Ngày 19/12/2024, tại Hà Nội, Viện Chiến lược ngân hàng, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) đã tổ chức Hội thảo phổ biến kết quả nghiên cứu Đề tài khoa học và công nghệ cấp bộ “Xây dựng tiêu chuẩn và khung năng lực chuyên môn trọng tâm trong hoạt động của các tổ chức tín dụng (TCTD) và khung chương trình đào tạo, bồi dưỡng cho các vị trí đó”.
Phát biểu khai mạc Hội thảo, PGS.,TS. Chu Khánh Lân - Phó Viện trưởng Viện Chiến lược ngân hàng, NHNN cho biết, Quyết định số 986/QĐ-TTg ngày 08/8/2018 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược phát triển ngành Ngân hàng Việt Nam đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 nêu rõ việc phải xây dựng các tiêu chuẩn nghề nghiệp, chứng chỉ hành nghề đối với một số vị trí cốt lõi trong ngành Ngân hàng. Ngày 17/7/2019, Thống đốc NHNN đã ban hành Quyết định số 1537/QĐ-NHNN phê duyệt Kế hoạch triển khai Chương trình hành động của ngành Ngân hàng thực hiện Chiến lược phát triển ngành Ngân hàng Việt Nam đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 trong lĩnh vực phát triển nguồn nhân lực. Ngành Ngân hàng với vai trò, vị trí chiến lược trong bối cảnh phát triển hoạt động khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo như hiện nay, cùng những biến động của nền kinh tế - xã hội thì việc xây dựng khung năng lực cho các vị trí lãnh đạo, quản lý, chuyên môn của các TCTD là rất quan trọng.
PGS.,TS. Chu Khánh Lân - Phó Viện trưởng Viện Chiến lược ngân hàng, NHNN phát biểu tại Hội thảo
PGS.,TS. Chu Khánh Lân khẳng định, Đề tài khoa học và công nghệ “Xây dựng tiêu chuẩn và khung năng lực chuyên môn trọng tâm trong hoạt động của các TCTD và khung chương trình đào tạo, bồi dưỡng cho các vị trí đó” là cấp thiết và có tính thời sự, gắn trực tiếp tới hoạt động của các ngân hàng thương mại (NHTM).
Trình bày kết quả nghiên cứu, TS. Bùi Văn Hải - Phó Cục trưởng Cục 4, Cơ quan Thanh tra, giám sát ngân hàng, NHNN, Chủ nhiệm Đề tài cho biết: Phát triển nguồn nhân lực là chủ đề luôn được các ngân hàng và cơ quan quản lý nhà nước quan tâm nghiên cứu, thảo luận. Xác định các lĩnh vực chuyên môn sâu là trọng tâm, trụ cột phản ánh hoạt động chính của TCTD nói chung và NHTM cổ phần nói riêng.
TS. Bùi Văn Hải - Phó Cục trưởng Cục 4, Cơ quan Thanh tra, giám sát ngân hàng, Chủ nhiệm Đề tài trình bày kết quả nghiên cứu
Theo TS. Bùi Văn Hải, mục tiêu nghiên cứu của Đề tài là xây dựng khung năng lực chuẩn cho các vị trí trọng tâm tại NHTM cổ phần và tạo cơ sở phát triển chương trình đào tạo, bồi dưỡng nhân lực. Trong Đề tài, nhóm nghiên cứu đã đưa ra các nội dung: (i) Tổng quan về vị trí việc làm, tiêu chuẩn, khung năng lực vị trí lãnh đạo, quản lý, chuyên môn trọng tâm trong hoạt động của các NHTM cổ phần và khung chương trình đào tạo, bồi dưỡng cho các vị trí đó; (ii) Thực trạng tiêu chuẩn, khung năng lực của một số vị trí lãnh đạo, quản lý, chuyên môn trọng tâm trong hoạt động của NHTM cổ phần tại Việt Nam và khung chương trình đào tạo, bồi dưỡng cho các vị trí đó; (iii) Định hướng, giải pháp xây dựng tiêu chuẩn, khung năng lực và chương trình đào tạo cho một số vị trí lãnh đạo, quản lý, chuyên môn trọng tâm trong hoạt động của NHTM cổ phần và đề xuất, kiến nghị.
Kết quả khảo sát cho thấy, việc xác định các vị trí lãnh đạo, quản lý, chuyên môn trọng tâm tại NHTM là rất cần thiết cho các NHTM cổ phần tại Việt Nam hiện nay để nâng cao chất lượng quản trị NHTM. Việc xây dựng chức năng, nhiệm vụ của các vị trí lãnh đạo, quản lý, chuyên môn trọng tâm thực tế tại các NHTM cần được xem xét trong mối tương quan với các vị trí còn lại chứ không tách rời. Đào tạo, phát triển nguồn nhân lực, đặc biệt là các vị trí lãnh đạo, quản lý, chuyên môn trọng tâm là yếu tố tiên quyết, quyết định đến sự tồn tại, phát triển của NHTM.
Trong Đề tài, nhóm nghiên cứu cũng chỉ ra những khó khăn, vướng mắc về thực tiễn triển khai đào tạo, phát triển nguồn nhân lực tại các NHTM cổ phần, đó là: NHTM không có tài liệu tham khảo phù hợp; việc xây dựng tiêu chuẩn vị trí vẫn phụ thuộc vào khẩu vị riêng của mỗi ngân hàng và theo kinh nghiệm riêng của người xây dựng; có rất nhiều vị trí chuyên môn khác nhau, việc xây dựng tiêu chí cho từng vị trí rất khó và phức tạp; việc xây dựng khung năng lực mang tính chất định tính, dễ bị chi phối bởi người xây dựng khi chưa có văn bản quy định chung của NHNN; trên thực tế có sự chuyển dịch lớn về nhân sự trong NHTM, nhu cầu về nguồn nhân lực cao nhưng khả năng đáp ứng nguồn lực chưa dồi dào.
Từ đó, nhóm nghiên cứu Đề tài đưa ra các kiến nghị, đề xuất: Cần sớm xây dựng, hoàn thiện văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến nhân sự giữ vị trí lãnh đạo, quản lý và chuyên môn trọng tâm; xây dựng lộ trình triển khai việc hoàn thiện khuôn khổ pháp lý; xây dựng, quản lý và khai thác có hiệu quả kho dữ liệu chung về tiêu chuẩn năng lực; thành lập Hội đồng Phát triển năng lực ngân hàng; đào tạo phát triển năng lực ngân hàng ở cấp độ toàn Ngành; củng cố, tăng cường hệ thống các cơ sở đào tạo nghiệp vụ ngân hàng…
Trao đổi tại Hội thảo, các đại biểu cũng đánh giá cao về nội dung Đề tài, đồng thời có thêm những ý kiến đóng góp để sớm ứng dụng Đề tài vào thực tế.
Toàn cảnh Hội thảo
Đức Thuận