Luật Bảo hiểm tiền gửi số 06/2012/QH13 là văn bản pháp lý cao nhất và toàn diện nhất về bảo hiểm tiền gửi (BHTG), xác định rõ vị trí, chức năng, nhiệm vụ của tổ chức BHTG, cụ thể hóa quyền và nghĩa vụ của tổ chức tham gia BHTG, đối tượng được BHTG, tiền gửi được bảo hiểm, thời điểm chi trả bảo hiểm... qua đó, góp phần nâng cao hiệu quả hoạt động BHTG, bảo vệ tốt hơn quyền và lợi ích hợp pháp của người gửi tiền và góp phần duy trì sự ổn định của hệ thống các tổ chức tín dụng (TCTD), đảm bảo sự phát triển an toàn và lành mạnh của hoạt động ngân hàng.
Ngay sau khi Luật BHTG được thông qua, một loạt các văn bản hướng dẫn thi hành Luật được ban hành, đồng thời các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan cũng được rà soát, sửa đổi, bổ sung thay thế để đảm bảo hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về BHTG được cập nhật, thống nhất, phù hợp với Luật BHTG. Sau 10 năm đi vào cuộc sống, Luật BHTG đã phát huy hiệu quả tích cực và đạt được những kết quả nhất định.
Cụ thể, Luật BHTG quy định chi tiết các loại tiền gửi được bảo hiểm đảm bảo phù hợp và đồng bộ với chính sách quản lý ngoại hối của Việt Nam. Bên cạnh đó, Luật BHTG quy định đối tượng bảo hiểm là cá nhân có tiền gửi bằng đồng Việt Nam được bảo hiểm tại tổ chức tham gia BHTG. Quy định này đã thay đổi căn bản đối tượng được BHTG, hướng tới bảo vệ người gửi tiền là cá nhân không có nhiều cơ hội tiếp cận thông tin về tình hình tài chính ngân hàng.
Việc quy định rõ ràng loại tiền gửi không được bảo hiểm của các cá nhân có quyền lợi trực tiếp liên quan đến hoạt động của tổ chức tham gia BHTG giúp ngăn chặn hiện tượng trục lợi bảo hiểm cũng như nâng cao trách nhiệm của các cá nhân này trong việc điều hành tổ chức tham gia BHTG, qua đó, bảo vệ hiệu quả, minh bạch, thống nhất quyền và lợi ích hợp pháp của người gửi tiền.
Để đảm bảo tính linh hoạt trong việc quyết định mức phí BHTG và hạn mức chi trả bảo hiểm phù hợp với điều kiện kinh tế xã hội, mức sống của người dân trong từng thời kỳ, Luật BHTG không quy định cụ thể một mức phí và hạn mức chi trả mà giao Thủ tướng Chính phủ quy định khung phí BHTG cũng như hạn mức trả tiền theo đề nghị của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN). Đến nay, hạn mức chi trả BHTG là 125 triệu đồng đã có thể bảo vệ toàn bộ số tiền gửi cho hơn 91% số người gửi tiền được bảo hiểm tại Việt Nam.
Khi Quyết định số 32/2021/QĐ-TTg ngày 20/10/2021 của Thủ tướng Chính phủ về hạn mức trả tiền bảo hiểm có hiệu lực, Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam (BHTGVN) đã thay đổi và cấp lại toàn bộ mẫu Chứng nhận tham gia BHTG và bản sao Chứng nhận tham gia BHTG cho 1.283 tổ chức tham gia BHTG, gồm: 97 ngân hàng, 01 ngân hàng hợp tác xã, 1.181 quỹ tín dụng nhân dân (QTDND) và 04 tổ chức tài chính vi mô. Việc cấp Chứng nhận tham gia BHTG và bản sao được thực hiện kịp thời, tạo điều kiện để các tổ chức tham gia BHTG chấp hành đúng quy định về niêm yết bản sao Chứng nhận tham gia BHTG tại điểm giao dịch có nhận tiền gửi của cá nhân. Động thái này là một cam kết công khai tới người gửi tiền tại tổ chức tham gia BHTG, tăng niềm tin của công chúng vào hệ thống ngân hàng, từ đó thu hút người dân có nguồn tiền nhàn rỗi gửi tại các tổ chức tham gia BHTG.
