Phát biểu chỉ đạo tại Hội thảo “Hướng đến một xã hội không dùng tiền mặt” do báo Tuổi trẻ tổ chức ngày 15/01/2019 tại TP. Hồ Chí Minh, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) Nguyễn Kim Anh cho biết thời gian tới, ngành Ngân hàng tiếp tục đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền về thanh toán không dùng tiền mặt (TTKDTM), giáo dục tài chính; tăng cường các biện pháp bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, đồng thời nâng cao chất lượng, hiệu quả dịch vụ thanh toán. Tại Hội thảo, các ý kiến cũng nhấn mạnh truyền thông đóng góp vai trò quan trọng bên cạnh các giải pháp khác để thực hiện các mục tiêu của Đề án phát triển TTKDTM mà Chính phủ đề ra.
Phó Thống đốc Nguyễn Kim Anh phát biểu tại Hội thảo
Với việc ứng dụng những thành tựu của công nghệ, nhiều quốc gia đã và đang tiến tới xã hội không dùng tiền mặt. Tại Việt Nam, nhận thức rõ vai trò, tầm quan trọng của thanh toán không dùng tiền mặt (TTKDTM), cuối năm 2016, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 2545/QĐ-TTg phê duyệt Đề án phát triển TTKDTM tại Việt Nam giai đoạn 2016-2020. Mục đích nhằm tạo sự chuyển biến rõ rệt về TTKDTM trong nền kinh tế, thay đổi dần tập quán sử dụng các phương tiện thanh toán trong xã hội, giảm chi phí xã hội liên quan đến tiền mặt, giảm tỷ lệ tiền mặt trong lưu thông và tiền mặt trên tổng phương tiện thanh toán.
Để nâng cao nhận thức xã hội về lợi ích của một xã hội không dùng tiền mặt, thúc đẩy quá trình triển khai Đề án phát triển TTKDTM sớm đạt mục tiêu của Chính phủ đề ra, báo Tuổi Trẻ phối hợp các đơn vị liên quan tổ chức Hội thảo “Hướng đến một xã hội không dùng tiền mặt” tại TP.Hồ Chí Minh ngày 15/01/2019.
Toàn cảnh Hội nghị
Tham dự Hội thảo có Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Nguyễn Kim Anh; Lãnh đạo Vụ Truyền thông (NHNN), Vụ Thanh toán (NHNN), Cục Công nghệ thông tin (NHNN); đại diện một số Sở ngành liên quan tại TP.HCM; Đại diện Hiệp hội thương mại điện tử, Cục Thương mại điện tử; đại diện các ngân hàng thương mại (Vietcombank, ACB, Agribank…), Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN); các công ty công nghệ; đại diện các doanh nghiệp bán lẻ, các đơn vị ứng dụng công nghệ thanh toán; các chuyên gia trong lĩnh vực tài chính - công nghệ và một số cơ quan truyền thông.
Hội thảo là nơi các nhà hoạch định chính sách, chuyên gia kinh tế, chuyên gia công nghệ cùng nhìn lại chặng đường 2 năm thực hiện Đề án phát triển TTKDTM tại Việt Nam theo Quyết định 2545 của Thủ tướng, những kết quả đạt được, khó khăn, vướng mắc và từ đó cùng nhau thảo luận, phân tích và đề ra các giải pháp cụ thể, khả thi để hiện thực hóa mục tiêu của Đề án phát triển TTKDTM.
Phát biểu tại Hội thảo, Phó thống đốc NHNN Nguyễn Kim Anh đã phân tích một số lợi ích cụ thể của thanh toán điện tử đối với các chủ thể trong nền kinh tế, qua đó cho thấy hướng đến một xã hội phi tiền mặt dường như là một quá trình không thể đảo ngược.
Cụ thể, với người tiêu dùng, thanh toán điện tử đem lại tiện ích và bảo mật cao hơn do họ giờ đây không phải phiền phức với việc nắm giữ, xử lý tiền mặt, dễ dàng tiếp cận tới nguồn tiền trong tài khoản ngân hàng và có được sự bảo vệ bí mật thông tin tài chính cá nhân tốt hơn từ các mạng chuyển mạch giao dịch thanh toán cung cấp dịch vụ.
