Triển khai Kết luận số 24-KL/TW ngày 30/12/2021 của Bộ Chính trị, Nghị quyết số 43/2022/QH15 ngày 11/01/2022 của Quốc hội, nhằm góp phần đưa nền kinh tế sớm vượt qua khó khăn, phức tạp do dịch bệnh Covid-19 gây ra, góp phần hoàn thành các mục tiêu, chỉ tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội hằng năm và giai đoạn 5 năm 2021-2025, ngày 30/01/2022, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 11/NQ-CP về Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội và triển khai Nghị quyết số 43/2022/QH15 của Quốc hội về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình (Nghị quyết số 11/NQ-CP).
NHCSXH tích cực triển khai thực hiện các chương trình tín dụng chính sách cho vay ưu đãi qua Ngân hàng
1. Kế hoạch hành động của ngành Ngân hàng triển khai Nghị quyết số 11/NQ-CP
Nghị quyết đề ra 5 nhóm nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu, trong đó có nhiều nhiệm vụ, giải pháp quan trọng cho ngành Ngân hàng, bao gồm các gói chi lớn có liên quan trực tiếp và gián tiếp đến ngành Ngân hàng, cụ thể:
Thứ nhất, gói 46.000 tỷ đồng chi mua vắc-xin và trang thiết bị phòng, chống dịch Covid-19.
Thứ hai, gói hỗ trợ là giảm thuế giá trị gia tăng và thuế thu nhập doanh nghiệp đối với những hàng hóa, dịch vụ doanh nghiệp hỗ trợ cho công tác phòng, chống dịch.
Thứ ba, gói tín dụng chính sách cho vay ưu đãi qua Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) gồm:
- Cho vay hỗ trợ tạo việc làm, duy trì và mở rộng việc làm theo quy định tại Nghị định số 61/2015/NĐ-CP ngày 09/7/2015, Nghị định số 74/2019/NĐ-CP ngày 23/9/2019 và các văn bản có liên quan. Tổng nguồn vốn cho vay tối đa là 10.000 tỷ đồng.
- Cho vay đối với cá nhân, hộ gia đình để mua, thuê mua nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân; xây dựng mới hoặc cải tạo, sửa chữa nhà ở theo chính sách về nhà ở xã hội theo quy định tại Điều 16 Nghị định số 100/2015/NĐ-CP ngày 20/10/2015, khoản 10 Điều 1 Nghị định số 49/2021/NĐ-CP ngày 01/4/2021 và các văn bản có liên quan. Tổng nguồn vốn cho vay tối đa là 15.000 tỷ đồng.
- Cho vay đối với học sinh, sinh viên để mua máy vi tính, thiết bị học tập trực tuyến và trang trải chi phí học tập. Việc cho vay để trang trải chi phí học tập thực hiện theo Quyết định số 157/2007/QD-TTg ngày 27/9/2007 và các văn bản liên quan. Tổng nguồn vốn cho vay tối đa là 3.000 tỷ đồng.
- Cho vay thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030 theo Nghị quyết số 88/2019/QH14 và Nghị quyết số 120/2020/QH14 của Quốc hội. Tổng nguồn vốn cho vay tối đa là 9.000 tỷ đồng.
- Cho vay đối với các cơ sở giáo dục mầm non, tiểu học ngoài công lập phải ngừng hoạt động ít nhất 01 tháng theo yêu cầu phòng, chống dịch. Tổng nguồn vốn cho vay tối đa là 1.400 tỷ đồng.
- Cấp bù lãi suất và phí quản lý tối đa 2.000 tỷ đồng để NHCSXH triển khai cho vay ưu đãi thuộc Chương trình theo cơ chế cấp bù chênh lệch lãi suất và phí quản lý quy định tại quy chế quản lý tài chính của NHCSXH…
Thứ tư, gói hỗ trợ đầu tư công, có tổng vốn 176.000 tỷ đồng. Trong khoản này, có 40.000 tỷ đồng hỗ trợ lãi suất đối với doanh nghiệp, hộ kinh doanh và hợp tác xã thông qua ngân hàng thương mại. Phần còn lại của đầu tư công là 136.000 tỷ đồng, trong đó có khoảng 2.000 tỷ đồng để cấp bù lãi suất và phí quản lý cho NHCSXH.
