Nghị định số 117/2018/NĐ-CP ngày 11/9/2018 về việc giữ bí mật, cung cấp thông tin khách hàng của TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài sẽ có hiệu lực ngày 1/11/2018 đã đánh dấu một sự nhận thức về bảo đảm bí mật thông tin khách hàng trong hoạt động ngân hàng. Trong phạm vi bài viết này, tác giả đề cập một số điểm mới của Nghị định số 117/2018/NĐ-CP so với Nghị định số 70/2000/NĐ-CP ngày 21/11/2000 của Chính phủ hướng dẫn về việc giữ bí mật, lưu trữ và cung cấp thông tin liên quan đến tiền gửi và tài sản gửi của khách hàng trước đây.
1. Đặt vấn đề
Các TCTD thông qua hoạt động nghiệp vụ của mình nắm giữ rất nhiều thông tin của khách hàng. Họ biết các thông tin riêng tư của khách hàng, tình trạng tài chính, tình hình sản xuất kinh doanh của khách hàng, thậm chí cả sở thích, chi tiêu, lối sống, hội nhóm mà khách hàng là thành viên... Có thể nói, thông tin mà các TCTD nắm giữ là những thông tin rất quan trọng và nhạy cảm đối với khách hàng. Đây chính là lý do mà pháp luật ngân hàng quy định các TCTD phải có nghĩa vụ bảo đảm bí mật (bảo mật) thông tin khách hàng.
Pháp luật ngân hàng Việt Nam hiện hành đã có những quy định cụ thể về nghĩa vụ này. Những quy định này đã góp phần tích cực trong việc bảo vệ được quyền, lợi ích hợp pháp của khách hàng. Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, quy định pháp luật về bảo mật thông tin khách hàng trong hoạt động ngân hàng vẫn còn tồn tại những hạn chế nhất định.
Nghị định số 70/2000/NĐ-CP của Chính phủ về việc giữ bí mật, lưu trữ và cung cấp thông tin liên quan đến tiền gửi và tài sản gửi của khách hàng đã đáp ứng cơ bản những nội dung cần thiết về việc cung cấp thông tin, bí mật thông tin liên quan đến tiền gửi và tài sản gửi của khách hàng tại các TCTD. Tuy nhiên, sau hơn 15 năm áp dụng kể từ ngày có hiệu lực thi hành, Nghị định đã phát sinh nhiều bất cập, chẳng hạn: phạm vi bảo mật thông tin khách hàng quá hẹp; chủ thể có nghĩa vụ bảo mật thông tin khách hàng chưa đầy đủ, cơ quan có thẩm quyền và người có thẩm quyền được quyền yêu cầu TCTD cung cấp thông tin khách hàng chưa phù hợp với thực tế và chưa đầy đủ; một số quy định trong Nghị định số 70/2000/NĐ-CP mâu thuẫn với văn bản luật, thủ tục yêu cầu cung cấp thông tin khách hàng trong một số trường hợp đã gây khó khăn cho các cơ quan nhà nước có thẩm quyền trong việc phát hiện, xử lý các sai phạm liên quan đến tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân [1]… Những hạn chế, bất cập trong Nghị định số 70/2000/NĐ-CP gây ra những khó khăn, vướng mắc cho chính TCTD và ảnh hưởng đến quyền lợi hợp pháp của khách hàng đã được khắc phục và hoàn thiện trong Nghị định số 117/2018/NĐ-CP ngày 11/9/2018 về việc giữ bí mật, cung cấp thông tin khách hàng của TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài (Nghị định số 117/2018/NĐ-CP).
