Đặt vấn đề
Bảo hiểm tiền gửi là một biện pháp phòng ngừa rủi ro được nhiều quốc gia trên thế giới thiết lập, nhằm bảo vệ người gửi tiền trong trường hợp ngân hàng mất khả năng chi trả. Sớm nhận thức được tầm quan trọng của việc phòng ngừa các rủi ro tín dụng, Nhà nước ta đã thành lập tổ chức Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam (DIV), đồng thời Chính phủ đã ban hành Nghị định số 89/1999/NĐ-CP ngày 01/9/1999 về Bảo hiểm tiền gửi, Nghị định số 109/2005/NĐ-CP ngày 24/8/2005 về việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 89/1999/NĐ-CP, Quốc hội ban hành Luật Bảo hiểm tiền gửi năm 2012. Việc xây dựng hành lang pháp lí kịp thời và đáng tin cậy đã góp phần rất lớn vào công cuộc bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người gửi tiền, kiểm soát và đảm bảo sự an toàn cho hoạt động của hệ thống ngân hàng, từ đó tạo ra một môi trường lành mạnh, vững chắc cho thị trường tài chính - tiền tệ. Để hoạt động bảo hiểm tiền gửi trong ngân hàng diễn ra thực sự hiệu quả và đúng hướng thì không thể thiếu việc kiểm soát các hoạt động đó. Tuy nhiên, kiểm soát hoạt động bảo hiểm tiền gửi trong ngân hàng là một công việc không đơn giản, dưới góc độ pháp lí và thực tiễn hiện nay, đã và đang bộc lộ nhiều mặt hạn chế. Vì vậy, việc nghiên cứu, đánh giá hoạt động kiểm soát bảo hiểm tiền gửi trong ngân hàng dưới hai góc độ pháp lí và thực tiễn, từ đó đưa ra một số giải pháp kiến nghị hoàn thiện về vấn đề này là rất quan trọng và cấp thiết hiện nay.
1. Sự cần thiết của việc kiểm soát hoạt động bảo hiểm tiền gửi trong ngân hàng
Sự ra đời và phát triển của ngân hàng gắn liền với các hoạt động sản xuất, kinh doanh của nhân dân và nền kinh tế. Khi nền kinh tế càng phát triển, hoạt động dịch vụ của ngân hàng càng đi sâu vào trong nền kinh tế và đời sống của con người. Điều này cho thấy hệ thống ngân hàng trong nước là nòng cốt tạo nên hệ thống thành viên đối với hầu hết các hệ thống bảo hiểm tiền gửi tại các nước nói chung và Việt Nam nói riêng. Mặt khác, các ngân hàng nắm giữ đại đa số tiền gửi của người gửi tiền, nhất là những người gửi tiền nhỏ lẻ. Do đó, việc ngân hàng bắt buộc tham gia bảo hiểm tiền gửi là điều tất yếu nhằm đảm bảo an toàn cho người gửi tiền1. Điều này đã được ghi nhận tại khoản 1 Điều 6 Luật Bảo hiểm tiền gửi năm 2012: “Tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài nhận được tiền gửi của cá nhân phải tham gia bảo hiểm tiền gửi, trừ ngân hàng chính sách”. Tuy nhiên, để hoạt động bảo hiểm tiền gửi trong ngân hàng được diễn ra đúng hướng, đúng mục đích ban đầu thì cần phải có cơ chế kiểm soát hoạt động này. Trên cơ sở thực hiện việc kiểm soát, có thể giúp phát hiện ra sự sai lệch và nguyên nhân gây ra, từ đó có tác động điều chỉnh để giảm thiểu rủi ro, đưa hoạt động trở về đúng hướng. Ngoài ra, sự cần thiết của việc kiểm soát hoạt động bảo hiểm tiền gửi trong ngân hàng còn được thể hiện dưới các khía cạnh sau:
Một là, đối với người gửi tiền. Việc có cơ chế kiểm soát hoạt động bảo hiểm tiền gửi góp phần củng cố niềm tin của công chúng đối với hệ thống ngân hàng và bảo vệ tối đa quyền lợi hợp pháp của người gửi tiền2. Xuất phát từ bản chất của hoạt động tài chính, hoạt động bảo hiểm tiền gửi luôn gắn liền với yếu tố niềm tin, mang tính nhạy cảm và có tính lan truyền cao. Nếu niềm tin của người gửi tiền bị lung lay, giảm sút, thậm chí là đổ vỡ thì nguy cơ làn sóng ồ ạt rút tiền mất kiểm soát hoàn toàn có thể xảy ra. Điều này không chỉ gây ảnh hưởng đến hoạt động của một ngân hàng đơn lẻ mà nó còn tác động đến toàn bộ nền kinh tế, do đó niềm tin của người gửi tiền là rất quan trọng và cần được đặc biệt lưu tâm. Không chỉ vậy, việc kiểm soát hoạt động bảo hiểm tiền gửi còn mang nhiệm vụ quan trọng là bảo vệ tiền gửi của người dân, để làm sao khi ngân hàng rơi vào tình trạng mất khả năng chi trả thì người gửi tiền vẫn nhận lại được toàn bộ hoặc ít nhất là một phần tiền gửi của mình. Đây chính là mối quan tâm hàng đầu của người dân khi họ quyết định đặt niềm tin gửi tiền vào các ngân hàng.
Hai là, đối với hệ thống ngân hàng. Kiểm soát tốt hoạt động bảo hiểm tiền gửi chính là điều kiện thuận lợi góp phần thúc đẩy việc huy động tối đa nguồn vốn tạm thời nhàn rỗi trong cộng đồng dân cư để đầu tư, phát triển trên cơ sở đôi bên cùng có lợi. Trên thực tế, hoạt động tiền gửi gắn liền với nhiều rủi ro tiềm ẩn, trong đó rủi ro lớn nhất là rủi ro ngân hàng mất khả năng thanh toán. Rủi ro này xảy ra càng nhiều với quy mô càng lớn thì chính uy tín, niềm tin đối với hệ thống ngân hàng của quốc gia đó sẽ bị giảm đi trên trường quốc tế, gây nên những khó khăn trong việc giao lưu kinh tế thế giới. Ngược lại, nếu hoạt động tiền gửi có những cơ chế bảo hiểm được kiểm soát chặt chẽ và có hệ thống, tiền gửi của người dân luôn được đảm bảo an toàn thì việc tập trung, thu hút vốn của ngân hàng sẽ được diễn ra thuận lợi hơn, quá trình sản xuất, mở rộng đầu tư phát triển kinh tế sẽ được đẩy nhanh hơn. Trên cơ sở đó, nước ta sẽ dần nâng cao vị thế của mình trên nền kinh tế thế giới, trở thành một quốc gia có nền kinh tế tài chính ổn định, vững vàng, thu hút các nhà đầu tư nước ngoài, đẩy mạnh việc hợp tác phát triển toàn cầu.
2. Thực trạng kiểm soát hoạt động bảo hiểm tiền gửi trong ngân hàng
Hiện nay, ở nước ta, việc kiểm soát hoạt động bảo hiểm tiền gửi trong ngân hàng được thực hiện chủ yếu bởi DIV - định chế tài chính đặc biệt trong hệ thống tài chính quốc gia, với hai hình thức kiểm soát là giám sát từ xa và kiểm tra tại chỗ. Giám sát từ xa là công cụ pháp lí quan trọng trong quản lí rủi ro đối với tổ chức tham gia bảo hiểm tiền gửi. Nhờ kết quả của hình thức này, DIV đưa ra những cảnh báo sớm đối với tổ chức tham gia bảo hiểm tiền gửi có nguy cơ lâm vào tình trạng đổ vỡ. Để đảm bảo thực hiện được hình thức này, các tổ chức tham gia bảo hiểm tiền gửi phải thực hiện nghĩa vụ cung cấp tài liệu, thông tin và báo cáo tình hình hoạt động kinh doanh của mình định kì hoặc đột xuất. Còn hình thức kiểm tra tại chỗ gồm kiểm tra hai nội dung cơ bản là kiểm tra việc chấp hành quy định pháp luật bảo hiểm tiền gửi của tổ chức tham gia bảo hiểm tiền gửi và việc thực hiện nghĩa vụ nộp phí bảo hiểm tiền gửi. Hai hình thức này giúp DIV đưa ra được những đánh giá đầy đủ, sát với thực trạng việc thực thi của các tổ chức tham gia bảo hiểm tiền gửi nói chung và các ngân hàng nói riêng3.
