Xử lý vi phạm hành chính là công cụ pháp lý quan trọng để Nhà nước thiết lập, duy trì, bảo vệ trật tự quản lý Nhà nước, là phương tiện để cơ quan quản lý Nhà nước thực hiện chức năng, nhiệm vụ được giao...
1. Đặt vấn đề
Xử lý vi phạm hành chính là công cụ pháp lý quan trọng để Nhà nước thiết lập, duy trì, bảo vệ trật tự quản lý Nhà nước, là phương tiện để cơ quan quản lý Nhà nước thực hiện chức năng, nhiệm vụ được giao. Hoạt động ngân hàng là hoạt động kinh doanh thuộc thẩm quyền quản lý của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, trong đó có xử lý vi phạm pháp luật về tiền tệ và ngân hàng theo quy định của pháp luật1. Xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực tiền tệ và hoạt động ngân hàng là sự cụ thể hóa quy định “quy định về xử phạt vi phạm hành chính và các biện pháp xử lý hành chính”2 trong hoạt động ngân hàng để xác định hành vi vi phạm và biện pháp xử lý phù hợp với đặc thù lĩnh vực tiền tệ và hoạt động ngân hàng. Nói cách khác, xử lý vi phạm hành chính của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cùng với các biện pháp quản lý, điều hành đã góp phần quan trọng trong việc bảo đảm an toàn hoạt động ngân hàng và hệ thống các tổ chức tín dụng; ngăn ngừa, xử lý hiệu quả các hành vi vi phạm pháp luật trong lĩnh vực tiền tệ và hoạt động ngân hàng. Quy định về xử lý vi phạm hành chính trong hoạt động ngân hàng là sự cụ thể hóa quy định của Luật Xử lý vi phạm hành chính vào trong lĩnh vực kinh doanh cụ thể - kinh doanh ngân hàng. Do đó, quy định của pháp luật về xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực tiền tệ và hoạt động ngân hàng không những tuân thủ các quy định trong Luật Xử lý vi phạm hành chính mà còn phải tuân thủ những quy định của Luật Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, mục tiêu của chính sách tiền tệ quốc gia cũng như bảo đảm sự an toàn hoạt động ngân hàng và hệ thống các tổ chức tín dụng dụng. Chính vì vậy, việc sửa đổi, bổ sung Luật Xử lý vi phạm hành chính đặt ra đòi hỏi phải sửa đổi quy định hiện hành về xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực tiền tệ và hoạt động ngân hàng để bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ của hệ thống pháp luật về xử lý vi phạm hành chính.
2. Nội dung quy định pháp luật về xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực tiền tệ và hoạt động ngân hàng
Một là, pháp luật về xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực tiền tệ và hoạt động ngân hàng đã góp phần quan trọng cho phát hiện sớm để hạn chế những hậu quả xấu từ hành vi vi phạm làm ảnh hưởng đến việc thực hiện chức năng trung gian tài chính trong nền kinh tế. Các nghiên cứu lý luận và thực tiễn đã chứng minh hoạt động ngân hàng là lĩnh vực có nguy cơ bị xâm phạm không chỉ trong nội bộ mà còn từ bên ngoài, nhất là các hành vi của tội phạm, lòng tham cũng như nguy cơ bị lạm dụng là do “đối tượng trong các giao dịch liên quan đến các nghiệp vụ ngân hàng là tiền tệ”3. Các hành vi vi phạm pháp luật phát sinh trong lĩnh vực tiền tệ và hoạt động ngân hàng có nguy cơ xâm phạm đến sự “ổn định giá trị đồng tiền; bảo đảm an toàn hoạt động ngân hàng và hệ thống các tổ chức tín dụng; bảo đảm sự an toàn, hiệu quả của hệ thống thanh toán quốc gia”4. Nói cách khác, vi phạm pháp luật phát sinh trong lĩnh vực tiền tệ và hoạt động ngân hàng là hiện