2. Một số điểm mới trong quy định của Nghị định số 117/2018/NĐ-CP ngày 11/9/2018 về việc giữ bí mật, cung cấp thông tin khách hàng của TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài
Thứ nhất, xác định rõ phạm vi điều chỉnh của Nghị định
Nghị định số 117/2018/NĐ-CP quy định: việc giữ bí mật, cung cấp thông tin khách hàng của TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài thuộc phạm vi điều chỉnh của Nghị định này. [2] Việc giữ bí mật, cung cấp thông tin khách hàng của các TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, mà thông tin đó thuộc danh mục bí mật nhà nước được thực hiện theo quy định của pháp luật về bảo vệ bí mật nhà nước. Việc giữ bí mật, cung cấp thông tin khách hàng của TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài cho NHNN được thực hiện theo quy định của Luật NHNN, Luật Các TCTD và các văn bản hướng dẫn Luật. Việc giữ bí mật cung cấp thông tin khách hàng của TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài cho cơ quan, tổ chức, cá nhân để sử dụng vào mục đích phòng, chống rửa tiền, phòng, chống khủng bố được thực hiện theo quy định của pháp luật về phòng, chống rửa tiền, phòng, chống khủng bố.[3]
Việc phân hoá phạm vi điều chỉnh như hướng dẫn trên là cần thiết nhằm bảo đảm được tính ổn định của quan hệ pháp luật được Nghị định này điều chỉnh. Bởi lẽ, thông tin bí mật trong lĩnh vực ngân hàng rất phong phú và đa dạng; vấn đề bảo mật thông tin khách hàng của các TCTD cũng liên quan đến rất nhiều lĩnh vực pháp luật khác nhau. Đồng thời, trong xu thế hội nhập quốc tế, pháp luật Việt Nam cũng sẽ phải có những thay đổi phù hợp với những vấn đề mang tính toàn cầu như trốn thuế, rửa tiền, tài trợ khủng bố…
Thứ hai, quy định rõ phạm vi thông tin khách hàng cần được bảo đảm bí mật
Nghị định số 117/2018/NĐ-CP đã hướng dẫn phạm vi thông tin khách hàng cần được bảo mật là thông tin do khách hàng cung cấp, thông tin phát sinh trong quá trình khách hàng đề nghị hoặc được TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài cung ứng các nghiệp vụ ngân hàng, sản phẩm, dịch vụ trong hoạt động được phép, bao gồm thông tin định danh khách hàng và thông tin sau đây: thông tin về tài khoản, thông tin về tiền gửi, thông tin về tài sản gửi, thông tin về giao dịch, thông tin về tổ chức, cá nhân là bên bảo đảm tại TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài và các thông tin có liên quan khác.[4]
Thông qua hướng dẫn trên có thể thấy, TCTD phải có nghĩa vụ bảo mật thông tin mà khách hàng đã cung cấp cả trong quá trình đề nghị giao kết hợp đồng. Rõ ràng là, về nguyên tắc, nghĩa vụ bảo đảm bí mật thông tin khách hàng chỉ phát sinh khi hợp đồng hình thành và chấm dứt khi hợp đồng chấm dứt. Tuy nhiên, bí mật thông tin của khách hàng có thể phát sinh khi chưa có hợp đồng. Một cá nhân hay một tổ chức, tuy chưa từng có giao dịch với TCTD, nhưng có thể đến các tổ chức này để xin vay vốn. Khi đó, trong hồ sơ vay vốn của cá nhân hay tổ chức, có những thông tin cần phải giữ bí mật với bên thứ ba như tình hình tài chính của cá nhân, doanh nghiệp và dự án đầu tư, phương thức sản xuất, kinh doanh.[5] Nếu TCTD và cá nhân hay tổ chức này chưa hoặc không ký kết hợp đồng tín dụng nhưng thông tin này bị TCTD tiết lộ cho đối thủ cạnh tranh thì việc tiết lộ thông tin này có thể gây thiệt hại lớn cho cá nhân, tổ chức.
Tóm lại, hướng dẫn trên là phù hợp với quy định pháp luật có liên quan[6] và cần thiết nhằm bảo đảm quyền lợi của khách hàng khi giao dịch với TCTD.
Đồng thời tại Khoản 2 Điều 4 Nghị định số 117/2018/NĐ-CP cũng quy định: “TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài không được cung cấp thông tin xác thực khách hàng khi truy cập các dịch vụ ngân hàng bao gồm mã khóa bí mật, dữ liệu sinh trắc học, mật khẩu truy cập của khách hàng, thông tin xác thực khách hàng khác cho bất kỳ cơ quan, tổ chức, cá nhân nào, trừ trường hợp được sự chấp thuận của khách hàng đó bằng văn bản hoặc bằng hình thức khác theo thỏa thuận với khách hàng đó”.