Với các đơn vị bán hàng chấp nhận thanh toán (merchants), thanh toán điện tử mang đến cho họ sự tiện lợi, hiệu quả và giảm thiểu rủi ro, phần lớn có được do các đơn vị này không còn phải chịu chi phí xử lý lượng tiền mặt nắm giữ, thanh toán an toàn, bảo đảm hơn và tiếp cận được nhiều khách hàng hơn.
Chính phủ cũng được hưởng lợi từ quá trình dịch chuyển sang thanh toán điện tử thông qua tăng cường tính minh bạch của nền kinh tế và thu hẹp nền kinh tế ngầm với những giao dịch tiền mặt không được báo cáo hoặc báo cáo không đầy đủ, cùng với đó là mở rộng tài chính toàn diện đến khu vực dân chúng chưa có tài khoản ngân hàng hoặc chưa được tiếp cận đầy đủ dịch vụ ngân hàng.
Cuối cùng là các tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán như các ngân hàng, tổ chức chuyển mạch giao dịch thanh toán cũng hưởng lợi từ xu hướng tích cực này nhờ nâng cao hiệu quả xử lý và tăng doanh thu qua cung ứng một loạt sản phẩm, dịch vụ thanh toán, dịch vụ ngân hàng cộng thêm tới cơ sở khách hàng rộng lớn hơn.
Phó Thống đốc cho biết, lĩnh vực thanh toán đã được NHNN chỉ đạo, điều hành một cách chủ động, quyết liệt, lấy việc cung cấp dịch vụ cho khách hàng làm trọng tâm, ứng dụng mạnh mẽ thành tựu của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 làm nhân tố quyết định. Trong năm 2018, NHNN đã trình Thủ tướng Chính phủ bàn hành Quyết định 241/QĐ-TTg phê duyệt Đề án đẩy mạnh thanh toán qua ngân hàng đối với dịch vụ công: thuế, điện, nước, học phí, viện phí và các chương trình an sinh xã hội; Ban hành Bộ tiêu chuẩn cơ sở về thẻ chip nội địa và Bộ tiêu chuẩn cơ sở “Đặc tả kỹ thuật QR Code hiển thị từ phía đơn vị chấp nhận thanh toán tại Việt Nam” làm cơ sở cho các tổ chức tín dụng, tổ chức trung gian thanh toán áp dụng nhằm tăng khả năng thanh toán liên thông, tăng cường an toàn, bảo mật giao dịch khách hàng.
Theo Phó Thống đốc, lĩnh vực thanh toán đã đạt một số kết quả nổi bật như: Hành lang pháp lý cho hoạt động TTKDTM ngày càng được hoàn thiện; thúc đẩy ứng dụng công nghệ thông tin và viễn thông trong phát triển TTKDTM; tăng cường đảm bảo an ninh, an toàn trong hoạt động thanh toán; Hệ thống thanh toán điện tử liên ngân hàng - hệ thống thanh toán xương sống của Quốc gia - được vận hành hoạt động an toàn, hiệu quả và thông suốt; Thanh toán qua Internet, qua di động đạt được kết quả đáng ghi nhận, thu hút lượng lớn khách hàng sử dụng và đạt tốc độ tăng trưởng khả quan; Một số NHTM đã nghiên cứu, hợp tác triển khai các công nghệ, giải pháp mới vào hoạt động thanh toán trên thiết bị di động như xác thực sinh trắc học, mã phản hồi nhanh (QR Code), mã hóa thông tin thẻ (Tokenization), thanh toán phi tiếp xúc (contactless), công nghệ mPOS...Bên cạnh đó, công tác truyền thông cũng được ngành Ngân hàng triển khai mạnh mẽ, góp phần thúc đẩy TTKDTM.