tượng tất yếu của quá trình vận hành thị trường ngân hàng và được xem như một yếu tố cản trở hoặc ảnh hưởng trực tiếp đến mục tiêu bảo đảm an toàn hoạt động ngân hàng và hệ thống các tổ chức tín dụng. Khác với các lĩnh vực kinh doanh khác, vi phạm pháp luật hành chính trong lĩnh vực tiền tệ và hoạt động ngân hàng có ảnh hưởng trực tiếp đến hình ảnh, thương hiệu, uy tín của tổ chức tín dụng trên thị trường, cũng như niềm tin của người gửi tiền vào hệ thống ngân hàng. Trong thực tiễn thực hiện chức năng quản lý Nhà nước về tiền tệ và hoạt động ngân hàng, Ngân hàng Nhà nước cũng đã làm tốt vai trò phát hiện, xử lý vi phạm hành chính và ban hành các văn bản điều hành để triển khai nhiệm vụ ngành Ngân hàng hằng năm cũng như đôn đốc, nhắc nhở các tổ chức tín dụng trong việc chấp hành, tuân thủ pháp luật trong hoạt động kinh doanh. Có thể khẳng định, xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực tiền tệ và hoạt động ngân hàng là công cụ hữu hiệu để Ngân hàng Nhà nước thực hiện tốt chức năng thiết lập, bảo vệ trật tự thị trường ngân hàng, từ đó góp phần bảo đảm an toàn hoạt động ngân hàng và hệ thống các tổ chức tín dụng, đóng góp tích cực vào việc đạt được các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội đất nước.
Hai là, pháp luật về xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực tiền tệ và hoạt động ngân hàng đã quy định và mô tả chi tiết vi phạm hành chính trong hoạt động ngân hàng, là cơ sở pháp lý để phát hiện, xác định hành vi vi phạm và mức xử phạt phù hợp. Lý luận và thực tiễn cho thấy, để xử lý vi phạm hành chính, chủ thể có thẩm quyền phải làm rõ hành vi vi phạm. Để xác định hành vi vi phạm, người xử phạt phải dựa trên các quy định pháp luật và thực tiễn vi phạm được thể hiện thông qua hành vi pháp lý của người vi phạm. Các vi phạm hành chính trong lĩnh vực tiền tệ và ngân hàng bao gồm5:
- Vi phạm quy định về quản lý và sử dụng giấy phép;
- Vi phạm quy định về tổ chức, quản trị, điều hành;
- Vi phạm quy định về cổ phần, cổ phiếu, phần vốn góp;
- Vi phạm quy định về huy động vốn và phí cung ứng dịch vụ;
- Vi phạm quy định về cấp tín dụng, nhận ủy thác, ủy thác và hoạt động liên ngân hàng;
- Vi phạm quy định về hoạt động cung ứng dịch vụ thông tin tín dụng;
- Vi phạm quy định về hoạt động ngoại hối và kinh doanh vàng;
- Vi phạm quy định về thanh toán, quản lý tiền tệ và kho quỹ;
- Vi phạm quy định về mua, đầu tư vào tài sản cố định và kinh doanh bất động sản của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài;
- Vi phạm quy định về bảo đảm an toàn hoạt động của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài;
- Vi phạm quy định về bảo hiểm tiền gửi;
- Vi phạm quy định về phòng, chống rửa tiền; phòng, chống tài trợ khủng bố;
- Vi phạm quy định về chế độ thông tin, báo cáo;
- Vi phạm quy định về cản trở việc thanh tra, không thực hiện yêu cầu của người có thẩm quyền;
- Vi phạm quy định về mua, bán và xử lý nợ;
- Vi phạm quy định về an toàn công nghệ thông tin trong hoạt động ngân hàng.
Từ quy định hiện hành về vi phạm hành chính trong lĩnh vực tiền tệ và ngân hàng có thể thấy, các vi phạm này đã được đề cập khá toàn diện, bao quát hoạt động ngân hàng của tổ chức tín dụng. Trên cơ sở này, người có thẩm quyền xử lý vi phạm sẽ dễ dàng áp dụng các mô tả về dấu hiệu và mức xử phạt để xử phạt một cách hiệu quả hơn.