Tính đến ngày 30/6/2023, DIV thực hiện quản lí 1.280 tổ chức tham gia bảo hiểm tiền gửi, trong đó có 96 ngân hàng và chi nhánh ngân hàng nước ngoài, 01 ngân hàng hợp tác xã, 100% ngân hàng tham gia bảo hiểm tiền gửi được giám sát liên tục, thường xuyên4. Đồng thời, DIV cũng tăng cường cải tiến báo cáo giám sát nhằm phát hiện, cảnh báo sớm các ngân hàng có nguy cơ rủi ro, gây mất an toàn trong hệ thống ngân hàng. Về việc thu phí bảo hiểm tiền gửi, theo đánh giá của DIV, nhìn chung các tổ chức tham gia bảo hiểm tiền gửi đã chấp hành tốt quy định về tính và nộp phí bảo hiểm tiền gửi. Theo đó, tổng số phí bảo hiểm tiền gửi thu được trong 6 tháng đầu năm 2023 là hơn 5.000 tỉ đồng, tăng 2,6% so với cùng kì năm trước, vượt gần 6% so với kế hoạch 6 tháng đầu năm 2023 và đạt hơn 52% kế hoạch Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) giao năm 20235. Không chỉ vậy, đối với một số tổ chức tham gia bảo hiểm tiền gửi trong diện kiểm soát đặc biệt, DIV đã cử cán bộ tham gia các Ban Kiểm soát đặc biệt theo quy định pháp luật. Bên cạnh đó, thông qua công tác thông tin tuyên truyền được triển khai tích cực, người gửi tiền tại nhiều tỉnh, thành trên cả nước đã được tiếp cận trực tiếp với các chính sách bảo hiểm tiền gửi, từ đó thu hút được sự quan tâm, tin tưởng của người dân trên địa bàn6.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả tích cực kể trên, quá trình triển khai thực hiện các hoạt động kiểm soát bảo hiểm tiền gửi trong các ngân hàng cũng có một số điểm hạn chế, trong đó chủ yếu xuất phát từ những bất cập của quy định pháp luật về bảo hiểm tiền gửi, cũng như các khó khăn trong việc áp dụng pháp luật của các ngân hàng. Cụ thể như sau:
Thứ nhất, thẩm quyền của DIV về kiểm tra việc chấp hành các quy định pháp luật về an toàn trong hoạt động ngân hàng của các ngân hàng hiện đang có sự trùng lặp, chồng chéo với hoạt động thanh tra của thanh tra NHNN. Về lí luận cũng như thực tiễn, hoạt động thanh tra của thanh tra NHNN có những điểm khác biệt với hoạt động kiểm tra, giám sát của DIV về các mặt như chủ thể thực hiện, tính chất, mục đích, đối tượng và hậu quả pháp lí7. Trong đó, nội dung của hoạt động thanh tra là xem xét, đối chiếu và kết luận hành vi của một chủ thể nào đó có vi phạm pháp luật về an toàn trong hoạt động ngân hàng hay không, nếu có thì kết luận của thanh tra là căn cứ pháp lí để cơ quan nhà nước có thẩm quyền áp dụng trách nhiệm pháp lí tương ứng hoặc có kiến nghị sửa đổi các quy định pháp luật liên quan. Còn bản chất của hoạt động kiểm soát trong hoạt động bảo hiểm tiền gửi không phải nhằm phát hiện hành vi vi phạm pháp luật mà là nhằm nắm được thực trạng hoạt động của đối tượng bị kiểm tra, giám sát. Do đó, hoạt động kiểm soát ngân hàng phải được tiến hành định kì hoặc đột xuất và dựa trên những chỉ tiêu về kinh tế - xã hội. Kết quả của hoạt động kiểm soát là căn cứ để DIV đưa ra những đề xuất nhằm chấn chỉnh hoạt động của các ngân hàng tham gia bảo hiểm tiền gửi. Do đó, một trong những quyền hạn kiểm soát của DIV trở nên trùng lặp với hoạt động thanh tra của thanh tra NHNN.