Thứ năm, gói hỗ trợ người lao động thuê nhà trọ…
Cùng với đó là các khoản hỗ trợ phục hồi doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh như: Hỗ trợ lãi suất 2%/năm trong 2 năm 2022 - 2023 thông qua hệ thống các ngân hàng thương mại; tiếp tục thực hiện cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi vay và giữ nguyên nhóm nợ đối với khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, theo dõi sát diễn biến kinh tế, thị trường tiền tệ để có giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp, người dân phù hợp, đồng thời bảo đảm an toàn hoạt động của hệ thống các tổ chức tín dụng…
Ngày 18/3/2022, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) đã ký Quyết định số 422/QĐ-NHNN ban hành Kế hoạch hành động của ngành Ngân hàng thực hiện Nghị quyết số 11/NQ-CP.
Trên tinh thần bám sát các quan điểm, mục tiêu và nhiệm vụ được giao tại Nghị quyết số 11/NQ-CP, nêu cao tinh thần chủ động, sáng tạo của từng đơn vị và sự hợp tác giữa các đơn vị trong và ngoài ngành Ngân hàng để nỗ lực thực hiện thắng lợi nhiệm vụ, giải pháp và đạt mục tiêu đề ra, Kế hoạch hành động đã cụ thể hóa các nhiệm vụ, giải pháp được quy định tại Nghị quyết số 11/NQ-CP liên quan đến chức năng, nhiệm vụ của ngành Ngân hàng, với các trọng tâm:
(i) Điều hành chính sách tiền tệ (CSTT), tín dụng và hoạt động ngân hàng, cụ thể: (1) Điều hành đồng bộ, linh hoạt các công cụ CSTT để góp phần giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, hỗ trợ tích cực quá trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội; (2) Điều hành tín dụng đáp ứng kịp thời vốn cho sản xuất kinh doanh, kiểm soát chặt chẽ tín dụng đối với các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro; tiếp tục tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19; (3) Triển khai chính sách hỗ trợ lãi suất 2%/năm trong 02 năm 2022-2023 thông qua hệ thống các ngân hàng thương mại (NHTM) đối với các khoản vay thương mại cho doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh; (4) Nghiên cứu để giữ ổn định tỷ lệ tối đa vốn ngắn hạn cho vay trung và dài hạn; (5) Tiếp tục theo dõi, giám sát tình hình tuân thủ tỷ lệ tối đa nguồn vốn ngắn hạn được sử dụng để cho vay trung và dài hạn của các TCTD theo lộ trình đã quy định tại Thông tư số 08/2020/TT-NHNN ngày 14/8/2020 sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 22/2019/TT-NHNN ngày 15/11/2019 của Thống đốc NHNN quy định các giới hạn, tỷ lệ bảo đảm an toàn trong hoạt động của ngân hàng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài; sửa đổi, bổ sung trong trường hợp cần thiết; (6) Miễn, giảm phí dịch vụ thanh toán.
(ii) Tăng vốn điều lệ cho các NHTM cổ phần do Nhà nước nắm giữ trên 50% vốn điều lệ (NHTMCPNN) và Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam (Agribank), bảo đảm an toàn hoạt động của hệ thống các TCTD và tiếp tục xử lý nợ xấu: (1) Tăng vốn điều lệ từ nguồn lợi nhuận sau thuế, sau trích lập các quỹ giai đoạn 2021-2023 cho các NHTMCPNN và từ nguồn ngân sách nhà nước đối với Agribank; (2) Theo dõi, giám sát chặt chẽ, bảo đảm an toàn hoạt động ngân hàng; thực hiện các giải pháp xử lý nợ xấu của hệ thống các TCTD.
(iii) Triển khai chính sách hỗ trợ thông qua NHCSXH: (1) Chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành liên quan trình Chính phủ ban hành Nghị định về chính sách tín dụng ưu đãi thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2025 trong quý I/2022; (2) Phối hợp với Bộ Tài chính (đầu mối) và các cơ quan liên quan trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định hướng dẫn thực hiện hỗ trợ lãi suất cho NHCSXH khi có đề nghị của Bộ Tài chính.
