Ngày 13/6/2019, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) tổ chức hội nghị thông tin về kết quả hoạt động ngân hàng 6 tháng đầu năm 2019 và định hướng nhiệm vụ những tháng cuối năm. Hội nghị do Phó thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng chủ trì.
Hội nghị thông tin kết quả hoạt động ngân hàng 6 tháng đầu năm 2019
Tham dự hội nghị có lãnh đạo các đơn vị NHNN như: Cơ quan Thanh tra giám sát ngân hàng. Vụ Thanh toán, Vụ Tín dụng các ngành kinh tế, Vụ Chính sách tiền tệ, Vụ Truyền thông... Ngoài ra, hội nghị còn có sự góp mặt của lãnh đạo một số NHTM và các phóng viên các báo, đài.
Thực hiện chỉ đạo của Chính phủ tại Nghị quyết số 01/NQ-CP ngày 08/01/2019 và Nghị quyết các phiên họp Chính phủ thường kỳ, NHNN đã điều hành chính sách tiền tệ (CSTT) đảm bảo hoạt động ngân hàng an toàn, hiệu quả. Phó Thống đốc Nguyễn Thị Hồng cho biết: “Bám sát diễn biến kinh tế vĩ mô, tiền tệ, trong 6 tháng đầu năm 2019, NHNN điều hành CSTT chủ động, linh hoạt, thận trọng, phối hợp hài hòa với chính sách tài khóa và các chính sách kinh tế vĩ mô khác nhằm kiểm soát lạm phát theo mục tiêu, hỗ trợ tăng trưởng kinh tế, ổn định thị trường tiền tệ và ngoại hối.”
Cụ thể, đến ngày 10/6/2019, tổng phương tiện thanh toán tăng 5,17% so với cuối năm 2018, thanh khoản của hệ thống tổ chức tín dụng (TCTD) được đảm bảo, thông suốt. Năm 2019, NHNN định hướng tổng phương tiện thanh toán tăng khoảng 13%; tín dụng tăng khoảng 14%, có điều chỉnh phù hợp với diễn biến, tình hình thực tế.
NHNN đã điều hành lãi suất phù hợp với diễn biến kinh tế vĩ mô và thị trường tiền tệ, giữ ổn định các mức lãi suất điều hành và chỉ đạo TCTD rà soát, cân đối tài chính để áp dụng lãi suất cho vay hợp lý trên cơ sở lãi suất huy động và mức độ rủi ro của khoản vay, đảm bảo an toàn tài chính.
Đặc biệt, trong bối cảnh thị trường trong nước và quốc tế đan xen những thuận lợi, khó khăn, NHNN đã chủ động điều hành linh hoạt tỷ giá trung tâm, phù hợp với diễn biến thị trường trong và ngoài nước, các cân đối vĩ mô, tiền tệ và mục tiêu CSTT; phối hợp đồng bộ các công cụ CSTT, tận dụng điều kiện thị trường thuận lợi để mua được lượng lớn ngoại tệ bổ sung Dự trữ ngoại hối nhà nước. Phó thống đốc Nguyễn Thị Hồng nhấn mạnh “Thị trường tương đối ổn định, tỷ giá diễn biến bám sát điều kiện thị trường; thanh khoản đảm bảo, giao dịch ngoại tệ thông suốt, các nhu cầu ngoại tệ hợp pháp được đáp ứng đầy đủ, kịp thời”.
Phó Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng chủ trì Hội nghị
Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng, để góp phần hạn chế, đẩy lùi tín dụng đen, trong các Chỉ thị từ đầu năm, Thống đốc NHNN đều yêu cầu các TCTD đẩy mạnh triển khai các giải pháp tháo gỡ khó khăn, tạo điều kiện thuận lợi cho các tổ chức và người dân tiếp cận vốn; có giải pháp tín dụng phù hợp đáp ứng nhu cầu hợp pháp của người dân, góp phần hạn chế tín dụng đen.
