Thống kê của NHNN chi nhánh TP.HCM cho thấy, trong giai đoạn 2014-2018 dư nợ cho vay tiêu dùng trên địa bàn có mức tăng mạnh...
Năm 2014 tổng dư nợ cho vay tiêu dùng của các TCTD trên địa bàn mới chỉ đạt hơn 90.300 tỷ đồng nhưng đến cuối năm 2018 con số này đã đạt gần 480.000 tỷ đồng (tăng bình quân 52%/năm). Không chỉ tăng về số lượng mà tỷ trọng dư nợ tín dụng tiêu dùng/tổng dư nợ cũng đã tăng từ 8,46% (năm 2014) lên mức 23,72% (năm 2018).
Các ngân hàng nỗ lực đẩy mạnh cho vay tiêu dùng để hạn chế tín dụng đen
Với mức tăng trưởng như vậy, đại diện NHNN chi nhánh TP.HCM cho rằng, hệ thống TCTD trong những năm gần đây đã có những đóng góp tích cực trong việc đáp ứng nhu cầu tài chính tiêu dùng của người dân. Việc tỷ trọng cho vay trung – dài hạn trong cho vay tiêu dùng chiếm áp đảo (81%) cho thấy nguồn tín dụng tiêu dùng đã hỗ trợ mạnh mẽ nhu cầu vay vốn mua nhà, ổn định chỗ ở và mua sắm các phương tiện giao thông cũng như các thiết bị gia đình thiết yếu của người dân.
Tại Thanh Hóa đến cuối năm 2018, dư nợ tín dụng cho vay phục vụ đời sống, tiêu dùng đạt hơn 104 nghìn tỷ đồng tăng 31,21%, Bắc Giang tăng 24,25% đều cao hơn tốc độ tăng trưởng tín dụng chung của nền kinh tế. Còn nếu tính trên toàn quốc, đến 31/12/2018 có 78 TCTD có phát sinh số liệu dư nợ tín dụng đối với lĩnh vực cho vay phục vụ đời sống với dư nợ đạt 1.416.933 tỷ đồng, chiếm 19,65% trong tổng dư nợ tín dụng toàn nền kinh tế, tăng 29,38% so với thời điểm cuối năm 2017, trong đó dư nợ dài hạn chiếm tỷ trọng lớn 78%.
Các kênh cung cấp tín dụng phục vụ đời sống, tín dụng tiêu dùng đã đáp ứng được nhu cầu của người dân thuộc các đối tượng khách hàng khác nhau. Tuy nhiên, qua khảo sát cho thấy, ngoài NHCSXH, Agribank… phối hợp tích cực với Quỹ hỗ trợ phụ nữ phát triển kinh tế, Quỹ hỗ trợ nông dân chính quyền và các tổ chức chính trị xã hội cơ sở, nhiều NHTM chưa chủ động làm việc tạo sự phối hợp, hỗ trợ từ phía chính quyền cơ sở trong hoạt động cho vay. Vì vậy, gặp khó khăn trong việc xác minh cư trú, nhân thân, mục đích vay vốn và cả khó khăn trong công tác thu hồi nợ.
Tuy nhiên, qua khảo sát của phóng viên, việc nhiều trường hợp chưa tiếp cận được với nguồn vốn tín dụng tiêu dùng là bởi những quy định pháp lý. Chẳng hạn, hiện nay theo Thông tư 39/2016/TT-NHNN các NHTM phải thẩm định, chứng minh mục đích sử dụng vốn của khách hàng; nhưng do nhiều khách hàng vay vốn quy mô nhỏ không có đầy đủ các chứng từ, hóa đơn nên ngân hàng không dám cho vay.
Chẳng hạn như tại Bình Dương, ông Nguyễn Phú Cường - Phó Giám đốc NHNN chi nhánh Bình Dương cho biết, đến thời điểm cuối năm 2018 các TCTD trên địa bàn đã cho vay khoảng 47.500 tỷ đồng tín dụng tiêu dùng đối với hơn 110.000 khách hàng. Tuy nhiên, con số này chỉ chiếm tỷ lệ khá nhỏ so với nhu cầu vay vốn phục vụ đời sống công nhân, người lao động tại các khu công nghiệp, khu chế xuất. Nguyên nhân chính là vì các TCTD gặp khó khăn trong việc thẩm định mục đích sử dụng vốn và theo dõi thu hồi nợ từ các khoản vay tín chấp.
Hay như tại Bắc Giang, mặc dù tín dụng tiêu dùng tăng trưởng khá tích cực nhưng vẫn chưa đáp ứng nhu cầu tín dụng tiêu dùng của người dân, nhất là ở khu vực nông thôn, vùng sâu, vùng xa, các đối tượng hộ nghèo, chính sách… Nguyên nhân chủ yếu do cho vay tiêu dùng thuộc đối tượng không khuyến khích. Bên cạnh đó, tâm lý một số người dân lo ngại khi thủ tục vay vốn phức tạp, không muốn chứng minh nguồn thu nhập với ngân hàng khi vay vốn, nên các NHTM cũng gặp khó khăn trong mở rộng cho vay tiêu dùng.
Thêm nữa, hiện nay có nhiều các công ty tài chính trên địa bàn thực hiện bán hàng trả góp, thủ tục thuận tiện nhanh gọn nên nhiều khách hàng có nhu cầu đã mua hàng trả góp mà không cần làm thủ tục vay vốn ngân hàng.
Tuy nhiên, việc triển khai cho vay của các công ty tài chính luôn bị các đối tượng cho vay nặng lãi gây rối, dọa dẫm, nhất là ở các khu công nghiệp có nhiều công nhân. Nhiều khách hàng vay vốn tại NHTM đồng thời vay vốn tại các công ty tài chính tiêu dùng với số tiền vay nhỏ nhưng không trả nợ đúng kỳ hạn dẫn đến chuyển nhóm nợ đối với số tiền vay tại NHTM ảnh hưởng đến chất lượng tín dụng tại chi nhánh…
Tại Thanh Hóa cũng vậy, mặc dù các ngân hàng trên địa bàn khá chủ động tiếp cận với các đối tượng khách hàng. Tuy nhiên, một bộ phận khách hàng tiềm năng như cán bộ, công nhân viên tại các cơ quan trên địa bàn rất khó tiếp cận. Đại diện một NHTMCP trên địa bản tỉnh Thanh Hóa chia sẻ, hiện tại có nhiều DN, cả cơ quan Nhà nước không đứng ra ký bảo lãnh cho cán bộ, công nhân được vay tiêu dùng vì lo ngại nếu cán bộ của mình không trả được nợ ảnh hưởng đến uy tín của đơn vị.
Ngay cả chương trình tín dụng tiêu dùng 5.000 tỷ đồng của Agribank được tung ra từ đầu năm 2019 nhưng việc triển khai tại các địa phương còn gặp nhiều khó khăn. Nguyên do quy định về hồ sơ, thủ tục rút gọn khi thẩm định cho vay và quy định về lãi suất cho vay chưa thống nhất với quy định tại Thông tư 39/2016/TT-NHNN, gây khó khăn cho cán bộ tín dụng khi cho vay. Nhiều chi nhánh lại có tâm lý ngại triển khai do món vay nhỏ, chi phí phát sinh lớn trong khi là khoản vay tín chấp nên tiềm ẩn nhiều rủi ro…
Theo thoibaonganhang.vn