Nghiệp vụ giám sát từ xa luôn được BHTGVN chú trọng và nâng cao chất lượng để phân loại hoạt động của các TCTD. Qua đó, BHTGVN phát hiện một số trường hợp các tổ chức tham gia BHTG vi phạm quy định về BHTG cũng như quy định về an toàn trong hoạt động ngân hàng, tiềm ẩn nguy cơ rủi ro có thể gây mất an toàn trong hệ thống, từ đó có báo cáo, kiến nghị NHNN xử lý các trường hợp vi phạm. Đến nay, báo cáo giám sát định kỳ theo Quý của BHTGVN được NHNN coi như một kênh cảnh báo đáng tin cậy.
Từ năm 2013 đến nay, BHTGVN đã thực hiện gần 3.500 lượt kiểm tra tại chỗ việc chấp hành các quy định của pháp luật về BHTG tại tất cả các tổ chức tham gia BHTG. Ngoài ra, từ năm 2019, theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và Thống đốc NHNN, BHTGVN thực hiện kiểm tra đối với 46 QTDND, theo dõi và tham gia xử lý đối với các QTDND được kiểm soát đặc biệt (KSĐB) và cử cán bộ tham gia Ban KSĐB tại QTDND. Những nhiệm vụ này được BHTGVN chủ động phối hợp thực hiện, hỗ trợ chức năng kiểm tra của NHNN trong việc chấn chỉnh, tăng cường phòng, chống, ngăn ngừa vi phạm pháp luật nhằm đảm bảo an ninh, an toàn hoạt động trong hệ thống QTDND.
Với sự lớn mạnh không ngừng về mọi mặt, BHTGVN từng bước tạo dựng, nâng cao, chiếm lĩnh được niềm tin của công chúng và các cơ quan, ban, ngành, đưa chính sách BHTG đi vào cuộc sống. Cùng với việc đẩy mạnh tuyên truyền chính sách BHTG trên các báo, tạp chí trong và ngoài Ngành, trong năm 2021, một số kênh truyền thông có lượng khán giả lớn đã được BHTGVN khai thác như VTV1, VTV2, VOV giao thông... Các chính sách mới về BHTG được tuyên truyền trên những kênh thông tin đại chúng một cách sâu rộng, đồng bộ đã tạo được hiệu ứng tích cực trong các tầng lớp dân cư. Đặc biệt, việc tuyên truyền về hạn mức trả tiền BHTG đã tạo được sức lan tỏa và dấu ấn trên các kênh truyền thông, hoàn thành mục tiêu truyền thông đối với hạn mức trả tiền bảo hiểm mới.
Trong thời gian tới, BHTGVN đang tích cực tập trung nguồn lực nghiên cứu, đề xuất nội dung sửa đổi, bổ sung Luật BHTG phù hợp với định hướng của NHNN, đảm bảo đồng bộ với quy định tại Luật sửa đổi, bổ sung Luật Các TCTD và định hướng Chiến lược phát triển BHTG. Chú trọng đề xuất bổ sung chức năng, nhiệm vụ để BHTGVN có thể tăng cường năng lực tài chính, sử dụng hiệu quả nguồn lực sẵn có khi thực hiện các nhiệm vụ được giao, trở thành công cụ hữu hiệu của Chính phủ, NHNN trong việc tái cơ cấu TCTD yếu kém nhằm bảo vệ tốt hơn quyền lợi người gửi tiền và từng bước khắc phục những bất cập, hạn chế trong quá trình thực thi chính sách BHTG, trong đó tập trung vào những nội dung chính sau:
Một là, hoàn thiện quy định về phí BHTG: Chính sách về phí BHTG là chính sách lớn trong hoạt động BHTG. Việc nghiên cứu để đưa ra mức phí áp dụng cho từng tổ chức tham gia BHTG có ảnh hưởng rất lớn đến hệ thống TCTD, hệ thống tài chính ngân hàng. Chính sách về phí đưa ra phù hợp và thuyết phục sẽ đảm bảo công bằng với các tổ chức tham gia BHTG, khuyến khích các tổ chức tham gia BHTG nâng cao hiệu quả hoạt động, giảm thiểu rủi ro, góp phần làm lành mạnh hệ thống ngân hàng và bảo vệ, phục vụ tốt hơn cho người gửi tiền.
