Ngày 14/11/2019, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN), Tiến sĩ Đào Minh Tú, Chủ nhiệm dự án đã bảo vệ thành công công trình nghiên cứu “Lịch sử đồng tiền Việt Nam – Quá trình hình thành và phát triển”. Dự án được Hội đồng tư vấn đánh giá, nghiệm thu kết quả thực hiện dự án Khoa học và Công nghệ cấp Bộ đánh giá xếp loại xuất sắc với kết quả nghiên cứu đạt chất lượng cao cả về tính khoa học và về tính thực tiễn.
Quang cảnh buổi nghiệm thu.
Các nhà khoa học đều cho rằng, công trình có ý nghĩa khoa học và thực tiễn lớn không chỉ đối với ngành Ngân hàng mà còn là cơ sở hình thành bản thảo cuốn sách Lịch sử đồng tiền Việt Nam – nguồn tài liệu có tính giáo khoa, góp phần tuyên truyền, quảng bá các giá trị lịch sử, văn hoá, kinh tế về tiền tệ Việt Nam. Dự án hoàn thành sẽ có ý nghĩa vô cùng to lớn cả về lý luận và thực tiễn đối với cộng đồng, với các nhà nghiên cứu, các nhà sưu tầm cũng như mọi người quan tâm đến tiền Việt Nam ở trong và ngoài nước. Nguồn tài liệu này sẽ góp phần xây dựng nội dung cho Bảo tàng tiền Việt Nam, mở ra các hoạt động về giáo dục tài chính trong cộng đồng và tại các trường Đại học, đồng thời là nền móng cho việc xây dựng các bộ phim tài liệu, các công trình nghiên cứu chuyên sâu trong tương lai, là cơ sở dữ liệu để tra cứu về tiền cho các học giả trong và ngoài nước.
Công trình quy tụ đội ngũ khoa học hàng đầu nghiên cứu về tiền
Tham dự buổi nghiệm thu dự án, về phía Hội đồng nghiệm thu có Tiến sĩ Phùng Khắc Kế - Nguyên Phó Thống đốc NHNN, Chủ tịch Hội đồng, TS Phạm Quốc Quân, Nguyên Giám đốc Bảo tàng Lịch sử quốc gia Việt Nam – Phó Chủ tịch Hội đồng cùng các Ủy viên Hội đồng. Về phía NHNN, có TS Đào Minh Tú, Ủy viên Ban Cán sự Đảng, Phó Thống đốc NHNN chủ nhiệm dự án, các thành viên thuộc dự án cùng lãnh đạo Văn phòng, Vụ Truyền thông, Cục Phát hành Kho quỹ, Viện chiến lược Ngân hàng, sự tham gia đông đảo của các nhà nghiên cứu, khoa học, sưu tầm về tiền.
TS Đào Minh Tú, Chủ nhiệm đề tài “Lịch sử đồng tiền Việt Nam – Quá trình hình thành và phát triển”.
Tại buổi nghiệm thu đề tài, TS Đào Minh Tú đã thay mặt đội ngũ nghiên cứu dự án để thuyết trình về đề tài. Phó Thống đốc cho biết, đồng tiền Việt Nam đã có lịch sử hơn một nghìn năm với bao thăng trầm và thay đổi. Trải qua chiến tranh và thời gian, các tài liệu, thư tịch liên quan, hoặc ghi chép về Tiền Việt Nam đến nay còn khiêm tốn. Việc nghiên cứu lịch sử tiền tệ Việt Nam đã có nhiều công trình nghiên cứu của các nhà khoa học trong và ngoài nước, các nhà sưu tầm tiền tư nhân được công bố, bước đầu đạt được những thành tựu. Tuy nhiên, trong suốt chiều dài lịch sử, từng phân khúc tiền tệ vẫn chỉ là những nét đậm - nhạt khác nhau, thậm chí còn trái ngược nhau trong nhận định và học thuật. Cho đến nay, chưa có một công trình mang tính hệ thống bao quát toàn bộ tiền tệ Việt Nam trong lịch sử. Vì thế, để có một cái nhìn toàn cảnh về đồng tiền Việt Nam trong lịch sử, rất cần thiết phải có một công trình nghiên cứu sâu, mang tính tổng hợp, hệ thống hoá toàn bộ tư liệu về lịch sử hình thành và phát triển đồng tiền Việt Nam.