Ba là, pháp luật xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực tiền tệ và ngân hàng quy định về hình thức xử phạt, mức phạt tiền, thẩm quyền phạt tiền và biện pháp khắc phục hậu quả. Theo đó, cảnh cáo và phạt tiền được áp dụng là biện pháp xử phạt chính6. Các hình thức xử phạt bổ sung áp dụng đối với vi phạm hành chính trong lĩnh vực tiền tệ và ngân hàng bao gồm7:
- Tước quyền sử dụng giấy phép có thời hạn đối với: Giấy chứng nhận đăng ký đại lý đổi ngoại tệ trong thời hạn từ 01 tháng đến 03 tháng; giấy phép thu, chi ngoại tệ và hoạt động ngoại hối khác đối với hoạt động kinh doanh trò chơi điện tử có thưởng dành cho người nước ngoài, hoạt động kinh doanh casino trong thời hạn từ 03 tháng đến 06 tháng; giấy phép thành lập bàn đổi ngoại tệ cá nhân trong thời hạn từ 01 tháng đến 06 tháng; giấy phép kinh doanh mua, bán vàng miếng trong thời hạn từ 06 tháng đến 09 tháng.
- Đình chỉ có thời hạn đối với hoạt động ngoại hối trong thời hạn 03 tháng đến 06 tháng, nghiệp vụ ủy thác trong thời hạn từ 01 tháng đến 03 tháng, hoạt động mua, bán nợ trong thời hạn 03 tháng đến 06 tháng, việc thực hiện hoạt động cung ứng dịch vụ thông tin tín dụng trong thời hạn từ 01 tháng đến 03 tháng, việc sử dụng dịch vụ công nghệ thông tin của bên thứ ba trong thời hạn 01 tháng đến 03 tháng.
- Tịch thu tang vật, phương tiện được sử dụng để vi phạm hành chính, tịch thu giấy phép đã bị tẩy xóa, sửa chữa, tịch thu ngoại tệ, đồng Việt Nam, tịch thu vàng.
Pháp luật xử lý vi phạm hành chính hiện hành cũng quy định cụ thể các biện pháp khắc phục hậu quả đối với hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực tiền tệ và ngân hàng8. Khi áp dụng, tùy theo tính chất, mức độ của hành vi vi phạm mà người có thẩm quyền áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả phù hợp. Với quy định mở về quyền áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả cho người có thẩm quyền xử lý vi phạm góp phần phát huy tính chủ động, sáng tạo của người xử lý đối với vi phạm hành chính trong lĩnh vực tiền tệ và ngân hàng.
Bốn là, về mức phạt tiền đối với vi phạm hành chính trong lĩnh vực tiền tệ và ngân hàng, pháp luật xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực tiền tệ và ngân hàng quy định mức phạt tiền cao nhất áp dụng đối với cá nhân, tổ chức vi phạm theo quy định của Luật Xử lý vi phạm hành chính hiện hành9. Theo đó, mức phạt tiền tối đa đối với hành vi vi phạm trong lĩnh vực tiền tệ và ngân hàng đối với tổ chức vi phạm là 2.000.000.000 đồng và đối với cá nhân vi phạm là 1.000.000.000 đồng. Nghị định số 88/2019/NĐ-CP ngày 14/11/2019 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tiền tệ và ngân hàng quy định mức phạt tiền đối với hành vi vi phạm của cá nhân là người làm việc tại quỹ tín dụng nhân dân, tổ chức tài chính vi mô bằng 10% mức phạt tiền quy định tại Chương II Nghị định này; mức phạt tiền đối với quỹ tín dụng nhân dân, tổ chức tài chính vi mô, đơn vị phụ thuộc của các tổ chức này bằng 02 lần mức phạt tiền đối với cá nhân là người làm việc tại quỹ tín dụng nhân dân, tổ chức tài chính vi mô10. Quy định đặc thù này đối với quỹ tín dụng nhân dân và tổ chức tài chính vi mô là phù hợp xuất phát từ bản chất, mục tiêu hoạt động của hai loại hình tổ chức tín dụng này11. Như vậy, với quy định hiện hành về mức xử phạt tiền tối đa đối với vi phạm hành chính trong lĩnh vực tiền tệ và ngân hàng đã bảo đảm sự nghiêm khắc cần thiết để thiết lập trật tự nhằm bảo đảm an toàn trong hoạt động ngân hàng và hệ thống các tổ chức tín dụng.
