Hiện nay, ngân hàng số không chỉ bao gồm các dịch vụ ngân hàng được số hóa mà còn tích hợp cả hệ sinh thái số bao gồm hàng trăm sản phẩm, dịch vụ liên kết với đối tác thứ ba, đem lại lợi ích tối đa cho người dùng. Xây dựng và phát triển hệ sinh thái số đa dạng, đa tiện ích và an toàn đang là lựa chọn của nhiều ngân hàng trong thời kỳ chuyển đổi số.
Hiện nay, ngân hàng số không chỉ bao gồm các dịch vụ ngân hàng được số hóa mà còn tích hợp cả hệ sinh thái số bao gồm hàng trăm sản phẩm, dịch vụ liên kết với đối tác thứ ba, đem lại lợi ích tối đa cho người dùng. Xây dựng và phát triển hệ sinh thái số đa dạng, đa tiện ích và an toàn đang là lựa chọn của nhiều ngân hàng trong thời kỳ chuyển đổi số.
Số hóa - Xu hướng tất yếu của ngân hàng
Chuyển đổi số trong ngân hàng là việc tích hợp số hóa và công nghệ số vào mọi lĩnh vực ngân hàng. Sự tích hợp này cho phép tạo mới hoặc sửa đổi các quy trình kinh doanh, văn hóa và trải nghiệm khách hàng hiện có nhằm đáp ứng các yêu cầu thay đổi của thị trường và mong muốn của khách hàng. Quá trình chuyển đổi số không chỉ ở quy trình tại hệ thống tương tác với người dùng mà còn số hóa các quy trình ở hệ thống trung gian và hệ thống nội bộ để đáp ứng kỳ vọng của khách hàng. Chuyển đổi số giúp ngân hàng tiết kiệm chi phí, hợp lý hóa các quy trình hoạt động và gia tăng trải nghiệm khách hàng.
Thời gian qua, hoạt động chuyển đổi số của ngành Ngân hàng đã đạt được một số kết quả đáng ghi nhận. Qua kết quả khảo sát của Ngân hàng Nhà nước (NHNN), tính đến quý I/2021 có khoảng 95% các ngân hàng đã, đang xây dựng chiến lược, thực hiện triển khai chuyển đổi số; trong đó, 88% có kế hoạch số hóa toàn bộ sản phẩm, dịch vụ từ kênh giao tiếp khách hàng đến quản trị nghiệp vụ nội bộ. Hầu hết các ngân hàng đều ứng dụng các giải pháp kỹ thuật, công nghệ mới trong hoạt động và cung ứng dịch vụ, trong đó có 9/19 nghiệp vụ đã được một số ngân hàng số hóa hoàn toàn (gửi tiết kiệm; tiền gửi có kỳ hạn; mở và sử dụng tài khoản thanh toán; thẻ ngân hàng; ví điện tử; chuyển tiền; quản lý nhân sự; kế toán - tài chính...). Nhiều ngân hàng đã ứng dụng các công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI), học máy (ML) và dữ liệu lớn (Big data) để đánh giá, phân loại khách hàng và quyết định giải ngân,... giúp đơn giản hóa quy trình, thủ tục và rút thời gian giải ngân, cho vay.
Số lượng, giá trị giao dịch ngân hàng qua kênh số có sự tăng trưởng mạnh trong quý I/2021, giao dịch qua kênh Internet đạt 156,2 triệu món, với giá trị 8,1 triệu tỷ đồng (tăng tương ứng 55,9% về số lượng và 28,4% về giá trị); giao dịch qua kênh điện thoại di động đạt 395,05 triệu món, với giá trị hơn 4,6 triệu tỷ đồng (tăng tương ứng 78% về số lượng và 103% về giá trị); giao dịch qua kênh QR Code đạt 5,3 triệu món, với giá trị 4.479 tỷ đồng (tăng tương ứng 83% về số lượng và 146% về giá trị so với cùng kỳ năm 2020).
Bên cạnh đó, hệ thống thanh toán điện tử liên ngân hàng, hệ thống chuyển mạch tài chính hoạt động ổn định, an toàn. Trong quý I/2021, tổng số lượng giao dịch qua hệ thống thanh toán điện tử liên ngân hàng đạt 37 triệu món với giá trị hơn 31 triệu tỷ đồng (tăng 6,32% về số lượng và tăng 22,98% về giá trị giao dịch so với cùng kỳ năm 2020).
Trong quý I/2021, hệ thống chuyển mạch tài chính và bù trừ điện tử của Công ty cổ phần Thanh toán quốc gia Việt Nam (Napas) cũng có sự tăng trưởng nhanh chóng, đạt 482,5 triệu món với giá trị gần 4,6 triệu tỷ đồng (tăng tương ứng 103,26% về số lượng và 147,65% về giá trị so với cùng kỳ năm 2020).