Với nhận thức lịch sử tiền tệ Việt Nam là một bộ phận quan trọng trong lịch sử văn hoá Việt Nam, gắn liền với lịch sử dân tộc, sự phát hành tiền thể hiện sự phát triển kinh tế - xã hội và nhiệm vụ chính trị của đất nước. Chính vì vậy, trong những năm qua Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã có sự quan tâm đáng kể trong việc sưu tầm, phổ biến, bảo tồn và phát huy di sản tiền Việt Nam. Ngày 21/4/2016, Thống đốc NHNN đã ký Quyết định số 887/QĐ-NHNN về việc bổ sung nhiệm vụ khoa học công nghệ trọng điểm cấp Bộ năm 2016. Theo đó, NHNN triển khai Dự án nghiên cứu khoa học: “Lịch sử đồng tiền Việt Nam – Quá trình hình thành và phát triển”, Mã số DANH.002/16 do TS Đào Minh Tú- Phó Thống đốc NHNN là chủ nhiệm Dự án. Đơn vị thực hiện Dự án là Văn phòng NHNN.
Đây là một quyết định có ý nghĩa thể hiện quyết tâm của Lãnh đạo NHNN mong muốn tập hợp, hệ thống hóa tư liệu một cách khoa học, chính xác,có tính chất biện chứng duy vật lịch sử về các đồng tiền Việt Nam qua các thời kỳ lịch sử từ thời vua Đinh Tiên Hoàng năm 968 đến năm 2016 phục vụ cho việc tìm hiểu, nghiên cứu của đông đảo công chúng trong và ngoài nước.
Dự án “Lịch sử đồng tiền Việt Nam- Quá trình hình thành và phát triển” là công trình nghiên cứu trọng điểm cấp Ngành, lần đầu tiên được NHNN Việt Nam - một cơ quan của Chính phủ có chức năng, nhiệm vụ quản lý nhà nước hàng tiền tệ đứng ra tổ chức nghiên cứu, tập hợp nhiều nhà nghiên cứu, sưu tầm trong nước cùng với những bộ sưu tập hiếm quý chưa từng được công bố. Việc tổ chức Dự án được nghiên cứu một cách khoa học và nghiêm túc, đảm bảo đúng phương pháp, đúng mục đích. Quan điểm nghiên cứu dự án là sự tham gia, tổng hợp kiến thức hàn lâm, kiến thức nghiên cứu khoa học và kiến thức thực tiễn của các nhà nghiên cứu, các nhà sưu tầm cũng như các nhà quản lý với sự độc lập nghiên cứu, đảm bảo không vi phạm về bản quyền và có tính kế thừa, công khai và có nguồn chính thống.
Đối tượng nghiên cứu của dự án là các đồng tiền được phát hành và lưu hành trên lãnh thổ Việt Nam từ thời vua Đinh Tiên Hoàng đến năm 2016. Để có thể hình dung tổng quan nền tài chính- tiền tệ tự chủ của Việt Nam, Nhóm nghiên cứu Dự án phối hợp với các nhà khoa học, các nhà sưu tập tiền tư nhân nhằm làm rõ quá trình hình thành, tồn tại và kết thúc vai trò lịch sử trong mỗi chính thể đã từng tồn tại trong gần một nghìn năm qua của đồng tiền Việt Nam. Trong đó, các loại hình tiền Việt Nam được sắp xếp theo chất liệu và trình tự lịch sử.
TS Phùng Khắc Kế - Chủ tịch Hội đồng tuyên bố Dự án đạt loại Xuất sắc.
Dự án đã phân công thành 5 nhóm soạn thảo theo 5 chuyên đề do các nhà nghiên cứu, nhà sưu tầm tiền làm trưởng nhóm, cụ thể: Chuyên đề 1: Tiền VN qua các thời kỳ phong kiến (970-1945) do ông Mai Ngọc Phát làm trưởng nhóm; Chuyên đề 2: Tiền do Ngân hàng Đông Dương phát hành (1874-1954) do ông Doãn Khắc Hùng làm trưởng nhóm; Chuyên đề 3: Tiền Việt Nam từ năm 1951 đến 2016 do ông Nguyễn Văn Mai làm trưởng nhóm; Chuyên đề 4: Những đồng tiền đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa(1945-1954) do ông Huỳnh Tấn Thành làm trưởng nhóm; Chuyên đề 5: Tiền Việt Nam Cộng hòa (1955-1975) do ông Vũ Huy Quang làm trưởng nhóm.