Quy định này đã khắc phục được những hạn chế về phạm vi thông tin khách hàng cần được bảo mật theo Nghị định 70/2000/NĐ-CP, đồng thời, bước đầu đã xác định việc bảo mật các thông tin khách hàng khi TCTD cung ứng dịch vụ tài chính công nghệ.
Thứ ba, quy định rõ chủ thể có nghĩa vụ bảo đảm bí mật thông tin khách hàng
Nghị định số 117/2018/NĐ-CP đã quy định rõ các chủ thể có nghĩa vụ bảo mật thông tin khách hàng, gồm các chủ thể sau:
i) TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài có trách nhiệm: đảm bảo an toàn, bí mật thông tin khách hàng trong quá trình cung cấp, quản lý, sử dụng, lưu trữ thông tin khách hàng.[7]
ii) Cơ quan nhà nước,[8] tổ chức khác, [9] cá nhân phải giữ bí mật thông tin khách hàng, sử dụng thông tin khách hàng đúng mục đích khi yêu cầu cung cấp thông tin và không được cung cấp cho bên thứ ba mà không có sự chấp thuận của khách hàng, trừ trường hợp cung cấp theo quy định của pháp luật.[10]
iii) Khách hàng cũng phải có nghĩa vụ bảo mật thông tin của chính mình.[11]
Như vậy, bên cạnh việc quy định nghĩa vụ bảo mật thông tin khách hàng của tổ chức trực tiếp nắm giữ bí mật thông tin của khách hàng (các TCTD), chủ thể của thông tin bí mật (khách hàng), Nghị định số 117/2018/NĐ-CP đã xác định các chủ thể thứ ba khác có liên quan phải bảo mật thông tin khách hàng mà mình yêu cầu các TCTD cung cấp liên quan đến hoạt động công vụ hoặc hoạt động chuyên môn khác.
Thứ tư, mở rộng các chủ thể có thẩm quyền ký văn bản yêu cầu cung cấp thông tin khách hàng
Điều 10 Nghị định số 117/2018/NĐ-CP quy định bổ sung các chủ thể có thẩm quyền ký văn bản yêu cầu cung cấp thông tin khách hàng.[12] Bên cạnh các chủ thể có thẩm quyền ký văn bản yêu cầu TCTD phải cung cấp thông tin khách hàng vì mục đích (i) thanh tra, (ii) điều tra, (iii) truy tố, (iv) xét xử, (v) thi hành án trước đây, Nghị định mới còn được bổ sung thêm mục đích: kiểm toán [13] và thu thuế.
Thứ năm, quy định rõ trình tự, thủ tục yêu cầu cung cấp thông tin khách hàng
Cơ quan nhà nước, tổ chức khác, cá nhân chỉ được yêu cầu TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài cung cấp thông tin khách hàng theo đúng mục đích, nội dung, phạm vi, thẩm quyền theo quy định của pháp luật hoặc khi được sự chấp thuận của khách hàng và phải chịu trách nhiệm về việc yêu cầu cung cấp thông tin khách hàng.[14]
Việc quy định rõ như vậy để tránh trường hợp các chủ thể được quyền yêu cầu TCTD cung cấp thông tin khách hàng lạm quyền, gây thiệt hại đến lợi ích của khách hàng. Đồng thời, hướng dẫn cụ thể quy định của Luật Các TCTD năm 2010 về việc TCTD từ chối cung cấp thông tin khách hàng trong những trường hợp luật định: “TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài có trách nhiệm từ chối việc điều tra, phong tỏa, cầm giữ, trích chuyển tiền gửi của khách hàng, trừ trường hợp có yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền theo quy định của pháp luật hoặc được sự chấp thuận của khách hàng”.[15]
Thứ sáu, tạo cơ chế khuyến khích để TCTD thực thi hiệu quả nghĩa vụ bảo đảm bí mật thông tin khách hàng
Nghị định số 117/2018/NĐ-CP quy định: TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài căn cứ quy định của pháp luật, Nghị định này để ban hành quy định nội bộ về giữ bí mật, lưu trữ và cung cấp thông tin khách hàng và tổ chức thực hiện thống nhất trong TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài.[16]
Việc ban hành các quy định nội bộ nhằm vụ thể hóa các quy định pháp luật về bảo mật thông tin khách hàng sẽ giúp TCTD, nhân viên các tổ chức này thực thi tốt nghĩa vụ bảo mật của mình. Đây là quy định cần thiết, bởi bên cạnh các quy định mang tính định hướng trong việc thực thi pháp luật bảo mật thông tin khách hàng, các nhà làm luật, cơ quan quản lý nhà nước về tiền tệ và hoạt động ngân hàng cũng cần quy định các biện pháp khuyến khích để các TCTD quy định thêm hoặc cụ thể hóa các quy định pháp luật nhằm thực thi hiệu quả nghĩa vụ bảo mật thông tin khách hàng.
