Trong bối cảnh đại dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, nhiều doanh nghiệp rơi vào tình trạng bị tạm ngừng hoạt động, đã có doanh nghiệp giải thể hoặc phá sản do không đủ nguồn tài chính để duy trì...
Đặt vấn đề
Đại dịch Covid-19 xuất hiện tại Việt Nam đã khiến nhiều doanh nghiệp rơi vào tình trạng kiệt quệ. Theo số liệu thống kê cho thấy trong 8 tháng đầu năm 2021, đã có hơn 85.000 doanh nghiệp ngừng hoạt động1. Trước bối cảnh đó, Nhà nước ta đã đưa ra các chính sách và quy định pháp luật cụ thể để hỗ trợ về mặt tín dụng cho các doanh nghiệp. Tuy nhiên, thực tế các doanh nghiệp vẫn gặp rất nhiều khó khăn trong thanh toán các khoản nợ. Một số doanh nghiệp đã phá sản, nhiều doanh nghiệp có nguy cơ không thể trả được nợ, lãi vay. Chính vì vậy, việc Nhà nước và ngành Ngân hàng cần tiếp tục đưa ra các giải pháp hoàn thiện hơn nữa để hỗ trợ kịp thời, thiết thực về tín dụng cho các doanh nghiệp trong bối cảnh dịch bệnh diễn biến phức tạp hiện nay là điều rất cần thiết.
1. Sự cần thiết của việc thực hiện chính sách hỗ trợ tín dụng cho các doanh nghiệp trong bối cảnh đại dịch Covid-19
Trong bối cảnh đại dịch Covid-19 tiếp tục có những diễn biến phức tạp, lan rộng ra nhiều tỉnh, thành phố trên cả nước đã ảnh hưởng mạnh mẽ đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của nhiều doanh nghiệp. Theo khảo sát, có 87,2% doanh nghiệp cho biết chịu ảnh hưởng ở mức “phần lớn” hoặc “hoàn toàn tiêu cực”, chỉ 11% doanh nghiệp cho biết “không bị ảnh hưởng gì” và gần 2% ghi nhận tác động “hoàn toàn tích cực” hoặc “phần lớn tích cực”. Cả khu vực doanh nghiệp tư nhân trong nước và doanh nghiệp đầu tư trực tiếp nước ngoài (doanh nghiệp FDI) đều bị ảnh hưởng nặng nề. Trong số các nhóm doanh nghiệp, đối tượng chịu ảnh hưởng tiêu cực nhiều hơn cả là các doanh nghiệp mới hoạt động dưới 3 năm và các doanh nghiệp có quy mô siêu nhỏ, nhỏ2. Đại dịch Covid-19 đã tác động đến doanh nghiệp trên nhiều phương diện, đa số các doanh nghiệp cho biết đại dịch Covid-19 đã ảnh hưởng tới việc tiếp cận khách hàng, dòng tiền, nhân công, người lao động của doanh nghiệp, chuỗi cung ứng của nhiều doanh nghiệp đã bị gián đoạn. Một số doanh nghiệp bị giảm đơn hàng, giảm sản lượng, phải trì hoãn, giãn tiến độ đầu tư, thậm chí hủy dự án đang hoặc sẽ thực hiện, phát sinh thêm chi phí phòng ngừa dịch bệnh... Có doanh nghiệp rơi vào tình trạng bị gián đoạn, ngưng trệ hoạt động, thậm chí dừng hoạt động do tình hình dịch bệnh phức tạp. Theo thống kê, trong 6 tháng đầu năm 2021, có 70,2 nghìn doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh có thời hạn, ngừng hoạt động chờ làm thủ tục giải thể và hoàn tất thủ tục giải thể, tăng 24,9% so với cùng kỳ năm 2020; trong đó bao gồm 35,6 nghìn doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh có thời hạn, tăng 22,1% so với cùng kỳ năm trước; 24,7 nghìn doanh nghiệp ngừng hoạt động chờ làm thủ tục giải thể, tăng 25,7%; 9.900 doanh nghiệp hoàn tất thủ tục giải thể, tăng 33,8%; trung bình mỗi tháng có 11,7 nghìn doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường3.