Mới đây, Thống đốc NHNN đã ban hành Quyết định 1178/QĐ-NHNN về việc ban hành Kế hoạch hành động của ngành Ngân hàng triển khai Chỉ thị 12/CT-TTg ngày 25/4/2019 của Thủ tướng Chính phủ ngày 25/4/2019 về tăng cường phòng ngừa, đấu tranh với tội phạm và vi phạm pháp luật liên quan đến hoạt động tín dụng đen. Theo nội dung Quyết định này, Thống đốc giao nhiệm vụ do các đơn vị trực thuộc NHNN chủ trì, đồng thời phối hợp với các Bộ, ngành, các tổ chức chính trị - xã hội để góp phần hạn chế tín dụng đen.
Ông Nguyễn Quốc Hùng – Vụ Trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế cũng cho biết, từ đầu năm 2019 đến nay, Ngân hàng Nhà nước đã chỉ đạo các tổ chức tín dụng thực hiện các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho ngành lúa gạo, ngành chăn nuôi lợn do dịch bệnh, ngành tiêu..., như cơ cấu lại thời hạn trả nợ, nâng hạn mức cho vay, xem xét miễn, giảm lãi vay, thu gốc trước lãi sau; tiếp tục cho vay mới phục vụ sản xuất , chuyển đổi cây trồng...
Đối với lúa gạo, đại diện Vụ Tín dụng NHNN cũng cho biết, riêng vụ Đông Xuân năm 2019, các tổ chức tín dụng tại khu vực Đồng bằng Sông Cửu Long cấp hạn mức tín dụng hơn 24.000 tỷ đồng và đã thực hiện giải ngân cho vay gần 17.000 tỷ đồng cho các tổ chức, cá nhân để thu mua gần 2,7 triệu tấn lúa gạo.
Bên cạnh các biện pháp trong thẩm quyền mà các tổ chức tín dụng đang thực hiện, để người dân được hưởng chính sách khoanh nợ bị thiệt hại do thiên tai trên diện rộng, Ngân hàng Nhà nước đề nghị UBND các tỉnh công bố thiên tai trên diện rộng, đồng thời tổng hợp thiệt hại về vốn vay của người dân, gửi Ngân hàng Nhà nước, Bộ Tài chính để báo cáo Thủ tướng chính phủ xem xét quyết định khoanh nợ cho các hộ dân theo đúng trình tự quy định tại Nghị định 55, Nghị định 116 của Chính phủ.
Đồng thời, công tác cải cách thủ tục hành chính cũng được NHNN đặc biệt quan tâm. Theo kết quả công bố Chỉ số cải cách hành chính (CCHC) năm 2018, NHNN đạt điểm cao nhất 90.57/100 điểm và tiếp tục xếp vị trí thứ 1. Đây là lần thứ 4 liên tiếp NHNN xếp vị trí số 1 về CCHC trong các Bộ, cơ quan ngang bộ. NHNN xác định mục tiêu xuyên suốt là đẩy mạnh CCHC trong hệ thống NHNN gắn với đổi mới phương thức phục vụ của ngành Ngân hàng lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm và phải tạo chuyển biến rõ nét về cải thiện môi trường kinh doanh trong hoạt động ngân hàng. Mọi cải cách thủ tục hành chính thực chất là các giải pháp nhằm tăng thêm khả năng tiếp cận tín dụng và các dịch vụ tiền tệ ngân hàng đối với doanh nghiệp và người dân trong toàn bộ quy trình, điều kiện và thủ tục vay vốn và cung ứng dịch vụ tiền tệ ngân hàng.
