng xử trên mạng xã hội được Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông ban hành theo Quyết định số 874/QĐ-BTTTT ngày 17/6/2021 khuyến khích sử dụng họ tên thật của cá nhân, tên hiệu thật của cơ quan tổ chức; đồng thời, khuyến khích chỉ chia sẻ những thông tin có nguồn chính thống, đáng tin cậy; không đăng tải thông tin xúc phạm danh dự, nhân phẩm người khác, không sử dụng ngôn ngữ phản cảm, quảng cáo trái phép... Mặc dù Bộ Quy tắc ứng xử trên mạng xã hội do Bộ Thông tin và Truyền thông ban hành chỉ được xem là văn bản hướng dẫn, điều chỉnh hành vi để công dân tránh ngưỡng vi phạm pháp luật, nhưng đây là sự hướng dẫn tốt để tăng tính trách nhiệm trong mỗi nút like, bình luận hay chia sẻ, từ đó giúp xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh khi tương tác trên mạng xã hội…
Phát triển và bảo vệ hiệu quả khu vực kinh tế tư nhân là đòi hỏi cấp thiết từ cuộc sống và cũng là quyết tâm lớn của Đảng, Nhà nước; đồng thời, phải xuất phát từ thực tiễn đặc thù, các nguyên tắc của cơ chế kinh tế thị trường, cũng như các cam kết và thông lệ quốc tế trong xu hướng mở cửa, tăng cường hội nhập quốc tế.
Điều quan trọng không phải là ban cho kinh tế tư nhân những đặc quyền, đặc lợi, mà là tạo môi trường bảo đảm khu vực doanh nghiệp tư nhân thực sự bình đẳng, công bằng với các khu vực doanh nghiệp khác, kể cả trong đấu thầu. Nhà nước cần có nhiều đột phá mới, táo bạo, tháo gỡ, giải quyết căn bản các vướng mắc, bất cập, bức xúc đang tồn tại hoặc sẽ phát sinh trong thực tiễn. Quản lý nhà nước đối với khu vực kinh tế tư nhân cần tạo điều kiện cho doanh nghiệp được tự do kinh doanh theo pháp luật, bình đẳng, cùng có lợi; coi trọng định hướng, hỗ trợ, kiểm tra, kiểm soát đối với kinh tế tư nhân bằng chính sách, thông tin thị trường và khuyến khích quá trình tái cơ cấu kinh tế. Chính phủ cần có một thể chế chính sách tốt, thu hút doanh nghiệp làm ăn, kinh doanh; khích lệ doanh nghiệp tận dụng những thế mạnh của đất nước để phát triển kinh tế; cổ vũ tinh thần dám nghĩ dám làm, lập nghiệp, xây dựng văn hóa doanh nhân trên cả nước. Đẩy mạnh cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước, thoái vốn nhà nước tại các doanh nghiệp mà nhà nước không cần nắm giữ vốn, giảm tối đa mức nắm giữ cổ phần nhà nước.
Đồng thời, cần thực sự đẩy mạnh cải cách nền hành chính quốc gia, sàng lọc, kiểm soát và trừng trị những kẻ nhũng nhiễu, vô trách nhiệm, sợ trách nhiệm đối với kinh tế tư nhân; kiện toàn tổ chức, nâng cao vai trò, năng lực, trách nhiệm của các hiệp hội ngành hàng, hiệp hội doanh nghiệp trong bảo vệ lợi ích chính đáng của doanh nghiệp và người lao động, tạo sự đồng thuận, hợp tác và cạnh tranh lành mạnh trong kinh doanh trên cơ sở pháp luật và truyền thống dân tộc; giáo dục lòng yêu nước, tự hào dân tộc và trách nhiệm xã hội, bản lĩnh kinh doanh cho doanh nhân và người lao động; xây dựng một số thương hiệu chủ lực quốc gia và địa phương…
Trước mắt, cần tập trung giải quyết các khó khăn của khu vực kinh tế tư nhân về nợ đọng, nợ xấu, mặt bằng sản xuất kinh doanh, nguồn vốn, năng lực khoa học - công nghệ và về thị trường...; tổ chức các đường dây nóng, các cuộc gặp gỡ, tiếp xúc định kỳ và không định kỳ giữa các cơ quan quản lý nhà nước với các doanh nhân, doanh nghiệp; mở rộng, phát triển đồng bộ và nâng cao chất lượng các dịch vụ hỗ trợ doanh nghiệp, nhất là cung cấp thông tin thị trường, như thông tin về chất lượng, giá cả và cung - cầu, cũng như triển vọng sản phẩm; thông tin về đối tác, cơ hội và kinh nghiệm kinh doanh; thông tin về môi trường đầu tư (các quy định pháp lý, thủ tục xuất - nhập khẩu; các yêu cầu và giấy chứng nhận về vệ sinh an toàn, chất lượng sản phẩm; các đặc điểm văn hóa, thị hiếu tiêu dùng; hệ thống phân phối hàng;...) và các dịch vụ xúc tiến thương mại (hội chợ, triển lãm, quảng cáo và tham quan thị trường, môi giới và tiếp xúc với các đối tác tiềm năng...).
Song song đó, khuyến khích phát triển các dịch vụ hỗ trợ tư pháp, nhất là về đăng ký và xử lý tranh chấp thương hiệu, tư vấn kế toán, thuế, thủ tục xuất - nhập khẩu; các dịch vụ tài chính - ngân hàng, nổi bật là dịch vụ thanh toán, chuyển tiền, bảo hiểm và bảo lãnh tín dụng (kể cả bảo lãnh tín dụng quốc tế, thế chấp bằng tài sản ở trong nước của các doanh nhân và doanh nghiệp Việt Nam); xây dựng và triển khai hiệu quả những chương trình giáo dục, đào tạo riêng, thích hợp nhằm bồi dưỡng kiến thức của các giám đốc doanh nghiệp cũng như người lao động trong khu vực kinh tế tư nhân...
Về phía doanh nhân và doanh nghiệp cũng cần có sự chủ động tự điều chỉnh, bám sát và đáp ứng tốt hơn nhu cầu thị trường, nâng cao năng lực cạnh tranh thị trường và quản trị rủi ro; vừa tuân thủ luật pháp, vừa chủ động phản biện, nêu rõ các khó khăn, vướng mắc và cụ thể hóa yêu cầu, kiến nghị, góp phần hoàn thiện luật pháp kinh doanh, tìm kiếm các biện pháp để tháo gỡ khó khăn cho kinh tế tư nhân... đưa đất nước phát triển theo đúng tinh thần kinh tế tư nhân định hướng xã hội chủ nghĩa. Một nền kinh tế tư nhân mạnh là nền kinh tế có khu vực kinh tế tư nhân mạnh. Công cuộc đổi mới toàn diện và những đột phá táo bạo, đúng đắn về thể chế kinh tế tư nhân sẽ là một bảo đảm cho triển vọng phát triển của khu vực kinh tế tư nhân Việt Nam.
Tài liệu tham khảo:
1. Báo cáo thống kê kinh tế - xã hội định kỳ hằng tháng và hằng năm của Tổng cục Thống kê.
2.https://dantri.com.vn/phap-luat/bat-doi-tuong-boi-nho-doanh-nhan-nghe-sy-noi-tieng-tren-facebook-1434847718.htm
3. https://congly.vn/boi-nho-doanh-nghiep-tren-mang-xa-hoi-la-vi-pham-phap-luat-103748.html
4. https://tuoitre.vn/nguoi-viet-kem-van-minh-tren-mang-20200223220019317.htm
TS. Nguyễn Minh Phong - ThS. Nghiêm Anh Thư