Trong bối cảnh ngành Ngân hàng cả nước đã và đang có nhiều cơ chế chính sách và triển khai đồng bộ nhiều giải pháp nhằm phục vụ nhu cầu sản xuất, kinh doanh, tiêu dùng cho người dân, doanh nghiệp, trong đó đặc biệt tập trung cho đối tượng ưu tiên, chính sách. Không nằm ngoài cơ chế chính sách chung đó, hệ thống Ngân hàng Phú Thọ bước sang năm 2019 với những nhiệm vụ mới, những thách thức mới hướng tới lợi ích cho nhân dân đặc biệt là các chính sách tín dụng cho các đối tượng được ưu tiên, đối tượng chính sách.
Mạng lưới ngân hàng trên địa bàn tỉnh Phú Thọ hiện có 20 chi nhánh Ngân hàng cấp I, 14 chi nhánh ngân hàng cấp II thuộc hệ thống Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, 128 phòng giao dịch; 39 quỹ tín dụng nhân dân cơ sở, với 10 phòng giao dịch hoạt động tại 78 xã, phường; có 06 tổ chức tài chính vi mô; có 155 máy ATM và 556 POS thanh toán; Tổng nguồn vốn huy động trên 52.000 tỷ đồng, tốc độ tăng trưởng bình quân trong các năm gần đây là trên 18%; Tổng dư nợ cho vay gần 62.000 tỷ đồng, tốc độ tăng trưởng bình quân trên 16%; trong đó các chương trình tín dụng ưu tiên, tín dụng chính sách trên địa bàn luôn là đối tượng được ưu tiên thực hiện.
Bám sát các chủ chương, chính sách của Đảng, Nhà nước và của Ngành, trong những năm qua về chương trình, chính sách tín dụng cho các đối tượng ưu tiên, đối tượng chính sách, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) tỉnh Phú Thọ đã tham mưu với Ủy ban Nhân dân tỉnh xây dựng kế hoạch, ban hành văn bản chỉ đạo, triển khai đến các Sở, Ban, ngành, đoàn thể các tổ chức chính trị - xã hội và chính quyền địa phương các cấp trên toàn tỉnh; đồng thời ban hành nhiều văn bản chỉ đạo và triển khai đồng bộ các giải pháp nhằm phục vụ nhu cầu vốn sản xuất, kinh doanh, tiêu dùng cho người dân, doanh nghiệp, trong đó đặc biệt tập trung cho đối tượng ưu tiên, đối tượng chính sách trong khu vực. Ngay từ đầu năm 2019, các chi nhánh ngân hàng thương mại (NHTM) nhà nước đi đầu giảm lãi suất cho vay các lĩnh vực ưu tiên theo quy định của NHNN là 0,5%/năm; đồng thời triển khai nhiều gói tín dụng với lãi suất ưu đãi, đến đầu tháng 8/2019, các NHTM nhà nước tiếp tục đi đầu giảm lãi suất đối với lĩnh vực ưu tiên, với lãi suất cho vay ngắn hạn tối đa đối với các đơn vị đủ điều kiện là 5,5%. Đến nay, tỷ trọng dư nợ cho vay lãi suất từ 6,5%/năm trở xuống chiếm 12,3%/tổng dư nợ và chiếm 60,4%/tổng dư nợ cho vay ngắn hạn.
Tính đến hết tháng 8 năm 2019 đã có 230.000 khách hàng được vay vốn với dư nợ gần 23.000 tỷ đồng, chiếm 37% tổng dư nợ phục vụ cho nhóm đối tượng phát triển ngành nông nghiệp, nông thôn; 1.800 là số doanh nghiệp nhỏ và vừa được vay vốn, với dư nợ là trên 14.000 tỷ đồng, chiếm 27,9% tổng dư nợ; 150 doanh nghiệp xuất khẩu với dư nợ là 7.210 tỷ đồng, chiếm 11,4% tổng dư nợ. Hiện ngành Ngân hàng cũng đang cho vay 4 chương trình trọng điểm và 3 chương trình khuyến khích với tổng số khách hàng được vay vốn gần 125.000 khách hàng, dư nợ là 5.594 tỷ đồng, trong đó sản xuất nông nghiệp trọng điểm là 52.000 khách hàng, dư nợ là trên 2.000 tỷ đồng; Sản xuất nông nghiệp khuyến khích là trên 70.000 khách hàng, dư nợ gần 3.500 tỷ đồng. Bên cạnh đó, các hộ nghèo, các đối tượng chính sách được đặc biệt quan tâm với số dư nợ cho vay trên 4.000 tỷ đồng; trong 5 năm gần đây đã có trên 3.000 hộ nghèo vượt qua ngưỡng nghèo, trên 10.000 học sinh, sinh viên được vay vốn; số lao động được tạo việc làm gần 6.800 người, số lao động được đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài trên 1.800 lao động, trên 2.300 hộ nghèo và đối tượng chính sách xây được nhà kiên cố, trên 125.000 công trình nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn được xây dựng... tỷ lệ hộ nghèo và hộ cận nghèo hàng năm tại tỉnh Phú Thọ giảm đáng kể, đến năm 2018 tỷ lệ hộ nghèo còn là 7,09%, hộ cận nghèo là 6,46%.