Thứ bảy, quy định rõ trách nhiệm của các chủ thể liên quan khi làm lộ hoặc cung cấp thông tin khách hàng không đúng thẩm quyền và biện pháp pháp lý bảo đảm quyền được bảo mật thông tin của khách hàng
Nghị định 117/2018/NĐ-CP đã quy định: i)TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài có trách nhiệm giải quyết khiếu nại của khách hàng trong việc cung cấp thông tin khách hàng theo quy định của pháp luật; [17] chịu trách nhiệm theo quy định của pháp luật đối với trường hợp vi phạm quy định của Nghị định này, pháp luật có liên quan.[18]
ii) Cơ quan nhà nước, tổ chức khác, cá nhân phải chịu trách nhiệm theo quy định của pháp luật đối với việc làm lộ thông tin khách hàng, sử dụng thông tin khách hàng không đúng mục đích theo quy định của pháp luật, Nghị định này.[19]
Đồng thời, Nghị định cũng đã quy định rõ các biện pháp pháp lý bảo đảm quyền được bảo mật thông tin của khách hàng. Khách hàng có quyền: khiếu nại, khởi kiện, yêu cầu bồi thường thiệt hại theo quy định của pháp luật trong trường hợp cơ quan nhà nước, tổ chức khác, cá nhân, TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài cung cấp, sử dụng thông tin khách hàng không đúng quy định của pháp luật.[20]
Quy định này đã tạo cơ sở để khách hàng có thể bảo vệ lợi ích của mình khi thông tin bị tiết lộ. Đây là nội dung quan trọng bởi nếu pháp luật chỉ ghi nhận quyền được bảo mật thông tin khách hàng, nhưng khách hàng không biết phải làm thế nào trong trường hợp quyền của mình bị xâm phạm thì đó cũng chỉ là một quy định mang tính chất nửa vời.
Tóm lại, Nghị định 117/2018/NĐ-CP được ban hành xuất phát từ những hạn chế của Nghị định số 70/2000/NĐ-CP và từ thực tiễn áp dụng các quy định này trong vịệc giữ bí mật, lưu trữ, cung cấp các thông tin khách hàng của các TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài. Tác giả cho rằng Nghị định số 117/2018/NĐ-CP quy định tương đối chặt chẽ về việc giữ bí mật, cung cấp thông tin khách hàng tại các TCTD. Hy vọng với những điểm mới được đề cập trên sẽ tạo điều kiện để TCTD thực thi hiệu quả nghĩa vụ bảo mật thông tin khách hàng, đồng thời, tạo cơ chế để khách hàng có thể bảo vệ mình khi bị tiết lộ thông tin một cách bất hợp pháp.
__________
[1] Ngân hàng nhà nước Việt Nam, Báo cáo đánh giá tác động của chính sách - Nghị định thay thế Nghị định số 70/2000/NĐ-CP ngày 21/11/2000
[2] Khoản 1 Điều 1 Nghị định số 117/2018/NĐ-CP
[3] Khoản 2, 3 và 4 Điều 1 Nghị định số 117/2018/NĐ-CP
[4] Thông tin khách hàng của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài phải được giữ bí mật và chỉ được cung cấp theo quy định của Luật các TCTD năm 2010, sửa đổi, bổ sung năm 2017, Nghị định này và pháp luật có liên quan (Khoản 1 Điều 4, Khoản 1 Điều 3 Nghị định 117/2018/NĐ-CP)
[5] Xem Điều 7 và Điều 9 Thông tư số 39/2016/TT-NHNN Quy định về hoạt động cho vay của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài đối với khách hàng.