Vụ trưởng Vụ Thanh toán NHNN trình bày tại Hội thảo
Đánh giá về sự phát triển của TTKDTM tại Việt Nam thời gian qua, phát biểu tại Hội thảo, ông Phạm Tiến Dũng - Vụ trưởng Vụ Thanh toán (NHNN) cho biết, TTKDTM đã có những chuyển biến tích cực. Cơ sở hạ tầng và công nghệ phục vụ TTKDTM, nhất là thanh toán điện tử, tiếp tục được chú trọng đầu tư, nâng cao chất lượng, phát huy hiệu quả, đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng của xã hội và thích ứng với tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế. Mạng lưới ATM/POS cũng được các ngân hàng chú trọng đầu tư, nâng cấp, sửa chữa để phục vụ khách hàng. Thẻ ngân hàng tiếp tục trở thành phương tiện quen thuộc của người dân; chất lượng dịch vụ thẻ cũng được các ngân hàng chú trọng và nâng lên. Một tín hiệu đáng mừng cho thấy, mặc dù tỷ trọng giao dịch rút tiền mặt tại ATM vẫn tăng qua các năm, nhưng tốc độ tăng trong năm 2018 có xu hướng giảm dần. Thanh toán điện tử trong khu vực Chính phủ, dịch vụ hành chính công được chú trọng, tăng cường.
Đồng thời, Vụ trưởng Vụ Thanh toán (NHNN) cũng khẳng định, các chính sách mà ngân hàng triển khai nhằm thúc đẩy TTKDTM phải xoay quanh trục là người sử dụng – lấy khách hàng làm trung tâm, ứng dụng công nghệ là nhân tố quyết định; các ngân hàng lấy tăng trưởng dịch vụ, mở rộng dịch vụ, an ninh, an toàn, bảo mật và đảm bảo quyền lợi hợp pháp của khách hàng – làm thước đo hiệu quả chính sách.
Liên quan đến công tác an toàn, bảo mật, ông Lê Mạnh Hùng - Cục trưởng Cục Công nghệ thông tin (NHNN) chia sẻ, để đảm bảo an toàn cho các hệ thống công nghệ thông tin cung cấp dịch vụ ngân hàng, NHNN đã thường xuyên, liên tục rà soát, ban hành mới hoặc sửa đổi nhiều văn bản quy phạm pháp luật hướng dẫn các TCTD trong việc tăng cường đảm bảo an ninh, bảo mật các giao dịch ngân hàng và hệ thống thanh toán.
Ông Lê Mạnh Hùng phát biểu tại Hội thảo
Lãnh đạo Cục Công nghệ thông tin (NHNN) thông tin thêm về các giải pháp công nghệ, cụ thể như: ngành Ngân hàng đang triển khai các nội dung về rà soát, đánh giá rủi ro và triển khai các giải pháp an ninh bảo mật cho toàn bộ vòng đời của một hệ thống thông tin; trang bị các hệ thống hỗ trợ giám sát giao dịch điện tử, điều tra gian lận, từng bước tổng hợp, phân tích dữ liệu của khách hàng và xây dựng bộ quy tắc để phát hiện và ngăn chặn sớm các gian lận; xây dựng các tiêu chí và phần mềm để xác định các giao dịch bất thường dựa vào thời gian, vị trí địa lý, tần suất giao dịch, số tiền giao dịch, số lần đăng nhập sai quá quy định hoặc các dấu hiệu bất thường khác; xây dựng trung tâm điều hành an ninh mạng để theo dõi, giám sát và ngăn chặn kịp thời các hành vi xâm nhập, tấn công mạng…
Để đẩy mạnh TTKDTM, truyền thông có vai trò rất quan trọng. Theo bà Lê Thị Thúy Sen – Phó Vụ trưởng Vụ Truyền thông (NHNN), truyền thông góp phần quan trọng nâng cao nhận thức, hiểu biết của người dân về sử dụng các sản phẩm, dịch vụ ngân hàng; khuyến khích, hỗ trợ người dân trong việc tiếp cận, sử dụng hiệu quả các dịch vụ ngân hàng trực tuyến; đồng thời tiếp nhận ý kiến trực tiếp từ khách hàng nhằm hoàn thiện và nâng cao chất lượng sản phẩm, dịch vụ; qua đó đẩy mạnh TTKDTM.