Một công trình công phu, chất lượng cao, tin cậy, xác thực và cập nhật
Các nhóm nghiên cứu triển khai tổ chức và đi khảo sát, tiếp cận nguồn tư liệu và các bộ sưu tập tiền của các bảo tàng, các nhà sưu tầm tư nhân tại Hà Nội, TPHCM, Bắc Ninh, Huế, Quảng Ngãi để hệ thống, lập danh mục các đồng tiền; tiến hành phân loại các đồng tiền theo thời kỳ lịch sử, niên hiệu, chất liệu; Scan, dịch thuật các tư liệu nước ngoài (tiếng Anh, tiếng Pháp, tiếng Trung Quốc, tiếng Hán) để có thêm tư liệu nghiên cứu; Làm việc với Kho lưu trữ Ngân hàng Trung ương và Trung tâm lưu trữ quốc gia để khai thác, sao chụp các văn bản liên quan đến in, phát hành tiền.
Trên cơ sở danh mục đồng tiền, các thành viên nghiên cứu, nhà sưu tầm tư nhân đã cung cấp các bộ sưu tập của mình, bao gồm cả những bộ sưu tập quý hiếm và cùng cán bộ NHNN scan, chụp ảnh, ghi chép thông tin. Mặc dù bận công việc chuyên môn nhưng các thành viên rất nhiệt tình, trách nhiệm, tạo điều kiện cho cán bộ NHNN đến nhà riêng, hướng dẫn scan, chụp ảnh các bộ sưu tập của mình.
Để đạt được mục tiêu nghiên cứu của Dự án, song song với việc scan, chụp ảnh các đồng tiền, nhóm nghiên cứu đã đo kích thước, trọng lượng, mô tả từng đồng tiền và ghi chép lại thông tin. Trên cơ sở thông tin thu thập được, các cán bộ đã nhập dữ liệu vào máy tính, xây dựng một bộ hồ sơ khoa học cho các đồng tiền. Mỗi đồng tiền, tờ tiền có một lý lịch riêng với 6 thông tin cơ bản như tên Tiền, Mô tả, hình ảnh, niên đại, đặc điểm hiện trạng và lai lịch và đánh mã số. Phần chữ đúc hay in được phiên âm, dịch nghĩa và chú giải.
Đến nay, NHNN đã hoàn thành việc chụp ảnh, thu thập thông tin gần 2000 đồng tiền qua các thời kỳ (tương ứng với gần 4.000 hình ảnh), xây dựng bộ Phiếu tiền (khoảng 970 phiếu) và đang tiếp tục bổ sung. Đây là nguồn tài liệu khoa học không chỉ phục vụ Dự án và lưu trữ lâu dài mà còn giúp cho công tác nghiên cứu khoa học và xây dựng Bảo tàng Tiền Việt Nam sau này.
Các nhà khoa học phát biểu tại buổi nghiệm thu dự án.
Trên cơ sở Đề cương nghiên cứu, nguồn tư liệu, hình ảnh, thông tin về các đồng tiền đã thu thập được, các trưởng nhóm chủ động điều hành, tổ chức thành viên trong nhóm nghiên cứu theo từng mẫu tiền, từng sưu tập tiền có cùng chất liệu đồng, bạc, kẽm, nhôm, hợp kim đồng – nickel và giấy; sao chép, chụp ảnh; scan, photoshop và dập thác bản một số mẫu tiền kim loại; dịch thuật các loại chữ đúc hay in trên tiền như chữ Hán, chữ Pháp và chữ Lào để tiến hành viết đề cương và bản thảo. Các nhóm đã thường xuyên tổ chức cuộc họp nội bộ để trao đổi thông tin, thảo luận nội dung bản thảo. Bên cạnh các cuộc họp của từng nhóm, NHNN tổ chức nhiều cuộc họp để nắm bắt tiến độ, ý kiến góp ý cũng như đề xuất của các trưởng nhóm.
Sau khi tổng hợp bản thảo theo chuyên đề và chung, NHNN và nhóm nghiên cứu tổ chức 37 cuộc họp nội bộ từng nhóm và giữa các nhóm để cùng tham gia, đóng góp ý kiến hoàn thiện nội dung bản thảo. Với tinh thần cầu thị, mong muốn Dự án đạt chất lượng cao, Văn phòng NHNN đã tổ chức 03 Hội thảo tại Hà Nội và 01 Hội thảo tại TPHCM. Các nhà nghiên cứu thuộc Dự án đã nhận được sự ủng hộ, đóng góp ý kiến của nhiều nhà khoa học, chuyên gia đến từ cơ quan nghiên cứu về lịch sử, về tiền tệ tại Hà Nội và TPHCM như: Cục Di sản văn hoá, Bộ Văn hoá Thể thao và Du lịch, Bảo tàng Lịch sử Quốc gia, Bảo tàng Lịch sử TPHCM, Khoa Lịch sử, Trường ĐHKHXH và Nhân văn… và đã có những tiếp thu, chỉnh sửa theo ý kiến tham gia góp ý quý báu đó.
