Từ đầu tháng 8 này, 4 NHTM Vietcombank, VietinBank, Agribank và BIDV đã đồng loạt giảm 0,5% lãi suất cho vay đối với 5 nhóm lĩnh vực ưu tiên và DN khởi nghiệp.
Theo Vietcombank, việc giảm 0,5% lãi suất đối với các khoản vay ngắn hạn bằng tiền đồng cho 5 nhóm lĩnh vực ưu tiên, bao gồm lĩnh vực nông nghiệp nông thôn, xuất khẩu, DNNVV, công nghiệp hỗ trợ, DN sản xuất sản phẩm có hàm lượng công nghệ cao, sẽ tác động tích cực đến hàng ngàn khách hàng vay vốn. Theo thống kê của Vietcombank, dư nợ cho vay 5 nhóm lĩnh vực ưu tiên và khởi nghiệp chiếm khoảng 20% tổng dư nợ ngân hàng này (tương đương khoảng 140.000 tỷ đồng).
Trong khi đó, với các gói tín dụng ưu đãi 60.000 tỷ đồng cho khối DNNVV và 10.000 tỷ đồng cho nhóm DN khởi nghiệp, VietinBank cũng cho rằng, việc giảm lãi suất thêm 0,5%/năm sẽ giúp các chi nhánh của hệ thống ngân hàng này có thể hỗ trợ cho hàng trăm ngàn DN ở các địa phương, nhất là các DN tham gia vào các chuỗi liên kết phát triển công nghiệp hỗ trợ và ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp. Bởi các nhóm liên kết chuỗi giá trị khép kín này đang được VietinBank tài trợ vốn cho hàng nghìn dự án lớn, nhỏ.
Việc các NHTM lớn giảm lãi suất cho vay không chỉ tác động tích cực đến khu vực DN sản xuất, kinh doanh; mà ở góc độ đầu tư, động thái này tác động tích cực đến hiệu quả chi tiêu ngân sách. Bởi hiện nay, cả ở cấp độ Trung ương và địa phương, hầu như tất cả các chương trình hỗ trợ tài chính DN, hỗ trợ phát triển các lĩnh vực, ngành nghề đều tựa vào cơ chế dùng ngân sách cấp bù lãi suất vay vốn ngân hàng để triển khai thực hiện.
Chẳng hạn, ở phạm vi cả nước đối với chính sách khuyến khích DN đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp - nông thôn, hiện nay ngân sách Trung ương và ngân sách các địa phương mỗi năm đang phải bỏ ra trung bình khoảng 100-150 tỷ đồng để hỗ trợ cấp bù một phần hoặc toàn bộ lãi suất vay vốn theo Nghị định 210/2013 (hiện nay được thay thế bằng Nghị định 57/2018) tại các dự án.
Hay như chính sách hỗ trợ giảm tổn thất sau thu hoạch trong lĩnh vực nông nghiệp, theo thống kê hiện nay phần vốn vay được ngân sách hỗ trợ 70-100% lãi suất trên cả nước đã đạt con số trên 5.000 tỷ đồng. Điều này có nghĩa rằng đã có ít nhất vài trăm tỷ đồng ngân sách đã được chi ra để hỗ trợ tài chính cho các DN, hộ nông dân và các hợp tác xã nhằm mua sắm các máy móc thiết bị nông nghiệp.
Tại TP.HCM, số liệu thống kê cho thấy với chương trình khuyến khích chuyển dịch cơ cấu nông nghiệp đô thị, từ năm 2011 đến nay ngân sách địa phương đã bỏ ra khoảng trên 560 tỷ đồng để hỗ trợ cấp bù lãi suất cho các DN, dự án thuộc lĩnh vực ưu tiên chuyển dịch. Ngoài ra, với chương trình xây dựng nông thôn mới, ngân sách địa phương cũng đã cấp bù khoảng 180 tỷ đồng hỗ trợ lãi suất vay vốn cho các dự án, công trình ở cấp xã, phục vụ xây dựng cơ sở hạ tầng.
Ở các địa phương khác, tình hình cũng diễn ra tương tự. Với các chính sách hỗ trợ lãi suất phục vụ tái cơ cấu nền kinh tế nông nghiệp, khuyến khích đầu tư vào nông nghiệp nông thôn, khuyến khích áp dụng công nghệ cao trong sản xuất nông sản sạch, giảm tốn thất sau thu hoạch hoặc hỗ trợ phát triển vùng nguyên liệu trồng trọt, chăn nuôi tập trung… hiện nay mỗi năm các địa phương đang phải chi ra từ vài trăm đến vài chục tỷ đồng để thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế dài hạn.
Với nguồn ngân sách hữu hạn việc chi tiêu, giải ngân cho các chương trình, chính sách hỗ trợ tài chính DN thực tế thời gian qua cũng đã bộc lộ một số bất cập, chậm trễ và thiếu hiệu quả. Nhiều địa phương không cân đối được các nguồn lực đầu tư công đã phải trông chờ phần lớn vào nguồn ngân sách Trung ương bố trí và phân bổ.
Chính vì vậy, việc hàng loạt các NHTM lớn công bố giảm lãi suất cho vay đối với các nhóm, lĩnh vực ưu tiên trong thời điểm này thực sự đã mang đến một “món quà” giúp các địa phương sử dụng tiết kiệm và hiệu quả hơn nguồn lực ngân sách. Khi mức tiền cấp bù lãi suất đối với từng chương trình, từng dự án giảm đi cũng đồng nghĩa rằng mỗi chính sách hỗ trợ tài chính sẽ có thêm nguồn tiền khả dụng để mở rộng đối tượng nhận hỗ trợ và khi đó vai trò vốn mồi của ngân sách và vốn vay tín dụng ngân hàng sẽ lan tỏa tốt hơn trong xã hội.
Bình Thạch
Nguồn: thoibaonganhang.vn