Năm là, hướng tiếp cận thẩm quyền xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực tiền tệ và ngân hàng theo pháp luật hiện hành đa dạng, một mặt bảo đảm thẩm quyền xử lý hầu hết các vi phạm hành chính trong lĩnh vực tiền tệ và ngân hàng đối với Thanh tra viên ngân hàng, Chánh Thanh tra, giám sát Ngân hàng Nhà nước chi nhánh, Cục trưởng Cục Thanh tra, giám sát ngân hàng, Chánh Thanh tra, giám sát ngân hàng; Trưởng đoàn thanh tra do Thống đốc Ngân hàng Nhà nước, Chánh Thanh tra, giám sát ngân hàng ra quyết định và Trưởng đoàn thanh tra do Giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, Cục trưởng Cục Thanh tra, giám sát ngân hàng, Chánh Thanh tra, giám sát Ngân hàng Nhà nước chi nhánh ra quyết định. Ngoài các chủ thể trên, pháp luật xử lý vi phạm hành chính hiện hành cũng quy định thẩm quyền áp dụng xử phạt vi phạm hành chính, áp dụng các hình thức xử phạt bổ sung và biện pháp khắc phục hậu quả cũng như phân định thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tiền tệ và ngân hàng của12:
- Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thực hiện theo quy định tại Điều 38 Luật Xử lý vi phạm hành chính.
- Công an nhân dân thực hiện theo quy định tại Điều 39 Luật Xử lý vi phạm hành chính.
- Bộ đội biên phòng thực hiện theo quy định tại Điều 40 Luật Xử lý vi phạm hành chính.
- Cảnh sát biển thực hiện theo quy định tại Điều 41 Luật Xử lý vi phạm hành chính.
- Quản lý thị trường thực hiện theo quy định tại Điều 45 Luật Xử lý vi phạm hành chính.
- Thanh tra chuyên ngành du lịch thực hiện theo quy định tại Điều 46 Luật Xử lý vi phạm hành chính.
- Hải quan thực hiện theo quy định tại Điều 42 Luật Xử lý vi phạm hành chính.
3. Hoàn thiện pháp luật về xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực tiền tệ và hoạt động ngân hàng trong điều kiện Luật Xử lý vi phạm hành chính 2012 đã được sửa đổi, bổ sung
Luật số 67/2020/QH14 đã được Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam khóa XIV, kỳ họp thứ 10 thông qua ngày 13/11/2020, sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xử lý vi phạm hành chính số 15/2012/QH13 đã được sửa đổi, bổ sung một số điều theo Luật số 54/2014/QH13 và Luật số 18/2017/QH14, có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2022, có nhiều điểm mới cần được nghiên cứu, cụ thể hóa trong các lĩnh vực cụ thể nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác thanh tra, giám sát; phòng, chống, ngăn ngừa vi phạm pháp luật trong lĩnh vực ngân hàng đáp ứng yêu cầu “Xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật các tổ chức tín dụng tiếp tục để xảy ra các hành vi vi phạm đã được cảnh báo, đặc biệt là xử lý trách nhiệm người đứng đầu các đơn vị để xảy ra vi phạm và cán bộ ngân hàng tiếp tay cho tội phạm; kiên quyết xử phạt hành chính các vi phạm của tổ chức và cá nhân. Đẩy mạnh công tác theo dõi, đôn đốc, kiểm tra, xử lý sau thanh tra, giám sát để bảo đảm các tổ chức tín dụng thực hiện nghiêm túc các kết luận, kiến nghị và quyết định xử lý”13. Để thực hiện được nhiệm vụ trên, pháp luật xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực tiền tệ và ngân hàng cần được sửa đổi, bổ sung theo hướng:
Thứ nhất, Ngân hàng Nhà nước cần nhanh chóng tổng kết thi hành Nghị định số 88/2019/NĐ-CP ngày 14/11/2019 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tiền tệ và ngân hàng nhằm làm rõ những kết quả đạt được, những tồn tại, hạn chế cần tháo gỡ.