(iv) Hoàn thiện khuôn khổ pháp lý; cải cách thể chế, cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh; thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công thuộc lĩnh vực quản lý của NHNN: (1) Tiếp tục hoàn thiện thể chế pháp luật ngân hàng; chủ động rà soát, sửa đổi, bổ sung cơ chế chính sách, quy định của pháp luật về hoạt động ngân hàng phù hợp với thực tiễn; (2) Triển khai quyết liệt, đồng bộ, hiệu quả các lĩnh vực cải cách hành chính trong toàn hệ thống NHNN theo Nghị quyết số 76/NQ-CP ngày 15/7/2021 của Chính phủ về Chương trình tổng thể cải cách hành chính nhà nước giai đoạn 2021-2030. Tiếp tục đẩy mạnh cải cách quy định thủ tục hành chính, cắt giảm điều kiện kinh doanh; đổi mới việc tổ chức cơ chế một cửa trong hoạt động giải quyết thủ tục hành chính; thực hiện số hóa, điện tử hóa hồ sơ tiếp nhận, quy trình giải quyết thủ tục hành chính; triển khai Chính phủ điện tử, Chính phủ số tại NHNN. Đẩy mạnh công tác đào tạo, bồi dưỡng, qua đó nâng cao năng lực quản lý nhà nước, chuyên môn, nghiệp vụ, kỹ năng làm việc của đội ngũ cán bộ, công chức NHNN; (3)Tiếp tục triển khai các giải pháp nhằm duy trì chỉ số chiều sâu thông tin tín dụng, nâng cao độ phủ thông tin tín dụng; ứng dụng công nghệ nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp được tiếp cận tín dụng công bằng, minh bạch; (4) Tiếp tục xây dựng và hoàn thiện khuôn khổ pháp lý, cơ chế chính sách nhằm thúc đẩy quá trình chuyển đổi số trong hoạt động ngân hàng, tạo thuận lợi cho việc ứng dụng công nghệ trong quản trị điều hành và cung ứng sản phẩm, dịch vụ theo hướng tự động hóa quy trình, tối ưu hóa hoạt động nghiệp vụ của TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài; (5) Triển khai nhiệm vụ được giao của ngành Ngân hàng tại Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn 2050 ban hành kèm theo Quyết định số 1658/QĐ-TTg ngày 01/10/2021 của Thủ tướng Chính phủ.
(v) Phối hợp với các bộ, cơ quan triển khai các nhiệm vụ, giải pháp tại Chương trình: (1) Phối hợp theo đề nghị của Bộ Xây dựng trong việc tập trung tháo gỡ các vướng mắc về cơ chế, chính sách, pháp luật, triển khai hiệu quả chính sách hỗ trợ nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân; cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ phù hợp với quy định tại điểm 13 Mục IV Nghị quyết số 11/NQ-CP; (2) Phối hợp theo đề nghị của Bộ Tài chính, Bộ Y tế trong việc sử dụng các nguồn tài chính hợp pháp khác để đáp ứng nhu cầu nhập khẩu vắc-xin, thuốc điều trị và thiết bị, vật tư y tế phục vụ phòng, chống dịch Covid-19 phù hợp với quy định tại tiết e điểm 4 Mục IV Nghị quyết số 11/NQ-CP; (3) Phối hợp theo đề nghị của Bộ Tài chính triển khai phương án phát hành trái phiếu Chính phủ bằng ngoại tệ, phương án huy động từ các nguồn tài chính hợp pháp khác phù hợp, phát hành trực tiếp trái phiếu Chính phủ cho NHNN phù hợp với quy định tại tiết a điểm 3 Mục IV Nghị quyết số 11/NQ-CP.
2. Những kết quả tích cực bước đầu
Về tổng thể, Nghị quyết số 11/NQ-CP đưa ra 5 nhóm giải pháp, với tổng kinh phí khoảng 350.000 tỷ đồng; đến nay, đã có 4/5 nhóm giải pháp đã triển khai thực hiện, gồm: Triển khai khoảng 46.000 tỷ đồng cho phòng, chống dịch Covid-19; kịp thời hỗ trợ giảm thuế giá trị gia tăng và thuế thu nhập doanh nghiệp; dành 38,4 nghìn tỷ đồng cho tín dụng chính sách; chi tổng số 176.000 tỷ đồng cho đầu tư công; còn nhiệm vụ chương trình cho vay ưu đãi để phát triển chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số miền núi hiện đang chờ thông tư hướng dẫn của Ủy ban Dân tộc và hướng dẫn của Bộ Y tế.