Thứ hai, một số quy định về quyền của DIV chưa thực sự phù hợp khiến cho vai trò, mục đích và ý nghĩa của hoạt động kiểm soát của DIV chưa đạt được như kì vọng của các nhà hoạch định chính sách. Đầu tiên, trên cơ sở kết quả kiểm tra, giám sát, DIV chỉ có quyền báo cáo bằng văn bản đến NHNN, điều này đồng nghĩa với việc DIV không được can thiệp vào hoạt động của ngân hàng nhằm ngăn ngừa nguy cơ rủi ro của các tổ chức. Không chỉ vậy, hoạt động kiểm soát của DIV đối với các ngân hàng chủ yếu dựa vào phân tích các báo cáo tài chính do các tổ chức đó cung cấp, không căn cứ vào hoạt động thực tế của các tổ chức tham gia bảo hiểm tiền gửi. Do đó, hiệu quả của việc phân tích này chủ yếu phụ thuộc vào sự minh bạch thông tin mà các ngân hàng cung cấp cho DIV. Các thông tin trong báo cáo cũng chịu sự chi phối của các quy định về bảo mật hoạt động ngân hàng. Điều này đã phần nào tạo ra sự hạn chế trong việc kiểm soát của DIV. Về quy trình giám sát, hoạt động giám sát từ xa được quy định thực hiện theo từng quý, theo đó thường thì ngày 20 tháng đầu quý mới hoàn thành kết quả giám sát của quý trước. Việc này không đảm bảo cảnh báo kịp thời cho các tổ chức tham gia bảo hiểm tiền gửi khi gặp vấn đề trong hoạt động kinh doanh của mình, do vậy, tác dụng cảnh báo sớm còn thấp. Ngoài ra, hiện nay, việc thực hiện đánh giá mức độ rủi ro tại các ngân hàng chưa được quy định rõ ràng, chưa có các quy định về chia sẻ thông tin cũng như cơ chế phối hợp giữa DIV và Cơ quan Thanh tra, giám sát ngân hàng trong việc đưa ra cảnh báo sớm. Những điều này đã gây nhiều khó khăn trong công tác kiểm soát bảo hiểm tiền gửi ngân hàng của các cơ quan có thẩm quyền.
Thứ ba, pháp luật về bảo hiểm tiền gửi hiện hành chưa quy định các biện pháp chế tài áp dụng đối với các ngân hàng vi phạm quy định về an toàn trong hoạt động ngân hàng. Trong quá trình kiểm soát, nếu phát hiện ngân hàng vi phạm pháp luật thì DIV có thể yêu cầu ngân hàng thực hiện các biện pháp chấn chỉnh kịp thời, báo cáo bằng văn bản lên NHNN. Điều này dẫn tới hoạt động kiểm tra, giám sát của DIV chưa thực sự đạt hiệu quả cao8.