NHNN đã và đang phối hợp triển khai các chương trình giáo dục tài chính như “Tiền khéo, tiền khôn”, “Những đứa trẻ thông thái”...nhằm nâng cao kiến thức, hiểu biết, giảm thiểu rủi ro cho khách hàng khi sử dụng các sản phẩm tài chính, ngân hàng, đồng thời nâng cao khả năng tiếp cận các sản phẩm dịch vụ ngân hàng cho người dân, góp phần thúc đẩy TTKDTM.
Truyền thông có vai trò quan trọng trong thúc đẩy TTKDTM
Bà Lê Thị Thúy Sen cho biết, thời gian tới, đơn vị truyền thông NHNN tiếp tục phối hợp các đơn vị liên quan tham mưu Lãnh đạo NHNN và Chính phủ có những giải pháp cụ thể để tiếp tục triển khai hiệu quả các Đề án thúc đẩy thanh toán dịch vụ công qua ngân hàng, Đề án phát triển TTKDTM, Đề án về nâng cao khả năng tiếp cận dịch vụ ngân hàng cho nền kinh tế; tiếp tục triển khai các chương trình giáo dục tài chính nhằm thực hiện chiến lược quốc gia về giáo dục tài chính toàn diện; đồng thời truyền thông nhằm thay đổi nhận thức, thói quen sử dụng tiền mặt, hành vi sử dụng dịch vụ tài chính cho khách hàng, làm thể nào để sử dụng dịch vụ ngân hàng điện tử được an toàn, tiện lợi hơn, giảm tâm lý e ngại của người dân khi tiếp cận sản phẩm ngân hàng điện tử; truyền thông hướng đến các đối tượng tại vùng sâu, vùng xa, vùng nông thôn, trong đó có phụ nữ nghèo hoặc những đối tượng tiềm năng sử dụng dịch vụ tài chính ngân hàng trong tương lai...với các hình thức truyền thông thật đơn giản, dễ hiểu và gần gũi với công chúng. Để đạt được các mục tiêu thúc đẩy TTKDTM không thể thiếu sự đồng hành của báo chí, tuyên truyền. “Truyền thông là một trong ba trụ cột để đẩy mạnh TTKDTM, bên cạnh hoàn thiện cơ sở pháp lý, cơ sở hạ tầng thanh toán” – lãnh đạo Vụ Truyền thông NHNN nhấn mạnh.
Về định hướng thời gian tới trong việc triển khai các chỉ đạo của Thủ tướng về phát triển TTKDTM, Phó Thống đốc NHNN cho biết, thời gian tới, NHNN tiếp tục triển khai một số định hướng, giải pháp lớn nhằm thúc đẩy TTKDTM, qua đó giúp định hình và từng bước tạo dựng một xã hội không dùng tiền mặt tại Việt Nam, cụ thể là:
Thứ nhất, triển khai các nhiệm vụ được giao của ngành Ngân hàng tại Nghị quyết số 01, 02 năm 2019 của Chính phủ: (i) Thúc đẩy việc áp dụng tiêu chuẩn cơ sở QR code để đảm bảo khả năng tương thích giữa các giải pháp thanh toán trên nền QR code; (ii) Nghiên cứu, báo cáo Thủ tướng Chính phủ phương án cho phép nạp tiền mặt vào ví điện tử không qua tài khoản thanh toán ngân hàng; (iii) Phối hợp với Bộ Tài chính công khai chi tiết danh mục các giao dịch bắt buộc phải thanh toán qua ngân hàng.
Thứ hai, triển khai có hiệu quả một số đề án, chiến lược thuộc lĩnh vực thanh toán như: Đề án phát triển thanh toán không dùng tiền mặt giai đoạn 2016-2020, Đề án đẩy mạnh thanh toán qua ngân hàng đối với các dịch vụ công: điện, nước, học phí, viện phí và chi trả các chương trình an sinh xã hội, Chiến lược giám sát các hệ thống thanh toán giai đoạn 2014-2020.