Tại Nghị quyết số 11/NQ-CP của Chính phủ, NHNN được giao nhiệm vụ xây dựng và trình Chính phủ ban hành chính sách tín dụng ưu đãi đối với vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi thông qua NHCSXH. Đến nay, NHNN đã phối hợp với các bộ, ngành trình Chính phủ ban hành Nghị định số 28/2022/NĐ-CP về chính sách tín dụng ưu đãi thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn từ năm 2021 đến năm 2030, giai đoạn 1: từ năm 2021 đến năm 2025.
Đối với các nhiệm vụ được Chính phủ phân công triển khai trong Chương trình, NHCSXH đã chủ động phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành, cơ quan liên quan trong việc trình ban hành các văn bản hướng dẫn, đồng thời chuẩn bị sẵn sàng các điều kiện cần thiết để các chính sách sau khi được ban hành sớm triển khai trong thực tiễn. NHCSXH cũng đã hoàn thành việc xác định nhu cầu kinh phí hỗ trợ lãi suất, cấp bù lãi suất và phí quản lý để thực hiện các chính sách thuộc chương trình trong năm 2022-2023, gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư để tổng hợp trình Thủ tướng Chính phủ. Đồng thời, phối hợp tích cực với các bộ, ngành liên quan triển khai thực hiện các nhiệm vụ theo đúng yêu cầu và thời gian tại Nghị quyết số 11/NQ-CP. Ngân hàng đã triển khai các giải pháp nhằm thực hiện các chương trình tín dụng chính sách và thực hiện hỗ trợ lãi suất, cấp bù lãi suất và phí quản lý theo quy định.
Tổng nguồn vốn cho vay chính sách trong năm 2022 dự kiến là 19.000 tỷ đồng, tập trung vào các lĩnh vực lớn như cho vay hỗ trợ tạo việc làm, duy trì và mở rộng việc làm, cho vay xây dựng, sửa chữa nhà ở cho các đối tượng khó khăn, cho vay đối với học sinh, sinh viên để mua máy, thiết bị phục vụ học tập… Đến nay, NHCSXH đã thực hiện giải ngân các chương trình tín dụng theo Nghị quyết số 11/NQ-CP là 2.319 tỷ đồng; trong đó, cho vay hỗ trợ tạo việc làm trên 2.000 tỷ đồng với gần 40.000 khách hàng được vay vốn, giải quyết tạo việc làm cho trên 58.000 lao động. Ngân hàng cho học sinh, sinh viên vay mua máy tính, thiết bị phục vụ học trực tuyến gần 155 tỷ đồng, với 14.500 khách hàng để mua trên 15.500 máy tính và thiết bị học trực tuyến; cho vay mua, thuê mua nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân, xây dựng mới hoặc cải tạo, sửa chữa nhà là 140 tỷ đồng với 794 khách hàng; cho vay cơ sở giáo dục mầm non, tiểu học ngoài công lập bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19 là 7,6 tỷ đồng với 90 cơ sở được hỗ trợ.
3. Một số vấn đề đặt ra và giải pháp cần có
Tại Hội nghị trực tuyến triển khai các chính sách tín dụng thực hiện Nghị quyết số 11/NQ-CP do NHCSXH tổ chức sáng 18/5/2022 tại Hà Nội, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái đã nhấn mạnh những yêu cầu trước mắt mà một số bộ, ngành, đơn vị cần tập trung triển khai là:
- Ủy ban Dân tộc và Bộ Y tế cần phải có Thông tư hướng dẫn thực hiện Nghị định số 28/NĐ-CP về chính sách tín dụng thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi để triển khai việc cho vay ưu đãi.
- Bộ Tài chính phải nhanh chóng tiếp thu sau khi xin ý kiến thành viên Chính phủ về Nghị định hướng dẫn hỗ trợ lãi suất đối với những khoản vay trên 6%; phối hợp với Ngân hàng chính sách triển khai chương trình phát hành trái phiếu Chính phủ hiệu quả. Các địa phương quan tâm ủy thác vốn cho NHCSXH để triển khai các chương trình hỗ trợ người dân.
