Ngày 17/12/2024, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) tổ chức Hội nghị trực tuyến tập huấn, phổ biến, quán triệt Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở số 10/2022/QH15 ngày 10/11/2022 và các văn bản liên quan trong ngành Ngân hàng. Hội nghị kết nối từ điểm cầu trung tâm tại Trụ sở NHNN, Hà Nội với các điểm cầu tại NHNN chi nhánh các tỉnh, thành phố. Đồng chí Đào Minh Tú - Phó Thống đốc Thường trực NHNN, Chủ tịch Công đoàn Ngân hàng Việt Nam, Trưởng Ban Chỉ đạo thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở của ngành Ngân hàng chủ trì Hội nghị.
Tham dự Hội nghị tại điểm cầu trung tâm, có đại diện Lãnh đạo Ban Dân vận Trung ương, Đảng ủy Khối các cơ quan Trung ương, Đảng ủy Khối các doanh nghiệp Trung ương, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam. Về phía ngành Ngân hàng, có các đồng chí thành viên Ban Chỉ đạo, Tổ giúp việc thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở của ngành Ngân hàng; đại diện Lãnh đạo Đảng ủy cơ quan Ngân hàng Trung ương, Công đoàn Cơ quan NHNN Trung ương, Đoàn Thanh niên Ngân hàng Trung ương, các vụ, cục, đơn vị thuộc NHNN, Công ty Cổ phần Thanh toán Quốc gia Việt Nam, Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam, Ngân hàng Hợp tác xã Việt Nam, Ngân hàng Chính sách xã hội, Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam, Ngân hàng Thương mại (NHTM) cổ phần Ngoại thương Việt Nam, NHTM cổ phần Công thương Việt Nam, NHTM cổ phần Đầu tư và Phát triển Việt Nam. Hội nghị cũng có sự tham dự của các đồng chí Ủy viên Ban Chấp hành Công đoàn Ngân hàng Việt Nam trên địa bàn thành phố Hà Nội; đại diện Ban Chấp hành Công đoàn, Ban Chỉ đạo thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở của các NHTM có trụ sở chính tại Hà Nội và Tổng Thư ký các hiệp hội trong ngành Ngân hàng.
Tại điểm cầu NHNN chi nhánh tỉnh, thành phố, có đại diện Ban Lãnh đạo, Ban Chỉ đạo thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở của NHNN chi nhánh tỉnh, thành phố và các tổ chức tín dụng trên địa bàn.
Phát biểu khai mạc Hội nghị, đồng chí Đào Minh Tú - Phó Thống đốc Thường trực NHNN, Chủ tịch Công đoàn Ngân hàng Việt Nam, Trưởng Ban Chỉ đạo thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở của ngành Ngân hàng cho biết, những năm qua, Đảng và Nhà nước ta đã ban hành nhiều chính sách đổi mới về kinh tế, chính trị, xã hội, phát huy quyền làm chủ của Nhân dân, nhờ đó đã đạt được những thành tựu to lớn trong sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội và bảo vệ Tổ quốc. Ngày 10/11/2022, tại Kỳ họp thứ 4, Quốc hội đã thông qua Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở. Đây là văn bản pháp lý cao nhất từ trước đến nay nhằm thể chế hóa chủ trương, đường lối của Đảng và Nhà nước về xây dựng và thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở. Với mong muốn trang bị thêm những nội dung mang tính chuyên sâu kết hợp với kinh nghiệm từ hoạt động thực tế thực hiện công tác dân chủ ở cơ sở, NHNN tổ chức Hội nghị nhằm phổ biến, giới thiệu những nội dung cơ bản của Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở, một số nội dung hướng dẫn Công đoàn tham gia đối thoại và thực hiện Quy chế dân chủ tại nơi làm việc.