Từ những số liệu nêu trên có thể thấy rằng, hiện nay dưới tác động của đại dịch Covid-19 các doanh nghiệp đã gặp rất nhiều khó khăn trong việc duy trì hoạt động, thậm chí một số doanh nghiệp phải giải thể hoặc phá sản do không có khả năng trả nợ hoặc duy trì được tài chính để hoạt động. Sự phát triển của nền kinh tế phụ thuộc rất lớn vào sự lớn mạnh và đóng góp của cộng đồng doanh nghiệp. Chính vì vậy, một khi cộng đồng doanh nghiệp không thể tồn tại và phát triển thì nền kinh tế cũng sẽ bị ảnh hưởng và suy thoái theo. Do đó, vấn đề đặt ra là Nhà nước cần phải có những chính sách, pháp luật cần thiết để hỗ trợ kịp thời nhằm giúp doanh nghiệp có thể vượt qua được giai đoạn khó khăn, đặc biệt là hỗ trợ tín dụng thông qua các cơ chế, chính sách. Khi chính sách hỗ trợ tín dụng được đảm bảo và thực hiện một cách triệt để sẽ tạo ra được dòng tiền cho sản xuất và tiêu dùng, cũng như giúp cho các doanh nghiệp có thể tiếp cận được nguồn vốn và tài chính cần thiết để phục vụ cho việc duy trì hoạt động của mình trong giai đoạn dịch bệnh khó khăn hiện nay.
2. Nỗ lực của NHNN trong việc xây dựng, thực hiện các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp trong bối cảnh đại dịch Covid-19
Trước tình hình đại dịch Covid-19 bùng phát mạnh mẽ và phức tạp tại Việt Nam, rất nhiều tỉnh, thành phố đã và đang phải thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị số 16/CT-TTg ngày 31/3/2020 của Thủ tướng Chính phủ. Đây là khó khăn tác động rất lớn đến tất cả các loại hình doanh nghiệp, những khó khăn này đã được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ chỉ ra và có những biện pháp giải quyết trong nhiều văn bản chỉ đạo, nhiều nghị quyết, chương trình hành động để hỗ trợ, tháo gỡ, đáp ứng mục tiêu kép vừa chống dịch bảo vệ sức khỏe của người dân cũng như đảm bảo nền kinh tế không bị gián đoạn, hạn chế giảm sút. Trong bối cảnh đó, để hỗ trợ kịp thời cho nền kinh tế, người dân, đặc biệt là các doanh nghiệp bị ảnh hưởng của dịch Covid-19, NHNN đã điều hành chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt, bám sát các diễn biến vĩ mô và tình hình thực tiễn để có những quyết sách kịp thời, phù hợp. Ngay từ khi có dịch Covid-19, một trong những giải pháp NHNN triển khai rất quyết liệt, đồng bộ đó là ban hành Thông tư số 01/2020/TT-NHNN ngày 13/3/2020 quy định về việc tổ chức tín dụng (TCTD), chi nhánh ngân hàng nước ngoài cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi, phí, giữ nguyên nhóm nợ nhằm hỗ trợ khách hàng chịu ảnh hưởng do dịch Covid-19 và sau đó là Thông tư số 03/2021/TT-NHNN ngày 02/4/2021 sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 01/2020/TT-NHNN nhằm tạo cơ sở pháp lý cho các TCTD cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi, phí, giữ nguyên nhóm nợ nhằm hỗ trợ cho khách hàng chịu ảnh hưởng bởi dịch bệnh. Theo đó, NHNN đã quyết liệt triển khai các giải pháp hỗ trợ khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 thông qua các biện pháp cụ thể như: (i) Về hỗ trợ tín dụng, NHNN đã thực hiện các giải pháp về cơ cấu lại thời hạn trả nợ; miễn, giảm lãi và giữ nguyên nhóm nợ theo Thông tư số 01/2020/TT-NHNN và Thông tư số 03/2021/TT-NHNN; cho vay mới với lãi suất ưu đãi; giảm lãi suất trực tiếp đối với dư nợ hiện hữu của khách hàng. (ii) Về hỗ trợ giảm lãi suất đối với các món vay mới và các khoản vay hiện hữu, dưới chủ trương đồng thuận giảm lãi suất do NHNN Việt Nam đề ra, từ đầu năm 2020 đến nay, các ngân hàng thương mại (NHTM) đã nhiều lần giảm lãi suất cho vay và kể từ ngày 15/7/2021 đến hết năm 2021, các ngân hàng sẽ tiết kiệm tối đa chi phí hoạt động để tiếp tục giảm từ 0,5% đến 2% lãi suất cho vay đối với những khoản vay hiện hữu và cho vay mới. Như vậy, hiện nay, lãi suất cho vay đã giảm từ 1% - 3% so với đầu năm 2020. (iii) Các ngân hàng thực hiện miễn, giảm các loại phí dịch vụ ngân hàng cho khách hàng. Từ đầu năm 2020 đến nay, các ngân hàng đã điều chỉnh giảm khoảng 30 loại phí dịch vụ ngân hàng, trong đó tập trung miễn, giảm phí thanh toán, chuyển tiền điện tử để khuyến khích khách hàng sử dụng các phương thức thanh toán không dùng tiền mặt nhằm góp phần hạn chế sự lây lan của dịch Covid-19.