Với việc triển khai các giải pháp quyết liệt trên, ngành Ngân hàng cơ bản đã đáp ứng kịp thời nhu cầu vốn phục vụ sản xuất kinh doanh, các nhu cầu đời sống chính đáng của người dân. Đến ngày 10/6/2019, dư nợ tín dụng đối với nền kinh tế tăng 5, 75% so với cuối năm 2018. Về vấn đề này, ông Phạm Thanh Hà - Vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ thuộc NHNN thông tin, tín dụng trong những tháng đầu năm được định hướng vào sản xuất, kinh doanh và các lĩnh vực ưu tiên theo chỉ đạo của Chính phủ, tín dụng đối với các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro được tăng cường kiểm soát.
NHNN đã giữ ổn định các mức lãi suất điều hành, đồng thời chỉ đạo các TCTD cân đối tài chính để áp dụng lãi suất cho vay hợp lí. Mặt bằng lãi suất huy động và cho vay cơ bản tiếp tục ổn định, lãi suất cho vay ngắn hạn phổ biến ở mức 6 - 9%/năm và 9 - 11%/năm đối với trung và dài hạn.
Ông Phạm Thanh Hà - Vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ phát biểu tại Hội nghị
|
Ông Nguyễn Quốc Hùng - Vụ trưởng Vụ Tín dụng CNKT phát biểu tại Hội nghị
|
Ông Phạm Tiến Dũng – Vụ trưởng Vụ Thanh toán phát biểu tại Hội nghị
|
Bà Lê Thị Thúy Sen – Phó Vụ Trưởng phụ trách Vụ Truyền thông phát biểu tại Hội nghị
|
Ông Nguyễn Trọng Du – Phó Chánh Thanh tra CQTTGSNH phát biểu tại Hội nghị
|
|
|
Công tác cơ cấu lại các TCTD cũng tiếp tục được đẩy mạnh. Kết quả cơ cấu lại các TCTD đã tạo sự ổn định, an toàn của hệ thống các TCTD được giữ vững, thể hiện ở các mặt như: Năng lực tài chính của các TCTD tiếp tục được củng cố, vốn điều lệ tăng dần qua các năm; Quy mô hệ thống các TCTD tiếp tục tăng; Năng lực quản trị điều hành, hoạt động kiểm tra, kiểm toán nội bộ và quản lý rủi ro của các TCTD từng bước được nâng cao để tiệm cận với thông lệ quốc tế, sự minh bạch trong hoạt động của hệ thống các TCTD đã được nâng cao một bước...
Chia sẻ tại Hội nghị, ông Nguyễn Trọng Du – Phó Chánh Thanh tra Cơ quan Thanh tra, giám sát ngân hàng (CQTTGSNH) cho biết, với sự chỉ đạo của Chính phủ, Quốc hội, trong thời gian qua, NHNN đã có chỉ đạo, xây dựng kế hoạch xử lý nợ xấu bám sát Nghị quyết 42, thực hiện đánh giá nợ xấu trên từng tổ chức tín dụng. Trên cơ sở đó, đưa ra các biện pháp xử lý cụ thể cho từng tháng, từng quý; đặc biệt, các giải pháp xử lý nợ xấu được triển khai đồng bộ cùng với các biện pháp kiểm soát, phòng ngừa nợ xấu mới phát sinh đã góp phần nâng cao chất lượng tín dụng và giảm tỷ lệ nợ xấu của hệ thống các TCTD.
Về kết quả xử lý nợ xấu được xác định theo Nghị quyết 42, tính từ năm 2012 đến cuối tháng 3/2019, toàn hệ thống các TCTD đã xử lý được 907,33 nghìn tỷ đồng nợ xấu, trong đó riêng trong năm 2018, toàn hệ thống các TCTD đã xử lý được 163,14 nghìn tỷ đồng nợ xấu, tỷ lệ nợ xấu nội bảng đến cuối tháng 03/2019 là 2,02%. Lũy kế từ 15/8/2017 đến cuối tháng 3/2019, toàn hệ thống TCTD đã xử lý được 227,86 nghìn tỷ đồng nợ xấu xác định theo Nghị quyết 42, trong đó xử lý nợ xấu nội bảng là 117,8 nghìn tỷ đồng.