Thứ tư, việc quy định tính mức phí bảo hiểm tiền gửi đồng hạng các tổ chức tham gia bảo hiểm tiền gửi chưa hợp lí. Hiện nay, phí bảo hiểm tiền gửi được tính đồng hạng là 0,15%/năm tính trên số dư tiền gửi bình quân của các loại tiền gửi được bảo hiểm tại các tổ chức tham gia bảo hiểm tiền gửi (trong đó có các ngân hàng). Quy định này tạo nên mức độ đóng góp tương đối hài hòa giữa các tổ chức tham gia bảo hiểm tiền gửi, không tạo nên trách nhiệm tài chính quá lớn và phù hợp tương đối với điều kiện, mức độ phát triển của các tổ chức tham gia bảo hiểm tiền gửi ở Việt Nam. Tuy nhiên, hiện nay, các tổ chức tham gia bảo hiểm tiền gửi có sự chênh lệch lớn về quá trình phát triển, quy mô và phạm vi hoạt động, do đó, để đảm bảo phí đồng hạng tạo nên sự đối xử tương đối công bằng về đóng góp tài chính với các khách hàng là một yêu cầu rất khó. Hơn nữa, tỉ lệ phí bảo hiểm tiền gửi như nhau sẽ tạo nên khả năng xuất hiện các biểu hiện ỷ lại theo góc độ quản lí rủi ro trong hoạt động của các tổ chức tham gia bảo hiểm tiền gửi, đồng thời không có tác dụng khuyến khích các tổ chức tham gia bảo hiểm tiền gửi thi đua hoạt động tốt, an toàn cao để được áp dụng phí bảo hiểm tiền gửi thấp9.
3. Một số kiến nghị hoàn thiện
Để khắc phục những vấn đề còn hạn chế, bất cập trong kiểm soát hoạt động bảo hiểm tiền gửi tại ngân hàng thương mại như đã phân tích, một số giải pháp được đề xuất như sau:
Thứ nhất, hoàn thiện quy định chức năng giám sát, đánh giá rủi ro của DIV. Theo đó, DIV phải tham gia vào quá trình giám sát, đánh giá rủi ro trong hoạt động kinh doanh của các ngân hàng. Việc này nhằm giúp DIV thực hiện tốt chức năng bảo hiểm, giảm thiểu tối đa chi phí cũng như phòng, chống việc đổ vỡ, phá sản, ngăn chặn những rủi ro bảo hiểm có nguy cơ xảy ra. Từ đó, DIV mới có thể đưa ra những khuyến nghị cho các ngân hàng, đồng thời hỗ trợ, thậm chí là can thiệp vào hoạt động của các ngân hàng khi có dấu hiệu mất an toàn.
Thứ hai, bổ sung thêm quy định về xác định một thời điểm phù hợp chi trả bảo hiểm tiền gửi. Việc này thể hiện cam kết về mặt pháp lí đối với người dân trong việc bảo đảm chi trả khoản tiền bảo hiểm tiền gửi cho họ nhanh chóng, kịp thời. Thông qua quy định này, uy tín của hệ thống ngân hàng sẽ được củng cố, cũng như giảm thiểu tình trạng mất khả năng thanh toán của ngân hàng và góp phần duy trì hoạt động bình thường của hệ thống ngân hàng.
Thứ ba, tiếp tục hoàn thiện quy định phí bảo hiểm tiền gửi theo hướng áp dụng hệ thống phí bảo hiểm tiền gửi theo mức độ rủi ro. Hiện nay, trên thế giới có hai phương thức thu phí bảo hiểm tiền gửi chủ yếu là phương pháp đồng hạng và phương pháp tính theo mức độ rủi ro. Như đã đề cập, pháp luật bảo hiểm tiền gửi Việt Nam hiện nay theo phương pháp đồng hạng với tỉ lệ phí đồng nhất áp dụng cho tất cả các tổ chức tham gia bảo hiểm tiền gửi. Còn phương pháp tính phí bảo hiểm tiền gửi theo mức độ rủi ro được xây dựng một cách phù hợp có thể tính mức phí cao hơn đối với tổ chức tham gia bảo hiểm có nhiều rủi ro và tính mức phí thấp hơn đối với những tổ chức hoạt động an toàn hơn. Việc áp dụng thành công hệ thống phí bảo hiểm tiền gửi theo mức độ rủi ro sẽ đạt được hai mục tiêu quan trọng là: (i) Khuyến khích các tổ chức tín dụng giảm thiểu rủi ro, nâng cao hiệu quả hoạt động cũng như đảm bảo sự công bằng cho các tổ chức tín dụng tham gia bảo hiểm tiền gửi nếu chấp nhận rủi ro cao thì nộp phí cao hơn và ngược lại; (ii) Đẩy nhanh quá trình tích lũy bảo hiểm tiền gửi (chẳng hạn như chia các tổ chức tham gia bảo hiểm tiền gửi thành 04 nhóm với mức phí thu khác nhau là 0,15% - 0,2% - 0,25% - 0,3%). Khi tính phí theo chất lượng hoạt động kinh doanh của ngân hàng như vậy, ngân hàng sẽ có động lực để phấn đấu đạt hạng tốt hơn để được hưởng mức phí thấp hơn, giảm bớt đi giá thành chi phí10.