Các chính sách hỗ trợ tín dụng cho doanh nghiệp đã góp phần tích cực trong việc hỗ trợ kịp thời các doanh nghiệp trong giai đoạn khó khăn trước mắt do đại dịch Covid-19 (Nguồn: Internet)
Với các chính sách hỗ trợ nêu trên, nếu chỉ tính riêng khoản nợ đã được các TCTD thực hiện cơ cấu lại thời hạn trả nợ, giữ nguyên nhóm nợ, miễn, giảm, hạ lãi suất cho vay là khoảng gần 800.000 khách hàng, kể cả doanh nghiệp lớn, doanh nghiệp nhỏ, các hộ kinh tế gia đình với dư nợ gần 2 triệu tỷ đồng, ở mức độ phù hợp với điều kiện thực tế mỗi loại hình doanh nghiệp, mỗi ngành nghề4. Đặc biệt, dưới sự định hướng và chỉ đạo của NHNN, Hiệp hội Ngân hàng đã tổ chức họp 16 TCTD và tự nguyện thống nhất cam kết các giải pháp hỗ trợ nền kinh tế, với nguồn lãi vay sẽ được cắt giảm khoảng 20.300 tỷ đồng từ nay đến cuối năm 2021, tùy quy mô ngân hàng. Riêng 4 NHTM Nhà nước lớn là Vietcombank, VietinBank, Agribank, BIDV đã phát huy vai trò tiên phong, ngoài gói hỗ trợ chung còn cam kết dành thêm khoảng 1.000 tỷ đồng mỗi ngân hàng (tổng số 4.000 tỷ đồng của 4 ngân hàng) hỗ trợ giảm thêm lãi suất cho các doanh nghiệp, người dân ở Thành phố Hồ Chí Minh, tỉnh Bình Dương và các địa phương gặp khó khăn nhất do dịch Covid-19 phải thực hiện giãn cách theo Chỉ thị số 16/CT-TTg. Bốn ngân hàng này cũng sẽ triển khai miễn phí 100% tất cả các loại phí dịch vụ ngân hàng cho các địa phương bị ảnh hưởng nặng bởi dịch Covid-19 như Thành phố Hồ Chí Minh, tỉnh Bình Dương...
Đồng thời, để thực thi các chính sách hỗ trợ hiệu quả, ngay từ đầu năm 2020, khi dịch Covid-19 bùng phát, NHNN cũng như Chi nhánh NHNN các tỉnh, thành phố đã tăng cường tuyên truyền, phổ biến trên các phương tiện thông tin đại chúng tại các địa phương các cơ chế, chính sách của Chính phủ, của ngành Ngân hàng về hỗ trợ người dân, doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19. Trọng tâm là tuyên truyền Thông tư 01/2020/TT-NHNN, Thông tư 03/2021/TT-NHNN của NHNN... Bên cạnh đó, NHNN và NHNN Chi nhánh các tỉnh, thành phố cũng đã chủ động theo dõi, bám sát tình hình dịch bệnh, ban hành nhiều văn bản chỉ đạo các ngân hàng trên địa bàn nghiêm túc thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch; tổ chức triển khai thực hiện quyết liệt các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho hoạt động sản xuất kinh doanh, hỗ trợ thị trường. NHNN Chi nhánh tại các tỉnh, thành phố cũng đã yêu cầu các ngân hàng chủ động rà soát, đánh giá, phân loại khách hàng đang có quan hệ tín dụng, làm việc trực tiếp với khách hàng, nhất là khách hàng doanh nghiệp để kịp thời nắm bắt các khó khăn, vướng mắc trong sản xuất kinh doanh và khả năng trả nợ của khách hàng để có giải pháp hỗ trợ kịp thời đối với các trường hợp đáp ứng điều kiện hỗ trợ theo quy định.