Bên cạnh đó, các chương trình miễn, giảm phí dịch vụ thanh toán trực tuyến vẫn tiếp tục được NHNN và các tổ chức tín dụng triển khai thực hiện nhằm phục vụ tốt nhất cho nhu cầu thanh toán trực tuyến và góp phần hỗ trợ người dân, doanh nghiệp đối phó với dịch bệnh, góp phần đảm bảo an sinh xã hội và đời sống Nhân dân.
Tính đến cuối quý I/2021, có trên 79 tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán triển khai thanh toán qua Internet và 44 tổ chức thanh toán qua điện thoại di động; toàn thị trường hiện có 272.263 POS và 19.714 ATM (tăng tương ứng 6,06% và 0,85% so với cùng kỳ năm 2020).
Bên cạnh đó, thời gian qua NHNN đã chủ động nghiên cứu và ban hành quy định kịp thời, phù hợp nhằm tạo điều kiện cho các hoạt động chuyển đổi số như: Hoạt động thanh toán không dùng tiền mặt, trung gian thanh toán, mở tài khoản và nhận biết khách hàng bằng phương thức điện tử eKYC, cung ứng dịch vụ ngân hàng điện tử, ban hành các tiêu chuẩn kỹ thuật (QR, thẻ Chip nội địa,..) tăng cường chuẩn hóa, tăng tính liên thông trong ngành Ngân hàng và giữa ngành Ngân hàng với các ngành, lĩnh vực khác.
Về phía các ngân hàng thương mại, hiện nay, chuyển đổi số còn là mở rộng hệ sinh thái số, qua đó, gia tăng tiện ích và trải nghiệm cho khách hàng, mở rộng thị phần và nâng tầm thương hiệu cho chính ngân hàng.
Hệ sinh thái số mang lại giá trị lớn cho ngân hàng và khách hàng
Khi các sản phẩm, dịch vụ của doanh nghiệp có sự kết nối với ngân hàng và các công ty công nghệ tài chính (Fintech), mạng lưới này sẽ tạo nên hệ thống hữu cơ giữa các sản phẩm và dịch vụ khác nhau, từ đó mang lại giá trị thặng dư lớn hơn nhiều cho khách hàng so với việc sử dụng các dịch vụ đơn lẻ. Ngân hàng cũng từ đó mở rộng khách hàng, phát triển thêm nhiều các sản phẩm, dịch vụ trên nền tảng công nghệ, gia tăng thị phần, doanh thu và dần có mặt trong mọi giao dịch của khách hàng trong đời sống hàng ngày. Do vậy, xây dựng một hệ sinh thái đa dạng đang là định hướng của nhiều ngân hàng trong phát triển ngân hàng số.
Ngoài sự tiện lợi, việc đặt mua sản phẩm, dịch vụ qua ứng dụng ngân hàng còn giúp người dùng yên tâm bởi sự đảm bảo từ phía ngân hàng. Ngân hàng tạo ra nền tảng kết nối khách hàng với những đơn vị cung cấp dịch vụ tiêu dùng để đem lại giá trị gia tăng cho khách hàng. Do vậy, các đối tác trong hệ sinh thái số luôn được ngân hàng lựa chọn kỹ lưỡng dựa trên nhiều yếu tố như uy tín, thương hiệu, chính sách bán hàng minh bạch, sản phẩm, dịch vụ phù hợp và đặc biệt là công nghệ bảo mật cao.
Khách hàng giao dịch trên nền tảng ứng dụng ngân hàng số sẽ có mức độ bảo mật cao do áp dụng các công nghệ bảo mật tốt nhất. Không chỉ vậy, các giao dịch trên ứng dụng ngân hàng số luôn được lưu lại trong sao kê tài khoản, giúp khách hàng dễ dàng quản lý thông tin và đối chiếu đơn hàng khi cần thiết. Tính năng tra soát trực tuyến giúp khách hàng tra soát các giao dịch ngay trên ứng dụng. Không chỉ mang lại sự tiện lợi và an tâm, khách hàng còn nhận được những ưu đãi khi chi tiêu qua ứng dụng ngân hàng số. Những yếu tố này giúp khách hàng yên tâm khi mua sắm dịch vụ của đối tác thứ ba trên nền tảng ứng dụng ngân hàng số.
Trong hệ sinh thái số, thanh toán số được coi là “cửa ngõ” để kết nối liền mạch với các dịch vụ ngân hàng khác như cho vay, đầu tư, bảo hiểm... và là kênh giao tiếp thuận tiện với các hệ sinh thái số bên ngoài nhằm cung ứng các sản phẩm, dịch vụ an toàn, tiện lợi, cá nhân hóa với chi phí hợp lý. Với hệ sinh thái thanh toán số, người tiêu dùng không cần đến nơi giao dịch, hạn chế được các giao dịch giấy tờ phức tạp, mà chỉ cần một thiết bị có kết nối mạng là có thể thao tác, thực hiện nhiều loại hình dịch vụ khác nhau (về tài chính, ngân hàng, mua sắm hàng hóa, dịch vụ trực tuyến, thanh toán các hóa đơn điện, nước, nộp các khoản, phí, lệ phí,...). Qua hệ sinh thái thanh toán số, các thông tin, lịch sử giao dịch của khách hàng cũng được lưu trữ, bảo mật.