[6] Khoản 2 Điều 387 Bộ luật Dân sự năm 2015 có quy định: Trường hợp một bên nhận được thông tin bí mật của bên kia trong quá trình giao kết hợp đồng thì có trách nhiệm bảo mật thông tin và không được sử dụng thông tin đó cho mục đích riêng của mình hoặc cho mục đích trái pháp luật khác.
[7] Điểm b Khoản 2 Điều 14 Nghị định số 117/2018/NĐ-CP
[8] Cơ quan nhà nước là cơ quan, đơn vị, tổ chức thuộc cơ cấu tổ chức của Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam có quyền yêu cầu tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài cung cấp thông tin khách hàng để thực hiện chức năng, nhiệm vụ được giao theo quy định của pháp luật (Khoản 7 Điều 3 Nghị định 117/2018/NĐ-CP)
[9] Tổ chức khác là tổ chức không phải là cơ quan nhà nước quy định tại khoản 7 Điều này (Khoản 7 Điều 3 Nghị định 117/2018/NĐ-CP)
[10] Khoản 4 Điều 4 Nghị định số 117/2018/NĐ-CP
[11] Khách hàng có nghĩa vụ tuân thủ các quy định của Nghị định này và hướng dẫn của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài trong việc cung cấp thông tin khách hàng (Khoản 2 Điều 13 Nghị định số 117/2018/NĐ-CP)
[12] “1. Tổng Thanh tra Chính phủ, Phó Tổng Thanh tra Chính phủ; Chánh Thanh tra, Phó Chánh Thanh tra bộ; Chánh Thanh tra, Phó Chánh Thanh tra tỉnh; Chánh Thanh tra, Phó Chánh Thanh tra sở; Chánh Thanh tra, Phó Chánh Thanh tra huyện; Thủ trưởng, Phó Thủ trưởng các cơ quan được giao thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành, Trưởng đoàn thanh tra; thành viên đoàn thanh tra theo quy định của pháp luật về thanh tra.
2. Tổng Kiểm toán nhà nước, Phó Tổng Kiểm toán nhà nước, Kiểm toán trưởng Kiểm toán nhà nước chuyên ngành, Kiểm toán trưởng Kiểm toán nhà nước khu vực, Trưởng Đoàn kiểm toán, Tổ trưởng Tổ kiểm toán, Thành viên Đoàn kiểm toán là Kiểm toán viên nhà nước theo quy định của pháp luật về kiểm toán nhà nước.
3. Viện trưởng, Phó Viện trưởng, Kiểm sát viên của Viện kiểm sát nhân dân các cấp, Viện kiểm sát quân sự các cấp theo quy định của pháp luật về kiểm sát nhân dân.
4. Chánh án, Phó Chánh án, Thẩm phán, Thẩm tra viên Tòa án nhân dân tối cao, Tòa án nhân dân cấp cao, Tòa án nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, Tòa án nhân dân huyện, quận, thị xã, tỉnh và tương đương, Tòa án quân sự Trung ương, Tòa án quân sự quân khu và tương đương, Tòa án quân sự khu vực theo quy định của pháp luật về tòa án.
5. Thủ trưởng, Phó Thủ trưởng, điều tra viên các cơ quan điều tra trong hệ thống cơ quan điều tra; cấp trưởng, cấp phó các cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra theo quy định của pháp luật về cơ quan điều tra hình sự.
6. Cấp trưởng, cấp phó các đơn vị nghiệp vụ trong công an nhân dân, quân đội nhân dân theo thẩm quyền quy định của pháp luật về công an nhân dân, quân đội nhân dân.
7. Thủ trưởng, Phó Thủ trưởng các cơ quan thi hành án, chấp hành viên đang tổ chức thi hành án theo quy định của pháp luật về thi hành án.
