Với chức năng là đơn vị quản lý nhà nước về tiền tệ và hoạt động ngân hàng trên địa bàn toàn tỉnh. Năm 2019, Ngân hàng Nhà nước tỉnh Hà Giang tiếp tục triển khai có hiệu quả các giải pháp điều hành chính sách tiền tệ và hoạt động ngân hàng theo chỉ đạo của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, đảm bảo ổn định thị trường tiền tệ. Nhìn chung trong 9 tháng đầu năm 2019 tình hình kinh tế - xã hội của tỉnh tiếp tục được duy trì và phát triển ổn định.
Trong 9 tháng đầu năm 2019, NHNN tỉnh Hà Giang đã triển khai, quán triệt, phổ biến đầy đủ, kịp thời các chủ trương, chính sách của Nhà nước, các văn bản chỉ đạo của Ngành đến các TCTD; ban hành các kế hoạch, chương trình hành động cụ thể các nhiệm vụ, giải pháp đã đề ra. Nổi bật là việc thực hiện các giải pháp đảm bảo hoạt động ngân hàng an toàn, hiệu quả và đạt kế hoạch đề ra theo đúng chỉ đạo của Thống đốc NHNN tại Chỉ thị số 01/CT-NHNN ngày 8/01/2019 và mục tiêu của ngành Ngân hàng trên địa bàn trong năm 2019; Triển khai Chương trình hành động của NHNN thực hiện chiến lược phát triển ngành Ngân hàng Việt Nam đến năm 2025, định hướng đến năm 2030...
Về diễn biến thị trường tiền tệ trong 9 tháng đầu năm cho thấy, mặt bằng lãi suất huy động và cho vay VND tiếp tục ổn định, phù hợp với quy định của NHNN và diễn biến của thị trường. Tỷ giá ngoại hối và thị trường vàng có diễn biến tích cực, thanh khoản thị trường tốt, nhu cầu ngoại tệ hợp pháp của khách hàng được đáp ứng đầy đủ.
Hoạt động huy động vốn của các TCTD trên địa bàn tỉnh Hà Giang tính đến ngày 30/9/2019 ước đạt 21.826 tỷ đồng. Trong đó, nguồn huy động tại địa phương ước đạt 11.561 tỷ đồng, so với cùng kỳ năm trước tăng 1.406 tỷ đồng, tỷ lệ tăng 13,8%, so với 31/12/2018 tăng 912 tỷ, tỷ lệ tăng 8,56%. Hoạt động tín dụng có mức tăng trưởng ổn định, tính đến hết tháng 9/2019 ước đạt 20.800 tỷ đồng; so với cùng kỳ năm trước tăng 1.109 tỷ đồng, tỷ lệ tăng 5,6%; so với 31/12/2018 tăng 776 tỷ đồng, tỷ lệ tăng 3,88%. Trong thời gian qua, hệ thống ngân hàng Hà Giang cũng đã tích cực phối hợp với các ban, ngành và chính quyền địa phương trong việc thực hiện Nghị quyết 42/2017/QH14 để xử lý nợ xấu. Tính đến hết 30/9/2019, nợ xấu trên toàn địa bàn 156,6 tỷ đồng, chiếm 0,75%/tổng đầu tư tín dụng. Cũng trong 9 tháng đầu năm 2019, NHNN chi nhánh Hà Giang đã chỉ đạo chi nhánh ngân hàng thương mại triển khai và phát triển nhiều dịch vụ, phương tiện thanh toán không dùng tiền mặt với đa dạng các sản phẩm, phương tiện an toàn, tiện lợi.
Công tác thanh tra, giám sát đối với các TCTD được duy trì thường xuyên, phát hiện và cảnh báo sớm những tồn tại, kết hợp với thanh tra tại chỗ nhằm ngăn chặn, chấn chỉnh và xử lý các vấn đề thuộc thẩm quyền. Căn cứ vào kết quả thanh tra đưa ra các kiến nghị yêu cầu các ngân hàng khắc phục tồn tại, sai sót trong hoạt động ngân hàng. Các ngân hàng thương mại chủ động với các cơ quan thi hành án để đẩy nhanh tiến độ xử lý các tài sản đảm bảo nhằm thu hồi nợ xấu. Công tác thanh toán, cung ứng điều hòa tiền mặt luôn đảm bảo an toàn, nhanh chóng, chính xác đáp ứng đầy đủ tiền mặt cả về số lượng và cơ cấu mệnh giá, thanh khoản các ngân hàng luôn đảm bảo mọi thời điểm.Tích cực triển khai các kế hoạch, đề án về cải cách hành chính trên các lĩnh vực góp phần cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh, hỗ trợ phát triển doanh nghiệp.
Về định hướng hoạt động ngân hàng trong thời gian tới, NHNN Chi nhánh tỉnh Hà Giang sẽ tiếp tục bám sát phương châm hành động của Chính phủ năm 2019 “Kỷ cương, liêm chính, hành động, bứt phá, hiệu quả”, định hướng tăng trưởng tín dụng của NHNN, chỉ đạo các ngân hàng thực hiện tốt Đề án phát triển thanh toán không dùng tiền mặt trong năm 2019 và giai đoạn 2016 - 2020; Nâng cao chất lượng công tác thanh tra, giám sát hoạt động các chi nhánh TCTD; Kiểm soát chặt chẽ hoạt động của các công ty tài chính tiêu dùng; Đẩy mạnh công tác chỉ đạo chi nhánh các TCTD trên địa bàn triển khai thực hiện Nghị quyết số 42/2017/QH14 để xử lý nhanh, dứt điểm nợ xấu thuộc phạm vi điều chỉnh của Nghị quyết, đồng thời triển khai các biện pháp phòng ngừa, hạn chế tối đa nợ xấu mới phát sinh. Đồng thời, tiếp tục chỉ đạo thực hiện nghiêm túc quy định về quản lý ngoại hối và hoạt động kinh doanh vàng, kiên quyết xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm. Tập trung dòng vốn vào các lĩnh vực ưu tiên theo đúng chỉ đạo của Chính phủ, NHNN Việt Nam, trong khi tiếp tục kiểm soát chặt tín dụng chảy vào các lĩnh vực rủi ro để đảm bảo tăng trưởng tín dụng an toàn, hiệu quả. Song song đó, tiếp tục cải cách các thủ tục hành chính để tạo điều kiện tối đa cho doanh nghiệp cũng như các đối tượng khách hàng tiếp cận nguồn vốn tín dụng được nhanh và hiệu quả nhất.
CTV
Nguồn: TCNH Số 18/2019