Thứ ba, đẩy mạnh thanh toán thẻ qua các thiết bị chấp nhận thẻ tại điểm bán (POS); nghiên cứu, áp dụng các ứng dụng giải pháp, công nghệ mới trong thanh toán điện tử tại các tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán như mã phản hồi nhanh (QR code), mã hóa thông tin thẻ (Tokenization), thanh toán di động, thanh toán phi tiếp xúc, xác thực sinh trắc học…nhằm tăng cường đổi mới, tạo sự phát triển bức phá trong cung ứng sản phẩm, dịch vụ thanh toán.
Thứ tư, triển khai các mô hình thanh toán tại khu vực nông thôn, vùng sâu, vùng xa gắn với triển khai chiến lược quốc gia về tài chính toàn diện; thực hiện thí điểm một số mô hình thanh toán mới, ban hành và áp dụng khuôn khổ pháp lý thử nghiệm cho hoạt động Fintech trong lĩnh vực ngân hàng
Thứ năm, tăng cường giám sát các hệ thống thanh toán, hoạt động cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán, đảm bảo ổn định, an toàn, hiệu quả; triển khai các biện pháp đảm bảo an ninh, an toàn trong thanh toán điện tử. Tăng cường thanh tra, kiểm tra, phát hiện, xử lý kịp thời các hoạt động thanh toán vi phạm pháp luật.
Thứ sáu, đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền về TTKDTM, giáo dục tài chính; tăng cường các biện pháp bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, đồng thời nâng cao chất lượng, hiệu quả dịch vụ thanh toán.
Một trong những nhiệm vụ quan trọng tại Nghị quyết 01/NQ-CP của Thủ tướng Chính phủ ban hành ngày 01/01/2019 là: Đẩy mạnh thanh toán không dùng tiền mặt; thực hiện thí điểm các mô hình thanh toán mới, các doanh nghiệp công nghệ tài chính (fintech), nghiên cứu việc nạp tiền vào ví điện tử không thông qua tài khoản ngân hàng và áp dụng công nghệ mới, giải pháp đổi mới sáng tạo vào lĩnh vực ngân hàng.
Tại Nghị quyết 02/NQ-CP về tiếp tục thực hiện những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2019 và định hướng đến năm 2021, Thủ tướng cũng yêu cầu NHNN: (i) Trước quý III năm 2019, báo cáo Chính phủ phương án cho phép nạp tiền mặt vào ví điện tử không qua tài khoản thanh toán ngân hàng; xác định hạn mức số tiền tối đa nạp ví điện tử và giá trị giao dịch hàng tháng. Yêu cầu các ngân hàng thương mại, các tổ chức trung gian thanh toán áp dụng Tiêu chuẩn cơ sở QR code để đảm bảo khả năng tương thích giữa các giải pháp thanh toán trên nền QR code. Phối hợp với Bộ Tài chính liệt kê và công khai chi tiết danh mục các giao dịch bắt buộc phải thanh toán qua ngân hàng, nghiên cứu đề xuất Chính phủ sửa đổi các quy định của pháp luật để khuyến khích thanh toán không dùng tiền mặt đối với các giao dịch về bất động sản; (ii) Trình Chính phủ Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều Nghị định số 222/2013/NĐ-CP về thanh toán bằng tiền mặt trong quý IV năm 2019.
Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng tại Nghị quyết số 01, Nghị Quyết 02 của Chính phủ, Thống đốc NHNN đã ban hành Chỉ thị số 01/CT-NHNN ngày 8/1/2019, trong đó yêu cầu các TCTD đẩy mạnh phát triển thanh toán không dùng tiền mặt, giảm dần thanh toán bằng tiền mặt trong nền kinh tế; xây dựng, hoàn thiện và nâng cấp hạ tầng thanh toán quốc gia, tạo điều kiện để triển khai các sản phẩm, dịch vụ thanh toán mới. Giám sát các hệ thống thanh toán đảm bảo hoạt động an toàn, hiệu quả, tăng cường công tác an ninh, an toàn trong thanh toán điện tử; áp dụng các tiêu chuẩn an toàn bảo mật thanh toán theo chuẩn quốc tế… |
Theo sbv.gov.vn