Đặc biệt, ngày 07/9/2021, Thống đốc NHNN đã ban hành Thông tư số 14/2021/TT-NHNN sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 01/2020/TT-NHNN ngày 13/3/2020 của Thống đốc NHNN quy định về việc TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi, phí, giữ nguyên nhóm nợ nhằm hỗ trợ khách hàng chịu ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 để đảm bảo phù hợp với diễn biến mới của tình hình dịch Covid-19 bùng phát lần thứ 4 bắt đầu kể từ ngày 27/4/2021 với phạm vi ảnh hưởng rộng hơn và có mức độ ảnh hưởng nghiêm trọng hơn các đợt dịch trước. Kết hợp với việc tiếp tục sửa đổi, bổ sung Thông tư số 01/2020/TT-NHNN, NHNN cũng sẽ tăng cường giám sát việc thực hiện các cam kết giảm lãi suất để có sự hỗ trợ thực chất. Các NHTM sẽ phải thường xuyên báo cáo kết quả triển khai các biện pháp hỗ trợ như đã tự nguyện cam kết, để thực hiện đúng tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về hỗ trợ nền kinh tế trong bối cảnh khó khăn hiện nay.
Như vậy, có thể thấy rằng, kể từ khi bùng phát dịch Covid-19 tại Việt Nam, NHNN đã tích cực, chủ động xây dựng, ban hành rất nhiều chính sách, giải pháp thiết thực, cụ thể để hỗ trợ kịp thời người dân và doanh nghiệp vượt qua khó khăn trong bối cảnh dịch bệnh tiếp tục diễn biến phức tạp.
3. Thực trạng thực hiện chính sách hỗ trợ tín dụng cho các doanh nghiệp trong bối cảnh đại dịch Covid-19 tại Việt Nam dưới khía cạnh chính sách, pháp luật
Trước bối cảnh dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, cộng đồng doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn, đặc biệt là khó khăn về vốn, Nhà nước ta đã đưa ra nhiều chính sách hỗ trợ cho doanh nghiệp, trong đó có chính sách hỗ trợ tín dụng thông qua việc ban hành các văn bản cụ thể để điều chỉnh. Một số văn bản tiêu biểu như Nghị quyết số 63/NQ-CP ngày 29/6/2021 của Chính phủ về các nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, giải ngân vốn đầu tư công và xuất khẩu bền vững những tháng cuối năm 2021 và đầu năm 2022; Nghị quyết số 68/NQ-CP ngày 01/7/2021 của Chính phủ về một số chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch Covid-19; Quyết định số 23/2021/QĐ-TTg ngày 07/7/2021 của Thủ tướng Chính phủ quy định về việc thực hiện một số chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch Covid-19; Thông tư số 01/2020/TT-NHNN ngày 13/3/2020 của Thống đốc NHNN quy định về việc TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi, phí, giữ nguyên nhóm nợ nhằm hỗ trợ khách hàng chịu ảnh hưởng do dịch Covid-19; Thông tư số 05/2020/TT-NHNN ngày 07/5/2020 của Thống đốc NHNN quy định về tái cấp vốn đối với Ngân hàng Chính sách xã hội theo Quyết định số 15/2020/QĐ-TTg ngày 24/4/2020 của Thủ tướng Chính phủ quy định về việc thực hiện các chính sách hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch Covid-19; Thông tư số 12/2020/TT-NHNN ngày 11/11/2020 của Thống đốc NHNN sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 05/2020/TT-NHNN ngày 07/5/2020 quy định về tái cấp vốn đối với Ngân hàng Chính sách xã hội theo Quyết định số 15/2020/QĐ-TTg ngày 24/4/2020 của Thủ tướng Chính phủ quy định về việc thực hiện các chính sách hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch Covid-19; Thông tư số 03/2021/TT-NHNN ngày 02/4/2021 của Thống đốc NHNN sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 01/2020/TT-NHNN ngày 13/3/2020 của Thống đốc NHNN quy định về việc TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi, phí, giữ nguyên nhóm nợ nhằm hỗ trợ khách hàng chịu ảnh hưởng bởi dịch Covid-19; Thông tư số 04/2021/TT-NHNN ngày 05/4/2021 của Thống đốc NHNN quy định về tái cấp vốn đối với TCTD sau khi TCTD cho Tổng công ty Hàng không Việt Nam - CTCP vay và việc cơ cấu lại thời hạn trả nợ, giữ nguyên nhóm nợ, trích lập dự phòng rủi ro đối với khoản nợ của Tổng công ty Hàng không Việt Nam - CTCP do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19; Thông tư số 14/2021/TT-NHNN ngày 07/9/2021 của Thống đốc NHNN sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 01/2020/TT-NHNN ngày 13/3/2020 của Thống đốc NHNN... Các chính sách nêu trên về cơ bản đã góp phần hỗ trợ kịp thời cho các doanh nghiệp có thể giải quyết được một số khó khăn trước mắt trong vấn đề về vốn và tài chính trong bối cảnh đại dịch Covid-19 đang diễn biến phức tạp.