Cuối cùng, để đảm bảo tính khách quan, thống nhất và hiệu quả việc kiểm soát quá trình thực hiện pháp luật về bảo hiểm tiền gửi tại các ngân hàng, NHNN và DIV cần có sự phối hợp đồng bộ, để góp phần giảm thiểu rủi ro đáng kể trong giai đoạn hiện nay.
Kết luận
Trên cơ sở nghiên cứu, đánh giá việc kiểm soát hoạt động bảo hiểm tiền gửi trong ngân hàng dưới góc độ pháp lí và thực tiễn, có thể nhận thấy, các quy định pháp luật về bảo hiểm tiền gửi hiện hành đã góp phần không nhỏ trong việc đảm bảo sự an toàn, lành mạnh của hoạt động ngân hàng, cũng như bảo đảm quyền lợi hợp pháp của người gửi tiền tại các tổ chức tham gia bảo hiểm tiền gửi. Bên cạnh đó, trước bối cảnh đổi mới mạnh mẽ của hệ thống tài chính - ngân hàng, nhiều quy định của pháp luật kiểm soát bảo hiểm tiền gửi ở Việt Nam không còn phù hợp và cần có sự hoàn thiện. Chính vì vậy, việc đưa ra giải pháp nhằm hoàn thiện pháp luật cũng như nâng cao hiệu quả thực thi pháp luật về bảo hiểm tiền gửi, nâng cao hiệu quả kiểm soát hoạt động bảo hiểm tiền gửi của các ngân hàng ở Việt Nam là rất quan trọng, cần thiết trong bối cảnh hiện nay. Có thể nói, khi chính sách về kiểm soát hoạt động bảo hiểm tiền gửi trong ngân hàng tại Việt Nam ngày càng được hoàn thiện, chính điều này sẽ góp phần bảo vệ người gửi tiền tốt hơn, đảm bảo an toàn hệ thống tài chính - ngân hàng và đảm bảo an sinh xã hội.
1 Nguyễn Đăng Quân (2018), “Hoạt động bảo hiểm tiền gửi theo pháp luật Việt Nam từ thực tiễn các ngân hàng thương mại”, Luận án Tiến sĩ Luật học, Học viện Khoa học xã hội, trang 60.
2 Trung tâm Thông tin, Thư viện và Nghiên cứu khoa học Văn phòng Quốc hội (2008), “Vai trò của tổ chức Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam trong việc bảo vệ người gửi tiền và đảm bảo an sinh xã hội”, Chuyên đề nghiên cứu chuyên sâu, Hà Nội. tháng 12 năm 2008, trang 37 - 38.
3 Nguyễn Đăng Quân (2018), “Hoạt động bảo hiểm tiền gửi theo pháp luật Việt Nam từ thực tiễn các ngân hàng thương mại”, Luận án Tiến sĩ Luật học, Học viện Khoa học xã hội, trang 76 - 77.