- Đoàn đại biểu Quốc hội các tỉnh, thành phố, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội thực hiện tốt chức năng giám sát, phản biện xã hội đảm bảo việc thực thi chính sách đi vào cuộc sống, đến đúng đối tượng thụ hưởng.
- NHCSXH phải cho vay kịp thời, đúng đối tượng, công khai, minh bạch, ứng dụng công nghệ thông tin, phối hợp bộ ngành, địa phương, tránh để xảy ra trục lợi chính sách…
- Các cơ quan báo chí, truyền thông tiếp tục tập trung tuyên truyền về chính sách tín dụng ưu đãi để Nhân dân và các đối tượng được thụ hưởng chính sách hiểu rõ mục đích, ý nghĩa nhằm phục vụ tốt cho chương trình phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội.
Để hoàn thành nhiệm vụ Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao cho ngành Ngân hàng trong Nghị quyết 11/NQ-CP đòi hỏi không chỉ sự nỗ lực của ngành Ngân hàng, mà còn cần sự phối hợp chặt chẽ, hiệu quả giữa ngành Ngân hàng với các cấp, ngành và địa phương khác trên cả nước, trong đó trọng tâm là:
Thứ nhất, trong bối cảnh thị trường tài chính - tiền tệ toàn cầu và trong nước có nhiều biến động, áp lực lạm phát có xu hướng gia tăng, NHNN cần tiếp tục chỉ đạo tập trung, thống nhất và quyết liệt trong điều hành chủ động, linh hoạt, đồng bộ các công cụ chính sách tiền tệ, phối hợp chặt chẽ với chính sách tài khóa và các chính sách kinh tế vĩ mô khác nhằm kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế và góp phần thúc đẩy phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội.
Đồng thời, NHNN hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi cho NHCSXH trong hoạt động tín dụng chính sách xã hội và chỉ đạo các NHTMNN tiếp tục đồng hành thông qua duy trì tiền gửi 2% tại NHCSXH.
Ngoài ra, NHNN cần tiếp tục phối hợp với Bộ Tài chính và các cơ quan có liên quan trình Chính phủ sớm ban hành nghị định hướng dẫn thực hiện hỗ trợ lãi suất cho NHCSXH.
Thứ hai, nguồn vốn cần có để triển khai Chương trình là một trong những thách thức lớn đặt ra cho NHCSXH. Nhiệm vụ từ nay đến cuối năm trong huy động trái phiếu của NHCSXH là rất lớn, trong khi đó, thị trường tài chính, thị trường vốn có nhiều biến động bất lợi, lãi suất có chiều hướng tăng... Hơn nữa, số lượng chương trình tín dụng mà Ngân hàng đang quản lý lên tới 26 chương trình, nhiều chương trình có dư nợ cao, có ý nghĩa quan trọng với phát triển kinh tế - xã hội… Bởi vậy, NHCSXH cần chủ động phối hợp với cơ quan liên quan, nỗ lực khắc phục khó khăn, tập trung sắp xếp, bố trí nguồn nhân lực và quản trị, điều hành; tập trung quản lý, theo dõi thu hồi nợ, giải ngân cho vay đối với các chính sách, thực hiện giải ngân các chính sách mới ban hành để đảm bảo cho vay tín dụng kịp thời, đảm bảo chất lượng, khả năng thu hồi cao, phát sinh dư nợ xấu thấp nhất để hoàn thành hiệu quả nhiệm vụ được giao trong góp phần vào kết quả chung của Nghị quyết số 11/NQ-CP.