Trong lĩnh vực thanh toán, bên cạnh hoàn thiện cơ sở pháp lý, NHNN đã triển khai đồng bộ các giải pháp nhằm đẩy mạnh thanh toán không dùng tiền mặt (TTKDTM). Đồng thời chỉ đạo các TCTD tiếp tục đầu tư, phát triển hạ tầng thanh toán; tăng cường công tác an ninh, bảo mật, đảm bảm quyền lợi của khách hàng; cũng như triển khai ứng dụng các thành tựu của cuộc Cách mạng 4.0 trong cung ứng dịch vụ thanh toán. Nhờ đó, TTKDTM tiếp tục có nhiều chuyển biến tích cực. Tổng giá trị giao dịch qua Hệ thống thanh toán điện tử liên ngân hàng (TTĐTLNH) trong 5 tháng đầu năm 2019 đạt trên 64.160 nghìn giao dịch tương ứng với gần 35.728 nghìn tỷ đồng (tăng khoảng 23,23% về số lượng giao dịch và tăng 17,63% về giá trị giao dịch so với cùng kỳ năm ngoái).
Cơ sở hạ tầng và công nghệ phục vụ TTKDTM tiếp tục được chú trọng đầu tư, nâng cao chất lượng và phát huy hiệu quả. Đến 31/3/2019, số lượng giao dịch thanh toán nội địa qua thẻ ngân hàng tăng 18,45% so với cùng kỳ năm 2018 với tổng giá trị giao dịch tăng 18,82% so với cùng kỳ năm 2018; Nhiều tính năng, tiện ích đã được tích hợp vào thẻ ngân hàng để sử dụng thanh toán hàng hóa, dịch vụ; đồng thời, nâng cao chất lượng dịch vụ, độ an toàn, bảo mật trong thanh toán thẻ.
Về kết quả thanh toán điện tử qua Internet và điện thoại di động đến hết tháng 3/2019, Vụ trưởng Vụ Thanh toán (NHNN) Phạm Tiến Dũng cho biết, số lượng giao dịch tài chính qua kênh Internet đạt hơn 101 triệu giao dịch với giá trị giao dịch khoảng 4.581 nghìn tỷ đồng (tăng tương ứng 65,81% và 13,46% so với cùng kỳ năm 2018); số lượng giao dịch tài chính qua kênh điện thoại di động đạt hơn 76 triệu giao dịch với giá trị giao dịch hơn 924 nghìn tỷ đồng (tăng tương ứng 97,75% và 232,3% so với cùng kỳ năm 2018). Các ngân hàng đã đưa các công nghệ mới, hiện đại vào hoạt động thanh toán, đẩy mạnh các hình thức thanh toán hiện đại, an toàn, tiện lợi, được người tiêu dùng đón nhận tích cực. TTKDTM cũng trong khu vực công không ngừng được thúc đẩy và mở rộng.
Công tác thông tin, tuyên truyền về TTKDTM được chú trọng và phát huy hiệu quả. Trong thời gian qua NHNN chủ động xây dựng nội dung, chương trình giáo dục tài chính như “Tiền khéo, tiền khôn” trên VTV3, “Những đứa trẻ thông thái” và “Đồng tiền thông thái” trên VTV1, cuộc thi “Hiều đúng về tiền”… qua đó tuyên truyền, phổ biến nhằm nâng cao nhận thức, sự hiểu biết, tăng khả năng tiếp cận các sản phẩm dịch vụ tài chính ngân hàng cho người dân, đồng thời khuyến khích sử dụng các phương tiện TTKDTM.