Hiện tại, Ngân hàng Nhà nước đã dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 88/2019/NĐ-CP ngày 14/11/2019 và đang trong quá trình lấy ý kiến của các tổ chức, cá nhân đối với dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 88/2019/NĐ-CP quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tiền tệ và ngân hàng. Để bảo đảm nội dung dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 88/2019/NĐ-CP ngày 14/11/2019 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tiền tệ và ngân hàng có hiệu quả cần tập trung vào các vấn đề:
- Nghiên cứu và làm rõ những điểm không phù hợp, mâu thuẫn hoặc cần sửa đổi, bổ sung vào Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 88/2019/NĐ-CP ngày 14/11/2019 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tiền tệ và ngân hàng.
- Cân nhắc để chỉnh sửa, hoàn thiện dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 88/2019/NĐ-CP ngày 14/11/2019 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tiền tệ và ngân hàng nhằm đảm bảo tính hợp lý và khả thi của văn bản.
Thứ hai, nghiên cứu cụ thể hóa những điểm mới về thẩm quyền xử lý vi phạm hành chính của Trưởng Công an cửa khẩu Cảng hàng không quốc tế, Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn Cảnh sát cơ động, Thủy đoàn trưởng, Trưởng phòng nghiệp vụ thuộc Cục An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao, Đội trưởng Đội đặc nhiệm phòng, chống ma túy và tội phạm thuộc Bộ đội Biên phòng… phù hợp với chức năng, nhiệm vụ của những cơ quan này. Thẩm quyền xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực tiền tệ và ngân hàng không chỉ thuộc về Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (thông qua Cơ quan Thanh tra, giám sát ngân hàng) mà còn thuộc về các cơ quan Nhà nước khác. Do đó, bảo đảm thống nhất, tránh chồng chéo về thẩm quyền là yêu cầu đầu tiên quan trọng nhất để bảo đảm hiệu lực, hiệu quả tránh tạo “khoảng trống” về thẩm quyền xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực tiền tệ và ngân hàng. Bên cạnh việc phân định thẩm quyền, cần thiết lập cơ chế phối hợp chia sẻ thông tin giữa các chủ thể có thẩm quyền để có biện pháp phối kết hợp xử lý, nhất là trong trường hợp hành vi vi phạm có liên quan đến nhiều cơ quan quản lý Nhà nước hoặc nằm trong vùng ranh giới thẩm quyền về lãnh thổ.
Thứ ba, tăng cường các hoạt động giám sát của Cơ quan Thanh tra, giám sát ngân hàng để thu thập, tổng hợp, phân tích thông tin về đối tượng giám sát ngân hàng thông qua hệ thống thông tin, báo cáo nhằm phòng ngừa, phát hiện, ngăn chặn và xử lý kịp thời rủi ro gây mất an toàn hoạt động ngân hàng, vi phạm quy định an toàn hoạt động ngân hàng và các quy định khác của pháp luật có liên quan14. Nói cách khác, cần phát huy vai trò của hoạt động giám sát ngân hàng trong phát hiện vi phạm phát sinh trong hoạt động ngân hàng để có biện pháp xử lý kịp thời. Bên cạnh đó, cần nghiên cứu bổ sung quy định về nguyên tắc, các tình tiết tăng nặng, các tình tiết giảm nhẹ phù hợp với đặc thù xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực tiền tệ và ngân hàng.