4 Hà An (2023), Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam triển khai hiệu quả hoạt động nhằm bảo vệ người gửi tiền, Báo Đầu tư Chứng khoán, https://www.tinnhanhchungkhoan.vn/bao-hiem-tien-gui-viet-nam-trien-khai-hieu-qua-hoat-dong-nham-bao-ve-nguoi-gui-tien-post326704.html
5 TH (2023), Những điểm sáng trong hoạt động bảo hiểm tiền gửi 6 tháng đầu năm 2023, Tạp chí Tài chính online, https://tapchitaichinh.vn/nhung-diem-sang-trong-hoat-dong-bao-hiem-tien-gui-6-thang-dau-nam-2023.html
6 Ngọc Anh (2023), Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam và “điểm nhấn” trong 6 tháng đầu năm 2023, Công thương, https://congthuong.vn/bao-hiem-tien-gui-viet-nam-va-diem-nhan-trong-6-thang-dau-nam-2023-264942.html
7 Nguyễn Đăng Quân (2018), “Hoạt động bảo hiểm tiền gửi theo pháp luật Việt Nam từ thực tiễn các ngân hàng thương mại”, Luận án Tiến sĩ Luật học, Học viện Khoa học xã hội, trang 97 - 98.
8 Nguyễn Đăng Quân (2018), “Hoạt động bảo hiểm tiền gửi theo pháp luật Việt Nam từ thực tiễn các ngân hàng thương mại”, Luận án Tiến sĩ Luật học, Học viện Khoa học xã hội, trang 96 - 99.
9 BT (2022), Phí bảo hiểm tiền gửi phân biệt và những vấn đề cần được quan tâm, Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam, http://www.div.gov.vn/Default.aspx?tabid=296&CtrName=detail&ArticleId=9399&CatID=0
10 Nguyễn Đăng Quân (2018), "Hoạt động bảo hiểm tiền gửi theo pháp luật Việt Nam từ thực tiễn các ngân hàng thương mại", Luận án Tiến sĩ Luật học, Học viện Khoa học xã hội, trang 124 - 125.
Tài liệu tham khảo:
1. Luật Bảo hiểm tiền gửi năm 2012.
2. Hà An (2023), Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam triển khai hiệu quả hoạt động nhằm bảo vệ người gửi tiền, Báo Đầu tư Chứng khoán, https://www.tinnhanhchungkhoan.vn/bao-hiem-tien-gui-viet-nam-trien-khai-hieu-qua-hoat-dong-nham-bao-ve-nguoi-gui-tien-post326704.html
3. Ngọc Anh (2023), Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam và “điểm nhấn” trong 6 tháng đầu năm 2023, Công thương, https://congthuong.vn/bao-hiem-tien-gui-viet-nam-va-diem-nhan-trong-6-thang-dau-nam-2023-264942.html
4. BT (2022), Phí bảo hiểm tiền gửi phân biệt và những vấn đề cần được quan tâm, Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam, http://www.div.gov.vn/Default.aspx?tabid=296&CtrName=detail&ArticleId=9399&CatID=0
5. Nguyễn Đăng Quân (2018), “Hoạt động bảo hiểm tiền gửi theo pháp luật Việt Nam từ thực tiễn các ngân hàng thương mại”, Luận án Tiến sĩ Luật học, Học viện Khoa học xã hội.
6. Trung tâm Thông tin, Thư viện và Nghiên cứu khoa học Văn phòng Quốc hội (2008), “Vai trò của Tổ chức Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam trong việc bảo vệ người gửi tiền và đảm bảo an sinh xã hội”, Chuyên đề nghiên cứu chuyên sâu, Hà Nội, tháng 12/2008.
7. TH (2023), Những điểm sáng trong hoạt động bảo hiểm tiền gửi 6 tháng đầu năm 2023, Tạp chí Tài chính online, https://tapchitaichinh.vn/nhung-diem-sang-trong-hoat-dong-bao-hiem-tien-gui-6-thang-dau-nam-2023.html
ThS. Trịnh Tường Khiêm (Trường Đại học Hùng Vương Thành phố Hồ Chí Minh)