Với những kết quả rất đáng ghi nhận như trên, NHNN Chi nhánh Phú Thọ cũng đề ra một số nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu trong thời gian tới, cụ thể: Tiếp tục chỉ đạo các ngân hàng, tổ chức tín dụng thực hiện đồng bộ và có hiệu quả các giải pháp huy động vốn, điều chỉnh cơ cấu tín dụng tập trung vào lĩnh vực sản xuất, lĩnh vực ưu tiên theo chỉ đạo của Chính phủ và của Tỉnh; Triển khai các các biện pháp nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp, người dân trong việc tiếp cận với các dịch vụ của ngân hàng; Phối hợp với các tổ chức tín dụng triển khai Chương trình kết nối Ngân hàng - Doanh nghiệp; Coi trọng công tác kiện toàn, củng cố, nâng cao hiệu quả chất lượng hoạt động của các chi nhánh ngân hàng, tổ chức tín dụng nâng cao hiệu quả hoạt động của các Tổ tiết kiệm và vay vốn tại địa bàn nông thôn, vùng dân tộc thiểu số. Tăng cường công tác kiểm tra, thanh tra và giám sát hoạt động, nhất là giám sát người vay sử dụng vốn vay đúng mục đích và phát huy tối đa hiệu quả đồng vốn; đồng thời coi trọng công tác xử lý sai phạm, trú trọng đến việc nhân rộng các mô hình, điển hình tiên tiến… Tăng cường công tác thông tin tuyên truyền, phổ biến các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước; làm tốt công tác Quốc hội và Hội đồng Nhân dân các cấp để giải trình và xử lý kịp thời những vấn đề cử tri quan tâm, những kiến nghị liên quan đến tiền tệ, ngân hàng, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh và khu vực trung du miền núi phía Bắc. Thông qua những kết quả đã đạt được và để đạt được những mục tiêu, giải pháp được đưa ra, NHNN chi nhánh Phú Thọ có một số đề xuất, kiến nghị với Chính phủ, Bộ, ngành như sau:
Chính phủ chỉ đạo trong việc ưu tiên dành nguồn lực phù hợp để bổ sung nguồn vốn tín dụng để cho vay các đối tượng ưu tiên, các đối tượng chính sách nhất là đối với khu vực điều kiện kinh tế còn khó khăn: Tăng cường, bổ sung nguồn vốn cho vay các chương trình, đặc biệt là nguồn vốn cho vay giải quyết việc làm để đảm bảo việc thực hiện theo Nghị định số 61/2015/NĐ-CP, cho vay nước sạch vệ sinh môi trường nông thôn, cho vay hộ mới thoát nghèo; Nâng mức cho vay tối đa với các chương trình cho phù hợp với biến động của giá cả thị trường. Có cơ chế chính sách ưu đãi phù hợp để các doanh nghiệp quan tâm, gắn bó đầu tư vào khu vực nông thôn và lĩnh vực nông nghiệp để tạo sự lan tỏa thúc đẩy kinh tế - xã hội trong vùng; phát triển dịch vụ, bao tiêu sản phẩm, gắn kết và tạo động lực cho người nông dân phát triển sản xuất. Có chính sách nhằm khuyến khích các tổ chức bảo hiểm khai thác các sản phẩm bảo hiểm đối với nông nghiệp, nhất là trong lĩnh vực chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản nhằm hạn chế rủi ro, thiệt hại cho người nông dân và Ngân hàng. Ngân hàng Nhà nước Việt Nam xem xét, tạo điều kiện cho các NHTM có đủ điều kiện mở thêm một số phòng giao dịch tại khu vực nông thôn, vùng cao, vùng cận đô thị để bà con nhân dân có điều kiện tiếp cận nhanh với dịch vụ ngân hàng.■
CTV
Nguồn: TCNH Số 18/2019