Ở góc độ NHTM, hưởng ứng lời kêu gọi của Chính phủ, NHNN, các NHTM cũng đã và đang rất tích cực, linh hoạt trong việc tham gia hỗ trợ doanh nghiệp và người dân trước bối cảnh đại dịch Covid-19 diễn biến phức tạp hiện nay. Theo đó, các NHTM đã liên tục công bố giảm lãi suất để hỗ trợ, đồng hành cùng khách hàng vượt qua đại dịch. Tiêu biểu như NHTM cổ phần Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) giảm lãi suất tiền vay 1% cho doanh nghiệp thuộc 9 ngành, lĩnh vực bị ảnh hưởng nặng nề bởi dịch bệnh, giảm lãi suất 1%/năm cho các khách hàng còn lại; tổng số tiền lãi hỗ trợ khách hàng trong 6 tháng cuối năm 2021 dự kiến lên tới 4.000 tỷ đồng. Cũng nhằm hỗ trợ nhóm khách hàng đang chịu ảnh hưởng của dịch Covid-19 tại 19 tỉnh, thành phố phía Nam đang thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị số 16/CT-TTg ngày 31/3/2020 của Thủ tướng Chính phủ về thực hiện các biện pháp cấp bách phòng, chống dịch Covid-19, NHTM cổ phần Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) đã công bố dành nguồn ngân sách lên đến 1.000 tỷ đồng để thực hiện giảm lãi suất cho vay đối với dư nợ hiện hữu, đồng thời triển khai các gói vay mới với lãi suất thấp từ nay đến ngày 31/12/2021. Cụ thể, BIDV giảm từ 0,5 - 1,5%/năm lãi suất cho vay bằng VND đối với dư nợ hiện hữu phát sinh đến ngày 15/7/2021 đối với các doanh nghiệp có hoạt động sản xuất kinh doanh gặp khó khăn do tác động của dịch Covid-19. Đồng thời, BIDV cũng triển khai gói tín dụng mới với quy mô 30.000 tỷ đồng, áp dụng cho các khoản vay ngắn hạn có thời gian vay tối đa 12 tháng, với mức giảm lãi suất lên đến 1,5%/năm so với lãi suất thông thường. Trong khi đó, tại NHTM cổ phần Công thương Việt Nam (VietinBank), một gói tín dụng ưu đãi lãi suất từ 4,0%/năm với quy mô 20.000 tỷ đồng vừa được bổ sung, qua đó nâng tổng quy mô của các gói hỗ trợ lãi suất tại VietinBank lên tới 150.000 tỷ đồng. Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam (Agribank) cũng đã thực hiện giảm tiếp 10% so với lãi suất cho vay đang áp dụng đối với dư nợ cho vay ngắn hạn có lãi suất từ 5%/năm trở lên và dư nợ cho vay trung, dài hạn có lãi suất từ 7%/năm trở lên đối với khoản vay tại thời điểm ngày 15/7/2021.
Nhiều NHTM khác cũng đã công bố mức giảm lãi suất phổ biến là 1%/năm cho khách hàng gặp khó khăn, áp dụng từ ngày 15/7/2021. Cụ thể, NHTM cổ phần Á Châu (ACB) giảm lãi suất cho các khách hàng hiện hữu với mức tối đa 0,8%/năm cho khoản vay ngắn hạn và 1%/năm cho khoản vay trung dài hạn. NHTM cổ phần Đông Nam Á (SeABank) giảm tối đa 1%/năm so với mức lãi suất cho vay đang áp dụng đối với khoản vay cũ còn dư nợ của khách hàng hiện hữu, tập trung vào một số ngành như vận tải kho bãi, dịch vụ lưu trú và ăn uống, giáo dục và đào tạo, y tế… NHTM cổ phần Hàng Hải Việt Nam (MSB) dành gói tín dụng gần 20.000 tỷ đồng với mức lãi suất cho vay ưu đãi. Trong đó, MSB thực hiện chính sách ưu đãi hỗ trợ doanh nghiệp là khách hàng hiện hữu và doanh nghiệp mới thuộc các lĩnh vực trọng tâm như kinh doanh xuất nhập khẩu, thương mại dược - y tế, xây dựng thuộc vốn ngân sách Nhà nước… với mức lãi suất từ 5,5%/năm đối với VND và từ 3%/năm đối với USD. Từ ngày 15/7/2021, NHTM cổ phần Phát triển Thành phố Hồ Chí Minh (HDBank) cũng giảm lãi suất cho vay bình quân 1%/năm và cao nhất lên đến 2%/năm đối với các doanh nghiệp và cá nhân hoạt động ở các lĩnh vực chịu ảnh hưởng trực tiếp bởi dịch Covid-19. NHTM cổ phần Sài Gòn Thương tín (Sacombank) cũng giảm lãi suất 1%/năm cho các khách hàng doanh nghiệp và cá nhân đang có khoản vay tại ngân hàng thuộc các ngành nghề chịu tác động trực tiếp của dịch bệnh Covid-19 như du lịch, lữ hành, vận tải, nhà hàng - khách sạn - nghỉ dưỡng, giáo dục, y tế, đồng thời, tiếp tục ưu đãi hoặc miễn phí dịch vụ, cơ cấu nợ và điều chỉnh giảm khung lãi suất cho vay. Bên cạnh giảm lãi suất, các TCTD cũng đang đẩy mạnh triển khai giảm các loại phí thanh toán, chuyển tiền, dịch vụ tiền tệ tín dụng khác. Ước tính tổng số phí mà các TCTD giảm cho khách hàng trong thời gian vừa qua khoảng 1.100 tỷ đồng. Với sự hỗ trợ quyết liệt của cả hệ thống ngân hàng, đến nay, gần 800.000 khách hàng đã được các TCTD cơ cấu lại thời hạn trả nợ, giữ nguyên nhóm nợ, miễn, giảm, hạ lãi suất cho vay, với dư nợ gần 2 triệu tỷ đồng. Từ khi dịch Covid-19 bùng phát, số tiền lãi các ngân hàng đã giảm trực tiếp hoặc gián tiếp cho các khoản vay lên tới khoảng 18.830 tỷ đồng. Như vậy, có thể thấy rằng, từ khi đại dịch Covid-19 xuất hiện và bùng phát tại Việt Nam, hệ thống ngân hàng đã tích cực tham gia vào việc hỗ trợ doanh nghiệp bằng các chính sách, giải pháp thiết thực, cụ thể như giảm lãi suất, giảm chi phí, điều này đã hỗ trợ rất lớn và kịp thời cho các doanh nghiệp có thể vượt qua khó khăn trong bối cảnh hiện nay.
4. Một số giải pháp hoàn thiện
Để tiếp tục hỗ trợ kịp thời, thiết thực và hiệu quả, hơn nữa, nhằm tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, tác giả đề xuất một số giải pháp sau:
Về phía Chính phủ và NHNN
Một là, Chính phủ và NHNN tiếp tục chỉ đạo để rà soát khó khăn của doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19. Trên cơ sở đó, với các khoản nợ đến kỳ hạn phải trả gốc và lãi, cho phép doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh có hợp đồng tốt và lịch sử trả nợ tốt được đề xuất gia hạn lại đến tháng 12/2022 mà không bị phạt và đưa vào nhóm nợ xấu để doanh nghiệp có thời gian phục hồi. Đồng thời, tiến hành giảm đồng loạt lãi suất các khoản vay hiện tại của doanh nghiệp 2% trong ít nhất 1 năm; trong đó đề xuất ngân sách bù 1% và NHTM chịu 1% để có thể chia sẻ bớt gánh nặng cho các doanh nghiệp, đặc biệt là đối với các doanh nghiệp tư nhân nhỏ và vừa. Bên cạnh đó, đẩy mạnh hỗ trợ nguồn vốn vay cho doanh nghiệp thông qua ngân hàng từ nguồn ngân sách Nhà nước, Quỹ Phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa để tạo điều kiện cho doanh nghiệp tiếp cận được nguồn lực tài chính cần thiết. Mặt khác, cũng nên xem xét giảm 50% các chi phí liên quan tới ngân hàng (phí chuyển tiền, phí quản lý tài khoản, phí duy trì tài khoản…) với thời gian áp dụng là 12 tháng, tính từ tháng 7/2021. Ngoài ra, cho phép áp dụng việc điều chỉnh nâng hạn mức định giá tài sản thế chấp từ 70% như hiện nay lên 85% đối với những doanh nghiệp đang làm ăn có uy tín, giúp doanh nghiệp tăng giá trị vốn vay lưu động ngắn hạn, tạo cơ sở để doanh nghiệp ổn định sản xuất, đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng.