Toàn cảnh Hội nghị
Định hướng điều hành CSTT và hoạt động ngân hàng trong thời gian tới
Trên cơ sở các mục tiêu của Quốc hội, Chính phủ và diễn biến kinh tế vĩ mô, tiền tệ, NHNN tiếp tục điều hành CSTT chủ động, linh hoạt, thận trọng, phối hợp hài hòa với chính sách tài khóa và các chính sách kinh tế vĩ mô khác nhằm kiểm soát lạm phát; duy trì ổn định kinh tế vĩ mô, hỗ trợ tăng trưởng kinh tế, ổn định thị trường tiền tệ và ngoại hối. Cụ thể:
Điều hành nghiệp vụ thị trường mở, điều tiết thanh khoản của các TCTD ở mức hợp lý, ổn định thị trường tiền tệ, góp phần thực hiện mục tiêu CSTT. Điều hành công cụ dự trữ bắt buộc đồng bộ với các công cụ CSTT khác, phù hợp với diễn biến thị trường tiền tệ và mục tiêu CSTT.
Điều hành lãi suất, tỷ giá phù hợp với cân đối vĩ mô, diễn biến thị trường và mục tiêu CSTT; kết hợp đồng bộ các công cụ CSTT, biện pháp can thiệp thị trường ngoại hối khi cần thiết để ổn định thị trường ngoại hối.
Điều hành tín dụng phù hợp với chỉ tiêu định hướng, đi đôi với nâng cao chất lượng tín dụng. Chỉ đạo các TCTD nâng cao chất lượng tín dụng; tập trung tín dụng vào các lĩnh vực sản xuất kinh doanh, nhất là các lĩnh vực ưu tiên theo chủ trương của Chính phủ, tạo điều kiện thuận lợi trong việc tiếp cận vốn tín dụng của doanh nghiệp và người dân. Kiểm soát chặt chẽ tín dụng vào các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro như bất động sản, chứng khoán…; tăng cường quản lý rủi ro đối với các dự án BOT, BT giao thông, tín dụng tiêu dùng. Kiểm soát cho vay bằng ngoại tệ và có lộ trình phù hợp giảm dần cho vay bằng ngoại tệ.
Tiếp tục đẩy mạnh triển khai Đề án Cơ cấu lại hệ thống TCTD gắn với xử lý nợ xấu đến năm 2020, trong đó, tập trung xử lý hiệu quả các TCTD yếu kém. Thực hiện quyết liệt và hiệu quả Nghị quyết số 42/2017/QH14 của Quốc hội về thí điểm xử lý nợ xấu của các TCTD; đẩy mạnh xử lý nợ xấu theo cơ chế thị trường, kiểm soát nợ xấu mới phát sinh và nợ tiềm ẩn trở thành nợ xấu; Phấn đấu đưa tỷ lệ nợ xấu nội bảng xuống dưới 2%;
Đẩy mạnh phát triển TTKDTM; Xây dựng, hoàn thiện và nâng cấp hạ tầng thanh toán quốc gia; Giám sát các hệ thống thanh toán đảm bảo hoạt động an toàn, hiệu quả; tăng cường công tác an ninh, an toàn trong thanh toán điện tử, áp dụng các tiêu chuẩn an toàn bảo mật thanh toán theo chuẩn quốc tế; Xây dựng khuôn khổ pháp lý cho hoạt động của các công ty Fintech; Tiếp tục triển khai các mô hình thanh toán tại khu vực nông thôn, vùng sâu, vùng xa gắn với việc xây dựng và triển khai Chiến lược Quốc gia về Tài chính Toàn diện tại Việt Nam; Tiếp tục thúc đẩy thanh toán điện tử trong khu vực Chính phủ; Đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền về TTKDTM, giáo dục tài chính; tăng cường các biện pháp bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, đồng thời nâng cao chất lượng, hiệu quả dịch vụ thanh toán.
Đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính trong các lĩnh vực hoạt động ngân hàng, tạo thuận lợi cho tổ chức, cá nhân trong các giao dịch hành chính với NHNN và giao dịch với TCTD góp phần cải thiện môi trường kinh doanh trong lĩnh vực tiền tệ, ngân hàng, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, thúc đẩy doanh nghiệp nói chung và TCTD nói riêng phát triển bền vững.
Theo sbv.gov.vn