Hiện nay, không ít ngân hàng lớn đang đầu tư đồng bộ để chuyển đổi số toàn diện, trong đó ngân hàng số là trụ cột. Tiêu biểu cho xu hướng này có thể kể đến BIDV với dịch vụ ngân hàng số thế hệ mới BIDV SmartBanking với hàng loạt các ứng dụng như: Mở tài khoản trực tuyến bằng công nghệ eKYC, cá nhân hóa tính năng, hình ảnh đại diện, ảnh nền theo sở thích, hệ sinh thái tiện ích toàn diện với gần 2.500 dịch vụ đa dạng. Đây cũng là ngân hàng số có phiên bản hỗ trợ trên đồng hồ thông minh và bàn phím thông minh, giúp giao dịch ngay trên giao diện trò chuyện/nhắn tin như Messenger, Zalo, iMessage, Viber...
Trong khi đó, không chỉ cung cấp các sản phầm, dịch vụ ngân hàng trên nền tảng công nghệ số, VIB còn là ngân hàng tiên phong cung cấp bảo hiểm sức khỏe qua ứng dụng ngân hàng di động MyVIB. Hiện MyVIB có hơn 100 tiện ích thanh toán như dịch vụ điện, nước, Internet, đóng bảo hiểm, mở tiết kiệm trực tuyến, nạp tiền điện thoại, thanh toán qua mã QR, nạp tiền vào các ví điện tử, mua vé máy bay,... Mạng lưới đối tác xung quanh hệ sinh thái của ứng dụng MyVIB vẫn đang được tiếp tục mở rộng nhằm tối ưu lợi ích của người dùng.
Mới đây, SeABank cũng ra mắt ứng dụng ngân hàng số SeAMobile, với sự đồng nhất tất cả trải nghiệm, giao diện và tính năng ở mọi nền tảng máy tính, thiết bị di động với tốc độ xử lý giao dịch nhanh chóng, giúp khách hàng thanh toán mọi loại hóa đơn. Vietcombank triển khai dịch vụ Ngân hàng số VCB Digibank, giúp khách hàng trải nghiệm mọi tiện ích tài chính từ chuyển tiền, gửi tiết kiệm tới thanh toán hóa đơn, bảo hiểm, học phí, dịch vụ hành chính công, mua sắm trực tuyến…
Đối với các Fintech, hệ sinh thái số cũng đóng vai trò tiên quyết. Nếu không có hệ sinh thái thì các công ty Fintech sẽ nhanh chóng phá sản. Khi các ngân hàng triển khai với Fintech, chẳng hạn với một ví điện tử thì ngoài việc sử dụng Mobile Banking, số lượng khách hàng gia tăng đáng kể khi có hệ sinh thái khách hàng từ nhà hàng, y tế, vận tải, vé máy bay... Nói cách khác, hệ sinh thái số đóng vai trò tiên quyết và Fintech nào có hệ sinh thái lớn sẽ làm chủ thị trường và cuộc chơi.
Với nhiều tiện ích và phù hợp xu hướng số hóa, việc mở rộng hệ sinh thái đang được các ngân hàng, các công ty công nghệ tài chính phối hợp triển khai. Tuy nhiên, ngoài việc tạo ra sự đa dạng trong dịch vụ cung ứng, ngân hàng và các Fintech cũng cần tập trung đảm bảo chất lượng, đầu tư công nghệ bảo mật để có thể đồng hành tối đa với người sử dụng trong cuộc sống hằng ngày. Bởi tính an toàn dữ liệu thông tin khách hàng, nguy cơ tấn công tài khoản từ tội phạm mạng đang là trở ngại không nhỏ khiến một bộ phận người dân e ngại khi tiếp cận dịch vụ ngân hàng trên nền tảng công nghệ. Chưa kể, thực tế còn những cá nhân, tổ chức kinh doanh trực tuyến lừa đảo, gian lận khiến khách hàng không có nhiều niềm tin để chấp nhận thanh toán trực tuyến trước, mà phải chờ đến khi nhận hàng, kiểm tra hàng mới thanh toán bằng tiền mặt.