Hai là, để tháo gỡ khó khăn cho những khách hàng không có tài sản thế chấp không tiếp cận được vốn, các ngân hàng cần đồng thuận triển khai sản phẩm cho vay thế chấp bằng nguồn thu, dòng tiền bán hàng thay vì bắt buộc phải có tài sản để thế chấp. Đây sẽ là sự hỗ trợ thiết thực của ngân hàng đối với người vay và tạo điều kiện tốt nhất để doanh nghiệp có thể tiếp cận nguồn vốn ngân hàng trong điều kiện dịch bệnh khó khăn. Bên cạnh đó, để hạn chế trường hợp các doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp nhỏ và vừa khó khăn trong việc tiếp cận các chính sách hỗ trợ về tín dụng do thủ tục hành chính phức tạp, rườm rà thì các bộ, ngành liên quan cần có thêm những hướng dẫn cụ thể, chi tiết và đầy đủ về các thủ tục, quy trình thực hiện nhận hỗ trợ theo hướng đơn giản, dễ thực hiện đối với các doanh nghiệp. Song song đó, cần tiếp tục cải thiện hệ thống pháp luật, tháo gỡ các nút thắt về thủ tục hành chính để các doanh nghiệp có thể dễ dàng và thuận tiện hơn trong việc tiếp cận các chính sách hỗ trợ.
Ba là, đối với một số ngành nghề đặc thù chịu sự tác động mạnh từ dịch Covid-19 như du lịch, lữ hành, khách sạn, nhà hàng và chuỗi cung ứng dịch vụ, vận tải hành khách… NHNN và các TCTD xem xét nghiên cứu và sớm có chính sách đặc thù về thời hạn trả nợ, lãi vay cho các lĩnh vực này. Theo đó, một số chính sách cần được xem xét áp dụng như giảm mức lãi suất vay đang áp dụng, không áp dụng chuyển nhóm nợ, ân hạn gốc và lãi toàn bộ dư nợ hiện hữu, cơ cấu lại thời hạn trả nợ (kể cả trường hợp gia hạn nợ) là 24 tháng kể từ ngày thực hiện cơ cấu lại thời hạn trả nợ… Việc tạo ra những cơ chế đặc thù, ưu đãi này sẽ giúp doanh nghiệp du lịch, vận tải vượt qua khó khăn trước mắt, khôi phục hoạt động, từ đó cũng đồng thời tạo động lực vực dậy các ngành, lĩnh vực liên quan khác.
Về phía doanh nghiệp
Bên cạnh sự hỗ trợ của ngân hàng thì bản thân các doanh nghiệp phải cần tự cố gắng nêu cao ý thức vươn lên, phát huy lợi thế, nâng cao năng lực cạnh tranh của mình, không được ỷ lại, trông chờ hoàn toàn vào sự hỗ trợ từ hệ thống ngân hàng. Bên cạnh các chính sách, cơ chế cho vay hoặc hỗ trợ vốn của các ngân hàng, yếu tố quyết định vẫn là sự nỗ lực của chính bản thân doanh nghiệp. Các doanh nghiệp cần phải nâng cao trình độ quản trị điều hành trên cơ sở đáp ứng các yêu cầu đặt ra trong bối cảnh dịch bệnh theo hướng áp dụng đổi mới sáng tạo trong thiết kế sản phẩm, quy trình sản xuất, đánh giá lại chiến lược sản phẩm, marketing, nhân lực nhằm nâng cao sức cạnh tranh của sản phẩm và đổi mới công nghệ tương ứng; tích cực, chủ động tiếp cận và sử dụng các dịch vụ tài chính, ngân hàng đặc biệt là các dịch vụ tư vấn, hỗ trợ về quản lý tài chính, lập dự án kinh doanh. Đây chính là điểm mấu chốt giúp doanh nghiệp vượt qua khó khăn. Thực tế, bản thân của các ngân hàng, đặc biệt là các NHTM cũng là doanh nghiệp nên cũng chịu sự tác động và ảnh hưởng của đại dịch Covid-19. Do đó, bản thân các ngân hàng cũng gặp khó khăn trong việc cân đối nguồn vốn trước khó khăn chung của nền kinh tế, nguồn vốn huy động chủ yếu là nguồn vốn ngắn hạn nhưng nhu cầu vay vốn trung, dài hạn của các doanh nghiệp là rất lớn. Vì vậy, đòi hỏi các doanh nghiệp bên cạnh sự hỗ trợ của ngân hàng thì cần phải tự tích cực cố gắng để thích nghi và trụ vững trước bối cảnh đại dịch Covid-19 diễn biến phức tạp hiện nay.