Đồng chí Đào Minh Tú - Phó Thống đốc Thường trực NHNN, Chủ tịch Công đoàn Ngân hàng Việt Nam, Trưởng Ban Chỉ đạo thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở của ngành Ngân hàng phát biểu tại Hội nghị
Phó Thống đốc Thường trực NHNN Đào Minh Tú đề nghị các đại biểu tham dự Hội nghị dành thời gian tối đa, tập trung lắng nghe các nội dung trình bày của các báo cáo viên; tích cực trao đổi, thảo luận để nắm bắt các vấn đề một cách sâu sắc và kỹ lưỡng, qua đó có thể áp dụng ngay những kiến thức, những hiểu biết đã được trao đổi, truyền đạt tại Hội nghị này vào thực tiễn hoạt động của đơn vị mình.
Tại Hội nghị, đồng chí Đặng Hữu Ngọ - Vụ trưởng Vụ Dân vận các cơ quan nhà nước, Ban Dân vận Trung ương đã phổ biến nội dung cơ bản của Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở. Dựa trên quy định cụ thể của Hiến pháp năm 2013 và nhiều văn bản quy phạm pháp luật có liên quan, Quốc hội đã ban hành Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở năm 2022 với ba mục đích chính: (i) Hoàn thiện pháp luật về thực hiện dân chủ ở cơ sở nhằm bảo đảm quyền lực nhà nước thuộc về Nhân dân; tiếp tục khẳng định bản chất của Nhà nước ta là Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của Nhân dân, do Nhân dân, vì Nhân dân, tất cả quyền lực nhà nước thuộc về Nhân dân, Nhân dân là người chủ của đất nước; (ii) Bảo đảm công khai, minh bạch trong hoạt động và trách nhiệm giải trình của chính quyền cơ sở, cơ quan, đơn vị và doanh nghiệp; (iii) Khắc phục những hạn chế, bất cập phát sinh trong thực tiễn thi hành quy định của pháp luật hiện hành về thực hiện dân chủ ở cơ sở.
Đồng chí Đặng Hữu Ngọ - Vụ trưởng Vụ Dân vận các cơ quan nhà nước, Ban Dân vận Trung ương phổ biến nội dung cơ bản của Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở
Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở gồm có 6 chương, 91 điều, có hiệu lực thi hành từ ngày 01/7/2023 với nhiều quy định mới về thực hiện dân chủ cơ sở ở xã, phường, thị trấn. Cụ thể: Chương I (từ Điều 1 - 10) là những quy định chung; Chương II (từ Điều 11 - 45) là những quy định về thực hiện dân chủ cơ sở ở xã, phường, thị trấn; Chương III (từ Điều 46 - 63) là những quy định về thực hiện dân chủ ở cơ quan, đơn vị; Chương IV (từ Điều 64 - 82) là những quy định về thực hiện dân chủ ở tổ chức có sử dụng lao động; Chương V (từ Điều 83 - 89) là những quy định về tổ chức thực hiện pháp luật về thực hiện dân chủ ở cơ sở; Chương VI (từ Điều 90 - 91) là điều khoản thi hành.
Vụ trưởng Vụ Dân vận các cơ quan nhà nước, Ban Dân vận Trung ương Đặng Hữu Ngọ khẳng định, thực hiện dân chủ ở cơ sở chính là phương thức phát huy quyền làm chủ của Nhân dân, để công dân, cán bộ, công chức, viên chức, người lao động được thông tin, thể hiện ý chí, nguyện vọng, chính kiến của mình thông qua việc thảo luận, tham gia ý kiến, quyết định và kiểm tra, giám sát các vấn đề ở cơ sở theo quy định của Hiến pháp và pháp luật.
Đồng chí Ngọ Duy Hiểu - Phó Bí thư Đảng đoàn, Phó Chủ tịch Ban Chấp hành Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam thông tin về tổ chức và hoạt động của Ban Thanh tra nhân dân ở cơ quan đơn vị và doanh nghiệp nhà nước
Trình bày chuyên đề “Tổ chức và hoạt động của Ban Thanh tra nhân dân ở cơ quan đơn vị và doanh nghiệp nhà nước”, đồng chí Ngọ Duy Hiểu - Phó Bí thư Đảng đoàn, Phó Chủ tịch Ban Chấp hành Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam cho biết, Ban Thanh tra nhân dân được tổ chức nhằm thực hiện việc giám sát của Nhân dân đối với việc thực hiện chính sách, pháp luật, việc giải quyết khiếu nại, tố cáo, việc thực hiện pháp luật về dân chủ ở cơ sở của cơ quan, tổ chức, cá nhân có trách nhiệm ở xã, phường, thị trấn, cơ quan nhà nước. Tổ chức và hoạt động của Ban Thanh tra nhân dân ở cơ quan, đơn vị được quy định cụ thể tại Nghị định số 59/2023/NĐ-CP ngày 14/8/2023 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở.