Với tinh thần làm việc nghiêm túc, nhiệt tình, trách nhiệm và tâm huyết của các thành viên nghiên cứu, được sự giúp đỡ, ủng hộ của các nhà khoa học, chuyên gia đầu ngành về lịch sử, văn hóa, kinh tế, các nhà sưu tầm đam mê nghiên cứu tiền cổ, các nhà quản lý có bề dày công tác trong Ngành, qua 3 năm nghiên cứu, dự án đã hoàn thành các báo cáo tổng hợp, báo cáo tóm tắt và 5 chuyên đề nghiên cứu độc lập, các bản thảo, bài nghiên cứu công bố về tiền, các bài viết về tiền kim loại, tiền giấy trong 03 số Tập san Vietnam Numismatics của CLB sưu tầm & nghiên cứu đồng tiền Việt Nam; Đặc biệt là các bài viết về hệ thống tiền thưởng bằng kim loại vàng, bạc, đồng; nghệ thuật thư pháp trên tiền cổ triều Lê Sơ, bộ phiếu tiền kim loại và tiền giấy Việt Nam (970 Phiếu), 1 tập bản dập mặt tiền kim loại, gần 4000 hình ảnh đồng tiền. Nhờ đó, Hội đồng nghiệm thu đã đánh giá đây là một công trình công phu, có chất lượng cao, có độ tin cậy, xác thực và cập nhật, được coi là nguồn tài liệu có tính giáo khoa, một công trình khoa học chính thống, có lập luận, phân tích một cách khoa học, thuyết phục.
Hội đồng tư vấn nghiệm thu kết quả nghiên cứu dự án khoa học trọng điểm cấp Bộ “Lịch sử đồng tiền Việt Nam – Quá trình hình thành và phát triển” gồm:
1. Tiến sĩ Phùng Khắc Kế - Nguyên Phó Thống đốc NHNN, Chủ tịch Hội đồng
2. TS Phạm Quốc Quân, Nguyên Giám đốc Bảo tàng Lịch sử quốc gia Việt Nam – Phó Chủ tịch Hội đồng.
3. PGS.TS Nguyễn Đức Nhuệ, Phó Viện trưởng Viện Sử học Việt Nam - Ủy viên phản biện 1
4. PGS.TS Đặng Hồng Sơn, Phó Trưởng khoa, Phó Trưởng Bộ môn, Giảng viên cao cấp bộ môn Khảo cổ học, Khoa Lịch sử, ĐH Khoa học xã hội và Nhân văn - Ủy viên phản biện 2
5. TS Nguyễn Văn Đoàn, Phó Giám đốc Bảo tàng Lịch sử Quốc gia - Ủy viên Hội đồng
6. ThS Nguyễn Hữu Toàn, Nguyên Phó Cục trưởng Cục Di sản văn hóa – Bộ VHTTDL - Ủy viên Hội đồng
7. Cử nhân Đặng Văn Tới – Phó Chánh Văn phòng NHNN - Ủy viên Hội đồng
8. ThS Phạm Bảo Lâm – Cục trưởng Cục Phát hành và Kho quỹ NHNN - Ủy viên Hội đồng
9. ThS Đỗ Thị Bích Hồng – Phó trưởng phòng – Viện Chiến lược Ngân hàng - Ủy viên thư ký Hội đồng
|
Thoa Lê
Ảnh: Mạnh Thắng
Nguồn: https://sbv.gov.vn/webcenter/portal/vi/menu/trangchu/ttsk/ttsk_chitiet?leftWidth=20%25&showFooter=false&showHeader=false&dDocName=SBV402262&rightWidth=0%25¢erWidth=80%25&_afrLoop=28408308823127577#%40%3F_afrLoop%3D28408308823127577%26centerWidth%3D80%2525%26dDocName%3DSBV402262%26leftWidth%3D20%2525%26rightWidth%3D0%2525%26showFooter%3Dfalse%26showHeader%3Dfalse%26_adf.ctrl-state%3D19ulja82b6_54