Kết luận
Doanh nghiệp là nguồn lực to lớn để thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội, nền kinh tế sẽ không thể duy trì và phát triển nếu như các doanh nghiệp phải đóng cửa. Bên cạnh đó, hệ thống tài chính, ngân hàng cũng sẽ không thể ổn định, tăng trưởng nếu như các doanh nghiệp giải thể, phá sản. Vì vậy, việc đưa ra các chính sách hỗ trợ tín dụng kịp thời cho các doanh nghiệp trong bối cảnh hiện nay là rất thiết, điều này không chỉ thể hiện tính nhân văn của Nhà nước mà còn thể hiện trách nhiệm vì cộng đồng của hệ thống ngân hàng đối với xã hội. Hệ thống ngân hàng tiếp tục thể hiện trách nhiệm đối với cộng đồng, doanh nghiệp, xã hội bằng những chương trình, hành động cụ thể để giúp doanh nghiệp có thể vượt qua khó khăn. Đồng thời, để có thể trụ vững và vượt qua được khó khăn, bên cạnh sự hỗ trợ của ngân hàng thì đòi hỏi bản thân các doanh nghiệp cũng phải tự mình nỗ lực cố gắng nêu cao ý thức vươn lên trên cơ sở phát huy lợi thế, nâng cao năng lực cạnh tranh của mình.
1 Nguyên Nga (2021), 85.000 doanh nghiệp rời khỏi thị trường, http://thanhnien.vn/tai-chinh-kinh-doanh, truy cập ngày 21/9/2021.
2 Hà An (2021), Hỗ trợ doanh nghiệp vượt qua đại dịch cần đúng và trúng, Công an nhân dân, truy cập ngày 20/07/2021,<http://cand.com.vn/doanh-nghiep/Ho-tro-doanh-nghiep-vuot-dai-dich-Can-dung-va-trung-642476/>.
3 Hồng Duy (2021), Điêu đứng và phá sản hơn 70 nghìn doanh nghiệp dừng hoạt động, Báo vietnamnet, truy cập ngày 14/07/2021, <https://vietnamnet.vn/vn/kinh-doanh/dau-tu/hon-70-nghin-doanh-nghiep-tam-dung-hoat-dong-751107.html>
4 Hồng Lĩnh (2021), “Sẽ giảm áp lực vay nợ cho người dân, doanh nghiệp”, Tạp chí Kinh tế và Dự báo, truy cập ngày 31/08/2021, <https://kinhtevadubao.vn/se-giam-ap-luc-no-vay-cho-nguoi-dan-doanh-nghiep-18989.html>
Tài liệu tham khảo:
1. Nghị quyết số 63/NQ-CP ngày 29/6/2021 của Chính phủ về các nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, giải ngân vốn đầu tư công và xuất khẩu bền vững những tháng cuối năm 2021 và đầu năm 2022.
2. Nghị quyết số 68/NQ-CP ngày 01/7/2021 của Chính phủ về một số chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch Covid-19.
3. Quyết định số 23/2021/QĐ-TTg ngày 07/7/2021 của Thủ tướng Chính phủ quy định về việc thực hiện một số chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch Covid-19.
4. Thông tư số 01/2020/TT-NHNN ngày 13/3/2020 của NHNN quy định về việc TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi, phí, giữ nguyên nhóm nợ nhằm hỗ trợ khách hàng chịu ảnh hưởng do dịch Covid-19.
5. Thông tư số 05/2020/TT-NHNN ngày 07/5/2020 của NHNN quy định về tái cấp vốn đối với Ngân hàng Chính sách xã hội theo Quyết định số 15/2020/QĐ-TTg ngày 24/4/2020 của Thủ tướng Chính phủ quy định về việc thực hiện các chính sách hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch Covid-19.
6. Thông tư số 12/2020/TT-NHNN ngày 11/11/2020 của NHNN sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 05/2020/TT-NHNN ngày 07/5/2020 quy định về tái cấp vốn đối với Ngân hàng Chính sách xã hội theo Quyết định số 15/2020/QĐ-TTg ngày 24/4/2020 của Thủ tướng Chính phủ quy định về việc thực hiện các chính sách hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch Covid-19.
7. Thông tư số 03/2021/TT-NHNN ngày 02/4/2021 của NHNN sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 01/2020/TT-NHNN ngày 13/3/2020 của Thống đốc NHNN quy định về việc TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi, phí, giữ nguyên nhóm nợ nhằm hỗ trợ khách hàng chịu ảnh hưởng bởi dịch Covid-19.
8. Thông tư số 04/2021/TT-NHNN ngày 05/4/2021 của NHNN quy định về tái cấp vốn đối với TCTD sau khi TCTD cho Tổng công ty Hàng không Việt Nam - CTCP vay và việc cơ cấu lại thời hạn trả nợ, giữ nguyên nhóm nợ, trích lập dự phòng rủi ro đối với khoản nợ của Tổng công ty Hàng không Việt Nam - CTCP do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19.
ThS. Trần Linh Huân
Trường Đại học Luật TP. Hồ Chí Minh