1 Xem: Khoản 3 Điều 2 và khoản 11 Điều 4 Luật Ngân hàng Nhà nước Việt Nam 2010.
2 Xem: Điều 1 Luật Xử lý vi phạm hành chính 2012, sửa đổi, bổ sung 2020.
3 Viện Khoa học pháp lý - Bộ Tư pháp, Từ điển Luật học, Nxb. Tư pháp và Nxb. Từ điển Bách khoa, Hà Nội, 2006, tr.551.
4 Khoản 1 Điều 4 Luật Ngân hàng Nhà nước Việt Nam 2010.
5 Khoản 2 Điều 1 Nghị định số 88/2019/NĐ-CP ngày 14/11/2019 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tiền tệ và ngân hàng.
6 Theo quy định tại khoản 1 Điều 21 Luật Xử lý vi phạm hành chính hiện hành biện pháp xử phạt: i) Tước quyền sử dụng giấy phép, chứng chỉ hành nghề có thời hạn hoặc đình chỉ hoạt động có thời hạn; ii) Tịch thu tang vật vi phạm hành chính, phương tiện được sử dụng để vi phạm hành chính (sau đây gọi chung là tang vật, phương tiện vi phạm hành chính); iii) Trục xuất có thể được quy định là hình thức xử phạt bổ sung hoặc hình thức xử phạt chính.
7 Khoản 2 Điều 3 Nghị định số 88/2019/ NĐ-CP ngày 14/11/2019 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tiền tệ và ngân hàng.
8 Theo quy định tại khoản 4 Điều 3 Nghị định số 88/2019/NĐ-CP ngày 14/11/2019 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tiền tệ và ngân hàng, các biện pháp khắc phục hậu quả bao gồm:
a) Buộc nộp vào ngân sách Nhà nước số lợi bất hợp pháp có được do thực hiện hành vi vi phạm; buộc thu hồi nợ; buộc thu hồi số vốn sử dụng không đúng quy định; buộc thu hồi phần số dư cấp tín dụng vượt mức hạn chế, giới hạn;
b) Buộc thoái vốn tại công ty con, công ty liên kết; buộc bán số cổ phần vượt tỷ lệ theo quy định; buộc chuyển nhượng cổ phần, phần vốn góp; buộc khôi phục lại số cổ phần đã chuyển nhượng;
c) Buộc trích lập các quỹ đúng quy định của pháp luật; buộc thực hiện đúng tỷ lệ bảo đảm an toàn trong thời hạn tối đa 06 tháng; buộc phân loại tài sản có, trích lập dự phòng rủi ro; buộc hoàn nhập số tiền dự phòng rủi ro đã sử dụng không đúng quy định, chuyển khoản nợ đã xử lý bằng dự phòng rủi ro hạch toán nội bảng theo quy định của pháp luật; buộc hủy bỏ ngay quy định nội bộ không đúng quy định của pháp luật; buộc thực hiện đúng quy định của pháp luật về an toàn công nghệ thông tin trong hoạt động ngân hàng; buộc duy trì đủ các điều kiện để cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện hoạt động cung ứng dịch vụ thông tin tín dụng;
d) Buộc hoàn trả/thu hồi tài sản ủy thác cho bên ủy thác; buộc hoàn trả ngay số phí bảo hiểm đã thu, thu hồi ngay số tiền bảo hiểm đã trả; buộc khôi phục nguyên trạng khoản nợ về trước thời điểm thực hiện hoạt động mua, bán nợ;
đ) Buộc thực hiện ngay việc đính chính thông tin sai lệch; buộc gửi lại báo cáo đầy đủ, chính xác; buộc nộp ngay số phí bảo hiểm bị thiếu;
e) Buộc đóng dấu, bấm lỗ tiền giả;
g) Buộc tiêu hủy toàn bộ tang vật, phương tiện được sử dụng để thực hiện hành vi vi phạm;
h) Buộc duy trì tỷ lệ giá trị tài sản cố định phục vụ trực tiếp cho hoạt động so với vốn điều lệ, vốn được cấp và quỹ dự trữ bổ sung vốn điều lệ, vốn được cấp theo đúng quy định;