8. Tổng cục trưởng, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan; Cục trưởng, Phó Cục trưởng Cục Điều tra chống buôn lậu; Cục trưởng, Phó Cục trưởng Cục kiểm tra sau thông quan; Cục trưởng, Phó Cục trưởng Cục Hải quan tỉnh, liên tỉnh, thành phố; Chi cục trưởng, Phó Chi cục trưởng Chi cục Hải quan; Chi cục trưởng, Phó Chi cục trưởng Chi cục kiểm tra sau thông quan theo quy định của pháp luật về hải quan.
9. Tổng cục trưởng, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế; Vụ trưởng, Phó Vụ trưởng Vụ Thanh tra Tổng cục Thuế; Cục trưởng, Phó cục trưởng Cục Thuế; Chi cục trưởng, Phó Chi cục trưởng Chi cục Thuế theo quy định của pháp luật về quản lý thuế.
10. Cá nhân khác của cơ quan nhà nước được pháp luật có liên quan quy định có thẩm quyền ký văn bản của cơ quan nhà nước yêu cầu tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài cung cấp thông tin khách hàng.”
[13] Hướng dẫn này là phù hợp với Khoản 1 Điều 42 Luật các tổ chức tín dụng năm 2010 quy định: Trước khi kết thúc năm tài chính, tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài phải lựa chọn một tổ chức kiểm toán độc lập đủ điều kiện theo quy định của Ngân hàng Nhà nước để kiểm toán các hoạt động của mình trong năm tài chính tiếp theo.
[14] Theo Điều 8, 9 Nghị định số 117/2018/NĐ-CP, cụ thể như sau:
Điều 8. Trình tự, thủ tục cung cấp thông tin khách hàng
1. Khi cần thông tin khách hàng, cơ quan nhà nước gửi tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài hồ sơ yêu cầu cung cấp thông tin khách hàng theo quy định tại Nghị định này.
2. Khi nhận được yêu cầu cung cấp thông tin khách hàng, tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài thực hiện như sau:
a) Trường hợp hồ sơ yêu cầu cung cấp thông tin khách hàng đầy đủ theo quy định tại Nghị định này, tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài thu thập và cung cấp thông tin khách hàng cho cơ quan nhà nước theo đúng yêu cầu và thời hạn quy định tại Điều 7 Nghị định này.
Trường hợp cung cấp trực tiếp cho người đại diện của cơ quan nhà nước, tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài phải yêu cầu người đại diện xuất trình chứng minh nhân dân hoặc thẻ căn cước công dân hoặc hộ chiếu để đối chiếu khớp đúng với văn bản yêu cầu cung cấp thông tin khách hàng trước khi giao nhận thông tin khách hàng;
b) Trường hợp hồ sơ yêu cầu cung cấp thông tin khách hàng chưa đầy đủ theo quy định tại Nghị định này, trong thời hạn 03 ngày làm việc kể từ ngày nhận được hồ sơ yêu cầu cung cấp thông tin khách hàng, tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài yêu cầu cơ quan nhà nước hoặc người đại diện bổ sung đầy đủ thông tin và tài liệu cần thiết theo đúng quy định tại Nghị định này.
3. Trường hợp từ chối cung cấp thông tin khách hàng theo quy định tại điểm b khoản 1 Điều 14 Nghị định này hoặc chậm cung cấp thông tin khách hàng do nguyên nhân bất khả kháng, trong thời hạn 05 ngày làm việc kể từ ngày nhận được hồ sơ yêu cầu cung cấp thông tin khách hàng, tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài phải có văn bản thông báo gửi cơ quan nhà nước trong đó nêu rõ lý do từ chối hoặc chậm cung cấp thông tin
khách hàng.