Thực tế thời gian qua, ở Việt Nam, đang áp dụng mức phí đồng hạng 0,15% trên số dư tiền gửi bình quân của các loại tiền gửi được bảo hiểm tại tổ chức tham gia BHTG. Việc áp dụng mức phí đồng hạng như hiện nay giúp BHTGVN tăng trưởng ổn định, từ đó tích lũy quỹ dự phòng nghiệp vụ ngày càng tăng, giúp BHTGVN sẵn sàng thực hiện nghĩa vụ đối với người được BHTG khi tổ chức tham gia BHTG lâm vào tình trạng mất khả năng chi trả dẫn đến đổ vỡ. Hiện nay, có 63 tổ chức trong tổng số 109 tổ chức BHTG trên thế giới (khoảng 58%) áp dụng hệ thống phí BHTG đồng hạng, trong đó có các tổ chức ở Nhật Bản, Indonesia, Philippines.
Việc áp dụng mức phí bảo hiểm phân biệt giữa các TCTD là phù hợp với xu thế phát triển cạnh tranh, tạo sự công bằng cho các tổ chức tham gia BHTG, khuyến khích các tổ chức tham gia BHTG có hoạt động tốt sẽ được hưởng mức phí BHTG thấp hơn và ngược lại. Tuy nhiên, việc áp dụng mức phí phân biệt cũng có những khó khăn nhất định. Hệ thống các TCTD Việt Nam vẫn đang trong quá trình cơ cấu lại, gắn với trọng tâm là xử lý căn bản, triệt để nợ xấu và các TCTD yếu kém. Việc áp dụng phí BHTG phân biệt sẽ làm tăng gánh nặng tài chính đối với các tổ chức tham gia BHTG, đặc biệt là những TCTD có độ rủi ro cao, gia tăng khó khăn cho quá trình tái cơ cấu và xử lý nợ xấu của các tổ chức này. Mặt khác, theo quy định tại Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Các TCTD thì các TCTD được KSĐB được miễn nộp phí BHTG. Do vậy, để triển khai được việc áp dụng mức phí phân biệt cần thiết phải có lộ trình áp dụng để tránh những ảnh hưởng tiêu cực tới hệ thống các TCTD, niềm tin của công chúng.
Hai là, nâng cao năng lực tài chính, hoạt động của tổ chức BHTG: Hiện nay, BHTGVN được sử dụng nguồn vốn tạm thời nhàn rỗi để mua trái phiếu Chính phủ, tín phiếu NHNN và gửi tiền tại NHNN. Việc nghiên cứu hướng tới đa dạng hóa danh mục đầu tư của tổ chức BHTG đảm bảo sinh lời, an toàn và có cơ chế phòng ngừa rủi ro hiệu quả để BHTGVN có thể chủ động tăng cường tích lũy nguồn lực tài chính nhằm bảo vệ tốt hơn quyền và lợi ích hợp pháp của người gửi tiền.
Ba là, bổ sung quyền và nghĩa vụ của BHTGVN theo hướng nâng cao vai trò, năng lực của tổ chức bảo hiểm trong việc: (i) Tham gia tái cơ cấu đối với các TCTD yếu kém; (ii) Phối hợp với NHNN kiểm tra, giám sát tổ chức tham gia BHTG theo phạm vi, nội dung, thời hạn do NHNN quyết định; (iii) Cử người tham gia xử lý TCTD được KSĐB phù hợp với chức năng, nhiệm vụ của BHTGVN theo yêu cầu của NHNN; (iv) Tuyên truyền về hoạt động của tổ chức BHTG; (v) Đào tạo, bồi dưỡng các kiến thức về BHTG đối với tổ chức, cá nhân có liên quan đến chính sách BHTG. Việc bổ sung quyền và nghĩa vụ của BHTGVN nhằm xác định rõ vị thế và vai trò của tổ chức, giúp bảo vệ tốt hơn quyền và lợi ích hợp pháp của người gửi tiền, góp phần duy trì sự ổn định của các TCTD, bảo đảm sự phát triển an toàn, lành mạnh của hoạt động ngân hàng.