i) Buộc niêm yết công khai ngay bản sao chứng nhận tham gia bảo hiểm tiền gửi; buộc thực hiện thủ tục chấp thuận niêm yết cổ phiếu trên thị trường chứng khoán nước ngoài hoặc dừng hoạt động niêm yết cổ phiếu trên thị trường chứng khoán nước ngoài đối với hành vi vi phạm;
k) Không cho mở rộng phạm vi, quy mô và địa bàn hoạt động trong thời gian chưa khắc phục xong vi phạm;
l) Chưa cho chia cổ tức đối với hành vi vi phạm;
m) Không được ký hợp đồng thanh toán thẻ với các tổ chức thanh toán thẻ khác;
n) Đề nghị hoặc yêu cầu cấp có thẩm quyền xem xét, áp dụng biện pháp: Thu hồi giấy phép; thu hồi giấy chứng nhận đăng ký đại lý đổi ngoại tệ; thu hồi giấy phép mở và sử dụng tài khoản ngoại tệ ở nước ngoài; thu hồi giấy phép thành lập bàn đổi ngoại tệ cá nhân; thu hồi giấy phép kinh doanh mua, bán vàng miếng; đình chỉ hoặc miễn nhiệm chức danh quản trị, điều hành, kiểm soát; không cho đảm nhiệm chức vụ quản trị, điều hành, kiểm soát tại các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài đối với cá nhân vi phạm và/hoặc cá nhân chịu trách nhiệm đối với hành vi vi phạm, yêu cầu tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài cách chức và thực hiện các biện pháp xử lý khác theo quy định của pháp luật đối với cá nhân vi phạm thuộc thẩm quyền của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài;
o) Thay thế các đối tượng được bầu, bổ nhiệm hoặc đề nghị cấp có thẩm quyền ra quyết định miễn nhiệm các đối tượng được bầu, bổ nhiệm vi phạm quy định.
9 Theo quy định tại khoản 1 Điều 24 mức phạt tiền tối đa lên đến 1.000.000.000 đồng đối với cá nhân vi phạm hành chính lĩnh vực tiền tệ, kim loại quý, đá quý, ngân hàng, tín dụng. Mức phạt tiền tối đa trong lĩnh vực quản lý Nhà nước đối với tổ chức bằng 02 lần mức phạt tiền đối với cá nhân (khoản 1 Điều 24 Luật Xử lý vi phạm hành chính).
10 Điểm c khoản 3 Điều 3 Nghị định số 88/2019/NĐ-CP ngày 14/11/2019 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tiền tệ và ngân hàng.
11 Theo quy định của Luật Các tổ chức tín dụng hiện hành thì:
- Tổ chức tài chính vi mô là loại hình tổ chức tín dụng chủ yếu thực hiện một số hoạt động ngân hàng nhằm đáp ứng nhu cầu của các cá nhân, hộ gia đình có thu nhập thấp và doanh nghiệp siêu nhỏ (khoản 5 Điều 4).
- Quỹ tín dụng nhân dân là tổ chức tín dụng do các pháp nhân, cá nhân và hộ gia đình tự nguyện thành lập dưới hình thức hợp tác xã để thực hiện một số hoạt động ngân hàng theo quy định của Luật này và Luật Hợp tác xã nhằm mục tiêu chủ yếu là tương trợ nhau phát triển sản xuất, kinh doanh và đời sống (khoản 6 Điều 4).
12 Xem cụ thể: Điều 54, Điều 55 Nghị định số 88/2019/NĐ-CP ngày 14/11/2019 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tiền tệ và ngân hàng.
13 Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Chỉ thị số 01/CT-NHNN ngày 07/01/2021 của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam về tổ chức thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm của ngành Ngân hàng trong năm 2021.
14 Khoản 12 Điều 6 Luật Ngân hàng Nhà nước Việt Nam 2010.
ThS. Võ Thị Mỹ Hương
Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật TP. Hồ Chí Minh