Điều 9. Hồ sơ yêu cầu cung cấp thông tin khách hàng
1. Văn bản yêu cầu cung cấp thông tin khách hàng do cá nhân có thẩm quyền quy định tại Điều 10 Nghị định này ký và có nội dung sau đây:
a) Căn cứ pháp lý cụ thể quy định thẩm quyền được yêu cầu cung cấp thông tin khách hàng;
b) Lý do, mục đích yêu cầu cung cấp thông tin khách hàng trong đó nêu rõ mối liên quan của khách hàng với mục đích yêu cầu cung cấp thông tin khách hàng;
c) Nội dung, phạm vi thông tin khách hàng, thời hạn cung cấp;
d) Hình thức yêu cầu, cung cấp thông tin khách hàng; hình thức văn bản cung cấp thông tin (bản sao, bản in, bản mềm và các hình thức khác theo quy định của pháp luật);
đ) Họ và tên; số chứng minh nhân dân hoặc thẻ căn cước công dân hoặc hộ chiếu; địa chỉ, số điện thoại của người đại diện nhận thông tin khách hàng đối với trường hợp cung cấp thông tin theo phương thức quy định tại điểm b khoản 1 Điều 6 Nghị định này;
e) Nội dung yêu cầu khác (nếu có).
2. Tài liệu do cấp có thẩm quyền ban hành và phù hợp với quy định của pháp luật có liên quan để chứng minh lý do, mục đích yêu cầu cung cấp thông tin khách hàng (quyết định thanh tra, quyết định kiểm tra, quyết định kiểm toán, quyết định khởi tố, bản án, quyết định thi hành án, quyết định truy tố, quyết định cưỡng chế, quyết định xử phạt vi phạm hoặc văn bản tương đương khác).
3. Tài liệu quy định tại khoản 2 Điều này không áp dụng đối với yêu cầu cung cấp thông tin khách hàng của cơ quan nhà nước cho mục đích thu thập thông tin, tài liệu, chứng cứ phục vụ công tác giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố; bảo vệ an ninh quốc gia; phòng ngừa, đấu tranh với các hành vi vi phạm pháp luật theo chức năng, nhiệm vụ được pháp luật quy định.
[15] Khoản 3 Điều 10 Luật các TCTD năm 2010.
Vấn đề này được làm rõ tại Khoản 1b Điều 14 Nghị định 117/2018/NĐ-CP.
Tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài có quyền: từ chối cung cấp thông tin khách hàng cho cơ quan nhà nước, tổ chức khác, cá nhân đối với yêu cầu cung cấp thông tin khách hàng không đúng quy định của pháp luật, Nghị định này hoặc yêu cầu cung cấp thông tin khách hàng bị trùng lắp, không thuộc phạm vi thông tin khách hàng mà tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài đang lưu giữ theo quy định của pháp luật.
[16] Điều 5 Nghị định 117/2018/NĐ-CP.
[17] Điểm c Khoản 2 Điều 14 Nghị định 117/2018/NĐ-CP.
[18] Điểm đ Khoản 2 Điều 14 Nghị định 117/2018/NĐ-CP.
[19] Khoản 2 Điều 15 Nghị định 117/2018/NĐ-CP.
Điều 15. Quyền và trách nhiệm của cơ quan nhà nước, tổ chức khác, cá nhân
1. Cơ quan nhà nước, tổ chức khác, cá nhân được quyền yêu cầu cung cấp thông tin khách hàng của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài theo quy định của Nghị định này, pháp luật có liên quan.
2. Cơ quan nhà nước, tổ chức khác, cá nhân phải chịu trách nhiệm theo quy định của pháp luật đối với việc làm lộ thông tin khách hàng, sử dụng thông tin khách hàng không đúng mục đích theo quy định của pháp luật, Nghị định này.
[20] Điểm b Khoản 1 Điều 13 Nghị định 117/2018/NĐ-CP.
TÀI LIỆU THAM KHẢO:
1. Luật Ngân hàng Nhà nước Việt Nam năm 2010.
2. Luật Các tổ chức tín dụng năm 2010.
3. Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Báo cáo đánh giá tác động của chính sách - Nghị định thay thế Nghị định số 70/2000/NĐ-CP ngày 21/11/2000.
4. Nghị định số 70/2000/NĐ-CP của Chính phủ về việc giữ bí mật, lưu trữ và cung cấp thông tin liên quan đến tiền gửi và tài sản gửi của khách hàng.
5. Nghị định số 117/2018/NĐ-CP ngày 11/9/2018 Về việc giữ bí mật, cung cấp thông tin khách hàng của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài.
Nguyễn Thị Kim Thoa
Nguồn: TCNH số 21/2018