Thứ ba, theo chức năng và phân công nhiệm vụ nêu tại Nghị quyết số 11/NQ-CP, Ủy ban Dân tộc, Bộ Y tế cần sớm ban hành Thông tư hướng dẫn các địa phương xác nhận, phê duyệt đối tượng thụ hưởng chính sách, đặc biệt là chính sách cho vay đầu tư phát triển sản xuất theo chuỗi giá trị, chính sách cho vay đầu tư phát triển vùng dược liệu quý theo nhiệm vụ được giao tại Nghị định số 28/2022/NĐ-CP, làm cơ sở để NHCSXH sớm ban hành văn bản hướng dẫn nghiệp vụ để triển khai thực hiện cho vay các chính sách này…
Đồng thời, theo chỉ đạo của NHNN, các đơn vị trực thuộc NHNN và hữu quan cần nghiên cứu kỹ và tổ chức triển khai quyết liệt Kế hoạch hành động; thường xuyên cập nhật, đánh giá tình hình triển khai của đơn vị; chỉ đạo xử lý, kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện. Trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ được giao, quán triệt Kế hoạch hành động đến từng cán bộ, công chức trong đơn vị, cụ thể hóa thành nhiệm vụ của đơn vị tại chương trình công tác từng năm trong giai đoạn 2022-2023 và chỉ đạo triển khai thực hiện, đảm bảo hoàn thành đúng tiến độ, đảm bảo chất lượng, đạt được mục tiêu đề ra.
Các NHTM cần tiếp tục triển khai các biện pháp hỗ trợ khách hàng chịu ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19 đảm bảo đúng quy định, đúng đối tượng, đảm bảo việc hỗ trợ phù hợp với mức độ ảnh hưởng của dịch. Ưu tiên, tập trung cho vay đối với các ngành nghề, lĩnh vực khuyến khích, phục vụ sản xuất, xuất nhập khẩu, thanh toán quốc tế... và tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp và người dân tiếp cận nguồn vốn tín dụng để phục hồi sản xuất, kinh doanh sau dịch bệnh Covid-19. Nâng cao năng lực tài chính, thực hiện nghiêm túc chỉ đạo của Thống đốc NHNN tại Chỉ thị số 01/CT-NHNN ngày 13/01/2022 về tổ chức thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm của ngành Ngân hàng trong năm 2022; cắt giảm tối đa chi phí hoạt động, giảm chi tiêu lợi nhuận, chia cổ tức, tăng cường trích lập rủi ro để phấn đấu tiếp tục giảm lãi suất cho vay theo quy định tại điểm 1 Mục II của Kế hoạch hành động; đồng thời nâng cao khả năng chống đỡ trước ảnh hưởng tiêu cực, khó lường của dịch Covid-19. Nghiên cứu, triển khai các chính sách miễn, giảm phí dịch vụ thanh toán phù hợp nhằm hỗ trợ cho doanh nghiệp, người dân gặp khó khăn do ảnh hưởng của dịch Covid-19. Thường xuyên giám sát, kiểm tra việc chấp hành các quy định của pháp luật về lãi suất, phí cho vay. Chủ động rà soát, kịp thời phát hiện các vi phạm để có biện pháp xử lý phù hợp. Kiểm soát chặt chẽ chất lượng tín dụng, hạn chế tối đa phát sinh nợ xấu, nhất là các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro; kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm pháp luật, quy định nội bộ trong hoạt động cấp tín dụng; cân đối nguồn vốn, sử dụng vốn để cho vay trung và dài hạn, đặc biệt kiểm soát chặt chẽ cấp tín dụng với mục đích đầu tư, kinh doanh bất động sản, BOT, BT giao thông, đầu tư trái phiếu doanh nghiệp...; đảm bảo khả năng thanh khoản và tuân thủ đúng các quy định về các giới hạn, tỷ lệ bảo đảm an toàn trong hoạt động ngân hàng và quy định của pháp luật có liên quan. Thực hiện quyết liệt các biện pháp để thu hồi nợ xấu, nợ đã sử dụng dự phòng để xử lý rủi ro, hạn chế tối đa tổn thất cho tổ chức tín dụng, bảo đảm lợi ích hợp pháp của Nhà nước, các cổ đông và quyền lợi người gửi tiền. Tiếp tục áp dụng toàn diện các giải pháp xử lý nợ xấu theo Nghị quyết số 42/2017/QH14 của Quốc hội nhằm xử lý nhanh, hiệu quả các khoản nợ xấu.
TS. Nguyễn Minh Phong (Báo Nhân Dân)
ThS. Nghiêm Anh Thư (Khoa Tài chính - Ngân hàng, Đại học Ngoại thương)