Mở rộng hệ sinh thái số nhằm thúc đẩy số hóa ngân hàng
Để thúc đẩy quá trình số hóa ngân hàng cùng xu hướng mở rộng hệ sinh thái số, nhằm đưa lại tiện ích tối ưu cho người dùng, qua đó thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt phát triển, về phía các cơ quan quản lý Nhà nước cần phối hợp chặt chẽ để đẩy nhanh tiến độ xây dựng văn bản quy phạm pháp luật, hoàn thiện cơ chế chính sách, khung khổ pháp lý trong hoạt động ngân hàng thích ứng với cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư với mục tiêu tạo thuận lợi và thúc đẩy các mô hình kinh doanh, quản trị điều hành trong lĩnh vực ngân hàng theo hướng bứt phá, đổi mới, sáng tạo, song vẫn chú trọng tới công tác đảm bảo an ninh mạng và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng nhằm hạn chế những rủi ro, thách thức trong bối cảnh bùng nổ công nghệ số. Trong đó, NHNN phối hợp các bộ, ngành liên quan tiếp tục nghiên cứu, rà soát và đề xuất sửa đổi, bổ sung các vấn đề cần được luật hóa và các quy định pháp luật nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động chuyển đổi số ngân hàng, ưu tiên vào các nội dung liên quan đến ứng dụng các công nghệ số như: Thu thập, khai thác, xử lý và chia sẻ dữ liệu khách hàng; giao dịch điện tử; xây dựng và triển khai Cơ chế thử nghiệm có kiểm soát hoạt động công nghệ tài chính (Fintech) trong lĩnh vực ngân hàng; ban hành các tiêu chuẩn dữ liệu, tiêu chuẩn kỹ thuật; xây dựng hoàn thiện hạ tầng dùng chung...
Bên cạnh đó, ngành Ngân hàng cần hướng tới thiết lập hạ tầng thanh toán thống nhất, đồng bộ, có khả năng tích hợp, kết nối các ngành, lĩnh vực khác, từ đó mở rộng hệ sinh thái số; đồng thời phối hợp các ngành, lĩnh vực khác nghiên cứu và triển khai hạ tầng tập trung để cho phép kết nối, khai thác, chia sẻ dữ liệu với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, Cơ sở dữ liệu doanh nghiệp, các ngành, lĩnh vực để khai thác, tổng hợp dữ liệu phục vụ xác minh thông tin, phân loại, đánh giá khách hàng...
Ngoài ra, cần sự phối hợp đồng bộ giữa các cơ quan quản lý Nhà nước (như Bộ Công Thương, Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Công an...) trong việc xây dựng hành lang pháp lý bảo vệ quyền lợi hợp pháp của người tiêu dùng trên không gian mạng, ngăn chặn và xử lý kịp thời những hành vi gian lận, lừa đảo trong giao dịch thương mại điện tử, từ đó tạo dựng niềm tin cho khách hàng khi tiếp cận các dịch vụ trong hệ sinh thái số.
Các ngân hàng, Fintech cần chú trọng vào việc sử dụng công nghệ để xây dựng hệ sinh thái số, ứng dụng cho người dùng. Do đó, cần tiếp tục nghiên cứu ứng dụng công nghệ hiện đại và đổi mới sáng tạo để thiết kế, triển khai các sản phẩm dịch vụ ngân hàng trên điện thoại thông minh, nâng cao trải nghiệm cho khách hàng; ưu tiên phát triển hoạt động kinh doanh, cung ứng sản phẩm, dịch vụ ngân hàng theo mô hình ngân hàng số, trong đó, lấy thanh toán số làm “cửa ngõ” để kết nối liền mạch với các dịch vụ ngân hàng khác như cho vay, đầu tư, bảo hiểm... và giao tiếp thuận tiện với các hệ sinh thái số bên ngoài nhằm cung ứng các sản phẩm, dịch vụ an toàn, tiện lợi, cá nhân hóa với chi phí hợp lý và sự tường minh.
Các ngân hàng thương mại, các tổ chức cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán chú trọng đầu tư hạ tầng công nghệ thông tin, ứng dụng công nghệ 4.0 để đảm bảo an ninh mạng, bảo vệ dữ liệu thông tin khách hàng. Đặc biệt, coi nguồn nhân lực ngân hàng có chất lượng là nhân tố quyết định thành công trong chuyển đổi số, phát triển ngân hàng số; cùng với đẩy mạnh truyền thông, giáo dục tài chính, giúp người tiêu dùng sử dụng các sản phẩm dịch vụ tài chính hiện đại vừa an toàn, hiệu quả.
Tài liệu tham khảo:
1. Cổng thông tin điện tử NHNN: sbv.gov.vn;
2. Cổng thông tin điện tử Chính phủ: chinhphu.vn;
3. Quyết định số 810/QĐ-NHNN ngày 11/5/2021 của NHNN phê duyệt “Kế hoạch chuyển đổi số ngành Ngân hàng đến năm 2025, định hướng đến năm 2030”.
Trần Hoàng Anh
Ngân hàng Nhà nước