Cụ thể, tổ chức và hoạt động của Ban Thanh tra nhân dân tuân theo ba nguyên tắc chính: Thứ nhất, tuân thủ theo quy định của pháp luật; thực hiện đúng nhiệm vụ, quyền hạn được giao; bảo đảm khách quan, công khai, minh bạch; mọi ý kiến, phản ánh của cán bộ, công chức, viên chức, người lao động được phản ánh trung thực đến người có thẩm quyền giải quyết theo quy định của pháp luật; Thứ hai, không được lợi dụng nhiệm vụ, quyền hạn để kích động, dụ dỗ, lôi kéo công chức, viên chức, người lao động để thực hiện các hành vi trái pháp luật; Thứ ba, Ban Thanh tra nhân dân làm việc theo chế độ tập thể và quyết định theo đa số.
Theo đồng chí Ngọ Duy Hiểu, thành viên của Ban Thanh tra nhân dân là tiếng nói đại diện của người lao động trong cơ quan, đơn vị. “Thành viên của Ban Thanh tra nhân dân phải là những người có năng lực trong việc thanh tra, giám sát, có phẩm chất thẳng thắn, có tinh thần trách nhiệm, dân chủ trong việc phát hiện và phòng ngừa sớm những vi phạm xảy ra trong cơ quan, đơn vị” - đồng chí Ngọ Duy Hiểu khẳng định.
Để Ban Thanh tra nhân dân hoạt động hiệu quả, đồng chí Ngọ Duy Hiểu đề xuất, người đứng đầu, lãnh đạo cơ quan, đơn vị phải tạo điều kiện để Ban Thanh tra nhân dân hoạt động. Đặc biệt, phía cơ quan, đơn vị cần thực hiện tốt công tác thông tin, thông báo đến Ban Thanh tra nhân dân, trực tiếp bảo đảm Ban Thanh tra nhân dân có quyền tham gia đối thoại vấn đề liên quan, giải quyết các kiến nghị trong đơn vị và xử lý các hành vi cản trở hoạt động của Ban Thanh tra nhân dân. Ngoài ra, Công đoàn cũng cần phát huy vai trò chủ động giới thiệu, đề xuất thành viên Ban Thanh tra nhân dân để đảm bảo tính chất độc lập, khách quan của Ban đối với hoạt động của cơ quan, đơn vị.
Toàn cảnh Hội nghị
Phát biểu bế mạc Hội nghị, Phó Thống đốc Thường trực NHNN Đào Minh Tú khẳng định, Hội nghị tập huấn, phổ biến, quán triệt Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở ngành Ngân hàng đã phát huy tính dân chủ gắn với nâng cao dân trí, nhận thức về dân chủ và thực hành dân chủ cần phải được nâng lên ở các cấp, các ngành thông qua việc công khai, minh bạch, trách nhiệm, cải cách hành chính, công tác tiếp công dân, đối thoại, xử lý đơn thư, tinh thần thái độ phục vụ, đạo đức công vụ, công tác tổ chức hội nghị cán bộ công chức, hội nghị người lao động... gắn phát huy dân chủ với cải cách thủ tục hành chính, xây dựng và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, cải cách tài chính công và hiện đại hóa hành chính.
Phó Thống đốc Thường trực NHNN Đào Minh Tú mong muốn, thông qua Hội nghị, các đại biểu có thể vận dụng, thực hiện và rút kinh nghiệm trong quá trình triển khai thực hiện dân chủ tại đơn vị mình và tổ chức quán triệt, phổ biến nội dung của Luật cũng như các văn bản hướng dẫn thi hành cho đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, người lao động được biết, thực hiện nghiêm túc, đầy đủ và thống nhất.
Ngọc Linh