Bốn là, hoàn thiện quy định pháp luật để BHTGVN tham gia sâu hơn vào quá trình tái cơ cấu TCTD yếu kém tại Việt Nam: Đối với phương án chuyển giao bắt buộc, sáp nhập, hợp nhất, chuyển nhượng toàn bộ cổ phần, phần vốn góp, BHTGVN nghiên cứu, đề xuất bổ sung quyền, nghĩa vụ của BHTGVN bao gồm: (i) Phối hợp với Ban KSĐB đánh giá tính khả thi của phương án chuyển giao bắt buộc, sáp nhập, hợp nhất, chuyển nhượng toàn bộ cổ phần, phần vốn góp; (ii) Thực hiện biện pháp hỗ trợ đặc biệt là về tài chính theo quyết định của cấp có thẩm quyền đối với tổ chức tham gia hỗ trợ thực hiện phương án tái cơ cấu. Ngoài ra, BHTGVN nghiên cứu đề xuất việc mua tài sản của tổ chức được KSĐB dựa trên tham khảo kinh nghiệm quốc tế của tổ chức BHTG tại Nhật Bản, Hàn Quốc, Malaysia, Mỹ...
Trong trường hợp BHTGVN tham gia vào phương án phá sản đối với TCTD, cần phải bổ sung quy định để BHTGVN phối hợp với Ban KSĐB thực hiện kiểm tra, giám sát việc triển khai thực hiện phương án phá sản đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt.
Bên cạnh đó, cũng cần bổ sung quy định cụ thể về việc BHTGVN quản lý, sử dụng, xử lý tài sản trong quá trình thực hiện các biện pháp hỗ trợ khi tham gia cơ cấu lại các TCTD được KSĐB theo quy định của pháp luật.
Năm là, hoàn thiện quy định về thời điểm phát sinh nghĩa vụ trả tiền bảo hiểm, thời hạn trả tiền bảo hiểm đảm bảo tính kịp thời, hiệu quả: Hiện nay, trong thời hạn 60 ngày kể từ thời điểm NHNN có văn bản chấm dứt KSĐB hoặc văn bản chấm dứt áp dụng hoặc văn bản không áp dụng các biện pháp phục hồi khả năng thanh toán mà tổ chức tham gia BHTG vẫn lâm vào tình trạng phá sản hoặc NHNN có văn bản xác định chi nhánh ngân hàng nước ngoài là tổ chức tham gia BHTG mất khả năng chi trả tiền gửi cho người gửi tiền, BHTGVN có trách nhiệm trả tiền bảo hiểm cho người được BHTG.
BHTGVN đang nghiên cứu, đề xuất sửa đổi, bổ sung quy định về thời điểm phát sinh nghĩa vụ trả tiền bảo hiểm theo hướng sớm hơn; quy định về thời hạn trả tiền bảo hiểm theo hướng nhanh hơn đối với trường hợp khoản tiền gửi của người được BHTG đã được kiểm tra, xác định đủ điều kiện chi trả kể từ thời điểm phát sinh nghĩa vụ trả tiền bảo hiểm nhằm chi trả sớm hơn cho người gửi tiền.
Trong thời kỳ dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, lan rộng trên toàn cầu cũng như tình hình chính trị - kinh tế thế giới có nhiều biến động, thực tế ghi nhận nhiều quốc gia như Canada, Hàn Quốc, Malaysia... đã có động thái sửa đổi, bổ sung chính sách BHTG theo hướng nâng cao vị thế, tăng cường năng lực về nghiệp vụ và tài chính cũng như quyền hạn cho tổ chức BHTG nhằm đảm bảo khả năng ứng phó hiệu quả với những khó khăn có thể xảy ra đối với hệ thống tài chính - ngân hàng. Theo đó, việc nghiên cứu đề xuất sửa đổi, bổ sung Luật BHTG tại Việt Nam vào thời điểm này là cần thiết nhằm hoàn thiện cơ sở pháp lý, phù hợp với thông lệ quốc tế, nâng cao vị thế và vai trò của BHTGVN để tham gia sâu hơn, hiệu quả hơn vào quá trình cơ cấu lại hệ thống TCTD, nhằm bảo vệ tốt hơn quyền và lợi ích hợp pháp của người gửi tiền, góp phần duy trì sự ổn định của các TCTD, bảo đảm sự phát triển an toàn, lành mạnh của hoạt động ngân hàng.
Phạm Bảo Lâm
Chủ tịch HĐQT Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam